. NGUYỄN MẠNH HÙNG
Là một chính trị gia và nhà ngoại giao giai đoạn nửa sau thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI của Việt Nam, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan có đóng góp rất lớn trong việc vun đắp tình hữu nghị Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô, sau này là nước Nga. Khi về hưu, ông sống giản dị, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng những bài viết đầy tâm huyết.
Hai năm trước (2021), khi chuẩn bị cho cuốn sách về tình hữu nghị Việt - Nga, tôi gặp ông tại tư dinh và được nghe ông kể chuyện.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân vào phòng làm việc của ông đó là chiếc laptop nhỏ chưa gấp cùng cặp kính lão đặt trên cuốn từ điển Anh - Việt đang mở ở bàn. Bên phải chiếc laptop, thêm một cuốn từ điển nữa cùng vài cuốn sách khá dày. “Thấy mình vẫn còn khỏe, nhúc nhắc viết được gì thì viết. Góp được gì cho đất nước thì góp. Với lại, không làm gì cũng thấy buồn.” Ông cười, vừa rót nước mời vừa trả lời khi tôi xuýt xoa về sức làm việc ở cái tuổi tám tư. Không xuýt xoa sao được khi mà ở tuổi đó, trong khoảng trên dưới nửa năm, ông viết bốn, năm bài, cả báo cả chính luận đăng trên các báo lớn. Một ấn tượng nữa, đó là ông có trí nhớ rất tốt. Hầu như các sự kiện trong câu chuyện mà ông chia sẻ với tôi, hệt như các cuốn sách ông để trên bàn kia, chỉ cần với tay là có thể lật đến trang cần tìm.
Những năm tháng tuổi thơ
Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan sinh ngày 7/10/1937, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ. Bố ông, như cách gọi bây giờ, là một công nhân quốc phòng. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, vì cụ ở lại Hà Nội nên hai anh em ông theo người bác tản cư trước lên Bắc Ninh rồi đi bộ sang Thái Nguyên và ở đó. Sau cụ cũng lên Thái Nguyên và làm ở Xưởng giấy 420 của Cục Quân y. Khoảng năm 1950, Tổng cục cho phép con quân nhân và liên lạc viên ở một số đơn vị quân đội vào Thiếu sinh quân. Ông kể: “Tôi đủ cả hai tiêu chuẩn nên có tên trong danh sách và được một cán bộ đưa đi theo đường 63 lên An toàn khu trên Định Hóa. Hai chú cháu chở nhau bằng xe đạp ban đêm, trời tối mịt mùng, qua con đèo, cả hai chú cháu ngã lăn quèo. Lồm cồm bò dậy, mò mẫm xung quanh, tìm mãi mới thấy chiếc xe đạp bị văng đi khá xa. Lên An toàn khu đói lắm, đói đến nỗi có lần chúng tôi phải cắt cả thịt ngựa chết để ăn. Rồi chúng tôi đi bộ lên Hà Quảng, Cao Bằng. Khi giải phóng biên giới, chúng tôi được đưa sang Nam Ninh - Trung Quốc. Thời đó Quốc dân đảng mặc quần đùi đỏ để phân biệt với các lực lượng khác. Nhân dân ở đó rất nghèo và lạc hậu, vẫn còn tục táng treo, cho xác vào quan tài rồi dựng ở bờ ao. Sau đó chúng tôi được đưa lên Quế Lâm học ở trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Tây. Thời gian học ở đây, chúng tôi được rèn theo đúng kỉ luật sắt của quân đội, nếu vi phạm kỉ luật sẽ bị phạt phải quỳ ngoài sân giữa trưa nắng hoặc bò dưới ruộng bùn…”
Những ấn tượng thời du học
Về chuyện đi học ở Liên Xô ông kể, năm 1954, một tối họp trung đội, cán bộ thông báo lấy 100 người sang Liên Xô học tiếng Nga, trong đó có ông. Cả đoàn đi tàu hỏa sang Mạc Tư Khoa. Trước đó có một anh bạn cũng là thiếu sinh quân đi dự Festival Berlin về kể Mạc Tư Khoa sạch đến nỗi đường ray tàu quẹt tay xuống không có vết đen, khiến trên đường đi ông tưởng tưởng Liên Xô nơi đâu cũng nguy nga tráng lệ giống trong các câu chuyện cổ tích. Thế nhưng, vì bên Trung Quốc lụt nên đi quá lâu, khi sang đến ga Zabaican, tàu của Liên Xô đợi đón nhưng không chờ được đã rời đi, cả đoàn phải đi tàu chợ, hàng chục người ở một toa. Lại đúng thời điểm tàu phục vụ tiêm chủng nên các toa khóa cửa, nhiều người không đi vệ sinh được nên có phần thất vọng so với những háo hức ban đầu. Nhưng cảm giác ấy ngay lập tức bị át đi bởi sự hùng vĩ của nước bạn. Những cánh rừng taiga mênh mông lá rụng vàng đến sững sờ. Các thành phố với những nhà máy to lớn san sát, ống khói cao vút, sừng sững vươn tận mây xanh. Hồ Baican nước trong vắt, phía trên bầu trời xanh ngắt đi cả ngày chưa hết…, tất cả vượt xa trí tưởng tượng non nớt của người thiếu sinh quân lần đầu tiên rời khỏi nơi rừng rú đói nghèo lạc hậu. Suốt dặm dài hành trình mười ngày trên tàu hỏa với biết bao vùng đất, bao cảnh sắc vùn vụt lướt qua… khiến ông như lạc vào hết xứ sở thần tiên này đến xứ sở thần tiên khác.
“Những ấn tượng đầu tiên ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi đến bây giờ. Một xứ sở mênh mông nhưng lại rất gần gũi, hùng vĩ nhưng lại vô cùng nên thơ. Và nó là những lí giải sống động cho tính cách, tâm hồn Nga”. Nói xong ông dừng lại một chút, ánh mắt như vẫn lạc đi với cảm xúc đầu tiên về nước Nga của mình. Xuống ga, đoàn được đưa thẳng đến nhà tắm công cộng ngay cạnh nhà hát lớn. Mạc Tư Khoa khiến ông thực sự choáng ngợp trước sự to lớn, hiện đại và hùng vĩ với những đại lộ rộng mênh mông. Ngay cả nhà tắm công cộng cũng khiến ông ngỡ ngàng. Nhìn những ô cửa kính trong suốt, rồi đá lát nền, gạch ốp tường bóng loáng dài tít tắp có thể soi gương được, ông cảm giác như mình đang ở trong cung điện của câu chuyện cổ tích nào đó. Ông vẫn nhớ lúc tắm, bị bắt phải cởi hết quần áo khiến tất cả nhìn nhau rồi lại quay đi đỏ mặt cười khúc khích vì chưa quen.
Nơi các ông ở để học tập là kí túc xá Trường Bồi dưỡng giáo viên của Bộ Giáo dục Nga. Ấn tượng nhất với ông chính là các thầy cô giáo. Có thầy cô mới tốt nghiệp chỉ hơn các ông ít tuổi, cũng có những thầy cô nhiều tuổi, nhưng tất cả coi sinh viên Việt Nam như em, như con, thậm chí còn hơn thế. Ông vẫn nhớ lần bị sốt rét lại, người run cầm cập. Vì ở Nga đã thanh toán bệnh sốt rét lâu rồi, cô giáo phụ trách không biết là bệnh gì nên lo lắm. Cả đêm cô thức chong chong ngồi canh, cần gì phục vụ ngay. Thấy ông rét run bần bật, cô vòng tay ôm để truyền hơi ấm của mình sang, khẽ vỗ vỗ vào người cậu học trò động viên bằng những lời vô cùng âu yếm, ánh mắt lo lắng yêu thương.
Kể về quá trình học, ông cười rồi so sánh đầy hóm hỉnh: “Các sinh viên Việt Nam được chăm bẵm như những đứa trẻ mẫu giáo. Khi tham quan các công trình kiến trúc, bảo tàng, đi tắm, chơi thể thao, xem hát và nhiều sinh hoạt khác…, các cô đều bắt chúng tôi xếp hàng, một cô đi đầu dẫn đoàn, cô khác đi sau cùng quan sát để không ai bị lạc. Bỡ ngỡ, hỏi thêm bất cứ gì các cô cũng trả lời cặn kẽ.”
Về việc học, lúc đó chưa có sách giáo khoa bằng tiếng Việt nên các thầy cô phải dùng sách tiếng Trung và tiếng Pháp vì trong lớp có số ít người biết sơ sơ hai thứ tiếng này. Nhưng cơ bản vẫn là dạy trực quan, chỉ vào từng thứ đồ vật như cái tủ, cái bàn, cái tường…, nói để sinh viên nói theo và uốn nắn. Chỉ mãi rồi cũng hết, các thầy cô chuyển sang những cuốn tranh thiếu nhi, chỉ vào con vật, khu rừng… Khi đó tinh thần học tập của sinh viên Việt Nam rất cao. Mọi người thi đua rồi thách đố nhau mỗi ngày nhớ được bao nhiêu từ. Có những người như Vũ Thế Khôi (sau là giáo sư ở trường Ngoại ngữ) có ngày nhớ được tới 140 từ. Cứ hết một ngày, từng tổ một ngồi truy bài nhau. Các thầy cô rất kiên nhẫn và nhiệt tình trong quá trình dạy dù cuộc sống riêng của họ cũng còn rất kham khổ. Ông vẫn nhớ lần đến thăm nhà một bà giáo ở ngoại ô. Trên nhà không có nhà vệ sinh riêng mà phải đi ở hầm dưới nhà - nơi trữ các thực phẩm mùa đông. Rồi khi đến nhà một bà giáo khác ở khu chung cư (giống như nhà tập thể bên ta) trong thành phố, bốn năm gia đình chung một bếp, một nhà vệ sinh. Nhà thì rất chật, đến nỗi chiếc giường cũng chỉ dám đóng vừa vừa để khỏi choán mất lối. Nhìn hai vợ chồng đều to lớn kềnh càng, ông không tưởng tượng được họ sẽ nằm thế nào để ngủ trên đó.
Dù đời sống của người dân Nga còn vất vả, nhưng sinh viên Việt Nam vẫn được dành những ưu ái đặc biệt. Kì nghỉ đông được đi ngoại ô, ăn đồ ăn ngon, nghỉ ở nơi sang trọng, tiện nghi, xung quanh là rừng thông xanh với tuyết trắng bao phủ. Mùa hè thì được đưa xuống Hắc Hải, nghỉ tại khu nghỉ mát nổi tiếng Sochi. Sinh hoạt phí được lĩnh khá cao, gần nghìn rúp. Sau này ra làm ở đại sứ quán, ông mới biết nhân viên như ông hồi ấy chỉ được bảy tám chục còn đại sứ cũng chỉ được hơn bốn trăm, tức là lương sinh viên cao gấp đôi lương đại sứ. Tết các ông được vào điện Kremlin ngắm thông, đi xem hát ở nhà hát Bolshoi…
Hết học từ lẻ chuyển sang học ngữ pháp. Một từ phải chia làm sáu cách, mỗi trường hợp dùng một cách. Động từ cũng thế, ngoài ra còn chia quá khứ, hiện tại, tương lai… rất phức tạp. Nhiều từ cứ phải phiên âm ra tiếng Việt, xem có từ nào mang máng không để dễ nhớ. Trong quá trình học tiếng, lớp được xem phim, những bộ phim về hiện tại, chiến tranh đầy nhân văn, hồn hậu, nhân ái như tính cách Nga. Thứ nữa là đọc sách. Mới học nên ban đầu ông đọc những cuốn đơn giản rồi nâng dần mức độ khó đến những cuốn sách kinh điển. Đó cũng là cách để hồn văn học Nga ngấm sâu vào sinh viên. Nhờ đó mà ông được tiếp cận với các tác phẩm của Lev Tolstoy, Puskin, Sergeyevich Turgenev, Sholokhov, Chekhov…
“Tôi ở sứ quán Liên Xô tới 4 nhiệm kì, bắt đầu là nhân viên, đến khi kết thúc là phó đại sứ.” Ông kể, thời gian đó, bạn đều bảo đảm cho Việt Nam các điều kiện tốt nhất để làm việc. Nhân viên nước bạn ở đó gồm có một người lái xe tên Pechia, trước đây vốn là chiến sĩ lái xe tăng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc, hai người phụ nữ, một đưa thư tên Lenhia, một đánh máy tên Tamara. Cả ba sống vô cùng tình cảm, hồn hậu, không nề hà bất cứ công việc gì, thời gian nào. Chưa bao giờ ông thấy họ kêu ca, đòi hỏi. Họ cứ lặng lẽ tận tụy làm việc cho đến khi nghỉ hưu, trong khi điều kiện sống như bao nhiêu công chức Nga thời kì ấy, cũng không khá giả gì.
“Tính ra tôi ở Liên Xô tới gần 20 năm, kể cả học và làm việc, được tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp nhân dân Nga, phải nói rằng bất kì nơi nào của Liên bang Xô Viết (kể cả mười lăm nước cộng hòa) đều cảm nhận được rõ rệt tình cảm quý mến của người dân dành cho Việt Nam.”
Ông chia sẻ, vì văn hóa, lịch sử, lí tưởng đồng điệu dẫn đến tình cảm của hai dân tộc dành cho nhau hết sức chân thành. Ông đã trực tiếp chứng kiến, trong giai đoạn Mĩ ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc, rất nhiều người dân Liên Xô đến gửi đơn tình nguyện sang chiến đấu giúp Việt Nam, trong số đó, có cả những ông già từng tham gia Cuộc chiến tranh Vệ quốc. Rồi những cụ về hưu mang sổ tiết kiệm đến, các cháu học sinh mang sách vở đến đại sứ quán mong được đóng góp một phần nhỏ bé của mình… Tất cả các hành động đó đều diễn ra hết sức tự nguyện bởi tấm lòng họ chứ không phải được tổ chức. Ông vẫn nhớ kỉ niệm lần mới ở sứ quán về, khi làm kế hoạch 3 năm khôi phục miền Bắc ông đi theo đoàn chuyên gia thương mại, xuống thăm nhà máy cá hộp Hải Phòng tự nhiên thấy bà chuyên gia Liên Xô bật khóc. Hỏi ra mới biết, lưỡi dao lắp vào máy làm cá bị mẻ khiến cả nhà máy phải dừng hoạt động vì dao dự phòng không có, trong khi để chuyển lưỡi dao đó từ Liên Xô về phải mất nửa tháng. Vì yêu, tận tâm với Việt Nam, đồng cảm với sự khó khăn của nhà máy nên bà lo lắng.
Tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô
Nói đến mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô không thể không nói đến Bác Hồ - người đặt nền móng, có vai trò vô cùng quan trọng cho mối quan hệ giữa hai nước. Trong một bài báo của mình, ông viết. “Một nhân tố rất đặc biệt tạo nên tình hữu nghị giữa hai dân tộc ở rất xa nhau ấy là tình cảm và hoạt động của Bác Hồ đối với Liên Xô. Mọi người đều biết, chính Bác là người Việt Nam đầu tiên đã tiếp thu tư tưởng của V.I. Lênin về con đường giải phóng dân tộc; Người đã từng hoạt động nhiều năm trong Quốc tế Cộng sản đóng trụ sở tại Liên Xô và đã đưa nhiều thanh niên ưu tú của Việt Nam sang học tập, trong đó có các Tổng Bí thư Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập… Người đã phải dầy công, khéo léo tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ giữa Liên Xô, Trung Quốc cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của nhân dân ta… Thái độ chân thành, đạo đức trong sáng, tác phong giản dị của Người luôn tạo nên sức hấp dẫn rất mạnh đối với lãnh đạo và nhân dân nước bạn.”
Ông kể, mỗi lần sang, Bác thường gặp những người bạn cũ - những người đã về hưu để hỏi han, rồi gọi các cháu đến đại sứ quán cho kẹo. Khi đi đến các nước cộng hòa cũng vậy, Bác giống như đang ở nước mình và được người dân yêu quý như người thân vậy.
“Khi Bác mất, cả Bộ Chính trị nước bạn đến chia buồn - đây là điều rất đặc biệt bởi ở đại sứ quán tôi cũng đi kí sổ tang nhiều nên biết, đó là lần duy nhất mà toàn bộ lãnh đạo của bạn đến chia buồn.” Bình thường đến viếng, sau khi xong nghi thức là về. Nhưng hôm đó, ông thấy các lãnh đạo của bạn, rất tự nhiên, ngồi lại với nhau và cùng chia sẻ những kỉ niệm của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự chia sẻ giống như của một nhóm bạn thân thiết vừa mất đi một thành viên của nhóm…
“Đầu năm 1965, lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Liên Xô A. Kosygin sang thăm Việt Nam và tôi được tham gia phục vụ chuyến thăm này. Đúng lúc đoàn tới Việt Nam thì Mĩ đổ quân vào Đà Nẵng và ném bom bắn phá miền Bắc dưới vĩ tuyến 20, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ ở Việt Nam. Chủ tịch HĐBT Liên Xô A. Kosygin đã lên án mạnh mẽ những hành vi trắng trợn đó của Mĩ, đồng thời tích cực hưởng ứng yêu cầu của ta về việc cung cấp tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu hiện đại để chống trả, đồng thời đề nghị triệu tập hội nghị quốc tế ủng hộ Việt Nam. Tiếc rằng, do sự bất đồng trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phe xã hội chủ nghĩa lúc đó nên ý tưởng đã không được thực hiện.
Cuối năm 1972, Mĩ mở cuộc không kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở miền Bắc nước ta hòng ép ta chấp nhận sửa đổi dự thảo Hiệp định Pa ri. Lúc ấy ông được cử đi phục vụ đồng chí Trường Chinh sang Matxcova dự lễ kỉ niệm lần thứ 50 ngày hình thành Liên bang Xô Viết. Theo yêu cầu từ trong nước, đồng chí Trường Chinh đã đề nghị bạn cung cấp bổ sung tên lửa cho ta để ứng phó và phía bạn đã đưa gấp khí tài sang Việt Nam, giúp nhân dân ta giành chiến thắng vang dội trong trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Rồi những câu chuyện về “vui mừng có nhau” giữa nhân dân hai nước cũng không ít, ông còn lưu giữ mãi niềm phấn khởi, tự hào khi được thấy hàng vạn người dân Matxcova tay cầm cờ hoa đứng kín hai bên đường và ban công dọc theo đại lộ Leningrard và Gorky dài hàng chục cây số từ sân bay Vnukovo I về điện Kremlin để chào đón Bác Hồ lần đầu tiên sang thăm chính thức Liên Xô vào năm 1955. Sau này, ông còn được chứng kiến, thậm chí tham gia nhiều sự kiện khác nói lên tấm lòng của người Xô Viết luôn coi thắng lợi của nhân dân ta như của chính mình. Năm 1973, đi theo các đồng chí Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh(1) về qua Matxcova sau khi Hiệp định Pa ri được kí kết, ông đã chứng kiến sự đón tiếp tưng bừng, nồng hậu của bạn. Phá vỡ lệ thường, một cuộc đại tiệc đã được tổ chức trong gian lớn của điện Kremlin với sự tham dự của toàn bộ ban lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thành viên chính phủ, tướng lĩnh, quan chức, nhân sĩ cùng hàng trăm nhà ngoại giao nước ngoài để chào mừng đoàn, mừng thắng lợi của Việt Nam. Cũng trong chuyến thăm này bạn đã tuyên bố xóa các khoản nợ của nước ta đối với Liên Xô trị giá nhiều tỉ USD.
Đến năm 1975 là lần duy nhất trong đời ông có ý định xin không đi công tác nước ngoài. Số là khi được tin Sài Gòn giải phóng, ông chỉ muốn nhào vào miền Nam song lại được lệnh theo đoàn sang Liên Xô dự lễ kỉ niệm lần thứ 30 ngày chiến thắng phát xít. Biết làm sao được, công việc vẫn là công việc và ông phải sách va li lên đường. Có thể nói, buổi lễ ấy đã biến thành lễ mừng đại thắng mùa xuân của nhân dân ta. Khi nhắc đến tên Việt Nam, nhất là khi trưởng đoàn ta là đồng chí Nguyễn Duy Trinh bước lên diễn đàn thì cả hội trường lớn đã nhất tề đứng dậy; bài diễn văn của đoàn bị ngắt quãng nhiều lần bởi tiếng vỗ tay, sự tung hô. Một điều lí thú là tháng 5/1945 Liên Xô đại thắng phát xít Đức, 30 năm sau, cũng đầu tháng 5 quân dân ta đã giành toàn thắng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Về phía Việt Nam, ông bảo, nhân dân ta luôn chia bùi, sẻ ngọt với nhân dân Liên Xô, nay là Liên bang Nga. Thế hệ ông vẫn lưu giữ mãi niềm phấn khích tột độ khi Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ; Yuri Gagarin là sứ giả đầu tiên của loài người bay xung quanh trái đất, cũng như dịp nhà du hành vũ trụ thứ hai G.Titov sang thăm Việt Nam, được Bác Hồ đích thân đưa đi thăm vịnh Hạ Long…
Và rồi, ngờ đâu cuối những năm 80, đầu những năm 90 các ông đã nín thở theo dõi những diễn biến đầy kịch tính ở Đông Âu rồi cả ở Liên Xô đưa tới sự tan rã của Liên bang Xô Viết. Lần cuối cùng ông sang Liên Xô rơi vào dịp đoàn đại biểu cấp cao của ta do Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười dẫn đầu sang thăm Matxcova khi sự tồn tại của nhà nước Xô Viết chỉ còn mấy tháng. Lòng ông quặn đau khi nhìn thấy những đường phố thân quen tiêu điều, các cửa hàng rỗng tuếch, ai ai cũng đăm chiêu, buồn rầu. Ông M.Gorbachev đâu còn phơi phới tự tin như lần sang dự Đại hội V của Đảng ta, các cán bộ Trung ương Đảng ai ai cũng ủ rũ, không còn cười đùa với đoàn như trước.
Đến ngày 19/8/1991 xảy ra vụ đảo chính bất thành; 5 ngày sau M.Gorbachev từ chức Tổng bí thư và ngày 8/12 năm đó Liên bang Xô Viết giải thể.
Liên Xô tan rã, quan hệ giữa nước ta với các nước cộng hòa thành viên trong Liên bang Xô Viết, kể cả nước lớn nhất là Liên bang Nga có phần nguội lạnh một thời gian. May thay cục diện ấy đã lui về dĩ vãng, nhất là từ khi ông V. Putin lên nắm quyền lãnh đạo, lúc đầu là Thủ tướng, sau làm Tổng thống. “Tôi gặp ông lần đầu tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2001 khi làm phiên dịch bất đắc dĩ tại cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải (sở dĩ vậy vì cả hai đoàn đều không có phiên dịch Việt - Nga). Qua đận đó, đến những cuộc gặp sau khi tôi tham gia đoàn thăm Liên bang Nga và đón tiếp ông V. Putin sang thăm nước ta, tôi luôn cảm nhận rất rõ mối cảm tình nồng thắm của ông với nhân dân Việt Nam. Chính ông cũng là người quyết định xóa nốt các khoản nợ của Việt Nam đối với nước Nga kể từ sau năm 1973. Thừa hưởng di sản quý báu được xây đắp nên bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ trước, hai nước đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, về kinh tế đã hình thành “Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam - Liên minh Á - Âu”. Và nhân kỉ niệm lần thứ 70 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước tiến hành “năm chéo” (nghĩa là trong vòng hai năm, hai nước thay nhau tổ chức các sự kiện chính trị - văn hóa để mừng lễ kỉ niệm).
Ông nhớ lại, đặt vấn đề và tự trả lời: “Tôi cứ tự hỏi vì sao nhân dân hai nước cách xa nhau hàng vạn dặm lại gắn bó mật thiết với nhau như vậy? Tình cảm ấy không chỉ có trong trái tim của thế hệ chúng tôi là những người “ăn nhiều bánh mì đen” và “hàng yến muối Nga”(2) mà ngay cả nhiều bạn trẻ chưa hề có quan hệ gì với nước Nga. Có lẽ sự tương đồng về lịch sử, văn hóa của nhân dân hai nước đã tạo nên hiện tượng “thần giao cách cảm”. Nhân dân Liên Xô đã vùng lên đập tan “nhà tù các dân tộc” của chế độ Sa hoàng vào năm 1917, còn nhân dân Việt Nam đã tận dụng thời cơ Liên Xô đánh thắng phát xít năm 1945 lật đổ ách thống trị của thực dân - phong kiến. Liên Xô là nước lớn duy nhất trên thế giới không đụng súng gươm với nước ta. Hi vọng rằng mối tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc sẽ mãi trường tồn, đem lại lợi ích cho cả hai nước.”
Hãy là người tử tế
Câu hỏi cuối cùng của tôi, rằng ông có lời khuyên gì với các bạn trẻ đang sống trong thời hội nhập ngày nay. Không cần suy nghĩ, ông nói luôn “Hãy là người tử tế”, rồi giải thích đó là nghĩ cho thiên hạ trước, cho mình sau. Thiên hạ có thể ở nghĩa hẹp, nơi mình làm việc, rộng ra là cả dân tộc. Yêu nước thì hãy yêu những cái gì cụ thể, nhỏ bé đã, như nhặt cái túi bóng ven đường cho sạch vỉa hè… Phương châm sống của ông là: “Mình hãy là mình và cái mình ấy là thiên hạ trước, mình sau”. “Khi lên thì đừng tìm cách xoay lên và xuống thì biết cách mà xuống, đúng lúc mà xuống.” “Mình tự không trọng mình thì ai trọng.”
N.M.H
--------
1. Đồng chí Lê Đức Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị, cố vấn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hòa đàm Pa ri; còn đồng chí Nguyễn Duy Trinh là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời đó sang Pa ri kí Hiệp định.
2. Người Nga thường ăn bánh mì đen và trong tiếng Nga có thành ngữ “ăn một yến muối” để chỉ mối quan hệ mật thiết.
VNQD