. PHÙNG VĂN KHAI
Tiết trời trong trẻo, mây trắng sáng cổng làng Hương Ngải vùng đất cổ xứ Đoài. Dãy Sài Sơn in bóng Đáy giang chậm nguồn qua Phủ Quốc văng vẳng câu thơ Quang Dũng thuở nào. Ngọn nguồn làng xưa hiển hiện hôm nay những đình, đền, chùa, miếu, Văn chỉ, Võ chỉ còn đặc biệt nhất giữa đồng làng mùa thu lúa óng vàng là Quán Nghinh Hương tương truyền có từ thời Lý kiên gan dầm mưa dãi nắng đón bao nhiêu lớp ông Nghè, ông Cống hiển học về làng. Nhỏ nhẹ mà thao thiết cũng đầy hóm hỉnh, nữ Bí thư Vương Thị Thảo tấm áo cánh trắng tươi tắn nụ cười giòn bảo đất Hương Ngải ông Nghè nhiều như lá tre truyền từ thượng cổ tới giờ. Người Hương Ngải không chỉ nhất nghệ tinh nhất thân vinh nức tiếng nghề mộc nổi danh đất Bắc mà còn nức tiếng với nghề dạy chữ tận tới hôm nay. Các thống kê xã hội học đều chỉ rõ đất Thạch Thất thì Hương Ngải hộ dân ít nhất nhưng các thầy cô giáo, cán bộ ngành giáo dục luôn đứng đầu. Số lượng liệt sĩ cũng đứng đầu và số lượng mẹ Việt Nam anh hùng 31 người cũng là cao nhất huyện.
Nhà phê bình Ngô Thảo tặng sách cho đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Ảnh: PV
Vắn tắt vậy đó! Nghĩa tình thơm thảo và nhất là sự hi sinh dẫu đã lùi xa mấy mươi năm vẫn khiến người hôm nay cay mắt trước tấm bia liệt sĩ.
Hương Ngải, thật gần.
Mọi người đã lặng đi trước nước mắt của người đàn ông đã ngoài tám mươi tuổi. Ông khóc mà rất im. Chỉ mái đầu phơ trắng rung rung giữa chiều thu đầy ánh sáng. Tròn năm mươi năm ông mới trở lại đất này. Năm mươi năm! Thời gian nát đá tan vàng nhưng tình người thì không thể. Con người có thể mất đi, không còn hiện thân bằng xương bằng thịt nhưng kí ức không thể nào xóa đi được. Ông xin lỗi những người phía trước, những hậu sinh mà khi lứa các ông, những nhà văn nhà thơ lừng danh ở Văn nghệ Quân đội sơ tán về Hương Ngải năm 1972 thì phần lớn những người đang ngồi đối diện ông còn chưa kịp ra đời. Những văn hiệu lớn như Nguyễn Khải, Vũ Cao, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Hồ Phương... từng ở đây, sống và viết, đem theo cả mẹ già, vợ mọn, con thơ. Chiến tranh là như vậy. Cuộc sống thời chiến có mấy giây phút được yên hàn nhưng như mảnh trăng cuối rừng kia vẫn đêm đêm lung linh tỏa sáng, như những mùa ngô mùa lạc vẫn gối vụ xôn xao, và những người yêu của cô du kích đã trở lại cầm cuốc cầm cày một nắng hai sương đong đầy mùa vụ. Mắt người đàn ông chợt mờ đi trước kí ức ồ ạt ùa về. Nước mắt thật gần, có thật, trước một thế hệ sau đang vững vàng tiếp bước ở Hương Ngải, ở bát ngát các vùng quê trên khắp Tổ quốc Việt Nam này.
Ông là nhà thơ, nhà phê bình Ngô Thảo, người duy nhất của Văn nghệ Quân đội về Hương Ngải sơ tán năm xưa còn lại đến hôm nay.
Năm mươi năm trước, cơ quan Văn nghệ Quân đội sơ tán về Hương Ngải, Ngô Thảo mới ba mươi tuổi. Ông nói rằng thú vị nhất là được hầu chuyện các bậc đàn anh. Trong những ghi chép của mình, một vùng văn học, một vùng đời sống, những cá tính văn chương hiện lên sinh động, mạnh mẽ và tài tình từ ngòi bút Ngô Thảo. Mỗi khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi tới Hương Ngải trò chuyện văn chương, chính Ngô Thảo đã tự nguyện làm thư kí ghi lại những cuộc tranh luận có lúc là nảy lửa ấy một cách trung thực nhất. Bây giờ đọc thấy nhiều chỗ ta phải bật cười. Nhưng sự thâm hậu, dứt khoát, mạnh mẽ, thẳng thắn và rất cá tính của từng người như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Hải Hồ, Nguyễn Minh Châu, Kim Lân, Hoàng Trung Thông... thì thật là hiếm có. Dường như sau này, đời sống học thuật của chúng ta, những sáng tác văn học nghệ thuật của chúng ta so với các cụ thật là một khoảng cách xa xôi.
Hương Ngải, thật gần. Vẫn những bức tường đá ong trăm năm kiên gan cùng mưa nắng. Căn nhà cổ năm gian của cụ giáo Bô nơi đặt trụ sở tiền phương Văn nghệ Quân đội vẫn còn nguyên đó, thâm nghiêm, trầm mặc. Cụ giáo Bô tên thật là Nghiêm Thiên Giảng, giờ còn sống cũng đã hơn trăm tuổi. Căn nhà vẫn còn đó. Chiếc cổng rêu phủ vẫn y nguyên, gốc cau xưa, hiên giại cũ nước thời gian in bóng còn đây mà người đã đi xa tự lúc nào. Các ngài luận văn chương thời thế cũng người trước kẻ sau từ biệt thế gian. Hẳn giờ khắc này, cụ Nguyễn Khải, cụ Xuân Thiều, cụ Nguyễn Minh Châu, cụ Nguyễn Đình Thi, cụ Hữu Mai, cụ Vũ Cao, cụ Hải Hồ... cũng đang trò chuyện nơi thế giới của người hiền với cụ giáo Bô Hương Ngải. Ừ thì các cụ cũng đã đều trọn vẹn nghiệp văn bút của mình. Đời người gió thoảng mây trôi nhưng văn nghiệp của các cụ mãi còn như một phần Văn chỉ, Võ chỉ, miếu làng, đình cổ trên khắp quê hương.
Nhà phê bình Ngô Thảo cúi thật thấp xuống bên hai bà cụ trên chín mươi tuổi. Ngô Thảo cầm bàn tay dăn deo của cụ cứ thế nghẹn đi. Cụ nói với nhà văn mà như nói với chính mình. Nhà tôi ngày trước nuôi gia đình ông Nguyễn Khải. Ông Nguyễn Khải cao to lắm, mỗi khi ra vào cổng toàn bị cộc đầu. Cái thằng con Nguyễn Khải còn cao hơn bố, cứ như chiếc sào tre mà nghịch ngợm phát khiếp cụ nhỉ? Hôm nào các bác mời gia đình ông Khải về đây nhé, tôi lại vùi khoai lang đỏ cho ông ấy ăn. Ông ấy viết gì mà khiếp lắm, sụm cả chiếc chõng tre nhà tôi đến mấy lần. Lại còn có cái ông tên Thi hay Thí gì đó đọc thơ hay lắm. Ông ấy đọc thơ cánh liền bà chúng tôi chả hiểu gì mà cũng thấy hay. Tôi hỏi khí không phải, cái ông tên Thiều đầu hoi hói chắc vẫn còn sống nhăn đấy nhỉ? Ông ấy hay lẻn đi mua rượu tận đám cuối làng, đêm hôm chó cứ cắn ủng oẳng suốt. Ngày đó, các ông toàn phải góp tiền cãi cọ nhau om cả lên chứ bây giờ nhà tôi thừa vài chum rượu có ai buồn uống đâu. Hay là bác chịu khó bê về một chum cho cái ông Thiều ấy nhé.
Hai bà cụ lão cứ thay nhau tâm sự về ông Thiều, ông Khải miên man không dứt. Có cụ lưng còng, cao chỉ hơn mét thành thử Ngô Thảo cứ phải cúi khom người nghiêng tai lắng nghe mà nước mắt dường như lại rịn ra. Nơi bức tường đá ong trát vữa lởm chởm bỗng đâu hiện ra dòng chữ Đả đảo bọn cường hào ác bá địa chủ bóc lột xương tủy bần cố nông xóm Hạ... Đọc dòng chữ mà bỗng chốc rợn người.
Trước ngôi nhà nhà văn Nguyễn Khải từng ở tại Hương Ngải năm 1972. Ảnh: PV
Hương Ngải trong những tháng ngày Văn nghệ Quân đội sơ tán ở đây biết bao câu chuyện cảm động đã diễn ra. Ngày đó toàn phải đi xe đạp từ Lý Nam Đế vòng vèo đường đá, đường đất ao chuôm lo bài vở. Có một lần, Ngô Thảo đèo con gái mới bảy, tám tuổi khẩn trương vượt kênh mương ao đầm về Hương Ngải. Trời mưa trơn ướt, chiếc xe mất phanh trượt bánh lao tòm xuống cái ao sâu ven đường. Ngô Thảo cũng thuộc hàng cao lớn mà tí chút chìm nghỉm vội vã cố sức rướn nâng chiếc xe từ đáy ao lên bờ mới quay ra mò tìm cô con gái. Sau này lớn lên, con gái trách bố tại sao lúc đó lại vớt xe trước, Ngô Thảo đã phải cười trừ nói, ừ thì trót thế rồi, với lại còn đám bản thảo chằng trên xe, nếu không vớt ngay sẽ mủn mất thì biết ăn nói thế nào với ông Khải, ông Cao. Có những câu chuyện thực cười ra nước mắt.
Năm 1972, toàn thành phố Hà Nội mới chỉ có trên sáu mươi vạn dân. Vậy mà cuộc sơ tán tránh máy bay Mĩ đã lên tới trên ba mươi vạn. Cứ một người dân vùng quê Hương Ngải, đã phải nuôi nấng, đùm đậu một người sơ tán đến. Hạt lúa củ khoai khi đó phần nhiều còn phải dồn ra tiền tuyến nên ngày thường đãi nhau cũng chỉ là bát nước vối, nắm rau sam, rau dền, quả cam, quả chuối vườn nhà. Giọt đèn dầu đêm đêm chập chờn ánh trăng suông mà ràng buộc nghĩa tình bền chặt lắm. Nhà cụ giáo Bô, nhà cụ Vạn, ông Trưởng, bà Len... đều tình nguyện nhường căn nhà chính cho các nhà văn. Chính ở nơi đây, những tác phẩm làm nên tuổi tên những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Vũ Cao... mà bây giờ họ đã hiện ra ở tên phố, tên đường, tên trường học đã nảy mầm ấp ủ và hiện từng trang từng trang dưới mái nhà cổ đất Hương Ngải. Bởi vậy, Hương Ngải thật gần mà cũng rất loang xa.
Gần gũi với cánh nhà văn hôm nay, người kết nối, đồng hành chính là một vị tướng quê hương Hương Ngải - Trung tướng Phí Quốc Tuấn - Nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ông ngày đó mới mười bảy tuổi, đang chuẩn bị viết đơn xin nhập ngũ vào chiến trường nhưng hình ảnh những Vũ Cao, Hồ Phương, Hữu Mai... luôn đọng lại trong tâm trí ông tới tận bây giờ. Có nhà văn ở nhà ông suốt đêm cặm cụi sáng đèn. Sau này, khi chiến đấu và bị thương nơi chiến trường Khu V ác liệt, ông đã viết những trang nhật kí cũng là những trang văn thấm đẫm đạn bom và thực lạ kì, nguồn khơi dẫn chính là từ quê hương, từ các nhà văn quân đội mà ông từng nhìn thấy.
Hương Ngải, với các nhà văn quân đội từ lâu đã là một phần kí ức. Thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia bước tiếp nhưng vẫn nguyên đó một Hương Ngải thấm đẫm nghĩa tình. Trong trang sử của đất và người Hương Ngải đã luôn nhắc đến, luôn tự hào có một thời đón các nhà văn quân đội về ở đất mình. Những căn nhà gỗ cổ mấy trăm năm, cây muỗm cổ thụ nơi Quán Nghinh Hương vài trăm năm tuổi, những bia đá, bảng đồng, Văn chỉ, Võ chỉ, chùa, miếu còn kia. Và thật gần, ngay sát chúng tôi, cầm tay chúng tôi là các bà cụ lão vẫn nhắc đến, vẫn muốn mời về các nhà văn ngày trước, để lại cùng nhau uống bát nước vối, ăn trái ổi đầu thu.
Đã năm mươi năm, nửa thế kỉ mà vẫn thật gần, Hương Ngải.
P.V.K
VNQD