Vía của rừng

Thứ Sáu, 19/05/2023 00:15

. CẦM THỊ ĐÀO
 

Khi Pai về đến nhà thì trời đã nhập nhoạng tối. Cổng mế đã mở sẵn. Gọi là cổng nhưng cũng chỉ là hai tấm gỗ cũ được vít vào. Mỗi lần trở về, Pai thường sờ soạng rất lâu trên đó để tìm những dòng chữ li ti ngày nhỏ khắc lên. Mỗi dòng chữ là một dấu ấn, có khi hân hoan, có khi đau xót. Nhưng hôm nay tối quá, Pai lướt qua rất nhanh rồi vào nhà.

Pai đã leo không biết bao nhiêu bậc, bao nhiêu loại cầu thang trong cuộc đời mình nhưng cô vẫn không ngừng thổn thức mỗi khi đặt chân trần trên từng bậc thang gỗ ngôi nhà mế. Các cô chú khuyên mế phá nhà sàn đi để làm mái bằng, giống như những nhà khác trong bản, nhưng mế kiên quyết không. Mế bảo với Pai, sau này mế chết con muốn làm gì cũng được, còn ngôi nhà này bố con dựng lên, những cây gỗ pơ mu bố đi tìm tận rừng sâu, bao nhiêu năm cột kèo vẫn vàng lên, thơm óng ả. Mế quen nhà sàn gỗ rồi, không ở nhà xi măng được đâu. Thật ra Pai hiểu, thứ mế giữ là những hồi ức đẹp đẽ về bố. Những ngày hè nóng quá, Pai càu nhàu với mế, bảo xây nhà, lắp điều hòa cho mà ngủ thì không nghe, nhà sàn xung quanh toàn gỗ, muốn lắp cũng khó. Mế cười cười, có mà lắp cho mày ngủ ấy, mế cần gì. Ở miền biên giới này, tối đến chỉ sương và sương, đêm hè vẫn cảm thấy lạnh, có chăng nóng chút lúc trưa, mà nóng của miền núi còn mát chán, xung quanh bao nhiêu cây cối, gió thổi rười rượi. Pai im lặng không cự lại nữa, cô thương mế nhưng hiểu lòng mế. Người như mế chỉ sợ phải sống khác đi những gì mình từng sống thôi.

Minh họa: Trương Đình Dung

Không biết mế đi đâu, gian giữa nhà chỉ thấy bếp lửa bập bùng, nước sôi phụt ra đầu vòi ấm, bụi tro vờn trên lửa hồng. Pai trông thấy gắp cá nướng vội thụp xuống, cầm giơ lên trước bóng điện. Nó đã cháy hẳn một mặt, làm gì có ai nướng cá như mế. Pai nhớ ngày trước, đi quăng chài, bố nhóm một đống lửa bên bờ sông cho Pai ngồi nướng cá đợi. Bố lấy thanh nứa tươi còn mắt, chia làm ba nan, gài cá vào, khoá gắp cá trên cùng. Bố bảo nướng cá không vội được. Phải đốt củi một lúc, sau khi than hồng mới bắt đầu, đặt gắp cá cũng phải rất xa lửa, cho cá se lại từ từ. Người thiếu kiên nhẫn không bao giờ nướng cá ngon được vì họ thường cho than quá hồng, lửa quá gần, cá bên ngoài thì khô cứng, thậm chí cháy đen mà bên trong vẫn còn sống. Rồi bố đọc câu tục ngữ Thái: “Cò phí mí đẻng hảng pả chằng uồn” (Than có hồng thì đuôi cá mới cong). Những đêm sương giăng mịt mù, bóng bố lúc ẩn lúc hiện, lẫn vào đám vầu, đám nứa sà sát mặt sông, Pai vừa nhấm nháp miếng cá nướng nóng hổi vừa lắng nghe những thanh âm xung quanh, tiếng ếch nhái ộp oạp xa xa, tiếng cá nhảy quanh mình, cả tiếng muỗi ong ong trong bóng tối. Bây giờ, người ta ăn đồ nướng nhiều, Pai đi các nhà hàng, mỗi lần ăn món nướng, đều nhớ bố khôn xiết. Chẳng cần mất hàng tiếng đồng hồ để đồ chín như cách nướng của bố, chỉ một phút sau, mọi thứ trên bếp đã xèo xèo mỡ, thơm lựng các loại gia vị ướp tẩm. Nhưng Pai biết rằng, trong ý nghĩ của bố, gắp cá là nếp sống truyền đời của ông cha mình...

Tiếng lục cục dưới sàn làm đứt mạch suy nghĩ của Pai.

- Mế ới!

- Pai à, xuống đây bắt gà với mế.

Dì Peo sang chơi. Ngày mai mẹ cầm vía cho Pai, dì sang xem cần giúp gì không. Người Thái có phong tục cầm vía, thường gắn với những nghi lễ như chào đời, cưới hỏi, ma chay, những lúc ốm đau hay đi xa về. Pai sống ở Hà Nội gần chục năm nay, nhưng cứ đến lễ mừng cơm mới của người Thái lại sắp xếp để về. Lần nào về, mế cũng cầm vía cho cô. Pai bảo, vía con ở rừng, mẹ không cần cúng bái lễ lạt quanh năm thế. Nhưng mế bảo, nhỡ đâu có đứa nào bắt mất vía con gái mẹ thì sao. Làm gì có ai bắt được vía con, mế biết thừa con cao số mà. Dì Peo đem sang cho chai rượu vừa cất xong, nhà Pai toàn đàn bà không ai uống rượu, mế chỉ thỉnh thoảng làm một chén cho ấm người, nhưng trên mâm cơm cúng ngày mai phải có rượu. Dì nấu rượu rất ngon và uống rượu cũng rất cừ.

- Dì tưởng hôm nay có cháu rể tương lai về cùng. Hôm qua nghe mẹ bảo vậy.

Pai gượng cười.

- Anh ấy có việc bận đột xuất dì ạ.

- Tải leo (Chết thật).

Thỉnh thoảng về nhà, Pai vẫn nói chuyện kiểu thế với dì, nửa Kinh nửa Thái, có thể ngay lập tức chuyển từ ngôn ngữ nọ sang ngôn ngữ kia. Dì có một vết bớt đen to bằng ngón chân cái ở ngay giữa má, chỗ bớt ấy lại mọc ra một đám lông vừa đen vừa dài, vì vậy mới gọi là Peo (nghĩa là vết). Ngày thiếu nữ, có một đám trai bản khác sang bản dì bắt vợ, họ bắt trúng dì trong đám con gái. Nhưng sáng sớm hôm sau, khi nhìn thấy vết bớt, họ thả dì về. Dì đi qua thời thiếu nữ không có mối tình nào. Rồi một ngày, bụng dì lùm lùm lên. Dì sinh được một thằng cu kháu khỉnh. Đặt tên là Ộc. Người ta đồn đoán ầm bản về bố đứa bé. Dì chỉ cười. Nhà dì ngay cạnh nhà Pai, cu Ộc với Pai thân như hai chị em ruột, vì thế, Pai cũng quen miệng gọi là dì Peo. Thằng Ộc vẫn hay sang nhà Pai ăn chực mỗi khi mẹ nó đi vắng. Cái thằng quỷ ấy nghịch ngợm không thiếu trò gì. Có lần nó vác đóm sang nhà Pai xin lửa, lúc về nó đứng giữa sân hiên ngang bảo: “Mế, con đốt nhà nhé”. Cả mế nó, mế Pai và Pai đang đứng đó chưa kịp phản xạ gì đã thấy lửa bám vào mái cọ phừng phừng cháy. May còn dập kịp. Từ dạo ấy Pai gọi nó là Đốt Nhà.

Ba người đàn bà, hai già một trẻ ngồi chụm quanh bếp lửa. Pai quẳng vào đám gio vài củ khoai, ủ ở đấy, sáng mai kiểu gì chả được món nướng thượng hạng. Ở thành phố có khoai nướng, nhưng là thứ khoai giả nướng thì đúng hơn, người ta luộc sẵn rồi gác lên trên vỉa than cho nóng. Mế ngồi nói những chuyện xa xôi, cái thời còn rất trẻ:

- Tao với bố cái Pai chơi với nhau từ thời tồng ngồng, hai đứa trèo đèo lội suối cả ngày. Năm mười bảy tuổi, một hôm tao đang ngồi trên bờ, ông tắm dưới suối, không biết có phải ma rừng ma suối nó xui không, ông nói vọng lên bờ, giọng nghiêm túc: Mày có lấy tao không? Tao lườm lườm. Rồi về, ông ấy bảo với bà nội cái Pai: Mế, mế gói bánh chưng cho con đi hỏi cái La. Bà nội ngẫm nghĩ một lúc, rồi ừ một câu như thể việc đó bà đã biết trước, nằm trong dự liệu của bà. Thế là đám cưới diễn ra, chẳng phải bắt vợ, chẳng phải ở rể.

- Mế với bố có yêu nhau không?

Mế không trả lời, cầm mấy que củi đẩy sâu vào bếp. Lửa bùng lên soi rõ nụ cười. Tự nhiên, Pai thấy thương mế vô hạn. Bố mất từ năm Pai hơn mười tuổi. Mế cứ ở vậy. Những tháng ngày đẹp nhất của mế đã qua. Dì Peo lại hỏi mế:

- Sao chị không tái hôn? Thiếu gì người. Cái Pai nó có ở với chị mãi được đâu, chị xem năm nó về mấy lần.

Ba người đàn bà cô đơn nén tiếng thở dài.

Pai bỗng nhớ Việt. Giờ này, hẳn Việt đang trong cuộc nhậu. Hồi chiều, Việt định về cùng Pai nhưng lại có cuộc họp, sau đó phải tiếp đối tác. Việt bảo Pai ở lại tiếp rượu cùng anh mai hẵng về nhưng cô không nỡ để mẹ đợi, với cả sáng mai mới về thì muộn quá, lỡ mất buổi sáng. Bình thường Pai luôn có mặt trong những tiệc rượu đó. Pai cao, trắng, đôi mắt bồ câu rất đẹp. Cô ít cười nhưng hễ cười là khiến người khác xao xuyến. Mỗi lần tiếp khách, Pai phải uống khá nhiều dù cô tửu lượng kém. Cứ uống vài chén lại vào nhà vệ sinh. Lúc đầu vì công việc, Pai cố gắng hoà nhập với mọi người. Về sau, Pai bắt đầu thấy khó chịu. Đàn ông trên mâm rượu có rất nhiều hạng người, có người tế nhị, tôn trọng phụ nữ, không ép rượu bao giờ. Lại có người Pai không chối được. Dần dà, cô không thích những tiệc tùng giao lưu nữa. Pai cảm thấy khi rượu vào, lời nói thường khó nghe, có khi suồng sã quá. Có lần đối tác ép Pai uống rượu, Pai đã hơi chếnh choáng, Việt thấy thế định uống hộ nhưng người đàn ông kia tỏ ý rằng Pai coi thường. Pai đành dốc cạn chén. Rồi say. Sau hôm đó Pai nằm bẹp mấy ngày. Và kinh rượu. Nhiều khi Pai tủi thân nghĩ, sao Việt lại để Pai xuất hiện trong những bữa tiệc như thế, là vì Pai đẹp, đi bên cạnh Việt sẽ rất xứng lứa vừa đôi, hay vì trong lòng Việt, Pai cũng chỉ như món đồ trang sức đắt tiền. Cho đến chiều hôm nay, khi Pai kiên quyết về nhà, Việt tỏ ý không hài lòng, Pai chợt hiểu.

*

*        *

Lúc mới yêu, Việt cầm tay Pai thắc mắc:

- Em đeo dây gì ở tay vậy ?

- Vía của em đấy. Giống như linh hồn của người Kinh. Cái này mà đứt là em “phựt” - Pai lấy tay ra dấu ngang cổ.

- Thật á?

Pai cười phá lên.

Việt tặng Pai một chiếc lắc, bằng vàng Ý.

- Sao em không đeo, không thích à ?

- Em thích. Sau này sẽ đeo.

Thôi bỏ cái dây chỉ kia đi. Tộc lắm. Pai thôi cười. Cái cảm giác mình là một cô tộc trong mắt người yêu dấy lên không biết bao nhiêu lần trong suy nghĩ của Pai. Pai không phát âm được thanh ngã, nó chuyển thành thanh sắc, khi nghe thấy Pai gọi bạn mình là “Nghía” (Nghĩa), Việt hơi cau mày. Việt bảo Pai sửa, ở Thủ đô không ai đọc vậy. Pai có thể ăn mặc như một cô gái thành phố sành điệu để làm Việt hài lòng và kiêu hãnh trước bè bạn, nhưng có những thứ là hồn cốt, không thể bỏ được. Chẳng hạn như cái dây vía kì dị này. Nó không đẹp. Chỉ là hai lọn chỉ trắng và đen bện vào với nhau. Trong con mắt của kẻ xa lạ nó hoàn toàn vô giá trị. Có lần đi gặp đối tác, Việt nắm tay Pai, cố ý kéo tay áo xuống qua mắt cá để che đi sợi dây vía. Cổ tay thon trắng của Pai nếu đeo chiếc lắc có gắn hai trái tim be bé xinh xinh thì thực sự là một kì quan. Pai hiểu điều Việt muốn. Trừ cái dây vía bé xíu trên cổ tay, Pai đã bị Kinh hoá hoàn toàn. Bộ váy áo dân tộc treo trong tủ hơn chục năm nay chưa từng mặc lại, có sự kiện gì Pai luôn phải mặc áo dài, chị trưởng phòng bảo áo dài là đẹp nhất. Đôi khi Pai cảm thấy bức bối đến nghẹt thở. Cô như một đoá hoa rừng lạc giữa thị thành. Không biết bao lần nhìn những cành đào rừng được chở về xuôi ăn Tết, lẫn vào muôn loại đào khác Pai lại nghĩ đến mình. Ừ, mình cũng là kẻ lạc loài. Hoa mua, hoa sim phải nở tím nở hồng trên những sườn đồi, giữa những thung sâu, bên những dòng suối văn vắt trong chứ không phải được trồng làm cảnh trên chung cư cao tầng quanh năm cớm nắng. Mình đã bị văng ra khỏi những truyền thống, ngay cả tiếng mẹ đẻ cũng không biết nói với ai ở chốn này. Những món đồ đắt tiền Việt tặng, cuộc sống hào nhoáng, xô bồ này, đến một lúc nào đó sẽ khiến mình mỏi mệt. Và trống rỗng. Chỉ có mế, đám cỏ mật ven đường, những bụi lau sậy hoang dại mới khiến tim mình nhẹ nhõm.

Hôm hai đứa đi chơi Đại Lải về, Việt bảo: Vào nhà anh nhé. Nhưng Pai chưa sẵn sàng. Thật ra không phải vì Pai không đủ tự tin. Cô biết, có thể hai người sẽ chẳng đi đến đâu, thế thì gặp người lớn làm gì. Nhà Việt ở Hà Nội, có điều kiện. Hai người cùng trường đại học, Khi Pai vào trường thì Việt đang học năm cuối. Pai ra trường về làm luôn cho công ty của Việt. Pai không có gì phải nghĩ ngợi khi yêu Việt nhưng lấy nhau thì còn quá nhiều vấn đề. Mỗi khi nghĩ đến việc có thể sẽ phải chia tay Việt, trái tim Pai thắt lại. Nếu biết sẽ chẳng đi đến đâu, sao mày lại lao đầu vào? Pai vẫn tự hỏi thế. Mế sốt ruột thấy Pai gần ba mươi tuổi chả chồng con gì, bằng tuổi Pai mế đã có Pai được mười tuổi rồi. Mế đi gặp thầy mo. Thầy mo nằm liệt giường mấy chục năm nay nhưng chuyện gì cũng biết. Mế đặt mấy lá trầu hái ở nhà vào tay thầy, thầy ngắm nghía một lúc liền bảo: Pai đáng ra ngắn số, chết từ năm hơn mười tuổi. Sống được qua kiếp nạn nhưng việc chồng con khó lắm. Vía của Pai không thuộc về cô nữa, con ma rừng bắt đi rồi, bắt đi hôm bố cô mất. Mế đi xem về chỉ nói Pai cao số, khó lấy chồng, giấu tiệt chuyện về bố.

- Anh có về biên giới với em không?

Không biết bao nhiêu lần Pai định hỏi Việt câu đó nhưng lại thôi. Cần gì phải hỏi vì nói dối thì Pai không muốn nghe, còn nói thật thì đau lòng. Việt là con út, lại là con trai duy nhất, phải ở cùng bố mẹ. Nhà Pai có hai mẹ con. Mế đã già, Pai nỡ nào đi xa mãi, sẽ tới lúc phải về bên mế. Việt như hiểu lòng Pai nên thỉnh thoảng vẫn ướm rằng: Sau này lấy nhau, chúng mình đón mẹ ra Hà Nội cho tiện chăm sóc. Pai chỉ cười. Sao mà mế chịu đi cơ chứ. Mế sẽ sống và chết ở cái đất ấy, chôn trên cái sườn đồi thoai thoải, cạnh bố. Người như mế chẳng thấy gì ngoài quá khứ cả. Khoảng cách giữa Pai và Việt đã không hề giản đơn như cái sợi vía mỏng manh kia nữa.

*

*         *

Hồi nhỏ, Pai cùng lũ bạn vào rừng lấy củi. Bố dặn về sớm vì trời mùa đông nhanh tối. Và lạnh. Pai vâng vâng dạ dạ. Lũ nhỏ theo đường mòn, trèo lên những quả đồi, nhanh chóng sang sườn dốc bên kia. Chỗ quen thuộc những cây củi to đẹp đã hết. Đám cây rừng vừa bị chặt xuống còn chờ cho khô. Mấy đứa rủ nhau đi xa hơn, sang quả núi mới. Pai lưỡng lự. Núi đấy có ma. Bà nội bảo vậy và dặn Pai đừng tới đó. Lũ nhỏ nhìn Pai cười cười: sợ ma à? Sợ thì ở đây nhặt cành nhỏ, không có củi to đâu. Pai thầm nghĩ, thì đi, còn chúng nó nữa mà. Đám trẻ vạch rừng đi sâu vào núi. Khu rừng này nhìn bên ngoài tưởng là đất nhưng kì thực cây cối mọc trên dãy núi đá vôi, rễ cây bám chặt, đâm sâu vào kẽ đá. Củi ở đây cháy rất đượm vì cây cứng cáp, than đỏ au. Người Thái có câu nói, chọn vợ hãy nhìn đống củi. Niềm kiêu hãnh muốn có được gánh củi đẹp đã thôi thúc Pai. Đám trẻ sung sướng vì phát hiện ra một thánh địa mới. Mải mê kiếm củi, cả lũ không để ý mặt trời đã lặn. Đến lúc thấy tối sâm sẩm liền vội vàng gọi nhau về. Pai khuất rất sâu trong bụi, lúc quay ra chỗ để củi đã không thấy các bạn đâu nữa. Cô hốt hoảng gọi, đáp lại chỉ có âm vang thăm thẳm của rừng. Pai bắt đầu sợ. Đêm xuống rất nhanh. Trăng thượng tuần bé như lưỡi dao quắm của bố, vệt sáng mờ ảo treo trên bầu trời. Pai quẳng đống củi hái cả buổi chiều, bắt đầu tìm đường ra, vừa chạy vừa gọi các bạn. Nhưng không có tiếng trả lời. Pai bắt đầu sợ. Bà ơi. Mế ơi. Bố ơi… Cô ngã dúi dụi. Lúc bò. Lúc trượt. Pai vấp liên tục. Nhưng con đường vừa phát ra khi nãy hình như đã bị ma rừng giấu mất. Cô lẩm nhẩm khấn câu thần chú mà lũ trẻ thường truyền nhau khi tìm đồ: “Phỉ ới phỉ nhá sòn. Lắp má cú ha cày đẳm cày đòn hơ ký” (Ma ơi ma đừng giấu, tối đến tao thịt gà đen gà trắng cho ăn). Pai vừa lần đường vừa khóc. Đêm rừng thỉnh thoảng hắt lên vài thanh âm kinh sợ. Pai tưởng tượng ra không biết bao nhiêu hình thù kì dị đang đuổi theo sau. Túm chân Pai. Bóp cổ Pai. Trong câu chuyện lũ nhỏ hay kháo nhau hình như có người treo cổ trên cây đa trong núi. Hẳn hồn ma đang đi theo cô, đôi mắt hau háu trừng trừng. Pai bắt đầu mệt lả vì đói. Sương đêm lạnh. Pai phải tìm được đường về nhà. Rồi Pai chợt nhớ có lần bà dặn: đi rừng nếu bị lạc hãy men theo suối. Suối đưa nước ra sông rồi ra biển lớn mênh mông. Luôn có những con đường mòn dọc theo khe núi hoặc cắt ngang dòng chảy. Nghĩ là làm. Pai tụt xuống chân núi chứ không đi ngang sườn nữa. Con suối này sẽ đưa Pai về bản mình. Pai bắt đầu lần đi. Cô trượt chân ngã không biết bao lần. Nước suối róc ra róc rách. Dưới chân Pai là những kẽ đá lởm chởm sắc nhọn. Hai bên rừng thâm u như đưa mắt dõi theo bước chân chuệnh choạng của cô bé. Pai cứ đi như người mộng du. Có tiếng tù và vang lên xa xa. Pai mừng quýnh. Hẳn là bố và người làng đang đi tìm Pai. Cô lao về phía âm thanh. Đây rồi. Con đường mòn dẫn lối về bản. Pai dồn toàn bộ sức lực để chạy. Vấp. Ngã. Chạy. Pai về đến cổng nhà bà trước, cô gào khóc nức nở: Mế ơi i!!!... Bà nội đang lầm rầm khấn vái gì trong miệng trông thấy Pai liền vội vàng ôm chầm lấy cô. Bà đọc to ba lần như xua tà đuổi ma, gọi hồn vía Pai về: “Hú hú… bẳn mứa giao” (Hỡi vía hãy về nhà). Bà nhìn đứa cháu gái xót xa: Ỷ đu lăm ne (Thương quá con ơi). Chân tay Pai xước xát không biết bao nhiêu mà kể. Còn vài con đỉa to đùng hút no máu bà bắt ra dưới chân Pai. Bà sai chú Ót sang nhà Pai bảo cô đã về. Đêm ấy, bà cứ ôm Pai không rời.

Sáng hôm sau, Pai mở mắt. Tiếng khóc ri rỉ khắp nhà. Bà nội, chú thím hễ nhìn thấy Pai là khóc: Ỷ đu lăm ne. Pai ngồi nhỏm dậy. Các bác các chú trong bản thắt dao ngang lưng chuẩn bị vào rừng. Trên đầu một số người đã chít khăn tang.

- Ai chết vậy bà? - Pai ngơ ngác hỏi.

Linh tính có việc chẳng lành, Pai chạy thẳng một mạch từ nhà bà về nhà mình. Người ra vào liên tục. Dì Peo trông thấy Pai liền chạy tới. Hai mắt dì đỏ hoe. Pai giật tay dì ra rồi chạy vào nhà. Bố Pai nằm trên giường. Không một tiếng thở. Mế ngồi gục bên cạnh. Khi mế ngửa mặt lên, khuôn mặt méo xệch của mế thảm thương hơn bao giờ hết. Giọng mế khản đặc. Con ơi, bố mất rồi. Pai gào lên. Tiếng cô vọng đến tận ngọn núi bên kia.

*

*        *

Pai thức giấc vì một khe sáng lọt giữa hai tấm gỗ pơ mu. Mế đã dậy từ bao giờ. Mùi nếp lửng lơ. Đây hẳn là nếp nương Lào trong vụ mùa mới, mế chắc đã sang tận Sầm Tớ để mua. Pai nghiêng người lấy điện thoại. Mới hơn sáu giờ. Mạng mẽo biên giới lúc có lúc không. Sự tĩnh lặng bao trùm không gian. Pai nằm trên chiếc nệm thổ cẩm, xung quanh cô toàn những hoa văn hình khối. Gối, chăn, đệm đan bện những sợi chỉ xanh đỏ được thêu tinh xảo và tỉ mỉ. Thời gian ngưng đọng. Không bị thôi thúc bởi những công việc tới hạn, sự ô nhiễm âm thanh và tiếng ồn. Một cảm giác thanh sạch xâm lấn qua đường khí quản, chạy dọc các mao mạch. Pai ngồi dậy ngó qua cửa sổ. Cây hoa màu gà đỏ au một góc sân. Một đám gà con lông vàng óng mượt chiêm chiếp quanh chân mái mẹ. Nền sân bằng gạch đỏ còn vương vãi những hạt tấm li ti, vài cây cỏ dại mọc chen chúc giữa những viên gạch vỡ. Khung cảnh thanh bình quen thuộc nhưng trước đây Pai chẳng mấy để tâm.

Dì Peo đang ngồi trên chiếc ghế mây giữa sân bện chỉ. Một đám sợi đen và trắng lăn đi lăn lại trên bắp chân chắc nịch của dì rồi quyện vào nhau thành một. Đó là dây vía, dùng để buộc ở cổ và cổ tay. Cái việc nhìn rất nhàn hạ ấy ngay cả Pai làm thử cũng thấy lóng ngóng, các sợi đay, sợi chỉ bị tãi ra, lăn mãi vẫn không bện vào nhau được. Đời con Pai, cháu Pai có lẽ sẽ chẳng còn ý niệm gì về nó nữa, có những thứ sẽ phải mất đi để nhường chỗ cho những điều thiết thực và tiện nghi hơn. Nghĩ vậy, Pai lại mênh mang buồn. Chiếc lắc bằng vàng Ý vẫn trong túi xách, hai trái tim be bé xinh xinh.

Mế đã đi mời thầy cúng đến. Thầy đội chiếc mũ nồi vải trên đầu, vai đeo túi thổ cẩm, bộ quần áo màu chàm đã cũ. Những người như thầy đang hiếm dần đi ở cái bản heo hút sương giăng này. Lớp trẻ không ai học làm thầy mo thầy cúng nữa, chúng đã đi khắp các phương trời mưu sinh, giống như Pai vậy. Người trung tuổi nửa háo hức nửa hờ hững với cái mới. Nhưng rõ ràng là, nhà xi măng, điện, tivi, mạng đã đẩy vía rừng vào sâu thẳm trong khe núi và kết tủa trong máu của những người dân nơi đây, thỉnh thoảng mới lại trồi lên.

Pai sắp đồ lên mâm cơm cúng: xôi nếp, gà luộc, một chai rượu, trầu cau, những sợi chỉ vía mà dì Peo vừa bện xong hồi nãy. Thầy bắt đầu nghi lễ bằng cách đọc to câu nói quen thuộc. Tiếng thầy khi trầm khi bổng, vượt ra khỏi mái tranh ải mục, bay lên, bay lên…

Lễ cúng đã xong. Cả nhà ngồi quây quanh mâm cơm cúng, lần lượt từng người Pai chúc những điều tốt đẹp. Những dây vía ở cổ tay Pai dày lên, dây cũ dây mới xen lẫn.

Nắng đã bắt đầu trải thảm vàng trên những tán cây. Nắng mùa đông không đủ xua đi cái lạnh, nó chỉ khiến con người ta thật muốn bên nhau. Bên sân phơi trái nhà, mế bắt đầu vắt lên bao nhiêu váy áo thổ cẩm, những khối hình xanh đỏ tím vàng xốn xang trong ánh nắng. Có những chiếc váy mới tinh mế chưa mặc bao giờ, bảo để làm của hồi môn cho con gái. Hẳn mế đã chuẩn bị từ rất lâu.

Rừng xanh thăm thẳm trước mặt. Mỗi lần nhìn ngọn núi phía xa xa Pai đều tự hỏi không biết bố đang chốn nào. Trên một nhánh cây, một phiến lá, một đọt măng hay âm thầm như mạch nước ngầm rỉ ra từng ngày thứ nước nguồn trong vắt. Pai vẫn uống thứ nước ấy để lớn lên mỗi ngày. Bố đã mất tối hôm vào rừng tìm Pai. Dù đuốc rất to và sáng nhưng Pai hốt hoảng không nhìn thấy. Khi bố trèo lên một cây cao để Pai có thể nhìn thấy ngọn lửa và nghe được tiếng tù và rõ hơn thì chẳng may tuột tay rơi xuống. Bố bị dập toàn bộ lồng ngực vì đá núi.

Thỉnh thoảng, Pai vẫn mơ thấy bố.

Có khi là bóng dáng bố đứng dưới gầm sàn nhặt lưới. Mỗi lần đi thả lưới về, bao nhiêu cá lớn bé vẫn còn mắc ở đấy, Pai thường ra cùng bố gỡ. Những hôm không thả lưới bố lại đi chài. Chiếc chài được bố treo lên mái tranh bằng cây sào dài, những vòng thép leng keng quặc nối tiếp nhau ở dưới. Nhà không có con trai nên Pai hay lẽo đẽo theo bố. Bố vác chài bên vai phải, tay trái dắt Pai, đằng sau đeo chiếc giỏ có nắp đậy kín, hai bố con lầm lụi trên con đường mòn dẫn ra bến sông, hoa cỏ may xâm đầy ống quần, rồi Pai sẽ lại ngồi cả buổi chiều để gỡ.

Có hôm Pai mơ thấy bố ngồi ở bậu cửa, bóng lưng đổ về phía Pai: “Con định bỏ đất này mà đi à ? Không được, con ơi…” Pai giật mình, vội sờ xuống cổ tay. Dây vía vẫn còn. Sợi dây của Pai thân thương mảnh khảnh, khác với của các bà các mế ở bản vì cầm vía nhiều lần nó đã to bằng sợi bấc. Có lần Việt đã định cầm kéo cắt đi.

Mùa cơm mới năm nay, dù sương trắng mới lãng đãng trên mái tranh, vẫn còn lẫn vào khói bếp nhưng biên giới hình như buốt lạnh hơn.

C.T.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)