Bút kí . SƯƠNG NGUYỆT MINH
1.
Hơn 20 năm trước, tôi đọc truyện ngắn Làng xa của nhà văn Đỗ Văn Nhâm, hết dòng chữ cuối cùng, lòng chợt chùng xuống, oải ra, rồi ám ảnh đến rợn người. Câu chuyện về cái làng xa có ông Cốc Chủ tịch xã, là thương binh từ hồi chống Pháp. Ông thường đeo xà cột lệch vai, đôi chân giả khập khễnh trên đường làng. Trong mớ thư báo, giấy mời, giấy báo… hổ lốn ấy, có hai loại giấy tờ là giấy gọi nhập ngũ và giấy báo tử. Giấy gọi nhập ngũ thì có chàng giai hoi nhận được vui mừng nhẩy cẫng lên vì thỏa nguyện quyết tâm thư bằng máu xin tòng quân, còn phần nhiều cả nhà ưu tư, lo lắng. Giấy báo tử thì… hãi hùng và buồn khủng khiếp. Cho nên, người làng mà nhìn thấy ông Cốc bước đi cậm cạch rẽ vào ngõ nhà nào có chồng con đang ở mặt trận là giật mình thon thót. Ông Cốc với cái chân giả cọc cạch là nỗi ám ảnh, sợ hãi nhất của những người mẹ người vợ. Sợ hãi đến mức, thấy bóng dáng ông là đóng cổng, có người chạy trốn, chui tọt xuống hầm trú ẩn tránh máy bay Mĩ. Những người đàn bà ở làng không dám đối diện với cái giấy báo tử sẽ mở ra cuộc đời họ một khoảng trắng mênh mông.
2.
Tôi đi bộ đội một mạch năm năm liền mới được từ chiến trường K về nước, đi phép. Đêm đầu tiên, cả nhà rộn rã, sum vầy. Mẹ tôi lặng lẽ khóc, nước mắt của thương nhớ và mừng vui. Bố tôi bảo: “Anh về được là may rồi. Chứ cái giấy báo tử mà về thì chẳng biết mẹ anh sống thế nào”. Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi giật cả mình. Cái giấy báo tử về chính là nỗi sợ hãi, đau xót, buồn thảm mà nhà văn Đỗ Văn Nhâm đã viết ở truyện ngắn Làng xa.
Dạo ấy, nhà nước còn cho phép lúc cưới hỏi, lễ tết đì đùng tiếng pháo nổ, thằng cháu tôi đang học cấp ba mang bánh pháo cối cất trong cót thóc ra, bảo: “Nhà ta phải đốt pháo ăn mừng chú sống sót trở về”. Bố tôi bảo: “Nhà mình bom đạn tránh người. Mừng thì mừng thật, nhưng phải lặng lẽ ý tứ với hàng xóm có người ra trận không về, cháu ạ”. Thằng cháu cầm bánh pháo trên tay, còn đang ngập ngừng thì anh cả tôi quát con: “Ông nói rồi. Cất ngay đi. Có biết bây giờ là nửa đêm không? Có biết đằng sau nhà mình, chú Đang nhà bà Hiệp mới báo tử không?” Bà Hiệp ở sau nhà tôi, chỉ cách cái ao. Thuở để chỏm, tôi thường đi theo bờ vòng vèo sang nhà bà chơi với chú Báu, chú Đang. Nhà bà Hiệp tráng bánh đa, bà thường nhóm than củi quạt lửa nướng bánh đa vừng rồi mang đi chợ Bút bán. Chú Đang nhập ngũ hình như là tháng 5 năm 1978, huấn luyện được vài tháng rồi vào biên giới Tây Nam đánh quân Pol Pot xâm lược. Đơn vị chú đánh tràn sang chiến trường K. Nghe đồn chú hi sinh ở tỉnh biên giới Pursat - Campuchia xa lắc giáp Thái Lan vài tháng thì có giấy báo tử về. Mẹ tôi lưng còng, bà Hiệp cũng còng lưng. Cùng cảnh hai người già có con ở chiến trường K, hôm mẹ tôi sang, lúc bà Hiệp đến cho cái bánh đa vừng, kiếm cớ nói chuyện đêm mất ngủ vì nhớ con ngoài chiến trường. Ngày báo tử chú cả xóm tôi buồn. Bố tôi ngồi lặng lẽ uống rượu, nghĩ đến số phận của tôi cũng đang lang thang ở những cánh rừng Campuchia. Đêm đêm, bà Hiệp không ngủ khóc thương chú Đang. Tiếng người mẹ khóc thương con trong khuya khoắt bay qua cái ao vọng sang nhà tôi, khiến mẹ tôi cũng không ngủ, thầm thũi khóc theo.
3.
Sáng hôm sau, mẹ sai chị dâu cả và tôi đi chợ Bút. Gọi là mua sắm vài ba thứ đồ cùng với rau vườn nhà ăn mừng tôi trở về. Vẫn con đường xưa tôi đi học, một nẻo rẽ vào chợ, một đằng lên dốc cầu Bút nửa cây số là đến trường. Bâng khuâng, dạo gót giầy vải nhà binh trên con đường đá khấp khểnh liên huyện, tôi dừng trước cửa nhà ông Thuyết. Chẳng thấy cái lò rèn đâu. Cái lò rèn xưa cũ mà mỗi khi đi học, đám học trò chúng tôi cứ tò mò nhòm vào thấy thằng con trai còi cọc kéo bễ, ông bố quai búa rèn những thanh sắt nung đỏ thành dao, liềm, cuốc, mai… ấy. Bất chợt, một người đàn bà ôm vít lấy cổ tôi. Người đàn bà nhỏ thó khóc ời ời dưới chân cầu Bút: “Lúc đi thì có anh có em. Lúc về, sao anh không dẫn em nó cùng về? Sao anh không dẫn em nó cùng về…”. Em nó… chính là cái thằng con trai kéo bễ thổi lửa lò rèn. Tên nó là Thạch. Thạch ít hơn tôi một tuổi, học chỉ đến lớp bẩy rồi ở nhà phụ rèn cho bố. Mười sáu tuổi rưỡi, nó viết quyết tâm thư tình nguyện nhập ngũ. Buổi sáng hôm khám tuyển, trước lúc vào cân, nó ra hồ vục tay múc nước uống no căng bụng như con cóc. Tôi bảo: “Mày uống nước lã đau bụng chết”. Nó giơ tay áo quệt miệng, cười toe toét: “Để chắc ăn, em tống thêm mấy cục đá vào túi quần”.
Chúng tôi cùng làng, nhập ngũ một ngày, vào cùng đơn vị, tôi may mắn trở về, thằng Thạch thì không. Thạch hi sinh khi đi truy quét tàn quân Pol Pot. Bọn lính áo đen phục kích ở đầu cầu bên kia, chờ cho lính mình đi đến giữa cầu thì nổ súng. Những người đi đầu gục xuống luôn, Thạch bị thương còn kịp nhảy xuống sông. Bọn lính chĩa súng xuống bắn tiếp, cho tới khi chết, chìm hẳn. Lúc quân mình đến giải cứu thì đầu cầu phía bên kia đã không còn một mống lính áo đen. Về sau, lính mình gọi cái cầu ấy là cầu ông Khai. Ông Khai là đại đội trưởng của Thạch, ông và bốn người lính hi sinh trên mặt cầu này.
Cái lò rèn xưa cha truyền con nối. Mỗi lần nhìn lò rèn, mỗi lần kéo bễ rèn, quai búa là ông lại nhớ đến con trai, nhớ quay nhớ quắt. Ông Thuyết đập bỏ ngay sau khi có giấy báo tử Thạch một tuần, bởi không chịu được sự hiện diện của nó. “Cầu ông Khai” ở chiến trường K cũng chỉ như cầu Bút quê tôi. Thạch nằm lại đó, chưa về với đất mẹ để nhìn cái cầu Bút này đang rộn rã người qua lại, và học sinh cắp sách đến trường an lành. Thạch có thấy không? Dòng sông quê nhà trong xanh, thấp thoáng cánh buồm nâu, cánh buồm đỏ thắm no gió đẩy thuyền chở cát đá, gạch ngói, chum vại sành, chã đất nung,… bình yên quá. Rõ ràng năm tháng tuổi trẻ và sự hi của những người lính như Thạch chẳng bao giờ vô nghĩa.
Chị em tôi sắm xong đầy thúng đồ, thì chợ cũng vãn. Trên đường về, chị dâu tôi bảo: “Chú ghé vào hàng bà Th thăm bà, tiện thể mua cút rượu hay mua cái gì cũng được. Không được ra tay không, đỡ cho người ta bán được hàng cũng là làm phúc cho mình”. Thì ra bà Th tật nguyền, có cái chân trái bị thọt từ thuở nhỏ. Không chiến tranh, bà cũng khó lấy chồng bởi khi đi bước thấp bước cao, người nghiêng lệch về một bên. Bà bán quán chè chén, rượu quốc lủi, kim chỉ, bánh kẹo… ở đầu làng và có người con trai độc nhất đi bộ đội. Tật nguyền, không chồng, có đứa con trai độc nhất mà nó trốn nhà tòng quân, rồi mới viết thư về, rồi hi sinh ở biên giới phía Bắc thì có người mẹ nào thương nhớ, đau đớn, xót xa bằng bà Th? Xóm làng thương, đỡ đần lúc trái gió trở trời, hoặc mỗi khi cần mua bán mấy thứ lặt vặt cứ bảo nhau đến mua cho quán bà đắt hàng.
Bữa trưa, vui mà tôi ăn không ngon. Tôi kể cho anh cả nghe câu chuyện buổi sáng gặp mẹ Thạch khóc, chuyện chị dâu đứng bên ái ngại rơm rớm nước mắt, chuyện đến thăm bà Th và mua cút rượu. Tôi nói: “Mắt bà Th vô hồn thả vảo thinh không, bà bảo: Anh thì trở về làng, mà sao thằng T nhà tôi cứ đi tăm tăm biền biệt? Em thấy mình sống sót trở về cứ như người có lỗi, anh ạ”. Anh tôi thở dài, bảo: “Cũng tội. Mà kể gì xa xôi. Dù chú trở về, nhưng nhà mình cũng đâu thoát khỏi chiến tranh”. Tôi giật thót cả người.
Thì anh H con bác họ tôi cũng nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị, anh ở lại mãi mãi bên dòng Tonle Sap. Anh H đi gác đêm, bọn lính áo đen đặc công mò vào sát trận địa, đánh điểm huyệt bất ngờ, chúng lôi anh ra bãi bí ngô hành quyết. Thân người bị căng ra, một cái cọc đóng vào miệng. Bốn cái cọc đóng vào bàn tay, bàn chân…
Tôi không dám nghĩ tiếp, lòng chợt thảng thốt lo gặp người thân của người ra trận không về, chẳng biết phải nói gì.
4.
Đêm về, tiếng hời thương nhớ con của bà Hiệp văng vẳng vọng đến làm tôi khó ngủ. “Mà kể gì xa xôi…, nhà mình thì cũng đâu thoát khỏi chiến tranh”. Thật! Đâu thoát khỏi chiến tranh. Thời đánh Mĩ, làng tôi trai tráng ra trận hết, ở nhà toàn ông già, bà lão, trẻ con với đàn bà. Tôi có người chị thứ ba dạy học ở xã bên. Chị thường sai tôi đem phong bì dán tem của chị gửi cho người yêu ở chiến trường, bỏ vào thùng thư gần cái lớp tôi học sơ tán. Lần một cái phong thư, lần bốn cái, có tuần ngày nào chị cũng nhờ tôi cầm đi gửi. Rồi bẵng đi một thời gian, tôi thấy mắt chị đỏ hoe, và đêm thầm thũi khóc trong buồng. Mẹ tôi bảo: người yêu chị đã hi sinh, giấy báo tử đã về làng. Người yêu đã báo tử, nhưng chị vẫn tin anh còn sống, chị vẫn viết thư và vẫn nhờ tôi bỏ vào cái thùng thư gần lớp học. Chỉ đến khi mùa hè đỏ lửa 1972 kết thúc, bom Mĩ không đánh phá Hà Nội, Hải Phòng nữa, lớp học của tôi không sơ tán và lục tục trở về trường cũ, thì tôi mới hết nhiệm vụ mang những phong thư vô vọng ấy bỏ vào thùng thư. Nhưng, tôi biết chị vẫn viết, vẫn âm thầm gửi, gửi thư và chờ đợi, hi vọng.
Sau ngày thống nhất đất nước, anh người yêu của chị tôi vẫn không về, nhưng có những phong thư chị gửi theo hộp thư đơn vị anh thì lại trở về với chị tôi. Lúc ấy, chị đã ba mươi tuổi. Làng đầy con gái, mà người ra trận thì chỉ lác đác trở về. Con gái trẻ mới lớn phổng phao đắt chồng như tôm tươi, con gái quá lứa lỡ thì như chị tôi cơ hội hôn nhân như sao buổi sớm. Bởi con gái ở làng tôi trên dưới ba mươi chưa lấy chồng thì coi như ế rồi. Tạo hóa sinh ra một người đàn ông, thì cũng sinh ra một người đàn bà. Con trai nối bước nhau ra trận, chết bao nhiêu người thì con gái cũng thừa ra bấy nhiêu. Mỗi lần thấy bạn gái cùng lứa lấy chồng là chị tôi lại khóc. Khóc cho duyên phận mình bẽ bàng, hay chị khóc cho số phận bạn gái, tôi cũng không biết nữa. Chị M cùng tuổi chị tôi lấy anh C, chị tôi cũng khóc. Anh C bị thương mất một bên hàm, mặt nhăn nhúm, mặc cái áo Tô Châu đi bên cạnh chị M đội cái nón trắng, mặc áo phin nõn cũng trắng. Rồi thêm nhiều chị quá lứa nhỡ thì nữa lấy chồng, người may mắn hạnh phúc lấy anh thương binh cụt chân, người may ít lấy anh hỏng cả hai mắt. Rồi họ sinh con đẻ cái, trong nhà đầy ắp tiếng trẻ thơ, hạnh phúc không trọn vẹn nhưng cũng là đũa có đôi. Còn chị tôi, mà không chỉ chị tôi, vẫn… một mình, thừa ra. Viết đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến người phụ nữ chờ đợi trong thơ ông Hữu Thỉnh: Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi/ Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô/ Xóm làng thương không khoe con trước mặt và Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra/… Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền… Người ra trận và người ở phía sau chả biết ai khổ hơn ai, mất mát hơn ai. Nhưng người đàn bà ở phía sau mòn mỏi, héo hắt là có thừa. Xót xa cho thân phận chị tôi quá!
Mẹ tôi thương chị héo hon, sầu muộn. Mấy ngày trước lúc mất, mẹ tôi còn tỉnh táo, bảo: “Nhà ta trông lên không bằng ai, trông xuống không ai bằng mình. U chỉ phiền một nỗi làm mẹ mà còn một đứa con gái nữa vẫn như đũa không có đôi”. Anh tôi an ủi mẹ: “Cũng là do chiến tranh thôi. U đừng quá muộn phiền”. Tôi nhìn mẹ, đôi mắt mờ sương nhắm hờ. Mẹ tôi cũng đâu có sung sướng gì!
Những lúc buồn, chị tôi hay đến chơi với mợ Đ. Mợ tôi là vợ liệt sĩ. Sinh con gái được vài tháng thì mợ nhận được giấy báo tử chồng. Hôm làm lễ truy điệu ở hội trường, người ta úp cái thuyền nan chở lúa xuống phủ vải diềm bâu lên làm quan tài giả, phủ tiếp lá quốc kì lên trên. Trong khói hương nghi ngút, và nhạc Chiêu hồn tử sĩ se sẽ, ông xã đội trưởng thành kính, trang nghiêm đọc điếu văn. Không biết chồng mợ Đ chết trận ở đâu, chỉ thấy giấy báo tử viết: “Đã hi sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam”. Phía Nam tức là bên kia sông Bến Hải trở vào đến tận đất Mũi Cà Mau, là miền Nam đấy. Miền Nam thì mênh mông đất rộng sông dài núi cao rừng thẳm, chả biết đâu mà tìm, và biết đến lúc nào hòa bình mà đi tìm chồng. Vẫn còn đang tuổi xuân đằm thắm, mợ tôi ở vậy, nuôi con gái, và sống vò võ suốt những đêm dài thăm thẳm.
Tôi còn chị năm nữa sát tôi. Người yêu chị là bạn cùng trường phổ thông. Anh nhập ngũ chừng một năm, rồi giấy báo tử về xã. Chị tôi buồn bã, nhưng có một niềm tin mãnh liệt rằng anh không chết, chị chờ đợi năm này qua năm khác. Bố mẹ tôi sốt ruột, lo lắng, sợ con gái ế chồng, suốt ngày ca cẩm chị tôi đứng núi nọ trông núi kia. Thế rồi có một đơn vị bộ đội về làng đóng quân. Chẳng hiểu cái anh liên lạc đại đội mồm mép tép nhảy tán gái giỏi để chị tôi phải lòng, hay chị tôi hết hi vọng người cũ trở về, mà anh chị yêu nhau. Nhưng, cái gì cũng có thể xảy ra. Đúng hôm nhà trai mang rượu quê trầu cau đến làm lễ ăn hỏi, thì anh người yêu ở chiến trường lù lù khoác ba lô trở về sau 3 năm báo tử. Anh không về nhà mình mà dông thẳng về nhà tôi để gặp chị.
Không biết chị tôi nghĩ gì lúc đó, chỉ thấy khóc. Gái nhà quê khi đã làm lễ ăn hỏi thì coi như là con dâu nhà người, coi như ván đã đóng thuyền. Đêm hôm ấy, có một cuộc gặp nhau dàn xếp giữa hai người đàn ông, một đang tại ngũ một là thương binh. Chả biết họ nói với nhau chuyện gì, tôi nằm ngủ lơ mơ chỉ nghe được tiếng anh thương binh sống sót trở về nói với anh bộ đội tại ngũ: “Vì hai gia đình đã làm lễ cưới hỏi, và ông cũng là bộ đội sắp ra chiến trường, tôi mới chịu ra đi. Chứ ông mà là thằng dân sự ở hậu phương, tôi không buông đâu. Ông mà để vợ khổ là không yên với tôi đâu”. Chị năm tôi lấy chồng, rồi anh ấy vào chiến trường. Đất nước thống nhất được vài năm lại cầm quân đánh nhau ở biên giới Tây Nam, rồi sang chiến trường K. Chị lần lượt sinh ba đứa con mà chồng không có bên cạnh lúc vượt cạn, lúc con cái ốm đau sài đẹn, anh cứ đi đánh trận triền miên. Đằng đẵng những năm tháng mòn mỏi, chị tôi chờ chồng nuôi dạy con nên người…
5.
Chiến tranh là sự thử thách tàn khốc nhất, cao nhất đối với một đất nước, một dân tộc, một con người. Người chân chính yêu hòa bình chẳng ai muốn chiến tranh, người ta chỉ cầm súng khi “kẻ thù buộc ta mang cây súng”. Chiến tranh là mất mát, hi sinh. Người đàn ông ra trận cũng khổ mà người phụ nữ ở nhà cũng khổ, mỗi người có cái thử thách, khổ sở riêng, chẳng biết ai khổ hơn ai.
Bây giờ, chị thứ ba tôi từ một cô gái tuổi hai mươi chờ người yêu đi trận không về như hóa đá đã thành một bà già gần 80 tuổi. Tóc chị bạc trắng đẹp như tóc bà tiên trong chuyện cổ tích. Chị vẫn ở một mình, nhưng trong nhà thường xuyên rộn rã tiếng nói cười của chị em, cháu chắt. Chị không còn buồn tủi, cũng chẳng cảm thấy đơn côi nữa mà vui cùng với niềm vui ấm cúng chị em, cháu chắt đại gia đình. Chiến tranh mãi rồi cũng đến lúc phải kết thúc và hòa bình. Màu xanh an lành cũng đến lúc phủ tràn lên chiến trường xưa đầy máu xương, chiến hào nham nhở, lở loét, đầy bùng nhùng dây thép gai và vật nổ chiến tranh. Màu xanh hòa bình cũng làm lành vết thương trên da thịt để liền sẹo, và làm dịu mát lòng người vốn đã từng mòn mỏi, héo hon. Tuổi càng nhiều gương mặt chị tôi càng hết ưu tư, muộn phiền, lòng chị đã thanh thản mát trong như dòng suối nhỏ mùa thu bình lặng hiền hòa.
Làng tôi thì quá nhiều đổi thay. Đường trục chính đã rải nhựa, đường liên thôn, ngõ xóm đổ bê tông. Chẳng còn cảnh lầy lội bùn đất, cũng chẳng còn nhà tranh vách đất. Trường cấp một, cấp hai rộn rã tiếng trống trường, chứ không phải tiếng bom Mĩ nổ oanh tạc cầu Bút. Trong làng nhiều nhà sắm ô tô làm dịch vụ chở người ốm đau đi viện, hoặc chở khách. Làng có mấy trăm người tốt nghiệp đại học, nhiều người là tiến sĩ, nhà văn, nhà báo, nhà khoa học, tướng lĩnh, là doanh nhân thành đạt. Mỗi khi lễ tết, con cháu đi xa trở về, ô tô để chật đường. Hai nghĩa địa ở đầu và cuối làng san sát mộ lăng xây to đẹp như thành phố của người dưới âm. Chiều vãn, tiếng chuông chùa An Thái vọng gần ngân xa. Làng tôi thanh bình quá. Có nhiều đám cưới, cô dâu chú rể mặc áo cưới đến bia khắc tên hơn 200 Anh hùng liệt sĩ của làng đặt hoa tưởng niệm và chụp ảnh. Người trẻ sinh sau chiến tranh, nhưng họ biết không chỉ anh hùng liệt sĩ ghi danh bảng vàng bia đá, mà trong làng còn bà Hiệp, bà Thuyết, bà Th, bà Đ…, là những người mẹ người vợ nhẫn nại hi sinh, suốt đời thầm lặng. Họ cũng biết chiến tranh mất mát, hi sinh là cái giá của hòa bình hôm nay.
S.N.M
VNQD