Đau răng

Thứ Năm, 16/03/2023 00:32

. NGÔ NHÂN ĐỨC
 

“Nó tới thình lình,” hắn nói, khẽ nghiêng đầu, hướng mắt lên phía trên, hơi nhíu mày, có vẻ đang hình dung lại khoảnh khắc xảy ra sự việc, “và khiến tôi vã mồ hôi lạnh. Trong khoảng hai hay ba giây gì đó, hoặc lâu hơn, tôi cũng không rõ nữa, tôi nghĩ mình đã hoàn toàn mất ý thức về mọi thứ, ngoại trừ những tri cảm về cơn đau kia. Đầu óc tê dại, hai hàm cắn chặt, cả người cứng đờ, tim thắt lại, ngực nhói đau như bị kim đâm, tôi kinh hoảng thật sự.”

Dừng lời, đưa tay nâng li Chimay đỏ vừa được mang ra vài phút trước, hắn nhấp một ngụm rồi hạ li xuống, nhưng nửa chừng đổi ý, lại nâng lên và nhấp thêm một ngụm nữa. Nhìn cái liếm môi kín đáo bằng cách bặm nhẹ sau khi uống kia, cùng âm sắc của mấy tiếng cuối câu vừa thốt, tôi đoán dường như chỉ nhớ lại việc đó thôi cũng đã đủ căng thẳng với hắn rồi.

Trông hắn trẻ hơn so với tuổi. Vừa chạm ngưỡng bốn mươi hôm qua, nhưng hắn vẫn giữ được nhiều đường nét của một thanh niên ngoài ba mươi. Sống mũi dài, đôi mắt sáng linh hoạt, viền môi rộng sắc nét nhưng không quá dày, khuôn mặt cân đối của hắn dễ làm người ta nghĩ đến hai chữ đẹp trai.

“Gặp chuyện đột ngột như thế thì ai cũng vậy thôi.” Tôi nói, với hai cái gật đầu nhè nhẹ.

“Cũng đúng, anh nhỉ?” Hắn nói, mắt lơ đãng lướt qua bàn bên cạnh. Hai cô gái, chừng là bạn thân, ngồi cạnh nhau, đang tán chuyện gì đó khá sôi nổi, nhưng nhỏ tiếng. Cô trẻ hơn, có mái tóc tém nhuộm màu khói và một khuôn mặt rất ưa nhìn. “Con người ta,” hắn sửa lại tư thế ngồi, quay mắt hướng thẳng vào tôi, “bình thường cứ sống như thể mình sẽ bất tử vậy. Nhưng khi đối mặt với một thứ gì khác thường đôi chút thôi, là thất kinh ngay. Tình cảnh của tôi lúc đó, nói sao nhỉ, dân gian có câu hồn bay gì ấy nhỉ?”

“Hồn bay phách lạc,” tôi đáp.

“Ừ, đúng rồi. Đúng là người viết có khác. Lúc đó, thoáng tới trong đầu tôi là ý nghĩ mình đang bị đột quỵ. Thực tế, tôi có nhậu nhẹt đôi chút và hơi ít vận động do thói quen công việc, nhưng tôi cũng biết là tình trạng cơ thể mình chưa đến mức khủng hoảng như thế.”

Tôi tin lời hắn. Hắn không thuộc kiểu người vô độ. Thậm chí, có thể nói ngược lại, có phần quá điều độ. Tôi biết hắn qua công việc. Đợt ấy, hắn vừa được giải thưởng “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên. Tôi phải phỏng vấn hắn theo yêu cầu của tạp chí. Hắn trả lời phỏng vấn kín kẽ, khiêm tốn, bộc bạch vừa đủ, dù doanh thu công ty bất động sản của hắn năm ấy đã vượt ngưỡng 1000 tỷ đồng. Sau đấy thì lại thi thoảng gặp hắn ở nơi chúng tôi đang ngồi đây, nhưng cũng chỉ lịch sự gật đầu chào nhau chứ không chuyện trò gì khác. Cho đến một hôm, tôi vừa kết thúc phỏng vấn, đang nán lại một chút để nghỉ ngơi vì lịch làm việc của tôi hôm ấy đã kết thúc, thì hắn xuất hiện.

Minh họa: Đỗ Dũng

“Xin lỗi, anh không phiền nếu tôi mời anh một li chứ?” Hắn hơi cúi người, nói vừa đủ nghe, miệng nở một nụ cười đủ để bù trừ cho sự xuất hiện đột ngột của mình.

Tôi ngước mắt nhìn hắn, gật đầu. Rồng đến nhà tôm, nếu từ chối thì quả cũng có chút không phải.

Hắn gọi một chai vang Ý, đúng loại tôi đang uống. Tôi hơi ngạc nhiên vì sao hắn biết, nhưng rồi nghĩ cũng chẳng phải chuyện lớn gì, nên không hỏi tới nữa.

Buổi nói chuyện hôm ấy, cũng chỉ dừng ở kiểu xã giao thông thường. Chừng hơn 10 giờ đêm thì chia tay nhau. Hắn bảo, có dịp xin phép được trò chuyện cùng anh, ở anh có gì đó khiến người khác cảm thấy an tâm và muốn mở lòng khi ở cạnh.

Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại nói chuyện cùng hắn. Hắn thuộc tuýp người một khi đã muốn biết gì thì sẽ tìm hiểu tới nơi tới chốn. Loại quan hệ của tôi và hắn, tuy khó có thể nói là tâm giao, nhưng cũng chẳng phải kiểu bạn bè thông thường. Trên mức ấy một tí, tôi nghĩ thế, còn hắn thì có vẻ đã thật sự xem tôi là bạn thân thiết.

Cuộc chuyện hôm nay, không biết vì lẽ nào đó, mà lại có một khoảng lặng khá lâu. Hắn là người ngừng nói trước, buông mắt nhìn xa qua vách kính. Ngoài trời đang bắt đầu mưa, vài người đi xe máy vội vã dừng lại để mặc áo mưa. Cây xăng bên kia đường vắng khách, hai cô nhân viên đang đứng tựa lưng vào trụ bơm, khoanh tay nhìn trời, lắc đầu vẻ đầy ngao ngán.

Chừng năm phút sau, hắn xoay mặt lại, nhìn sâu vào mắt tôi, rồi bất chợt hỏi. “Anh có bao giờ thấy hoảng, hoảng thật sự ấy, lần nào trong đời chưa?”

“Tôi không rõ ý cậu lắm.” Tôi, dù biết sẽ có một câu hỏi từ hắn, nhưng không nghĩ đến câu này, đành trả lời dò chừng để nghĩ tiếp. “Cậu đang muốn nói tới mấy tình huống suýt chết, hay đại để như thế ấy hả?”

“Vâng. Anh gặp tình huống như thế bao giờ chưa?” Mắt hắn hơi sáng lên, như thể tôi đã hiểu đúng hướng.

“Tôi thì không. Nhưng đã từng được nghe vài chuyện như thế rồi.” Tôi đáp, vì biết nếu mình bảo có, thì chưa chắc hắn sẽ nói thêm nên cứ trả lời vậy, để chờ nghe lời hắn kể.

Thực tế, tôi đã hơn một lần đối mặt với tình cảnh như hắn nói. Và cũng đã hồn xiêu phách lạc đôi phen nên cũng chẳng lạ lắm với nỗi hoảng sợ đến tán vía vì bất ngờ kia. Nhưng, có lẽ, trải nghiệm của hắn có một tầm vóc khác chăng?

“Rốt cuộc,” tôi hỏi, sau khi thử tưởng tượng tình trạng sức khỏe của hắn ở thời điểm xuất hiện cơn đau ấy, “thì nó là gì, nếu không phải là đột quỵ?”

“Đến bây giờ, tôi cũng không biết đó chính xác là gì nữa.” Hắn mím môi, khẽ nhíu mày, và lại đưa mắt nhìn xa ra phía sau tôi. “Nói thế thì mông lung quá, phải không? Để dễ hiểu hơn, có lẽ tôi nên nói đó là một cơn đau răng. Nhưng vô lí ở chỗ, như tôi đã hỏi nhiều người, nào có một cơn đau răng gì lại bùng phát với mức độ kinh khủng như vậy.”

“Đau răng ư?” Tôi cũng thấy khó tin. “Tôi từng bị, nhưng dù thực sự là vô cùng khó chịu, cũng đâu đến độ như cậu diễn tả?”

“Vâng, tôi biết. Cho nên tôi mới bảo đến giờ vẫn không biết chính xác nên gọi nó là gì. Nó là một cơn đau vật lí, hẳn hoi rồi, nhưng lại có những mặt vô hình khác, đến các chuyên gia nha khoa hàng đầu cũng chẳng thể dò ra bằng máy móc hay kinh nghiệm y khoa được.” Hắn nói, cùng mấy cái lắc đầu chầm chậm.

Theo lời hắn kể thì thực ra, cơn đau ấy cũng không hẳn là không có triệu chứng gì báo trước, nhưng ban đầu hắn chỉ cảm thấy ê ê quai hàm, như thể vừa ăn một thứ gì đó quá chua thôi. Thoảng qua rồi biến mất. Trước giờ, hắn chưa từng bị đau răng, có lẽ trừ những đợt thay răng sữa khi còn bé. Mà kí ức của những cơn đau như thế đã mờ nhạt lắm rồi, đến chẳng còn hình dung được nữa. Vả, hắn vẫn đi khám răng định kì mỗi sáu tháng, và luôn vệ sinh răng đúng cách theo lời nha sĩ. Thế nên, với năm bảy cơn ê hàm mơ hồ suốt vài ngày trước đó, hắn cũng chẳng bận tâm gì, tặc lưỡi cho qua.

Hôm phát bệnh, mọi việc đều bình thường. Sau cuộc họp giao ban thường lệ với ban giám đốc mỗi sáng thứ Hai, hắn rảo một vòng thăm hỏi toàn bộ nhân viên. Rồi lên phòng làm việc riêng, gọi máy nội bộ yêu cầu mang các hợp đồng, phiếu tạm ứng, hoá đơn và những giấy tờ cần kí trong ngày đến. Kí xong, nán lại một lúc để xem chỉ số chứng khoán, mở các trang báo điện tử, lướt xem những tin mới nhất về đầu tư và chính sách bằng máy tính cá nhân. Xong xuôi tất cả những việc đó thì cũng đã gần 11 giờ trưa, hắn bốc máy gọi điện cho bạn gái, hẹn cùng ăn trưa ở Calibre. Rời phòng, khoá cửa, dặn cô thư kí đang lui cui sắp xếp chồng hồ sơ dự án mới, có việc cần thì gọi vào di động.

Cho đến lúc ấy, mọi thứ đều ổn thỏa cả. Khi ăn trưa, hắn có thấy hơi đau khi nhai, nhưng không kịp nghĩ gì thêm. Rồi, ngay khi đang làm tình với cô bạn gái trong khách sạn thì cơn đau thình lình xuất hiện. Đau dữ dội. Như hắn đã kể. Có lẽ cả cú nốc-ao của Ali huyền thoại cũng không làm địch thủ choáng ngất đến thế. Đau đến không cách gì làm tiếp được, dù hắn đang rất muốn. Cô bạn gái mở mắt, nhấc đầu dậy, nhìn hắn đang khựng chống cơn đau, hốt hoảng.

“Anh làm sao thế? Chuyện gì vậy?”

Hắn lăn phịch xuống nệm, khoát tay, hổn hển nói từng tiếng một qua kẽ răng. “Đau răng,” hắn vừa nói vừa đưa tay đỡ vào hai bên má, trấn an cô, “nghỉ chút sẽ ổn thôi.”

Nhưng cơn đau vẫn hành hạ hắn suốt chiều ấy. Chia tay cô bạn gái với một câu xin lỗi kém cỏi, hắn đón tắc-xi về nhà, định bụng sẽ thay quần áo đi đón con, rồi tiện thể ghé qua nha sĩ. Nhưng lúc tắm xong, bỗng cơn đau biến mất. Hắn lại thấy khỏe khoắn lạ kì, hệt như cảm giác của một người vừa khỏi ốm: nhẹ bẫng cả người, đến mức nghĩ rằng mình có thể bay được, và bệnh đã hoàn toàn tiệt căn.

“Thế nó có quay lại không?” Tôi không nhịn hỏi nổi khi nghe hắn kể đến đấy.

“Có, không theo định kì” hắn nhăn nhó trả lời, như thể cơn đau đó đang ở trong người hắn lúc này vậy, “và cũng chẳng báo trước.”

Nhất định không phải là kiểu đau răng thường thấy, hắn nghĩ thế, sau khi hỏi hết những người quen biết để xem có phải đau răng thì sẽ đau như thế, hoặc đến mức thế không. Nhưng hắn chẳng nghe ai nói họ đau theo kiểu của hắn cả. Có người bị giật cơ mặt, có người sưng hàm, có người bị hành sốt, loét vùng răng, ê ẩm khi nhai, thậm chí sốc, nhưng không trở đi trở lại, mà cũng chẳng có trường hợp nào gần như không có triệu chứng nào ở răng miệng như hắn, ngoại trừ mỗi lần đau thì răng buốt như cắn phải đá, hai hàm thì như bị dán lại với nhau bằng keo dán sắt, tê cứng. Đi khám gần chục chỗ, nha sĩ cho dùng kháng sinh toàn thân, có loại uống, có loại tiêm, cũng không thuyên giảm. Đổi sang dùng kháng sinh tại chỗ như sợi tetracycline đưa vào túi quanh răng, rồi súc miệng bằng chlohexidine kết hợp với bôi keo metrogyl denta cũng không cải thiện được tình hình.

Cả công ty hắn, không một ai biết chuyện hắn bị đau răng, ngoại trừ vị giám đốc hành chính nhân sự. Hôm ấy, sau khi ăn trưa, hắn vào phòng vệ sinh để đánh răng. Vừa súc miệng xong, đang kiểm tra xem trên mặt còn chỗ nào dính bọt kem đánh răng không thì cơn đau ập đến. Hắn bấu chặt hai tay vào thành bồn rửa, nhắm mắt, trân mình chịu trận. Vừa khéo, vị giám đốc kia đang đẩy cửa bước vào, thấy vậy liền dìu hắn về phòng. Hiển nhiên, không quên hỏi hắn bị làm sao mà thành ra như vậy. Ông này nổi tiếng hiếu chuyện, và ưa ba lơn nhất công ty hắn, nhưng vì đã sắp đến tuổi hưu, lại là giám đốc nhân sự, mà lối ba lơn cũng chừng mực nên cũng không ai để bụng, hay ghét bỏ gì.

“Tôi bị đau răng.” Hắn nói, sau khi cơn đau đã dịu đi phần nào. Dù sao ông ấy cũng đã giúp đỡ ngay lúc mình cần, không nói gì thì cũng có phần kém lịch sự.

“Chà, thế là lâu nay cậu chẳng cắn rứt gì ấy nhỉ? Răng bị thoái hóa đi nên sinh đau đấy!” Vị giám đốc nhân sự nói ngay, ra chiều hoảng hốt thật sự. Hắn đang bị cơn đau hành hạ, chẳng lòng dạ đâu để mà đùa, nhưng nhìn vẻ kinh hoàng vờ vĩnh tếu táo kia, cũng phải bật cười.

“Tôi nói chơi cho vui đấy, chứ đúng là đau răng thì kinh lắm.” Ông ta nói tiếp, kèm với cái nhăn mặt như vừa nuốt phải một thứ gì kinh khủng lắm. “Gần như ai cũng phải bị một lần trong đời. Chẳng chạy đâu cho khỏi, chuyện thường ngày ở huyện ấy mà. Tới 90% dân Việt Nam ở độ tuổi 35 đến 44 bị đau răng đấy, cậu biết chứ?”

“Trường hợp của tôi thì khác.” Hắn kể lại bệnh trạng, nhấn mạnh những điểm khác biệt cho vị giám đốc nhân sự kia hiểu. Người nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại đệm một cái gật đầu, hoặc mỉm cười ý nhị, như thể mình đã gặp triệu chứng tương tự như thế rồi.

Hôm sau, khoảng đầu giờ trưa, ông ta nhắn qua thư kí của hắn để xin gặp riêng. Hắn đồng ý.

“Đây là số điện thoại và địa chỉ của vị bác sĩ mà tôi nghe đồn là giỏi lắm. Hầu như ca khó nào đến tay ông ấy cũng khỏi.” Vừa nói, vị giám đốc ấy vừa chìa mẩu giấy gấp làm tư rút từ túi áo ra đưa sang hắn.

Hắn hẹn khám với vị bác sĩ. Phòng khám tại gia của ông ta nằm ở khu trung tâm, và đến nơi thì phải leo cầu thang để lên sảnh chờ ở lầu một. Hắn vô cùng ấn tượng với cái cầu thang bộ rộng lớn, lượn theo hình trôn ốc suốt sáu tầng, bậc lát gỗ óc chó, bóng loáng như gương kia.

Vị chuyên gia tiếp hắn bằng mấy tiếng gọn lỏn “xin mời ngồi” và không hề ngẩng mặt lên khỏi trang giấy, chắc là hồ sơ bệnh án, mà ông ta đang hí hoáy viết. Lão già này có thứ gì đó rất cổ quái, hắn nghĩ bụng, khi quan sát ông ta. Già quắp, cặp mắt cú vọ hấp hiu lóe sáng sau tròng kính cận. Cảm thấy rờn rợn xương sống rồi lan dọc lên sau ót, cả người hắn chợt nổi da gà.

“Bình tĩnh,” hắn tự trấn an, “lão chỉ là một nha sĩ rất giỏi, mà bệnh mình thì cần lão thôi.”

Phòng khám của vị chuyên gia này không giống gì với một phòng khám nha khoa thông thường cả. Không có hình ảnh minh hoạ, không máy móc, không dụng cụ, cả ghế nằm khám cũng không. Cả phòng trống trơn, ngoại trừ bức thư pháp vẽ một vòng tròn gần khép kín, vào khung bằng tre, hình vuông, mỗi cạnh chừng ba gang tay, treo trên giữa vách sau lưng lão, đối diện hướng nhìn tới của hắn. “Chỗ này dị thật!”

“Cậu bị bệnh gì?” Tiếng lão cắt ngang dòng suy nghĩ của hắn. Miệng lão đang nở một nụ cười mà hai môi không hề rời nhau, và hai mép chỉ di động chừng 1/10 xăng-ti-mét.

“Đau răng.” Hắn cộc lốc, vì bỗng thấy cáu, tới phòng khám nha khoa chẳng lẽ khám xương khớp, hay khám tai mũi họng?

“Đau thế nào nào?” Lão nha sĩ dường không để ý thái độ của hắn. “Cậu diễn tả tôi nghe xem!”

Hắn kĩ lưỡng kể lại các triệu chứng của mình.

“Nghe chả giống đau răng tí nào. Cho tôi xem qua tình trạng răng của cậu.” Nói xong, không đợi hắn đồng ý, lão đã chồm qua bàn, một tay vạch, một tay cầm đèn pin soi vào miệng hắn. Mất chưa tới mười giây, lão buông tay, thong thả ngồi lại vào ghế. Lại mím miệng cười.

“Chắc cậu đã đi khám nhiều nơi nên cũng biết rồi, đau răng xuất hiện khi tổ chức cứng ở răng bị tiêu hủy, tạo nên lỗ hổng trên răng. Thường khi thấy đau là đã tiến đến giai đoạn trầm trọng. Nếu không điều trị sớm, có khả năng sẽ bị hư tủy răng vĩnh viễn. Đằng này, cậu chả hỏng cái răng nào, nha chu rất tốt, men răng còn bóng. Có thể kết luận, về mặt sinh lí bệnh học, cậu ổn.”

“Tóm lại, thì tôi bị gì?” Hắn cao giọng, hỏi gọn lỏn.

“Vấn đề của cậu, có lẽ nằm ở chỗ khác. Cái chỗ khác đấy, tôi thấy được, nhưng không chữa được. Cậu phải tự tìm cách thôi.”

“Như vậy nghĩa là không phải do răng à?” Tôi hỏi.

Hắn khẽ gật đầu, nhìn ra. Cơn mưa mùa thu đang nhẹ hạt dần, những giọt nước trượt trên khuôn kính như những viên ngọc trắng lăn dài. Khi quay lại, đôi mắt hắn như được phủ lên một màu khang khác.

“Ban đầu, tôi chẳng nghĩ là có gì thần bí cả. Cơn đau xuất phát ở răng, từ sâu trong tủy, tôi cảm nhận rất rõ ràng. Cảm giác bằng da bằng thịt, chứ chẳng mơ hồ gì sất. Thế nhưng dần có những việc trùng hợp vào những thời điểm cơn đau xuất hiện, khiến tôi hoang mang thật sự.”

“Còn chuyện gì cậu chưa kể với tôi chăng?” Tôi mớm hỏi.

“Vâng,” hắn nói, dừng lại một thoáng để lựa lời, “chuyện có phần khá tế nhị và riêng tư, mà cũng có phần lạ thường nữa, nên thật sự cũng hơi khó trình bày. Anh biết đấy, tôi có gia đình và nhiều thứ để mất hơn người khác một chút mà.”

“Cái này thì tôi hiểu. Cậu đang ở trên sân khấu lớn mà, nhiều đèn và nhiều con mắt chiếu vào cũng là lẽ đương nhiên thôi.” Tôi thấp giọng đồng tình.

“Đầu tiên, có lẽ phải bắt đầu với cô bạn gái. Cô ấy đã lập gia đình và có một cậu con trai hơn bốn tuổi. Chồng cô ấy cũng là doanh nhân có tiếng tăm ở thành phố này, và là bạn tôi. Bọn tôi thân nhau từ lúc còn học chung đại học. Dù sau này thi thoảng mới gặp nhau vì công việc hai đứa không cùng lãnh vực, nhưng vẫn giữ liên lạc khá thường xuyên. Lúc quyết định nghiêm túc tiến đến hôn nhân cùng cô gái mình thích, cậu ấy có giới thiệu với tôi. Lần đầu gặp mặt, lúc ấy tôi đã có gia đình, nên chẳng có ấn tượng gì mấy với cô ấy, ngoại trừ đôi mắt luôn ươn ướt, thẳm buồn. Cô ấy thì khác, như sau này tôi được nghe cô ấy tâm sự trong những bận gần gũi, lại trúng tiếng sét. “Anh đúng là mẫu người em thích. Ngay khi gặp anh, ý nghĩ đầu tiên trong em là tiếc nuối, và ước gì mình chưa nhận lời cầu hôn của chồng em. Anh ấy rất yêu em, rất tử tế với em và cả gia đình em nữa, nhưng lòng em thì vẫn cứ hướng tới anh. Em không tự chủ được mình.” Và rồi cô ấy đã tìm cách để có cơ hội được gặp riêng tôi. Ban đầu, tôi cũng nghĩ bình thường thôi, có lẽ cô ấy muốn hiểu thêm về chồng mình qua tôi. Nhưng rồi tôi đã bị cuốn vào vòng lúc nào chẳng hay. Anh biết đấy, tôi không phải kiểu người cảm tính, thế mà vẫn….” Hắn dừng lại, có vẻ đang tìm cách nói thích hợp.

“Phụ nữ, không giống đàn ông bọn mình, một khi đã quyết lòng muốn ai, thì đối tượng khó mà trốn thoát được.” Tôi đệm lời, trong lúc chờ hắn nói tiếp.

“Khốn nỗi, bọn tôi lại rất hợp nhau trong chuyện kia. Và vì cả hai đều kín tiếng, nên mọi chuyện vẫn êm thấm cả. Tuyệt chẳng có chuyện yêu đòi hay ghen tuông gì từ hai phía. Chuyện cứ diễn ra tự nhiên như nó phải thế thôi. Thảng hoặc, tôi thấy có lỗi với cậu bạn mình, nhưng cũng chẳng biết phải làm gì khác. Đâu thể mở miệng nói về chuyện đó với cậu ấy, anh nghĩ đúng không?”

“Có lẽ đúng thế.” Tôi đáp, thầm nghĩ nếu mình ở vào trường hợp cậu ta thì nên làm thế nào. “Nhưng, tôi đang thắc mắc, cô ấy liên quan gì đến chuyện cậu đau răng?”

“À, xin lỗi anh,” hắn nở một nụ cười bối rối, “tôi kể lể dài dòng rồi quên cả chuyện chính. Như tôi có nói rồi đấy, hôm đầu tiên cơn đau xuất hiện, là lúc tôi ở bên cô ấy. Và những lần sau, dù không phải lúc nào cũng thế, nhưng cơn đau rất hay bùng phát khi tôi ở cạnh cô.”

“Lẽ nào cô ấy là nguyên do? Cô ấy có năng lực bí ẩn gì à?”

“Tôi không nghĩ thế. Cô ấy chẳng tin vào những chuyện như siêu năng, ma quỷ, hay tâm linh tí nào cả. Mà nếu cô ấy đích thực là nguyên do, thì nó phải thường xuyên chứ, đằng này thì lúc bị lúc không.”

“Ừm, khó nghĩ thật.” Tôi nói, cách suy luận của cậu ta cũng hợp lí. “Thế, ngoài chuyện về cô ấy thì cậu còn gặp chuyện bí ẩn gì nữa?”

“Nhắc mới nhớ, chuyện tôi thường đau răng khi ở gần cô ấy thì cũng còn giải thích được. Nhưng chuyện này thì quả thật kì lạ.” Hắn chau mày, vẻ mơ hồ mông lung lộ rõ trên mặt.

“Là chuyện gì vậy?” Tôi hỏi.

“Điện thoại lúc nửa đêm.” Hắn đáp. “Trước hoặc sau 12 giờ đêm một chút. Chênh nhau không quá 3 phút. Đêm nào cũng như đêm nào. Tôi có đang ở đâu cũng thế. Mà gọi vào số cá nhân của tôi kìa. Tôi dùng hai số, một cho công việc, gần như người quen hay nhân viên ai cũng biết, một số khác chỉ để liên lạc với gia đình và người thân thiết lâu năm. Xin lỗi anh, nhưng chắc anh cũng không biết số ấy của tôi đâu nhỉ?”

Tôi gật đầu thay cho câu trả lời.

“Đấy, thế mà ai đó lại biết được, kẻ thần bí ấy. Cứ gọi đến, tôi bắt máy, thì chỉ a lô xong là cúp luôn. Gọi lại không được, vì màn hình điện thoại không hiện số người gọi đến, mà chỉ thấy Số không xác định thôi.”

“Đàn ông hay đàn bà? Nghe có quen không?” Tôi hỏi.

“Đàn ông. Không phải giọng tôi quen. Nếu là quen, thì một lần, hai lần còn chưa rõ, chứ đến những lần sau thì thể nào tôi cũng nhận ra ngay. Tai tôi khá tốt, tôi tự tin thế, vì tôi còn có thú vui khác là chơi hi-end. Cảm âm đương nhiên là ưu thế của tôi. Rõ ràng là người lạ. Nhưng người lạ thì tuyệt không thể nào có số cá nhân của tôi được. Người biết số đó của tôi rất giới hạn, và tôi cũng luôn dặn kĩ là không tùy tiện cung cấp cho người khác, nếu chưa hỏi ý tôi. Mà, nếu là người lạ thì gọi tôi làm gì? Liên quan đến công việc hay gì khác thì đã có số kia rồi.”

“Có khi nào có ai đó ngầm ghét cậu nên gọi để quấy rối hoặc dằn mặt không?” Tôi hỏi.

“Có lẽ không đâu. Tánh tôi không thích gây thù chuốc oán với ai. Thêm bạn bớt thù là chủ trương của tôi mà. Anh quen tôi cũng khá lâu rồi, chắc anh cũng phần nào hiểu cung cách của tôi.”

“Điểm này thì tôi công nhận. Cậu cư xử khéo léo mà.” Tôi gật gù. “Nhưng có khi nào cậu nghĩ đến khả năng rằng bạn của cậu đã biết chuyện nên cho người làm thế không?”

“Tôi nghĩ là không.” Hắn lắc đầu. “Cậu ấy lành lắm. Mà theo tôi quan sát, thì cậu ấy chẳng biết gì đâu. Bọn tôi hoàn toàn không liên lạc gì, trừ những lúc muốn gặp nhau. Mà cô ấy cũng làm tròn bổn phận của một người vợ ngoan nên cậu ấy rất tự hào về vợ mình, đi đâu cũng vợ tôi thế này, vợ tôi thế kia.”

“Chuyện gọi điện như thế đã kéo dài bao lâu?” Tôi hỏi, đưa mắt nhìn lên sân khấu nhỏ ở đầu sảnh. Đã đến giờ mở màn chương trình nhạc sống ở đây. Cô ca sĩ tôi thích nghe vừa cất những lời đầu tiên của ca khúc Phượng yêu.

“Tầm ba tháng.” Hắn nâng ly bia lên, nhấp một ngụm, ngậm một vài giây rồi mới nuốt xuống, và thở nhẹ ra một hơi dài. Có lẽ hắn đang thưởng thức vị trái cây quấn quýt nơi đầu lưỡi, và hương bia lan cùng hơi thở qua mũi. “Tôi không nhớ chính xác bắt đầu khi nào, có lẽ sau khi cơn đau xuất hiện chừng ba bốn hôm gì đó. Nhưng hôm kết thúc thì tôi nhớ rõ. Hôm ấy, tôi về nhà sau khi uống rượu cùng đối tác. Tâm trạng tôi bữa đó hơi kém, mà sức khỏe, từ độ thường xuyên bị gọi vào lúc nửa đêm cũng có ảnh hưởng thấy rõ nên tôi không muốn uống nhiều, bèn giao việc tiếp khách cho cậu giám đốc điều hành. Đấy mới là giữa tăng hai, chờ đến qua tăng ba thì tôi khó mà chuồn được. Trên đường về, qua cửa sổ xe, tôi chợt thấy vầng trăng tròn vành vạnh đang ẩn hiện sau những nóc nhà. Đại lộ vắng xe, dòng kinh đúng giờ nước lớn, lênh loang sáng dưới trăng mơ màng. Lâu lắm rồi, tôi không ngắm cảnh bên ngoài, mà cũng không bao giờ mở cửa sổ xe, vì ghét ồn ào và khói bụi. Nhưng đêm ấy, tự dưng tôi lại muốn làm thế, nên bảo tài xế hạ kính cửa, để hít gió trời. Và đúng lúc ấy thì điện thoại reo.”

“Mười hai giờ đêm đấy nhỉ?” Tôi hỏi.

“Không, hôm ấy thì chưa đến. Mới mười một rưỡi đêm. Sớm hơn hẳn gần ba mươi phút. Tôi cũng thấy ngạc nhiên. Điều lạ lùng hơn nữa là, hôm ấy đầu dây bên kia lại không a lô như thường lệ, mà lại hỏi tôi một câu hẳn hoi.”

“Câu gì thế?” Tôi cũng nổi lòng hiếu kì.

“Cậu quên tôi rồi à?” Hắn nói, đồng tử, trong một thoáng, như thu nhỏ lại, và hắt ra một thứ ánh sáng dị thường, giống một tia đá lửa của thợ rừng lóe lên trong đêm tối mịt mùng giữa rừng sâu.

“Bên kia còn nói gì nữa không?” Tôi hỏi, khi thấy hắn ngừng lại, chú mục nhìn vào chiếc đồng hồ Patek Philippe đang đeo nơi cổ tay. Tôi đã thấy hắn đeo chiếc đồng hồ này nhiều lần, nên có hơi khó hiểu khi thấy hắn cứ nhìn nó mãi như thế. Có gì lạ hắn mới phát giác ra chăng?

“Chỉ thế thôi. Cậu quên tôi rồi à? Vỏn vẹn một câu, rồi cúp máy.” Hắn chợt thở dài. “Cho đến trước thời điểm nghe câu hỏi đó, tôi dù cực kì thắc mắc với lí do của các cuộc gọi lúc nửa đêm kia, nhưng chưa bao giờ muốn gặp người bên kia đầu dây cả. Lần ấy thì khác, tôi bỗng muốn gặp người xưng tôi đó kinh khủng. Ngay lúc ấy, nếu có ai đó biết người hỏi câu đó là ai, và ra điều kiện với tôi, thì dù có mất cả nửa gia tài đi nữa, tôi cũng muốn gặp cho bằng được. Chưa bao giờ tôi muốn một điều gì đó đến thế trong đời mình.”

“Đó là cuộc gọi cuối cùng à?” Tôi hỏi, sau khi cùng im lặng với hắn một lúc. Cô ca sĩ đã hát xong bài Phượng yêu và chuyển sang Những con mắt trần gian.

“Vâng. Sau hôm ấy, tôi để ý thấy cơn đau xuất hiện thưa dần rồi vào một thời điểm nào đó, đã biến mất. Có lẽ vài tuần sau cuộc gọi cuối cùng kia.”

“Cậu có tiếc nuối khi không còn cơ hội nghe ra giọng nói kia, hay nói đúng hơn là, nhận ra tiếng nói ở đầu dây bên kia xuất phát từ ai không?”

“Một phần nào đó, tôi có.” Hắn đáp, hơi cúi đầu, xòe bàn tay được chăm sóc cẩn thận của mình ra, nhìn gì đó ở lòng bàn tay rồi nắm lại. “Nhưng mặt khác, tôi cũng không hề muốn cơn đau kia quay lại chút nào. Có vẻ như cơn đau và các cuộc gọi kia có liên quan với nhau, nhưng liên quan thế nào, thì tôi không lần ra được manh mối. Anh có ý tưởng nào không?” Hắn ngẩng mặt lên nhìn tôi, hỏi.

“Tôi không phải là một nhà thần học, hay là một người nghiên cứu tâm linh, chỉ là một nhà báo làng nhàng thôi. Câu chuyện của cậu vượt ngoài khả năng nắm bắt của tôi, nếu cho phép tôi nói thẳng. Có điều, cứ giả dụ rằng cơn đau hay cuộc gọi kia là kết quả đi, thì nguyên nhân đến từ đâu nhỉ?”

Hắn trầm ngâm nhìn li bia trước mặt, bất động hồi lâu, rồi chợt mỉm cười. “Cái giả dụ của anh thật thú vị. Tôi sẽ nghĩ thêm về nó.”

“Thật vinh hạnh cho tôi.” Tôi vừa nói vừa cười. “Thế, bây giờ cậu còn gặp cô ấy không?”

“Anh đúng là một phóng viên cừ. Tôi khen thật lòng đấy.” Hắn nheo mắt nhìn tôi. “Anh nghĩ sao?”

“Tôi có phải cậu đâu. Chuyện tình cảm lại là thứ phức tạp nhất trên đời.”

“Vâng, và khó đoán hơn cả giá chứng khoán trong thời vừa lạm phát vừa phải đối đầu với đại dịch như hiện nay.” Hắn nói, phá lên cười.

“Không khó hơn việc đoán xem có bao nhiêu người trên thế giới này bị đau răng giống cậu đâu.” Tôi nối lời.

Hắn lại nheo mắt nhìn tôi. “Lát nữa, tôi có hẹn đi xem phim và ăn khuya cùng vợ. Có lẽ lần sau ta sẽ nói thêm về chuyện anh vừa bảo nhé.”

Tôi gật đầu. “Vâng, nếu cậu còn hứng thú.”

*

* *

Hắn đi rồi, tôi vẫn nán lại, vừa uống bia, vừa nghe cô ca sĩ mình thích hát trọn phần biểu diễn của cô đêm ấy.

Lúc tôi bước ra phố vẫy tắc-xi thì mưa đã tạnh. Mùi mùa thu trong không khí đã rõ lắm rồi, cái se lạnh có thể cảm được qua luồng hơi gọt nhẹ vào cánh mũi ấy. Vừa đủ để thấy cần về nhà. Có lẽ lúc này hắn đang nắm tay, hoặc đang thầm thì bình luận gì đó với vợ về một tình tiết nào đó trên phim. Câu chuyện của hắn, nếu dựng thành phim, thì liệu có ăn khách không nhỉ? Mà, tôi sực nhớ một điều hắn nói thêm sau khi đã tính tiền, xoay người bước đi, rồi ngoái lại.

“À, còn chuyện này nữa, anh biết không. Cái lão nha sĩ ấy, lúc tôi đã dứt bệnh, đến gửi phong bì tiền thăm khám, đã tiết lộ một sự thật nho nhỏ vào tai tôi đấy.”

“Ông ấy nói gì?”

“Ông ấy bảo: Tôi không phải là nha sĩ đâu. Là chuyên gia tâm thần đấy.”

Trại viết VNQĐ tại Cần Thơ, 28/6/2022
N.N.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)