Những nhịp cầu liên tưởng
(Đọc Thơ buổi sáng của Nguyễn Đức Tùng, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
Đọc tập Thơ buổi sáng của Nguyễn Đức Tùng khiến tôi mường tượng đến hình ảnh một nghệ sĩ điêu khắc tài hoa với khả năng quan sát tỉ mỉ, xếp đặt các chi tiết liền mạch già tay, tạo nên sự cộng hưởng của nhiều chiều không gian. Cách sắp đặt ấy không phải đến từ sự ngẫu nhiên mà luôn có trong chủ ý nghệ thuật ở thơ ông.
Nguyễn Đức Tùng là người kể chuyện bằng lối điềm tĩnh, súc tích. Thơ ông không chiều chuộng lối tiếp cận bay bổng lãng mạn hay mềm mại uyển chuyển. Sự thô ráp, góc cạnh của những ảnh hình trong thơ Nguyễn Đức Tùng nhiều khi thách thức người đọc, buộc họ phải suy tư, nghiền ngẫm. Đó không phải là “phương trời khơi vơi hoằng viễn” xa xôi ảo mộng. Nó hiện diện ngay trong lớp ngôn ngữ, thú vị trong từng cách ngắt dòng: Người đưa thư/ Dựng xe đạp trước nhà/ Ngồi uống với dì tôi một tách trà/ Rồi lặng lẽ cáo lui/ Không biết dì tôi không biết chữ/ Trong phong bì là giấy báo tử (Chiến tranh). Bài thơ có tên là Chiến tranh mà không một tiếng súng, không một tiếng khóc, không một dòng thể hiện trạng huống xúc cảm bi thương. Nhưng nó kéo con người về một vùng tâm cảm, mở ra một không gian đầy mất mát li biệt, của đau đớn ứ nghẹn, của những hình dung về sự khắc nghiệt đến tàn nhẫn mà chiến tranh gây nên. “Chuyện” trong bài thơ được “kể” bằng sự tỉnh đến thản nhiên, yếu tố bất ngờ ở câu thơ cuối đủ khiến người đọc lặng người. Xúc cảm được nén chặt cho một sự bùng vỡ trong không gian suy tưởng của mỗi người.
Có thể thấy trong thơ Nguyễn Đức Tùng yếu tố bất ngờ luôn khiến cho bài thơ bật sáng, mở ra mênh mông những liên tưởng, để lại nhiều xúc động: Thật vui mừng/ Ngồi quán bên đường/ Trước tô bún bò bốc khói/ Đặt ba lô lên bàn// Trước khi ăn cúi lạy một lạy/ Trong ba lô là nắm đất nhỏ/ Trong nắm đất một người về quê cũ (Thật vui mừng). Để kể được câu chuyện của mình một cảnh nhẹ nhàng mà chứa đựng sức nặng vô hình như vậy nhà thơ phải là người đã trải qua nhiều ngẫm ngợi, nhiều thể nghiệm để tìm cho ra giọng của mình, hay chính xác hơn, đó là lối viết nhiều ám ảnh. Những bài thơ của Nguyễn Đức Tùng không đi tìm thông điệp lớn lao mà ngấm vào người đọc bởi những ý nghĩa sâu sắc, những khoảnh khắc xúc động, đó mới là điều mà nhà thơ tìm kiếm.
Trong tập thơ này, Nguyễn Đức Tùng cũng cho thấy sự đa giọng điệu của mình. Ông không khuôn cứng một lối thể hiện trong thơ. Sự đa sắc ấy gỡ bỏ những nhàm chán của rành rẽ một lối, đưa người đọc dạo chơi những khúc quanh, đường cong để phập phồng thụ cảm, thi vị thám phá: Nếu chúng ta còn nhớ đường về/ Hãy chờ anh/ Ở chỗ dòng sông nước chảy chậm/ Hãy để chiếc lá/ Chẻ đôi/ Sự giận dữ của chúng ta/ Trước cuộc đời/ hung/ hãn/ này… (Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời). Ngôn ngữ thơ Nguyễn Đức Tùng cũng đứng hẳn về phía bình dị, gần gũi nhưng đủ gợi nên những câu chuyện đậm đà sắc vị: Sau cái chết, nếu trở lại/ Anh sẽ trở lại vì một buổi sáng/ Một buổi sáng chín trên cành/ Như trái ổi xanh/ Bỗng chín/ Nhưng không rụng xuống/ Vì hãy còn xanh (Thời gian).
Thơ buổi sáng, thơ của bình minh dần hươm nắng, của sắc vóc thanh tân, nhưng đó cũng là thời điểm nhòa dần của vầng trăng lạnh khuya qua. Vầng trăng của cô đơn và minh triết.
VÂN PHI giới thiệu và chọn
Một ngày vui nhất
Trong nhiều năm xa em
Anh chỉ có một ngày vui nhất
Đó là ngày thức giấc
Nhìn thấy con châu chấu
Bỗng nhiên đứng đó trên bàn
Giương mắt nhìn anh
Như nhìn một lá cỏ
Một con châu chấu nhỏ
Ở tầng thứ mười lăm
Sau mười lăm năm
Leo lên được tới đây
Bằng cầu thang máy
Hay bay qua không gian
Đứng nhìn không nói năng
Một gã đàn ông
Đang nằm trong chăn
Vừa mở mắt dậy
Sau một giấc mộng
Nó xòe đôi cánh mỏng
Nhưng không bay được
Mà chỉ nhảy
Như một ý tưởng vậy
Mang qua đồng cỏ
Bây giờ không còn nữa
Giữa anh và em
Một cánh đồng cỏ
Và con châu chấu nhỏ
Một ngày thật vui
Màu xanh mát rượi
Khi trời sắp tối
Đến từ mặt đất
Qua mười lăm cửa sổ
Qua cánh đồng cỏ
Của anh và em.
Đêm ngủ trong chùa
Đôi khi con biết mẹ nằm trong đất
Lặng im như hòn đá
Đôi khi con biết không phải thế
Đôi khi con biết mẹ về
Trong chiếc chiếu hoa
Đêm nay ngủ lại trong chùa
Thức suốt đêm đập muỗi
Không con nào chết
Chúng lọt hết qua kẽ tay
Trừ một con
Bay về lúc nửa đêm
Kịp lặng lẽ đẻ trứng xuống
Bể nước đầy cơn mưa cũ.
Đôi khi em nói nhỏ lại,
anh không nghe được
Đôi khi em nói nhỏ lại, anh không nghe được
Như nói qua làn nước
Ngày bé dại chúng ta lặn thật sâu
Nói với nhau qua một sợi dây
Trong nước, không ai biết chúng ta nói gì
Bí mật kia em còn cất giữ
Thật kĩ, đến bây giờ
Đôi khi anh hét lớn lên
Anh biết em nghe được, dù ở nơi xa
Bên kia cánh cửa, bên kia làn nước, bên kia thiên hà, khuất sau bóng núi.
VNQD