Nơi biên cương phía biển

Thứ Sáu, 04/08/2023 00:22

. NGUYỄN MẠNH HÙNG
 

Tôi đi biển cùng những người lính biển cũng nhiều, nhưng cảm giác háo hức lần nào cũng như nhau. Lần này, thậm chí còn thêm chút rộn ràng bởi Thượng tá Cao Thanh Hải, cán bộ Phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển lập group “Nhóm văn nghệ sĩ VBB” (VBB: Vịnh Bắc bộ) trên Zalo gồm bảy văn nghệ sĩ quân đội đi thực tế chuyến tuần tra chung vùng phân định Vịnh Bắc bộ của Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc. Chưa gặp nhau nhưng chúng tôi nhộn nhịp bàn tán về chuyến đi trên nhóm, từ việc mang mặc đến kế hoạch trên tàu…

14h kém 15p ngày 9/4/2023 chúng tôi vào khu neo đậu của Hải đoàn 11, Vùng Cảnh sát biển 1 để lên tàu. Cách tàu chúng tôi một đoạn, con tàu gỗ nhỏ của ngư dân nằm ngái ngủ lắc nhẹ theo nhịp sóng. Một cậu bé mặc chiếc áo trắng viền xanh ở cổ kiểu lính biển từ trong khoang lom khom chui ra. Đứng ở mũi thuyền, đưa tay quệt mũi, cậu ngước về phía 2 con tàu màu trắng lừng lững in vào nền trời với lá cờ đỏ sao vàng đang bay nhẹ và chiếc ra đa hai cánh như chiếc chong chóng khổng lồ kiên nhẫn chầm chậm quay đều. Cậu nghĩ gì? Tôi chợt mỉm cười, biết đâu cậu đang khát khao được khoác lên người bộ quân phục rằn ri tím than Cảnh sát biển, chỉ huy con tàu to hơn kia vượt trùng khơi.

Đúng 14h, tiếng hô đều 5... 4... 3... 2... 1... 0 của người chỉ huy và các thủy thủ dõng dạc vang lên. Chiếc kì hạm mang số hiệu 8004 với dòng chữ lớn bên mạn “Cảnh sát biển Việt Nam” màu trắng hú lên hồi còi dài lưu luyến chào đất liền.

Trời lắc rắc mưa lạnh. Ngoài khơi, biển như tấm thảm màu tối rải hút tới đường chân trời. Tôi mở sổ, hít một hơi thật sâu khí biển rồi chầm chậm thở ra, nắn nót ghi: Hải trình cương hải.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cùng đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và bà con ngư dân tử nạn trên biển Bạch Long Vỹ. Ảnh: Thành Duy

Những người thức cùng biển

Đêm đầu tiên trên tàu, hơn 1h sáng tỉnh giấc, tôi đi lên boong. Có vẻ như càng ra xa, biển càng ấm. Phía đuôi tàu, chân vịt quạt nước cuộn như sông mùa lũ. Giữa khoảng đen mênh mông nhòa biển trời, duy nhất đốm sáng rất xa không biết của hải đăng hay một con tàu nào đó dềnh lên hụp xuống. Nhìn nó, trong tôi vẫn dội lên cảm giác cô độc của kẻ lạc đêm giữa vùng không mông quạnh. Ngay bên dưới bậc cầu thang xuống tầng hầm nước rồ vào tung bọt trắng xóa. Trên tàu, những người lính vẫn đi lại làm nhiệm vụ. Thấy phòng bếp đèn sáng tôi bước vào. “Sao ngủ muộn vậy?” “Cháu vừa hết ca gác, tranh thủ vào đây gấp mấy cái khăn trải bàn vừa giặt, sấy xong để lấy máy cho anh em sáng mai giặt quần áo.” Người lính cảnh sát biển dừng tay, đổ thêm ít nước nóng vào ấm trà trên bàn rót mời tôi sau đó tiếp tục công việc của mình.

Cậu tên là Lâm Văn Hanh, quê Hưng Yên, năm nay suýt soát ba mươi tuổi. Trước Hanh đóng quân ở Vũng Tàu, được đơn vị tạo điều kiện về Vùng 1 Hải quân ở Hải Phòng vì hoàn cảnh gia đình. “Hanh vợ con thế nào?” Tôi hỏi. “Khó lắm chú ơi! Con gái bây giờ họ kĩ càng chuyện chồng con lắm. Cháu là con trưởng trong nhà, lại là đích tôn, bố mẹ đau yếu, chị lấy chồng xa, lương chuyên nghiệp được mấy đâu, lại xa nhà thường xuyên. Tìm được người chấp nhận lo cho mình ngần ấy vai không dễ…” “Thế bây giờ đã ngắm nghía được ai chưa?” “Dạ chưa. Nhưng hi vọng đơn vị tạo điều kiện chuyển ra ngoài này rồi, việc tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn.”

Rồi Hanh cười, gấp chiếc khăn cuối cùng vuốt lại thẳng thớm, đặt lên chồng, chỉnh lại ngay ngắn sau đó mới yên tâm quay ra dọn dẹp tiếp. Nhìn Hanh, tôi chợt nghĩ, một người nhỏ nhẹ, chịu khó, có ý thức vì mọi người, lại luôn hướng về gia đình như thế, chắc chắn cậu sẽ sớm tìm được người tâm đầu ý hợp.

Để Hanh tranh thủ chợp mắt mai còn tiếp tục công việc, tôi bước ra ngoài. Phía trên, nơi gần mũi tàu, ánh điện hắt lên lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay in vào trời đêm đầy kiêu hãnh. Sau hai nhịp cầu thang lên, tôi tiến về phía buồng lái. Trong phòng không bật điện, ánh sáng từ các màn hình điều khiển hắt lên làm nhòa đi gương mặt những người lính nhưng vẻ cương nghị, bình thản từ họ vẫn toát ra. Tất cả đang chăm chú quan sát, điều khiển con tàu vượt sóng trong đêm hướng về phía biên giới biển. “Bao giờ chúng ta sẽ tới điểm 21 đông bắc đảo Cồn Cỏ vậy?” Tôi hỏi sau khi đánh tiếng bước vào. “Tầm khoảng chiều tối ngày mai đấy anh!” Tiếng trả lời của một người lính trung tuổi ngồi phía ngoài cùng. Trước mặt anh, màn hình camera đen trắng hiện lên mặt biển khẽ dập dềnh. Anh là Thiếu tá Nguyễn Thế Hưng, nhân viên ra đa của tàu. Anh Hưng năm nay 50 tuổi, có hai con, một gái và một trai. Gia đình hiện ở Hải Phòng. “Mấy năm nữa tôi nghỉ hưu rồi. Bao năm lênh đênh trên biển, cũng thèm nghỉ ngơi, thèm ở gần bù đắp cho vợ. Các con khi ấy cũng trưởng thành. Nhà ở Hải Phòng để cho chúng. Đứa nào ở thì ở. Hai vợ chồng sẽ về quê ở Thanh Hóa. Dù chẳng giầu có gì, nhưng có lẽ, tôi sẽ không đi làm thêm mà vui thú công việc vườn tược, trồng rau sạch, nuôi con gà ngon, để con cái về thăm nó ăn rồi mang đi. Thế là thấy cuộc đời mình đủ ý nghĩa.” Rồi anh cười sảng khoái: “Chứ tiền nhiều mà để làm gì. Sống vui, sống khỏe, sống có ích. Mục tiêu tối thượng của tôi chỉ đơn giản vậy thôi!”

Trung tá Nguyễn Trọng Thắng, nhập ngũ năm 1993 quê Hưng Yên làm nhiệm vụ lái tàu thì nhớ nhất lần đầu tiên say sóng của mình. Say không ngóc được đầu dậy, không muốn ăn uống gì. Lúc nào cũng chỉ muốn nôn ọe dù chẳng có thứ gì trong bụng. Nôn xong rồi thấy dễ chịu nhưng chỉ một chút lại lộn lạo muốn tống cả mật xanh mật vàng ra ngoài. Mồ hôi lạnh vã ra, chóng mặt, trong đầu, trong bụng, trong ngực lúc nào cũng như có sóng nhồi. Cứ liên tục như thế khoảng một tháng thì quen. Đã quen rồi thì chỉ có “mình làm cho sóng nó say” chứ không còn chuyện sóng hành mình nữa. Anh bảo, nghề lái tàu, các giác quan phải luôn thính nhạy. Nghe tiếng máy nổ hơi khác, ngửi thấy mùi lạ, thấy gì đó hơi bất thường thôi là phải kiểm tra ngay. Là người gắn bó với kì hạm 8004 từ ngày đầu tiên khi nó được biên chế cho lực lượng Cảnh sát biển, anh và một số đồng đội được chuyên gia Hà Lan dạy một năm để nắm vững các kĩ năng xử lí điều khiển.

“Giữa điều khiển tàu lôi ngày xưa và tàu kì hạm 8004 bây giờ khác nhau thế nào?” Tôi tò mò.

“Thì anh cứ tưởng tượng, tàu lôi ngày xưa kiểu như xe máy, còn kì hạm giống như một chiếc ô tô. Nó cũng có thể gặp sự cố, cũng phải căn hướng, căn đường… Lái tàu vất vả nhưng cũng có nhiều khoảnh khắc tuyệt vời lắm anh.” Nguyễn Trọng Thắng đột ngột chuyển đề tài. “Có lần mình gần như mê đi khi bắt gặp hoàng hôn, mặt trời chuẩn bị chạm mặt biển, ánh sáng tán sắc vồng lên hai bên phía chân trời hệt đôi cánh vàng, hắt xuống biển một vệt như chiếc đuôi của nàng tiên cá. Rồi trăng. Khi mới nhô lên, nó giống quả hồng chín mọng treo lơ lửng trước mũi tàu, nhìn chỉ muốn cắn một phát ngập răng. Sau đó chuyển dần sang màu vàng, nhỏ dần lại. Mặt biển cũng thế, đầu tiên là rắc muôn ngàn cánh hoa hồng thơm ngát, sau đó biến dần thành những vẩy vàng lấp lánh. Đêm sắp cập bờ, từ tàu nhìn thành phố lung linh rực rỡ thích vô cùng”.

 

Chim sẻ giữa biển khơi

Sáng ngày 10/4 các phóng viên và văn nghệ sĩ lên boong mượn quân trang Cảnh sát biển để tiện trong quá trình tác nghiệp. Trong khi chờ đến lượt, tôi ra mạn tàu đứng ngắm biển và phát hiện chú chim có cái đầu nhỏ, cái ức nâu vàng giống chim ri đậu trên thành phía đuôi tàu. Chú chim ngó nghiêng xung quanh rồi nhảy nhảy những bước ngắn nhưng nhanh nhẹn trên lan can, những chiếc lông mềm bị gió thổi lật lên lật xuống. Đột nhiên, chú tung cánh chấp chới bay ngược về phía mũi tàu một đoạn rồi quay về đậu lại chỗ cũ. Lần này không ngó nghiêng nữa, chú ngẩng cao đầu như khẳng định chắc chắn rằng biển an toàn, sau đó kiêu hãnh cất mình lên không trung và bay ngược lại về phía chiếc 8003 đang rẽ sóng phía sau tàu chúng tôi một đoạn. Chắc chú lên tàu từ trong bờ và theo hành trình tới đây. Nhìn chú, tôi bật cười thành tiếng, chợt nhớ tới hai người lính trẻ tôi mới quen trên tàu.

Đó là Trung sĩ Mai Tú Anh và Trung sĩ Trần Hữu Thịnh làm công việc phục vụ trên tàu. Cả hai dù không cùng quê (Tú Anh quê Thái Bình, Thịnh quê Ninh Bình), tính cách và vẻ ngoài có phần… trái ngược, Tú Anh thư sinh, trắng trẻo, nhanh nhẹn, nói liến thoắng, còn Thịnh mặt vuông chữ điền, người đậm, rắn chắc, bắp tay cuồn cuộn, tính điềm đạm, ít nói nhưng lại rất thân nhau. Cả hai cùng nhập ngũ đợt đầu năm 2022, cùng học lớp sơ cấp 6 tháng về tàu. Tú Anh học chuyên ngành vũ khí còn Thịnh học lái tàu. Nhìn hai cậu líu ríu chạy đi chạy lại như con thoi, thi thoảng lại chọc nhau một hai câu, tôi như thấy mình trở lại cái thời mới nhập ngũ. Chờ đến gần trưa, khi công việc của hai người đã vãn, thấy bóng Mai Tú Anh lấp loáng sắp về đến phòng, tôi rảo bước, chờ cậu ngay cửa để lấy cớ “đột nhập hang ổ”. Tú Anh cười rất tươi chào tôi từ xa mở cửa mời tôi vào phòng. Thịnh đang nằm ở nệm, thấy tôi cậu nhổm dậy. Câu chuyện của ba chú cháu nổ như pháo rang khi tôi kể cho hai cậu nghe những chuyện chọc nhau thời tân binh của mình. Còn hai cậu thì “tố” nhau mỗi khi có cơ hội. Đây là chuyến đi biển thứ hai của cả hai. Lần đầu là tháng 12 năm ngoái đi trực chứ không phải tuần tra thế này. “Thế đi trực và tuần tra cái nào thích hơn?” “Trực thì đỡ hơn…” Tú Anh chưa nói hết câu Thịnh đã tiếp lời: “Mỗi hình thức có cái hay khác nhau. Cùng được trải nghiệm một chuyến đi biển nhưng trực tàu neo một chỗ, đỡ vất vả nhưng hơi buồn. Còn tuần tra thế này đông vui và di chuyển liên tục nhưng công việc luôn chân luôn tay, chẳng có thời gian mà buồn. Lần cháu đi trực ở Trường Sa gặp sóng to, lúc nấu ăn bị đánh đổ mất bao nhiêu đồ.”

Rồi Thịnh hồ hởi như một chàng thủy thủ dày dạn sóng gió: “Gặp sóng to, tàu neo lại càng bị lắc vì nếu chạy sẽ nương theo hướng sóng hoặc gối sóng tránh được sóng đánh vào mạn. Nếu tàu dừng mà sóng to đánh vào mạn thì phải chạy sao cho tàu nương hướng sóng mới thả neo.” “Thế thả neo, nhổ neo thì thế nào?” “Đúng phỏm của hắn rồi đó chú!” Tú Anh nhỏm dậy chen vào. Thịnh tảng lờ câu nói của Tú Anh, tiếp tục: “Neo tay thuyền gỗ chỉ tầm chục cân vài người có thể quay tời kéo được chứ với tàu lớn thế này, một mắt ma ní mấy chục cân, không dùng máy thì sao kéo được. Khi thả neo, có máy để kiểm tra độ sâu. Dưới 50m thì thả xuống luôn còn trên 50m thì thả từ từ từng mắt ma ní một sau đó bung hết xích ra cho nó cắm xuống.”

“Thế hai cháu có cảm xúc gì khi ngay trước mắt mình là biên giới biển của Tổ quốc?” “Tự hào chứ chú!” Tú Anh nhanh nhảu. “Mỗi khi thấy Thịnh thả neo, nhổ neo tàu ở khơi xa, cháu lại trêu: Cậu thả neo để neo biển, vớt biển lên tàu cất à! Mà cháu nghĩ nó có khác gì anh lính đảo xúc cát hất lên để “đảo không bị trôi dạt” trong Đảo chìm mà chú Trần Đăng Khoa viết đâu.” Câu trả lời hóm hỉnh của Tú Anh khiến tôi bật cười và hai cậu cũng cười theo.

Nói về ý định công việc sau khi hết nghĩa vụ, Tú Anh bảo sẽ làm nghề ảnh hoặc thợ làm tóc. Nhìn bàn tay với những ngón thon thon, tôi nghĩ cậu sẽ hợp với những nghề có thiên hướng liên quan đến sự khéo léo và sự lựa chọn ấy có vẻ hợp lí. Thịnh chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì Tú Anh đã nhổm dậy nhanh nhảu: “Sĩ quan Cảnh sát biển tương lai đang trước mặt chú đấy!” Thịnh khẽ chớp mắt như xác nhận rồi nói thêm. “Vâng, nhưng đấy là nếu như thôi, còn không được, có lẽ cháu sẽ chọn một nghề gì đó cần sức khỏe, như xây dựng chẳng hạn.”

“Sáng nay chú thấy có một con chim đậu ở phía lan can đuôi tàu…” Tôi chưa nói hết câu Tú Anh đã tiếp: “Có phải con chim to gần bằng nắm tay màu nâu đen, một lúc sau thì nó phi xuống biển không? Khi sáng, cháu thấy nó đứng trên lan can, một chân rụt rụt. Nghĩ nó bị làm sao, cháu lom khom luồn phía sau để bắt xem. Nếu nó bị thương không kiếm được mồi thì sẽ cho nó chút thức ăn. Ai dè lúc cháu nắm được thì nó giật mình kêu toáng lên. Hóa ra là nó đang rình mồi. Cháu buông tay nó phi thẳng xuống biển rồi mất tăm dưới mặt nước luôn!” “Thế nó… làm sao à?” Tôi lo lắng. “Không làm sao cả. Mà nó là chim biển. Nó có thể lặn lúc lâu dưới nước để bắt cá.” Tôi thở phào khi nghe Tú Anh giải thích và biết con chim đó không phải con tôi nhìn thấy.

Lúc chia tay về phòng, tôi than vãn về việc đau lưng khi nằm đệm. Thịnh bảo đấy là do đệm mềm, thêm sóng lắc, kiếm cái gì cưng cứng như bìa các tông kê thêm nằm đỡ ngay.

 

Người lính Cảnh sát biển ở… sa mạc

Đó là Đại úy Vũ Hồng Hưng, trợ lí phòng khí tài, Cục kĩ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được tăng cường cho tàu 8004 trong chuyến tuần tra này mà tôi gặp trong một lần hai anh em cùng đứng ngắm biển ở mạn tàu. Hưng có gương mặt dài sạm đen hơi gầy, mắt lấp lánh, miệng lúc nào cũng như chuẩn bị nhoẻn cười pha trò của người vui và thẳng tính. Quê Hưng ở Kim Sơn, Ninh Bình, gia đình hiện đang ở Hà Đông. Trước đây Hưng công tác ở Hải đội 202, Vùng Cảnh sát biển 2, đóng quân ở Quảng Bình. Tháng 4/2021, Hưng nhận nhiệm vụ tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. Sau gần một năm tập huấn trong nước, tháng 2/2022, anh lên đường làm nhiệm vụ quốc tế 1 năm, mới về nước tháng 2/2023. Hưng bảo, những ngày bên đó mới thấm thía hết giá trị của hòa bình. Nguy hiểm rình rập mọi nơi, ngày nào cũng có người chết vì xung đột. Nhiệm vụ của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đó là bảo vệ dân thường. Chẳng hạn, khi xung đột xảy ra ở một làng nào đó, sẽ tiến hành sơ tán họ đến một nơi an toàn và bảo vệ. Trên cương vị sĩ quan quan sát viên quân sự AUNM (Nam Sudan), nhiệm vụ của Hưng là tuần tra trong bán kính 150km thuộc khu vực phân khu Bắc. Để nắm tình hình, xe của Hưng nhiều lần phải mở lối mà đi, đè cây mà tiến.

Hưng chia sẻ: “Người dân bên ấy quý bộ đội Việt Nam lắm anh à. Một lần đi thực hiện tuần tra tại khu làng cách nơi ở khoảng 45km, dân làng chưa hiểu nên không thiện cảm với nhân viên UN (Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc) và họ không muốn gặp. Sau vài lần bất thành, em và đồng chí phiên dịch mới tiếp cận được trưởng làng. Quả thực, khi đó em cũng khá căng thẳng. Đây là cơ hội nếu không nắm bắt được sẽ khó có lần thứ hai. Em đặt ra nhiều tình huống và cách xử trí. Lúc bước vào nhà, em hơi chột dạ khi bắt gặp gương mặt trưởng làng khó đăm đăm. Lúc giới thiệu mình là người Việt Nam, thấy gương mặt ông ấy giãn ra, mỉm cười đứng dậy giơ tay ra bắt, em tự tin hẳn. Phải thật chân thành! Em tự nhủ. Bằng thái độ trân trọng, hòa nhã, em giải thích rõ nhiệm vụ, quyền hạn mà những người lính Liên Hợp Quốc bọn em đang làm để bảo vệ và giúp đỡ người dân. Sau nửa tiếng thuyết phục, cuối cùng họ đã cùng ngồi vào thảo luận, thay đổi về cách nhìn đối với UN. Kết thúc, họ hỏi về Việt Nam rất nhiều. Em nói đến những đế quốc sừng sỏ mà ta đã chiến thắng trong lịch sử, cùng sự phát triển kinh tế trong nước những năm gần đây. Họ nghe và thán phục lắm.”

Những ngày bên đó, nhóm của Hưng còn có cả những người lính Papua New Guinea, Ấn Độ và một vài nước khác nữa. Ngoài giới thiệu về lịch sử, văn hóa Hưng còn làm nem rán, nem thính, nấu lẩu thập cẩm, tặng tranh vịnh Hạ Long, chùa Một Cột… cho mọi người. Dù mỗi người mỗi quốc gia, nhưng nhóm của Hưng, anh em sống với nhau như một nhà.

“Thế lúc biết tin Hưng đi vợ Hưng thế nào?”

“Ban đầu cũng hơi sợ và lo. Nhưng khi em sang rồi kể tình hình, việc bảo đảm an toàn cho Lực lượng UN bọn em ra sao vợ cũng yên tâm dần. Với lại giờ liên lạc thuận tiện, ngày nào cũng gọi nên động viên vợ cũng dễ.”

Biên giới biển

Đến tận cuối chiều ngày 10/4 mặt trời mới nhô hẳn khỏi mây, trải hoàng hôn xuống mặt biển. Tôi đứng trên boong, gió thổi mát rượi. Loa tàu thông báo, sau một hành trình dài tàu đang neo tại điểm 21 giáp đường phân định Vịnh Bắc Bộ để chuẩn bị cho chuyến tuần tra liên hợp. Thấp thoáng phía xa là hai con tàu màu trắng mang quốc kì Trung Quốc có số hiệu 4304 và 4302 với dòng chữ CHINA COAST GUARD (Cảnh sát biển Trung Quốc). Nhìn những dát vàng trên lưng sóng kéo dài ra tới tàu nước bạn, trong tôi chợt xao lên ý nghĩ về chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đứng cạnh tôi là Lê Mạnh Thường, cán bộ phòng Chính trị Vùng Cảnh sát biển 1. Anh là cộng tác viên văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội nên câu chuyện giữa tôi và anh khá cởi mở. Chỉ về phía con tàu Trung Quốc anh chia sẻ: Năm 2016, Cảnh sát biển hai nước chính thức kí biên bản hợp tác về thực thi pháp luật trên biển. Kể từ đó, nội dung hợp tác ngày càng thiết thực như giao lưu sĩ quan trẻ, thủy thủ các tàu hai bên sang thăm nhau; hai bên cùng cử cán bộ sang học tập những kinh nghiệm về chống cướp biển, tội phạm trên biển; thường xuyên thông báo tình hình trên biển của mỗi nước, đặc biệt là về việc tàu cá của các nước vi phạm vùng biển để các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở giúp ngư dân thực sự tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật, yên tâm đánh bắt trên vùng biển của nước mình. Việc tuần tra chung từ đó đến nay đã có 24 cuộc. Lần thứ 25 này phát triển thêm một bước, đó là lần đầu tiên người đứng đầu Cảnh sát biển mỗi nước làm trưởng đoàn mỗi bên, trong quá trình tuần tra sẽ tiến hành hội đàm trên tàu của mỗi nước.

“Đường phân định chính là đường biên giới biển phải không? Nó ở chỗ nào và cách tàu mình bao xa?” Tôi háo hức hỏi.

“Đường phân định có thể coi là đường biên giới biển. Quá trình tuần tra, tàu mỗi bên sẽ đi cách đường phân định 0,25 lí tức là chưa đến 500m.” Lê Mạnh Thường trả lời luôn.

Tôi nhìn theo hướng tay Lê Mạnh Thường chỉ và tưởng tượng ra một lằn nước kéo dài tít tắp về phía chân trời. Lằn nước ấy vô hình nhưng cũng rõ ràng hơn bao giờ hết. Không mốc giới nhưng lại luôn vững vàng, sừng sững hai chữ chủ quyền thiêng liêng.

Sau một đêm chạy dọc biên giới biển, sáng 12/4 tàu neo lại để đón đoàn Cảnh sát biển Trung Quốc do Thiếu tướng Uất Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc sang hội đàm sau đó lại tiếp tục chạy. Chiều muộn ngày 12/4, trời lâm thâm mưa. Sương biển giăng nhẹ. Tàu thả neo tại vị khu vực đảo Bạch Long Vỹ, nơi 9 phi công của máy bay tuần thám CASA 212 năm 2016 hi sinh vì sương mù trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm phi công trên chuyến bay Su - 30MK2 gặp nạn. Phía sau, tàu 8003 cũng thả neo, tất cả thủy thủ đều đứng bên mạn tàu, thành kính hướng về phía tàu 8004 cùng làm lễ dâng hương và thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh và bà con ngư dân tử nạn trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Khi lời tưởng niệm của Đại tá Bùi Đại Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vừa cất lên, một chú chim nhỏ không biết từ đâu xuất hiện. Chú lượn một vòng trên không trung rồi bay vào đậu lên lọ hoa cúc vàng trên bàn thờ, đứng im nhìn xuống đoàn công tác đang đứng nghiêm tưởng niệm những người lính hi sinh và các ngư dân tử nạn.

Tôi bỗng giật mình. Chính là chú chim hôm trước mà tôi nhìn thấy. Khi lời tưởng niệm sắp kết thúc, chú cất mình bay về phía Trung sĩ Mai Tú Anh trang nghiêm trong quân phục Cảnh sát biển với găng tay trắng bồng súng đứng tiêu binh nơi cầu thang dẫn lên buồng lái. Chú chim đậu vào cánh tay Mai Tú Anh, sau đó bay lên đậu trên cột cờ ngắm quốc kì Việt Nam tung bay trong bầu trời vừa hửng...

*

*     *

Chiều 13/4/2023, chuyến tuần tra dọc đường phân định Vịnh Bắc Bộ kết thúc. Chúng tôi chia tay trong giai điệu êm dịu nhưng cũng đầy hào hùng của bản Hành quân cùng sóng biển mà thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu sáng tác trong ba ngày đi dọc biên giới biển.

Hành quân cùng sóng gió/ tiếng hát bay theo con tàu…

Giờ đây, mỗi người lại về với công việc của mình. Nhưng có lẽ, không chỉ riêng tôi, đường lằn nước cương hải phân định Vịnh Bắc Bộ sẽ mãi mãi khắc dấu trong tâm khảm mỗi người trong chuyến tuần tra này.

N.M.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)