Trở lại Nongchan

Thứ Hai, 24/07/2023 10:31

. BÙI TUẤN MINH
 

Vừa đi ăn giỗ về, tôi vơ vội mấy bộ quần áo nhét vào chiếc ba lô sờn bạc. Thơm tất tả chạy tới: “Mình định đi thật đấy à ?” Năm nào, vào ngày này vợ tôi đều hỏi như thế. Tôi gật đầu vì lần này tôi đi thật. Không ai khác, chính tôi là người giải quyết, phải tự gỡ những sợi dây mỗi ngày một chằng chịt và lớp lang thít chặt mình. Tôi đã sống những tháng ngày dằn vặt, bứt rứt, cảm giác nếu không đi bây giờ, tôi sẽ chết ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Bước ra khỏi làng, khi ấy đã quá trưa, nắng như rang tóc, bóng tôi xiêu vẹo trên đường. Tôi bắt xe ra Hàng Cỏ, đi tàu vào Nam, đi tiếp lên Mộc Bài, ngày thứ ba thì sang đất Campuchia. Nhẽ phải 15 năm, không, chính xác là 13 năm 8 tháng tôi mới quay trở lại nơi này, cái nơi đeo bám tôi dai dẳng. Kí ức như một thứ bùa mê dính chặt vào hiện tại. Người ta có thể vì quá khứ để sống tốt, nhưng cũng có người bị ám ảnh mà chết dần, chết mòn.

Minh hoạ: Nguyễn Văn Đức

Theo đường quốc lộ số một nước bạn, tôi đi xe khách đến Phnôm Pênh. Chuyến xe có vài người Việt sang làm ăn, buôn bán. Tôi bắt chuyện với một người quê Tây Ninh rằng cần một người phiên dịch, anh ta chỉ tôi tìm khu chợ Sa Thmey ở ngoại ô Phnôm Pênh, nơi đây có nhiều người Việt sinh sống. Đến chợ khi trời nhá nhem, có nhiều biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Khmer, tôi bước vào một tiệm ghi Phở. Quán vắng tanh, chỉ có một người đàn bà nình nĩnh, phốp pháp, mặc chiếc áo bà ba đang lúi húi trong bếp, giọng miền Nam vọng ra.

“Anh hai mới từ Việt Nam qua à?”

Tôi gật đầu, ngồi xuống bàn.

“Đi đâu?” Người phụ nữ đặt trước mặt tôi bát phở nghi ngút khói, đầy ắp những miếng thịt bò thái cục.

“Tìm người.” Tôi nói rồi xì xụp ăn.

“Còn sống hay đã chết?” Tôi dừng đũa. Ừ, giá như biết người cần tìm còn sống hay đã chết, tôi vẫn hay tự chất vấn mình như thế, ngay khi tỉnh, cả lúc mơ.

Bóng tối loang lổ. Sau khi tôi húp nốt giọt nước dùng cuối cùng, một ấm trà được mang đến. Tôi ngẩng đầu lên. Người đàn bà như những nét vẽ vội vàng nguệch ngoạc trên khổ giấy đen. Khuôn mặt, đôi mắt ấy thi thoảng bừng lên rồi lại tối sầm một cách bí ẩn. Hơi thở tôi cũng chùng xuống, đều đều, nhè nhẹ. Hai con người cùng Tổ quốc ở một nơi xa lạ.

Người đàn bà tên Út Liên, quê Sài Gòn, có chồng là viên chức người Khmer làm việc hành chính cho chế độ Lon Non, trong một chuyến đi công tác sang Sài Gòn đã gặp và phải lòng cô thiếu nữ người Việt. Bà ta theo chồng sang đây từ trước năm bảy lăm. Cuộc hôn nhân hạnh phúc cho đến khi Khmer Đỏ tiếm quyền. Rồi một đêm, có đám người xông vào nhà lôi xềnh xệch hai vợ chồng ra ngoài đường, các nhà bên cạnh cũng vậy. Đây là khu của dân trí thức, họ chọn ở lại vì Pol Pot hứa sẽ vẫn sử dụng họ làm những công việc cũ. Phụ nữ và trẻ em bị đẩy lên thùng ô tô, những người đàn ông bị dồn vào một chỗ. Khi xe lăn bánh, những tràng đạn dài vang lên, cô biết chồng mình đã bị giết cùng với những người khác.

Út Liên bị đưa đến trại tập trung xa thành phố, bị bắt lao động khổ sai. Cô đã định lựa chọn cho mình một cái chết trong số hàng nghìn cái chết đã chứng kiến, nhưng cô chọn nhẫn nhịn, bị chà đạp, bị hãm hiếp, đơn giản chỉ vì cô muốn sống. Cô không muốn chết ở một nơi xa lạ. “Đến bây giờ tôi mới hiểu, bước qua địa ngục thì sống sót cũng là một lí do. Cuối cùng tôi cũng trốn được, một người phụ nữ bản địa đã cứu tôi và tôi lại tiếp tục sống cuộc đời của mình cho đến hôm nay”. Trong bóng tối nhập nhòe, tôi thấy ánh mắt người đàn bà từng trải dường như có những tia máu vằn lên đỏ ngầu, ánh nhìn mạnh mẽ nhưng phảng phất sự cô đơn đầy cay đắng.

“Anh hai cần tìm người dẫn lên Nongchan làm gì?” Út Liên hỏi. Tôi nhắm mắt, khẽ thở dài, kí ức chợt đẫm loang.

Làng tôi úp mặt vào đê sông Đáy, phía sau là cánh đồng mênh mông, bát ngát. Hết cánh đồng có dãy núi Trầy ngăn cách hai tỉnh Hòa Bình và Hà Tây, trên núi có chùa Hàm Long, trụ trì là sư thầy còn trẻ, da dẻ hồng hào. Mỗi khi lùa trâu về chân núi, lũ trẻ chúng tôi trong đó có Ngọ lại kéo nhau lên chùa ăn lộc rơi lộc vãi, khi cái oản nắm xôi, lúc quả cam miếng giò. Ngọ bằng tuổi tôi, bố nó là liệt sĩ, hi sinh năm Mậu Thân, nhà còn mẹ và cô chị gái hơn nó vài tuổi. Sư thầy quý hai thằng tôi, phần vì khi thụ lộc xong chúng tôi không chạy xuống núi như những đứa trẻ khác mà ở lại quét dọn, làm mấy việc lặt vặt của nhà chùa, phần vì thằng Ngọ có khuôn mặt thiện lành, tử tế. Một chiều bận xuống làng, sư thầy nhờ Ngọ thỉnh chuông canh, đánh ba tiếng. Sau dần, lại dạy nó thỉnh chuông khi thầy tụng kinh, bắt đầu là ba tiếng, kết thúc hai tiếng, rồi ba hồi chín tiếng. Mấy hôm sau lại nghe nó đánh mười tám tiếng. Hỏi thì nó thao thao “mười tám tiếng biểu thị sự thanh lọc sáu căn, sáu trần và sáu thức, thầy khen tao đánh như người có căn. Còn một trăm linh tám tiếng chuông biểu thị sự thanh tao làm vơi cạn một trăm linh tám loại phiền não nội tâm…” Tôi ngu ngơ nghe nó nói. Lâu dần, nghe tiếng chuông là tôi biết nó đánh hay thầy đánh. Nó đánh nghe nhè nhẹ, thanh thanh, vang như gió, vút như tiếng sáo diều, rung rinh, khai sắc cây cỏ. Những khi ấy tôi thường chơi bên ngoài hoặc đi lùa trâu, chẳng hơi đâu mà ngồi nhìn cái việc tụng kinh, gõ mõ.

Một mùa mưa gió thất thường, sư thầy viên tịch vì bị cảm. Nó đánh một trăm linh tám tiếng chuông. Những thanh âm chồng lên thanh âm, não nề làm rũ héo cả cánh đồng làng.

Hồi ấy chúng tôi mới mười sáu tuổi.

“Thế sau đó Ngọ có đi tu không?”, người đàn bà tò mò.

Tôi nhấp chén trà, nước vàng như mật, đặc quánh nơi đầu lưỡi, nghĩ chắc cô ta pha ba phần chè, hai phần nước. Lưỡi tôi rin rít, khà như vừa uống li rượu nếp nặng, đặt chén xuống, tôi gật đầu. “Mẹ nó phải dọa chết mấy lần để ngăn. Bà bảo, nó phải lấy vợ, để có đứa nối dõi tông đường”. Ngọ là cháu đích tôn, bà chăm Ngọ như báu vật của gia đình, dòng họ, thậm chí đang thời gian nó đi học, bà đã dấm mấy mối trong xã, chỉ chờ học xong là cưới. Trong đám ấy có Thơm, học cùng lớp hai thằng tôi, Thơm có duyên, má lúm đồng tiền, cặp mắt lúng la lúng liếng. Ngọ thích Thơm, tôi cũng thích Thơm, hai thằng thi nhau lấy lòng mỗi khi có cơ hội nhưng Thơm bảo “chỉ thích anh hùng”. Sở dĩ Thơm nói vậy vì thầy giáo dạy văn của chúng tôi là thương binh bị cụt chân, thầy truyền cảm hứng cho cả lớp với những điều đẹp đẽ, anh hùng bằng năm tháng ở chiến trường.

“Chiến tranh kết thúc rồi, giờ đi học kĩ sư, bác sĩ, làm công nhân để kiến thiết đất nước”, chúng tôi nói với thầy vậy.

“Còn lâu nhé, muốn hòa bình thì vẫn phải đánh nhau, đi bộ đội là dễ thành anh hùng nhất, các cô các cậu cứ chờ xem”. Thơm be miệng cười khi nghe thầy nói vậy.

Thầy nói như thánh, năm sau thì tổng động viên. Lần này có khóc hết nước hết cái mẹ cũng không ngăn được Ngọ tòng quân dù thuộc diện được miễn. Ngày lên đường, bà ôm ghì lấy nó, chặt đến mức đừng ai hòng mang được con trai của bà đi. Từng lời dặn dò như những chiếc đinh nhọn hoắt. “Đi nguyên vẹn, về nguyên vẹn, đừng bỏ lại mẹ như bố mày”. Rồi bà quay sang tôi căn dặn nếu cùng đơn vị phải luôn để ý, canh chừng, đừng để nó xung phong đầu tiên và chốt lại với tôi: “Tội mày rủ rê nó, nó mà làm sao, họ Phạm mà tuyệt tự thì đừng vác mặt về làng nhìn mặt bà”.

Hôm ấy Thơm cũng đưa hai thằng tôi lên đường nhưng chỉ đứng một góc sụt sùi. Hai thằng nhìn nhau rồi gần như đồng thời, cùng bước lên xe. Có lẽ cả hai đều muốn nhường lời chia tay với Thơm cho người kia. Dở hơi thế, sĩ bọ thế. Sau này vào chiến trường, đánh nhau ác liệt, người chết nhiều như thóc, mỗi lần sống sót, tôi vẫn hay nhắc nó về giây phút ấy.

Chúng tôi nhập ngũ vào Binh chủng Đặc công, huấn luyện ở Sư 305 tại Xuân Mai cách nhà chừng ba mươi cây số. Sau sáu tháng huấn luyện kĩ càng, cứ ngỡ chúng tôi sẽ lên mạn Bắc, hóa ra lại sang chiến trường K. Là lực lượng tinh nhuệ nên gần trăm tân binh được phân bổ cho các đơn vị dùng làm lính trinh sát. Tôi và Ngọ biên chế về hai đơn vị cùng sư đoàn. Chiến trường K ác liệt. Ban ngày địa bàn ta, đêm co cụm chống đỡ Pol Pot đánh úp liên tục. Bộ đội bị thương, hi sinh nhiều, hầu hết các đơn vị đều thiếu quân, phải căng ra chốt giữ từng cứ điểm, vị trí trọng yếu.

Trong số tân binh vào chiến trường đợt ấy, Ngọ là một trong những trinh sát rất giỏi nhưng tính cách có phần hơi lập dị. Nhớ một lần tôi và Ngọ cùng vài anh em tăng cường cho trung đội bạn đang án ngữ một cây cầu trên tuyến đường huyết mạch. Tin trinh sát báo về, có thể đêm ấy Pol Pot sẽ tấn công. Chúng tôi khẩn trương bố trí đội hình phòng thủ bên này cầu, đào hố cá nhân, mỗi người được trang bị đầy đủ cơ số đạn, ngoài ra còn có vài quả mìn K58 và một quả mìn DH10 do Ngọ vác theo. Số K58 được bố trí sát bờ suối, riêng quả DH10 sau một hồi quan sát địa hình, Ngọ không bố trí dọc cầu mà đặt ngang bờ suối, cách cầu khá xa. Mọi người phản đối vì nếu kích nổ có thể sát thương cả những vị trị tiền tiêu của quân mình. “Nếu ai bị thương cứ đưa tôi ra tòa án binh”, Ngọ quả quyết. Hướng của tôi phía trước có ba người, ngoài tôi còn Chiến và Hưng, mỗi người một vị trí hướng hỏa lực về phía suối cạn, Ngọ ở tổ chiến đấu phía sau tôi, cả chiều lọ mọ, luồn dây điện kích nổ dưới một lớp đất mỏng.

Đêm xuống, hàng chục con mắt đổ dồn về phía cầu nơi có ánh đèn vàng lờ mờ lay lắt giữa một vùng đen đặc. Càng về khuya, mọi vật yên tĩnh, suối khô, cỏ chết, cả tiếng côn trùng cũng câm lặng, nhưng tôi vẫn nghe được tiếng hàng trăm bước chân đang lần mò, sột soạt rình rập bên kia cầu. Thần chết ẩn mình trong bóng đêm.

Chúng tôi hồi hộp chờ đợi.

“Cái lũ mù quáng chết tiệt”, tôi lẩm bẩm nghĩ về đám Pol Pot, bọn chúng ngày càng man rợ, đám chỉ huy nói nếu bị bộ đội Việt Nam bắt sẽ bị chặt đầu, một thằng tù binh đã khai thế, nên chúng sẵn sàng liều chết. Khi vớt những thi thể bộ đội bị chặt đầu trôi dạt dòng Mê Kông, tôi thề sẽ giết bất cứ tên Pol Pot nào nếu bắt được, nhưng tôi đã không làm được thế.

“Uỳnh”, một vùng sáng lóe lên kèm theo tiếng nổ cắt đứt dòng suy nghĩ, là quả mìn K58 cài bên kia suối, không thấy động tĩnh gì, có lẽ là một con nai hoặc đám Pol Pot đã bịt chặt miệng tên bị thương. Chúng tôi vẫn chờ đợi, ngón trỏ đã đặt trong tay cò.

Một vệt sáng phụt dài. “Bùng”, ụ lô cốt trên cầu nổ tung, kèm theo hàng loạt quả đạn cối rơi trùm xuống phía trận địa phòng ngự trông như những quả cầu lửa hất tung đất đá. Đạn vạch đường trong đêm chằng chịt, rực rỡ pháo hoa, cái đẹp vẫn thường dễ chết. Chỉ một vài tên Pol Pot tiến theo hướng mặt cầu dùng làm mồi nhử thu hút hỏa lực mấy khẩu trung liên RPD và RPK của ta chế áp đầu cầu, còn lại chúng tiến từ hướng lòng suối, pháo sáng bắn lên soi rõ hàng chục tên lúc nhúc. “Cùng, cùng, cùng…”, tiếng 12,7 li bên kia cầu dội sang, loại súng phòng không dùng bắn thẳng gây ra những cái chết nát vụn. Những quả mìn K58 còn lại nổ liên tục, bọn chúng đã liều chết sang bờ. Ở hướng tôi, Chiến đã bị thương, tôi gọi Hưng dìu Chiến về sau, đạn bắn rát khiến Hưng không di chuyển được. Ở bên trái cầu địch tràn ngập, tuyến phòng thủ ngoài cùng coi như bỏ. Lúc này cối tiểu đoàn dội tới, chủ yếu rơi phía bên kia cầu, khẩu 12,7 li câm bặt. Khẩu AK của tôi điểm xạ liên tục đến đỏ nòng, một loạt đạn găm vào đất tung tóe ngay sát khi tôi trườn sang giúp Chiến. Một bóng đen lao đến, tôi nghĩ mình chết chắc. Loạt đạn xé gió sượt qua vai tôi, tên lính đổ ập xuống trước mặt. Quay lại, tôi thấy Ngọ vừa nổ súng cứu mình.

“Rút về đây, nhanh”, Ngọ dứt khoát, chúng tôi lao về phía sau, vừa lúc ấy Ngọ kích nổ quả DH10. “Ùynh”, tiếng nổ long trời, một quầng lửa sáng rực từ phía phải hắt dọc bờ suối, quét sạch cỏ cây và cả con người, đám Pol Pot bỏ chạy tan tác.

Chúng tôi trải qua vài trận đánh như thế trong mùa khô năm đó. Bên nào lì hơn bên ấy thắng. Bước qua những lằn sinh tử, cái chết tưởng chừng như cách đúng gang tay, giặc vây tứ phía, có khi chỉ chờ tự kết liễu đời mình, thế mà tôi vẫn sống cho đến tận bây giờ, chẳng một vết thương.

“Thế còn Ngọ?”

Tôi lắc đầu nhìn người đàn bà.

*

*         *

Lần giỗ đầu Ngọ, mẹ nó vồ lấy tôi gào khóc nức nở. Cỗ làm một mâm, gồm mẹ nó, gia đình nhà chị gái, thầy giáo dạy chúng tôi ngày xưa là chồng của mẹ nó bây giờ, và tôi. Ngày ghi trên giấy báo tử là ngày cuối cùng tôi nhìn thấy Ngọ, 16/7/1982, theo quy định phải đợi năm năm sau mà nó vẫn bặt vô âm tín thì thủ trưởng đơn vị mới kí giấy, nên giỗ đầu nhưng chả biết còn sống hay đã chết được mấy năm, linh hồn đã siêu thoát hay đang lang bạt ở một cánh rừng nào. Nghĩ đến đó mẹ nó càng khóc thê thiết hơn, bà trách tôi sao bỏ nó lại, trách tôi hèn nhát, trách như chính tôi là người gây ra chuyện này.

“Khóc lóc gì nữa, chiến tranh mà, dù gì nó vẫn là anh hùng.”

“Tại cả ông nữa, nếu ngày ấy ông không xui chúng nó vào bộ đội thì đâu ra nông nỗi này”, bà quắc nhìn đay nghiến.

Ông thầy lặng lẽ nhìn tôi, bởi chỉ tôi mới hiểu cái nhẽ này. Những lần giỗ sau cũng vậy, lần nào tôi cũng đến thắp hương cho thằng bạn để nghe bà khóc lóc, kết tội.

Tôi lặng im trước giọt nước mắt của những người còn sống. Năm này qua năm khác, lần giỗ này đến giỗ khác, mong muốn quay trở lại nơi ấy một lần nữa ngày càng lớn dần trong tôi, nhất là gần đây tôi biết phiến quân vùng đó đã đầu hàng chính phủ.

*

*          *

Sau những chiến dịch mùa khô, tôi và Ngọ được giao nhiệm vụ trinh sát Nongchan, căn cứ lớn của quân Pol Pot nằm sâu trong rừng, sát biên giới Thái Lan. Chúng tôi đi đường rừng mất hai ngày, vừa đi vừa tránh dân, tránh địch. Khi tìm được vị trí trú ẩn bí mật bên con suối cách căn cứ không xa, hai thằng khẩn trương cởi bỏ quân phục, trên người chỉ mặc mỗi chiếc quần xà lỏn và bắt đầu bôi vẽ, ngụy trang cho nhau. Chờ đến tối chúng tôi luồn vào căn cứ, xác định kho tàng, sở chỉ huy, các vị trí quan trọng, gần sáng lại bí mật vận động ra vị trí này để vẽ lại. Ngay lần đi trinh sát đầu tiên, Ngọ lại cứu tôi lần nữa, Ngọ phát hiện trên lối di chuyển có mìn, chúng tôi không gỡ, lần nào cũng bí mật bước qua. Căn cứ lớn nên phải ba đêm chúng tôi mới xong nhiệm vụ. Khi chuẩn bị rời khỏi vị trí trú ẩn trở về, chúng tôi nghe tiếng bước chân người đang tiến đến. Hai thằng cầm AK báng gấp nín thở chờ đợi. Bóng người đi qua vị trí ẩn nấp. Một cô gái. Cô ta mặc chiếc áo tầm vông nâu đất, chiếc xà rông màu đen. Bước đến tảng đá bên bờ suối, cách lùm cây ẩn nấp chỗ chúng tôi độ chục mét, cô gái nhìn xung quanh rồi cởi bỏ trang phục bước xuống suối. Cô ta chỉ độ ngoài đôi mươi, da ngăm ngăm, mông lẳn, cặp ngực tròn trịa vểnh lên đầy thách thức và kiêu hãnh. Tôi thích thú ngắm nhìn, người rạo rực. Trước giờ tôi đã biết cơ thể đàn bà là thế nào. Trộm nghĩ đến nàng Natasa bên dòng Volga, ngủ với từng người lính trước ngày ra trận, những chàng trai mười tám, đôi mươi, sao Thơm không làm thế với chúng tôi?

“Đi thôi”, tiếng Ngọ phía trước cắt ngang suy nghĩ. Hai thằng rón rén bước ra khỏi vị trí ẩn nấp, vừa được vài bước, tôi cố di chuyển đến gần bờ suối để nhìn cô gái lần nữa. Tiếng thổi xuỵt xuỵt của Ngọ ra hiệu vô tình làm cô gái quay lại. Thấy có bóng người, cô ta hốt hoảng bước lên bờ vơ lấy quần áo rồi chạy thẳng. Khi tôi còn đang bất ngờ chưa biết xử lí sao, Ngọ đã từ phía dưới lao lên đuổi theo cô gái, nói như quát: “Mìn đấy, mìn đấy”. Nhưng, không kịp. Khi tay Ngọ đẩy mạnh được cô gái ngã về phía trước thì cũng là lúc tiếng nổ vang lên. Tôi lao đến, Ngọ nằm gục, cố nén đau, nhăn nhó, máu xối xả, tôi vội sờ xuống dưới chân, xương ống phải lòi trắng hếu, cẳng chân dưới đã gãy đôi. Tôi vội lấy băng gạc cuốn chặt ống chân. Cô gái lồm cồm bò dậy, hoảng loạn nhìn rồi loạng choạng chạy thục mạng về phía trước. Ngọ nhăn nhó lấy từ trong túi thủ pháo cái sơ đồ dúi vào tay tôi, thều thào. “Để tao lại, mày mang cái này về”. Tôi nhìn nó xót xa rồi cầm cái bàn chân đã đứt lìa. “Cầm làm gì, vứt đi”, Ngọ nói, tôi liền nhét cái chân vào hốc đất gần đó vùi đất lên, lại xóa các vết máu xung quanh. Cảm thấy đũng quần ướt đẫm, ngấm xuống tận gối, tôi run run cẩn thận vén vết rách rồi đau đớn khép lại. Mắt Ngọ đỏ ngầu. Ám ảnh. Sau này, ánh mắt ấy cứ khoan sâu, đục đẽo tâm trí mỗi lần tôi đến nhà thắp nhang cho Ngọ, cái di ảnh chảy máu.

Xốc bạn lên lưng, nhưng máu vẫn chảy lót thót qua miếng ga rô. “Tao đau quá, đừng cố nữa, về đến nơi cũng chết vì mất máu, mày không để tao lại chúng lần theo thì chết cả hai”, tiếng Ngọ vật vã trên lưng. Trước ngực tôi hai khẩu AK va vào nhau chan chát. Tôi đặt Ngọ ở nơi chúng tôi vẫn ẩn nấp mấy ngày qua. “Chờ ở đây”. Tôi chạy đi trong bóng tối nhập nhoạng, băng qua lối mòn, chẳng đề phòng, cảnh giới, tôi lao qua những đám bụi mặc gai găm vào da thịt, máu tứa ra. Tôi nghe tiếng “Thơm ơi” trôi tuồn tuột ra khỏi miệng mình. Tôi cứ chạy, chạy mãi.

“Và anh hai đã bỏ Ngọ lại, rồi năm tháng dằn vặt đọa đày bắt anh quay trở lại nơi này.”

“Cô chỉ nói đúng vế sau”, tôi nói. Người đàn bà tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi đã quay lại, sau khi kiếm được vài đồ sơ cứu từ một xe cam nhông bị bỏ bên đường, nhưng Ngọ thì mất tích. Không có dấu hiệu quân Pol Pot. Tìm khắp xung quanh cũng không một dấu vết. Tôi mang sơ đồ trở về, hai tuần sau sư đoàn tấn công và phá được trại Nongchan, quân địch dạt sang đất Thái. Sau trận đánh, tôi dẫn anh em ra khu vực tìm kiếm, khai thác tù binh, rà soát cả những nhà dân gần đó nhưng không một ai biết tin tức về người lính Việt. Tôi ra quân, trở về quê và cưới Thơm. Khi cuộc sống gia đình khó khăn, vợ tôi nhăn nhó: “Hóa ra anh hùng chẳng mài ra ăn được”, tôi khùng lên tát Thơm nổ đom đóm, đó là lần duy nhất tôi đánh vợ.

Đêm đó, tôi ngủ tại nhà Út Liên. Tôi mơ một giấc mơ chấp chới. Trên cánh đồng đầy xác người, Ngọ ôm chiếc chân cụt với đôi mắt chảy máu gào thét gọi tôi. Tiếng súng vang lên xéo xắt cào cấu, đè lên tiếng chuông mỏng manh thoi thóp, thứ thanh âm quái đản ấy tra tấn tôi tới sáng.

*

*           *

Sáng hôm sau thức dậy không thấy ai, tôi ra khỏi quán thì một người đàn ông bản địa tự xưng là bạn của Út Liên nói rằng sẽ làm người dẫn đường cho tôi. Tôi đặt vấn đề về giá cả, anh ta nói Út Liên đã trả. Lạ nước lạ cái, tôi gật đầu đồng ý. Người đàn ông Campuchia nói tiếng Việt khá sõi, quan trọng hơn, anh ta đã từng có thời gian ở trại Nongchan, cùng với nhiều người bị bắt đến đó đào giao thông hào cho đến khi quân tình nguyện đánh tới. Mãi gần trưa, chúng tôi mới bắt xe đi. Những con đường đất ngày xưa nay đã rải nhựa đến tận thủ phủ huyện, dân cư đông đúc, khác hẳn với kí ức bom đạn, tiêu điều. Từ huyện chúng tôi thuê xe tuk tuk, tới Nongchan, anh ta dẫn tôi rẽ vào một con đường mòn. “Cô Út Liên bảo đưa anh đến chỗ này. Anh sẽ được thanh thản hơn”.

Gần tối, xe dừng trước một ngôi chùa. Chúng tôi bước đi, lẫn trong mùi hương khói. Có tiếng chuông ngân lên từ gian chùa trước mặt, tiếng chuông hoan hỉ, tinh khiết diệu kì như tiếng chuông Ngọ thỉnh, đánh thức bản giác, thức tỉnh chúng sinh, thanh sạch những dằn vặt đêm ngày bám rễ cắm sâu vào da thịt. Này căn. Này trần. Này thức. Này mê. Này vô minh. Này hỉ xả. Này là bản ngã…

Kí ức tuổi thơ tôi bên đàn trâu và ngôi chùa cổ chợt hiển hiện trong vô thức.

B.T.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)