Người Mĩ mất tích

Thứ Hai, 13/03/2023 00:36

. TRÚC HOÀI
 

Cái quán nhỏ nằm dưới tán cây trứng cá lớn nên lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu, ngay cả trong những ngày nắng nóng. Phía trước quán chừng năm sáu thước là con đường đất chạy ngang qua, rộng chỉ đủ cho một chiếc xe hơi lớn chạy một chiều. Phía sau quán, bạt ngàn dừa của thôn An Nội với chừng năm sáu chục nóc nhà.

Quán của hai chị em gái có cha mẹ và anh trai mất từ thời kháng chiến chống Pháp. Cô chị tên Hiền, hai sáu. Cô em tên Hòa, hai hai.

Minh họa: Thành Chương

Bấy giờ là năm 1966.

Vào sáng sớm một ngày đầu tháng ba, một tiểu đội lính bảo an có hai cố vấn Mĩ cùng đi, tiến sâu vô tận xóm giữa thôn An Nội, đốt nhà, xả súng bắn thí mạng. Đám cháy mịt mù, xác người, xác trâu bò và cả xác những con chó nằm la liệt. Tổ du kích bảy tay súng đánh lại, nhưng không diệt được tên nào. Chừng một giờ sau, bọn bảo an rút, để lại một cảnh tiêu điều cho đến xế chiều vẫn còn ngột ngạt.

Khi bọn bảo an đến, hai chị em biết có chuyện chẳng lành, nên dọn dẹp các món xuống dưới hầm trong nhà. Đến chừng một giờ chiều không còn tiếng súng đạn, nắng đã yếu, hai chị em lại dọn hàng ra kẻo hỏng mớ cá tươi lấy hồi đêm. Quán chỉ bán hai món đơn sơ vùng biển. Buổi sáng có món cháo sò huyết. Từ trưa đến sẩm tối có món gỏi cá mai. Khách ăn toàn người quen trong xóm, lúc đông nhất cũng chỉ mười người trở lại.

Không ngờ, người đến quán đầu tiên lại là cảnh sát trưởng của xã, tên thường gọi là thầy Bảy Lãm. Bảy Lãm thích ăn món gỏi cá mai rẻ tiền. Nhiều lần y tấm tắc khen: “Món nhà quê, đậm đà, ăn miết cũng ghiền.” Từ nhà thả bộ chừng mười lăm phút thì đến quán nên y hay ghé. Ở thôn, nhiều người đi làm ăn xa, lâu lâu mới về, đều không quên ghé đến quán gỏi cá mai. Riêng với Bảy Lãm, còn một lí do nữa cuốn hút y là y đang gạ gẫm lấy Hòa làm vợ bé, cô vợ thứ ba, trong khi y đang sống cùng hai cô vợ và đã có hai đứa con.

Trời im gió. Quái lạ, giữa ban ngày mà lại nghe xa xa tiếng đại bác bắn phát một như bắn cầm canh lúc nửa đêm. Những mảng khói cuối cùng của đám cháy cứ lơ lửng nghiêng qua lại dưới tán lá dừa. Trước khi đứng dậy ra về, Bảy Lãm lạnh lùng nói với Hiền đang bế con trai lúi húi đun nước trên cái bếp có ba ông táo bằng đất:

- Thì tui đã nhắc nhiều lần rồi mà dân chúng cái thôn ni cứng đầu quá. Không được để cho cộng sản về thôn lúc nửa đêm gà gáy lấy dân công xuống biển cõng súng ống đạn dược từ Hà Nội xâm nhập vô. Cái vụ súng này là lời cảnh cáo để nhớ đời. Cứ lai rai để cộng sản về thì binh sĩ đồng minh Đại Hàn ra tay, cầm chắc cái thôn ni sẽ thành địa ngục. Đừng có giỡn với quốc gia.

Hiền vẫn bế con trên tay, đến trước mặt Bảy Lãm giọng như năn nỉ:

- Thầy Bảy nói nghe ghê quá. Mà thầy Bảy chắc cũng phái có cách chi để ra tay đỡ bớt cho bà con mình chớ.

Bảy Lãm không nói không rằng, đứng dậy ra về. Được vài bước, y quay mặt lại hỏi:

- Chớ nhỏ Hòa đi đâu mà không thấy mặt mũi nó?

Hiền chưa kịp mở miệng thì Bảy Lãm đã quay đi, có vẻ y chỉ hỏi mà không cần nghe trả lời.

Ở An Nội, hoàn cảnh gia đình Bảy Lãm cũng khá đặc biệt. Cha Lãm tập kết ra Bắc năm 1954. Lúc ấy Lãm hai mươi ba tuổi. Mẹ Lãm, một người đàn bà đẹp, cứ sẩm tối, bất kể mưa to gió lớn, đều phải ôm chiếu lên ngủ tập trung tại cái đình giữa đồng, sát bên trụ sở hội đồng xã. Ròng rã hai năm như vậy, bà không chịu thấu, đành lấy tên xã trưởng kém bà năm tuổi. Chị gái Lãm đi thoát li, công tác tại ban phụ nữ huyện. Còn y thì lâm vào cuộc tình tay ba đến hai ba năm, rồi thất tình đau đớn. Tức máu, y xung phong làm cảnh sát xã để có cơ hội trị các đối thủ.

Vừa quay lại phía nồi cơm Hiền vừa nghĩ thằng dê này tham quá, vợ con đùm đề mà còn gạ gẫm con Hòa. Nghe tiếng bước chân, Hiền quay lại. Cô Sáu Hạnh với chị bạn làm ăn ghé vô.

Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế tre, cô Sáu vừa dùng nón lá quạt, vừa hỏi Hiền:

- Sao, bà con mình có bị nặng lắm không?

Hòa từ trong nhà chạy ra, nghe cô Sáu hỏi, liền đáp:

- Dạ, bà con mình bị nặng lắm cô. Mười hai người chết. Ba con bò, mấy con chó nữa. Nhờ tháng trước huyện đội có cho tổ du kích thôn ba bốn băng đạn AK, một chùm thủ pháo, nện lại bọn nó giòn giã lắm. Năm sáu thằng bị thương, không đứa nào chết. Chắc bọn nó tưởng đụng với lực lượng huyện nên rút lui sớm. Cái thôn mình, phía trên cao dừa sắp lớp, phía dưới cây nhỏ um tùm, nên du kích dễ vận động.

Hòa vừa dứt lời, Hiền bảo:

- Em đi hái trái dừa cho hai cô uống.

Cô Sáu Hạnh liền bảo chị bạn của mình đi hái dừa với Hòa. Khi hai người đi khuất, cô Sáu nói nhỏ với Hiền:

- Ở trên báo, trận sáng nay ở thôn mình, có một thằng Mĩ bị mất tích. Không biết nó chết hay bị thương mà khi trực thăng đến hốt quân, không thấy mặt nó. Thế nào nay mai bọn nó cũng quay lại tìm thằng Mĩ. Tổ du kích chuẩn bị đối phó.

Nét mặt Hiền dần dần trở nên trầm ngâm theo từng lời nói của cô Sáu. Cuối cùng, Hiền “dạ” nhỏ một tiếng.

Cô Sáu Hạnh năm nay đã xém tuổi năm mươi, người dỏng cao, mặt sáng trắng với đôi mắt to, và lọn tóc phía sau chắc to bằng trái bưởi. Cô làm nghề buôn cá chạy đường dài. Mua cá dưới chợ Gánh sát biển, gánh chạy bộ qua An Nội, qua tới chợ An Lưỡng, mất chừng mười lăm cây số. Lúc nào thấy trong người không được khỏe, cô kêu một người khác gánh cá, còn mình cứ chạy lúp xúp theo. Cô thường phủ qua đầu một chiếc khăn rằn rồi mới đội nón lá, hai đầu chiếc khăn thòng xuống ngang bụng. Lâu lâu cô mới ghé vô quán của Hiền để uống nước rồi đi.

Chị em Hiền biết cô Sáu chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Còn những chuyện thông thường nhất thì không biết một tí nào: Cô ở đâu, chồng con ra sao? Có một lần đã lâu, ông bí thư chi bộ xã nói với Hiền: “Hồi con trẻ, cha mi say bà như điếu đổ. Thì bà Sáu Hạnh an ninh huyện chớ bà nào nữa.” Câu nói của ông bí thư giúp Hiền biết thêm tung tích của cô Sáu và tự nhiên, Hiền cảm thấy có cảm tình đặc biệt với cô. Hai chị em Hiền, Hòa không biết đó thôi, chứ cô Sáu Hạnh biết rất rõ về gia đình của hai chị em.

*

*        *

Mưu trí của cô Sáu thì cả hai chị em đều phục. Nhớ hôm Hiền than vãn với cô Sáu là tay cảnh sát Bảy Lãm muốn con Hòa làm vợ lẽ, con Hòa giật nảy lên, nó uất lắm. Cô Sáu chưa kịp nói gì thì chợt thấy Bảy Lãm bước vô quán. Lần này, y vẫn mặc bộ bà ba màu xám tro quen thuộc mỗi khi tới quán.

Cô Sáu bỗng nói to lên:

- Hiền ơi, con có chai dầu nóng nào đó không? Cô bị cảm, chắc phải cạo gió.

Hiền bế thằng bé, chạy vô nhà lấy chai dầu, rồi đưa nó cho Hòa bế. Tình cảnh này buộc Hòa phải dọn món gỏi lên cho Bảy Lãm, là cái việc xưa nay cô chưa từng làm.

Thấy cô Sáu và Hiền đang cạo gió bên gốc dừa gần đó, Bảy Lãm uống xong hớp rượu, chợt kêu to:

- Trời ơi, mấy bà nội ni chê đời không muốn sống nữa hay sao mà cứ ngồi khơi khơi ngoài trời mà cạo gió. Lỡ có con gió độc ùa tới thì chỉ có một nước là chạy đến trại hòm mua hòm mà thôi.

Cô Sáu đáp lại có phần vui vẻ hiếm thấy:

- Dạ dạ, cảm ơn anh Bảy. Cô cháu tui vô ý quá.

Hai người vừa ngồi xuống chiếc giường trong cái nhà lợp lá dừa, vách bằng bùn đất trộn với rạ, cô Sáu nói:

- Thôi thôi. Không có cảm sốt gì đâu mà cạo. - Đến đây, cô bỗng nhoẻn miệng cười rồi tiếp - Tay cảnh sát giúp cô cháu mình đó. Sở dĩ cô nói như vậy, bởi lâu nay, cô luôn giữ ý tứ không nói chuyện lâu với Hiền trước đám đông, đề phòng có kẻ theo dõi. Hôm nay, tay Bảy Lãm nói như vậy có khác chi bảo hai cô cháu cứ vô nhà cho thoải mái.

Vào nhà rồi cô Sáu vào chuyện luôn:

- Rồi tổ chức ở xã sẽ giao việc cho hai đứa. Nay cô nói trước, nhưng không được hó hé với ai.

Đây là lần đầu tiên cô Sáu bàn chuyện lâu với Hiền. Hiền nghe rất chăm chú, nghe tới đâu nhớ tới đó. Tổ chức sẽ lót anh Bổn là chồng chưa cưới của Hiền vào làm cảnh sát canh gác tòa hành chính tỉnh tại Quy Nhơn. Nếu cứ trù trừ, ở tuổi mười bảy, mười tám, Bổn dễ bị hốt đi quân dịch. Còn Hòa, không thoát li được đâu. Lực lượng trẻ ở thôn mỏng quá, lấy ai làm nòng cốt phong trào. Hòa ở nhà, bí mật tham gia du kích đánh địch, để có thể trực diện công khai khi đấu tranh hợp pháp. Với Hiền, thì cứ bám thằng Bảy Lãm. Một mặt lựa lời khuyên nó đừng có làm khó, làm dễ, o ép đồng bào quá mức. Mặt khác, cũng phải rất khéo để moi từ miệng nó những điều có lợi cho cách mạng.

Sau lần cô Sáu giao việc, cuộc sống của hai chị em có nhiều đổi khác. Họ thấy bận rộn hơn, suy nghĩ nhiều hơn và đặc biệt, họ cảm thấy mình mạnh mẽ thêm lên. Mới đây thôi, ông bí thư chị bộ xã cho biết là huyện ủy đang xét hồ sơ, chắc nay mai cả hai đứa sẽ được kết nạp Đảng.

 

Minh họa: Thành Chương

Suốt buổi sáng ầm ầm lửa đạn nên hai chị em Hiền không nấu cơm. Hiền mớm chút cơm nguội từ hôm qua cho thằng bé. Hòa thì rửa hai củ khoai lang còn lại, nhai sống một cách ngon lành. Dọn hàng vào, gần bốn giờ chiều nấu cơm sớm. Hai chị em ăn bên giếng nước cách cái nhà chừng chục bước chân. Thằng bé vẫn còn ngủ say trên chiếc võng dừa.

Hiền ăn món đu đủ hầm móng chân heo suốt hai ngày liền, chị thấy quá ớn, nên nhờ Hòa ăn giúp. Hòa cự nự:

- Hổng có được đâu. Có ớn mấy cũng ráng nuốt để có sữa cho thằng nhỏ.

Hiền cảm thấy rất mừng bởi sinh con so mà lại có nhiều sữa thì không gì bằng. Hai bầu vú chị lúc nào cũng căng tức, nằng nặng, có lúc chị phải vắt sữa bỏ bớt...

Trong rừng dừa, trời tối rất mau. Hiền rửa chén đĩa cạnh ang nước bên kia thành giếng. Còn Hòa phải đi báo cho du kích biết ngày mai bọn nó sẽ quay lại tìm thằng Mĩ. Bất thần, có tiếng đại bác bay rú ào ào như bão, không giống tiếng đại bác 105 li cứ kêu víu víu hồi lâu trên không rồi mới rớt xuống đất. Hôm nay bọn nó bắn pháo tự hành đạn 155 li, loại đạn có đến hai ngòi nổ, nên khi nghe tiếng đề pa, thì đạn chụp xuống đầu ngay. Quả đạn pháo chụp xuống nhà Hiền. Cái nhà nát bấy, mảnh tung lên cùng ánh lửa.

Hiền chỉ kịp thét lên một tiếng “á” rồi ngã úp ngực xuống chậu rửa chén ngay trước mặt. Nhờ thân một cây dừa già bên kia thành giếng và nhờ cả cái thành giếng xi măng che chắn mảnh đạn, chị lịm đi trong tư thế hai tay xuôi hẳn về phía trước, lưng hơi cong lên bởi bụng đè lên cái chậu nhựa.

Lúc ấy, Hòa trên đường về, còn cách nhà chừng năm sáu chục thước. Tiếng nổ của quả đạn đại bác khiến đầu cô muốn nổ tung, tai ù đặc. Trong nỗi sững sờ đến kinh hoàng, cô chỉ biết ưỡn ngực chạy tới. Cái nhà đâu rồi? Thằng bé đâu rồi? Chị ba đâu rồi? Rồi Hòa ngã nhào xuống bên chị mình. Trong giây lát, Hòa lay hai vai chị và gào lên thất thanh: “Chị ba, chị ba! Thằng nhỏ đâu rồi?”

Bóng đêm trùm xuống. Chỉ còn nghe tiếng lép bép của lửa cháy. Có tiếng chân người chạy gấp gáp ập tới chỗ có tiếng khóc của Hòa bên thành giếng. Tối quá, không rõ mặt một ai. Một người ngồi xuống sờ trán Hiền một đỗi rồi mới cất tiếng nói.

- Có dầu nóng không? Phải xoa khắp người cho ấm.

- Dạ, để em chạy ù về nhà, lấy hộp dầu cù là.

- Vậy thì chạy mau đi. Châm lửa lên, hơ nóng cái khăn rồi đắp lên ngực nó. Người nó lạnh tanh, hơi thở ngó bộ yếu lắm.

Hai người bế Hiền đến nằm bên gốc dừa gần đó, nằm hẳn trên mặt đất. Được xoa đầu, sưởi ấm, đến nửa đêm Hiền mới tỉnh dậy.

Chính cô gái tên Hường, người bạn thân nhất của Hòa trong tổ du kích, là người về nhà lấy hộp dầu cù là, lại quay về nhà một lần nữa rồi trở lại với cái chén trên tay.

Hường nói với Hiền:

- Bây giờ chị ráng uống chén nước cháo để khỏi đuối sức. May quá, nhà em còn một túm gạo sấy, bỏ một nắm vô nước sôi là có cháo ngay.

Hai cô gái cắm cúi cho chị uống nước cháo, không để ý phía sau lưng có đám người đứng nhìn về phía nhà cháy chỉ còn than tro màu đỏ. Tiếng khóc được nén lại, nghe thút thít. Hòa cúi lượm đây đó một nắm lá dừa, bó lại gọn ghẽ. Bó lá dừa vùi trong than một lúc, bốc lửa cháy thành cây đuốc.

Hòa giơ cây đuốc, nói to với mọi người:

- Mình phải đi tìm thằng Sơn. Không biết bây giờ nó ở đâu?

Một người nói:

- Mình đốt đuốc, sợ bọn nó nhìn thấy.

Hòa xẵng giọng:

- Cứ cho nó nhìn thấy. Đến nước này thì không còn sợ thằng nào hết.

Cháy thêm mấy cây đuốc nữa. Soi tìm khắp nơi, không thấy một dấu tích nào của thân thể, áo quần thằng bé. Đến gà gáy, có người thấy nửa chiếc võng dừa của nó mắc trên một bẹ dừa cao năm sáu thước.

Một người dìu Hiền đến nhìn nửa chiếc võng. Hiền nấc lên: “Anh Bổn ơi, con mình...” Chị đưa hai tay ôm chặt bầu ngực và từ từ ngã xuống giữa ba bốn cánh tay đỡ phía dưới. Không chỉ Hiền, mà những người khác trong nhóm đều thiếp đi trên mặt đất khi trời sắp sáng.

*

*        *

Một tàu dừa khô rớt xuống gần đó. Hòa giật mình ngồi dậy. Đôi mắt buồn rười rượi của Hòa nhìn về phía cái nhà giờ đây chỉ thấy màu tối của tro, không còn một ngọn khói nào. Rồi Hòa lặng lẽ đứng dậy, bước đến nhìn nửa chiếc võng dừa của thằng Sơn. Cô buột miệng kêu lên: “Trời ơi, đến một miếng vải áo nó cũng không thấy.”

Hòa đến ang nước bên giếng để rửa mặt, mong sao đầu óc nhẹ bớt. Cái ang nước còn nguyên lành cũng nhờ thân cây dừa và thành giếng xi măng che mảnh đạn. Bất giác cô ngẩng mặt nhìn tới phía trước, nơi có một lối mòn nhỏ chạy thẳng ra con mương nhỏ phía sau nhà. Cái gì, vật gì nằm chắn trên lối mòn? Mắt vẫn nhìn phía trước, Hòa từ từ đưa tay cầm cái gáo dừa cán dài ra phía sau để bỏ nó xuống ang nước, rồi cô chầm chậm bước tới. Cha mẹ ơi, một cái đầu cạo trọc, mình mẩy, chân tay còn đủ. Một thằng lính Mĩ. Phải rồi, cái thằng mà chúng nó sẽ quay lại tìm, như cô Sáu đã báo.

Hòa quay mặt lại phía sau để vẫy tay gọi Hường, nhưng Hường đã đứng ngay sau lưng Hòa từ lúc nào. Những gì Hòa nhìn thấy, Hường cũng đã thấy hết. Đến bây giờ họ mới coi kĩ bộ dạng của thằng Mĩ ra sao. Bộ quần áo màu xanh lá cây, vải dày, quá nhiều túi, bùn đất bám một lớp dày không sót chỗ nào. Bàn chân trái không giày, bị gãy xương phía trên mắt cá. Ống quần của bàn chân trái bị cắt bỏ ngang gối, chắc để thuận tiện khi băng bó chỗ xương gãy. Và việc băng bó chỗ trọng thương này lại quá sơ sài. Lay thử bàn chân, mới biết nó chỉ còn phần thịt da dính với bắp chân. Chắc cái chân gãy đã khiến thằng Mĩ kiệt sức, không hề thấy nó rên hay động đậy tí nào.

Hường kêu lên:

- Đúng rồi, bọn nó sẽ trở lại tìm thằng quỷ này chớ sao. Mẹ cha ơi, nó to như con trâu, chắc gần trăm kí. Bây giờ làm sao hè?

Giọng Hòa chần chừ:

- Tao cũng không biết làm sao với cái của nợ này. Thì phải báo cho xã đội chớ sao. Bây giờ trời sáng rồi, không chừng bọn nó đến sớm.

Hường đưa tay sờ trán, sờ mũi thằng Mĩ. Một lúc sau cô nói:

- Nó còn sống. Người nong nóng, hơi thở yếu. Cha mẹ ơi, hai môi nó nứt nẻ như bờ ruộng.

Giọng Hòa có phần trầm ngâm:

- Thằng này vậy mà giỏi. Chắc phải lăn lê, bò toài suốt đêm dưới cái mương cạn, rồi mới quẹo lên đây. - Đến đây, giọng cô bỗng sôi nổi - Mà thằng này gặp may. Nhờ cái chân gãy mà nó thành tù binh của tụi mình. Vậy là con còn sống đó, con ơi.

Giọng Hường cũng sôi nổi theo:

- Chính sách tù binh cho nó sống, thì dân thôn mình có tiếc chi một gáo nước giếng cho nó.

Lúc ấy, không biết Hiền đến từ lúc nào, chứng kiến tất cả các diễn biến. Chị nói với Hường:

- Thì em múc cho nó gáo nước. Nước trong ang còn nhiều.

Hòa phải dùng tay bóp hai bên mép miệng để hai môi nó hở ra mới nghiêng gáo nước đổ vào được. Nó uống một mạch hết nước trong cái gáo làm bằng vỏ trái dừa xiêm khô.

Hường nói:

- Nó bự như con trâu, một gáo nước thấm tháp gì. Cho nó một gáo nữa.

Hòa dí nhẹ đầu ngón tay trỏ lên trán thằng Mĩ, rồi hỏi nó:

- Mi đỡ khát chưa? Nếu chưa thì tụi tao cho uống nữa. Giếng thôn tao không thiếu nước đâu. Bây giờ tao hỏi mi một câu. Người thôn tao quanh năm suốt tháng lo cày cuốc làm ăn, chưa một lần sang bên Mĩ động mồ, động mả ông bà nội ngoại của mi. Thế thì cớ chi mà năm ngoái mi cho xe ủi đến san bằng mồ mả, miếu thờ trăm năm của thôn tao? Rồi sẩm tối hôm qua, mi câu pháo vô nhà tao. Mi đừng có mở miệng nói đó là tội của mấy thằng pháo binh. Bọn mi bụng dạ như nhau tuốt, thằng pháo binh cũng là mi.

Hai gáo nước giếng chắc có tác dụng, giúp người lính Mĩ tỉnh lại chút ít, nhưng đôi mắt vẫn chưa có dấu hiệu hé mở. Cả ba chị em nhìn chăm chắm vào khuôn mặt to, cằm hơi vuông, da mặt trắng lấm lem bùn đất và râu quai nón mới mọc lún phún sau lần cạo. Và bất chợt, cả ba người đều nhìn thấy bàn tay phải của y đang duỗi theo vạt áo, lại cử động. Bàn tay được nhích dần lên tới thắt lưng ngang bụng, rồi ngón tay trỏ chỉ ngược lên phía trên cổ áo.

Hòa kêu lên:

- Chị ba, chị ba. Tay nó chỉ cái gì vậy? Chỉ cổ áo để làm gì? Sao mi không nói? Phải rồi, nó chỉ lên túi áo bên trái ngực. Để em coi.

Hòa mở hột nút áo rất to trên cái túi áo hình vuông. Cô kéo trong túi ra một chiếc ví nhỏ, lép kẹp, và kéo dây kéo bằng đồng trên miệng chiếc ví để rút ra một tấm hình bằng hai phần ba bàn tay người lớn. Trong ví không có đựng một thứ gì khác.

Tấm hình có cảnh một gia đình Mĩ bốn người trước căn nhà nhỏ hai tầng. Phía bên phải có chiếc xe bốn chỗ màu nho. Phía bên trái là giàn hoa mimosa tím đậm. Rõ ràng đây là anh lính bị gãy chân mặc com-lê, trông rất phong độ. Anh ta quàng tay trái để ôm vai một người đàn bà trẻ, tóc vàng, chắc là vợ anh ta. Đứa con gái đứng tới bờ vai mẹ và đứa con trai đứng tới ngang bụng cha.

Hòa đứng dậy, kêu lên có vẻ ngạc nhiên:

- Ơ, thằng quỷ này mà cũng có vợ con.

Giọng Hường lớn hơn:

- Thì nó cũng là người mà.

Hòa ngắt lời Hường:

- Người ngợm cái giống gì. Không biết mấy thằng quỷ này sống để làm chi? Đang giàu có sung sướng, ai thấy cũng thèm, mà không chịu lo làm ăn, lại sang đây bắn giết, đốt nhà, hãm hiếp đàn bà con gái.

Mặt của Hiền hốc hác, hai mắt thâm quầng. Chị đưa tấm hình cho Hòa và nói nhỏ:

- Hai đứa nhỏ thiệt dễ thương. Thôi, hình của gia đình nó, trả lại cho nó.

Hòa hơi cúi xuống, nói với thằng Mĩ không hề nhúc nhích:

- Mi có nghe chị ba tao khen hai đứa con mi dễ thương không? Sao mi im như chết vậy? Cho nó gáo nước nữa.

Khi Hòa và Hường cho thằng Mĩ uống xong gáo nước, Hiền nói:

- Đưa cái gáo đây.

Hòa kêu lên ngay: “Chị ba!”. Hiền đáp thản nhiên:

- Hai bầu sữa căng quá.

Hiền hơi nghiêng người ra phía sau để nặn sữa xuống chiếc gáo dừa. Lúc Hòa và Hường lúi húi cho thằng Mĩ uống sữa thì Hòa chợt kêu lên: “Rồi, rồi.” Hường ngẩng mặt lên, Hòa hỏi: “Mày có nghe gì không?”. Hường đáp ngay: “Có có. Bọn cô hồn bay đến. Nó đi kiếm thằng Mĩ này đó mà.”

Tiếng trực thăng kêu bịch bịch mỗi lúc một gần.

Tiếng Hòa như nạt thằng Mĩ:

- Mi còn sống chớ có phải đã chết đâu mà không chịu há miệng ra để uống sữa. Sữa của chị ba tao đó. Mau nuốt đi rồi bè bạn của mi đến chở mi về với vợ con.

Hường thúc gấp gáp:

- Xuống hầm ngay. Trước khi đổ quân xuống mấy đám ruộng đầu thôn, nó xả không tiếc đạn. Mình cứ lớ ngớ, mất mạng như chơi. Cứ để thằng Mĩ nằm đấy chờ bạn nó, không sao.

Chỉ trong giây lát bầu trời thôn An Nội náo động bởi tiếng trực thăng, tiếng đại liên và đạn cối 81 li. Đấy là cảnh quen thuộc trước khi đổ quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Hiền ôm ngực chạy. Chị không khóc, nhưng mặt tràn nước mắt…

T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)