Tín vật

Thứ Sáu, 10/11/2023 11:31

. TRỊNH TUYÊN
 

Khi họa sĩ “truyền” xong hai bức chân dung thì chiều đã muộn. Hai tấm di ảnh của cha mẹ tôi đặt trên bàn thờ đã ố vàng, mờ nhạt bởi thời gian, nhưng nhờ tài năng của người vẽ, thần sắc như mới. Cha tôi, một cán bộ lão thành cách mạng, đang nhìn tôi, vừa như quở trách, vừa như bao bọc, chan chứa tình phụ tử. Còn mẹ, nét mặt và ánh mắt của người mới hiền hậu làm sao.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Mặt trời gác núi. Người họa sĩ đưa nét bút cuối cùng hoàn thiện tác phẩm. Anh ta nâng từng tấm ảnh lên, ngắm nghía, vẻ hài lòng. Trong ánh chiều hắt từ ngoài hiên vào, mắt tôi như bị thôi miên. Trên cổ tay áo trái của anh ta đơm một chiếc cúc to gần bằng đồng xu, màu vàng, có đính hạt xoàn lấp lánh phát sáng như kim cương. Tôi nhìn sang bên kia, cổ tay áo phải chỉ là loại cúc nhựa bình thường.

Quá khứ xa thẳm chợt ùa về. Tôi nén xúc động, bình tĩnh, chỉ vào chiếc cúc áo bên trái hỏi:

“Chiếc cúc này đẹp quá! Sao lại chỉ có một bên?”

Người hoạ sĩ ngước mắt nhìn tôi đăm đăm. Lặng một giây vẻ ngẫm ngợi anh ta nhỏ nhẹ: “Dạ. Nó là của má em. Khi em bị bắt lính, má trao cho em. Má bảo, chiếc cúc đó cắt ra từ áo của bà ngoại. Áo ấy, bà ngoại được cố ngoại truyền lại trước khi qua đời. Áo của cố ngoại được chính tay nhà vua ban tặng. Đôi cúc áo do một nghệ nhân Huế chế tác, chỉ có một, không hai.

Tôi hấp tấp:

- Anh đi lính? Lính nào?

- Dạ! Lính quốc gia.

- Anh từng là lính ngụy?

Nghe đến từ “lính ngụy”, anh ta giật thót mình, tay run run hoảng hốt. Chỉ tích tắc, tôi và anh ta như bị đẩy về hai chiến tuyến của một thời đối đầu. Tôi cố giấu cảm xúc, lấy lại thái độ cởi mở, nhìn xoáy vào chiếc cúc áo đặc biệt:

- Chà! Cái cúc áo…

- Dạ. Đồ gia bảo đó anh. Bởi thế em luôn mang theo người để các cụ phù hộ… - Giọng anh ta chợt nhỏ lại, ngập ngừng - Và cũng liên quan đến người anh trai em. Em ra Bắc lần này…

Anh trai? Có liên quan đến chiếc cúc áo? Tim tôi bỗng nhiên đập rộn lên. Bắc, mày sống khôn thác thiêng, lẽ nào…

Để mặc anh ta ngơ ngác, tôi đứng dậy đi nhanh vào gian buồng, lục lọi trong chiếc rương gỗ, sực mùi ẩm mốc. Đây rồi. Tôi đã tìm thấy cái gói nhỏ bọc trong tấm vải dù. Vật này, tôi lấy từ túi áo ngực đẫm máu của Bắc, người đồng đội năm xưa học cùng trường, nhập ngũ cùng ngày, về cùng đơn vị, hi sinh trên điểm cao H.

Khi chiếc cúc của tôi được đặt trên bàn, trước mặt người khách, nét mặt anh ta bỗng nhiên tái đi, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương, toàn thân run rẩy. Anh ta đưa mắt hết nhìn nó rồi lại nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Sau rồi, như thể khẳng định, anh ta ngồi xuống, hai tay ôm chặt lấy chân tôi, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt khắc khổ: “Có phải… anh… anh là anh Bắc…”

Đôi môi mấp máy, anh ta giơ hai cánh tay dài ngoẵng, giống như hai rễ si ôm chặt lấy chân tôi. Tôi đứng yên, chết lặng, trân trân nhìn anh ta. Khuôn mặt Bắc tái nhợt trước lúc hi sinh nhòa nhập nơi gương mặt người khách.

*

*        *

Đó là một buổi chiều sắp tàn. Tôi vẫn nhớ như in, đại đội tôi được lệnh phải chốt chặt, giữ cao điểm H bằng mọi giá. Dưới chân cao điểm, con đường huyết mạch thông sang Lào ngoằn ngoèo ảo mờ trong sương khói. Nếu địch chiếm được điểm cao này, chúng sẽ khống chế toàn bộ việc chuyển quân của ta. Chiến dịch sắp mở màn, lịch sử giao cho chúng ta nhiệm vụ hết sức nặng nề, bằng mọi giá phải giữ cho bằng được cao điểm. Lời chính trị viên Trung đoàn huấn thị khắc dấu trong tâm trí. Đã mấy ngày qua, địch tấn công hết đợt này đến đợt khác nhưng đều bị đại đội tôi đánh bật trở xuống. Trên cao điểm, quân ta hi sinh cũng khá nhiều. Đại đội chỉ còn lại sáu người trong đó có tôi và Huỳnh Thế Bắc. Chúng tôi liên tục vừa di chuyển vừa bắn để đánh lừa địch. Nếu để chúng biết chính xác lực lượng của ta, lợi dụng đêm tối, sẽ tổ chức tấn công ồ ạt, chúng tôi sẽ không thể chống đỡ nổi, mất cao điểm là cái chắc. Chúng tôi không có thời gian ngồi với nhau. Tất cả xác định cùng sống chết với cao điểm. Trong giờ phút nguy nan và căng thẳng ấy, tôi thấy lòng mình thật thanh thản. Nhớ ngày nhập ngũ, khi ấy tôi và Bắc đang học kì hai, năm cuối cấp ba. Ba Bắc là cán bộ miền Nam tập kết, làm ở nông trường Đồng Giao nên thuộc diện được miễn nhập ngũ nhưng Bắc làm đơn tình nguyện. Đêm trước khi lên đường, hai thằng dẫn nhau đi tạm biệt bạn bè. Trên đường về, Bắc có kể cho tôi nghe về người em tên Nam và má ở trong miền Nam đã mười mấy năm xa cách, nghe đâu Nam đã bị bắt đi quân dịch. Tôi bảo, mày xa nhà từ ngày còn bé tẹo, giả dụ như có gặp Nam, thì làm sao mà nhận được. Bắc bảo, nhận được chứ. Vì khi hai ba con tao từ miền Nam ra, má đã trao cho ba một tín vật để lỡ chiến tranh loạn lạc, sau này hai anh em còn nhận ra nhau. Ba vừa trao lại cho tao ngày hôm qua…

Tôi và Bắc nhận nhiệm vụ chốt chặt hướng Tây Nam, hướng dễ bị hở sườn, địch tấn công ác liệt nhất. Khẩu trung liên trong tay Bắc rung lên đến đỏ nòng, ép địch không thể nống lên được. Tôi phụt một quả B40 vào đám quân co cụm dưới chân đồi. Mùi da thịt bị cháy quyện mùi thuốc súng theo gió bay lên khét lẹt, lờm lợm, đặc cả hai lỗ mũi. Tôi với Bắc di chuyển như con thoi, bình tĩnh, nhịp nhàng linh hoạt. Phía chân cao điểm bỗng im lặng. Tôi đang suy nghĩ và căng mắt quan sát xem chúng định giở trò gì thì từ một gốc cây rất gần trận địa, một tên lính bí mật bò lên từ lúc nào, đột ngột nhô lên xả một loạt AR15 về phía khẩu trung liên của Bắc rồi thụp xuống. Tôi chỉ kịp ném theo tên lính một quả lựu đạn rồi chạy lại chỗ Bắc. Ngực Bắc loang đỏ máu. Tôi ôm lấy Bắc, đỡ nằm xuống. Đôi mắt đã gần hết sinh lực nhưng vẫn cố giương lên, vẻ tuyệt vọng nhìn tôi. Tôi ghé sát vào tai Bắc giọng lạc đi: “Bắc ơi! Mày có điều gì nhắn lại không?” Bắc muốn nói nhưng sức đã kiệt rồi, không thể phát ra lời, chỉ thấy đôi môi mấp máy, chiếu ánh nhìn cuối cùng vào túi áo ngực của mình. Tôi gật gật đầu hiểu ý. Người Bắc bỗng mềm nhũn, đầu ngoẹo ra phía sau, trút hơi thở cuối cùng. Tôi vội mở túi áo ngực trái của Bắc, chạm vào một gói nhỏ bọc bên ngoài là chiếc khăn mùi xoa, buộc rất cẩn thận. Tôi mở ra. Máu thấm đầy tay tôi, ướt đầm chiếc khăn có thêu đôi chim én đang bay lượn trên cành đào mùa xuân thấp thoáng hoa, chắc là khăn của bạn gái Bắc tặng trước lúc chia xa. Bên trong là hộp cao Sao Vàng rỗng đựng chiếc cúc áo màu vàng có đính mấy hạt xoàn hay hạt gì đó không rõ. Tôi nhìn chiếc cúc áo rồi lại nhìn Bắc. Đôi mắt rất đẹp và hiền của Bắc như đau đáu nhìn tôi, gửi gắm. Tôi đặt bàn tay lên đôi mắt ấy và cảm nhận được hai mí mắt Bắc từ từ khép lại. Tôi ôm lấy thân thể Bắc đang lạnh dần, nước mắt ứa ra. Bắc ơi! Mày cứ yên lòng ra đi, nếu sau chiến tranh, tao còn sống, tao sẽ tìm gặp được thằng Nam, em trai mày, tao sẽ trao cho nó…

Chiều tối hôm ấy, khi tiếng súng đã vãn, chúng tôi được lệnh đêm xuống sẽ rút khỏi cao điểm. Không thể mang Bắc ra, tôi quyết định liệm Bắc bằng tấm tăng đã rách bởi bao nhiêu vết đạn găm vào, xác định vị trí, ước tính tọa độ, rút lưỡi lê AK bên hông, dùng hết sức lực còn lại, đào một hố đất chôn Bắc dưới những rễ xùm xòa của một gốc cây bằng lăng, thân nứt toác, bị găm không biết bao nhiêu mảnh đạn. Tôi cố lật những hòn đá to, xếp thành hình chữ nhật dưới gốc cây. Tôi muốn những hòn đá và rễ cây sẽ bảo vệ Bắc. Xong, tôi không quên đánh dấu bằng một tảng đá có hình thù đặc biệt, ý đồ để sau này khi kết thúc chiến tranh, có đi tìm hài cốt Bắc, sẽ dễ dàng nhận ra. Trời đã tối đen, bốn bề vắng lặng. Tôi nghe rõ tiếng dế gáy trong sương lạnh. Khẩu trung liên lạnh ngắt ướt nhòe trong tay tôi. Tôi nghiến chặt răng, người run lên cùng nỗi cô đơn ngước nhìn bầu trời xám xịt màu khói súng chậm chậm chuyển sang màu đêm.

 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tôi cúi xuống đỡ người khách đứng dậy.

- Cậu có đúng là Nam không?

Khi tôi nói câu đó, Nam đã hoàn toàn tin tôi là Bắc, người anh trai ruột của mình. Nam càng ôm chặt lấy tôi hơn, vừa mừng vừa tủi trong bóng chiều đang sẫm dần. Tôi chụm củi, nhóm lửa thổi cơm, định bụng đêm xuống, còn hai anh em mới nói thật cho Nam biết. Nam ra mảnh vườn sau nhà hái vội ít ngọn mùng tơi vào luộc. Mở chạn đựng thức ăn, chỉ còn đúng bốn con cá nục khô, tôi nảy ra sáng kiến, mình cá thì hấp luôn vào nồi cơm vừa cạn, còn đầu cá, tôi dùng chày gỗ giã cho nát, thêm thìa mẻ chua lọc, nấu riêu. Bữa cơm nhà nghèo, chỉ có thế mà Nam cứ nức nở khen ngon…

Đêm hôm ấy, hai anh em nằm bên nhau trò chuyện đến gần sáng. Nam vui lắm vì đã tìm được người anh trai của mình. Nam kể. Sau khi Bắc và ba đi, má Nam điêu đứng đủ điều. Chồng là cán bộ Việt cộng đi tập kết mà. Khi ấy Nam cũng đã lớn, có nhiều người tìm đến với má, nhưng má cự tuyệt. Nhưng sau rồi, có lẽ do hoàn cảnh và cả áp lực của chánh quyền, má phải li khai với ba. Sau bảy tám năm không nhận được tin ba, má phải chấp nhận chung sống với một ông thiếu tá quân đội quốc gia góa vợ. Nghĩ mình là người vợ phản bội chồng, xấu xa ghê tởm nên tâm trạng má luôn dằn vặt. Có lẽ vì thế mà hai lần mang thai với ông thiếu tá má đều không giữ được. Ông thiếu tá sau này cũng mất xác ở chiến trường Quảng Trị. Ngôi biệt thự bên bờ vịnh Nha Trang của ông ta đương nhiên thuộc về má và Nam. Hiện má Nam bị bệnh hiểm nghèo, không đi lại được, chỉ mong có thông tin của người chồng và đứa con trai tập kết. Má bảo, ba ra Bắc, trong giấy tập kết có ghi về nông trường Đồng Giao, thuộc tỉnh Ninh Bình, ra vùng ấy tìm, may ra sẽ kiếm được. Nam đã ra hai lần rồi, nhưng không được.

Lần này, Nam quyết định sẽ lân la dò hỏi kì ra. Trước khi đi, Nam đã thắp hương cầu khấn ông bà, tổ tiên phù hộ, dẫn đường chỉ lối. Nam khâu chiếc cúc áo vào ống tay. Sẵn có khiếu vẽ, Nam quyết định đi vẽ truyền thần dạo. Mấy tháng nay, hầu như mọi hang cùng ngõ hẻm Nam đều sục vào. Đến các gia đình Nam đều cố tình giơ ống tay áo có đính chiếc cúc lên xem có ai nhận ra không. May mắn sao, Nam đã vào trúng nhà tôi. Chiếc áo má Nam đã cắt rời hai cái cúc, giờ là lúc phải khâu lại cho trọn vẹn. Cúc của Bắc tay phải, cúc Nam tay trái… Ngập ngừng một chút, Nam hỏi:

-Thế ba giờ…?

Nghe Nam hỏi, tôi định nói thật mình là ai, nhưng thấy tình cảm của Nam quyến luyến quá, tôi không nỡ. Với lại tôi cũng định cứ để má Bắc những ngày cuối đời tin mình đã gặp được đứa con sau bao năm thất lạc để bà có thể nhắm mắt xuôi tay.

Tôi lựa lựa kể, khi tôi lên đường nhập ngũ thì ba được điều ra làm việc ở một cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Ngày rời quân ngũ trở về, nghe nói, ba được điều đi công tác ở đâu đó xa lắm, từ đó tới giờ cũng không ai nghe tin tức gì về ông. Còn ngôi nhà tôi đang ở, vì làm ăn thua lỗ nên nhà cũ mới bán, phải mượn nhà của một người bạn đã định cư ở nước ngoài nên ban thờ là của gia đình người ta. Còn tôi, đi khám, bác sĩ bảo bị chất độc da cam, có con sẽ rất rủi ro nên quyết định không lấy vợ. “Ba ơi! - Nam ôm lấy tôi, nấc lên nghẹn ngào - Bao nhiêu năm con mơ ước sẽ có ngày ra Bắc gặp ba, nào ngờ...”

Ngày hôm sau, tôi theo Nam về Nha Trang. Hai anh em lên tàu Thống Nhất, cùng ngồi sát bên nhau. Cái tên “tàu thống nhất” bây giờ nghe mới ý nghĩa và thiêng liêng làm sao. Tôi nhìn qua khung cửa sổ tàu. Làng mạc, núi sông hiện lên một dải nối liền. Ôi đất nước! Mấy mươi năm trời tôi cùng đồng đội đổ bao xương máu, đến bây giờ được thế này đây. Tôi rưng rưng cảm động, nhận ra từng địa danh, nhớ lại những mái nhà, những tấm lòng nhân hậu của những con người đã cưu mang giúp đỡ tôi, bây giờ họ đang ở đâu?

Suốt quãng đường, Nam cứ đắn đo, ái ngại cho gia cảnh của tôi. Còn tôi, cũng đắn đo việc bao giờ thì nói ra sự thật. Mỗi lần liếc sang gương mặt Nam đầy mãn nguyện, tràn trề hạnh phúc của sự đoàn tụ sau bao nhiêu năm chiến tranh phiêu dạt, tôi thấy khó xử vô cùng.

Qua hai ngày một đêm, thành phố đã hiện ra, yên bình và lịch lãm bên bờ biển Nha Trang. Tôi gặp được người má của Bắc và Nam. Bà đã suy kiệt, gầy yếu lắm rồi, cơ thể teo tóp, như một đứa trẻ, hoi hóp trên giường, cố gắng chờ đợi đứa con trai trở về. Tự nhiên nghĩ đến hình ảnh Bắc gục ngã nơi chiến hào, ánh mắt tuyệt vọng gửi gắm cho tôi tín vật, cảm xúc chợt trào lên, tôi không cầm nổi nước mắt, cứ để mặc cho tuôn đầm đìa trên mặt. Tôi ôm lấy bà, kêu lên: “Má ơi! Má! Con là thằng Bắc của má, giờ đã về với má đây nè…” Nghe tiếng tôi, bà giơ đôi cánh tay xanh xao chỉ còn da bọc xương choàng lấy cổ tôi. Nước mắt tôi và nước mắt của người mẹ miền Nam sau mấy chục năm chiến tranh lưu lạc với nỗi đau chia cắt đã hoà trộn vào nhau. Tôi cảm nhận được sự run rẩy vui mừng của má từ bàn tay gầy guộc…

Một tuần sau, má ra đi. Tôi đội khăn tang thay Bắc, túc trực bên linh cữu và tiễn đưa người về nơi an nghỉ cuối cùng…

Nhiệm vụ của tôi với Bắc đã hoàn thành. Tôi không còn lí do gì để lưu lại đây nữa. Đang định tìm một thời gian thích hợp để nói rõ cho Nam biết sự thật thì một sáng, Nam đưa tôi đến một ngôi biệt thự ngay bên bờ vịnh Nha Trang. Ngôi biệt thự khá hiện đại và xinh xắn, kiến trúc theo phong cách châu Âu lịch lãm. Nam dẫn tôi lên tầng thượng, phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh vịnh Nha Trang và biển, rồi bảo: “Anh ơi! Trên thế gian này bây giờ em chỉ còn có anh là ruột thịt thôi. Ngôi nhà này ngày xưa là của má và ba dượng em, bây giờ nó sẽ thuộc về anh. Vì anh là trưởng mà! Anh phải lo việc thờ cúng ba má. Mọi sự xảy ra với gia đình ta, cứ coi như một cơn ác mộng. Anh em mình sẽ sống bên nhau suốt quãng đời còn lại…”

Tôi bối rối không biết nói gì.

Đúng vào hôm làm cỗ cúng 49 ngày cho má, khi trong phòng chỉ còn lại hai người, tôi ôm lấy Nam và nói hết sự thật. Trên gương mặt Nam, từng thớ thịt run run. Nam đi từ hốt hoảng này sang sững sờ khác. Nam không muốn tin những gì tôi kể. Tôi phải liên tục khẳng định đó là sự thật, rằng tôi, giờ sẽ vẫn giống như Bắc của Nam, vẫn là người anh trai mà Nam tìm thấy và hai anh em sẽ đi tìm hài cốt của Bắc. Trên cao điểm ngày ấy, cho dù thời gian đã xa, nhưng từng ngọn cỏ gốc cây vẫn hằn trong trí nhớ của tôi. Nhất định tôi sẽ tìm thấy mộ của Bắc.

Sau khi tôi và Nam trở lại cao điểm H, nơi xảy ra các trận đánh và đưa hài cốt Bắc về an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, tôi trở ra Bắc. Có một chuyện buồn cho gia đình Nam nữa là, khi Nam ra Hà Nội tiếp tục tìm tin tức ba mình thì mới biết: Ba Nam đã tình nguyện trở lại quê hương chiến đấu. Khi ông về gần đến chiến khu Đồng Bò thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa thì bị một tiểu đội địa phương quân phục kích, sát hại…

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)