Người một nhà

Thứ Năm, 04/05/2023 00:06

Kính tặng bác sĩ quân y Nguyễn Thanh Hùng

 

1. Ngày 25 tháng 6 năm 1975, dân ấp Mò Ò loan tin rầm trời. Ông Hưng đi tập kết hồi 1954 đã về. Ổng vận đồ giải phóng, đội nón tai bèo, đi dép râu, đeo xà cột da màu nâu, đeo súng sáu, quảy cái bồng bằng vải dù. Oách lắm. Làm như ổng là tướng tá hay sao đó, thấy ngồi xe jeep về. Anh tài xế cũng đeo súng sáu, đeo xà cột, hình như là người bảo vệ. Giáp vòng trong xóm, người già người trẻ, con nít, đờn ông, đờn bà, kéo tới rần ì như xem hội. Tui nghe nói ông Hưng về tới, cũng xấp xởi chạy ù từ ngoài giồng dưa gang về, hổng kịp thay cái áo bà ba đen vá chằng vá đụp và cái quần vải xô ống thấp ống cao. Ổng ngồi với tía má và chú em kế một bên cái bàn gỗ thao lao đã cũ, đối diện với ông bác, ông chú và mợ Năm của ổng. Người đờn ông đi cùng xe jeep kéo cái ghế đôn ngồi đầu bàn, cũng quay tới quay lui chào hỏi người này người khác. Trên bàn có cái bình tích vẽ hình ông Thọ với hai cô tiên cùng hai chú tiểu đồng, một dĩa kẹo thèo lèo, một dĩa bánh ống, một nải chuối xiêm đen, một bịch thuốc giồng, một gói Cotab đã bóc, khui thòi ra hai cái đầu lọc màu vàng, điếu cao điếu thấp thập thò. Hổng thấy ai rớ tới bánh kẹo, rớ tới nải chuối, rớ tới gói Cotab, chỉ thấy ai cũng cầm li trà hết nâng lên lại đặt xuống. Tía má ổng, chú em kế của ổng, mợ Năm, bác Hai, chú Tư, ai nấy mặt mày rạng rỡ; còn ổng cứ liên tục chắp hai tay trước ngực, xoay mặt bên này bên kia, liên tục cúi đầu chào người này người nọ.

Minh họa: Công Quốc Hà

Tui đến trễ, nhưng cũng được mọi người nhường cho vô đứng ôm cái cột nhà sau lưng ổng. Lúc ổng day mặt cúi đầu chào tui, tui muốn lọt tim ra ngoài, muốn òa ra khóc, muốn nhào tới ôm chầm lấy ổng; nhưng tui không dám, còn ổng thì hổng nhận ra tui. Hai mốt năm rồi, cực khổ làm lụng nuôi bốn con khiến tui thay đổi nhiều quá. Tui đâu còn là vợ ổng. Tui đã là vợ người ta, có với người ta hai mặt con. Người ta với bốn đứa con của tui cũng được mọi người nhường chỗ cho lọt vô đứng trong nhà. Coi bộ chồng sau của tui cũng khép nép, ngồi ghé trên bộ ván ngựa, ôm đứa cháu ngoại tên Phượng Nhỏ là con của con Phượng trong lòng. Ông ấy ôm cháu ngoại của ông Hưng mà ông Hưng đâu có biết. Tía má ổng lớp mừng con trai trở về, lớp lo chào cám ơn hết người này tới người kia, đâu có thời gian nói cho ổng biết mọi chuyện đã xảy ra suốt hai mốt năm trời đằng đẵng; với nữa vui quá, đâu có ai để ý tới đứa con nít lên bốn lên năm mà kể cho ổng biết. Con Phượng là con gái riêng của tui với ổng, bấy giờ cũng nín khe, hết nhìn chăm chắm ông Hưng lại lén nhìn tui, nhìn ba dượng của nó; chính con Phượng cũng đâu có biết ông Hưng chính là ba ruột của nó. Nào tới giờ nó với thằng Quân anh ruột nó chỉ biết có ba dượng; mà thằng Quân, cũng có thể nó nhớ mài mại, cũng có thể nó quên, bởi ba nó đi xa lúc nó còn quá nhỏ. Chánh quyền tề ngụy ấp và xã o ép gia đình có người theo đằng mình, làm khó làm dễ mọi bề, ai dám hở cho hai đứa nó biết chúng là con ai. Chỉ có con Phượng Nhỏ, hổng biết bằng cách nào, nó len được vào đứng kế ổng, được ổng nhắc lên ẵm ngồi vào lòng. Tui nghe nó hỏi: “Ông ơi, ông là cộng sản à?” Tui thấy ổng xoa đầu nó trả lời. “Ông là quân giải phóng. Ông cũng quê Huyền Hội như con vầy nè!” Tui thấy ổng với tay bẻ cho nó trái chuối xiêm. Nó lắc đầu nói. “Con hổng ăn chuối. Con thích ăn kẹo thèo lèo với bánh ống hà!” Ổng bốc cho nó vốc kẹo. Nó lí nhí cám ơn rồi nhỏn nhoẻn ăn ngon lành. Vừa ăn nó vừa hỏi. “Ông ơi, cộng sản với quân giải phóng khác nhau không ông?” Ổng khen nó ngoan rồi hỏi. “Mà con là con ai? Nhà ở đâu lận?” Tui nghe con Phượng Nhỏ trả lời nó là con má nó, cháu ngoại ông Ba Đức, nhà ở bến cây còng, ngay chỗ có con kinh dừa nước nhập vào sông Càng Long. Lúc đó tui muốn ná thở, sợ con Phượng Nhỏ nó nói tên tui với ổng. Nhưng con Phượng Nhỏ nó lại nói. “Ông ơi, chiều ông tới nhà ngoại con ăn cơm nha. Nhà con bữa nay có cá bống dừa kho tiêu, để con nói mẹ nấu thêm cá lóc canh bầu cho ông ăn. Ông ngoại con vừa cặm câu dính hai con cá lóc ế cum vầy nè!”

Mẹ chồng cũ của tui, day người nhìn thấy tui liền nói. “Nó là con Phượng Nhỏ, cháu ngoại bây chứ con ai. Ba Lành bà ngoại nó đứng ôm cột sau lưng bây cà!” Bấy giờ ổng mới day người lại, ngớ người ra như mất hồn, rồi nhìn thẳng vào mắt tui, nói với tui một câu mà tui nhớ đời. “Má con Phượng khỏe không? Má con Phượng cũng đến thăm tui à!” Mới nghe ổng hỏi chừng đó, tui đã òa ra khóc nức nở, bưng mặt chạy ra ngoài. Ba Đức chồng tui với thằng Quân và con Phượng đã ra đứng ngoài góc sân từ lúc nào, chạy tới dìu tui về nhà. Tui không khóc thành tiếng nữa, nhưng hai hàng nước mắt cứ tứa ra ròng ròng. Còn Ba Đức thì nói tới nói lui chỉ một câu. “Chiến tranh mà bà ui! Ổng còn sống trở về là phước lớn rồi! Chiến tranh mà bà ui!” Con Phượng vừa ôm ngang lưng dìu tui đi, vừa thảng thốt hỏi như hỏi ai ở nơi nào. “Thiệt ông Hưng là ba ruột con với anh Quân à má?” Tui nghe đất trời muốn sụp xuống, hai ống chân nặng chình chịch như đổ chì. Vịn được vào một gốc mù u mọc sát bên đường, mặt mày tui xây xẩm. Tui chới với chới với ngồi sụm xuống rồi bất tỉnh…

 

2. Tui nhớ như in buổi sáng ngày 12 tháng 8 năm 1954 ở Vàm Cá Hóp cùng với nhiều người vợ người mẹ ra đi lúc chưa bửng mặt người từ Huyền Hội. Ra tới Vàm Cá Hóp thì mặt trời đã gần đứng bóng. Bộ đội tiểu đoàn 331 đã ba lô súng ống chỉnh tề, đội hình theo từng trung đội đại đội ngồi im lặng trên bờ sông, chờ xuống tàu đi Chắc Băng để tập kết ra Bắc. Nỗi li hương đang đè xuống trĩu nặng trong lòng họ. Ai cũng đang có những nỗi niềm giằng xé trong tim. Bao người trên bến sông lộng gió mà không gian im lặng như tờ. Chừng bà con từ các nơi kéo tới, cả bến sông Vàm Cá Hóp ồn ã hẳn lên. Mẹ ôm con. Chồng ôm vợ. Hỏi thăm. Dặn dò. Tiếng khóc thút thít và nước mặt đầm đìa. Tàu thổi súp lê dưới bến sông tới mấy lần, cảnh mẹ con chồng vợ vẫn bịn rịn không dứt ra được. Chừng tiếng tu huýt của các cấp chỉ huy rít lên từng hồi thúc giục mọi người mới buông nhau ra. Bộ đội xấp xưởi nối nhau xuống tàu, ai nấy đều ngoái đầu nhìn lên bờ, một bàn tay nắm chặt quai súng, một bàn tay giơ cao vẫy chào. Tui cuống cuồng dúi cho chồng mo cơm nếp thịt gà, vắt lên vai chồng cái khăn rằn màu nâu đất, nước mắt giàn giụa, thổn thức nói không nên lời. “Anh Hưng… anh đi mạnh giỏi. Hai… hai năm sau gặp… gặp…”

Hưng đội nón ca lô, đeo tòn ten khẩu tôm xông báng gập trước ngực; ngoài cái ba lô sau lưng, còn túi thuốc cứu thương to đùng bên hông. Anh quấn chặt cái khăn rằn màu nâu đất thêm một vòng, ôm siết, hôn vội lên mái tóc xức dầu dừa óng mượt, vỗ vỗ bàn tay lên lưng vợ, nói thì thào: “Má thằng Quân với con Phượng ở lại, ráng lo sức khỏe, tui đi hai năm rồi tui về.” Nói xong, Hưng vừa buông lưng vợ dợm chân bước xuống cây cầu ván bắc lên tàu, đã nghe tiếng thằng Quân mếu máo: “Ba ơi! Hức hức… Ba Hưng ơi! Con nè ba Hưng ơi!” Bà nội nắm tay nó chạy xấp xải từ mí vườn ra. Thằng bé mới lên năm quýnh quáng chạy vấp vào mô đất té lăn cù. Bàn tay phải nhỏ như lá mít của thằng Quân nắm chặt con tò he bằng đất sét quơ quơ lên trời chấp chới: “Ba ơi! Ba Hưng ơi!... Con nắn cho ba con trâu đất sét nè Ba Hưng ơi…” Cả bến sông Vàm Cá Hóp lúc đó ai cũng như chết lặng. Mọi người giãn ra, nhường chỗ cho bà cháu thằng Quân chạy xuống chỗ cầu ván. Hưng lật đật xốc ba lô chạy ngược lên bờ vòng tay ôm mẹ và con trai. Tui thấy con trai dúi con trâu đất nhỏ như hộp quẹt cho ba nó; thấy chồng hôn mái tóc vàng chạch của thằng con, nói như gởi lại cả tấm lòng thăm thẳm. “Về với mẹ và ông bà nội nghen con! Ba đi vài năm rồi ba về. Hổng lâu đâu con! Ở nhà đợi ba về nghen con!”

Minh họa: Công Quốc Hà

Tàu thổi súp lê giục giã liên hồi. Hưng vừa xuống tàu, người ta đã vội vã rút cây cầu ván. Cả đoàn bốn năm chiếc tàu từ từ tách bến. Khói đen phun lên trời cuồn cuộn. Chân vịt khuấy nước sôi ùng ục. Sóng đánh vào bờ oàm oạp. Tàu nối nhau đi hút trên dòng Cổ Chiên. Chắc Băng ở đâu tui không biết. Chỉ biết mơ hồ là chồng đã đi và sẽ đi xa lắm, chẳng biết bao giờ trở lại…

 

3. Đầu năm 1956, con Phượng được hai tuổi, thằng Quân đã lên bảy. Chánh quyền Ngô Đình Diệm đã thiết lập bộ máy cai trị tới từng ấp từng xã. Tại Huyền Hội, nhà nào có người theo đằng mình tập kết ra Bắc, trước cổng, trước cửa nhà đều có treo tấm biển bằng thiếc với dòng chữ màu đen, “gia đình cộng sản”. Nhà có tấm biển ấy, có nghĩa là mọi người trong nhà đều bị tề điệp theo dõi suốt ngày đêm, không được đi đâu xa ra khỏi làng khỏi ấp, muốn làm gì cũng phải trình báo. Cụ thân anh Hưng đành để dâu và cháu trốn về vùng kinh Dừa Đỏ bên Nhị Long, đút tiền làm căn cước giả, có vậy may ra mới tiện bề yên ổn làm ăn; chứ ở với ông bà, tụi tề xã luôn hạch sách hoạnh họe, nay làm khó là gia đình từng nuôi chứa Việt Minh, mai lại hành là gia đình có con đi bộ đội tập kết ra Bắc, bươn chải cỡ nào cũng không kiếm đủ tiền nuôi hai đứa con mỗi ngày hai bữa.

Thằng Quân khi này đã biết đi thọt cá thòi lòi ngoài bờ kinh, biết vớt lục bình xúc cá bống trứng; suốt ngày giang đầu trần dưới kinh mương, người đen nhẻm như củ co củ súng. Con Phượng còn nhỏ chưa biết gì. Tui đi làm thuê làm mướn ở đâu cũng phải tha nó theo, chặt mấy tàu dừa nước cặm chụm lại, dùng dây gân cột chân nó vô bặp dừa, để nó nằm ngồi tha thẩn một mình ở đó. Một hôm tui đang đội khoai lang cho người ta xuống ghe, bất chợt trời đổ mưa sầm sập. Đổ xong thúng khoai tui chạy vội tới với con. Trời ạ. Con nhỏ đang nằm trong vũng nước. Nó cố sức bò ra ngoài để lên chỗ khô ráo, nhưng cổ chân bị buộc chặt vô bặp dừa không bò được. Người nó ướt sũng. Nó đã lả ra kiệt sức vì gào khóc gọi mẹ. Tui ẵm thốc con chạy vô nhà hội đồng Thưng, van lạy bà hội đồng cho xin miếng dầu Nhị Thiên Đường thoa ngực, thoa lưng, thoa hai gan bàn chân cho con. Bà hội đồng Thưng quậy cho con nhỏ li sữa, nhìn tui nói: “Lần sau bây đi đâu, làm gì, nhớ tìm cuộc đất nào khô ráo, hay gốc cây nào có bóng mát để con ở đó. Lóng rày đã bắt đầu mùa mưa, ai đời lại để con nơi đất thấp.”

Hơn tháng sau, tui nhận đi lên liếp cho người ta trồng đậu bắp. Thấy đầu giồng có cây dái ngựa, bèn cột chân con gái ngồi chơi ở đó, yên tâm làm việc. Chừng nắng lên cao gần đầu người, nhớ tới con, tui buông cuốc chạy đến. Trời ơi là trời. Con nhỏ nằm ngất xỉu. Da mặt tím tái. Miệng nó cắn chặt đuôi một con rít to như ngón tay người lớn. Chắc nó thấy con rít mới đưa tay chụp, bị rít cắn nên cắn lại. Chật vật lắm tui mới bóp nát đầu con rít, gỡ được con rít ra khỏi hàm răng con gái. Tối đó thằng Quân thức canh em với mẹ. Nó vò đầu bứt tai nhìn em gái rồi nói: “Mẹ à, từ mơi con không đi bắt cá nữa. Mẹ đi đâu con theo đó, con ngồi giữ em cho mẹ.” Tui xoa đầu con. Thằng nhỏ sao mà giống tía nó y hệt. Hai con mắt, hai lỗ tai, cái miệng, cái mũi, giống y chang không xê một nét. Anh Hưng ơi, bao giờ anh mới về, bao giờ mẹ con tui mới hết khổ ông trời ơi…

Mà hết khổ sao được. Chánh quyền Ngô Đình Diệm đã bắt đầu ruồng bố nơi này nơi nọ, đã tăng cường rà xiết các gia đình dính líu đến cách mạng. Ai đó đã đang tâm chỉ điểm, đã khai báo với tụi công an tề xã rằng Ba Lành tui có chồng tập kết ra Bắc. Ông Bường trưởng ấp kinh Dừa Đỏ vốn biết anh Hưng thuở nhỏ, muốn che chở nhưng thằng xã trưởng không chịu. Nó lên giọng rằng hai con tui đã lớn, không đi bước nữa là ở vậy đợi chồng. Thằng xã trưởng lập danh sách tui thuộc diện cần phải li khai khỏi gia đình cộng sản. Nó sai thằng công an xã xuống thả dê tán tỉnh tui. Thằng này vừa ngon ngọt dụ dỗ, vừa tìm cách hăm dọa. Nó nhiều lần nói rằng muốn sống nuôi con tui phải bỏ chồng cách mạng, phải có chồng mới, tốt nhất là có chồng thuộc chánh quyền quốc gia.

Bấy giờ đã bước sang năm 1959. Mĩ - Diệm lê máy chém đi khắp nơi, lùng sục tận hang cùng ngỏ hẻm, với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn để sót.” Ở Càng Long, nhiều người bị Mĩ - Diệm chặt đầu cắm cọc tre phơi nắng. Chết chóc bao trùm. Dân tình trăm bề khổ cực. Gia đình nhà chồng bị bắt bớ đánh đập, không dám nhận con dâu, sợ liên lụy làm khổ cho hai đứa cháu nội. Gia đình tui càng khổ hơn. Cụ thân sinh bị tố là người cầm đầu Việt Minh, dẫn đầu đoàn người cướp chính quyền tại ấp Lo Co, rồi theo trung đoàn 311 tham gia chiến dịch Cầu Kè, chỉ huy cấp đại đội đánh trận La Bang ở Trà Cú. Chánh quyền Diệm bắt ông cụ chở về Trà Vinh thủ tiêu mất xác. Bà cụ bị cuộc cảnh sát Càng Long giam giữ, tra tấn đánh đập đến bại liệt nằm một chỗ.

Ở Càng Long bấy giờ, nhiều gia đình cha con, chồng vợ không dám nhận mặt nhau, nhiều người thân ruột thịt không dám nhìn nhau là bà con. Tình cảnh cơ cực đến khốn cùng. Hoàn cảnh tui càng trở nên bướt bát hơn bởi vừa là con ruột gia đình cộng sản, con dâu gia đình cộng sản, lại có chồng tập kết ngoài Bắc. Đã vậy, tui còn phải luôn tìm cách trốn tránh tay trưởng công an xã Nhị Long. Cũng may là thằng này có bà vợ ghen động trời. Bà ta biết mình già hơn tui, lại đã sanh nở tới sáu lần, thân thể bề xề, núc ních những mỡ là mỡ, nên bà ta mượn thế gia đình cha mẹ ruộng đất bề bề, dọa chồng mà léo hánh với ai bả sẽ thuê người cắt phăng cục của nợ. Thằng công an bởi vậy cũng dè chừng, cũng còn coi trước ngó sau; nhưng súng ống trong tay nó, quyền lực trong tay nó, làm sao biết trước điều gì sẽ xảy ra. Giáp vòng Càng Long đã có mấy người là vợ bộ đội tập kết bị đoạt làm vợ nhỏ.

Giữa cơn cùng cực ấy, con Phượng đã năm sáu tuổi lại ngã bịnh đau ban đỏ. Nhà không còn hột gạo, không có lấy một đồng một cắc, tui chạy đôn chạy đáo khắp nơi cũng đành bó tay. Chợt nhớ tới nhà vợ chồng hội đồng Thưng, tui trùm kín con bằng cái áo cánh phin màu gụ, ẵm con sấp sải chạy băng giồng khoai lang đi nhờ cậy. Chưa tới cây dái ngựa giữa giồng đất, con Phượng đã cong người giật giật trong tay, tấm thân gầy đét của nó hết nóng hầm hập lại lả ra lạnh buốt; hai mắt con Phượng trợn ngược, miệng sùi bọt trắng xóa. Ráng chạy tới gốc cây tui đặt con xuống đất, ngồi phịch xuống gào thét:

“Con ơi! Con ơi! Đừng bỏ mẹ Phượng ơi!”

Tui đang cuống cuồng vái lạy trời đất, bỗng có anh nông dân ở đâu xuất hiện. Hiểu ra sự tình, anh ẵm thốc đứa bé, guồng chân chạy ngược về phía kinh Dừa Đỏ. Trong ngôi nhà lợp lá dừa, mẹ anh quậy nước đường đổ vào miệng, dùng tay vỗ ngực vỗ lưng, dùng khăn xô lau miệng; xong sai con trai hút đờm dãi trong mũi cho con Phượng. Được một lúc thì con Phượng mở hé hai con mắt, cất tiếng gọi thều thào yếu ớt: “Mẹ ơi!”

Tui ngồi sụp xuống đất, chắp tay gập người vái lạy bốn phương tám hướng như tế sao trên trời. Anh nông dân đỡ tui đứng dậy. Biết tui chưa ăn gì lấy đỡ cho bát cơm nguội, ăn với ơ cá kho mặn, rau dừa chấm mắm nêm. Rồi thì anh nấu nồi cháo đậu xanh, luộc giùm vào đó hột trứng gà. Cháo chín, anh múc ra một chén quậy đường, chăm chú ngồi đút cho con nhỏ húp từng muỗng. Còn trứng hột gà, anh theo lời mẹ lột vỏ tỉ mẩn lăn khắp người con bé. Xong xuôi mọi việc anh hỏi nhà bà Lành còn ai không. Biết ở nhà còn thằng Quân cũng chưa ăn gì, anh vét nốt chỗ cơm nguội bỏ vào cặp lồng, cùng mấy khứa cá, ẵm con Phượng theo. Thấy trong căn lều lụp xụp của tui trống lơ trống lốc, khạp gạo không còn một hột, anh liền trở về xúc gạo đem qua, cùng nồi cháo đậu xanh vừa nấu xong lúc nãy. Trong cơn hoạn nạn, tui như người sắp chết đuối gặp được cứu tinh; nhờ vậy mà ba mẹ con thoát qua cơn đói kém.

Nhưng như người ta vẫn nói, phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Con Phượng vừa khỏi bịnh ban đỏ chưa được một tháng lại chuyển sang bịnh đau ban trắng. Lần này bịnh nặng hơn. Tui vét mớ tiền vừa kiếm được nhờ đi rửa chén thuê cho quán cháo lòng ngoài chợ xã mua mấy viên thuốc tán đem về pha cho con uống. Con Phượng vừa uống vào đã nôn thốc nôn tháo, lả ra mềm oặt, người nóng như đổ lửa, hai môi khô rang nứt máu. Chị bạn cùng làm thuê với tui nói. “Con nhỏ nóng sốt cỡ này hổng có thuốc hạ nhiệt làm sao qua khỏi.” Con gái chị ta năm ngoái đau y vậy, không có thuốc hạ nhiệt nên đã thiếp đi và chết trong tay chị. Tui sờ khắp người con, thấy con nóng hầm hập như bị lửa đốt thì hồn xiêu phách lạc. Thằng Quân ngồi xớ rớ dưới chân em gái trên bộ ván còng, hai mắt đỏ hoe, khóc thút thít. Bấy giờ ông Bường đạp cái xe đòn vông ngang qua, tự nhiên ghé vào tính xin uống gáo nước lắng phèn, thấy vậy nói. “Để tui chạy ù lên chợ xã. Biết đâu cầm được cái xe mua cho con nhỏ liều thuốc hạ nhiệt.” Ông vừa nói chưa dứt lời thì anh nông dân tên Ba Đức bữa nọ xuất hiện. Anh vét túi áo túi quần được mớ tiền đưa hết cho ông Bường, nhờ ông chạy nhanh đi mua thuốc đem về cho kịp.

Lúc sau ông Bường về cùng mấy viên thuốc tán. Tui vội vàng pha cho con uống. Vừa đút cho con từng muỗng thuốc vừa khóc lóc van vái. “Cầu trời khấn Phật phù hộ độ trì cho con tui tai qua nạn khỏi, đừng để ói thuốc ra ngoài! Nó mà có bề gì chừng anh Hưng về tới tui biết ăn nói làm sao.” Lạ thiệt. Con Phượng uống hết chỗ thuốc mà không ói, không trớ ra ngoài một giọt. Uống xong nó thiêm thiếp ngủ. Tui ngồi phía trên xoa đầu, Ba Đức ngồi phía dưới xoa hai bàn chân. Chị bạn làm thuê cùng ông Bường thấy trời sập tối nên đã ra về. Thằng Quân vẫn ngồi bó gối sát bên vách lá hai mắt vẫn mở thao láo nhìn em gái.

Căn nhà xập xệ chập choạng lửa rọi mù u. Bất ngờ thằng trưởng công an xã đội nón rộng vành, đeo xề xệ khẩu côn đui, với thằng đàn em xách khẩu cạc bin M1 bước vào. Thằng công an hết nhìn chằm chặp vào Ba Lành, lại nhìn chằm chặp vào Ba Đức, rồi phẩy tay nói khẩy: “Vậy được rồi. Vậy tui đã có cái báo cáo về trên cuộc rồi. Khỏi mất công bà xã tui làm mình làm mẩy…”

 

4. Chiều đó ông Hưng một mình ẵm con Phượng Nhỏ qua nhà bà Lành.

Mới tới đầu ngỏ, con bé Phượng Nhỏ đã liến láu reo ầm lên: “Bà ngoại! Bà ngoại! Ông Ba qua nhà mình ăn cơm nè bà ngoại!” Ba Lành đã sắp sẵn cơm chiều. Có cá rô kho tộ. Có cá lóc canh bầu. Có cả thịt vịt xiêm vừa luộc vừa nấu cháo đậu xanh. Bộ lòng vịt thì xào mướp hương. Ba Lành với Ba Đức ngồi ngay ngắn hai bên cái bàn giữa nhà. Con Phượng đứng bên ngạch cửa. Thằng Quân đứng ở mép đầu bàn. Cả hai cùng lúc khoanh tay cúi đầu nói nhỏ. “Mừng ba đã về.” Ông Hưng hơi cúi người đặt con Phượng Nhỏ xuống đất, rồi đứng thẳng người nhìn con trai nói nhỏ nhẹ: “Thằng Quân chạy đi mua giùm ba lít rượu về uống mừng ngày họp mặt.” Ba Đức đứng dậy kính cẩn đưa tay mời ông Hưng ngồi và nói: “Khỏi. Tui mua sẵn cả can rượu Xuân Thạnh nước nhứt rồi!” Ông Hưng vừa ngồi xuống kế Ba Đức vừa nói. “Có rượu Xuân Thạnh xứ mình à? Vậy con Phượng chạy về nhà ông nội, mời bạn chiến đấu của ba qua ăn mừng sum họp luôn thể. Ba mươi năm mới có một ngày. Lẹ đi con!” Quân nghe vậy thì lên tiếng: “Ba để con đi luôn. Hai đứa con cùng qua mời cho trang trọng.”

Khi Quân và Phượng đã khuất bóng khỏi kinh dừa nước, Ba Đức lại đứng dậy, kính cẩn nói với ông Hưng: “Hồi đó tui với bả xáp lại ở với nhau, chớ cưới hỏi gì đâu. Nay ông đã về, mọi chuyện là tùy ở ông.” Ông Hưng vỗ vai Ba Đức cười khà khà: “Thôi ông ơi. Chiến tranh có quy luật của nó. Hồi đó ông không đến với bả, làm sao bả đủ sức nuôi con giùm tui. Nay ông với bả đã có thêm với nhau hai người con, hổng lẽ tui xía vô phá đám.” Ba Lành nãy giờ ngồi im, bấy giờ mới nhìn hai người đàn ông lên tiếng: “Hai mốt năm rồi. Tụi mình già hết rồi. May mà hồi đó Ba Đức có trong túi năm cắc hay năm đồng gì đó, chứ không con Phượng làm gì còn tới hôm nay. Được như vầy là cả nhà ta đại hồng phúc. Còn gì hơn nữa!” Ba Đức cầm gói Captain rút ra một điếu, nhưng nghĩ sao đút lại, móc trong túi ngực ra bịch thuốc rê, xé miếng giấy quyển vấn điếu sâu kèn, vừa se se vừa nói: “Ngộ thiệt. Tới giờ tui cũng không nhớ trong túi tui lúc đó có năm cắc hay năm đồng. May ra chỉ có ông Bường mới biết. Mà ông ấy đã chết trong trận tụi trung đoàn 10 sư 7 càn vô kinh Dừa Đỏ. Trận ấy chồng con Phượng là bộ đội tiểu đoàn 306 cũng hi sinh lúc nó ôm B41 bắn tàu sắt dưới sông. Tui với thằng Quân là du kích phối thuộc, bom đạn ì đùng mà không rớt sợi lông chưn.” Ông Hưng cũng vấn một điếu thuốc, vừa nhả khói phì phà vừa nói. “Chuyện gì cũng có thể quên. Chuyện gì cũng có thể nhớ. Năm cắc hay năm đồng cũng như nhau. Nhờ năm cắc hay năm đồng ấy mà con gái tui được sống. Nhờ năm cắc hay năm đồng ấy mà hôm nay chúng ta thành người trong một nhà. Thôi, mình uống trước với nhau một li mừng chuyện năm cắc hay năm đồng ấy đi Ba Đức!”

Ngoài ngõ, đã nghe tiếng thằng Quân, con Phượng, với hai đứa con của Ba Đức ồn ã nói chuyện với người bạn đồng đội của ông Hưng. Con Phượng Nhỏ ngồi lọt thỏm trong lòng bà ngoại, hai con mắt to tròn lóng lánh, hết nhìn ông ngoại Ba Hưng lại nhìn ông ngoại Ba Đức. Sướng thiệt! Đùng một cái đang không nó có cùng lúc tới hai ông ngoại…

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)