Chàng ngư phủ cuối cùng

Thứ Sáu, 21/04/2023 00:10

. ĐỖ TIẾN THỤY
 

Một lần sang chơi với anh bạn nhà văn bên Gia Lâm, tôi được anh kéo đi: “Tôi phải giới thiệu với ông một nhân vật. Hắn hay lắm! Làm nghề đánh cá trên sông Đuống nhưng hắn rất yêu văn chương. Nói về độ lãng mạn, cánh nhà văn chúng mình còn phải gọi hắn bằng cụ!”

Thế là tôi được gặp chàng. Tuổi chưa tới ba mươi. Một vợ hai con. Dáng người nhỏ thó nhưng đôi mắt tinh anh. Nhà chàng cấp 4 đơn sơ nhưng có khoảnh vườn rộng hơn sào, trồng nhiều loại cây. Khi Gia Lâm trở thành quận thì giá đất trong làng đã vót lên chín tầng mây. Trong khi những nhà xung quanh đã cắt đất ra bán để xây nhà tầng, mua ô tô… thì chàng vẫn giữ nguyên khoảnh vườn. Các cò đất lượn lờ gạ gẫm nhưng chàng dứt khoát: “Tôi để vườn cho chim chóc hót chơi!”

Đêm ấy có trăng, chúng tôi được chàng mời lên chiếc thuyền gỗ cùng mái chèo tay cũ kĩ như vừa bơi ra từ một bức tranh thủy mặc nào đó.

Chàng ngư phủ đạp chèo đưa thuyền rời bến.

Tới một khúc sông vắng, chàng cắm sào. Chiếc đèn neon dùng điện ắc quy được bật lên. Mũi thuyền lung linh. Cá tôm kéo tới xôn xao. Chàng đứng đầu mũi thuyền giang tay vợt cá. Những chú cá mòi béo múp, những chú cá lìm kìm nhỏ dài như chiếc đũa, thân óng ánh như bạc, những chú tôm sông to như ngón tay thân trong suốt… được chàng hất vào thuyền. Chiếc vợt trong tay chàng lấp loáng uyển chuyển như một vũ điệu.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Khi lòng thuyền đã xăm xắp cá, chàng ngư phủ cất tiếng hát một câu cải biên theo điệu dân ca Nam Bộ, giọng chàng khoáng đạt trong veo: “Cá nhiều rồi không cần bắt nữa. Gác chèo lên ta nhậu đi thôi! Nào, hôm nay em mời các bác ăn một bữa cá sạch. Thú thực với các bác là em từ bé tới giờ chỉ ăn cá sông thôi. Còn cá ở các ao hồ Hà Nội, muốn ăn chắc phải… giặt kĩ bằng xà phòng.”

Chúng tôi cười vang mặt nước trước câu nói hài hước của chàng. Dòng Đuống ngần ngận trăng vàng. Lò than hoa nở hồng. Chai rượu nếp trong vắt. Bát muối ớt đỏ tươi. Đĩa rau thơm xanh ngát… Chiếc thuyền lờ lững trôi theo dòng ra sông Hồng. Giữa trời nước sông trăng bát ngát, vị nướng cá tôm nguyên thủy thơm ngao ngát, béo ngậy, ngọt lừ được men rượu nếp làng quê nâng cánh đã đưa chúng tôi bồng bềnh vào cõi tiêu dao.

Chàng ngư phủ hiểu khá nhiều về văn học, biết kĩ một số tác giả tác phẩm và đưa ra những lời bình “chuẩn không cần chỉnh” kiểu “một kiệt tác văn học là tác phẩm mà cánh nhà văn các bác cũng phải thích mà cánh bình dân như em cũng phải mê. Cứ như quan niệm của em thì về thơ chỉ có Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, văn xuôi chỉ có Chí Phèo của cụ Nam Cao đạt trình ấy. Còn nói các bác đừng giận, tác phẩm của các bác em cũng có đọc, nhưng mà nó cứ như rơi tõm xuống sông í, chả thích được cái nào”. Chúng tôi lại cười tóa trước cái tình mộc mạc chân thành ấy. Và những bài thơ hay nhất đã được đọc giữa đêm sông Hồng, con thuyền gỗ đơn sơ của chàng ngư phủ phút chốc trở thành con thuyền say trong cổ tích…

Thuyền về bến khi trời đã rạng. Lúc tiễn chúng tôi lên bờ, chàng ngư phủ còn lưu luyến: “Khi nào rảnh lại mời các bác tới chơi thuyền em!” Tôi bảo: “Chơi nữa để vợ con ông nhịn đói à?” Chàng ngư phủ cười tươi: “Đêm qua mình ăn hết hai cân chứ mấy. Chỗ còn lại này phải sáu cân, tí em mang lên chợ Long Biên, hất nhanh cũng được hơn trăm, đủ tiền nộp cho con vợ em theo định mức là ấm rồi. Khúc sông này nhiều cá lắm. Cá trắm dăm bảy cân, cá chép hai ba cân là thường. Có lần em còn lưới được một con cá lăng mười lăm cân, bán được gần hai triệu. Nhưng phải nói thật với các bác, con vợ em nó vẫn cứ muốn em bỏ nghề này để làm nghề khác kiếm nhiều tiền hơn. Nhưng nói cho vuông, làm nghề mình yêu nó mới sướng, chứ làm nghề mình không sướng thì dẫu có tiền tấn vẫn thấy khổ…” Nghe chàng triết lí tôi cười gật gù: “Ông đúng là có máu ưa vẫy vùng sông nước!” Không ngờ câu nói vu vơ cảm tính của tôi khiến chàng nở mũi: “Chuyện! Làng em nguyên là làng chài gốc từ mấy chục đời rồi. Nhưng bi giờ dân đã lên bờ hết, chỉ còn nhõn em bì bõm thôi. Nói các bác đừng cười, chứ em yêu dòng sông này hơn cả… vợ em. Đêm nào mà không được tự tình với nàng Đuống là người cứ đần cả ra.”

Tôi bỗng ao ước được giống như chàng. Một môi trường sống trong lành, một công việc hòa nhập với thiên nhiên, làm mà như chơi, không phải bon chen tính toan mệt óc.

*

*          *

Buổi chơi thuyền năm ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Thế nên một đêm trăng sáng năm nay tôi lại gọi điện cho chàng ngư phủ. Nhưng chàng ngập ngừng mãi mới nhận lời.

Vẫn con sông ấy, vẫn chàng ngư phủ ấy, nhưng mọi chuyện đã khác.

Chúng tôi năm người đồng loạt bật đèn pin điện thoại lọ mọ xuống bến sông mới kè bằng những phiến đá hộc khổng khểnh và ngạc nhiên khi thấy một chiếc thuyền được gò bằng tôn nằm chơ vơ hoen rỉ nơi bến vắng, mũi thuyền được cột bằng một sợi xích to khóa vào cột bê tông trên kè đá, lòng thuyền nước ngập đìu hiu. Chúng tôi thay nhau ì ọp tát nước trong thuyền ra sông, còn chàng ngư phủ loay hoay nơi đầu thuyền một hồi và chúng tôi bỗng giật bắn mình bởi tiếng động cơ nổ rát trong mùi khói dầu khét lẹt. Hóa ra chiếc thuyền của chàng đã được cơ giới hóa.

Chiếc thuyền đột ngột ngóc đầu xé nước lao vút ra sông. Tới một khúc sông xa, chàng ngư phủ dừng máy. Chàng lại đứng trên mũi thuyền. Nhưng trên tay chàng, thay vì chiếc vợt lưới thô sơ là một… bộ kích điện. Chàng thử quẹt hai điện cực vào nhau làm tóe ra những tia lửa xanh lét át cả ánh trăng. Thấy chúng tôi trố mắt ngạc nhiên, chàng cười giải thích: “Quả kích này em mới tậu hơn triệu, cực tốt!”

Rồi chàng dí “rổ điện” xuống sông. Tiếng điện sôi o o nghe lạnh cả người.

Buổi chơi đã mất đi không khí lãng mạn như mong đợi. Nhưng đã lỡ rồi, chúng tôi đành chấp nhận theo chàng ngư phủ rong ruổi. Chàng đã rà “rổ điện” vào khắp các hốc đá ven bờ, lùa cả vào gầm những chiếc xà lan đậu trên mặt sông, rồi khoắng cả vào các miệng cống dẫn nước từ đê đổ xuống… Nhưng cá đâu chả thấy tăm hơi.

Sau mấy tiếng đồng hồ quần xuôi lội ngược mà chỉ được lèo tèo mấy con cá nhỏ, chiếc thuyền tẽn tò neo ven bờ. Những con cá hiếm hoi được nướng. Chúng tôi nhón mỗi người một con nhấm nháp dè dặt. Chai rượu mở nút bẽ bàng. Những chén rượu suông vô duyên không thể tưởng tượng. Lò than hoa tàn trong gió…

Chàng ngư phủ nâng chén nhưng không uống ngay, mắt bắt ánh đèn cao áp rọi xuống từ trên đê buồn rười rượi. Tôi ngờ ngợ hỏi:

“Cá đi đâu hết nhỉ?”

Chàng ngư phủ gãi đầu:

“Thì… chết hết chứ đi đâu! Các bác tính, với điện thế 220v mà nhúng xuống thì đến… cá voi cũng phải bềnh, nói gì đến những loài cá nhỏ.”

“Thế sao ông không đánh bằng lưới như ngày xưa?”

Chàng ngư phủ lại gãi đầu:

“Em cũng muốn… truyền thống lắm chứ. Nhưng… khó lắm… Từ ngày cá lìm kìm trở thành đặc sản là các thuyền làng trên làng dưới đổ xô đi đánh vét. Các bác tính, chúng càn quét bằng điện mà mình chỉ đánh bằng vợt lưới thì chỉ có móm!”

Chúng tôi ngồi trầm ngâm nhìn nhau, mặt ai cũng buồn. Nỗi buồn cứ loang rộng, trải dài khắp khúc sông. Một dòng sông không cá là một dòng sông chết.

Sau một hồi lâu lặng yên, chàng ngư phủ ngần ngại thanh minh:

“Thú thực với các bác là cả tháng nay em không đi đánh cá nữa. Cũng nhớ sông lắm. Nhưng chả lẽ đi rồi lại về tay không. Hôm nay nể các bác nên em mới đi… Chắc em phải bỏ nghề đánh cá thôi…”

“Bỏ nghề? Thế thì vợ con ông sống bằng gì?”

“Đấy, bác lại chạm vào cái nỗi niềm chua xót của em. Em đã phải cắt một mảnh vườn ra bán rồi. Bán để lấy tiền cho con ăn học với lại đi học nghề. Nhưng trình em thấp, chưa biết học nghề gì, chắc chỉ học được nghề hàn với khoan giếng thôi. Mà cũng chưa chắc. Vì em thấy mấy cái nghề ấy bây giờ thì có việc, nhưng chỉ vài năm nữa, khu này xây dựng đâu vào đó là mình lại đói. Rồi thì lại phải bán đất ăn dần…”

Tôi không dám tin vào những câu vừa nghe. Mới có năm năm mà cuộc sống đã biến một con người hào phóng lãng mạn thành một người bế tắc đến thế này sao?

Chàng ngư phủ uống cạn li rượu, đặt li đánh cốp xuống sàn thở dài:

“Em đang gạ bán thuyền…”

Câu nói của chàng phủ thoảng vào đêm thanh vắng buồn rười rượi. Chúng tôi chẳng biết chia sẻ thế nào, đành ngồi im. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi hỏi:

“Này, ông có biết bài thơ Giấc mơ anh lái đò của cụ Nguyễn Bính không?”

Chàng ngư phủ ơ hờ:

“Biết… Cái bài nói về chàng lái đò mơ trở thành quan trạng để cưới cô gái hái đay xinh đẹp chứ gì. Bài đó câu đầu là Năm xưa trên bến đò này…”

Tôi cười và đọc tiếp:

“Lang thang anh dạm bán thuyền/ Có người trả… chín trăm nghìn lại thôi!

Chàng ngư phủ không hiểu tôi đang đùa, nên sửa ngay:

“Chín quan tiền chứ?”

Nhìn nét mặt thật thà đến tội nghiệp tôi bỗng thấy chàng ngư phủ này sao mà giống chàng lái đò trong thơ Nguyễn Bính thế. Chàng lái đò nhà quê của cụ Nguyễn Bính dạm bán thuyền vì bị cô gái phụ tình. Chàng ngư phủ đất ngoại ô này cũng đang dạm bán thuyền, vì dòng sông bỏ chàng hay chàng bỏ dòng sông?

Đ.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)