Hoa vông vang trắng

Thứ Ba, 28/03/2023 00:39

. THU TRÂN
 

Cuộc sống luôn có những điều xấu - tốt song hành.
Nhưng nếu bạn điều chỉnh được nó thì nó luôn luôn đáng sống.
 

Giọt nước làm tràn li nước khi thằng con trai nàng bảo: “Con mười tám tuổi rồi, muốn ra ở một mình như bên Mĩ”. Nàng chỉ cười cười gật gật trong bữa ăn chỉ còn hai mẹ con: “Ừ thì tuỳ, con thích thì mẹ chiều”. Ngủ một đêm không ngon lắm, trằn trọc hơi nhiều, vừa thức dậy, nàng bảo: “Con chẳng phải đi đâu cả, mẹ sẽ là người ra đi. Con có thể một mình làm chủ ngôi nhà này tuỳ thích. Mẹ muốn thử sống một mình một thời gian, sau đó ta sẽ điều chỉnh tiếp, được không?”.

Minh họa: Lê Anh

Nàng là người thứ ba trong gia đình ra đi. Người đầu tiên trong gia đình nàng ra đi là con gái Thuỷ Tiên. Tiên du học bên Mĩ, cũng muốn thử nghiệm sống một mình, bảo, ba mẹ đừng gọi điện cho con, thích thì con gọi về, không thì thôi, con bận lắm, bận học hành, bận làm thêm hai ba job kiếm đô đi trải nghiệm khắp thế giới. Gái không gọi về thật, cả năm trời. Nàng gọi, máy tít tít báo bận. Biết sao được. Thôi, buông. Người thứ hai xách gói ra đi, tất nhiên là chồng nàng. Ông chồng của một nhà giàu, con cái lớn hết, không phải lo nghĩ gì nhiều, sinh tật có bồ. Bồ của chồng nàng là con bạn thân. Một buổi sáng đẹp trời, nó a lô nàng: “Tao và chồng mày đang yêu nhau, mày tính sao?” Tính sao bây giờ? Nàng hỏi nó: “Ông chồng tao xúi mày nói à?” Nó trả lời cơn cơn qua máy: “Không xúi, mà tụi tao có thảo luận và trao quyền thương thuyết đàng hoàng”. OK, thế thì thôi, còn nước còn cái gì mà nuôi dưỡng tình yêu. Buông.

Bạn bè nàng hay tin bảo, nàng phải cho cái con cướp chồng ấy một trận. Nàng ngớ ra bảo, ai cướp ai? Chồng nàng bị cướp à? Nàng mắc cười quá thể. Người đàn ông manly cao to mét bảy tám, ai mà cướp được. Thôi kệ, hết yêu nhau rồi thì tìm người lấp vào chỗ trống thôi. Thôi kệ, hết yêu nhau rồi thì cứ tự giải phóng mình thôi. Còn cái con bồ, mặc xác nó đi, khôn nhờ dại chịu, tiếc chi cái tình bạn hoá thành tro bụi.

Nàng bỏ việc, lên Đà Lạt, tìm thuê một khoảnh vườn nho nhỏ với căn chòi nho nhỏ trên núi cao. Chòi có ống khói để thông lò sưởi bằng củi khi trời quá lạnh, có cửa là những cây gỗ thông tròn tròn nối lại. Chung quanh chòi rực rỡ bông dã quỳ vàng và bông cúc tím. Vụ đầu tiên thu hoạch, nàng đổ cả một đống cà rốt đỏ loè giữa những màu hoa. Trời xanh, mây trắng bay là là trên đầu, thế là nàng có một không gian ngũ sắc. Sau chòi nàng còn có một hồ nước nhỏ, trên mặt hồ, chủ nhà thả hoa sen lơ thơ màu hồng nhạt. Một bận đứng ngắm màu sen ấy, nàng đã lên cơn quẳng luôn cái di động xuống hồ. Thế là hết, nàng tuyệt giao với thế giới chung quanh một cách như ý.

Người chinh phụ chờ chồng đêm đêm cắn răng vào thành giường để chiến đấu với nỗi cô đơn giường chiếu. Nàng chiến đấu với sự cô đơn của người phụ nữ kiêu hãnh thất bại bằng một núi công việc làm tối mắt. Sáng năm giờ nàng thức dậy, tớp một ngụm cà phê, chẳng phải ngồi lâu bên lò sưởi, là đã giày dép xống áo và xách liềm cuốc ra vườn. Vừa cuốc đất giữ liếp cho vườn dâu sắp thu hoạch, nàng vừa nghĩ về triết lí nhà báo và nhà nông. Suy cho cùng, nhà báo cũng chẳng khác gì nhà nông khi hiệu quả hướng đến là sự thu hoạch. Có điều, ý nghĩa của sự thu hoạch mỗi cái mỗi khác. Một đàng làm cho thế giới tinh thần tươi đẹp hơn (hoặc bị huỷ hoại không thương tiếc gì đó), một đàng, đơn giản chỉ là công cuộc no cơm ấm áo. Nhưng với nàng thì khác, công việc cuốc đất trồng cây và cố “hoà tan” vào thiên nhiên của nàng thực sự là một cuộc trường chinh vĩ đại. Nàng cần gì no cơm ấm áo. Chẳng cần gì. Tuổi bốn mươi không cần ăn của nàng cơ thể vẫn luôn phổng phao ra từng ngày. Quần áo và các thứ trang sức của một nhà báo giàu có như nàng còn cần gì phải kể! Đúng là một cuộc trường chinh. Nàng tự bứt ra mọi nhu cầu thường ngày của cuộc sống để tìm một lẽ sống khác cho mình, còn gì hợp lí hơn là trở về với mẹ thiên nhiên?

Nàng có thấy cô đơn không? Có chứ. Là những khi nàng ngồi bên lò sưởi tự băng bó các vết thương phồng rộp trên hai bàn tay không quen làm công việc nhà nông. Lâu dần, nàng có một nỗi phấn khích rất đáng sợ: cảm thấy thích thú khi nghe đau nơi các vết phồng rộp đầy nước bị vỡ ra. Nàng đứng lên soi gương. Chiếc gương có viền bằng nhựa rẻ tiền màu đỏ của người thuê trước treo trên gác bếp. Bỗng thấy mình đẹp hơn nhiều khi không phải son phấn và massage hàng ngày ở các spa. Những sợi lông măng dễ thương như thời con gái mười tám nõn nà của nàng đã bắt đầu mọc ra nhiều hơn sau thời gian dài bị các loại mỹ phẩm hủy hoại. Có nghĩa, nàng đã gần gũi thiên nhiên hơn và cách nào đó, thiên nhiên đã chấp nhận nàng. Có điều, nàng vẫn thấy ánh mắt nàng dễ sợ quá. Không hiền khi nỗi phấn khích là những niềm đau. Nàng đứng yên khi soi mặt trước gương. Và hi vọng, đôi mắt nai ươn ướt của nàng, đến một lúc nào đó sẽ có những giọt ấm nóng rơi ra…

Sương đêm ở Đà Lạt rơi thật dày. Sáng nào nàng cũng lôi một thau nước sương đầy tràn trên nóc nhà xuống, rót vào ấm nấu lên. Sôi ùng ục, để nguội và uống. Ai sướng bằng nàng, ngày ngày được uống nước sương - giọt tinh tuý của đất trời cao nguyên gió lạnh mưa mù.

Sau thời gian hứng thú với cà rốt, su su và bắp cải luộc ngọt lịm đầu răng, nàng cũng đã bắt đầu ngấy. Ngấy thật sự nên có một chiều, khi mặt trời sắp lặn bên kia núi, nàng ngồi chờ nơi con đường mòn ngoắc ngoéo sau vườn. Chờ ai, nàng cũng chẳng biết. Đến khi gã rậm râu ấy xuất hiện với một bao lá lùm xùm sau lưng. Con đường dẫn lên núi này chỉ có nàng và gã. Ngày đầu, nàng phát hiện ra gã nhờ bao lá lùm xùm cọ quẹt vào nhau trong cơn gió chiều lao xao nghe thật lạ. Biết là chỉ để biết thế thôi, nàng và gã vẫn chỉ nhìn nhau như khách qua đường tiện thể. Lần này thì nàng phải hắng giọng, rụt rè bảo:

- Anh đi hái lá về đấy ư?

Gã đứng lại nhìn nàng ngạc nhiên:

- Cô hỏi tôi à?

- Chắc vậy!

- À, ngày nào tôi chẳng hái, núi rừng Việt Nam lá thuốc miên man, không hái bỏ uổng!

Vừa nghe gã nói hết câu, nàng có cảm giác mình say rượu. Nàng cũng không nhớ là nàng đã ăn sáng ăn trưa ăn chiều chưa. Hồi ở thành phố, có ngày nàng chẳng ăn gì, chỉ ngậm kẹo khi nghe dạ dày sôi réo, là sống vô kỉ luật với chính mình. Từ ngày lên núi sống một mình, nàng lại càng vô kỉ luật. Chỉ kịp nghe gã rậm râu hỏi “Cô làm sao vậy?” thì nàng đã ngã ra vệ cỏ…

Khi nàng tỉnh dậy đã thấy ngay một tô cháo nóng hổi bên mình. Nàng uể oải gượng ngồi dậy:

- Cảm ơn anh đã…

- Không sao đâu, cô ngã làm tôi hết hồn, tỉnh lại là tốt rồi. Tôi đoán cô bị tụt huyết áp vì lao động quá sức mà không ăn uống gì.

- Anh lục lạo chòi tôi?

- Tôi gọi hoài chẳng thấy ai nên đành lục lạo vậy!

Ăn được nửa tô cháo trắng với đường, nàng thấy khoẻ lại. Gã tươi tắn nhìn nàng:

- Vậy tốt rồi, giờ cũng đã quá tối, tôi xuống núi nhé. Ngày mai, cô cần mua gì không, gửi tôi mua mang lên?

Nàng rướn người nhìn qua cửa sổ. Thành phố dưới chân núi ngập tràn ánh điện. Đã bảo tách biệt là tách biệt. Nàng muốn sống một mình nơi hoang dã trong những ngày hoang lạnh. Gã rậm râu có vẻ sốt ruột:

- Cô gửi mua gì không? Hay là cô có quen ai dưới thành phố, tôi đưa cô xuống?

Nàng mím môi:

- Tôi không quen ai ở thành phố này cả. Có điều, anh đừng kể bất cứ chuyện gì ở bên ngoài cho tôi nghe được không?

- Vì sao?

- Tôi không muốn dính líu đến bất cứ ai hoặc chuyện gì dưới đám sáng đèn xa xa kia.

- Vậy cô muốn gì?

Nàng nhíu mày nhìn gã đang chất vấn nàng liên tục. Quyền gì. Tư cách gì mà khuấy động cuộc sống đã yên ắng mấy tháng nay của nàng.

- Anh đừng hỏi nữa được không? Mai anh có lên, tiện thể mua giùm tôi mấy gói mì…

- Rau không? Thịt không?

- Bảo không là không. Người đàn ông dở nhất là hay trả lời phụ nữ bằng các câu hỏi.

Gã nhún vai:

- Cô khó chịu thật đấy. Tôi đi đây!

 

Minh họa: Lê Anh

Đôi ba ngày gã rậm râu lại ghé căn chòi của nàng một lần. Để mua giùm cái gì đấy. Hộp cá, cục xà bông, chai dầu gội, cái quẹt ga… Mãi rồi cũng có một ngày gã được nàng mời ăn cái gì đó. Chú thỏ vô phúc đã bị gã chộp khi vô rừng hái thuốc, xách về, ghé qua chòi nàng làm thịt. Nàng bảo:

- Anh định làm gì?

- Tôi cũng không biết!

- Thế bắt nó làm gì?

- Tiện tay thì bắt!

- Ác!

- Tôi cũng không biết mình ác đâu, đôi khi làm một điều gì đó, mà quả tình tôi không biết mình ác…

Gã nói mông lung quá, nàng không buồn hỏi tiếp. Nàng khoanh tay đứng nhìn xuống núi. Chiều. Trời Đà Lạt bao giờ cũng đẹp và lan man. Chưa quá năm giờ mà sương đã tràn trắng sườn núi, mây trôi là là như muốn quấn lấy mái chòi của nàng. Bất giác nàng đưa tay sờ chiếc khăn choàng cổ, chiếc khăn màu huyết dụ mà lâu lắm nàng chưa choàng. Chiều nay, sao tự dưng nàng lại choàng nó, hay bởi tại vì, nàng biết chắc rằng gã rậm râu sẽ ghé qua? Chẳng sao cả, phụ nữ điệu đàng không phải là cái tội. Mãi đến khi những cành khô cháy lép bép giữa ba cục đá được gã rậm râu kê làm bếp, nàng mới giật mình quay lại:

- Anh tự tiện làm cái gì vậy?

Gã trả lời tỉnh bơ:

- Nhóm lửa nướng thịt!

- Cho ai ăn?

- Tôi nướng giùm cô, cô có mời tôi ăn không?

- Thịt của anh mà, sao hỏi tôi?

- Trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi là mất lịch sự!

- Tôi không cho anh ăn thì sao?

- Thì khi nướng thịt xong, tôi sẽ đi xuống núi!

Dẫu vậy, hai người vẫn cùng nhau ăn thịt thỏ nướng chấm muối ớt một cách ngon lành. Và uống thêm chút vang Đà Lạt. Chai vang mà gã đã cố tình nhét vào đáy cái bao to đùng vác theo đựng lá thuốc. Khi nghe người bắt đầu lâng lâng, ngọn lửa nướng thịt khiến hai má nàng đỏ rựng lên, nàng bỗng muốn biết tên gã rậm râu:

- Anh tên gì?

- Tôi tên Di, một loài chim di không bến đỗ.

Nàng che miệng, nếu không thì sẽ cười bò lăn trước cái kiểu giới thiệu sến súa của gã:

- Loài chim không bến đỗ thì sẽ làm gì?

- Tôi lang thang, hai mươi năm nay như thế! Còn cô, cô tên gì?

- Tôi tên Yến Phi, một loài chim có tên trong sách đỏ.

Gã đổi cách xưng hô:

- Vậy Yến Phi quý tộc hơn anh nhiều…

Mưa. Cơn mưa núi đột ngột dây dưa, nhạt nhòa. Giữa cơn mưa, nàng và gã chỉ nói chuyện mùa màng thời tiết. Rồi cũng đến lúc gã đứng lên chào từ biệt sau khi quẳng thêm mớ củi chắc nịch vào lò:

- Chắc anh phải xuống núi thôi, Yến Phi à. Lần này chắc là lâu lắm anh mới lên núi gặp em, anh phải về quê thăm bà già, lâu lắm rồi, hai mươi năm rồi không gặp…

Cái dấu ấn hai mươi năm của gã xem chừng quá đặc biệt. Mà nàng cũng không có ý hỏi hai mươi năm đó là hai mươi năm gì, nàng đang ở cảm giác không muốn khắc ghi thêm bất cứ một thông tin nào vào bộ não chán đời và mỏi mệt của nàng.

Cơn mưa to quất ràn rạt từng đợt vào cánh cửa gỗ. Nàng cảm thấy lạnh, quấn thêm vòng khăn nữa vào cổ:

- Mưa to thế này… sao anh về được? Ở lại đi, chờ ngớt mưa…

Dường như chỉ chờ có thế, gã nhích gần nàng một xíu:

- Cảm ơn em, giờ ta cùng nhau hơ lửa nhé!

Bốn bàn tay hong trên lửa chạm vào nhau, gã nắm chặt hai bàn tay nàng:

- Giữ mãi thế này nhé, cho em ấm.

Nàng để yên tay trong tay gã. Nàng nhìn mắt gã long lanh như mắt trẻ con. Người lớn “bụi đời” đến đâu cũng có lúc trong veo lạ kì. Nàng chẳng muốn hỏi gã điều gì hết, cứ để gã trôi qua trôi qua, như một đám mưa bóng mây cuối chân trời. Gã quàng tay lên vai nàng:

- Hơi thở em thơm lắm, Yến Phi. Em ngồi yên bên anh như một con mèo ngoan!

Ngoài gã, lửa cũng biết hơi thở nàng thơm. Khi đám than củi trong lò đượm lên nổ lép bép thì nàng và gã đã nằm cạnh nhau trong trang phục Adam và Eva. Gã cần mẫn xoa khắp người nàng, nàng dậy căng thịt da, hơi thở gấp gáp. Đôi khi nàng muốn bảo, thôi đừng, em sợ. Mà không, nàng không thích giả vờ như một quý bà. Nàng sẽ nhắm mắt đưa chân cho một trò chơi tình ái chưa bao giờ được biết. Nàng không có đêm tân hôn huyền diệu giữa lửa cao nguyên bập bùng trong một đêm lạnh giá như thế này. Chồng nàng - một doanh nhân danh gia vọng tộc đã đè nàng ra trong cơn say khướt đêm tân hôn. Những trận giường chiếu nghĩa vụ kinh hoàng nối tiếp nhau sau đó, cho đến khi sinh thằng con trai thì nàng mới bắt đầu có cảm giác đàn bà. Và cái ý tưởng lan man luôn ám ảnh trong nàng, sẽ có ngày chồng nàng tìm đến vườn thiên thai đích thực để lấy lại niềm kiêu hãnh đàn ông. Và rồi ngày ấy đã đến. Nàng chẳng ngạc nhiên gì.

Gã hôn môi nàng. Giọt hôn môi cẩn trọng như nâng niu một cánh hoa mỏng mảnh trong mưa. Cảm giác gần gũi người đàn ông mạnh mẽ trong tâm thế dịu dàng khiến nàng muốn tan vào gã. Nàng bíu chặt hai bờ vai vạm vỡ, máu nóng trong mười đầu ngón tay nàng như đốt cháy cả màn đêm. Gã mơn man cánh môi đàn ông rậm râu trên đôi gò bồng đảo hồng hồng của người đàn bà rất lâu rồi bỏ quên thú tiêu dao giường chiếu. Người nàng chỉ chực vỡ toang. Gã ngắm nhìn nàng như báu vật:

- Em đẹp quá! Em biết anh là ai không, Yến Phi?

Hai mắt nàng long lanh, nàng lắc đầu. Gã khe khẽ cười:

- Ừ thôi, đừng biết nhau nhiều quá, mất vui!

Gã đã chạm vào nàng đến tận cùng sự khoái lạc bẩm sinh, thân thể cả hai cùng rung lên từng đợt từng đợt, nhẹ nhàng, thiên thai. Gã cắn nhẹ vào tai nàng:

- Sao cứ im như thóc vậy?

- Chứ phải làm gì?

- Yêu là phải thổn thức lên chứ, à quên, anh xin lỗi, em là một thánh nữ đồng trinh. Lần đầu tiên đấy!

- Lần đầu tiên gì?

- Lần đầu tiên anh yêu người đàn bà đích thực trong vòng tay mình!

- Còn trước đó?

- Toàn thậm thà thậm thụt, kiểu ăn bánh trả tiền.

Nàng nổi điên hất gã ra khỏi tấm thân ngà ngọc của mình. Không ăn thua, gã lồm cồm ngồi dậy:

- Cứ nằm yên đấy, trời đang rất lạnh, anh sẽ bỏ thêm củi, nấu thêm một ấm nước cho em tẩy trần…

*

*       *

Di không lên núi nữa. Cái máu lạnh kiêu hãnh trong nàng sôi lên. Sau đêm ân ái duy nhất rất đỉnh trong đời ấy, nàng cảm thấy nàng hoàn toàn tự mãn, đôi khi còn nghĩ mình như là “dân chơi thứ thiệt” đã dám đương đầu với “mối tình một đêm”. Mà không, chắc chắn là không phải với người đàn ông nào nàng cũng tận tụy dâng hiến như thế. Ít nhất phải có sự ương ngạnh như một nhân vật trong truyện đường rừng. Ít nhất phải biết nhìn nàng đắm đuối và ngưỡng mộ. Ít nhất phải biết nướng thịt một con thỏ rừng cho căn chòi của nàng ấm áp và tỏa sáng trong đêm đông lạnh giá. Những điều này Di có tất. Tròn một tháng tính từ đêm ân ái huyền diệu ấy thì nàng chịu hết nổi sự cô đơn. Và cả cảm giác bị tổn thương vì dường như “mối tình một đêm” bị gã rậm râu lãng quên. Nàng không còn trẻ nữa để bị biến thành nạn nhân trong sự ham muốn hời hợt. Nàng phải đi gặp Di để nói cho gã biết rằng, nàng chẳng ưa gì gã và gã nợ nàng một lời xin lỗi. Nàng xuống núi.

Tìm Di. Biết bắt đầu từ đâu. A, nàng nhớ rồi, Di chuyên hái lá thuốc, cứ hỏi những người bán lá thuốc quanh chợ thì ra. Nhiều người biết gã. Và nàng bủn rủn tay chân khi người ta bảo trước đó khoảng một tháng, Di đã bị bọn đầu gấu đâm chết vì tham gia một cuộc bắt cướp. Một bà lão nhìn nàng ái ngại:

- Cô là cái gì của chú Di?

Nàng ngập ngừng:

- Chỉ bạn thôi ạ!

Bà lão bảo:

- Lâu lắm mới nghe nói chú Di có bạn, chớ người hiền khô à, từ đâu đến không biết, cứ ăn ở trong chùa Từ Tâm, chuyên đi hái lá thuốc cho chùa chữa bệnh bá tánh gần hai chục năm nay.

Nàng tìm đến chùa. Sư ông trụ trì tiếp nàng ân cần. Sư ông cũng không biết Di từ đâu đến, chỉ nhớ gần hai mươi năm qua, Di sống và làm việc trong chùa như sống và làm việc trong nhà mình. Đôi khi sư ông cũng muốn hỏi qua tình cảnh Di nhưng gã cứ ậm ừ, sư nghĩ đời người ắt phải có uẩn khúc nặng nề nên người ta mới tìm đến nương nhờ cửa Phật, nên thôi. Địa phương nơi chùa Từ Tâm tọa lạc cũng rất quý Di, vì Di luôn có lớp dạy võ miễn phí ban đêm cho trẻ và tham gia phong trào chống trộm cướp rất tích cực.

Sư ông chỉ một hàng giấy khen gắn trên tường chùa:

- Đó, phường tặng chú Di đó!

Sư ông đưa nàng ra vườn chùa viếng mộ Di. Ngôi mộ mới xây còn thơm mùi sơn nước. Người trong ảnh trên mộ bia nhìn nàng cười buồn thiu. Sư ông bảo:

- Chú Di sống chí tình chí cốt, bà con Phật tử thương, góp tiền xây mộ và cúng kiếng cho chú rất đàng hoàng.

Câu chuyện về Di quá bất ngờ khiến tâm thức nàng như đông cứng lại. Nàng cũng không thể và không có quyền thiết lập sự sở hữu với Di trước sư ông. Di là cái gì của nàng? Chẳng là cái gì cả. Rốt cuộc, nàng cũng chỉ bảo là bạn. Sư ông bảo, bạn mà đến thăm như vầy là quý quá. Nàng xin phép ra về. Sư ông cắt cho nàng vài cành hoa vông vang trắng bên mộ Di và bảo:

- Cô đem giống hoa này về trồng, hoa dễ trồng và thơm, chú Di thích hoa này lắm!

Khi nàng cất bước, sư ông còn nói thêm:

- À, đêm trước khi bị bọn cướp sát hại, chú Di có nói với sư ông là chuẩn bị về quê thăm mẹ, mà chẳng nói quê ở đâu hết. Tội nghiệp, chưa gì thì đã…

*

*        *

Trở về chòi trên núi sau hai ngày lang thang dưới phố, nàng thấy hoa vông vang trắng nở ngào ngạt quanh chòi. Nàng chợt nhớ trước buổi chiều nướng thỏ, Di đã mang một bó cây gì đó đến đào đào cuốc cuốc quanh chòi nàng. Ra là gã trồng cho nàng hoa vông vang. Nàng giâm mấy cành vông vang sư ông cho vào gốc cây vông vang đang ra hoa, một đàn bướm vàng rực từ đâu bay đến, chúng nhỏ li ti và duyên dáng. Nàng ngồi thụp xuống ngắm đàn bướm, nước mắt đâu cứ tuôn ra ào ào, kiềm chế suốt hai ngày, mãi đến giờ, nàng mới khóc.

Những ám ảnh về Di đối với nàng quả tình chẳng có gì ngoài đêm ái ân tuyệt diệu và những bông hoa vông vang trắng. Đêm trở về chòi sau khi biết tin Di qua đời, bỗng dưng nàng nhớ nhà Sài Gòn quá. Nhớ cả thằng cu mười tám tuổi bày đặt sống kiểu Mĩ của nàng. Chẳng biết giờ nó đã thấm thía được cái thú sống một mình, yêu thương một mình chưa. Nhưng nàng thì ước ao có nó một bên và Di một bên, hai người đàn ông của nàng sẽ cùng nàng đi đến cuối chân trời góc biển…

Lại đêm mưa, trời lạnh, gió rít vào khe cửa từng cơn. Nàng xỏ hai tay vào túi áo khoác và bất giác, chạm tay vào một tờ giấy. Tờ giấy gấp tư không biết từ đâu tới. Phải, chiếc áo khoác màu hồng quá dày nên nàng ít khi mặc, chỉ treo trên móc áo nơi đầu giường. Nàng mở tờ giấy.

Yến Phi,

Anh viết vội những điều này khi ngồi canh em ngủ, như gã Trương Chi chỉ biết thổi sáo khi rỗi hơi rách việc. Dẫu sao thì em ngủ trông cũng rất dễ thương. Anh không hối tiếc vì trời cho anh gặp em ở đoạn cuối cuộc đời. Anh biết chắc em chỉ đọc được tờ giấy này khi trời quá lạnh. Bởi chỉ khi trời quá lạnh, em mới chạm vào chiếc áo này, đúng không. Bởi vì nó quá dày. Mà không sao cả, khi em đọc được những dòng chữ này thì anh đã đi xa rồi…

Thật ra, anh nghĩ em cũng là một người chán đời như anh vậy (không chán đời sao bỏ lên núi sống một mình). Tôn trọng nguyên tắc chung giữa hai người, anh không hỏi em từ đâu đến và vì sao lại chán đời. Nhưng anh yêu em, Yến Phi ạ. Sự đồng cảm giữa hai người chán đời khiến anh thấy đời quá đẹp. Chúng ta có thừa cơ hội để làm lại cuộc đời chứ, tại sao không?

Hai mươi năm qua, anh mang tội ngộ sát người anh ruột. Anh đã hèn nhát trốn chạy từ quê nhà lên Đà Lạt sống bằng một nhân thân khác. Anh trốn chạy không phải do sợ tù tội và các loại hình phạt khác, mà thực chất là trốn chạy lương tâm anh. Nhưng từ ngày gặp em, mọi nhận thức về thiện - ác trong anh bỗng khác. Khi người ta có một ngưỡng gì đó to đẹp, người ta sẵn sàng bắt đầu lại cuộc đời bằng mọi giá. Riêng với anh, “ngưỡng” đó là tình yêu của em. Và sau lần nướng thỏ này, anh quyết định trở về quê đầu thú, người mẹ già đang mòn mỏi chờ anh ở quê. Anh sẽ bắt đầu lại tất cả dù cái giá phải trả như thế nào, bởi vì anh có em. Em có chờ anh được không, Yến Phi?

*

*       *

Theo địa chỉ ghi trong tờ giấy, nàng tìm về quê thăm mẹ Di, như một khách du lịch xin vô thăm vườn tiện thể. Mẹ Di khăn rằn áo bà ba mến khách như bất kì bà mẹ Nam Bộ nào. Mẹ tuổi đã bát tuần nhưng xem ra đầu óc vẫn tinh tường minh mẫn. Nàng chỉ hình Di trên bàn thờ:

- Bác thờ ai mà trẻ vậy?

- Thằng con trai út của tui nó đi mần ăn xa, nó tên là Út Nghĩa, chẳng may nó chết bè…

- Anh ấy mất lâu chưa bác?

- Hai mươi năm rồi, người ta không tìm thấy xác nó.

- Vây là thờ vọng hả bác?

- Thờ chớ, để nó chết đường chết chợ không ai cúng kiếng thành con ma đói…

Bà chị của Di khều nàng ra nói nhỏ:

- Cô đừng hỏi chuyện Út Nghĩa nữa, má tui chạm tới nó là ngơ ngơ phát khùng, nói tầm bậy tầm bạ không hà. Hai mươi năm nó bỏ nhà đi biệt tích, thiệt, giờ không biết sống chết ra sao, khổ hết sức!

Rồi nàng cũng rút lui êm ái như khi đến. Nàng không muốn mang đến cho mọi người một hi vọng lớn, rồi sau đó nhấn người ta chết chìm trong hoang hoải; để nơi quê nhà Út Nghĩa đừng ai biết Út Nghĩa còn có tên là Di.

Hôm sau, trước khi trở về căn chòi trên núi, nàng mua que thử thai. Hai vạch. Chẳng sao cả. Thế là gã rậm râu đã hào phóng cho nàng thêm mười tám năm hạnh phúc và bận rộn, ở kiếp này.

Sài Gòn cuối năm 2022

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)