Bếp lửa chiều đông

Thứ Ba, 16/05/2023 08:11

. NGUYỄN VĂN ĐỨC
 

Buổi chiều thứ bảy hôm ấy tôi rảo bước trên con đường thân thuộc. Bỗng phía xa trong tầm mắt tôi là một bà cụ ôm cháu nhỏ đang ngồi bán bánh chiên. Tôi tiến tới.

- Bánh ngon quá, bà bán cho cháu một cái ạ!

Tôi ngồi xuống đón chiếc bánh từ tay bà cụ, cảm nhận hơi ấm đang lan tỏa trong lòng bàn tay. Đã lâu lắm rồi tôi mới được ngồi bên bếp lửa, được ăn những món dân dã mà với một thằng bé nhà quê như tôi đó không chỉ là một món ăn.

Sống mũi tôi cay cay khi hít mùi khói bếp, cái mùi ngai ngái, nồng nồng không lẫn vào đâu được. Tôi nhắm mắt lại, mở căng lồng ngực hít hà như thể sợ làn khói bay đi mất. Trong làn khói mờ ảo, tôi mơ màng nhớ ngày ngồi cùng bà nội bên bếp lửa ngày nào…

*

*        *

Tuổi thơ tôi gắn liền với cánh đồng quê, với con sông sau nhà mỗi chiều chăn trâu về lại nhảy ùm xuống tắm. Vì hoàn cảnh, bố mẹ tôi phải đi làm thuê làm mướn nên thời gian tôi ở bên bà là chủ yếu. Chính vì thế mà mỗi lần nhớ đến bà, tôi thường có cảm giác gần gũi và thiêng liêng lạ thường.

Quê tôi hầu như nhà nào cũng có một chái bếp. Mỗi độ chiều xuống tôi thường ngồi trong chái bếp ngắm cụm khói vẩn vơ bay lên trời cao, ngắm áng mây trôi, ngắm mấy sợi tóc của bà bay lơ thơ. Sung sướng làm sao khi được ngồi cạnh bà, được bà hơ tay trước những thỏi than hồng rực rồi áp vào má tôi truyền hơi ấm. Từ căn bếp này bà đã nấu những món ăn dân dã nhưng tôi ăn hoài không chán, bởi trong những món ăn đó có chứa cả tình yêu thương của bà. Mỗi lần bắc cơm lên nấu, đợi đến lúc cơm sôi, hạt gạo nở ra, bà múc một bát nước cơm đặc sánh rồi pha đường cho tôi uống. Vị ngọt thanh của đường hòa quyện hương thơm của những hạt gạo tạo ra một hương vị ngon ngọt lạ lùng. Nhìn nét mặt sáng bừng của tôi mỗi khi uống nước cơm, bà thường bảo: “Con đang uống cả đất trời quê mình đấy”.

Mùa giáng sinh năm tôi 8 tuổi, nghe người ta nói, tôi treo đôi tất lên cây gậy trên bếp. Bà hỏi:

- Con treo tất ở đó làm gì đấy?

- Cháu làm vậy để được ông già Noel tặng quà ấy ạ.

- Ông già Noel là ai?

- Là người mà đêm nay sẽ tặng quà cho chúng cháu bà ạ!

- À…

Tôi đoán bà không biết ông già Noel và cả đêm giáng sinh là gì, nhưng tôi không giải thích.

Đêm hôm đó tôi nằm thao thức chờ trời sáng. Mới tinh mơ tôi đã chạy nhanh xuống bếp. Nhưng chiếc tất rỗng không. Không có món quà nào cả. Tôi khóc cả sáng hôm đó, bà phải dỗ mãi đến khi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Chợt tôi tỉnh giấc vì mùi khoai lang nướng. Tôi nhỏm dậy, theo mùi thơm, chạy xuống bếp hỏi bà:

- Bà mua khoai lang nướng về cho cháu ạ?

- Không phải của bà đâu, là món quà ông già Noel tặng cháu đấy.

- Ủa, sáng nay cháu kiểm tra tất có thấy gì đâu?

- Ồ, thế chắc ông già Noel để khoai lang nướng trong đống than này đấy.

Tôi bới đống than, đúng khoai nướng thật. Tôi cười sung sướng nhìn bà:

- Ông già Noel tài thật, sao ông biết được cháu đang thèm khoai nướng nhỉ?

- Vì cháu của bà ngoan. - Bà nói rồi nhìn tôi cười thật hiền.

Tôi ngồi trong lòng bà, mắt lim dim, há miệng. Bà bóc khoai, thổi cho nguội rồi đút cho tôi. Tôi ăn những miếng khoai ngon nhất trần đời, trong lòng thầm cảm ơn ông già Noel tâm lí mà không biết rằng củ khoai đó bà đã lén vùi khi tôi đang ngủ.

- Bác cả của con ngày xưa cũng thích ăn khoai lang nướng lắm đấy! - Bỗng bà cất tiếng.

- Bác cả đâu rồi ạ?

- Bác cả hi sinh rồi con ạ.

- Hi sinh là gì hở bà?

- Là là... chết đó con.

- Chết? Làm sao bác con lại chết được?

- Là do giặc Mĩ con ạ!

Bà bỗng trầm ngâm một hồi. Rồi bà kể:

- Sáng hôm ấy bà đang làm ngoài đồng, bác con đi qua gọi “Mẹ ơi con đi bộ đội đây”. - Giọng bà nghẹn lại. - Thương bác con chưa được ăn bữa cơm cuối bà nấu trước khi ra chiến trường.

Câu chuyện bác cả hi sinh làm tôi căm thù bọn giặc Mĩ vô cùng. Tôi thắc mắc:

- Vậy bọn Mĩ đó đi đâu rồi bà?

- Các chú bộ đội đánh đuổi nó đấy. - Bà nhìn tôi mỉm cười.

Đưa bàn tay nhỏ xíu lau những giọt nước mắt còn đọng trên gương mặt bà, tôi quả quyết:

- Sau này cháu sẽ trở thành bộ đội!

Bà ôm tôi vào lòng, âu yếm:

- Cháu của bà ngoan lắm. Cố gắng học cho giỏi, rồi sau này lớn lên làm chú bộ đội giống bác con.

Tôi nhỏm dậy hơ tay, khói cay xè mắt. Bà kể tiếp cho tôi nghe những ngày bà từng làm dân công hỏa tuyến phục vụ cách mạng. Ánh lửa dội bóng bà. Tôi nhìn thấy phía sau bờ lưng cong cong của bà là cả một cuộc đời lận đận. Tôi tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bà. Tôi quyết tâm phải thi bằng được vào một trường quân đội, hai năm liền không đậu, tôi có chút nản chí, nhưng khi nghĩ tới bà, nghĩ tới lời dặn dò và những lời động viên của bà, nghĩ tới sự hi sinh của bác cả, tôi lại quyết tâm cao hơn để thi lần thứ ba.

Ngày cầm trên tay tờ giấy báo nhập học, tôi vội vàng chạy tới bên bà reo vang:

- Bà ơi cháu đậu rồi!

Bà mững rỡ ôm chầm lấy tôi:

- Cháu của bà giỏi lắm!

Cảm xúc dâng trào khiến tôi nức nở:

- Nhưng… cháu không muốn xa bà đâu.

Bà mỉm cười, nhẹ nhàng xoa đầu tôi:

- Ngày bé cháu đã hứa với bà thế nào nhỉ? Sẽ trở thành anh bộ đội, đúng không?

Tôi ngượng nghịu lau nước mắt, gượng cười:

- Cháu sẽ học thật giỏi, sẽ sớm trở về, bà chờ cháu nhé!

Tôi rời xa làng quê, xa bà và chái bếp êm đềm lên trường nhập học. Nhưng bà đã ra đi khi tôi đang học năm thứ 3 Trường Sĩ quan Chính trị. Nhận tin, tôi đã khóc như một đứa trẻ. Tôi tiếc vì mình chưa kịp tốt nghiệp để về nói với bà rằng “Bà ơi, cháu đã trở thành một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như bà hằng mong ước”. Nhưng tôi tin, nơi suối vàng bà vẫn dõi theo tôi, và bà sẽ rất vui khi tôi ngày một trưởng thành...

*

*        *

Miếng bánh chiên trên tay tôi đã nguội mà cảm xúc của tôi vẫn còn nóng hổi.

- Bà ơi, bán cho cháu cái bánh nữa.

Bà già bán bánh ngạc nhiên:

- Chú chưa ăn hết bánh cũ mà, kêu cái mới chi cho nguội?

Tôi không thể giải thích với bà rằng tôi đang nhớ nao lòng ngọn khói bình dị, ngọn khói hiền lành của bà tôi những ngày xưa cũ. Tôi gọi thêm bánh là muốn ngồi lâu hơn để nhớ lại khung cảnh bà tôi đang ngồi cạnh bếp lửa, thêm những cây củi vào bếp cho ngọn lửa sáng rực sưởi ấm cho đứa cháu nội ngày nào

Pleiku một ngày đầu đông 2021
N.V.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)