. NGUYỄN DUY LIỄM
Sống ở đất mỏ Cẩm Phả, biết Tùng Lâm đã lâu, nhưng chuyện về cuộc đời anh thì đến gần đây tôi mới tường tận. Khi nghe những câu chuyện về anh, trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả và luôn nghĩ đến những ca từ của một ca khúc năm xưa chúng tôi thường hát: Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên. Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn…
Khi người lính trở về
Tùng Lâm là một tay lái cứng trên tuyến đường Trường Sơn. Bảy năm cầm vô lăng anh đã đưa hàng trăm chuyến hàng vào phục vụ chiến trường miền Nam. Đầu năm 1975 anh được lệnh mang chuyến hàng đặc biệt vào Trung ương Cục miền Nam ở miền Đông Nam Bộ. Hoàn thành nhiệm vụ, vừa ra khỏi Lộc Ninh xe của anh bị máy bay địch oanh tạc, anh bị hất tung khỏi xe.
Khi tỉnh lại anh thấy mình bị giằng buộc xuống giường, mắt băng kín, một bên chân đã bị cưa cụt tới háng. Anh được đưa ra trại an dưỡng phía Bắc khi đất nước thống nhất. Gia đình được báo tin, vợ anh với tấm áo bà ba may cách điệu, cổ khoét hơi rộng, bờ môi thắm mọng, đôi mắt long lanh ướt rượt dưới rèm mi xanh mướt ngun ngút những khát khao bí ẩn tìm lên thăm.
Được sự chỉ dẫn của người nữ hộ lí, chị xăm xăm bước đến bên giường bệnh chồng nằm rồi sững lại không tin vào mắt mình nữa. Trên giường như chỉ có tấm chăn. Chị vội vàng quay lại hỏi người hộ lí: “Anh Lâm đi đâu rồi ạ?” Nhận được câu trả lời: “Anh Lâm vẫn nằm trên giường.” Chị run run lật tấm chăn ra… rồi đổ xuống nền nhà ngất đi.
Từ một chàng trai lực lưỡng nặng hơn 60kg, Tùng Lâm chỉ còn vẻn vẹn 35kg, xơ rơ như bã mía, tóp chanh. Chiếc đầu trọc lốc loang lổ sẹo. Con mắt còn lại như lỗ đáo hút tụt lấy tròng mắt. Đôi tay lèo khèo teo tóp...
Trước tình cảnh ấy, chị để lại đứa con tám tháng tuổi cho mẹ chồng rồi theo một người đàn ông trốn ra nước ngoài, không một lời nhắn lại.
Biết tin, anh không vui không buồn. Khi mẹ anh bế đứa cháu đích tôn lên thăm, anh muốn choàng dậy ôm lấy mẹ già và đứa con trai bé bỏng nhưng đành bất lực vì cơ thể bấy nhũn. Nhìn tóc mẹ phơ phơ bạc, đứa con thơ trứng nước vô tư ngơ ngác nhìn cha, lúc ấy anh chợt bừng tỉnh nhớ đến trách nhiệm, bổn phận của mình.
Thương binh Tùng Lâm bên trang viết. Ảnh: Dương Phượng Đại
Từ đấy, Tùng Lâm lần hồi ngồi dậy, rồi chống nạng tập đi. Mỗi bước đu người tì tay trên đôi nạng gỗ là cơ thể anh đau đớn đến rã rời. Nhưng nỗi đau ấy không ngăn được quyết tâm của anh.
Đến năm 1981, vết thương tạm thời ổn định, Tùng Lâm rời trại an dưỡng về với gia đình. Một mắt mờ hẳn, mắt còn lại giảm 50% thị lực. Trong ngực còn một viên bi. Vết thương sọ não khiến anh có biểu hiện tâm thần. Phiếu giám định kết luận anh mất 85% sức khỏe - thương binh hạng 1/4.
Đất nước vừa ra khỏi mấy cuộc chiến tranh dai dẳng, kinh tế sa sút khủng hoảng. Hạt gạo quý như châu ngọc. Thực phẩm chia định mức phân phối theo tem phiếu. Các em còn đang đi học, cha mẹ đều đã già yếu, cuộc sống hàng ngày của gia đình so súi túng quẫn, đứa con thơ thiếu tình thương, thiếu cả dinh dưỡng còi cọc, quắt queo…, cảnh nhà khiến Tùng Lâm không thể không xót xa. Anh nhìn ra xung quanh, bà con chòm xóm tuy không khá giả hơn mình, nhưng dù sao họ cũng còn có sức lực để bươn trải, không xuống biển cũng lên rừng bòn nhặt mưu sinh. “Nhưng mình vẫn còn một trái tim khỏe mạnh và đôi tay nguyên vẹn, chẳng lẽ lại chịu thua trước hoàn cảnh?” - Tùng Lâm nghĩ. Nhưng làm gì thì anh chưa nghĩ ra, mà mới chỉ ý thức được rằng muốn làm một việc gì đó để kiếm ra tiền ra gạo phụ mẹ nuôi các em ăn học, nuôi con khôn lớn trưởng thành. Và muốn làm được việc thì phải đi lại, giao tiếp, tạo các mối quan hệ... Vậy là anh mang chiếc xe đạp ra sân kho tập đi, nhưng chỉ với một chân, việc tập đi xe đạp là cả một cực hình.
Thấy con ngã lên ngã xuống, mẹ anh xin: “Thôi con ơi! Giời đã bắt tội tàn tật, con đành chịu vậy. Đừng cố làm gì. Nhỡ ra thì khổ ...” Anh nhìn mẹ gượng cười, chống chế: “Sao lại giời bắt tội hả mẹ? Con tự nguyện đi bộ đội, hi sinh hay bị thương cũng là điều hết sức bình thường.” “Thôi, thôi, tôi can anh. Tôi không nghe anh lí sự. Nhà nước đã ưu tiên cho anh cái sổ gạo, cho anh hưởng trợ cấp thương tật. Có sao sống vậy. Anh cam phận cho tôi nhờ. Cho con anh nó nhờ ...” Thấy mẹ cố tình ngăn cản, nước mắt vắn dài, anh đành nhượng bộ. Nhưng rồi anh vẫn giấu mẹ để tập, mãi rồi anh cũng điều khiển xe đạp thành thạo.
Tùng Lâm đạp xe khắp thị xã để tìm lại bạn bè đồng đội. Anh gặp được Lê An Sinh. Sinh là thương binh hạng 2/4, đang làm nghề thuốc tại chợ trung tâm. Thấy Tùng Lâm đến, An Sinh mừng lắm. “Tôi đang thiếu vị thuốc. Ông rất thông thạo cây dược liệu, giá được ông giúp cho thì tốt quá.” Nhưng khi nhìn lại, An Sinh mới ớ ra: “Chân cẳng cậu thế kia thì làm sao vào rừng hái thuốc?” Tùng Lâm cả quyết: “Sao lại không? Quyết tâm là được! Khó rồi sẽ quen.”
Ông nội của Tùng Lâm là một thầy lang có tiếng trong vùng. Cụ mất đi, nghề thuốc thất truyền. Nhưng những cây dược liệu nơi núi rừng Đông Bắc ngay từ nhỏ ông nội chỉ Tùng Lâm còn nhớ rạch ròi.
Ngày hôm sau Tùng Lâm đem chiếc ba lô cũ ra buộc lên xe, vào rừng. Để lấy được thuốc anh phải men theo các triền núi. Lên dốc anh phải gồng mình vịn cỏ bám cây đu lên từng nấc. Xuống núi càng khó hơn, anh phải dùng gậy tịnh người lại lần lần từng bước. Nhiều khi gậy trượt anh ngã nhào. Nhưng đấy mới chỉ là núi đất. Những vị thuốc quý hiếm mà Đông y rất cần như bổ cốt toái (cây tắc kè), huyết giác, ngũ gia bì, củ bình vôi... thì hầu như chỉ mọc trên những mỏm núi đá tai mèo nơi vách núi dựng đứng của dãy núi đá vôi điệp trùng vùng Quang Hanh - Đèo Bụt, nhiều người lành lặn nhìn còn chóng mặt không dám lên. Vậy mà Tùng Lâm vẫn không chịu khuất phục. Anh tháo chân giả để lại dưới núi rồi bám vào mỏm đá đu người leo lên từng bậc. Anh cứ như con sâu đo lần dần lên tới đỉnh. Lấy được đủ lượng cây thuốc trong ngày, anh quay lại gom vào bao vần ra chỗ thuận tiện thòng dây thả xuống. Hôm sau lại sang ngọn núi tiếp theo…
Ban đầu Tùng Lâm hái ngày một bao dược liệu, sau tăng lên hai. Cứ mỗi chiều anh lại lai thuốc về cho mẹ băm thái, sao tẩm rồi đem cân cho An Sinh. Nhờ thế anh đã giúp được gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, giúp các em ăn học nên người, nuôi con lớn.
Kiến tạo cuộc sống từ đỉnh núi
Theo năm tháng cuộc sống của người dân thị xã Cẩm Phả đã có nhiều chuyển biến tốt hơn. Đã qua cái thời chỉ cần ăn no mặc lành, con người cần ăn ngon mặc đẹp và có nhu cầu thưởng ngoạn.
Những ngày lên núi tìm cây thuốc Tùng Lâm đã phát hiện một tiềm năng dồi dào từ chính thiên nhiên quê hương. Những cây si, sộp, đa búp đỏ, xương cá, thiên tuế… do mọc nơi khắc nghiệt trên núi đá nên chúng già đanh, có những dáng thế lạ. Một ý tưởng lóe lên trong đầu. Vậy là, ngoài việc vẫn lấy cây thuốc bán cho An Sinh, Tùng Lâm lấy cây cảnh về giâm trong vườn.
Việc lấy cây cảnh trên núi vô cùng gian nan, đưa được một cây ra khỏi núi là phải đổ mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa. Tùng Lâm phải đem theo choòng, đục, xà beng, búa tạ… Anh đập đá, chặn rễ nâng đẩy cây ra khỏi hốc đá. Rồi lại phải vần những cái cây nặng cả tạ ấy ra rìa núi mà thòng dây thả xuống. Rồi giữ sao cho cây không sứt sẹo để vẻ đẹp tự nhiên.
Khi các phôi cây cảnh đã đầy vườn, anh quyết định đào ao. Cắm chiếc nạng gỗ xuống đất, gác mẩu chân cụt lên, hai tay anh phóng xà beng bậy đất đá. Từ độ sâu hai mét, anh như con lật đật ngẩng lên cúi xuống hất từng xẻng đất đá lên bờ. Gần một năm ròng anh đã hoàn thành cái ao chứa được 500m3 nước để tưới cây.
Từ đây Nguyễn Tùng Lâm tập trung vào làm cây, trở thành một nghệ nhân danh tiếng hàng đầu về sinh vật cảnh ở thị xã Cẩm Phả. Tiếng tăm về vườn cây của anh đã vang xa để bạn chơi cây cảnh cả nước biết đến. Họ tìm đến chiêm ngưỡng, bán mua. Khách từ Nam Ninh, Trung Quốc cũng sang đặt hàng.
Là người khởi xướng ra nghề khai thác, tái tạo cây cảnh hoang dã ở thị xã Cẩm Phả, anh không chỉ làm cho riêng mình mà anh còn vận động tổ chức cho anh em cựu chiến binh cùng làm. Nhiều người làm theo anh đã trở nên khá giả như cụ Chuyển, ông Sóc, ông Kỳ...
Mối tình duyên nợ
Thời còn chế độ tem phiếu, một tháng vài kì Tùng Lâm mang tấm bìa ưu tiên ra cửa hàng thực phẩm xếp hàng. Đứa con trai thường được anh chở theo trên chiếc xe đạp Thống Nhất đã tróc sơn. Hôm ấy, sau khi mua được vài mớ rau và mấy bìa đậu, anh mang ra để vào giỏ xe rồi đứng giữ cho con trèo lên gác ba ga. Lóng ngóng thế nào mà xe đổ kềnh, cả bố và con ngã chỏng gọng ra đường, mấy bìa đậu vung vãi. Chị Thứ - nhân viên cửa hàng vội chạy ra đỡ bố con anh dậy. Thằng bé mếu máo khóc. Chị ôm và nựng nó: “Cháu ngoan nào, không khóc mới là bé ngoan chứ. Thế mẹ đâu mà để bố con lếch thếch đi mua đồ ăn thế này?” “Cháu không có mẹ!” Câu trả lời thật thà khơi đúng vào lòng trắc ẩn của người phụ nữ. Chị sững người hỏi lại: “Thế mẹ…?” Thằng bé chưa kịp trả lời thì Tùng Lâm đã chặn: “Con không được nói bậy.” Rồi anh đỡ lấy con từ chị cùng lời cám ơn bối rối. Chị ngây người nhìn theo hai cha con lắc lư trên xe đạp cho đến khi khuất vào con đường lên dốc.
Chị Thứ từng có một gia đình yên ấm. Chồng lái xe, vợ nhân viên bán hàng, cả hai đều là công chức, có một con gái. Tuy thiếu thốn vật chất nhưng căn nhà nhỏ của họ ở khu tập thể lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Bỗng làn sóng vượt biên từ đâu tràn về đất mỏ. Mọi người hùa nhau đi tìm miền đất hứa. Chồng chị Thứ từng là Việt kiều từ Tân thế giới về nước, giờ bị tác động, sự tiếc nuối cuộc sống nơi hải ngoại bừng lên, thôi thúc. Không vận động được cùng đi, anh ta đã ôm đứa con nhỏ trốn theo dòng người vượt biển...
Ở cảnh ngộ như vậy nên hình ảnh cha con người thương binh ngã trước cửa hàng cứ ám ảnh chị Thứ mãi. Chị cất công tìm hiểu. Và khi đã rõ hoàn cảnh của Tùng Lâm, chị thốt lên: “Trời ơi! Sao lại có chuyện phũ phàng, nhẫn tâm đến thế!”
Trong bữa cơm tối mấy tháng sau đó, mẹ Tùng Lâm chống đũa ngập ngừng:
“Lâm à… Cái Thứ ở cửa hàng thực phẩm nó quan tâm đến con đấy.”
Anh nghe, chợt nhớ người vợ cũ. Người đã yêu anh, yêu đắm đuối điên cuồng, đã dâng hiến, hi sinh cả quãng đời thanh xuân quý giá của mình để chờ đợi anh, vậy mà trước nghịch cảnh còn không dám chịu đựng, không dám cùng anh đi tiếp quãng đời còn lại, huống hồ một người mới quen, làm sao có thể hiểu và yêu thương bố con anh. Có chăng đấy chỉ là lòng thương hại. Mà anh thì không cần sự thương hại ấy...
Anh nói đổ đi: “Mẹ ơi! Con chẳng có bụng dạ nào nghĩ đến chuyện đó nữa.” Mẹ anh nghiêm giọng: “Anh không cần nhưng con anh nó cần. Chẳng nhẽ anh để thằng bé chịu côi cút mãi à?”
Và mẹ anh đã hành động. Tùng Lâm đi hái thuốc, mẹ mang cháu ra gửi nhờ chị Thứ trông hộ, chiều về Tùng Lâm bắt buộc phải ra cửa hàng đón con. Và chính chị Thứ là người chủ động mở lòng với Tùng Lâm: “Cái em cần và cái bố con anh đang thiếu sẽ đủ cho ta sáp lại thành một gia đình ...”
Trước tấm chân tình của chị Thứ, Tùng Lâm đã suy nghĩ rất nhiều. Hai câu chuyện của hai gia đình ngược chiều mà đồng cảnh. Nó như nhát phạt chéo từ hai thân cành, đem ghép lại mà trùng khớp. Vậy là về với nhau.
Họ có thêm một cậu con trai. Khi tất cả đang đi vào ổn định thì người con riêng của chị Thứ trở về đón chị qua Mĩ chơi nửa năm. Khi trở về bỗng nhiên chị Thứ có những quan điểm sống khác. Và mâu thuẫn giữa vợ chồng dần nảy sinh. Trong một lần tức giận chị Thứ đem chiếc xe máy đã giúp anh những ngày bươn trải mưu sinh, tủ sách mấy trăm cuốn, cùng kỉ vật một thời lính trận ra chất đống giữa sân rồi đổ xăng vào đốt. Hàng xóm túa sang ứng cứu, nhưng dập được lửa thì mọi thứ cũng thành tro tàn...
Viết về một thời lính trận
Anh thuê một căn phòng độc lập để ở. Ở, đấy chỉ là một nhẽ. Cái mà anh thực sự cần lúc này là có không gian yên tĩnh để viết. Từ những dòng chữ chệch choạc ban đầu đến nay anh đã xuất bản được sáu cuốn sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện kí và thơ. Trong đó truyện ngắn Cung đường lửa được Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải; tiểu thuyết Ngã rẽ được trao giải Văn nghệ Hạ Long lần thứ chín. Những gì anh viết trong tác phẩm là những trải nghiệm cuộc sống trong bảy năm cầm lái trên con đường Trường Sơn máu lửa, trong những năm đất nước dồn sức cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Khi tôi ngồi viết những trang về cuộc đời Tùng Lâm thì biết tin tiểu thuyết Cung đường tình yêu của anh sắp được xuất bản. Tác phẩm này được viết khi ánh sáng con mắt còn lại của Tùng Lâm chỉ còn le lói mấy phần trăm. Anh kể, mắt anh kém đến nỗi nếu chẳng may để con trỏ chuột máy tính nhảy ra khỏi dòng đang viết cũng không biết nó nằm chỗ nào để đưa lại. Nhưng, cũng như những lần tập đi, tập đạp xe, tập leo núi…, anh quyết tâm không bỏ cuộc. Cứ viết từng đoạn một rồi dò dẫm sửa chữa. Anh viết để giải tỏa nỗi niềm. Viết để trả nợ đồng đội, những người chiến sĩ lái xe trên đường ra trận năm xưa. Họ đã nói với anh: “Chúng tao có tiền nhưng không thể viết lên được. Vậy chúng tao nuôi mày ăn, ngồi mà viết, viết lại để cho hôm nay và mai sau thấy được những ngày chúng mình đã sống và chiến đấu.”
N.D.L
VNQD