Nhập ngũ

Chủ Nhật, 07/05/2023 00:19

. THÁI CHÍ THANH
 

Những ngày đầu năm 1971, như nhiều vùng quê khác, Quỳ Châu xứ Nghệ rộn rã hội tòng quân. Nhìn những anh bộ đội tuyển quân trẻ măng, quân phục xanh, vai mang súng tiểu liên, đầu mũ cối sáng rực ngôi sao vàng, tôi ngưỡng mộ lắm. Hôm ấy, tôi và nhóm bạn đi học tổ về, gặp họ, vội sà ngay đến xin được sờ khẩu súng AK bóng loáng, hỏi nhiều chuyện, trong đó có câu chúng em đã đủ tiêu chuẩn đi bộ đội chưa. Họ hỏi tuổi chúng tôi rồi bảo, chờ một năm nữa. Sao mà chờ được kia chứ! Trường cấp 3 đợt ấy tòng quân rất đông, lớp tôi cũng có đến năm bạn nhập ngũ. Tôi háo hức, viết luôn lá đơn bằng máu gửi nhà trường rồi rủ mấy đứa đi khám sức khỏe. Mấy hôm sau, thầy Lang Gia Tôn, Hiệu trưởng gọi tôi và Nguyễn Thiết, đứa bạn cùng lớp, cùng xung phong lên văn phòng trao Lệnh động viên, bổ sung cho số quân địa phương còn thiếu trong lần tuyển này. Tôi và Thiết mừng lắm, chạy về lớp khoe ầm ĩ. Về nhà, tôi reo từ đầu ngõ: “Cha mẹ ơi... Con được đi bộ đội rồi!” Mẹ tôi như không hiểu, hay tưởng tôi nói đùa, cười bảo: “Làm răng mà đòi đi bộ đội được, phải học hết lớp mười mới đến tuổi con ạ”. Tôi vội mở cặp sách, đưa Lệnh động viên. Hai người lặng đi, nhìn tôi rồi nhìn nhau. Lúc đó tôi chưa hiểu gì nên vô tư chạy rối rít khoe với hàng xóm.

Khi ấy tôi mới hơn mười bảy tuổi, đang học năm cuối phổ thông.

Đêm trước ngày nhập ngũ, tôi bỗng thấy bùi ngùi, xao xuyến lạ. Khi mọi người đến chia tay đã về hết, tôi ra sau nhà. Dưới trăng lạnh đêm cuối đông, dãy núi gắn với thời thơ ấu bỗng trở nên mơ màng, tựa nàng tiên nằm nghiêng nhìn tôi, lưu luyến. Những kí ức ấu thơ ấy tưởng sẽ qua nhanh trong gian lao, khói lửa, nhưng sau này tôi mới hiểu, nó mãi theo, trở thành hành trang mỗi bước quân hành.

Minh họa: Đỗ Dũng

Tôi không bao giờ quên ngày đầu tiên quân ngũ, vừa thấy mình không còn là một cậu học trò ngây ngô, nhưng cũng biết mình vẫn rất non nớt. Mặc bộ quân phục vải Tô Châu rộng thùng thình, đổi mãi mới được cỡ số nhỏ nhất, tôi vẫn phải xắn lên mấy nếp mới đi được giày. Cậu Lò Văn Bẻng nhận quân phục xong thích quá chạy tưng tưng về lán, thay vội vì sợ người khác biết mình không mặc quần trong. Khổ nỗi, cái thắt lưng nâu khóa lăn lần đầu dùng, Bẻng càng kéo càng sít vào, siết chặt bụng đến nghẹt thở, trông hắn chẳng khác chi bó mạ, cong như con tôm nằm lăn lộn trên sạp. May mà tôi và mấy người về kịp mở giúp, cậu ta mới thở được. Sau vụ đó, cậu ta gặp ai cũng xấu hổ, mặt đỏ phừng.

Về xưng hô, tân binh ai cũng xúng xính trong quân phục mới, dễ phân biệt, còn cán bộ khung huấn luyện, quân phục bạc màu, chúng tôi đều gọi là thủ trưởng. Anh nuôi là mấy chàng không đủ sức khỏe khóa trước ở lại cũng “thủ trưởng”. Thủ kho, y tá, thậm chí cả với những ông nông dân trong làng mặc áo bộ đội chúng tôi cũng “chào thủ trưởng ạ”. Mấy anh lính cũ cũng quá đáng, cứ vênh váo, quát nạt loạn xạ, làm như mình là thủ trưởng thật. Đúng là “lính sáng mai cai lính buổi chiều”.

Ấn tượng nhất là Tiểu đội trưởng Minh, thủ trưởng đầu tiên của tôi. Anh chỉ hơn chúng tôi một, hai tuổi, cũng bắng nhắng, vui vui chẳng khác chi tân binh. Lần đầu được gọi thủ trưởng nên anh khoái chí lắm, ai đòi gì cũng chiều. Ngay hôm phát súng, chưa hề tập động tác nào về binh khí, có đứa thích được bắn đạn thật xem cảm giác ra sao, tán thêm chút nữa, anh liền dẫn chúng tôi chạy một mạch ra bãi bắn đạn thật, phát cho mỗi người một viên đạn màu đồng sáng choang, rồi bảo chúng tôi lắp đạn theo anh. “Tất cả nằm xuống”. Anh hô, rồi chỉ vào mô hình một ổ hỏa lực bằng đất, hô “bắn!” Mấy giây trôi qua vẫn chưa thấy gì, anh quát tiếp: “Bắn đi... nhanh lên!” Một, hai… rồi tiếp mấy tiếng nổ chói tai. Tôi run run tay vừa căng cò súng thì giật nẩy người, không rõ súng mình nổ hay của người bên cạnh.

- Tất cả đứng dậy! Theo tôi, chạy!

Chúng tôi hồ hởi chạy theo một vòng qua bãi tập chiến thuật mới về lán. Đứa nào cũng thở không ra hơi, nhưng thích thú lắm.

- Chúng mày biết thế nào là bắn đạn thật chưa! Thích hả. Mà đứa mô mách với đại đội là chết với tao. - Anh vừa cười vừa lừ mắt.

Thì ra Tiểu đội trưởng cũng biết sợ, mới bắt chúng tôi chạy xa và vòng vèo như thế để khỏi bị lộ. Về đến lán tiểu đội, ai cũng khoái, cười nói rổn rảng, có đứa còn ngửi họng súng rồi khoe với đồng đội về mùi thuốc đạn thơm thơm, hăng hăng. Tôi cũng ngửi và thấy họng súng của mình cũng thế.

- Tất cả tập hợp thành hàng ngang.

Tiểu đồi trưởng đứng làm chuẩn giữa lán để chúng tôi xếp thành hàng rồi đĩnh đạc bước lên trước:

- Chúng mày... À quên, các đồng chí làm theo tôi, khám súng!

Tôi cũng làm theo động tác của Tiểu đội trưởng. Nhưng khi kéo khóa nòng ra thì… cùng với tiếng “tách” khô giòn, một viên đạn bắn ra ngoài. Tiểu đội trưởng chạy lại, nhặt lên trừng mắt: “Thằng này bắn kiểu gì mà đạn vẫn còn?” Thú thật, tôi cũng không rõ, nhưng chân tay bắt đầu run. Tiểu đội trưởng trở về chỗ cũ, làm động tác hướng súng lên không trung, vừa làm vừa nói: “Trước khi khám súng xong, các đồng chí bóp cò! Làm đi!” Đoàng! Một tiếng nổ đanh vang lên, tất cả đều kinh hoàng, nhưng kinh hoàng nhất là Tiểu đội trưởng và thằng Chiến, người vừa làm súng nổ. Thì ra, cả tôi và Chiến chưa kịp bóp cò, nghe tiếng súng bên cạnh lại tưởng mình bắn. Đúng là lính mới, nguy hiểm thật.

Nghe tiếng nổ trong doanh trại, trực ban rồi ban chỉ huy đại đội chạy xuống. Thế là bị phê bình, không chỉ một lần mà suốt đợt huấn luyện. Chuyện này cũng dễ hiểu khi trong đại đội, các tiểu đội trưởng khác đều quân hàm hạ sĩ, riêng Tiểu đội trưởng Minh binh nhất, dù cũng vừa tốt nghiệp lớp hạ sĩ quan ba tháng về. Nhưng chính hành động có phần liều lĩnh đó của Tiểu đội trưởng đã gieo vào anh em chúng tôi một ấn tượng khó quên và ai cũng thấy khoái tiểu đội trưởng ga lăng của mình.

Sau khi sắp xếp xong biên chế, phát quân trang, quân khí là những ngày tập luyện và lao động vô cùng gian khổ. Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” mà tôi và đồng đội cũng thấy oải với những việc đào hầm, công sự, nhất là những chuyến đi lấy củi ngày chủ nhật. Tôi nhớ mãi lần đi củi đầu tiên. Dậy từ sáng tinh mơ đi bộ hơn chục cây số để chặt, tối mịt, tôi ì ạch gánh củi về, tổ nuôi quân cân lên, 68 kg, nặng nhất hôm đó, được biểu dương trước đại đội. Nhưng sau đó, không chỉ tổ nuôi quân mà nhiều người trong đại đội mặt sưng vù lên vì bị sơn “ăn”. Thì ra, khi lấy, tôi thấy một khu rừng cây thẳng tăm tắp, cứ nghĩ sao mọi người “dại” thế, củi đây chứ đi đâu cho xa. Tôi đâu biết đó là cây lở sơn, không ai dám chặt. Vậy mà tôi chẳng hề hấn gì, đúng là “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”. Còn chuyện cười khác, lính tráng trong đơn vị truyền nhau việc Đại đội phó Lê Tiến, quê ngoài Bắc, khi đi “vệ sinh” giữa núi đồi lộng gió, bẻ phải lá han chùi, bị rát, nhảy cẫng lên, còn kêu um lên là “xứ Nghệ này sợ thật, đến cái lá cũng thiêng!”

Giáp tết Nguyên đán, trong khi bà con xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu, Nghệ An) hối hả chuẩn bị đón năm mới, thì đơn vị tôi có tình trạng đào ngũ. Nhiều nhất là tân binh từ các vùng rẻo cao xa xôi, đa phần cưới vợ vội trước khi nhập ngũ, nhớ vợ, nhớ bản quá, liều lĩnh rủ trốn về ăn tết. Có người còn cả gan mang theo súng về khoe cho oai. Hết quán triệt, động viên lính mới, các thủ trưởng còn ra lệnh tăng cường gác đêm thật chặt. Nhiều cán bộ khung phải chia nhau đi các địa phương “bắt” đào ngũ. Sau tết, mấy trai bản trở lại, không có vẻ ân hận, xem việc đó không quan trọng lắm vì “mình nhớ vợ, nhớ tết của bản thì về thôi, xong mình lại xuống mà... Mần chi phải đi tìm, đi bắt chớ”.

Riêng tôi, ngày sát tết năm đó được cha tôi đạp xe hơn trăm cây số tới thăm, cho 5 đồng bạc và đưa tôi cái đồng hồ Poljot, thứ giá trị chỉ sau cái xe đạp Thống Nhất của gia đình tôi hồi đó. Tôi không nỡ lấy đồng hồ, nhưng cha tôi bảo cầm để gác cho đúng giờ, sau này đi chiến đấu cũng rất cần. Cái đồng hồ đó trở thành vật quý chung của tiểu đội tôi, vì chuyện cãi nhau giao sai giờ gác đêm không còn nữa. Nhưng cũng chính cái đồng hồ đó lại làm khổ tôi trong một phiên gác. Đêm đó, gió đông hun hút, tôi và Nguyễn Thiết gác phiên cuối, từ 3 đến 5 giờ sáng. Hai đứa khoác súng đi quanh doanh trại, vòng qua mấy làng trong khu đóng quân. Hai tiếng gác đêm sao mà dài thế. Đồng hồ chỉ hơn 5 giờ, hết giờ gác mà vẫn tối thui. Dù biết mùa đông trời sáng chậm, nấn ná thêm chờ trực ban thổi còi báo thức đơn vị mà mãi không thấy. Buồn ngủ khủng khiếp. Hai đứa tìm một ổ rơm, tựa lưng nằm cho đỡ lạnh và thiếp đi lúc nào không biết. Mãi đến khi cô bé chăn bò lay mãi, chúng tôi mới dậy. “Răng hai chú ngủ chắn cửa chuồng bò nhà tui?” Trong khi còn ngơ ngác vì ngái ngủ, cô bé bảo, mọi người đang đi tìm vì tưởng đào ngũ. Tôi và Thiết vừa ngượng vừa lo, chạy về báo cáo Tiểu đội trưởng Minh. Tưởng chuyến này bị kỉ luật vì bỏ gác, nhưng cũng chỉ bị nhắc sơ sơ, vì vi phạm lần đầu và lí do được truy ra là các bố mấy ca trước láu cá vặn đồng hồ nhanh lên, mỗi ca một ít, nên phiên cuối của tôi lãnh đủ. Nhưng bỏ gác cũng chỉ là “muỗi” so với chuyện tầy đình đã xảy ra trong đêm gác ấy: Nhà bếp bị mất trộm cơm sáng của bộ đội! Không đời nào, tôi và Thiết có chết đói cũng không làm trò đó. Chúng tôi thề trước ban chỉ huy đại đội. Báo động! Cả đại đội tập trung. Đại đội trưởng ra lệnh tất cả giương lê như “chuẩn bị đánh gần”. Trong nắng sớm, những lưỡi AK và CKC sáng rực màu thép thẳng hàng tăm tắp, chỉ có hai lưỡi dính chút bột màu vàng. Chủ nhân của hai khẩu súng có lưỡi lê dính bột là hai người trực trước ca tôi và Thiết. Bị truy gắt, hai ông tướng khai vì rét quá, hai đứa tìm đến gần lò nấu đại đội cho đỡ lạnh. Mùi ngô từ chảo quân dụng bay ra, khiến cái đói càng thêm hành. Cửa nhà ăn khóa, nhưng cửa sổ sát lò nấu vẫn mở. Chảo nấu ngô chỉ đậy tấm bao tải để giữ nóng, họ “sáng kiến” dùng lê đưa qua của sổ, hất bì ra, cắt mấy khoảnh to, rồi xuyên lê, đem ra ăn. Hai tay tất nhiên bị kỉ luật, phải mang ba lô đá chạy mười vòng quanh doanh trại. Không hiểu có phải vì lần đó không mà có lệnh từ cấp trên cho anh em tân binh ăn thoải mái, không chỉ 7 lạng một ngày như định lượng, mà bằng no thì thôi. Đúng là tuổi trẻ, ăn bất thùng chi thình, tám lạng rồi chín lạng, một cân một ngày vẫn chưa no... Ăn để có sức tập luyện và đủ sức chuẩn bị vào mặt trận.

Thực hiện khẩu hiệu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, chúng tôi tập luyện suốt ngày đêm. Nhiều hôm tập bắn AK bài 2 ban đêm, ngắm ngắm rê rê mãi cũng chán, nhiều cậu lăn ra ngủ. Khi tập trung nhận xét ra về, trung đội trưởng cầm đèn pin chiếu sau lưng hàng quân, thấy ai lấm lưng là bắt ở lại tập. Chả sao, sau đó, ai buồn ngủ sẽ gục luôn lên súng, làm một giấc, lưng vẫn sạch sẽ.

Vất vả là thế nhưng đời lính vui và đáng yêu. Những ngày tập tành liên tục thì chỉ mong được buổi nghỉ trọn vẹn, không phải đi lấy củi, không dọn vệ sinh; nhưng dịp lễ chỉ cần hai ngày không ra thao trường lại thấy thiếu thiếu, thời gian thừa thãi. Mới hai tháng huấn luyện, chúng tôi đã như những người lính thực thụ, đi đứng chững chạc, các bài học chiến thuật, kĩ thuật cũng thuần thục dần. Đặc biệt ý chí, tình cảm đồng chí ngày một nồng thắm.

Đúng lúc chiến trường miền Nam đang chuyển mạnh, nhất là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đơn vị tôi có lệnh lên đường. Riêng tôi, được quân lực gọi lên giao làm liên lạc cho Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Tôi rất muốn cùng đi với đồng đội, nhưng biết làm sao. Tôi chia tay anh em trong bịn rịn. Đại đội 14, Tiểu đoàn 4 Đoàn 22 lúc đó có bao người thân thiết là bạn học suốt thời phổ thông với tôi như Nguyễn Thiết, Phạm Đình Chiến, Hoàng Ngọc Cảnh, Đậu Xuân Dung, Trần Cảnh Yên, Nguyễn Xuân Thanh..., trong số này có Thiết và Chiến sau chiến tranh đã mãi mãi không về.

*

*         *

Ban chỉ huy Tiểu đoàn có bốn người, mỗi ông mỗi tính, nhưng ai cũng có vẻ thích tôi. Họ là những người từng trải trận mạc, chiến tích đầy mình, nên tôi rất ngưỡng mộ.

Tiểu đoàn bộ đóng trên gò đồi, sát chân hòn Rồng, núi Ngọc của xã Quỳnh Lâm, nơi còn nhiều dấu tích nhà Hồ xưa. Nhát ma nên tôi rất ngại việc giữa đêm chuyển lệnh của tiểu đoàn đến các đại đội phải chạy qua dãy đồi hình cánh cung rậm rì cây. Người dân vùng này kể, nhiều đêm mưa bão, họ nghe tiếng reo hò ầm ĩ của âm binh như cả rừng quân nhà Hồ xung phong đánh giặc, lúc lại đầy tiếng khóc nỉ non. Sợ nhất cái giếng nhà Hồ vì rất thiêng. Giếng có từ sáu trăm năm mà chưa một lần cạn nước dù có lần hạn hán, các giếng khác trong vùng đều cạn khô. Giếng tròn, to, xây quanh bằng đá, tiểu đoàn bộ đều dùng nước nấu ăn, tắm giặt ở đấy. Mấy nhà dân ở gần bảo, khi họ thấy mấy cô gái mặc áo trắng cứ múa hát, lượn lờ như phim câm dưới trăng thanh gió mát, lúc lại chỉ nghe tiếng tỉ tê nói chuyện, dội nước ào ào quanh giếng tịnh không bóng người. Đủ chuyện, nghe thích nhưng đêm qua đó thì tôi lại tim đập, chân run...

Phía đối diện với hòn Rồng, núi Ngọc, sát xã Quỳnh Giang, là nhà bếp của tiểu đoàn bộ, nơi ngày ngày tôi phải đi lấy cơm cho cả Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Nhà bếp cũng chỉ cách có hơn ba trăm mét, nhưng khổ nỗi ngày nào, sáng, trưa, chiều, tôi cũng phải lỉnh kỉnh gánh cơm qua dãy nhà dân rất nhiều nữ sinh viên Đại học Sư phạm Vinh sơ tán về đấy. Họ luôn trêu chọc, gọi tôi là Lê Anh Nuôi như tên bài hát rất phổ biến lúc bấy giờ rồi hát theo nhịp tôi gánh cơm đi: ... Ra đường là tôi lo nhất (ấy) không may mà gặp các nàng, nhìn ngang nhìn dọc, nhìn xuôi nhìn ngược, không thấy gì là tôi vụt đi ngay... Đôi má đỏ như rượu đang say... Có lần, một cô dáng cao cao còn đếm theo nhịp tôi bước như tập điều lệnh đội ngũ: Một... hai một hai... một hai! Tôi chỉ còn nước kéo sụp mũ, cúi đầu, bước nhanh hơn, cố cho cô ta đếm sai nhịp, khiến hai đầu gánh cơm chao lắc mạnh. Bất ngờ, một đầu gánh bật ra, cơm canh ụp hết xuống đất. Có lẽ mặt tôi lúc đó thuỗn dài ra như muốn khóc. Tôi chỉ biết than thở: “Trời ơi... biết làm sao đây... Chuyến này tôi chết chắc!”

Các cô nhìn nhau vẻ ân hận. Cô cao cao bảo:

- Anh để bọn em đền...

- Đền! Các cô đền kiểu chi?

Các cô theo tôi đến nhà Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Tôi chẳng kịp báo cáo, các cô đã tranh nhau nhận lỗi và xin nấu lại bữa cơm cho các thủ trưởng. Không ai trách mắng, chỉ thấy các thủ trưởng cười. Đại úy Bùi Huy Ích, Chính trị viên Tiểu đoàn còn dốc hầu bao, cùng các cô ra chợ mua thực phẩm làm bữa liên hoan tươi rất ấn tượng. Cô cao cao ấy tên Nga, Bí thư Chi đoàn một lớp sinh viên, xinh xắn, nói năng rất dí dỏm nên Chính trị viên bị thôi miên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau này ông kể, tao đang tìm một cô vợ cao cao, xinh xinh, vui vui nhưng mãi không gặp, nào ngờ mày lại đưa đến. Cũng chính từ cái buổi ban đầu ấy, các đơn vị trong tiểu đoàn liên tục giao lưu với các chi đoàn của trường Đại học Sư phạm Vinh. Nghe đâu, sau này duy trì thành truyền thống và không ít cặp nên đôi nên lứa. Riêng Chính trị viên Ích, từ bữa đó, ông với cô sinh viên Nga hay gặp nhau rồi hẹn ước ngày hòa bình sẽ cưới, vì sau đó không lâu, ông đưa quân vào mặt trận. Mãi sau này tôi mới biết, ông và Nga không bao giờ nên vợ nên chồng vì ông đã hi sinh trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974.

Trong bốn chỉ huy Tiểu đoàn, tôi khoái nhất Tiểu đoàn trưởng Miễn. Ông là lính trận, dũng sĩ diệt Mĩ ở Khe Sanh, đánh nhau nức tiếng cả chiến trường khu Năm, lại đẹp trai, cao dong dỏng, dáng thư sinh, tính rất ga lăng. Đặc biệt ông mê thơ lắm. Có sự kiện gì ông cũng làm thành thơ rồi đọc cho tôi nghe. Có lần, tôi hỏi:

“Có phải thủ trưởng là nhà thơ Xuân Miễn không?” Ông bật cười: “Giá mà như thế. Thơ tớ là thơ con cóc, chỉ để tán gái thôi”.

Tôi là liên lạc, việc chạy lệnh cũng có nhưng công việc chủ yếu là nấu nướng cải thiện, pha trà, giặt giũ, quét dọn... Những việc này tôi chẳng nề hà gì, nhưng tính từ nhỏ vốn hay sốt ruột, cái gì cũng muốn làm nhanh nên hay bị các thủ trưởng chê ẩu. Ngại nhất là giặt quần áo, toàn đồ nhà binh cứng quèo, nên tôi sáng kiến, xát xà phòng rồi cho tất vào chậu, dùng chân dẫm như đạp lúa cho nhanh. Nào ngờ, khi quần áo khô, chính Tiểu đoàn trưởng Miễn chê tôi giặt bẩn. Ông giặt lại, tiện thể giặt luôn đồ của tôi. Một lần, Tiểu đoàn trưởng đi công tác về, đưa tôi hai cân thịt lợn, bảo kho để Ban chỉ huy ăn dần. Tôi ướp hành, tẩm nước mắm và cho mấy muôi đường, công thức y sì mẹ tôi làm, rồi kho. Khi dọn ra, Tiểu đoàn trưởng vừa đưa vào miệng đã nhăn mặt rồi kêu toáng lên: “Bảo là kho, sao lại nấu chè thịt, bố thằng nào ăn được!” Thế là nồi thịt chỉ có tôi và ông Chính trị viên Ích, người miền Nam ăn.

Tôi khoái nhất những dịp được theo cán bộ tiểu đoàn đi tuyển tân binh. Mỗi thủ trưởng phụ trách một vùng. Tôi được phân công đi với Tiểu đoàn trưởng Miễn tuyển quân ở huyện Nghĩa Đàn, cách đơn vị chỉ ba chục cây. Tiểu đoàn trưởng bảo tôi và trợ lí quân lực đi tiền trạm. Không biết thủ trưởng thì thầm với trợ lí quân lực những gì mà chúng tôi ở nhà một phụ nữ độc thân vì quá lứa, đầy đặn, ưa nhìn, tính tình xởi lởi.

Được vài hôm, thủ trưởng bảo tôi đạp xe về trung đoàn bộ Đoàn 22, đưa một bản báo cáo niêm phong, trao tận tay trưởng đoàn.

Ông Thông, Đoàn trưởng Đoàn huấn luyện 22, chỉ huy gần hai chục tiểu đoàn rải khắp vùng Nghệ An mà quân hàm chỉ trung tá, nhưng trông oách lắm. Ông bảo tôi ngồi chờ, rồi viết thư trả lời. Xong, ông bảo đã muộn, cậu nghỉ lại, sáng mai đi. Tôi thấy nắng vẫn còn, lại sợ Tiểu đoàn trưởng chờ, nên nhất quyết đi ngay. Ông cứ nhìn tôi, hỏi thăm sơ sơ tuổi tác, gia đình rồi ướm, cậu muốn làm công vụ của tớ không? Bất ngờ quá, tôi chỉ biết ậm ừ rồi bảo, để em về báo cáo các thủ trưởng Tiểu đoàn 4 đã. Ông cười và đưa tôi bánh lương khô.

Từ trung đoàn bộ đến nơi tuyển quân chỉ khoảng hai chục cây số, nhưng đường dốc và vắng, nếu đạp xe nhanh cũng phải ba giờ mới tới nơi. Đến ngã ba Tuần, tôi tạt vào quán nước Quân nhân - một địa chỉ còn in đậm mãi trong tim tôi và những người lính thời chiến từng qua đây. Chủ quán là những mẹ chiến sĩ, tự nguyện mở quán nước chè xanh phục vụ miễn phí cho bất kì người lính nào, khi chỉ một vài người, lúc cả đại đội, thậm chí cả tiểu đoàn. Như những lần khác, tôi vừa “chào các mẹ ạ!” thì bát nước chè xanh đặc sánh, mà các mẹ gọi là nước chát, đã đặt trước mặt. Một mẹ hỏi, con đi về mô mà tối rứa? Mẹ khác bảo đưa bình tông lấy nước cho tôi đi đường. Đang đói bụng, tôi lấy bánh lương khô ra ăn. Bỗng từ trong bếp, một cô bé chừng bảy tám tuổi, mặt mũi nhem nhuốc nhọ bếp bước ra, mắt trân trân nhìn bánh lương khô trên tay tôi. Tôi bẻ đưa cô bé một nửa. Cô bé mắt sáng lên, đưa tay lấy lương khô nhưng không ăn, bảo cất cho thằng cu Tĩn ở nhà. Tôi đưa nốt phần mình, bảo ăn đi, nửa ni cho em Tĩn. Bà mẹ thấy vậy, mắng cô bé, răng hư rứa, khi trưa hai chị em đã có củ sắn luộc. Cô bé sợ, len lén trả lại. Tôi không cầm, nhưng các mẹ kiên quyết bắt tôi phải giữ lấy để ăn, có sức mà đạp xe làm nhiệm vụ. Tôi không biết nói gì thêm, uống cạn bát nước rồi chào các mẹ. Vừa lên yên, một mẹ bỗng gọi to: “Con à... Quên cái bánh lương khô bỏ trên ghế”. Tôi vờ không nghe, đạp xe đi. Sau đó ít lâu, tôi có việc lại ghé qua quán nước Quân nhân, vẫn chuyện trò uống nước như mọi lần, không ai nói gì chuyện bánh lương khô cả. Nhưng khi về nhà, tôi thấy nó nằm trong bao cóc ba lô của mình. Ôi. Các mẹ của tôi!

Hôm đó, về đến Nghĩa Đàn đã chín giờ tối. Tiểu đoàn trưởng ngạc nhiên, cứ nghĩ sáng hôm sau tôi mới về nên không để phần cơm. Chị chủ nhà đon đả đi nấu, nhưng thủ trưởng không cho, đưa tôi một đồng bạc, bảo bồi dưỡng cho cậu bát phở và cốc cà phê mậu dịch, chứ nấu nướng lỉnh kỉnh bao giờ mới được ăn. Tôi cảm kích lắm, lại phóng xe đi, nhưng cả thị trấn đều im lìm, chẳng hàng quán nào còn mở, đành qua cầu phao sang Tây Hiếu ăn phở mậu dịch. Bát phở cuối ngày lõm bõm, nguội ngắt, lèo tèo mấy sợi thịt bò dai ngoách nhưng sao thấy ngon thế. Còn lại năm hào, nhưng tôi không thích cà phê nên hộc tốc đạp xe về. Chủ nhà và thủ trưởng vẫn đang thức, đang tỉ tê tâm sự. Ông có vẻ không vui, bảo sao cà phê gì mà nhanh thế. Dạ, tôi nói dối, cà phê nguội nên em uống ào một phát là xong. Hôm sau, cơm chiều xong, ông lại cho tôi năm hào đi uống cà phê và dặn giấu cho ông cái thìa của cửa hàng. Thấy tôi mượn xe đạp chủ nhà, ông bảo, đi dạo phố mà xe đạp à, đúng là lính cảnh. Đành cuốc bộ hai cây số để uống cà phê. Lần này tôi phải uống vì còn có cơ hội thó cái thìa cửa hàng về cho thủ trưởng. Khi về, thấy thủ trưởng đang đọc thơ, giọng khác lắm, rất mùi mẫn. Cô chủ nhà say thơ hay say tình tôi không rõ, má hồng rực, mắt long lanh, nhưng hẳn là chưa xảy ra chuyện gì. Tôi thở phào, nhưng thủ trưởng lại cáu, bảo tôi quá ư là tồ. Tiểu đoàn trưởng có biết đâu, Chính trị viên Ích quá hiểu tính ông nên nhắc khéo tôi phải bảo vệ thủ trưởng, đừng để xẩy ra chuyện gì mà ảnh hưởng đến công tác dân vận. Lại hôm sau, cũng cơm chiều xong, ông cho tôi tiền uống cà phê nhưng phải mua cho ông hai cốc mang về nhà cho hai người. Đúng là cao mưu. Nhưng tôi cũng chẳng vừa. Chẳng dại gì bưng hai cốc cà phê đầy, đi cả tiếng cũng không đến nhà, tôi bèn đổ cà phê vào ống nứa, đến nhà mới đổ ra hai bát cho thủ trưởng và cô chủ, bảo nhà hàng không cho mượn cốc. Lần này, ông nheo mắt nhìn tôi rồi bật cười: “Tưởng cậu tồ, hóa ra là gián điệp của lão Ích đấy à?” Trúng tim đen, tôi không còn đường chối cãi, chỉ gãi đầu cười rồi chui vào võng nằm.

Tôi đắn đo mãi, rồi cũng phải kể với Tiểu đoàn trưởng Miễn về chuyện Đoàn trưởng Thông đã hỏi tôi có muốn làm cần vụ của ông không. Tiểu đoàn trưởng Miễn có vẻ suy tư, bảo cấp trên đã có ý thế thì không khác được đâu; nhưng rồi lại cất giọng chân tình, bảo Ban chỉ huy Tiểu đoàn có dự định sẽ cho tôi đi học một lớp nào đó, trường quân chính hoặc trung cấp xăng dầu, hoặc giới thiệu về làm cho tờ báo Luyện thành dũng sĩ của Đoàn 22 vừa thành lập, vì tôi có khiếu văn chương. Tôi rất cảm kích, nhưng thú thực chỉ muốn vào chiến trường, không thích làm lính cậu ở hậu phương. Thủ trưởng Miễn bỗng vỗ vai tôi, nói như reo:

- Phải rồi! Cậu thích phiêu lưu, mạo hiểm thì học đặc công nhé?

Tôi cũng reo lên:

- Quá tuyệt, nếu được làm tình báo là nhất.

Ông cười:

- Tình báo mẹ gì cậu, vừa bốc đồng, vừa nhạy cảm quá, ai thèm tuyển. Cậu chờ có đợt về tuyển đặc công bộ nhé.

- Dạ... Có lâu không?

- Chưa biết được. Nhưng đặc công làng, tức Tiểu đoàn 10 ở Lăng Thành ấy, thì tớ giới thiệu được ngay.

Tôi mừng chảy nước mắt, ôm thủ trưởng như ôm người anh ruột của mình.

Sau đợt tuyển quân, tôi khoác ba lô, chia tay các thủ trưởng Tiểu đoàn mà tôi vô cùng kính yêu để bước sang một chặng đường mới.

T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)