. PHAN VƯỢNG
Bà nội tôi mất sớm, mười tám tuổi mẹ về làm dâu. Trên đôi vai gầy, mẹ vừa phải chăm lo cho gia đình nhỏ của mình vừa thay bà nội chăm sóc hai đứa em chồng đang tuổi ăn tuổi học, rồi dựng vợ gả chồng cho cô cho chú. Chịu thương chịu khó là vậy nhưng mẹ tôi lại lận đận về đường con cái. Chín lần sinh nở nhưng chỉ nuôi được hai chị em chúng tôi. Ông tôi vì thương cho người vợ hiền xấu số vừa đau buồn vì các cháu phận mỏng nên thời gian đầu ông trở nên ít nói, trầm mặc, đi về như cái bóng, rồi ông bỗng nói nhiều, toàn chuyện đâu đâu chẳng ăn nhập gì với cuộc sống thường nhật, nhiều khi không làm chủ được cảm xúc ông đập cái này, phá cái kia… Trong hoàn cảnh như thế, cha tôi lại đi dân công hỏa tuyến ở tận Thượng Lào, một mình mẹ vừa làm ruộng, vừa nuôi con, vừa chăm sóc bố chồng đau yếu. Buồn nhất là về ban đêm. Cửa đóng kín mít, nhà tối om. Chỉ một tiếng động nhỏ, mẹ con tôi cũng giật mình lo lắng. Tôi không thể quên được cảnh nhiều đêm mẹ con dắt díu nhau chạy băng qua vườn trong mưa gió sang ngủ nhờ nhà hàng xóm vì căn bệnh quái ác của ông. Lúc đó, ông không còn nhận ra được ai là người thân yêu của mình nữa. Thương cho hoàn cảnh của mẹ, chính quyền đã điện cho cha tôi về.
Cha về. Bầu trời như rộng thêm ra, căn nhà sáng hơn, ấm hơn, đêm đêm mẹ con không phải đi ngủ nhờ nhà hàng xóm nữa. Có những lúc ông không làm chủ được cảm xúc, cha phải lao vào ôm chặt lấy ông. Vật vã một lúc rồi ông cũng chịu nằm yên. Cha tôi nói trong nước mắt “Con xin chịu tội bất hiếu với cha, nhưng con không làm khác được”. Những lúc như thế, hai chị em chúng tôi chỉ biết ôm chặt lấy nhau khóc rưng rức. Vừa thương cha vừa thương ông. Cha lo chạy vạy thuốc thang cho ông. Hễ ai mách ở đâu có thầy giỏi thuốc hay là cha tìm mua bằng được. Có khi thuê cả thầy lang đến bắt mạch kê đơn cho ông. Trời không phụ công. Hơn một năm sau ông khỏi bệnh. Căn nhà lại rộn rã tiếng cười vui.
Nhà gần sông nên tuổi thơ tôi gắn liền với con sông quê yêu dấu. Con sông nhỏ già nua chảy ngoằn ngoèo ôm chặt lấy làng Thịnh Lạc, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An. Hai bên bờ toàn cỏ năn và lau lách, sông nhiều tôm cá nên hai triền sông người ta đào đìa to đìa nhỏ san sát, trong đìa lấy ván ghép thành hình cái hầm, trên hầm được che bởi nhiều loại cành lá rậm rạp tạo thành không gian sống lí tưởng để nhử tôm cá. Chợ xa cho nên sông là nguồn sống, nguồn cung cấp thực phẩm chính cho cả làng.
Ngay từ khi còn bé tôi đã được theo cha lặn lội trên sông. Lớn hơn một chút, được đi học, khi nhớ hết mặt các con chữ thì cũng là lúc tôi thuộc lòng các ngày con nước. Vào những ngày nước cạn, khi thức ăn khan hiếm, cả làng đi tát cá. Mỗi lần được cha cho đi theo là tôi thích thú lắm, chẳng cần mặc áo (vì sợ bẩn mất áo đẹp), cứ trần trùng trục như thế chạy ra sông. Khi gàu dây được chuẩn bị xong, cha một bên, mẹ một bên nhịp nhàng múc nước lên. Còn tôi, có nhiệm vụ đứng phía trước, nơi gàu đổ òa xuống để chặn bắt cá. Những con cá mái, cá mương to bằng ngón tay lau xau thấy nước động là lao vào. Bị múc lên bờ phơi bụng trắng xóa, chúng giãy đành đạch rồi vội vàng lách theo dòng nước để chạy thoát thân. Tôi lao vào bắt, có những lúc trượt hứng trọn một gàu nước đổ từ trên đầu xuống, có khi bị hất tung ra xa nữa. Mẹ xót xa, cha thì cười hài hước “con cá mái, vại nước mắm đó con”. Một buổi như thế tôi bắt được mấy chục “vại nước mắm”. Khi đìa sắp cạn, cá trong hầm quẫy phá ồng ộc rồi những con cá tràu to bằng bắp chân bắp tay lao ra, rẽ nước chạy lộ vây trên lưng trông thật thích. Đìa cạn, cha tôi mang giỏ lội xuống để bắt. Được con nào to, ông giơ lên lắc lắc, khoe. Tiếng vỗ tay, tiếng hò hét của chị em tôi vang động cả khúc sông.
Những hôm nước sông cạn gần đến đáy, tôi cùng thằng Dương con chú ruột và mấy đứa bạn chăn bò lại rủ nhau đi tát sông. Chúng tôi đắp ngang dòng sông lại mà tát. Cá nhiều, nhiều nhất là cá rô, cá diếc và tôm, thi thoảng bắt được cả cá tràu nữa. Tát xong cả lũ kéo nhau lên bãi chia nhau. Tôi có thằng bạn khôn lắm, mỗi khi chia phần, nó chọn con cá to nhất rồi bảo: Nhà ít người nên tao lấy một con này thôi, còn lại tất cả cho chúng mày. Bọn trẻ ranh chúng tôi thấy thế thì mừng tít mắt vì được phần nhiều. Xong, của thằng nào thì thằng ấy xâu mang về. Cá đưa về được mẹ chế biến thành nhiều món. Hôm rán, hôm kho, hôm nướng cho chín rồi làm sạch, tước lấy thịt, bỏ xương, đem cho vào chảo thêm thìa mỡ và một ít gia vị, chao lên, thơm lừng. Ngày nay nó là đặc sản nhưng ngày xưa là món ăn hàng ngày của người dân quê tôi.
Vào những buổi trưa hè nóng nực, gió Lào thổi ràn rạt, nóng rát mặt. “Vị khách” từ nước Lào xa xôi này đến từ tháng tư đến hết tháng chín. Người dân quê tôi khốn khổ vì “vị khách” này nhưng cũng là cơ hội để lũ trẻ thả sức vẫy vùng ngụp lặn.
Nơi để lại cho tôi nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất là cầu cố Cai Chuyên, ở phía đông nam của làng. Cầu mang tên người làm ra nó. Nói là cầu nhưng thực ra nó chỉ là một cây phi lao to và dài bắc từ bên này sang bên kia sông để cho bà con xóm đạo đi lễ. Đây là nơi tụ hội của lũ trẻ hai xã Nghi Diên và Nghi Vạn ở sát sông. Lúc đầu cầu vẫn đang còn tay vịn nhưng dần dà lũ trẻ chúng tôi tháo vứt đi, thành ra cầu là của riêng chúng tôi, người lớn không dám qua vì sợ ngã. Trưa nào cũng vậy, lũ trẻ kéo nhau ra đây vùng vẫy. Quần áo cởi bỏ vứt trên bờ, một lũ con trai trần như nhộng xếp hàng trên cầu thi nhau lắc, nhún, thằng nào bám không vững là ngã nhào xuống sông. Tiếng cười, tiếng vỗ tay mát rượi cả trưa hè. Nước lúc đầu còn trong nhưng vẫy vùng một lúc đục ngầu. Có hôm trời nóng quá, chúng tôi ngâm mình dưới nước đến một hai giờ chiều. Tắm xong lên bờ người thằng nào thằng ấy bạc phếch những bùn, nhất là hai hố mắt, bạc có quầng. Hai tai ù đặc vì nước vào.
Có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi. Hồi đó, xí nghiệp đại tu ô tô 500 ở Gia Lâm, Hà Nội sơ tán về quê tôi. Nhà tôi cũng có mấy chú công nhân mượn ở. Các chú quý tôi lắm. Có một chú tên Quảng rất hay theo tôi đi câu cặm. Lần ấy hai chú cháu rủ nhau sang câu bờ bên kia sông. Muốn sang phải đi qua cây cầu độc mộc không tay vịn ấy. Khi đi không sao vì chân còn khô nên an toàn. Trời tháng mười một rét cắt da cắt thịt, hai chú cháu bì bõm lội hết bờ này đến bờ khác lấy câu. Lúc về chú nhường tôi sang trước, chân tôi vừa ướt, vừa lấm lem bùn đất, sang đến bờ bên này nhìn lại thấy cầu như được quét lớp bùn và nước trơn láng. Đã mấy lần chú bước ra thân cầu nhưng sợ rơi nên lùi lại. Nhìn chú đi mà tôi không nhịn được cười, giống như một diễn viên xiếc đi trên dây, hai tay thi nhau đập vào không khí để giữ thăng bằng, chân nọ tay kia, giơ ra, thu vào nhịp nhàng như nghệ sĩ múa. Đi được mấy bước chú a lên một tiếng rồi rơi tõm xuống sông, ướt lướt thướt, người run cầm cập. Tôi nghe rõ tiếng hai hàm răng của chú va vào nhau vì rét. Nhìn cảnh hai chú cháu đi câu về ai cũng cười. Riêng tôi bị mẹ mắng cho một trận.
Làng tôi là dải đất cuối cùng của xã nhưng lại bị ngăn cách với khu dân cư trung tâm bởi con sông quê yêu dấu này. Làng có hai mươi bảy nóc nhà. Không biết từ ngày mang dao, mang cuốc đi mở cõi, vì sao tổ tiên của làng lại chọn mảnh đất này để dựng cơ nghiệp. Vùng đất vừa thấp, vừa đi lại khó khăn, về mùa mưa lũ, làng như một hòn đảo nhỏ nhoi, ba bề bốn phía nước ngập trắng xóa. Lúa và hoa màu ngập sâu, việc đi lại chủ yếu bằng những chiếc bè tự chế rất nguy hiểm. Vì thế, việc học hành của con trẻ cũng bị gián đoạn. Có lẽ các bậc tiền bối chọn nơi đây là bởi nó “cận thủy, cận sơn”, gần sông nên khí hậu ôn hòa, mùa hè hơi nước bốc lên mát rượi, mùa đông lại ấm áp, tôm cá nhiều, đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Gần núi nên việc khai thác vật liệu cát, đá, sỏi để xây dựng nhà cửa rất thuận tiện, các thứ củ quả dễ trồng, không lo thiếu chất đốt. Trong điều kiện địa hình như vậy, khí hậu như vậy thì con người có thêm sức khỏe cũng không khó hiểu.
Trong kí ức của tôi, làng vừa có nét cổ kính vừa có nét hiện đại, cuộc sống thanh bình, yên vui, đúng như tên gọi: Thịnh Lạc. Làng có sân đình, bến nước, cây đa, có lũy tre xanh... tạo cảnh quan vừa trang nghiêm vừa thơ mộng. Đình được xây dựng trên một cồn cát cao, ngay đầu con đường vào làng, cửa quay về phía bắc. Khi tôi lớn lên, đình đã bị phá nhưng cổng tam quan vẫn còn: cao to, đẹp và uy nghi lắm. Đình có tên là Phúc Thụ. Cha tôi kể, hồi nhỏ, ông cùng mấy đứa bạn trong một lần theo người lớn đi họp làng, vì ngủ quên, khi tỉnh dậy thì mọi người đã về hết. Mở mắt ra thấy hai ông tướng mặt đen sì, tay cầm gươm, mắt mở trừng trừng, sợ quá, ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà không dám nhìn trở lại. Đi qua cửa đình khoảng hơn một trăm mét là tới cầu Biền. Cây cầu làm bằng gỗ lim rất chắc chắn, nằm ở phía tây nam của làng. Cách cầu khoảng vài chục mét là cây đa, chứng nhân lịch sử, cành lá sum suê xanh mướt, tỏa bóng cả một vùng rộng lớn. Thân cây to khoảng ba bốn người ôm không xuể. Da sần sùi và nổi những cục, những u to tướng, nhờ nó mà chúng tôi dễ dàng leo tít tận ngọn để hái trái chín và bắt tổ quạ. Gốc đa là chỗ dừng chân ngồi nghỉ mát lí tưởng cho tất cả thành viên trong làng trên chặng đường bươn trải làm ăn trở về. Bên trái cầu có một bến nước được ghép bằng đá khá rộng rãi, bằng phẳng và sạch sẽ. Bến sông là nơi tắm rửa của người và trâu bò sau mỗi buổi đi làm về và cũng là nơi gánh nước, giặt giũ, hò hẹn của các anh chị thanh niên mỗi khi đêm xuống, trăng lên. Vào những năm được mùa, việc xây dựng nhà cửa nhiều nên bến sông còn là nơi tập kết vật liệu xây dựng như gỗ, mét, nứa, ngói… Có những khúc gỗ rất dài, đường kính độ một mét, trông như chiếc tàu ngầm mi ni cập bến. Thường vào buổi trưa, những người đàn ông khỏe mạnh được chủ gỗ mượn ra bến sông để kéo. Tiếng hò dô như mời gọi, như thúc giục mọi người ra bến. Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được tiếng hò dậy sóng của cố Cừ, giọng hò hào sảng nhất làng. Mỗi khi tiếng hò của cố cất lên, ai nghe cũng phì cười vì nó rất tục. Nhưng cũng thật lạ, chính tiếng hò tục tĩu ấy lại được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Sau tiếng “… dô… hò… này”, cây gỗ lại được nhích dần, nhích dần lên bãi. Tuy vậy cầu Biền là khúc sông sâu nên không phải là nơi vùng vẫy lí tưởng của bọn trẻ chúng tôi. Tại đó có nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra. Tiếng khóc ai oán có lúc vang dậy cả khúc sông.
Ngày tiễn chân các anh chị thanh niên lên đường nhập ngũ, cây đa rực đỏ một màu cờ hoa. Và cây đa cũng là thành viên đầu tiên của làng dang rộng cánh tay yêu thương đón các anh các chị sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về. Cây đa là chứng nhân lịch sử ghi nhận những nụ cười và những giọt nước mắt của các thành viên trong làng.
Năm 1976, theo lệnh của chính phủ, bà con nhường đất cho cây lúa. Làng được chuyển đến vị trí mới bây giờ. Cả làng chẳng có bóng cây xanh. Đứng đầu làng có thể nhìn thấy ngôi nhà tận cuối làng. Nhà đã được dời đi nhưng cây cối hoa màu vẫn còn, vì vậy, đêm đêm tôi lại cùng cha trở về vườn cũ canh gác. Vườn rộng đến bảy sào đất. Nhiều nhất là cam Xã Đoài, giống cam thơm ngon nổi tiếng xưa nay. Cắt cam trong nhà mà mùi thơm ra tận ngoài sân. Sau cam là đến đào. Những cây đào thân gầy guộc, da sần sùi, mốc meo nhưng mỗi độ tết đến xuân về lại hiến dâng cho đời một mùa hoa rực thắm, những cánh hoa gặp gió rơi đầy mặt đất trông như một tấm thảm hoa. Sau vườn là dãy mít hàng chục cây, đủ các loại, mít dai có, mít mật có, thân to một người ôm không xuể, lúc lỉu những quả. Khi bổ trái ra thấy cả xơ cả múi một màu vàng tươi như mật ong, thơm lừng, ngọt lịm. Đúng là mít ngọt đánh tuốt cả xơ, chúng tôi ăn không sót chút nào. Cuối góc sân có một cây hồng to cao, rất nhiều quả. Mùa đông cây rụng hết lá, trơ lại toàn quả. Những quả tròn thon thon như quả trứng gà từ màu vàng chuyển dần sang màu đỏ thẫm, ai nhìn cũng thèm. Nhưng giống hồng này phải ủ thật chín mới ăn được.
Thu hoạch xong hoa lợi, cả làng bắt đầu chặt cây để trả lại đất cho hợp tác xã. Và cây đa đầu làng cũng chung số phận ấy. Ngôi làng trù phú sầm uất hàng trăm năm nay bỗng chốc tan hoang. Cây cối chỏng chơ, gạch đá ngổn ngang. Những lũy tre xanh từ bao đời toả bóng, ôm ấp chở che cho làng nay bị chặt hạ trong nuối tiếc. Những cây tre thân vàng óng, ngày nào vươn cao cành lá xanh tươi lên đón gió, đón chim, nay khô khốc chất thành đống được các thành viên trong gia đình chở về bán cho mấy ông thợ đóng cối xay tre. Cây tre lại được sống một cuộc đời khác gần gũi và có ích cho dân làng.
Nhìn những cây trái tươi tốt đã từng cho mình hương thơm quả ngọt nay bị chặt hạ mà xót xa, cảm thấy con người sao mà bạc bẽo với nó đến vậy. Cha tôi thở dài, biết mấy chục năm nữa mới trồng được những cây mít to cao trĩu quả như thế này? Lâu nay gia đình sống nhờ vào thu nhập từ cây trái trong vườn, nay trả đất cho hợp tác xã về nhận một sào nơi đất mới thì trồng cây gì, bao nhiêu năm mới được hưởng. Ngậm ngùi nhất là khi đập phá cái giếng khơi để chuyển gạch đá về ngôi làng mới. Tôi đã khóc khi nhìn những nhát búa của cha đập vào thành giếng. Cái giếng khơi sâu đến sáu mét, rộng hơn một sải tay, nước lúc nào cũng trong vắt, mát lạnh. Không biết ông thợ nề tài hoa nào đã xây nên cái giếng này mà đẹp đến thế. Từng viên đá đủ các hình khối ấy thế mà xếp đều đặn, thẳng tắp từ dưới lên trên. Nơi đây đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm thật khó quên.
Thế là từ đó làng không còn cây đa bến nước. Người ta thi nhau chặt cây, cạy đá chất lên xe đưa về nhà mình. Bến nước từ đó trở nên hoang vắng, cây cỏ mọc lên um tùm.
Cũng trong năm đó, nhà nước phê duyệt kế hoạch nắn dòng chảy cho sông quê. Nói đúng hơn là dựa vào dòng chảy của con sông cũ, đào con sông mới to hơn sâu hơn để lấy nước từ kênh Nhà Lê về tưới tiêu cho mấy xã vùng màu vùng lúa. Và cây cầu Biền, cây cầu gắn bó với cả tuổi thơ cũng được dỡ đi để khơi thông dòng chảy. Con sông mới được đặt tên là sông Thọ Sơn còn con sông tuổi thơ của tôi thì bị băm ra, chặt thành nhiều khúc. Không còn được tiếp nước từ con sông mẹ thân yêu nên nó khô dần rồi “chết” hẳn. Người dân quê tôi cày cuốc san lấp đìa vũng thành ruộng lúa. Và cũng từ đó kỉ niệm tuổi thơ của tôi bị chôn vùi dưới những lớp sóng lúa mênh mông.
Tôi lên đường nhập ngũ vào thời điểm chiến tranh biên giới Tây Nam chuẩn bị nổ ra và cũng là ngày làng mới được tái định cư. Hôm về phép để chuẩn bị hành quân sang nước bạn Campuchia, bước vào làng mới, tôi như lạc vào nơi xa lạ, chẳng biết đâu đường về nhà mình. Loanh quanh mãi, tôi cũng tìm được lối rẽ. Đây rồi con đường nhỏ, và kia, cổng ngõ với cánh cửa bằng tre mà tôi và cha đã làm. Hai hàng cau đứng lặng lẽ. Những hàng chanh lưa thưa mấy chùm quả. Và kia là cây hồng xiêm, được chú tôi mua năm 1976 ở Hà Nội, trồng ngay trước sân từ đường đã xanh tốt, che rợp một khoảng sân. Nhà đang mở cửa. Chắc mẹ đang ở nhà. Tôi sung sướng gọi: “Mẹ! Mẹ ơi!” Tôi nghe rõ cả nhịp bước chân vội vàng và cả giọng nói run run, đầy ngạc nhiên của mẹ: “Con… on… con!”
Rồi mẹ tôi khóc hu hu… Tôi cầm lấy tay mẹ vỗ về.
Tin tôi trở về lan nhanh ra toàn xóm. Anh em, bà con làng xóm chạy đến. Nhà chật ních người. Tiếng cười nói râm ran như nhà có đám cưới. Một lúc sau cha tôi đi cày về. Tôi chạy ra tận ngoài sân cất tiếng chào: “Cha đi cày đã về. Cha có khỏe không?” Ông cụ cười trả lời hài hước: “Khoẻ. Có khoẻ mới đi cày được chớ”. Rồi cha tôi đến gần bên mẹ: “Sao bà lại khóc. Con đã trở về rồi kia mà”.
Ngày trả phép trở về đơn vị, tôi khoác ba lô ra đứng ở bãi sông nhìn về nơi làng cũ, một cảm xúc dâng lên trong tôi bồi hồi đến khó tả. Tiếng rì rào của gió như tiếng vọng của ông cha nhắc nhở tôi dưới lớp sóng lúa nhấp nhô kia còn có một dòng sông, dòng sông tuổi thơ. Dòng sông đã gắn bó với tôi với bạn bè cả một thời thơ bé. Dòng sông nay không còn nữa nhưng kỉ niệm với dòng sông thì còn mãi trong tôi, trong trái tim bao thế hệ của làng. Tôi lại chạnh lòng nhớ về ông, về cha, nhớ về những ngày tuổi thơ đầy gian khó, nhớ về các anh các chị và em tôi, những người đã dành sự sống lại cho chị em tôi, những người mà tôi chưa một lần nhìn thấy mặt.
P.V
VNQD