Nhớ súng

Thứ Sáu, 28/04/2023 00:18

. TRUNG SỸ
 

Với một người lính trên chiến trường, vật thân thuộc nhất, vật bất li thân trong mọi trường hợp tất nhiên là khẩu súng. Tạm biệt những tháng ngày huấn luyện, chúng tôi được bổ sung vào Sư đoàn 9 giữ chốt biên giới Long An. Tôi được chọn làm lính thông tin tiểu đoàn. Cùng với chiếc máy điện thoại quân dụng Mĩ TA-312/PT, mỗi tổ máy xuống phối thuộc các đại đội bộ binh được trang bị thêm khẩu tiểu liên AK.

Đây là một khẩu AK Liên Xô báng và ốp lót gỗ đen, tay cầm bằng nhựa đen có các gai ma sát đã mòn. Quai súng bằng bạt đã sứt đôi chỗ ngay mé khuy gần móc đầu nòng. Súng còn khá tốt tuy lớp mạ ngoài đã bong hết. Nhìn những vết sứt sẹo trên báng hay vết xước thân súng có thể hiểu được nó đã tham chiến nhiều trận. Không biết nó đã “thịt” được bao nhiêu tên địch rồi nhưng rõ ràng khi ở trong một đơn vị được phong anh hùng hai lần thì lí lịch oanh liệt của nó là không thể nghi ngờ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nhưng những phát đạn đầu tiên tôi bắn ra từ khẩu súng này lại là để... bắn cá. Chắc để cho lính mới dạn với tiếng nổ và quen phản xạ sử dụng vũ khí nên anh Ky máy trưởng sai tôi đi bắn cá cải thiện. Chốt Tiểu đoàn 4 của tôi cách phòng tuyến địch một cánh đồng chừng hơn cây số, ven một đìa sen nước trong leo lẻo. Rình đàn cá sặc bông lớn cỡ bàn tay từ từ nổi lên trong bóng lá sen tôi liền nổ súng giữa đám. Viên đạn bắn găm sủi quầng bọt nước, cá bị sức ép lộn bụng láng quanh, phải lội xuống vớt nhanh không nó hồi tỉnh thì mất ăn. Lại nhớ hồi huấn luyện ngoài Bắc đi bắn đạn thật bia số 4 ở trường bắn gần thị trấn Non, tôi nằm ngắm mãi mà không dám siết cò vì tay cứ run bắn. Bây giờ đã quen súng quen đạn, muốn bắn gì tùy thích miễn đừng có bắn về hướng hầm chốt quân nhà. Tôi ngắm kĩ cọng chiếc lá sen to nhất. “Pằm” một tiếng, chiếc lá sen đứt ngọt cuống, hạ cánh nhẹ nhàng như tấm dù xanh xuống mặt đìa. Cá và đồ gói cá ngoài mặt trận đều “hái” bằng súng cả.

Nhớ những ngày hành quân tổng tấn công vào thủ đô Phnom Penh, sào huyệt của bọn diệt chủng Pol Pot. Trên dọc lộ 1, súng địch đạn địch bỏ chạy quăng dọc đường chẳng có sức mà mang. Khẩu súng lúc này chỉ còn một băng đạn duy nhất, vì băng đạn dự trữ tráo đầu tôi đã tháo vứt xuống mương gần Neak Luong khi nghe tin thủ đô địch thất thủ. Ngày mới nhập ngũ anh Cường chính trị viên dạy giá trị mỗi viên đạn AK tương đương với 3kg gạo. Các đồng chí phải tiết kiệm. Nay thấy hẳn có đến hàng trăm tấn “gạo” đồng đỏ chói, địch vứt đầy đường, chẳng cần tiết kiệm nữa. Cũng với khẩu súng này, trong sự thách đố của anh Ky, tôi nổ hai phát diệt hai chim cu trong tư thế đứng bắn với khoảng cách 30m. Cháo chim cu đất nấu với đậu xanh là một loại thần dược nâng đỡ cơ thể cho những anh em bị sốt rét vừa mới dứt cơn. Ngoài yếu lĩnh cơ bản tốt của tôi, khẩu súng đã được người sử dụng trước căn chỉnh rất chuẩn.

Việc bắn bắt liên lạc với các đơn vị khác là nhiệm vụ của tiểu đội truyền đạt nhưng tôi hay giành bắn, khi bốn khi ba. Những đêm tối mệt mỏi hành quân, nhìn đốm đạn lửa mình vẽ lên bầu trời cũng bớt phần tư lự hay buồn ngủ.

Lính thông tin luôn đi kèm với chỉ huy sở đại đội hoặc tiểu đoàn nên chẳng mấy khi phải nổ súng. Thông tin mà phải nổ súng tức là địch nó đánh đến nơi rồi. Khẩu súng tôi dùng suốt mấy năm chiến tranh may mắn chỉ phải nổ trong lúc cận chiến bảo vệ chỉ huy sở đôi lần. Có một lần nhớ nhất địch tập kích trên cao điểm 701. Địa hình hẹp và dốc nên đại đội bố trí theo chiều dài. Thấy các trung đội nổ súng rền rền, tôi cũng nổ súng mò về hướng sườn. Sáng ra mới biết mình đã bắn phải một hòn đá mồ côi cách 2m vì trong đêm đen mịt mùng không nhìn thấy gì. Mảnh đá vỡ văng rát mặt, may không có viên đạn nào bật lại.

Khẩu súng của tôi khoảng giữa đầu nòng với ốp lót tay hay gỉ, bởi hành quân vác súng triền miên, nắm tay đúng chỗ đó. Mồ hôi tay muối mặn của nhiều ngày, nhiều đời lính, lâu dần ăn rộp lớp mạ sâu vào làm vỏ nòng hơi sần lên. Tôi từng lấy sống dao găm gại nạo cho thật kĩ, sau đó không tiếc dầu lau súng chuốt qua chuốt lại. Nòng súng đen thẫm rồi, song chỉ cần gại qua sống dao lần nữa, vết gỉ vàng lại hiện lên như chưa hề lau. Mồ hôi, có khi cả mặn máu của ai đó nữa, thấm sâu vào thịt thép nòng súng mất rồi. Khẩu súng đã gắn bó với tôi suốt thời gian làm lính thông tin. “Chiếc bồng trên lưng bao năm tôi hành quân. Đây súng là vợ, đây đạn là con.” Lời một bài hát lính trung đoàn được giải trong hội diễn Binh đoàn Cửu Long tôi vẫn còn nhớ mãi.

Cũng như tôi sáng nay, ngồi chẳng nhớ gì lại đi nhớ súng. Hồn anh lính cũ ngày rét lạnh, gại qua hơi thuốc ban mai lại vàng khè vết gỉ chiến tranh. Các anh lính trận ai rồi cũng thế thôi. Tôi đố anh nào lau sạch được. Gươm đao, súng đạn đừng tưởng nó vô tình. Hỡi các anh cựu chiến binh, các anh còn nhớ gì khẩu súng các anh đã cầm không?

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)