Từ ngôi nhà số 4…

Thứ Ba, 14/02/2023 00:28

. KHUẤT QUANG THỤY
 

Những năm tháng lăn lộn, tôi rèn nơi chiến trường, ở các đơn vị cơ sở đã cho mỗi người lính viết văn, làm thơ Nhà số 4 một “chất thép”. “Chất thép” ấy không chỉ trong làm nghề, trong mỗi trang văn mà còn trong việc ứng đối với những tình huống trong cuộc sống. “Chất thép” ấy vẫn theo họ mãi ngay cả khi đã rời quân ngũ, đã xa ngôi nhà số 4 thân thương...

Đầu năm 2011, tôi đang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì nhận quyết định của Tổng cục Chính trị cho nghỉ công tác chờ hưu. Tôi liền có một quyết định “chiến lược” là bắt tay làm ngôi nhà ở làng Thanh Phần quê tôi để làm nơi vui thú điền viên lúc tuổi già. Nhưng tôi vẫn chưa được “về vườn” bởi Chủ tịch Hội Nhà văn là nhà thơ Hữu Thỉnh, một người xuất thân từ Nhà số 4, vừa là đàn anh vừa là thủ trưởng cũ, thân tình giao cho tôi một việc rất khó nhằn là làm Tổng biên tập website của Hội. Trang điện tử này được khai trương đã lâu nhưng rất xập xệ, có nhiều ngày nằm ngay đơ không động cựa được, lại có lúc bị hacker nhảy vào cắm cờ, phát ngôn rất không thân thiện về Hội Nhà văn và ông Chủ tịch. “Cậu là người dựng nên trang thông tin điện tử của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng được coi là có chút kinh nghiệm rồi. Không nhận việc này thì đùn cho ai?” Thế là tôi phải nhận, mặc dù lúc ấy tôi đang là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Kiểm tra của Hội. Thế mới oái ăm, bên thì cho nghỉ, bên thì giao “hai tay hai súng”.

Tôi xắn tay vào làm cùng lúc mấy việc. Cuối cùng website mới của Hội với tên miền vanvn.net cũng ra đời và vận hành trơn tru. Và ngôi nhà ở quê cũng xong. Hôm khánh thành nhà tôi mang về hai báu vật để trang trí trong phòng khách: Một là mô hình nhà rông Tây Nguyên do Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 tặng dịp tôi vào dự khánh thành Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn. Tôi có đóng góp vào công trình tình nghĩa này bài văn bia rất hùng tráng, được anh em cán bộ chiến sĩ sư đoàn, nhất là cánh cựu chiến binh rất thích. Báu vật thứ hai chính là tấm ảnh khổ lớn, đóng khung trang trọng mô tả một góc Nhà số 4, phố Lý Nam Đế với gốc đại già và những bông hoa đại rơi trắng đất như trong thơ Nguyễn Đức Mậu.

Sở dĩ tôi mang hai báu vật này về nhà mới bởi đó là tượng trưng cho hai quãng đời quan trọng nhất làm nên cuộc đời tôi, làm nên nhà văn Quân đội Khuất Quang Thụy.

*

*         *

Phần còn lại của cuộc đời tôi hoá ra chẳng có chút an nhàn nào. Nhà văn Sương Nguyệt Minh khi thấy tôi chưa được nghỉ, đã cảm thán thốt lên: “Bác đúng là con trâu già đang phải kéo nốt những đường cày cuối vụ!” Hoá ra cái “đường cày cuối vụ” mà tôi phải kéo, nó dài tới tận ngày hôm nay.

Có người đã hỏi tôi: “Sao mà trụ được lâu đến thế?” Tôi thuận mồm trả lời: “Chỉ có chất lính mới giúp chúng tôi có sức bền để trụ được lâu đến thế thôi.” Tôi nói thế vì trước tôi đã có một ông lính trụ được lâu hơn, đó là Nguyễn Trí Huân. Hậu hưu trí của nhà văn Nguyễn Trí Huân là một “đường cày” kéo dài hơn chục năm tại Hội nhà văn rồi đến Báo Văn nghệ, kéo thêm mấy năm nữa ở Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm và mới chỉ được “tháo cày” gần đây sau Đại hội Nhà văn lần thứ X. Và một “người đặc biệt”, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, người chỉ được nhận sổ hưu sau hơn hai mươi năm đã quá tuổi nghỉ hưu!

Chất lính có lẽ không chỉ là sức bền, là ý chí mà còn là cái gì đó sâu thẳm hơn, thiêng liêng hơn thật khó gọi ra được. Vào cuối năm 2012, Chủ tịch Hữu Thỉnh gọi tôi lên phòng làm việc của ông và bảo “Chú chuẩn bị về Báo Văn nghệ, sẵn sàng thay ông Huân. Lão này có vẻ mệt mỏi lắm rồi, để ông ấy về làm Tạp chí cho nhàn hơn một chút”. Tôi im lặng một lát rồi hỏi lại “Vậy, ai thay em làm trang Web?” “Trước mắt chưa có ai. Chú tạm trông nom một thời gian nữa. Tôi sẽ tìm người thay, yên tâm đi!” Nhưng tôi cũng phải trình bày với Chủ tịch một việc: Tôi chưa quen làm tuần báo. Làm tạp chí như bên Văn nghệ Quân đội thì rất yên tâm vì lúc nào cũng có “quân hùng tướng mạnh”, lại là môi trường quân ngũ, trên bảo dưới nghe. Báo Văn nghệ lại là chuyện rất khác. Trước mắt phải cho tôi có thời gian làm quen, học việc đã. Chủ tịch Hội đồng ý, trước mắt tôi là về làm Phó Tổng biên tập đã.

Ngày tôi về báo “nhậm chức” Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân còn chẳng ngó qua cái quyết định, chỉ ngay vào cái bàn làm việc của ông mà bảo: “Đấy, chú ngồi ở đấy mà làm việc!” Tôi hoảng hốt xua tay: “Không được, đấy là bàn làm việc của anh. Anh bảo Phòng Hành chính bố trí cho tôi ngồi đâu đó ngoài kia cho tiện!” Anh thở dài nhìn tôi với cái nhìn có chút thương cảm: “Chú ý tứ vớ vẩn làm gì. Cái “nhà” này là chú phải gánh rồi. Trốn sao được. Thôi được, để tôi bảo anh em hành chính nó kê thêm một cái bàn bên cạnh để chú ngồi tạm.” Thế là đã có một câu chuyện hi hữu hiếm thấy trên “quan trường”: Thủ trưởng cơ quan và cấp phó mới tò te của mình dùng chung một phòng làm việc, trong khi cơ quan không phải thiếu phòng.

Tôi đã rất yên tâm và mãn nguyện khi được ngồi ghế phụ như vậy. Có lẽ vì anh Huân vốn là thủ trưởng cũ của tôi khi ở Nhà số 4, chúng tôi luôn vẫn luôn coi nhau như bạn bè, vẫn luôn là đồng chí đồng đội của nhau. Anh từng hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc và cũng từng che chắn trong những lần tôi gặp phong ba bão táp. Tôi không kể ra đây không phải vì tôi không nhớ, mà vì trong bài viết này không có chỗ để dông dài kể những chuyện riêng tư. Tôi tin chắc rằng sẽ cứ yên ổn mà ngồi làm việc như vậy cho đến khi “hết đường cày cuối vụ”, nếu anh Huân cũng có gan và có sức ngồi ở cái bàn kia cho đến tận ngày hôm nay.

Nhưng cuộc đời chẳng chiều theo ý nguyện của tôi. Tôi chỉ được ngồi ghế phụ làm “ét” cho nhà văn Nguyễn Trí Huân được nửa năm. Cuối tháng 6/2013 thì anh chính thức rời báo Văn nghệ để chuyên tâm làm Phó Chủ tịch Hội kiêm chức Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm. Vậy là đến Nguyễn Trí Huân cũng vẫn phải “hai tay hai súng”.

Nếu cần phải nhắc đến một nhà văn giàu chất lính nhất ngay cả khi đã rời quân ngũ thì tôi không ngần ngại khi nhắc đến Nguyễn Trí Huân. Anh là nhà văn có tính kỉ luật nhất, tính đồng đội nhất và rất nghiêm khắc với mình từ trong đời sống, sinh hoạt đến sáng tác. Điểm yếu duy nhất của anh là đôi khi mềm yếu và hay… thở dài. Nghe nói dạo này anh đã ít thở dài hơn. Có lẽ vì đã được “tháo cày” ít phải chịu trách nhiệm hơn. Nhưng nói thế chưa chắc đã hẳn đúng, có khi còn hơi vội vàng. Mới đây khi có dịp gặp anh tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc ở Đà Nẵng, anh hỏi tôi nhiều câu rất hóc búa về chuyện đổi mới Báo Văn nghệ và những khó khăn triền miên mà báo Văn nghệ chưa vượt qua được kể từ khi anh còn đương chức. Và anh lại thở dài!

*

*        *

Nếu nói về sự nối dài chất lính của các nhà văn ra đi từ Nhà số 4 thì sẽ rất thiếu sót nếu không kể vài điều về anh lính thần đồng Trần Đăng Khoa. Một người chắc chắn đã lập kỉ lục về mang mặc và yêu mến bộ quân phục. Trần Đăng Khoa thích mặc quân phục tới mức… gây bức xúc cho một số người, nhất là cho… những cô gái ở văn phòng Hội Nhà văn. Anh có thể mặc quân phục mọi lúc, mọi nơi kể cả khi tiếp khách quốc tế hay bước lên các diễn đàn sang trọng. Đã có lần tôi hỏi: “Hình như ông rất thích mặc quân phục thì phải?” Trần Đăng Khoa cười hồn nhiên: “Em thấy mặc thế này rất được mà.” Xét về mặt về hình thể thì có thể nói thẳng rằng, cái “phom” của Khoa hoàn toàn… bất lợi cho việc lên cả cây quân phục. Có lúc Khoa bình luận về gu thời trang của mình một cách tếu táo: “Mặc thế này cho dễ lừa con gái.” Ý anh là mặc vậy trông có vẻ thật thà, dễ tin hơn. Những lúc như thế trông Khoa “cuội” hơn bao giờ hết!

Trần Đăng Khoa là một người lính thứ thiệt. Anh từng có một quãng thời gian công tác ngoài Trường Sa với tư cách người chiến sĩ hải quân, vì thế anh mới viết được cuốn Đảo chìm, đến nay vẫn là tác phẩm nổi nhất dù đã có rất nhiều nhà văn, nhà báo viết về đảo chìm. Rất ít người có thể hình dung ra một chân dung Trần Đăng Khoa từng là lính Trường Sa, cũng ít ai có thể phác hoạ được chân dung một Trần Đăng Khoa từng là Bí thư Đảng của một cơ quan truyền thông trọng yếu của đất nước, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Và bây giờ là một Trần Đăng Khoa là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn - Bí thư Đảng uỷ cơ quan Hội Nhà văn kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Anh là một “yếu nhân” thực sự trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sức làm việc bền bỉ, kiên nhẫn, khả năng hoà đồng, khả năng tranh biện và cả thoả hiệp, chấp nhận khi cần thiết… đã tạo nên một Trần Đăng Khoa của ngày hôm nay. Dù anh mang quân phục hay thường phục thì cái chất lính vẫn cứ lồ lộ bày ra, không thể nào khác được.

Không biết từ bao giờ, các cơ quan Hội Nhà văn đã trở thành “điểm đến” của các nhà văn Quân đội nói chung và từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói riêng. Trước lớp chúng tôi đã có những nhà văn rất tài năng có mặt tại những nơi này như Hữu Mai, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hà Phạm Phú, Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh… Có thể nói các nhà văn chiến sĩ từ lâu đã trở thành một nguồn mạch quan trọng cung cấp cán bộ cho những cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó chính là một điểm son khi nói đến sự thành công trong việc hoạch định và triển khai chiến lược về xây dựng văn hoá con người của quân đội ta kể từ khi ra đời đến nay.

K.Q.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)