Nhà văn Nguyễn Văn Toan
Nhau của núi được viết trong khi tôi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cảm thức của một đứa con với núi rừng Hà Giang khi phải sống xa nhà đã thôi thúc tôi viết truyện ngắn này. Chi tiết đầu tiên hiện lên trong đầu để tôi bám vào xây dựng cốt truyện là hình ảnh những gốc cây treo ống bương đựng nhau thai trẻ con mới sinh trong cánh rừng gia đình. Một mạch ngầm vừa hoang dại, vừa đầy kết nối giữa con người và thiên nhiên đã khơi lại những kí ức mà tuổi thơ tôi tiếp nhận được từ cuộc sống cộng đồng dân tộc mình. Nhưng truyện viết mãi không thể đưa ra đoạn kết, phải đến khi về quê trong dịp hè và hỏi lại bà nội về tục cắt tóc của người thân trong đám tang mới giúp tôi hoàn thành tác phẩm.
Nói thế để thấy Nhau của núi đơn giản là một lời tri ân với núi rừng và huyết mạch dân tộc Tày của cá nhân tôi. Cùng với đó là ghi lại một vài nét phong tục cổ hiện đã không còn giữ được như trước đây để biết là từng có, để nhớ và để chúng gợi thêm cảm hứng cho những sáng tác sau này…
Nhà văn NGUYỄN VĂN TOAN
*******
Anh Thử tôi lọt lòng vào buổi sáng mùa thu. Bà đỡ cắt dây rốn, gom nhau thai anh lại rồi đưa cho bố tôi. Bố cho tất cả vào một ống bương, mang lên gửi cây sung già ở quả đồi sau nhà. Cạnh gốc sung ấy là những tàng cổ thụ khác cất những ống nhau của họ tộc tôi.
Hai năm sau mẹ sinh tôi. Đáng lẽ tôi còn ở trong bụng mẹ non tháng nữa mới ra đời. Mẹ tôi số khổ, bụng chửa vượt mặt mà không được ngơi nghỉ ngày nào. Hôm đó mẹ lên đồi cọ sau nhà nhặt củi. Theo mẹ là chị Tơ mới tám tuổi. Bụng to, mẹ đi lại khó khăn, mỗi lần nhặt một thanh củi phải từ từ ngồi xuống. Trời hè nóng nực, những cánh rừng không có gió, đồi cọ mẹ nhặt củi không có gió. Váy áo mẹ ướt mồ hôi, được một lúc thì mẹ kêu đau rồi ôm bụng nằm vật ra đất. Chị Tơ còn nhỏ chẳng biết gì, chạy đến bên mẹ vừa hỏi vừa khóc. Gạt cơn đau, mẹ bảo chị Tơ chặt lá cọ trải cho mẹ nằm. Lá vừa trải xong, mẹ dạng hai chân gồng mình đẻ tôi. Chị Tơ là người đầu tiên nhìn thấy tôi ra đời. Chị chạy về nhà tìm người giúp. Bố tôi đang đi săn rùa hôi trên rừng già. Bản đang vào mùa, chỉ có nội và mấy bà ké hàng xóm lên đón mẹ con tôi. Nội gom nhau thai của tôi nhét đầy ống bương rồi mang sang khu rừng chống mệnh của dòng họ, treo lên cành một cây sồi lớn. Người Tày chúng tôi họ nào cũng có một cánh rừng chung. Mỗi cây của khu rừng là nơi gửi nhau thai của một người. Đó là một tục lệ từ lâu đời lắm, bà tôi nói làm vậy để cầu mong đứa trẻ mới sinh sẽ được khỏe mạnh như những cây rừng. Cây xanh thì người còn, thế nên dù khu rừng chống mệnh của họ này có thể ở trong đất của dòng họ khác nhưng chẳng ai dám đụng vào những cây ấy bao giờ.
Nhau thai của tôi gửi trên cây sồi lớn, vậy mà bố mẹ nuôi tôi khổ gấp mấy lần người ta nuôi đứa khác. Tôi ốm suốt, hơn một tuổi chưa biết bò. Trong ngôi nhà năm gian hai chái, tôi có một gian riêng, ở đó nội trải chiếu để tôi nằm. Cả ngày tôi khua khoắng chân tay và lúc lắc cái đầu to đùng, khóc suốt. Gào khóc nhiều, hai mắt tôi sưng lên, nước mắt và gỉ chảy ra, kết lại dính hai mí như khâu. Thịt cóc, gián nướng, thú rừng…, không một thứ gì có thể bồi bổ mà tôi chưa được ăn. Bố tôi nóng tính. Có lần đi săn rùa hôi về tay không, vừa lên nhà thấy tôi nằm khóc ngằn ngặt trên phân và nước tiểu, ông bế tôi lên dỗ, tôi càng khóc tợn, ông tức, bỏ tôi xuống nói: “Mày chết không chết, sống không ra sống, cứ làm khổ người ta thế thôi.”
Chật vật, tám tuổi tôi mới vụt lớn lên được.
Lúc này anh Thử đã mười tuổi. Anh tôi sinh ra khỏe mạnh, phải tính ngỗ ngược thích gì làm nấy. Một lần, anh nghịch chết nửa đàn vịt nhà người ta, bố đi tìm bắt được, túm ngược hai chân anh từ đồng về đến nhà. Từ đấy tính anh càng lầm lì, ngang ngạnh. Có người khuyên bố nên gửi anh vào trường nội trú cho bớt nghịch đi. Bố nghe theo.
Từ ngày anh Thử đi học xa, xóm không có đứa trai nào cùng lứa, tôi chỉ còn biết chơi với đám con gái. Các trò của chúng tôi chơi đến ngán. Chỉ từ khi Mẫn đến thì mọi chuyện mới khác.
Đó là một ngày đông giá lạnh. Tôi đang ngồi nghịch đất ở ngã ba đầu xóm thì thấy một người phụ nữ có khuôn mặt u sầu dắt theo một đứa bé đi vào. Đứa bé gái trạc tuổi tôi, khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt đen hiền dịu. Tôi đi theo họ. Đứa bé gái mặc một chiếc áo khoác quá khổ, chốc chốc quay lại nhìn tôi bằng đôi mắt trong veo. Họ đi vào xóm, dừng lại trước ngôi nhà tan hoang của lão Sàng.
Lão Sàng nghiện rượu, hễ say là đánh đập vợ con. Mẹ Mẫn là con cả của lão, cũng là người đầu tiên bước chân ra khỏi ngôi nhà không một ngày yên ả ấy. Không ai biết bà đi đâu làm những gì cả chục năm mà giờ lại quay về. Người trong xóm ai cũng nói: “Nó phải bỏ xứ ấy mà về với lão Sàng thì biết nơi ấy cũng chẳng ra gì.” Người thì đồn, mẹ Mẫn vượt biên sang Trung Quốc, bố Mẫn là người Tàu. Có người bảo bố Mẫn là người trong Nam. Nhưng ác nhất có người nói mẹ Mẫn bỏ lên rừng theo đám săn rùa hôi, nấu nướng, hầu ngủ họ. Thân đàn bà giữa rừng già, cực khổ đến teo tóp, cho đến một đêm khu lán tạm của đám thợ săn bị một con dã nhân đến phá. Nó không giết ai, chỉ bắt người đàn bà duy nhất trong lán đi…
Ngày mới về xóm, mẹ đi đâu Mẫn long tong theo đấy, không dám ở nhà với ông ngoại, cũng chẳng dám chơi với chúng tôi. Lão Sàng đã xọm người vì rượu, ngày đêm dật dờ như ma, đám trẻ cả bản kinh khiếp chứ đừng nói cô cháu gái bé bỏng nhút nhát. Phải bắt đầu vào hè tôi mới nói chuyện được với Mẫn.
Xóm tôi có chung một mó nước, nước chảy ra từ những bụi dong mà ngày tết cả xóm chia nhau lá gói bánh. Nước trong mát chảy xuống phiến đá xanh phẳng lì không cạn bao giờ. Phía dưới phiến đá ấy là ao chung, không rộng nhưng sâu. Chỉ đến ngày tết cá, mọi người mới tháo nước, bắt cá về chia nhau làm bánh. Ngày thường mỗi độ hè, ao là nơi tập bơi của anh em tôi. Lúc anh Thử chưa đi học, hai anh em tôi mỗi đứa một đầu khiêng cái nắp quan tài bằng gỗ vông lẳng xuống ao. Khi thấy chiếc nắp quan tài nổi lềnh phềnh trên mặt nước, anh Thử túm gáy tôi đẩy xuống ao. Sau mấy lần như vậy thì tôi biết bơi. Nhưng tính tôi nhát, từ khi anh Thử đi học, tôi nhiều lần lên ao nhìn thấy nước xanh rì lại tưởng tượng ra bao thứ dưới ấy nên không dám tắm.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Buổi đấy mới đầu hè mà mặt trời hun mái cọ khô đến nổ lạch tạch. Tôi chạy sang ngôi nhà tối om của lão Sàng. Từ khi hai mẹ con Mẫn về, ngôi nhà mới được thưng vách nhưng cũng chỉ là mấy lá cọ được nẹp lại với nhau, bên ngoài nhìn vào vẫn thấy được đầu người bên trong. Tôi thường thấy Mẫn ngồi bên trong nhìn ra, đôi mắt lúc nào cũng buồn buồn như chực khóc. Nhưng hôm ấy ngó nghiêng mãi tôi vẫn không thấy Mẫn đâu. Chột dạ, tôi chạy đến ao thì thấy một mái đầu nhỏ bé đang nhô lên hụp xuống dưới làn nước. Quên hết sợ hãi tôi nhảy ùm xuống, túm tóc lôi kẻ bị đuối lên. Từ đấy tôi và Mẫn không lúc nào rời nhau. Cả bản thường lêu lêu hai đứa là vợ chồng nhỏ. Trêu chọc cũng không khiến chúng tôi rời nhau, cho đến khi tôi và Mẫn mười hai tuổi.
Ngày ấy cũng mùa hè như ngày tôi sinh, trời nắng to, không gió. Chúng tôi cùng nhau lên đồi lấy củi. Càng đi lối mòn càng dốc. Những con dốc chúng tôi đã quen nhưng dưới tiết trời này vẫn khiến cả hai mồ hôi chảy ướt người. Hết dốc, hai đứa ngồi nghỉ trên mom đất lưng đồi. Chợt nhớ ra cây bứa ở gần thác Vằng Xanh, tôi chạy nhanh về phía ấy. Mẫn chạy theo sau. Tôi hái những quả bứa chín vàng xuống hai đứa cùng ăn. Từ dưới con thác, gió thổi hơi nước lên mát lạnh dẫn dụ chúng tôi. Loáng sau cả hai đã đứng trước con thác ầm ào. Như mọi khi, cả hai để nguyên áo quần nhảy xuống bơi lội. Ngày trước mỗi khi chơi trò đuổi bắt tôi đều vô tư ôm lấy người Mẫn mà không chút ngại ngùng. Nhưng giờ đây khi Mẫn rời vũng nước lên bờ, lớp vải mỏng manh dính vào da thịt, những nét mịn màng đầu tiên của cơ thể lộ ra, hai mắt tôi bị hút vào, mê đắm.
Sau khi vùng vẫy thỏa thích, hai đứa xách dao vào rừng kiếm củi. Cánh rừng hoang vắng không bóng người, chỉ có tiếng ve kêu mệt mỏi. Thi thoảng tôi lại nhìn về phía Mẫn. Mẫn không dám đi xa chỗ tôi. Nhưng lúc sau, mải nhặt củi, tôi đã để Mẫn đi khỏi tầm mắt. Tôi vội đi tìm. Tìm mãi mới thấy Mẫn đang ngồi thu lu, hai tay bịt mắt giấu mặt vào đầu gối. Tôi cất tiếng gọi, Mẫn hốt hoảng ngẩng lên, khuôn mặt đỏ bừng. Tôi ngơ ngác nhìn quanh và chợt hiểu. Dưới một cái hủm gần đó có hai người trần truồng đang cuốn lấy nhau sau bóng cọ.
Đêm ấy tôi mơ thấy mình đứng dưới tán cọ nhìn Mẫn và một người đàn ông làm tình. Người đàn ông, tôi không thể nhìn rõ mặt. Những cử động của họ khiến cây cối xung quanh rung lên, đất dưới chân tôi bùng nhùng. Vùng dậy trong đêm, tôi ngửi thấy mùi tanh trong màn, sờ xuống giữa hai chân, tay tôi chạm vào một thứ nhầy nhựa. Cũng từ hôm ấy Mẫn hay tránh mặt tôi, nếu có cũng chỉ gặp ở chỗ đông người.
Mười lăm tuổi, tôi có chuyến đi săn rùa hôi đầu tiên cùng bố. Bố là người làm mộc giỏi, quá nửa nhà sàn bản này nhờ ông mà nên nếp. Vậy mà chả hiểu sao bố lại nghỉ nghề mộc để dẫn tôi đi săn. Đêm đầu tiên, chúng tôi ở trong một hang đá. Tôi lắng nghe những tiếng rú rít hoang dại không biết phát ra từ đâu. Bố nói đó là tiếng của thần rừng. Trò chuyện một lát rồi mọi người ngủ cả. Chỉ mình tôi thức chong chong. Qua kẽ lá tôi nhìn thấy những ánh le lói của đèn điện nơi xa tít tắp. Tôi mơ mộng về đủ thứ ở chân trời ấy. Rồi tôi nghĩ đến Mẫn. Tôi tưởng tượng ra cảnh hai đứa cùng nhau đi tới những nơi xa xôi. Từ Mẫn tôi lại nghĩ đến chuyện mẹ Mẫn và cuộc sống của bà với đám thợ săn rùa hôi trong rừng. Lại nghĩ về chuyện bà bị con dã nhân bắt đi. Biết đâu cái hang đá này chẳng từng là ổ của nó… Tôi cứ nghĩ mông lung như thế cho tới khi thấy lá cây ngoài cửa hang chuyển từ màu đen sang màu xanh sậm, đây đó có tiếng vượn hót, biết là trời đã sáng.
Sau chuyến săn ấy, tôi về nhà nằm mất hai ngày mới đi lại được. Bố nhìn tôi thở dài thất vọng. Đến lúc ấy thì tôi hiểu. Bố muốn dạy tôi trở thành một chàng trai của núi rừng, cứng cáp và mạnh mẽ như ông. Nhưng tôi chỉ là kẻ yếu đuối và mơ mộng. Bố mắng tôi trong bữa ăn “Tao chẳng trông mong gì ở mày nữa!” Nội ngừng ăn nhìn tôi rồi nói: “Thằng Thánh hay cầm đũa xa, sau này nó không ở nhà đâu.”
Lời nội nói thế mà đúng. Mười bảy tuổi tôi quyết bỏ nhà ra đi. Đêm chia tay tôi nói với Mẫn khi tôi về chúng mình sẽ làm đám cưới. Mẫn nhìn tôi không nói gì. Nhưng trong mắt Mẫn tôi thấy có những đốm lửa sáng. Những đốm lửa ấy cứ cháy trong tôi suốt những ngày lang bạt. Lửa ngày càng cháy rát. Đến một ngày lồng ngực bỏng hực đến không thể chịu nổi, tôi về. Tôi đã mường tượng ra cảnh xóm bản với rất nhiều mừng vui. Nhưng không. Chờ đón tôi là một điều không tưởng.
Đám cưới anh Thử to nhất bản. Bốn mươi thanh niên xúm vào bốn con lợn, một con trâu. Lợn con nào con nấy ngót nghét hai tạ, lông đen dựng đứng, nanh cong vút trắng ởn. Con trâu đực lớn, lúc thường ra khỏi gầm sàn không con trâu lạ nào dám nhìn mặt nó. Rượu sắn, rượu gạo dành cho đàn ông đựng đầy sáu chum bốn người khiêng. Rượu hoẵng cho đàn bà con gái cũng bốn chum lớn. Riêng gà vịt thì không biết bao nhiêu mà kể. Lại thêm tất cả đàn bà, con gái họ nội họ ngoại về giúp nhặt hết những nương rau của nhà chú bác cô dì…
Bố ngồi với ông trưởng họ, thay nhau đốt những bi thuốc lào đậm khói. Rồi ông ném con dao quắm ra, bảo tôi lên đồi chặt lá cọ về lót thớt chặt thịt. Tôi xách dao bước đi như mộng du. “Đi đâu thế ài?” Chị Tơ chặn đường hỏi tôi. Chị vẫn hay gọi tôi bằng cái từ ài thương yêu như thế. Giọng chị lẳng khiến tôi giật mình: “Chặt cọ về mổ lợn cưới cho anh trai à? Vui nhỉ!” Tôi không nói gì, hai mắt đăm đăm nhìn khuôn mặt ửng hồng với mấy sợi tóc dính trên trán ươn ướt mồ hôi của chị. Sau cùng tôi nhìn vào khuôn ngực phập phồng theo mỗi nhịp thở của chị. Khuôn ngực vươn cao thách thức, đàn ông cả bản này thèm. Hình ảnh chị và người đàn ông quấn lấy nhau, nhấp nhô dưới tán cọ năm nào hiện về trong tôi. Tôi buông con dao, tôi lao vào chị. Chị không kháng cự, chỉ cười khinh khích. Tôi dùng tay không bẻ cành cọ đầy gai, lá cọ vừa chạm mặt đất, tôi ghì ngay chị xuống. Gai cọ đâm vào tay túa máu nhưng tôi không hề thấy đau. Chật vật mãi tôi mới bứt được những khuy áo bằng đồng ken đặc trước ngực chị. Bộ ngực đồ sộ trắng hồng bung ra khiến tôi điên cuồng dấn mình. Mùi cơ thể đàn bà quyện với mùi lá mục. Những bộ phận cơ thể nóng rực không ngừng chuyển động. Cây cỏ ngả nghiêng… Phút chốc tôi quên đi đám cưới của anh trai. Quên đi Mẫn.
Ngày còn là thằng bé dặt dẹo, người bế tôi nhiều nhất sau mẹ không ai khác là chị Tơ. Sau lần giúp mẹ sinh tôi trong đồi cọ, chị gần như là người trong gia đình. Những khi bố mẹ đi làm, nội tất tưởi với việc nhà, chị lại đến bế tôi. Những lúc như vậy chị hay âu yếm tôi. Tôi càng lớn chị càng sang nhà tôi nhiều.
Ngày bé tôi hay nghe nội kể về một mụ Mải, điên nhưng đẹp. Cái khổ của đàn bà đã nhiều, mà đàn bà đã điên lại đẹp thì càng lắm. Vì điên nên người đàn bà ấy chẳng biết ai là kẻ khiến bụng mình phình to. Căn lều rách bươm dưới chân núi bao nhiêu đàn ông đã chui ra chui vào. Người trong bản nhớ mãi hình ảnh mụ tã tượi kêu gào trên vũng bùn với cái bụng to đùng, nhắc mãi hình ảnh mụ vừa cười, vừa khóc khi thấy một sinh vật đỏ hỏn chui ra từ giữa hai chân mụ. Sinh vật ấy lớn lên, thành chị Tơ xinh đẹp. Trai bản không ai dám lấy chị, nhưng chẳng kẻ nào không thèm muốn cô gái có nước da trắng như lõi chuối, có bộ ngực rung rinh theo mỗi bước chân ấy.
Tôi ở trong căn lều dưới chân núi của chị Tơ một tuần. Một đêm, sau cuộc nghiến ngấu điên cuồng, tôi lẳng lặng trèo lên đỉnh núi nhìn về phía xóm. “Nhớ nhà thì về đi!” - Chị Tơ đứng sau tôi tự lúc nào nói. “Phải chị có về được không?” - Tôi hỏi dỗi. “Nhà mình mình về, việc gì sợ ai!” - Chị Tơ nói. “Chị vô thân vô thích thì có vướng bận gì?” - Tôi nói. “Biết tiếc sao hồi đấy không ở nhà mà lấy người ta, đi lung tung làm gì?” - Chị Tơ trách móc. Thấy tôi ngồi im chị tiếp: “Chỉ khổ con bé thôi, cái đêm anh cậu…” Rồi biết lỡ lời, chị im bặt, tôi hỏi gì chị cũng không nói nữa.
Tôi nhớ ngày anh Thử bỏ học, đi tứ tung mấy năm rồi về nhà, nước da trắng trẻo ngày nào đã thành sạm đen. Từ cơ thể anh toát ra một vẻ hung dữ bạo liệt khiến tôi sờ sợ. Hai hôm sau anh rủ tôi đi săn. Xa rừng núi mấy năm mà anh Thử vẫn leo dốc như đi đường bằng, tôi thở hộc hộc vẫn không theo kịp. Băng rừng, gặp con trăn mắc võng, anh túm cổ, xỉa dao đúng chỗ có mật móc ra thả tọt vào miệng nuốt ực. Bắt được con rùa hôi đầu tiên, anh cắt tiết nó vào bình tông rượu rồi tu từng ngụm lớn. Chuyến săn của anh với tôi kết thúc bằng một cuộc ẩu đả. Bọn thương lái cân gian, anh Thử chẳng nói chẳng rằng nhấc bao tải rùa lên táng vào đầu tên cân điêu rồi lừ lừ bỏ về. Ba hôm sau, anh lập đội lên rừng xẻ gỗ…
Đêm thứ tám, tôi lẳng lặng rời lều của chị Tơ. Tôi viết cho chị mấy dòng, nói nơi tôi sẽ đi. Một lần nữa tôi đi khỏi bản, bỏ lại đằng sau nỗi buồn vời vợi.
Sau một năm đào vàng ở núi Kim Linh, tôi nhận được tin nhà có người ốm nặng. Tôi trở về chỉ mang theo được bộ dạng tã tượi vì những ngày tháng sống trong rừng sâu núi thẳm. Chẳng ai trong gia đình tôi ốm cả. Nội vẫn khỏe, cha mẹ tôi vẫn lên đồi xuống ruộng được. Chỉ có chị dâu tôi bụng chửa vượt mặt, sắp đến ngày sinh. Người đầu tiên tôi gặp khi bước chân vào nhà là anh Thử. Thấy bộ dạng của tôi anh nghệt ra một lúc chẳng biết nói gì. Bữa cơm đầy đủ cả nhà, tôi cắm đầu ăn mà không dám ngẩng lên một lần. Tôi sợ nhìn vào đôi mắt chị dâu, đôi mắt buồn buồn lúc nào cũng như chực khóc. Cứ sau bữa cơm tôi lại tìm cách ra khỏi nhà rồi lại trở về trong tình trạng người mềm như bún, bẩn tưởi. Khi tôi tỉnh rượu, bố nhìn tôi hầm hừ: “Uống ít thôi, người ta bắc mảng vào mồm mày à?!”
Để tránh mọi người, tôi bỏ sang lều của chị Tơ. Khi phải về, tôi mang rượu vào giường uống một mình. Đầu nhà bên kia là phòng của anh chị. Tôi uống rượu để không phải nghĩ về hai người trong gian buồng ấy. Nhưng càng uống, tôi càng nghĩ đến họ. Tai tôi cứ dỏng về gian buồng ấy để rồi một đêm tôi nghe tiếng kêu của chị dâu. Chị dâu trở dạ. Ngôi nhà đang đêm rộn lên. Anh Thử sang gọi tôi, “Mày giúp anh khiêng vợ đi đẻ.” Hai anh em lấy võng khiêng chị lên trạm xá. Mẹ lịch kịch mang các thứ cần thiết theo sau. Mẹ chưa già hẳn nhưng lưng đã còng, dáng đi tất tả, khuôn mặt khắc khổ đầy lo lắng. Anh Thử lại khác, cứ phăm phăm bước. Mỏi, anh đổi vai mà không thèm báo trước khiến tôi loạng choạng. Tôi nghĩ anh khiêng vợ đi đẻ cũng chẳng khác gì khiêng gỗ trên rừng.
Chị dâu sinh con đủ tháng nhưng cơ thể chị suy nhược. Từ ngoài cửa nhìn vào, tôi thấy mặt chị trắng bệch. Đứa bé đỏ hỏn nằm im bên chị, cả hai thở nhè nhẹ trong giấc ngủ mệt nhoài. Anh tôi chẳng lộ vẻ gì của người vừa được làm bố. Lúc đứa bé cất tiếng khóc chào đời, anh vẫn ngồi rít thuốc lào bình thản.
Khi tôi định về, anh bảo “Ở đây uống chén rượu.” Tôi không nói, lặng lẽ theo anh ra bếp của trạm xá. Tay trạm phó là bạn anh, chị dâu đẻ con trai nên hắn chúc mừng anh suốt. Tôi ngồi ngoài bóng tối nhìn hai người hì hụi nấu nướng bày biện trong gian bếp khói bay lảng bảng. Ánh điện từ bếp hắt ra ngoài thành một vệt sáng tựa một con đường giữa màn đêm. Gà gáy báo hiệu canh năm. Tôi đứng dậy, bước vào vùng sáng, chỉ để xem nó có ấm áp hơn những chỗ tối hay không. Trong căn bếp lộn xộn nồi niêu, củi, bông băng và xi lanh, ống thuốc, một chiếc mâm được bày ra. Ba gã đàn ông chụm đầu vào. Trong mâm chỉ có một đĩa thức nhắm đang bốc khói. Sau tuần rượu đầu tiên, tay trạm phó vừa rót tiếp vừa giục: “Chú em làm miếng đặc sản.” Nhấp chén rượu sắn cay xè, nhìn hắn và anh nhai nhai nuốt nuốt có vẻ ngon lành, tôi cũng cầm đũa nhấp lấy một miếng đưa lên miệng nhai chầm chậm. “Ngon không? Cỡ chú được thưởng thức món này là một may mắn đấy.” “Lòng lợn chứ có gì mà ghê gớm.” “Biết ngay mà…” Gã nháy mắt với anh Thử rồi nhìn tôi cười. “Nhau thai của chị dâu chú đấy!” Cơ mặt tôi cứng lại. Một cơn sóng cuộn rùng rùng từ bụng dưới dồn lên họng tôi. Tôi vội vàng chạy ra sân nôn thốc nôn tháo. Mắt tôi tóe hoa cà hoa cải nhưng tai tôi vẫn nghe thấy trong phòng hậu sản có tiếng đứa bé khóc, tiếng dỗ của chị dâu, tiếng mẹ tôi. Trong bếp, tôi nghe tiếng hai gã đàn ông cười ằng ặc.
Tôi vùng dậy chạy như bay, về phía đầu bản. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có một ý nghĩ ra đi. Nhưng chị Tơ chặn tôi lại ở bãi tha ma. Chẳng bao giờ chị chịu mặc áo có tay, bộ ngực đồ sộ nhô lên, hụp xuống theo nhịp thở.
“Định bỏ đi à?”
“Tôi còn ở đây nổi sao?”
“Không, đừng đi mà!” - Giọng chị yếu ớt van lơn. - “Tất cả đều do tôi mà ra. Đáng ra Thánh không khổ như vậy.”
Rồi chị bất ngờ ôm đầu tôi kéo vào ngực chị. Toàn thân chị rung lên. Qua giọng kể nức nở của chị tôi đã hình dung ra sự việc. Cái sự việc đã đẩy tôi, đẩy Mẫn đến hoàn cảnh trớ trêu này.
Đêm ấy, cái đêm tôi đang ở xa. Bản đầy trăng. Chị Tơ và Mẫn cùng uống rượu mừng một đám cưới trong xóm. Những bát rượu nóng hực. Mẫn uống hết bát này bát khác. Mẫn nói với chị Tơ về tôi. Mẫn hỏi chị Tơ bao giờ tôi về… Rượu vơi lại đầy. Mẫn muốn uống cạn cho vơi nỗi nhớ tôi. Nhưng nỗi nhớ như nước giếng sâu, càng uống càng đầy. Khi say Mẫn luôn miệng gọi tên tôi. Mẫn không biết rằng ở mâm bên cạnh, anh Thử nhìn Mẫn bằng đôi mắt đỏ ngầu hau háu… Rượu tàn, anh Thử dìu Mẫn liêu xiêu trên con đường vắng nhỏ. Trăng đổ vàng trên những tàu cọ im lìm. Và dưới tán cọ ấy Mẫn đã ngả vào lòng anh Thử mà miệng thì luôn gọi tên tôi.
Chị Tơ đẩy đầu tôi ra khỏi ngực chị. Chị ấp hai tay vào má tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi nói những câu rành rọt:
“Khi Mẫn tỉnh rượu thì việc đã rồi. Nó vẫn còn yêu em lắm, em có biết không?”
“Không, tôi không biết! Tôi không cần biết! Tôi chỉ biết là tôi không thể ở lại, chị có biết không!”
Tôi gào lên và vùng khỏi tay chị Tơ.
Tôi đi. Tôi xuôi theo dòng Lô. Tôi chẳng biết mình đi đâu, chỉ thấy núi sau lưng tôi thấp dần, rồi không còn núi nữa. Tôi đã tưởng mình sẽ không bao giờ trở lại cái bản này. Vậy mà tôi lại phải về.
*
* *
Nhà tôi chật kín người, tất cả đều vận đồ trắng. Có tiếng khóc, có cả tiếng cười. Đám ma đã được hai ngày, hết đêm nay là đưa người chết về rừng.
Tiếng kèn ỉ ôi, thê lương, tiếng trống dồn dập tìm đường cho người chết về với tổ tiên. Bố tôi ngồi đơ trên phản như bị thôi miên. Mẹ tôi ngồi dựa vào cây cột cái mà khóc rưng rức, nước mắt chảy tràn khuôn mặt nhăn nheo. Còn kia là bà nội. Nội không khóc. Tuổi nội đã nằm ngoài sự đau thương rồi. Nội ngồi như thể thân cây già cỗi ngắm nhìn những chiếc lá rụng rơi trước mắt mình. Chị dâu lụi cụi quỳ. Trong lòng chị là đứa bé với đôi mắt trong veo. Nó không biết cái gì đang xảy ra. Nhưng đêm nay nó cũng thức trắng.
Bài cúng đưa vong nhắc người thân góp tóc cho người chết. Tôi cắt một nhúm tóc của mình. Chị dâu cắt một nắm tóc dài của chị, cắt một ít tóc hoe vàng của đứa bé. Tất cả cùng với tóc của người đã chết được thầy mo gói lại để mang treo đúng gốc cây đã gửi nhau anh.
Sáng sớm, thầy mo trao gói tóc cho bố. Bố không nói gì, đưa gói tóc cho tôi. Tôi vận đồ trắng, quấn khăn trắng đi vào cánh rừng thiêng của họ. Nắng chưa kịp lên sau dãy núi. Những tán cây rậm rịt lặng yên trong màu xanh đen. Tôi dừng một lúc rồi bước vào. Trước mắt tôi là cây sồi lớn nhất rừng thiêng, lá của nó vẫn xanh rì dù thân cây to mấy người ôm của nó đã nằm sát đất, cành gãy te tua. Vài giọt máu còn bám trên lá đã chuyển màu bầm đen. Hai năm lên rừng xẻ gỗ, số cây anh Thử đốn nhiều hơn cả một đời bố tôi làm thợ. Với anh thế là chưa đủ. Mặc sự cấm cản, lưỡi cưa của anh vẫn bập vào cánh rừng gắn với linh hồn dòng họ. Mẹ tôi nói hôm ấy trời mưa, đống lửa anh đốt đã ăn gần hết gốc cây sồi, chỉ cần một đường cưa là đủ hạ. Và cây sồi đã đổ. Tiếng đổ tạo nên một cơn bão khủng khiếp làm rung chuyển cả khu rừng. Và trước lúc lìa đời của cây sồi dân bản cũng nghe được tiếng thét cuối cùng của anh tôi...
Tiếng kèn xin đường đã vang lên. Người cầm bó đuốc cháy đùng đùng đã xuống thang. Tiếng khóc đồng loạt vang lên thống thiết. Đoàn người áo trắng u sầu đưa xe tang anh tôi theo lối mòn lên bãi tha ma. Tiếng kèn thê thiết len lỏi vào từng tàng cây.
Một cơn gió lạc thổi vào khu rừng của dòng họ. Những cành cây khẽ rung lên. Một chiếc lá xanh rụng xoay tròn trong sương sớm.
Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/ 2016
N.V.T
VNQD