Cánh buồm vá khâu

Thứ Hai, 25/09/2023 07:41

Quả đồi không tên gần sông Mỹ Chánh đang bị máy xúc, máy ủi san mặt bằng cho một công trình, đến nỗi ông Vệ không tài nào nhận ra được nơi mình đã chôn cất Ngẫn. Ông và bà Thúy hết tìm cán bộ quản lí công trình, lại cán bộ địa phương, dẫu không hi vọng tìm được hài cốt thì cũng để cắm thẻ hương đúng chỗ cho hồn người hi sinh đỡ tủi. Chịu. Người ta bảo rằng trước khi san ủi làm mặt bằng, khu đồi méo mó lở lói vì bom đạn năm 1972 đã bị đào đi xới lại hàng trăm lần rồi. Trong lúc thi công, họ cũng chú ý nhưng chỉ thấy bom pháo chưa nổ, chứ xương cốt chắc tan hết vô đất rồi. Ngẫn nằm ở đâu? Bà Thúy cúi lấy nắm đất màu đỏ tươi, vô thức nặn nặn trong mấy ngón tay thành một con thuyền nhỏ.

Ông Vệ khẽ liếc bà Thúy định nói gì đó. Nghĩ sao, ông lại thôi, vuột một tiếng thở dài. Kí ức tuổi thơ như con thuyển chấp chới hiện về trong ông.

Minh họa: Đỗ Dũng

Giữa xuân, lúa của hợp tác xã tốt bời bời, những cánh đồng khoai ngô cũng mơn mởn xanh, toàn những món ăn vô cùng hấp dẫn lũ trâu bò nên sểnh ra là chúng ào xuống, có lúc cả đàn, chỉ nhoáng một cái đã xơi lẹm cả thửa. Chỉ khổ lũ chăn bò làng Phượng, suốt ngày bị la chửi, nhiều đứa bị đòn thâm cả mông, nhưng rồi đâu vẫn đấy. Chửi mắng đòn roi đối với lũ chăn bò khác chi nước đổ đầu vịt nên ban chủ nhiệm hợp tác xã ra quy định mới cấm chăn bò ở khu vực Cồn Mả, nơi xung quanh toàn đồng ruộng của hợp tác xã mà phải cho ra đê sông Bùng, đến mùa thu hoạch mới được trở lại.

Cũng chẳng sao. Bờ đê rất thoáng đãng và lắm gió. Lũ chăn bò lại háo hức đua nhau thả diều. Nhưng khổ nỗi, đê hẹp, không có chỗ cho bò nhà Thúy chăn riêng như ở Cồn Mả nên nó đành thả chung với cả bọn. Đồ con địa chủ, đồ không được vô hợp tác xã mà dám chăn chung với bò hợp tác xã à. Thấy cả hội nhao nhao xua đuổi con Thúy, Vệ chỉ tay vô mặt thằng Tăng, thằng Quý, gằn từng tiếng:

- Từ bữa ni, tau cấm đứa mô ăn hiếp con Thúy.

Rồi Vệ quay lại nhìn như dính mắt vô Thúy, đổi giọng:

- Thúy cứ chăn bò chung với bò làng. Đứa mô dám dọa Thúy, đã có Vệ ni...

Tất cả đều ngỡ ngàng. Đến cả Thúy cũng ngỡ ngàng. Lâu nay Vệ vẫn làm đủ trò dọa dẫm Thúy. Vậy mà hôm nay quay ngoắt 180 độ. Lặng đi một phút, thằng Tăng bỗng như sực hiểu ra:

- À... Tau biết rồi. Từ bữa con Thúy đi chữa tai ở Vinh về...

Không để thằng Tăng nói hết câu, Vệ khùng lên đuổi đánh Tăng, sau đó lùi lũi quay lại bẽn lẽn nhìn Thúy, khác hẳn với cung cách ngang tàng, ngổ ngáo thường ngày. Vệ thò tay vô túi áo nâu thùng thình lấy ra một vỏ bao diêm dúi vội vô tay Thúy. Đó là con dế trũi mà Vệ đã mất công cả buổi hì hục đào bắt cho bằng được.

Vệ là đứa lớn nhất trong đám chăn bò nên nói gì những đứa khác cũng phải theo. Chơi thả diều được mấy bữa, đứa mô cũng thấy nhạt, chán. Chưa biết nên chơi trò gì khác thì một hôm xuất hiện từng đàn én từ biển bay vào. Trong lúc cả đám hò reo vẫy én bay qua thì Vệ lại nghĩ ngay ra trò mới là đánh én. Cả bọn rối rít tán thưởng. Trò ni vui, vừa hấp dẫn lại vừa kiếm được cái để nướng ăn cho đỡ đói ngày giáp hạt. Chưa bao giờ được coi đánh én nên Thúy cũng háo hức lắm.

Vệ đi xin được một ống nhựa thông màu nâu sẫm sau đó cắm đầy hom bằng cật giang, nhỏ như cọng cỏ may, tẩm nhựa dẻo quẹo, con gì chạm vào là dính liền, càng giãy que nhựa càng quánh vào như trói. Vệ còn bắt mỗi đứa góp một đoạn cây lau để làm dèo cắm những hom nhựa tua tủa như những cọng cây nhỏ. Buổi đầu tiên đánh én, Vệ cắm cọc dèo theo bờ đê, cắm hom nhựa vào thân dèo rồi bắt cả bọn tìm chỗ ẩn náu. Lũ trẻ chui hết vô cống nông giang, thập thò nhìn. Những đàn én bay như những đám mây đen mỏng, riu ríu chao lượn trên dòng sông rồi như một trận mưa rào, bay ào vào cánh đồng. Cứ thế... Cứ thế... Hàng trăm đàn én đến rồi qua, chẳng con nào sà xuống đậu cả. Chờ mãi, Vệ sốt ruột, nhảy lên khỏi cống, chửi um “lũ én ngu”. Đúng lúc ấy, thật lạ lùng, có hai con bay dọc theo sông bỗng chao cánh rồi sà xuống đám dèo, dính nhựa. Cả hội thích thú reo hò đến chộp. Mỗi đứa một ý, có đứa bảo, chỉ có hai con nhỏ tí, ai ăn ai nhịn. Đứa khác bảo để dành mai làm chim mồi. Vệ chẳng nghe đứa mô, cứ ý mình. Vệ lại gần hỏi Thúy thích nướng ăn luôn hay để dành. Thúy gờm gờm nhìn, lắc đầu, bảo đừng làm thịt, tội nghiệp chim lắm. Cả bọn cười hô hô, bảo con Thúy dở hơi. Thúy xịu mặt như muốn khóc. Vệ đưa cho Thúy một con, bảo giữ mà nuôi. Con còn lại, Vệ đưa cho mấy đứa... vặt lông. Nhìn chú én nhỏ trụi lông dần trong tay mấy đứa nhỏ, Thúy sững lại rồi bỏ chạy đi chỗ khác...

Suốt một ngày, cả hai cùng nhóm người được thuê đã đào bới như muốn lật tung cả quãng đồi lên mà vẫn không thấy Ngẫn. Bà Thúy chăm chú nhìn vào lá thư ố vàng, khẽ vuốt vuốt những chỗ giấy bị mủn như thể nó là tấm địa đồ để tìm ra nơi yên nghỉ của Ngẫn. Những vết rách trên lá thư gợi cho ông Vệ về những cánh buồm theo thủy triều lên, lấp ló ngoài cửa biển trở về với sông Bùng ngày xưa.

Nhìn từ xa, chúng giống những cánh bướm nâu khổng lồ, nối nhau, chập chờn trên sóng rất đẹp, nhưng khi gần thì bỗng trở nên xấu xí với nhiều mảnh chắp vá, chằm đụp bằng đủ thứ vải khác nhau. Dù thế, khoảnh khắc đoàn thuyền trở về luôn hút sự chú ý của đám trẻ trâu. Đi sau cùng là con thuyền có cánh buồm xấu nhất, tách xa đoàn, cô độc, lẻ loi... Chưa thấy cánh buồm mô lại vá nhiều như nó, có cả những mảnh bao bì, mảnh bị cói lua thua phía dưới như cờ phướn. Đó là cánh buồm của bố con Ngẫn. Cánh buồm ấy, ám ảnh suốt tuổi thơ của ông. Nhất là sau lần con én mà ông cho Thúy bị sổng, bay xuống sông, là là mặt nước rồi bị sóng dập xuống khi con thuyền xấu xí ấy vừa tới và Ngẫn từ trong nhao nửa người ra khỏi thuyền, với tay vớt con én giơ lên, cười như khoe với đám trẻ.

Sau này, một lần ngồi trong chiến hào ở Quảng Trị, ông có hỏi Ngẫn về chuyện trả lại con én có phải là để lấy lòng Thúy không. Ngẫn cười không trả lời, chỉ kể cảm giác mỗi lần đi qua nhìn thấy đám trẻ trâu, có một đứa con gái xinh xắn, Ngẫn thèm khát được chơi cùng thế nào. Điều này thì Vệ thừa nhận. Vệ vẫn nhớ, sau bữa ấy, con thuyền có cánh buồm rách nát mỗi lần qua chỗ đám trẻ trâu lại ngập ngừng, dùng dằng như muốn dừng lại. Nhưng nó không có cơ hội bởi sự hung hãn của đám trẻ sau lần Ngẫn dám vớt con én của Thúy.

Cho đến hôm… Con bò nhà Thúy đang chửa kềnh càng nên trái tính nết, cứ gặm cỏ một tí rồi tìm chỗ nằm. Bỗng con bò đòi xuống sông uống nước. Cho bò chửa uống nước sông Bùng không dễ vì gần bờ toàn năn lác và bùn, lại phải đợi lúc nước ròng để tránh mặn. Trong lúc bò nhà Thúy đang uống nước, Vệ thấy những con cá thác lác thi nhau hết nhảy “bóc bóc” trên nước lại leo lên ngọn lác ngọn năn. Loại cá ni sông quê nhiều vô kể, nhưng thịt hoi hoi nên không ai ăn. Nhìn những con thác lác có cái đầu to, mắt lồi lên thô lố như mắt chuồn chuồn ngô, Vệ thấy hay hay, nhưng chộp mấy lần cũng không được. Đang mải bắt cá, bỗng nghe Thúy thất thanh:

- Bò tau bị lún bùn rồi!

Vệ chạy lại, thấy con bò đang cố nhấc chân để quay lại bờ, nhưng càng cố càng bị lún sâu hơn. Vệ ôm một chân bò cố nhấc lên nhưng không được. Thủy triều bắt đầu dâng, chẳng mấy chốc đến mõm con bò, nó ngấc lên, thở phì phì...

Thúy khóc rống lên. Hơn chục đứa xúm lại, vây xung quanh con bò lúc này đã ngập gần lút cả lưng, cái mõm đen đen nhoi lên thở... Nhưng càng đẩy, bò càng lún sâu hơn.

Đang lúc lũ chăn bò hoảng lên thì đoàn thuyền đánh cá từ cửa Lạch Vạn vào sông. Nhiều người trên thuyền nhìn thấy, nhưng chắc đang vội về giao cá cho hợp tác xã nên chẳng thuyền mô ghé vô cứu bò cả. Vẫn như mọi ngày, chiếc thuyền xấu xí đi sau cùng. Bất ngờ, nó hướng mũi về phía con bò, cắm sào cách mươi sải tay. Thằng bé đen trũi nhảy ùm xuống, bơi đến. Cậu ta đi vòng quanh con bò ngắm nghía rồi bơi lại thuyền cùng cha tháo mấy đoạn luồng khô hai bên mạn. Đó là những cái phao của dân nốc phòng gặp giông bão trên biển. Hai cha con kẹp “phao” vô hai bên hông bò, rồi cùng đám chăn bò vừa hô, vừa đẩy tiến tiến lui lui mấy lần thì nâng được bò lên.

Thúy mừng đến nỗi hết cười lại khóc.

Thằng con nhà vạn mà lúc này Vệ với Thúy mới biết tên là Ngẫn vì nghe cha nó gọi, bơi trở lại chui vô thuyền rồi trở ra với khuôn mặt tươi rói, nhảy ùm xuống sông. Hắn như con rái cá một tay bơi, một tay cầm vật gì đó giơ lên cho khỏi ướt.

- Nầy. Trả cho bọn bay.

- Cái chi rứa? - Vệ hỏi.

Hắn hé bàn tay ra. Một con én ngóc đầu lên, vừa liến láo nhìn xung quanh, vừa há mỏ kêu chíp chíp.

Con Thúy nhảy tưng tưng, reo:

- Ôi. Con én. Có phải con én của tau bữa nứ mi cứu không?

Thằng Ngẫn gật gật đầu xác nhận, đưa én cho Thúy. Con Thúy mừng rơn, vuốt vuốt lên lưng én, hai mắt nó mở to, nhóng nhánh, hết nhìn con én lại ngước lên nhìn thằng Ngẫn.

- Ngẫn bơi giỏi hề?

Ngẫn được khen, cười ngượng:

- Giỏi chi... Tau là con nhà nốc mà.

Con Thúy ngồi xuống cạnh Ngẫn, giọng cảm kích:

- Thúy biết ơn mi nhiều. Không có cha con mi bò tau đã chết đuối rồi. Lại còn trả én cho tau. Rứa mà tau tưởng là mi cũng vặt lông nướng ăn mất rồi. Mi tốt bụng hè.

Thằng Ngẫn xấu hổ, gãi gãi đầu.

Nhìn cảnh đó, máu trong người Vệ sôi lên. Vệ kéo tai Ngẫn đuổi về thuyền. Không biết vì đau hay vì mất thể diện trước Thúy mà mặt Ngẫn rúm lại, rồi đỏ tía lên, hai tay từ từ “nắm củ gừng”, vừa chửi “tổ cha mi” vừa thụi một cái rõ mạnh vào bụng Vệ rồi chạy ào xuống sông. Bị bất ngờ, Vệ loạng choạng mấy bước rồi nhảy xuống sông đuổi theo Ngẫn. Hai đứa lặn ngụp quần nhau dưới sông, bùn nước sục lên. Bất ngờ, thằng Ngẫn leo lên thuyền, Vệ cũng ngoi lên mặt nước, sải tay bơi bám vào mui thuyền. Nhưng cứ mỗi khi Vệ gần bám vào mép thuyền thì Ngẫn khuẩy một chèo, đẩy thuyền xa kẻ đang đuối sức. Vệ sặc sụa dưới dòng nước đục ngầu cho đến khi kiệt sức, hai tay chới với, hai chân “giã gạo” Ngẫn mới vứt xuống một khúc tre làm “phao”. Vệ vội vớ lấy, ngửa mặt lên trời thở dốc…

Minh họa: Đỗ Dũng

Ông Vệ bỗng phì cười nhớ lần cùng Ngẫn vượt sông Ô Lâu khiến bà Thúy ngơ ngác không hiểu chuyện chi. Ông đành kể…

Lần ấy, cũng tại hai đứa chủ quan, thấy xung quanh vắng lặng nên không chờ trời tối mà liều lĩnh bơi qua luôn. Cả hai cho tất cả vũ khí, trang bị vào túi ni lông rồi cột nắp lại, thành cái phao cực kì hữu hiệu. Bơi ra đến giữa dòng thì bất ngờ hai chiếc trực thăng từ phía hạ lưu ào đến. Tưởng chúng chỉ bay tuần tra nên Vệ và Ngẫn cố đè lên phao, dìm sâu xuống nước, chờ chúng bay qua sẽ bơi tiếp. Nhưng hai chiếc trực thăng đã quay lại quần đảo, săm soi hết hai bờ rồi hạ thấp gần sát mặt sông, bắn như vãi đạn. Ngay loạt đạn đầu, chiếc phao của Vệ đã bị băm nát. Vệ thấy buốt ở bả vai và đùi, người nặng như chì, chìm dần, chìm dần... Ngẫn nhao đến, kéo Vệ lên, đẩy cho Vệ chiếc phao của mình. Ngẫn vừa bơi vừa kéo Vệ hướng vào bờ sông, nơi rậm rì những bụi tre dại. Qua được dòng chảy mạnh nhất giữa sông, một chiếc trực thăng lướt đến gần, Ngẫn vội đẩy chiếc phao trôi xa rồi kéo Vệ vào mấy tảng đá lớn trồi lên, nơi vừa bị trực thăng địch tập trung bắn như xối đạn, còn phóng cả loạt rocket khét lẹt, mịt mù khói. Chiếc trực thăng phát hiện ra chiếc phao vội xổ đạn, băm nát tươm. Chiếc trực thăng nghiêng nghiêng, ngó ngó, có lúc còn đứng im trên không cho mấy tên xạ thủ súng máy xả đạn xuống tất cả những chỗ nghi ngờ. Vệ đã kiệt sức. Nghĩ vì mình mà Ngẫn cũng có thể hi sinh, Vệ thì thào: “Cậu... buông mình ra... Đằng nào mình cũng chết... “ Vệ còn nói nữa, nhưng bị tiếng trực thăng át đi. Gió thốc từ cánh quạt trực thăng xuống quá mạnh cùng dòng nước chảy xiết làm cho những ngón tay của Vệ đang nắm tay Ngẫn run lên, chuội dần... Ngẫn nghiến răng, gồng lên giữ Vệ lại cho đến khi hai chiếc trực thăng bỏ đi...

- Không hiểu lúc ấy Ngẫn có nhớ lại vụ trả thù của đám trẻ trâu mà Vệ đầu têu trên sông Bùng không nhỉ?

Bà Thúy hóm hỉnh nhắc lại sau khi nghe xong. Ông Vệ lại bật cười lần nữa. Hoàn cảnh lúc đó, ai còn nghĩ gì hơn ngoài sống chết. Nhưng kỉ niệm tuổi thơ cả hai sao mà quên được…

Sau lần bị Ngẫn làm cho mất mặt ấy, Vệ cú lắm, muốn trả thù. Thế là từ hôm sau, cứ chiều chiều, chờ thuyền nhà Ngẫn đi qua, Vệ lại hò đám trẻ cùng ném đất đá xuống thuyền. Mấy lần đầu, cha con nhà Ngẫn tức lắm, chửi um lên, nhưng chỉ chửi trong thuyền, không dám ra khỏi mui. Chỉ thương cho cánh buồn nâu vốn đã tơi tả lại càng thêm tả tơi. Nhưng một bữa, thuyền của nhà Ngẫn không đi sau cùng nữa, mà đi vào giữa khiến các thuyền khác cũng bị đất đá ném thủng những chiếc mui vốn lợp bằng liếp và lá mía ọp ẹp. Một ông thuyền chài tức quá, vừa lò dò chui ra liền “ăn” ngay một hòn đá, toác cả đầu, máu mê đầm đìa. Tiếng quát, tiếng chửi nhất tề nổi lên. Dân vạn nốc vốn dĩ khi nhịn thì nhịn đến cùng, nhưng khi đã khùng lên thì trời coi chỉ bằng vung, họ nhất loạt chống thuyền vào bờ đê, đổ bộ đuổi đánh lũ chăn bò mất dạy khiến chúng chạy tán loạn. Mấy người lớn đi làm đồng thấy vậy hò hét, gọi dân làng ra cứu. Nhiều người trong làng chưa hiểu mô tê chi cũng ào ra làm cho cuộc ẩu đả mỗi lúc một gay cấn, cho đến khi công an, dân quân xã chạy ra bắn chỉ thiên đùng đùng mấy phát mới dẹp yên.

Sau bữa đó, Thúy càng ghét cay ghét đắng Vệ và càng tỏ ra thích Ngẫn. Vệ càng tỏ ra chiều Thúy, Thúy càng linh lỉnh, ra mặt lạnh nhạt và xa lánh, làm cho Vệ thù Ngẫn hơn. Chuyện chỉ được hóa giải sau lần Vệ phát hiện ra một bí mật của bố con Ngẫn.

Lần ấy, ông nội Vệ cày đồng xa, mãi chiều muộn mới tháo ách, giao bò cho Vệ, dặn cho bò ăn dọc bờ dứa dại có những lùm cỏ tốt um. Ngồi trên lưng bò, Vệ miên man ngắm trời, ngắm đất. Đang chuyển mùa, gió nồm từ biển thổi vào lồng lộng. Vệ nhảy khỏi lưng bò, trèo lên mỏm đất cỏ rậm rì, nằm ngắm cảnh chiều quê. Những mái nhà tranh sau lũy tre làng đã bắt đầu thả những sợi khói chiều lảng bảng. Tiếng phi lao lúc lao xao, lúc lại rít lên, rắt róng như tiếng roi quất giục bò, lúc lại lào thào như tiếng thở dài từ đâu đó xa xăm... Mắt díp lại, Vệ chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Khi tỉnh lại, Vệ thấy trời đất tối đen như mực. Vệ chồm dậy trong nỗi sợ hãi. Vệ luýnh quýnh tìm đường chạy về nhà, nhưng cuống quá, hai chân vấp vào nhau, ngã sóng soài. Bóng đêm như đang loãng ra. Cái gì mà như bầy ma đang nhảy múa trước mặt thế kia? Vệ dụi mắt. Hóa ra là mấy bụi hóp đang lắc lư trong gió. Vệ hít một hơi thật dài để trấn tĩnh, cố tè ít nước tiểu vã lên mặt vì nghe người ta bảo ma rất sợ nước đái, nhưng run quá, không tè nổi. Mắt quen dần với bóng đêm, Vệ lờ mờ nhận ra lối đi về bãi chăn bò. Con bò... Trời ơi! Con bò đâu? Nỗi sợ mất bò át nỗi sợ ma. Xung quanh lờ mờ những ngôi mộ cùng đám đom đóm lập lòe lởn vởn. Hình như con bò đang nằm kia rồi, cái lưng vàng vàng trong ánh sáng mờ ảo của đom đóm… Bò ơi. Vệ thốt lên khe khẽ rồi ào tới. Đến khi chân đá phải bát hương và đồ cúng Vệ mới nhận ra một nấm mộ mới chứ không phải con bò. Vệ dựng hết tóc gáy. Bao nhiêu chuyện bà kể về ma cây đa, ma cây duối, ma trâu trắng, ma ru võng trong bụi tre, hồn ma liêu xiêu đi tìm bạn trong đêm cùng ùa về. Tiếng dế, tiếng con xắc xắc, rỉ rả ỉ eo xung quanh bỗng câm bặt, thay vào đó là tiếng động lách cách, Vệ thót tim đứng tắp lại và phát hiện có ánh lửa lập lòe cuối bãi tha ma. Vệ cắn chặt môi đến đau điếng để tự trấn an. Thôi đúng rồi! Không chừng bọn trộm đang mổ thịt con bò của mình! Vệ chạy về hướng đó. Ngọn đèn bão không đủ sáng để nhìn rõ mặt người, nhưng Vệ nghe có tiếng lầm rầm. Vệ nép vào sau một cái lăng để nhìn. Có hai người, một lớn một bé, đứa nhỏ nhỏ kia hình như chính là thằng Ngẫn. Đúng là cha con thằng Ngẫn. Chẳng lẽ... Vệ nén thở lẻn đến cách họ vài bước chân. Hai cha con Ngẫn đang dọn một mâm cỗ cúng, rồi cắm hương lên mộ khấn vái. Họ cúng ai? Mải nghĩ, chân Vệ đạp phải hòn đá làm phát ra những tiếng lộc cộc. Thằng Ngẫn quay đầu lại, hỏi khẽ:

- Ai đó?

Cha Ngẫn cầm đèn bão tiến đến chỗ Vệ ngạc nhiên hỏi:

- Cháu đi mô giữa đêm rứa?

Vệ nói chuyện mất bò, hỏi thăm nhưng cả hai cha con Ngẫn đều nói là không biết. Rồi không để Vệ phải hỏi, cha Ngẫn giải thích luôn:

- Cháu đã ở đây thì chú cũng chả giấu làm gì. Đây là mộ mẹ Ngẫn, vì chôn trộm nên không dám cúng ngày... Cháu đừng nói với ai nhé.

Cha Ngẫn kể, dân chài vạn từ bao đời nay sống trên sông biển nên khi chết không có chỗ chôn. Mẹ Ngẫn bị chết từ năm trước do cái thai trong bụng gần ngày sinh bị chết lưu. Cha Ngẫn cột xác vào hòn đá thả xuống cạnh cầu Bùng, nơi họ lấy nhau. Nhưng dây bị đứt, xác mẹ Ngẫn trôi theo sông Bùng đến bãi cỏ lác thì dạt vô bờ. Nghĩa là bà ấy chọn chỗ… Nghĩ vậy nên cha Ngẫn quyết định chôn trộm vợ ở chỗ này.

Kể xong, cha Ngẫn giục Vệ về vì có khi bò quen đường đã về nhà. Quả đúng như vậy, khi Vệ đi qua chuồng bò, đã thấy nó nằm thảnh thơi nhai lại cỏ.

Mùa hè năm ấy, cha Vệ đưa gia đình lên vùng kinh tế mới “khỉ ho cò gáy” phủ Bọn. Vệ vui thì ít, buồn thì nhiều vì nghĩ từ nay sẽ mãi mãi xa miền quê thân thuộc, chẳng bao giờ được đi chăn bò với chúng bạn nữa. Vệ chẳng kịp chia tay với đám bạn, chỉ vuốt ve con bò lúc sắp lên đường. Con bò đứng im. Nó có hiểu chi không mà hai mắt cứ nhìn Vệ, vẻ buồn lắm. Vệ đâu biết, đó là lần cuối cùng cả hai gặp nhau. Sau khi Vệ đi, không có người chăn, ông bà phải để cho các xã viên trong hợp tác xã thay nhau nuôi. Khổ thân con bò, các gia đình chỉ bắt nó cày thật nhiều, chăm sóc thì ít nên nó ốm yếu dần, chỉ hơn nửa năm sau, nó bị ngã giữa ruộng và bị giết thịt. Chuyện đó, mãi hè năm sau Vệ theo cha về quê thăm ông bà mới biết. Vệ đã khóc rất nhiều.

Dần dà, Vệ cũng quen dần với cảnh núi rừng và đám bạn mới. Nhưng đám bạn chăn bò và cả thằng Ngẫn với cánh buồm vá khâu chằng đụp luôn đay đả trong kí ức. May mà năm ấy Vệ và Ngẫn được nhập ngũ cùng đợt, huấn luyện cùng đơn vị rồi vào chiến trường cùng nhau. Sau đợt thoát chết trên sông, những tưởng hai người sẽ được chiến đấu bên nhau cho đến ngày hòa bình sẽ cùng về quê, nào ngờ...

Hôm đó, đơn vị giữ chốt trên một ngọn đồi bắc sông Mỹ Chánh, ngăn không cho kẻ địch nống chiếm lại cao điểm 367 - một cứ điểm trọng yếu khống chế mặt trận phía nam Quảng Trị trong chiến dịch 1972 đẫm máu. Sau mấy ngày liên tục phản công của địch, chốt tổn thất nặng nề, khó lòng giữ nổi khi địch đang tăng quân, chuẩn bị tấn công tiếp. Cấp trên ra lệnh sống chết cũng phải giữ được chốt đến khi quân ta trên cao điểm 367 và mấy đơn vị pháo đang mắc kẹt bên kia Mỹ Chánh rút ra hết.

Đêm đó, ngồi trong hầm Ngẫn và Vệ ôn lại bao nhiêu là chuyện.

Sau khi Vệ xa làng Phượng, năm sau, mẹ Thúy lấy chồng mới và đưa cả nhà vào Vinh sinh sống. Nhà Ngẫn cũng vào hợp tác xã đánh cá nhưng nó vẫn cứ lênh đênh trên sông biển. Rồi một lần, con thuyền với cánh buồm chằng đụp vá khâu của cha con Ngẫn không chịu nổi một cơn lốc giữa biển, vỡ tan tành, cuốn người cha tội nghiệp của Ngẫn vào mênh mông biển cả. Ngẫn may mắn được cứu sống, thành đứa trẻ mồ côi, không gia đình, không nhà cửa, không người thân, đành sống nương tựa hết nhà thuyền này đến nhà thuyền khác. Những lúc chán chường buồn tủi, Ngẫn lại nhớ đến Thúy. Từ ngày Thúy vô Vinh, Ngẫn chưa một lần gặp lại. Mấy lần Ngẫn lang thang đến bãi chăn bò làng Phượng hỏi thăm, nhưng mấy đứa cũng chẳng biết chi hơn. Đúng lúc đang tuyệt vọng nhất thì một điều kì diệu đã đến. Hôm đó, thấy người ta đi tảo mộ, Ngẫn cũng mua thẻ hương đến mộ mẹ mình thì bất ngờ gặp Thúy cùng mẹ về quê tảo mộ. Từ đó, mỗi lần về quê, Thúy đều hỏi thăm để tìm gặp Ngẫn. Ngày Ngẫn lên đường vô mặt trận cũng là lúc Thúy nhận giấy báo đỗ đại học một trường ở Hà Nội.

Ngẫn cuộn điếu thuốc rít mấy hơi. Vệ đang muốn hỏi thêm về Thúy thì bất giác Ngẫn hỏi:

- Cái đồi ta đang chốt ni tên chi?

Vệ ớ người ra. Chắc trước đây chỉ là đồi hoang, chẳng ai quan tâm để đặt tên. Khi chiến dịch 1972 vào giai đoạn ác liêt, nó trở thành nơi tranh chấp giữa ta và địch, bom đạn, xương máu của lính hai bên trút vào, thành quả đồi biến dạng méo mó, xác xơ.

Ngẫn nhìn Vệ, ý giục trả lời, Vệ đành ậm ừ:

- Đây là quả đồi chưa đặt tên...

- Lạ hề.

Ngẫn lại định hỏi gì nữa thì có lệnh rút quân vào gần sông Ô Lâu để bảo toàn lực lượng. Rồi như định mệnh, mấy tháng sau, đơn vị được lệnh hành quân ra chiếm lại “đồi chưa đặt tên” để tạo thành thế “cài răng lược” với địch trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực.

Vệ và Ngẫn ở trong thê đội dự bị, nằm vòng ngoài. Đúng lúc quân ta chiếm được cao điểm không tên thì oái oăm thay, một quả đạn cối của địch bắn vu vơ từ đâu bay tới nổ oành gần hai người. Ngẫn chới với rồi quỵ xuống. Vệ bị khói bụi tối tăm mặt mũi nhưng không bị thương, vội lao tới dìu Ngẫn tuột nhanh xuống hẻm núi, cõng xuống một con suối, định dừng lại băng bó, nhưng Ngẫn đã yếu lắm, tiếng chỉ còn lào phào trong hơi thở dốc, không nghe rõ. Ngẫn! Đừng mà... Mi phải sống... Mi phải sống để… giúp tau một việc…

Câu nói tắt nửa chừng. Ngẫn cứ nhìn Vệ mãi, ánh mắt dại dần đi nhưng vẫn sáng lên điều gì đó muốn gửi gắm.

Trước khi chôn Ngẫn dưới chân “quả đồi chưa đặt tên”, Vệ mới hiểu. Có một lá thư viết dở trên túi áo ngực Ngẫn gửi cho Thúy, nhưng chỉ mấy dòng đầu còn rõ chữ, những dòng sau thấm máu loang đỏ, chữ nhòe đi...

Sau chiến tranh, Vệ xuất ngũ và vào đại học, ra trường trở thành cán bộ ngoại giao làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Lá thư viết dở của Ngẫn cũng bôn ba theo Vệ năm châu bốn bể.

Cho mãi đến gần đây ông Vệ nghỉ hưu mới có điều kiện về quê tìm bà Thúy trao lại.

Trời sụp tối lúc nào. Không ai nói một lời, nhưng trước mắt họ như đang chập chờn cánh buồm nâu chằng đụp vá khâu của Ngẫn ngày nào.

T.C.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)