Lặng im quá khứ trổ hoa

Thứ Ba, 30/05/2023 00:31

. LÊ NGỌC
 

Tôi đi khảo sát dọc làng Pua. Trời về đêm, sương muối lành lạnh thấm ướt làn da. Giữa những mái nhà sàn nằm san sát nép mình lưng đồi, căn nhà tranh cuối làng hiện ra thật cô độc, lạc lõng.

Mấy chục năm qua, làng Pua không còn nét nguyên sơ như thời chiến tranh. Núi Lang không còn những vạt rừng thông xanh mướt gió reo vi vu. Năm tháng mây bay, bão giông vần vũ, mưa cứ rền rĩ rửa trôi mấy vạt đồi dưới chân núi, sấm giật mình, chớp buông cơn hờn giận. Nhưng sau bao nhiêu xoay chuyển đất trời, căn nhà nhỏ ấy vẫn kiên cường bám trụ. Bữa trước tôi chỉ tay hướng ngôi nhà, hỏi đứa trẻ chạy chơi bên đường:

- Cháu biết lai lịch của nó không?

Thằng nhóc hơi do dự, mắt dáo dác nhìn quanh, phải tới lúc tôi dúi cái bánh ngọt vào tay nó mới thì thầm:

- Không được lên tiếng… không được lên tiếng…

Rồi thằng bé vụt chạy khiến tôi ngơ ngẩn. Tại sao lại thế nhỉ? Ngôi nhà ấy đang giấu giếm điều gì mà sao ai cũng e dè?

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

 

Tôi về đây cũng vì đận này ngôi nhà tranh ở làng Pua bỗng nổi rần rần trên mạng, nhất là trong cộng đồng những người ưa thích tìm hiểu các sự kiện linh dị thần quái. Họ đồn rằng chỗ đó có ma, rất nhiều ma. Cách đây vài tháng, một nhóm sinh viên đến để quay phim vào ban đêm. Dẫu dân làng khuyên bảo hết lời nhưng họ vẫn bỏ ngoài tai, thậm chí vài người còn cười cợt. Thế mà sáng hôm sau, ai cũng tái mét mặt mày, tóc tai rũ rượi. Mắt họ hằn những đường tơ máu, vừa chạy, vừa ú ớ khiếp sợ.

Hỏi họ có nhớ gì không thì đầu lắc nguầy nguậy. Đang quay màn hình chập chờn nhòa sáng, bỗng bóng đen lớn không rõ hình thù ập đến, vài tiếng hú hét vang lên rồi tắt phụt. Đoạn phim ấy khi được tải lên mạng càng kích thích trí tò mò của người xem. Ngày càng nhiều người tới khám phá, cũng càng nhiều chuyện li kì tái hiện.

Phải nói những tư liệu về làng Pua khá ít ỏi. Xuống thư viện thị trấn tìm mờ cả mắt cũng chỉ thấy mấy dòng ngắn ngủi. Làng Pua ngày xưa từng có thời là vùng địch tạm chiếm. Trước Cách mạng Tháng Tám, Nhật đảo chính Pháp, đóng quân ở khắp nơi, chúng bắt đàn bà con gái, truy lùng những người cộng sản yêu nước. Đuổi được Nhật thì Pháp quay lại…

Tôi thở dài khép lại trang sách. Nhớ hôm họp tòa soạn, anh trưởng ban chợt nảy ra ý tưởng làm phóng sự điều tra giải mã sự kiện huyền bí của ngôi nhà, hỏi có ai đi không thì cả phòng đều chối đây đẩy. Người bận bài chuyên đề. Người vướng phóng sự dài kì đang dang dở. Không ai tự nguyện nhận việc này cho tới lúc anh nhắc tên tôi.

Cuộc họp đã kết thúc. Mấy anh chị đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm. Họ cứ nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, lấp lửng nửa muốn nói lại thôi. Riêng anh bạn thân đến gần, khoác vai trách móc nhẹ nhàng:

- Mày dại thế.

- Biết sao giờ?

Anh bạn im lặng. Tôi lên mạng tra địa chỉ cần đến. Công cuộc chuẩn bị cho chuyến đi được chuẩn bị kĩ càng. Tôi đi chùa xin một lá bùa bình an, sắp xếp chút quần áo, đồ dùng cá nhân. Mọi thứ gần như đã xong xuôi, chỉ việc tìm tư liệu tính đến thời điểm này vẫn dậm chân tại chỗ. Tôi lướt nhanh theo từng kệ sách, hết biên niên sử lại sang sách văn hóa, địa lí hay văn học dân gian địa phương. Bất ngờ, ánh mắt tôi bị hút bởi những dòng hồi kí chiến trường:

Ngày… tháng… năm…

Địch càn quét ráo riết. Chúng đem lô cốt trồng đầy khắp xóm. Người làng An, làng Thượng đã bị chúng bắt bớ, tù đày. Anh Toản, anh Tân chết cả rồi. Máu chảy đỏ khắp nơi...”

“Ngày… tháng… năm…

Mình thấy lũ khốn đó đang gầm rú. Chúng mang súng đi bắn trẻ con. Thằng Ninh, con Hường chết cả rồi. Tay mình vun nấm mộ. Máu thấm đỏ luênh loang…”

“Ngày… tháng… năm…

Mình núp trong bồ gạo, bị thằng Việt gian xuyên mũi dao trúng vai. Đau quá. Xót quá. Máu hình như đã chảy. Hạt gạo bết dính vào da thịt. Chúng bắt chị cả đi rồi. Chúng giết cả thằng nhỏ. Mình không làm gì được… không làm gì được…”

Những hồi ức ngập ngừng khiến tôi chết lặng. Làng An, làng Thượng, mấy địa danh ngay sát làng Pua. Tôi nhìn thời gian ghi chép. Lạ thật! Hồi ấy đã gần cuối kháng chiến chống Pháp, nghe nói một số nơi đã thuộc về chính quyền cách mạng. Giặc rút về cố thủ vùng lòng chảo Điện Biên Phủ. Sao địch vẫn càn quét?

“Ngày… tháng… năm…

Tối qua giặc lại tràn vào làng. Ngay lúc nhà bác Liên đang ăn cơm. Không ai kịp chạy trốn. Căn nhà bị chúng bắn phá rồi đặt mìn cho nổ tan tác. Mình tìm mãi mà chẳng tìm được gì, chỉ còn mỗi hố sâu…”

“Ngày… tháng… năm…

Ngọc chết rồi! Đồng đội nói em trúng đạn khi đánh du kích, vết thương hiểm, mất máu quá nhiều. Mình nhớ Ngọc có nụ cười thật đẹp. Em hẹn người yêu chờ ngày đất nước hòa bình, hai đứa sẽ cùng về quê ra mắt bố mẹ. Nhưng bây giờ…”

Mắt tôi mờ dần. Thước phim kí ức chậm chạp chiếu nốt những hình ảnh cuối cùng.

“Ngày… tháng… năm…

Súng vẫn rền vang khắp chốn. Nghe bảo giặc đang càn vào làng. Chiến dịch Điện Biên đang bước vào hồi kết. Mình phải tìm được đường dẫn bọn trẻ và mọi người đến khu an toàn. Dân làng đang đợi mình. Đồng đội đang đợi mình. Nhất định phải tìm được đường ra… nhất định…”

Tôi khép lại cuốn nhật kí. Người chiến sĩ ấy có thành công không? Tôi lật tung đống tư liệu, không thấy kết quả rõ ràng. Mấy chục năm làng Pua còn đó nhưng ai mà biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi ngồi ngẩn người trong thư viện ngắm mây trôi ngoài cửa sổ. Nắng vàng như rót mật. Trời xanh rộng thênh thang. Phía xa kia, làng Pua nằm dưới chân núi Lang hùng vĩ, khói lam chiều bảng lảng yên bình…

*

* *

Mẹ không muốn tôi tới làng Pua. Hay đúng hơn những gì liên quan tới chiến tranh bà đều chẳng muốn nhắc. Và chiến tranh bắt đầu hiện hình từ chính bố, người thương binh trở về với đôi chân tập tễnh cùng vết sẹo trên trán. Mẹ gái nhỡ thì, nghe lời bà ngoại góp gạo thổi cơm chung.

Giờ ngẫm lại thật may nhờ mẹ có nghề nấu rượu, nếu không chẳng biết lấy rượu đâu cho bố uống. Mười hai tháng, ông chỉ tỉnh táo đôi lần. Một bận là ngày đi gặp đồng đội vào chiều tháng bảy. Bận khác, mẹ gói cho ông cái túi, một chú xe ôm chở ông ra tận cổng. Mẹ lặng lẽ nhìn theo. Tôi hỏi:

- Bố đi đâu hả mẹ?

- Mày ra mà hỏi ổng.

Mẹ cáu kỉnh vào nhà. Tôi thấy mắt bà đỏ. Những năm thiếu thời trôi qua cùng sự biến mất định kì của bố. Tôi hỏi bao lần, mẹ mắng bấy nhiêu câu. Nhưng mắng thì mắng, khi màn đêm bao trùm mảnh sân nhỏ, ánh đèn dầu leo lét cháy sáng góc nhà, mẹ vẫn ngồi trầm ngâm đợi cửa, thỉnh thoảng cằn nhằn khe khẽ:

- Mưa gió thế này…

Những đêm đó ánh đèn sáng rất khuya. Gió lùa qua vách tranh nghe thẽo thẹt day dứt. Lòng tôi băn khoăn. Bố đi đâu không biết? Cuối mùa mưa, khi dư âm tháng bảy vừa qua, ông mới trở về.

Trong suốt thời thơ ấu vào tháng ngày chơi vơi đó, tụi nhỏ ở làng thường hay chạy theo chòng ghẹo tôi:

- Bố mày đi kiếm em cho mày kìa.

- Bố mày có con rơi ở đâu đang đón về.

Dĩ nhiên, câu chuyện ấy chẳng bao giờ kết thúc bình yên. Người lớn thì không nói. Tôi để ý thấy lác đác cũng có những người đàn ông khác rời nhà trong tháng bảy. Họ đi lầm lũi. Bóng lưng chìm vào màn đêm. Bóng lưng chìm vào ánh sáng. Lặng lẽ về phía trước. Cứ đi và đi…

*

* *

Đêm trùm lên vùng trời Tây Bắc một khoảng không gian trầm buồn tĩnh mịch. Cánh đồng đen từng mảng, văng vẳng tiếng ếch hòa tấu giai điệu bi thương. Dân làng Pua thường tụ tập nhau ngồi nói chuyện, toàn các bà, các mẹ...

Tôi đi vào mảnh sân cũ kĩ sạch bóng cỏ dại. Ngôi nhà vào đêm càng thêm trống vắng và cô độc. Ban nãy khi biết tôi sẽ ngủ lại đây qua đêm, mấy người già trong làng ngần ngại:

- Mày gan quá con. Không sợ ma nó bắt à?

Tôi lắc đầu cười, một bà cụ khác thì nhìn tôi e dè:

- Hay cháu ở nhà bà, đừng vào đó…

Thái độ của họ khiến tôi càng cảm thấy tò mò. Khi tôi xách hành lí đi, vài người làng vẫn nài nỉ khuyên gàn sau lưng. Riêng bác trưởng thôn cứ nhìn chăm chú làm tôi thấy rùng mình. Nhà ở miền núi thời xưa thường là nhà sàn, duy căn nhà tranh lại ở trệt. Nhìn qua nó giống cái lán của dân đi rừng, nhưng cũng đủ từ buồng khách đến buồng ngủ.

Tôi chọn một khoảng trống giữa sân để dựng lều. Không biết đêm nay sẽ thế nào? Gió miên man mơn trớn da thịt. Những con chim bay về núi Lang cất tiếng gọi bầy quang quác khiến tôi rợn người. Căn nhà tranh có lẽ đã để trống rất lâu. Mọi dấu ấn xưa vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Khác chăng, nhà có thêm chiếc bàn thờ với khung ảnh trắng đen in hình một phụ nữ. Tôi đoán người phụ nữ ấy là chủ nhân căn nhà. Mà chị trông trẻ quá. Khéo chưa tới hai mươi, nụ cười còn vương nét con gái. Hay là do ảnh chụp thời thiếu nữ nên vậy. Cái bàn thờ này sắp xếp cũng lạ. Cạnh bát hương lớn lại đặt thêm một bát hương nhỏ xíu.

Tôi cầm đèn pin cẩn thận thám hiểm xung quanh. Bóng tối lùng mùng che mờ tầm mắt. Ánh sáng yếu ớt soi chẳng rõ mặt người. Đồng hồ đã điểm mười một giờ khuya. Chỉ một chút thanh âm the thé hoặc ồn ã từ xa truyền lại lúc này cũng đủ để tôi giật mình. Cảm giác sợ hãi lẳng lặng nhân lên trong từng tế bào. Gáy tôi lạnh toát, mồ hôi mẹ rủ mồ hôi con túa ra như tắm.

Lần theo vách tường, tôi loạng quạng lê từng bước. Bí ẩn ở đâu sao tìm mãi chưa ra manh mối? Bất ngờ, tiếng lạch cạch phía sau làm tôi nhảy dựng. Tôi lia nhanh đèn nhưng chẳng thấy gì. Đêm đen đặc quánh. Đột nhiên gáy tôi đau nhói, mắt tắt lịm ánh sáng.

Ai đó đang kéo tôi đi. Ai đó gọi bên tai. Ai đó… ai đó…

*

* *

Súng nổ rung trời. Khói thuốc nồng nặc xông cay xè khóe mắt. Trận đánh đang vào hồi khốc liệt. Sát bên tôi là người phụ nữ tóc dài gầy trơ xương, quần áo rách rưới. Chị ta ôm một bé trai gầy gò vào sâu trong lồng ngực. Họ bỗng dưng xuất hiện khiến tôi sợ thót tim. Tôi đưa tay chạm thử, thấy hình ảnh như sương, như khói, mỏng manh vô hình tan rã giữa khoảng không.

Chị ôm thằng bé rất chặt. Cả hai co ro nép mình trốn dưới bồ thóc. Khi những bàn chân sầm sầm chạy tới, họ đã núp thật sâu. Thóc len lỏi vào mũi miệng khiến thằng bé khó chịu cựa quậy liên hồi. Người phụ nữ vội giữ chặt nó, gằn giọng: “Im lặng!” Có tiếng đạp mạnh, cánh cửa căn buồng tung ra. Tiếng chân chạy sầm sập, tiếng người chửi bới xì xồ, cả giọng đàn ông lơ lớ.

Chăn màn bị vứt xuống đất. Liềm, cuốc rơi đổ lẻng xẻng. Tiếng chân lại gần cót lúa khiến người phụ nữ run rẩy, chị ta ôm thằng bé chặt hơn, chặt hơn. Chị nhìn chằm chằm qua khe vành cót. Tôi đứng bên. Tim tôi đập thình thịch, thình thịch. Không được. Không được lại đây…

Nhưng lưỡi mác sáng loáng cùng tiếng súng đùng đoàng dập tắt hết thảy hi vọng. Lưỡi mác vùn vụt đâm xuống, đâm xuống... Thằng bé bị thương đau đớn lồng lộn. Người phụ nữ vội giữ con chặt hơn. Chị ta đưa bàn tay bịt chặt miệng thằng bé. Nó nhe răng cắn. Máu rỉ đỏ vành môi. Mũi mác vẫn đâm xuống. Mác cắm vào ngực. Mác xẹt qua vai. Người phụ nữ nghiến răng chịu đựng.

“Không được lên tiếng…”

“Không được lên tiếng…”

Tôi muốn ngăn cản lưỡi mác mà không được. Tràng cười dài quái đản chợt vang lên. Giọng tên Việt gian lơ lớ:

- Có người… ha ha...

Tấm nia che mặt cót bị hất văng lên. Ánh sáng chói mắt cản trở tầm nhìn của tôi. Khi rõ ràng mọi thứ, tôi nhận ra đó là ba tên đàn ông, một kẻ hơi béo người Việt, hai kẻ ngoại lai cao lớn. Chúng lôi xềnh xệch hai người đi, mặc kệ họ giãy giụa.

Một tên giật thằng bé ra khỏi tay người phụ nữ. Nó la hét. Tiếng gọi mẹ ơi, mẹ ơi khiếp đảm. Tên lính ném nó vào tường, lầm bầm chửi rủa:

- Tao biết thừa, dấu chân đầy đất, mác thì dính máu, tưởng lừa nổi tao à. Xem ông trị chúng mày, lũ đàn bà ngu ngốc… ngu ngốc…

Hai gã lính khác lôi người phụ nữ ra giữa nhà. Thằng bé nằm lại giữa một vầng đỏ thắm. Những đóa máu đỏ lịm bung nở trên vách tường, hằn vệt nối xuống sàn đất, rực rỡ ma mị. Ngoài nhà rộn ràng chuỗi thanh âm tục tĩu. Tôi đến gần thằng bé. Đôi mắt nó lồi trố, mở to không thể nhắm. Khuôn mặt thơ dại lắng đọng đau đớn. Liệu nó có hiểu chuyện gì đang xảy ra không? Hay nó sẽ dùng sự ngây thơ ấy mà nghĩ mẹ mình đang bận một trò chơi gì đó mới lạ. Nó cứ nằm đấy. Máu đỏ mọc liên tiếp thành quầng, thành bụi. Mắt nó trợn trừng trừng, tôi vuốt mãi không khép…

Người phụ nữ cũng nằm yên trên sàn, những tên lính đang hùng hục hành sự. Thanh âm ngân dài triền miên, dai dẳng. Chị ta nghếch đầu về cửa buồng, mắt trợn to giống hệt thằng bé. Chỉ khác rằng, trong đáy mắt chẳng có nét thơ ngây mà thay thế bằng nỗi niềm khó nói. Như nhắc nhở. Như van nài. Mặc những giày xéo trên thân thể tàn tạ, đớn đau thân xác chẳng thể làm chị ta để tâm. Chị ngóng về phía cửa buồng.

Hai thằng lính vẫn đang hì hục. Thứ ngoại ngữ xa lạ vang lên xì xà xì xồ. Một tên cầm súng bắn xối xả xung quanh. Nó bắn bồ thóc, bắn nóc nhà, bắn tủ quần áo. Chợt có thứ đó gì ghim vào chân, tôi ngã quỵ, đầu đau như búa bổ.

Hình như chưa thỏa cơn khát giết hiếp, một tên lính cười khà khà rồi cầm súng đến chỗ thằng nhỏ. Nhìn săm soi giây lát, hắn gí sát khẩu súng vào đầu nó.

Đoàng…

Một đóa máu đỏ nở tung trên đất. Tên lính liếm láp khóe môi. Khẩu súng tiếp tục di chuyển. Mỗi lần tiếng súng vang lên là một đóa máu bục nở. Bàn chân tôi nặng nề. Cái thứ chết tiệt gì đó ghim trong trán, ghim vào chân thật khó chịu. Thằng lính mân mê khẩu súng. Bọn chúng tiếp tục xì xồ. Tên lính tiến lại gần bàn tay đang chới với hướng phía buồng.

Lại một tiếng đoàng…

Tí tách mưa rơi, máu vẫn nở, vẫn rơi. Khi những tên lính đi, chị vẫn nằm lặng yên. Cặp mắt lồi trố, đồng tử dần tan rã. Hơi thở thoi thóp. Chỉ những đóa máu đỏ rực lên rồi sẫm màu. Tôi lết bàn chân đau nhức đến gần cố ôm chị vào lòng nhưng không được. Tôi trơ mắt nhìn. Tại sao, tại sao tôi không thể chạm vào chị ta? Tại sao tôi hô hào mà chẳng ai nghe thấy? Tại sao giờ phút này chị ta vẫn thều thào không rõ dặn dò ai.

“Không được lên tiếng… Không được lên tiếng… Tuyệt đối không được lên tiếng…”

*

* *

Giọng ai đó văng vẳng bên tai tôi. Có ai vỗ vỗ mặt gọi tôi dậy. Mí mắt tôi nặng như đeo chì. Khi vừa mở mắt, tôi liền bắt gặp gương mặt nhăn nhúm của bác trưởng thôn và vài người dân làng Pua. Có người khẽ hỏi:

- Cậu tỉnh rồi à?

- Dạ vâng. Sao cháu lại ở đây ạ?

- Cậu bị ngất. Là ông ấy thấy cậu nằm gục ngoài rìa làng nên đưa cậu về nhà.

Một bác gái chỉ tay về phía trưởng thôn. Ông ấy nhìn tôi đăm chiêu giây lát xong chợt đổi giọng cáu kỉnh:

- Cậu tỉnh rồi thì mau đi đi.

Thái độ quay ngoắt một trăm tám mươi độ của ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Sao thế nhỉ? Rõ ràng họ vừa rất niềm nở cơ mà. Tôi lắc đầu xua tan những mối nghi hoặc khó gỡ. Tôi nổ máy, vặn vô lăng, xe vun vút lao nhanh. Làng Pua trượt lại phía sau ngày càng nhỏ, mờ dần và biến mất…

Giấc mơ đêm cứ hiện về chập chờn. Người phụ nữ ăn mặc rách rưới. Thằng bé gầy trơ xương. Những tên lính cười khả ố. Giấc mơ với những đóa hoa máu đỏ thẫm. Đóa máu mọc trên tường. Đóa máu gieo xuống đất. Tôi thức giấc, mồ hôi ướt đẫm. Trái tim đau nhức như ngàn gai đâm chọc. Đêm dài miên man. Biết khi nào trời mới sáng?

Mẹ gọi điện nói bố đau nhiều hơn. Bà nhắc tôi hôm nào xin nghỉ phép về quê đưa ông đi khám bệnh. Gần tới tháng bảy, những chuyến đi lại đang chờ đợi bố. Bố sẽ đi nơi nào trên miền núi Tây Bắc xa xôi? Liệu có làng Pua không? Ngôi làng nằm tít nơi hoang vu rừng rú hẻo lánh. Tôi bật cười. Thật là suy nghĩ vẩn vơ. Làng Pua xa quá trời xa chứ đâu có gần. Mà đồng đội của bố thì nằm khắp nơi…

*

* *

Tôi ngồi xuống bàn làm việc. Câu chuyện ở căn nhà tranh vẫn mãi ám ảnh. Sự tò mò ban đầu không giảm bớt mà dường như đang phóng đại. Nó thôi thúc tôi tiếp tục tìm kiếm. Tôi nghĩ cuộc thảm sát năm đó, làng Pua có rất nhiều người thoát nạn, chỉ là không biết họ thoát như thế nào. Khi chiến tranh lùi xa, đất hoang tàn xơ xác, ngôi làng nào cũng tang tóc đau thương, để tìm kiếm những người dân làng cũ quả thực rất khó khăn.

Tôi quyết định trở lại làng Pua thêm lần nữa. Kì này, tôi đi âm thầm lúc trời khuya khoắt. Đằng trước có nhóm thám hiểm vừa tới. Căn nhà trong đêm vẫn âm u vắng lạnh, gió rít gào bên hiên, những tràng hú hét lại ngân vang không dứt. Tôi chạy nhanh vào sân, hai cái lều lùng bùng như có người đang cào cấu vùng vẫy. Tiếng chim lợn eng éc. Giọng nữ thất thanh mang âm hưởng địa ngục. Thành viên nhóm thám hiểm nằm la liệt trên sân. Bác trưởng thôn đang kéo họ xích gần bên nhau. Thấy tôi, ông giật mình đứng khựng, lát sau ông tiếp tục công việc dang dở. Xong xuôi, chúng tôi vào trong nhà ngồi đối diện nhau, không ai nói câu nào. Sự im lặng đè nén khiến tôi nghẹt thở.

- Sao bác làm vậy?

- Để các người đừng tới đây. - Ông đột nhiên gầm lên, chỉ tay vào bàn thờ - Cậu thấy không, mảnh đất này không cần những người đến khám phá trò vui. Mấy tay khốn kiếp còn định bán mảnh đất này để xây khu du lịch. Cút đi. Các người cút hết đi…

Trưởng thôn như mất trí. Ông lôi xềnh xệch tôi ra khỏi nhà. Trên chiếc bàn thờ, di ảnh người phụ nữ vẫn lặng lẽ dõi theo. Nụ cười, gương mặt kia sao quen thuộc quá. Nỗi hiếu kì lại dâng lên, thôi thúc mạnh mẽ hơn nhưng tôi cũng ngập tràn do dự:

- Cháu đã nhìn thấy.

- Cậu thấy… thấy gì?

- Căn nhà, người phụ nữ, thằng bé và những tên lính…

Sau khoảng lặng dài như thế kỉ, bỗng nhiên ông trưởng thôn nghẹn ngào bật thốt:

- Đó là chị gái tôi…

- Chị gái bác?

- Ừ! Năm đó, chúng tôi núp trong căn hầm dưới nền buồng. Chúng tôi nghe thấy và hiểu tất cả, nhưng chẳng thể làm gì… Chẳng thể làm gì… Cậu biết không?

Người đàn ông trên tám mươi tuổi nức nở bất lực giống đứa trẻ mới sinh. Rồi ông tâm sự, vào những năm lính Nhật rút khỏi Đông Dương hay thời kì quân Pháp chiếm đóng khắp vùng Tây Bắc, trên đường di chuyển chúng vẫn lùng khắp các bản làng. Chúng bắt đàn bà. Chúng giết trẻ em. Chúng cướp vàng bạc, trang sức, đốt phá tanh bành. Những người lính hoạt động cách mạng cùng dân làng trốn sâu trong núi, giấu mình dưới hòm tủ. Không ai được lên tiếng. Họ im lặng chứng kiến. Nén nỗi niềm riêng chờ lũ địch đi mới chôn cất thân nhân và dắt díu nhau trốn sang vùng giải phóng. Nhiều năm sau trở về, cảnh còn người mất. Họ dựng làng từ những tàn tích ngày cũ theo kí ức mơ hồ, chỉ riêng dấu vết chiến tranh là hằn sâu trong trí nhớ.

Hôm ấy, chị cả vì bảo vệ người lính mà lấy mình ra làm mồi nhử. Lũ giặc cứ nghĩ trong nhà đã hết người nên xong việc vội vã bỏ đi. Cuối cùng người lính ấy thoát thân, dẫn dân làng đến được vùng giải phóng, chỉ chị bác mãi nằm lại nơi nền nhà lạnh lẽo …

*

* *

Tôi về thăm bố vào một chiều nắng nhạt. Quê tôi đang ngày mùa. Rơm rạ, lúa thóc phơi khắp nơi. Cái mùi cơm mới thơm ngon vấn vương trên từng mái bếp. Mẹ bắt gà làm thịt. Bố nằm trong nhà ôm cái chân bị tật. Những ngày tháng bảy đang tới gần, thời tiết thay đổi thất thường, lúc nắng lúc mưa chẳng biết đâu mà lần. Nghe mẹ bảo độ này bố tỉnh hơn, ít đau đáu nức nở lầm bầm. Nhưng sức khỏe thì yếu hơn trước, chỉ là ý niệm ra đi của ông thì vẫn sôi trào mãnh liệt. Thế mà mẹ vẫn đồng ý.

Trong lúc chờ cơm tôi ngồi với đống tư liệu về làng Pua bày ngổn ngang trên bàn. Trưởng ban đang hối bài nhưng tôi chưa muốn viết. Những chi tiết cứ đan bện quấn quýt, viết hướng nào cũng chẳng ổn. Mà viết rồi thì sao? Ông trưởng thôn lâu nay vẫn tạo ra các loạt âm thanh kì lạ giữ bình yên cho ngôi nhà. Tôi viết bài rồi, mọi chuyện có được giữ kín nữa không?

- Mày lấy đâu ra tấm ảnh này?

Tay bố run run cầm tấm ảnh. Có hạt nước rơi trên nụ cười của người phụ nữ trong ảnh. Sự chờ đợi bỗng trở nên ngắn ngủi khi ông liên tục giục giã:

- Nhanh dẫn tao đi, đi luôn…

Bố nhào tới túm tay áo tôi lôi đi. Mẹ ở dưới bếp cũng chạy vội lên nhà.

- Làm sao? Đi đâu thì cũng bình tĩnh đã xem nào.

Bà giằng tôi ra và vịn bố ngồi xuống giường. Bố nâng niu tấm ảnh, mếu máo như đứa trẻ lên ba:

- Chị ơi! Em tìm thấy chị rồi. Là chị cứu tụi em. Vết đạn ghim trong chân em, mảnh bom văng vào đầu em làm sao đau bằng chị. Em có lỗi với chị, với cháu, với anh nhà đã hi sinh… chị ơi…

Bố khóc nấc từng hồi. Người đàn ông hơn tám mươi bình thường dù đau đến mấy cũng cắn răng nín nhịn giờ đang nhỏ lệ. Nước mắt chảy tràn gương mặt khắc khổ. Mẹ tôi cũng khóc. Bà ôm lấy ông vỗ về nhẹ nhàng, còn tôi thì chết lặng.

- Chị ơi…

Ngôi làng Pua xa xôi nơi núi rừng hẻo lánh. Căn nhà tranh vách đất với những đóa máu đỏ rợn trong ánh sáng lập lòe yêu dị. Âm thanh thủ thỉ vang vọng. “Không được lên tiếng. Không được lên tiếng.”

Gia đình tôi tới làng Pua một ngày cuối tháng bảy. Đúng cái hôm giỗ chung của làng. Đâu đâu cũng khói nhang nghi ngút, đoàn người cầm khăn, ôm mặt rấm rứt. Mẹ dìu bố hòa vào dòng người. Giống mạch suối đổ ra sông không chút do dự. Giống những chuyến đi tháng bảy chưa bao giờ dừng.

- Sao mẹ cho bố đi? Sức khỏe bố yếu lắm, đi xa thế không tiện.

Tôi hỏi khi ở nhà. Mẹ trầm ngâm thật lâu rồi đáp nhỏ:

- Tao thương ổng…

Hình ảnh ngọn đèn dầu leo lét đợi cửa suốt thời thơ ấu lại bùng lên trong tôi. Bấy nhiêu năm nay bố cứ mải miết tìm kiếm vô định mà mẹ đâu cấm cản. Chỉ vì thương thôi sao? Hay vì điều gì khác? Người đàn bà tảo tần khuya sớm. Người bà lặng lẽ đứng phía sau ủng hộ tất cả…

Tôi theo dòng người đi viếng từng nấm mộ. Khi trở lại căn nhà tranh bầu trời đã nhá nhem tối. Cả nhà ba người đứng nghiêng mình trước di ảnh. Bố cúi người thật sâu. Những giọt lệ chất chứa bao nỗi niềm lặng lẽ rơi xuống. Tôi như nhìn thấy cả một vành hoa đang lặng lẽ bay màu.

Đêm nay, căn nhà không còn những tiếng động kì lạ…

Đêm nay, có người lính đi xa trở về...

*

* *

Trưởng ban giục tôi mau viết bài giải mã làng Pua. Dân báo chí phải biết tranh thủ độ nóng đề tài mà kéo người đọc về cho tòa soạn. Nhưng lòng tôi băn khoăn quá. Có thứ gì đó cứ lấn cấn khiến tôi không thể viết. Nên hay không? Mỗi lần muốn công khai bí ẩn, đầu tôi lại phảng phất cảnh ông trưởng thôn khóc, bố tôi khóc. Nơi ấy đâu phải điểm đến cho những kẻ hiếu kì. Sự đắn đo mỗi ngày một lớn. Rồi một ngày giữa cuộc họp ban biên tập tôi đã dồn hết sự dũng cảm từ chối viết bài. Anh trưởng ban ngạc nhiên hỏi lí do. Khi nghe tôi kể những điều trông thấy thì anh lặng im, lâu sau mới thở dài gật đầu đồng ý, bảo thôi, hãy để quá khứ ngủ yên.

L.N

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)