Ở quán cà phê Làng Văn

Thứ Hai, 22/05/2023 00:21

. HUY PHẠM
 

Phía bìa cư xá là dãy biệt thự cũ kéo dài từ trên xuống dưới. Mỗi căn gồm khoảng vườn mênh mông, ngôi nhà nhỏ lọt thỏm bên trong, ước tính phải đến hai ngàn mét vuông. Kiểu quy hoạch hào phóng này dường như có từ trước năm bảy lăm. Vì vậy, cho dù trải dài suốt chiều dọc cư xá nhưng lại không có mấy nhà, đa số đều kín cổng cao tường, cửa đóng im ỉm. Cho đến năm tôi học lớp mười, một trong số những ngôi nhà này mở cửa ra. Đó là quán cà phê Làng Văn.

Minh họa: Lê Anh Vân

Vừa mới bước chân vào trung học, tôi và những người bạn đã mon men đến quán xá. Bây giờ, việc một học sinh cấp ba cầm li cà phê hay ngồi trong cửa hàng tiện lợi ăn uống trở nên bình thường. Nhưng thời của tôi đó là hình ảnh không mấy đẹp - cà phê thôi cũng đủ hư hỏng. Tôi vẫn còn nhớ những buổi sáng gà gật trong lớp, đến nỗi thằng bạn ngồi kế bên, đứa phải dậy từ tờ mờ sáng phụ mẹ dọn hàng ngoài chợ, lăn quay ra và thầy giáo tiết Anh ngữ khuyên bọn tôi để im cho bạn ngủ thẳng giấc. Đó là một ý tưởng cao đẹp đến khi thầy quay đi lắc đầu: “Nó dậy nó phá lớp thôi chứ cũng chả học hành gì!” Nhưng người lớn vẫn chưa quen với ý tưởng bọn tôi cần phải uống cà phê.

Quán Làng Văn ban đầu rất bình thường. Những bộ bàn ghế xếp màu sắc nhã nhặn đặt thưa thớt trên sàn rải đá dăm. Ngoài cổng, cây sơ ri to phủ một quầng xanh rộng lớn, đến cây ổi già phía giữa sân. Cuối quán, cây hồng quân bóng mát rượi là chỗ bọn tôi hay ngồi. Bên trong nữa, khu vực mái che giản dị, lịch sự. Lần đầu tiên bọn tôi vào quán là sau ngày thi cuối cùng của học kì đầu tiên, kì thi thảm họa nên tất cả cần một không gian ấm cúng để ngồi quây quần cùng nhau cho đỡ sợ. Lúc này chưa ai biết uống cà phê, bọn tôi chỉ gọi nước ngọt hoặc đá chanh. Thực tế, càng ngồi càng sợ và vì thế lại càng phải ngồi. Bọn tôi đến quán thường xuyên hơn. Sau giờ học chính, sau giờ học thêm, tối cuối tuần, ba năm cấp ba, những năm tháng đại học rồi đi làm.

Vì sao bọn tôi lại thích ngồi ở quán này cho đến giờ tôi cũng không thể giải thích nổi. Chẳng có gì đặc biệt. Nhưng chuyện này bình thường, nhiều quán cà phê đều như thế cả. Khách quen kéo đến nườm nượp mà không hề có bất cứ lí do nào, hoặc chỉ vì những điều nhỏ nhặt vụn vặt hàng ngày. Ví dụ như quán Làng Văn từ lúc nào đã trở thành trung tâm văn hoá của cư xá. Văn hoá này bao gồm nhiều thứ, trước tiên phải kể đến âm nhạc.

Nhạc ở đây đủ các thể loại. Buổi sáng cuối tuần dễ dàng bắt gặp hội các bác hoa râm thả hồn lãng đãng theo giai điệu xưa cũ của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Văn Cao... Sau giờ trưa sẽ là các bản pop nhẹ nhàng dành cho giới trẻ, thậm chí vài bản độc tấu dương cầm kéo dài đến chiều, khi các cơn gió bắt đầu nổi lên ào ạt. Đó là giờ của bọn tôi, giai điệu rock mạnh mẽ cuồng nộ, tiếng guitar điện rít lên, không khí sôi nổi đầy đam mê của tuổi trẻ. Quán lên đèn. Toàn bộ ánh sáng vàng vừa phải, dễ chịu phủ xuống loang lổ khu vườn.

Kế đến, phải kể về hội cờ tướng. Đây là nhóm ồn ào nhất. Chỉ tụ tập vào hai ngày cuối tuần, từ sáng sớm cho đến trưa muộn, huyên náo cả một góc sân. Hội quy tụ đầy đủ thành phần, nhà giáo, sinh viên, hộ kinh doanh cá thể cho đến thợ may, công nhân, thất nghiệp... Hội không phân biệt tầng lớp giai cấp, chỉ xét trên trình độ chơi cờ. Đến nỗi một thầy hiệu trưởng đáng kính thường xuyên bị các sinh viên năm nhất đem ra đàm tiếu bỉ bôi chỉ vì một nước đi thiếu cẩn trọng. Và tất cả đều cười xoà. Đó là luật fairplay trong cờ. Fairplay có nghĩa cả bọn hợp sức sỉ vả một người đi sai nước và người đó phải lặng im chịu đựng. Như anh chủ quán vẫn thường hay nói: Cuộc đời thiệt khắc nghiệt. Thua mà, làm giặc thôi.

Sau cùng, nét văn hoá quan trọng nhất, bất cứ khi nào đến quán Làng Văn tôi đều chắc chắn mình sẽ gặp được người quen nào đó, có khi rất nhiều người quen. Dần dần, ai cũng như tôi, đến để thấy gương mặt quen thuộc, câu chuyện quen thuộc, không gian quen thuộc...

*

*           *

Cứ thế trong thời gian rất dài, bọn tôi lớn lên cùng Làng Văn. Thật ra, số đông không đến quán cà phê chỉ vì uống cà phê. Họ đến vì tất cả. Một người có ý định mở quán sẽ phải làm ra “tất cả” đó. Chủ quán Làng Văn là người như vậy. Người có thể thích Đoàn Chuẩn, Từ Linh và Guns N’ Roses hay Pink Floyd cùng lúc, người tự mình tổ chức giải cờ tướng mở rộng cho cả cư xá dù bản thân chơi rất tệ.

Anh này tên Tùng, một thanh niên cao to, mắt sáng, miệng rộng, giọng nói sang sảng. Anh chủ luôn mặc áo sơ mi trắng, bỏ vào quần Tây ủi cẩn thận, toát lên vẻ lịch thiệp chỉn chu, dáng dấp như người nước ngoài. Trong nhóm bạn tôi, có thằng đam mê chút ít với tướng số, vẫn hay khen tướng anh Tùng đẹp, sang trọng, thần thái hiếm thấy. Đó là những sáng đông khách. Vào buổi trưa vắng vẻ, khi những bản độc tấu piano cổ điển dài mấy chương bắt đầu trỗi dậy và chỉ còn bọn tôi có thể trụ nổi, anh Tùng cởi hết xiêm y, vận độc mỗi chiếc quần đùi thùng thình đi qua đi lại tưới cây, chỉnh bàn ghế, đôi lúc ngồi xuống bàn cùng bọn tôi trong những câu chuyện phiếm dài bất tận. Lúc này anh trông có vẻ bình dân, giản dị, cái bụng bia hơi to, làn da rám nắng và tràng cười ha hả vang dội át hẳn bản giao hưởng.

Năm tôi học cấp ba, anh Tùng học đại học, nhưng vẫn trông quán, chăm chút từng ngọn cây cọng cỏ, lựa chọn từng đĩa nhạc mà anh nghĩ phù hợp quán mình. Phần âm nhạc thật sự quan trọng đối với anh. Tôi tận mặt chứng kiến buổi trưa nọ, anh Tùng đi vắng, một nhóm sinh viên vào quán, mang theo đĩa nhạc của họ và yêu cầu cô bé phụ bán mở lên cho mọi người cùng thưởng thức. Lúc này dòng nhạc thị trường bắt đầu nhen nhóm. Khi anh Tùng xịch xe vào tới cửa vừa đoạn cao trào.

“Tình đã hết trước sau gì anh cũng bước, thì thôi nhé sang ngang đời ai nấy giữ... Em không trách anh thêm vì em cũng biết rằng anh đau lòng khi anh bước đi... đau lòng quá...”

Mặt anh hầm hầm, đi thẳng vào trong. Nhạc ngừng đột ngột, quán yên tĩnh dị thường. Ngay lập tức anh Tùng bước ra, đĩa nhạc cầm trên tay đi thẳng đến nhóm sinh viên chìa ra, chỉ nói đúng một chữ: Biến!

Cảnh tượng đó đặt trong bối cảnh bài hát có chút liên quan. Thật sợ hãi.

Nhìn chung, đây là quán của anh Tùng mở ra trên nhà của anh và anh sẵn sàng lựa chọn người sẽ đến. Sau này tôi cũng chứng kiến anh đuổi thêm vài khách nữa. Tuy nhiên những người còn lại ở Làng Văn vẫn rất đông. Đó là khách hàng thường xuyên như bọn tôi, bạn anh Tùng, hội cờ tướng, các bác hoa râm trong cư xá... Anh Tùng dường như không xem tất cả là khách. Anh cực kì lễ phép với những người lớn tuổi, sẵn sàng đổi nhạc Phạm Duy theo yêu cầu của các bác cho dù lúc bấy giờ là buổi trưa hay chiều. Anh cũng thân thiện cởi mở với bọn tôi, dành những món quà nhỏ mừng từng thành viên trong bọn đậu đại học. Hoặc có lẽ bọn tôi có thể đậu đại học làm anh quá đỗi ngạc nhiên, đi uống cà phê thôi mà cũng đậu được đại học. Lâu ngày, các nhóm khác nhau ở quán dần quen mặt và sẵn sàng ngồi xuống cùng bàn, tôi nghe vài người bạn thân anh Tùng tóm gọn về anh trong một câu duy nhất: Thằng Tùng nó có dòng máu Ý chảy trong người, máu Ý chảy chung với máu khùng.

Đó là bàn gồm những người hiểu anh Tùng từ lâu và dành cho anh sự quý mến, tôn trọng nhất định nên không ai phản đối, tất cả nhìn nhau và chỉ nói mỗi một chữ: Đúng.

Chuyện đến tai anh Tùng, anh ngả ra phía sau cười ha hả rồi lắc đầu: Mình vậy mà nó nói mình khùng, cuộc đời thiệt khắc nghiệt...

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Cứ như thế, năm này qua năm khác, quán Làng Văn vẫn ở đấy. Chỉ khoảng hai mươi phần trăm khách khứa trong quán là những người mới đến, còn lại tôi quen nhẵn mặt cả. Có lần tôi đi làm xa thành phố, xa cư xá gần hai năm, ngày về tôi phóng đến Làng Văn ngay. Cảnh tưởng y như cũ. Vẫn bàn cờ tướng ồn ào náo nhiệt, những người chơi tệ sau ngần ấy thời gian đang chịu sự sỉ nhục chất chồng không cách nào gỡ gạc. Anh Tùng vẫn chỉn chu thần thái, nhìn vào người thua cuộc đang đau đớn hất hàm: Đời khắc nghiệt hé!

Thật ra, dù quán Làng Văn không có gì thay đổi, nhưng con người ở đó khác đi ít nhiều. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông, câu nói này áp dụng đâu cũng được. Không ai uống hai lần cùng li cà phê, không ai hút hai lần cùng một điếu thuốc, không ai thua hai lần cùng một ván cờ... Người ta thua những ván khác nhau đã chuốc đủ ê chề. Sau này tôi lần lượt nhận ra nhiều thứ đổi thay. Kiểu như tính từ ngày đầu tiên bước vào Làng Văn, khi cơn sợ hãi của kì thi thảm hoạ ập đến, bọn tôi trưởng thành để có vô vàn nỗi sợ mới. Có đứa đứng trên bậc cao của danh vọng, hoàn thành ước mơ của mình từ sớm, có thằng còn đang loay hoay hoặc từ bỏ hoài bão khó nhằn. Thầy hiệu trưởng trong ván cờ hàng tuần về hưu, một khách quen khác nay đến quán bằng chiếc xe bốn bánh lộng lẫy, những cặp đôi thường ngồi cùng nhau chia tay, có cặp lại cưới nhau và dắt cả con đến quán... Ai cũng có những dịch chuyển của riêng mình. Chỉ anh Tùng dường như không. Mọi người trong lúc trà dư tửu hậu thường thốt lên lời ganh tị: chỉ có thằng Tùng máu khùng (sau này máu Ý hay bị tỉnh lược đi mất) là sướng, chỉ việc ôm cái quán cà phê này chả phải lo nghĩ gì...

Nếu nhìn từ phía ngoài, cuộc sống của anh Tùng quả thật êm ả. Mỗi năm, vào hôm sát giao thừa, anh Tùng kỉ niệm ba trăm sáu mươi lăm ngày bình yên bằng bữa tiệc diễn ra vào buổi trưa. Bao gồm tất cả bạn bè anh, những người khách quen của Làng Văn cộng với bất kì ai đang uống cà phê trong ngày hôm đó. Một bàn tiệc dài với khoảng hơn chục bàn nhỏ ghép lại trải từ trên xuống dưới khu vực có mái che. Rượu mạnh xen lẫn bia và những lời chúc tụng ồn ào huyên náo cả góc cư xá nhỏ. Những người quen biết, những người không quen biết ngồi cùng nhau, ăn mừng một năm sắp qua với vô vàn nỗi niềm riêng biệt. Anh Tùng trong áo sơ mi trắng phẳng phiu, quần Tây đen chỉn chu quen thuộc bận rộn qua lại từng khu vực của bàn tiệc dài, dưới cơn gió mát dìu dịu lặp lại từng năm và những câu chuyện kì lạ lẫn bình thường triền miên không dứt...

*

*         *

Nghĩ lại, cuộc đời thật vô nghĩa nếu cứ trôi đi bình lặng mỗi ngày. Phía bên trong quầy nước, anh Tùng hẳn có nhiều năm tháng nhìn thấy bọn tôi thay đổi, nhìn những thành công và thất bại của từng con người đến đây. Tốt nghiệp đại học đã lâu, nhưng quán Làng Văn níu chân anh lại, anh chưa kịp làm gì. Dù sao đó chỉ là quan điểm của mỗi người. Những ai vừa lăn lộn ê ẩm ngoài kia đều ganh tị với anh Tùng. Vì nếu mọi thứ êm ả, đâu nhất thiết phải làm gì. Số đông đang cố gắng làm gì, nhiều khi đích đến sau cùng cũng chỉ như anh, có một quán cà phê xinh xắn và ngồi im tận hưởng ngày tháng dần trôi. Tôi nghĩ anh Tùng thấy hết những chuyện này, đó là lí do khi biết bao câu chuyện buồn vui bên bàn cà phê kết thúc, anh vẫn thường lắc đầu chặc lưỡi: Cuộc đời khắc nghiệt. Chỉ có điều, ý nghĩa của “khắc nghiệt” trong mỗi người khác nhau ít nhiều, ai mà biết được.

Năm nay nhuận, Tết đến muộn hơn bình thường. Không khí đã qua đoạn mát mẻ dễ chịu của những ngày cuối năm, ánh nắng chuyển sang gay gắt hơn một chút bên cạnh cơn gió hãy còn mát rượi. Cây mai khổng lồ quán Làng Văn không ra hoa đúng hẹn. Thời tiết dị thường ảnh hưởng đến nó. Anh Tùng vặt hết lá trước đó vài tuần, kết quả cận Tết cây mai cá tính đơm đầy lá, thực tế trông rất giống cây xoài. Dù vậy, buổi tiệc cuối năm vẫn xôm tụ. Người đến dự đầy kín gian mái che, ồn áo huyên náo. Tôi và thằng bạn thân uống vài li với anh Tùng rồi ra gốc hồng quân ngồi, cố tránh xa bàn tiệc. Khách khứa có đến nửa là những người tôi không quen. Sự thay đổi ít ỏi ở Làng Văn chồng chất sau thời gian thành nhiều, hoặc do tôi ít lui tới thường xuyên nữa.

Dước gốc hồng quân, tôi mừng vì mọi thứ trở về như trước. Bên kia bàn tiệc vẫn ồn ào. Trong số những câu chuyện rôm rả, nổi bật một giọng nói kì lạ làm tôi phải ngoái tìm. Đó là gương mặt mới toanh, tôi chưa gặp bao giờ. Một ông già gầy gò, ăn mặc lịch sự nhưng lại không có vẻ lịch sự thường thấy ở một người lớn tuổi. Giọng ông này the thé vượt hẳn ra ngoài. Ông già huyên thuyên về bói toán và vận mệnh của từng người xung quanh. Việc nhìn thấy trước tương lai không phải ai cũng làm được nên ông nhận được ít nhiều ngưỡng mộ. Tôi gọi điện thông báo tình hình cho thằng bạn đam mê tướng số của mình, nó phóng đến trong vòng năm nốt nhạc.

Thằng bạn này là người ít sĩ diện nhất mà tôi từng biết, nó dạt một người quen ra, ngồi hẳn cạnh ông thầy bói và trong câu nói thứ hai đã yêu cầu ông xem giúp cho mình. Bên này tôi cũng tò mò. Giọng ông thầy bói oang oang, the thé:

- Cậu là người có cái tướng tốt, tướng tốt trước tiên phải kể đến gương mặt, lỗ tai phải đầy nếp nhăn, nhiều thành quách, trán phải cao...

Ông thầy thao thao bất tuyệt, chữ nghĩa cứ như có sẵn tuôn ra từng tràng trôi chảy.

- Về già, cậu sống trong phú quý... Có thể nói, con cháu thành đạt xung quanh và cậu bước ra, chống một cây gậy đầu rồng...

Tôi không thích bói toán. Những chuyện này thật đồng bóng và việc biết trước tương lai đối với tôi chẳng mang một ý nghĩa nào. Sau cùng, mình vẫn phải sống cuộc sống của mình cho dù nó ra sao đi nữa. Nhưng thằng bạn ít sĩ diện của tôi thích, nó cười tít mắt bên trong, mặt mày bắt đầu đỏ gay vì bia rượu. Khung cảnh ông thấy bói vẽ ra quá đẹp. Đầy đủ, đề huề. Còn có hẳn cây gậy rồng muốn phang ngang phang dọc đều được. Lúc này ông già bắt đầu lan man.

- Tam tai đại hạn của đời người không phải đến năm tháng đó sét sẽ đánh xuống hay đất lở dưới chân. Đó là các vì tinh tú thay đổi làm con người mình thay đổi. Bình thường chạy xe cẩn thận, bữa nay nôn nóng phóng nhanh hơn một chút rồi gây tai nạn... Có cái gì đó thôi thúc mình làm chuyện này chuyện kia dẫn đến chuyện của mình xảy ra chứ không có hạn nào ập đến... Đại hạn đến từ bên trong...

Khi mọi người bắt đầu lơ là, sự chú ý không còn dồn hết vào ông thầy nữa thì ông kịp biết cách tìm lại chúng. Lần này, ông xem cho người quan trọng nhất của buổi tiệc hôm nay, anh Tùng. Tôi không rõ anh Tùng có hứng thú hay không, miệng anh vẫn cười nhưng gương mặt không chút cảm xúc. Hoặc anh Tùng xem những lời tốt đẹp này là hiển nhiên.

- Tướng anh rất sang trọng quý phái. Tôi từng xem cho nhiều người quyền cao chức trọng. Nhưng tướng anh hiếm có lắm... Anh có uy cực kì với mọi người xung quanh, lời anh nói ra không ai dám cãi lại...

Chuyện này tôi công nhận. Anh Tùng quả là như thế. Một phần trong cơn giận dữ, anh chỉ thốt ra những gì cần thiết để kết thúc mọi thứ. Như lần cầm đĩa nhạc ra và nói “Biến”, thì cãi lại kiểu nào? Bên trong, đám đông bắt đầu tập trung im lặng. Ông thầy chỉ thằng bạn tôi rồi tự tin phán từng lời rành mạch.

- Nếu như cậu này về già chống một cây gậy đầu rồng thì anh... (ông nhìn sang anh Tùng) anh còn gấp đôi như vậy...

Tôi tò mò chờ đợi xem cái kết hoành tráng đến mức nào, thật khó tưởng tượng.

- Anh chống hai cây gậy đầu rồng...

Ồ... Đúng ra tôi phải “Ố!” mới thật giống với sự bất ngờ này. Nó đơn giản hơn tôi nghĩ. Chỉ có điều tôi vẫn thấy vướng víu thế nào, chống một lúc hai cây gậy thì đi kiểu gì?

*

*        *

Càng về sau này tôi càng ít lui tới quán Làng Văn. Việc tất cả mọi người đều quen biết nhau hoá ra không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi tôi chỉ muốn ngồi một mình hoặc cần nói vài câu chuyện riêng tư với thằng bạn thân thì thầy hiệu trưởng ào đến: Ô lâu quá mới gặp, đánh cờ... đánh cờ. Nếu bọn tôi không đánh, thầy ngồi nói chuyện. Lúc sau thêm vài người và bàn của tôi trở thành bàn của cư xá. Tôi đành tìm đến những quán khác, toàn người xa lạ để chui vào góc yên tĩnh nào đó.

Nhưng điểm nhấn chính ở những lần ghé là tôi đều không gặp anh Tùng. Dạo này anh bận rộn với công ti của mình. Sau nhiều năm không làm gì, lúc làm, anh Tùng dùng hết sự hoành tráng để bù đắp cho thời gian đã mất. Đó là một công ti xây dựng lớn. Anh Tùng cùng vài người cộng sự có lần gọi tôi để tư vấn về trang web. Sau một buổi tối vật vã giải thích những khái niệm rất cơ bản, tôi phát hiện hội đồng quản trị này dường như chỉ biết mỗi xây dựng mà thôi. Anh Tùng thậm chí còn biết ít hơn. Dù sao, website hay marketing cũng không quá quan trọng đối với họ. Kiểu kinh doanh này bao gồm các khái niệm phức tạp về mối quan hệ và vô số thứ những người chuyên biệt kĩ thuật như tôi khó mà hiểu được.

Dần dà, số lần tôi đến Làng Văn mỗi năm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vài lần tôi thấy anh Tùng. Bây giờ anh khác hẳn. Không còn những tràng cười ha hả hay cởi trần trùng trục tưới cây khi mặt trời lên đỉnh nữa. Anh Tùng của công việc kinh doanh chỉn chu nhưng căng thẳng hơn, hay nhíu mày đăm chiêu và mặt sạm lại như người đi dưới nhiều nắng gió. Quán Làng Văn cũng thu hẹp diện tích. Mẹ anh Tùng chia khoảng đất lớn cho những người con khác nhau trong gia đình. Nghe nói anh được phần nhiều nhất, dù vậy khu vườn không còn thoáng đãng như trước. Vài bàn cờ vẫn duy trì nhưng các quân cờ thất lạc ít nhiều, thay bằng nắp chai nước ngọt, mất đi tiếng gõ chát chúa của những kì thủ hăng máu. Ván cờ vì thế cũng không còn căng thẳng hơn thua. Phần âm nhạc nay được cập nhật với các bản hit của giới trẻ. Dù sao các bác hoa râm chuyên Đoàn Chuẩn - Từ Linh đã rơi rụng gần hết. Những người còn sót lại không đủ sức đi uống cà phê. Quán Làng Văn lúc này đối với tôi ít nhiều xa lạ. Đó không còn là Làng Văn tôi từng đến trong cơn sợ hãi đầu đời.

Dù thế tôi vẫn giữ thói quen đến đây vào những ngày cuối năm, sát giao thừa. Cũng không có gì quan trọng, nhưng việc được thảnh thơi trong quãng thời gian này làm tôi thấy mình như thành đạt ghê gớm. Ngoài đường, mọi người chạy xe ầm ầm, ai nấy căng thẳng, căng thẳng. Thật không thể hiểu nổi. Tôi và thằng bạn thân bỏ hết mọi thứ, ngồi ở Làng Văn nói chuyện tầm phào chậm rãi. Không khí thật dễ chịu, lành lạnh trong cơn gió vi vu đầy tiếng thì thầm. Bỗng nhiên, bạn tôi hỏi:

- Anh Tùng không làm tiệc cuối năm nữa hả?

Lúc này tôi cũng vừa kịp nghĩ đến. Làng Văn yên tĩnh lạ thường. Anh Tùng không thấy đâu. Bữa tiệc truyền thống với cả chục bàn trải dài huyên náo như mọi khi bị bỏ quên mất. Tôi chợt nhớ đến năm ngoái và ông thầy bói với chất giọng the thé kì dị. Tôi tò mò quay sang buột miệng:

- Mày nghĩ ông thầy bói nói đúng không?

Bạn tôi cười cười:

- Gì mà ai cũng gậy đầu rồng thì sao mà đúng được.

Ừ, cũng phải. Bàn tiệc vài chục người, ít ra người này chống gậy đầu rồng thì người kia chống gậy đầu rắn, đầu giun chứ. Rồng đâu ra nhiều dữ.

Lát sau thằng bạn tôi lại trầm ngâm:

- Nhưng mà không phải chuyện gì ông thầy đó nói cũng sai. Cũng có chuyện hơi đúng.

Đó là lần cuối cùng tôi ngồi ở Làng Văn.

Hai năm sau, trong một ngày rảnh rỗi khác, khi tôi nổi hứng đi uống cà phê một mình, Làng Văn đóng cửa. Nhìn vào trong không còn dấu hiệu nào của một trung tâm văn hoá, nơi cất giữ biết bao bí mật buồn vui của cả cư xá nữa. Vẫn là cánh cửa màu xanh dương tươi rói ngày nào nhưng nay đóng sập lại kiên cố lạnh lùng. Tôi quay ra trong nhiều câu hỏi ngổn ngang. Chiều cư xá đã lên đèn, mọi người ngược xuôi chậm rãi. Vài người ngang qua cố ngoái nhìn về phía quán rất lâu. Đó hẳn là những khách hàng cũ.

Qua thằng bạn tôi biết anh Tùng thất bại trong lần làm kinh doanh đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Anh bán nhà, bán cả Làng Văn. Không ai thấy anh Tùng đâu nữa. Có người nói gặp anh ở chỗ này, người gặp ở chỗ kia, lúc này, lúc khác.

*

*       *

Mấy năm sau tôi gặp lại anh Tùng, trong một đám tang được tổ chức trên mảnh đất nhỏ của người chị anh, thuộc Làng Văn cũ. Mẹ anh mất. Lúc đi từ ngoài vào, tôi nghe loáng thoáng giọng nói sang sảng, rồi bắt gặp một anh Tùng như cũ, vẫn áo trắng bỏ trong quần Tây màu đen chỉn chu, lịch sự tao nhã như ngày nào, nhanh nhẹn qua lại làm hết việc này đến việc kia.

Lúc tôi đến trước mặt anh và hỏi: “Anh Tùng khoẻ chứ hả?”, anh không trả lời ngay mà ngập ngừng một đoạn, nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói chắc chắn: “Anh khoẻ.”

Tôi tin anh Tùng khoẻ. Đó là câu trả lời được suy nghĩ cẩn thận kĩ lưỡng của một người vừa trải qua nhiều biến cố lớn, hiểu rõ ngọn ngành từng sự việc. Một người có đủ bản lĩnh thăng trầm để nhìn sâu vào câu hỏi bình thường, trong phúc chốc thấy lại tất cả buồn vui của cuộc đời và tìm ra cách thức giấu hết khắc nghiệt vào trong, trả lời rõ ràng bình thản.

Sau đó bọn tôi và anh ngồi xuống nói về đủ thứ trên đời như lúc Làng Văn còn mở cửa.

Nhưng những câu chuyện sau này, theo tôi, không còn quan trọng mấy…

H.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)