. HỒ LOAN
Ấy là ông Sáu Linh, ông Hai Tấn và ông Bốn Tùng. Nhà họ ở một nơi còn hoang sơ eo óc với đầm lầy, với bãi bờ lau lách. Người ta gọi là vũng - Vũng Lấm. Nghe tên thôi đủ thấy khó nhọc. Mỗi lần lên quốc lộ, họ phải đạp xe trầy trật qua mấy cánh đồng, mấy con mương. Đường đất cát trắng xóa, thi thoảng được chắp vá bằng mấy xe đất sắt. Trời nắng, đất cát choãi ra, xe hết xìa bên này, lại trẹo bên nọ. Những rãnh cát trắng phau kiềm lực trượt của bánh xe. Mùa mưa, đoạn đất sắt nhũn ra, lầy lội. Dấu bánh xe lạng lách rồng rắn như nét vẽ của bọn trẻ con bằng mấy đầu ngón tay. Qua khỏi ma trận trên, lại ì ạch mới lên được đoạn đường đổ bê tông. Đoạn đường này tuy có dễ đi hơn nhưng khá vắng. Một bên là trảng cát với vô số nấm mộ gắn bia lẫn vô danh. Một bên là nhà dân thưa thớt. Xứ này đất bạt ngàn, nhà ai cũng rộng bốn năm héc ta. Thật lâu mới thấy bóng đèn vàng chì chạch lấp ló sau rặng cây dại. Mà cây dại thì nhiều vô kể. Những lùm cây vắt ngang đường tạo nên những bóng mát xanh um. Buổi tối đi mù mịt như đi vào rừng. Mà rừng thật. Rừng thông. Rừng tràm. Rừng keo. Rừng bạch đàn…
Minh họa: Công Quốc Hà
Chuyện ba ông nhiều vô kể, nghe hoài không chán. Mỗi lần thả trâu dưới đồng, tụi con nít lại lẽo đẽo theo sau đòi kể chuyện. Nhưng ba ông toàn kể mấy chuyện tầm phào, bịa đặt trên trời dưới đất dụ tụi nhỏ coi trâu, còn ba ông chui vào căn chòi nào đó uống rượu. Mồi nhậu có khi là con cá bắt được dưới mương, mấy con rạm ngoài đồng, hay đơn giản là trái ổi cóc xanh lè chát ngắt. Bọn nhỏ chia nhau đứa coi trâu, đứa lang thang bờ bãi kiếm đồ ăn, có khi vô xin ké mồi của ba ông già. Có hôm bị bắt ngồi lại, hễ ăn một miếng, phải uống một li. Thằng Đen thấy nồi rạm um thơm phức, bụng réo ào ào, liền đánh liều ngồi xuống. Nó đưa li rượu trắng lên miệng, dốc ngược ực hết sạch. Ông Sáu Linh chụp tay nó không kịp:
“Ơ cái thằng, mi uống hết lấy chi tụi tau uống?”
Là ông nói rứa chứ ruột ông lo lắm. Mẹ nó mà biết mụ chửi cho nhức óc. Thằng Đen bưng nồi rạm um - chiến tích dành được với mấy ông già bước vội ra cửa chòi. Chợt mắt nó hoa lên, hai chân líu quíu, đầu lâng lâng chao đảo. Cảm giác bay bổng. Nó dừng lại lắc mạnh đầu mấy cái. Bọn nhỏ thấy nó với chiến lợi phẩm ngạo nghễ trên tay vui mừng hò hét inh ỏi.
Dù chuyện thằng Đen uống rượu chưa bị phát giác nhưng ba ông già vẫn né mẹ thằng Đen. Mụ đàn bà không chồng ấy, người đã khô quắt queo thì chớ, miệng lúc nào cũng sa sả như thể mụ có thù với bọn đàn ông. Mà lạ, mụ càng khó ưa, bọn đàn ông lại càng thích trêu chọc.
*
* *
Nay thằng Đen đòng đưa trên cánh võng ngoài chòi, mắt nhìn mông lung ra phía bờ sông. Ngay chỗ sa nước, tấm lưng trần tía đỏ của ông Sáu Linh nhấp nhô. Không biết ông đang làm chi, cứ ngụp lặn miết. Trời ngưng gió, mấy cây thông đứng trơ trơ dưới cái nắng oi ả. Thằng nhỏ ngủ tự khi nào, nước dãi lem bên má. Ông Sáu Linh vào thấy mồ hôi lấm tấm trên trán nó, liền đưa tay đẩy chiếc võng, một luồng gió nhẹ thổi qua. Thằng nhỏ khẽ cựa mình, miệng chóp chép như đang ăn thứ chi đó ngon lắm. Ông chậc lưỡi với tay lấy chiếc nồi móp đang nằm lăn lóc tráng qua xíu nước. Nước ở đây hiếm lắm, phải gánh cực từ xóm giữa qua cánh đồng, qua rừng thông, rồi qua mấy con đường cát choãi ngoằn ngoèo. Xưa cả làng dùng chung một cái giếng bên gốc sưa, dần dà thấy bất tiện, mỗi người tự đào lấy một cái. Giếng nước nhà ông phèn bám vành chành, lờ lợ không uống ăn chi được. Ông thả mấy con tôm sú đặt được lúc nãy vào nồi luộc, nghĩ đến cảnh thằng Đen nhai ngấu nghiến cả đầu cả vỏ chợt nở nụ cười hiền.
Ông Sáu thương thằng Đen như con như cháu, bất chấp lời đàm tiếu trêu chọc của mọi người. Mà người đời lạ lắm, hễ đàn bà không chồng thì họ gán với bất cứ thể loại nào, đàn ông chết vợ, đui què sứt mẻ, hay kể cả một ông già còn “ngon ăn”, miễn vui miệng họ. Nhưng kệ, có thứ chi ngon ông cũng phần nó, không réo được qua hàng rào, ông lại lận túi áo đợi chiều đi giữ trâu thì lén đút tay nó.
Thằng Đen ngật ngưỡng bước vào, mặt vẫn còn ngái ngủ. Nó đưa mắt nhìn quanh, khịt mũi mấy cái. Mấy bao bột tôm đang dùng dở, mùi hăng hắc bốc lên. Vỏ hộp thuốc lá nhiều vô kể, tàn thuốc vứt lung tung. Vài chiếc tô nhựa nằm chỏng chơ, dầu mì tôm ố vàng ám vào thành tô. Ngơ ngác nhìn chiếu mền xô lệch, nó khom người lượm cái gối, phủi mớ đất cát với lá thông, rồi cuộn mùng, xếp mền. Vừa làm, nó vừa càu nhàu:
“Ông Sáu ở với mẹ con không được một bữa!”
Ông Bốn Tùng từ đâu bước vào chen vô:
“Nói mẹ mi cho ông ở nửa bữa thôi cũng được. Hắc hắc…”
Thằng Đen còn chưa hiểu hết hàm ý của ông Bốn, thì ông ấy lại tiếp:
“Mắc chi dọn giường cho ổng. Hồi tối ổng ôm bà mô ngủ…”
“Tầm bậy tầm bạ! Có con nít mà ăn nói dật dờ.” Ông Sáu Linh mắng bạn.
“Chứ ông làm chi mền chiếu văng tùm lum?”
“Hồi tối hắn lấn không cho ngủ. Tôi giả đò nằm im, hắn quay qua nằm đè lên người, không thở được. Tui đạp mền, cụ cựa chặp lâu. Quơ được cây rựa để đầu giường, tui cắm đầu chạy về.”
“Hắn” mà hai ông già nhắc đến là chiếc bóng vô hình nào đó. Cứ khuya khuya buồn buồn, ngoài bến sông hiu hắt gió, sau khi thăm nom một vòng quanh đập, ông Sáu vào ngả lưng lên chiếc chõng tre. Vừa thiu thiu giấc thì y như rằng hắn xuất hiện. Không rõ mặt mũi. Lúc õng ẹo mời chào, thân hình lả lướt như vừa lội từ sông lên, ướt sượt, tanh ói. Lúc lại hầm hố ầm ào, người to như hộ pháp. Mà lần mô cũng nhè cái giường tre ọp ẹp mà ngồi, mà nhún nhảy. Xót cái giường đang oằn xuống như muốn gãy, ông Sáu thầm rủa tổ cha bây, tau mần cho một rựa thì xong. Nói rứa chứ ông Sáu nằm im, tay lần tìm con rựa, mồ hôi vã ra ướt đầm. Đêm nào chọc ông già chán, hắn lại lững thững ra phía bờ sông rồi mất hút.
Thằng Đen chẳng hiểu mô tê chi, cứ nhai ngấu nghiến cả đầu cả vỏ mớ tôm chẳng cần chấm muối.
“Làm li chứ hê, bạn!” Ông Bốn lại chọc.
Thằng Đen lắc đầu rùng mình. Nó nhớ lại ngụm rượu hôm bữa mà sợ tới già. Tự thề với lòng sẽ không bao giờ đụng tới cái thứ nước hăng hăng cay nồng khiến nó đau đầu mất mấy bữa. Thấy nó vật vờ, mẹ gặng hỏi nhưng nó chỉ toàn lắc đầu. Sau bữa đó, hễ mấy ông nhậu, nó tình nguyện coi trâu mà không đòi hỏi yêu sách chi nữa. Trong mắt nó, ba ông già như ba ông tiên uống rượu bàn đào, tếu táo, hài hước.
“Ông Hai Tấn đâu không thấy hê?” Ông Sáu hỏi.
“Hồi hôm thả nước ruộng với tui, chắc về cũng hai ba giờ sáng.”
“Ời mà răng không thấy đâu cà?”
Chẳng có cái điện thoại để ới một phát như sắp trẻ. Ông Bốn lủi thủi băng mấy vạt thông, qua trảng cát với cánh đồng thì tới nhà ông Hai Tấn. Căn nhà lặng im giữa cánh đồng vắng. Lũ chó, một con xuất huyết chết, một con bị trộm bắt từ hôm kia nên chẳng có ai đón ông. Mấy con gà đang bới đất tìm mồi chạy tao tác khi có bóng người. Cánh cửa phên đóng im ỉm, nghĩa là ông Hai chưa ra khỏi nhà.
Ông Bốn đập cửa thùm thụp:
“Dậy Tấn ơi! Làm chi ngủ kinh rứa mi. Dậy mau. Sáu Linh làm mồi rồi. Nhanh chớ hết mi!”
Không có tiếng trả lời. Ông Bốn ghé mắt sát vách phên. Một đống lù lù mền chiếu trên chiếc giường đơn. Vợ ông Tấn qua nuôi con gái đẻ tận bên Tam Xuân, hai thằng con đi làm ăn xa. Còn mỗi ông đi ra đi vô, tự nhiên đau ốm thì không biết đâu mà lần.
Ông Bốn nạy được cửa xông vào. Tốc mớ mền ra rồi kiếm dầu cạo gió, xong thổi lửa nấu cháo. Phải chi có mớ tôm của ông Linh ở đây thì ngon rồi, ông Bốn lầm rầm một mình.
Ăn bát cháo nén của bạn xong, mồ hôi trán ông Tấn vã ra, mặt hồng hào tươi sắc. Đêm qua, sau khi dẫn đủ nước vào mấy đám ruộng, hai ông chia tay ở con mương nhỏ ai về phần nấy. Tắm táp rửa ráy bên cái ảng nước ngoài sân xong, mảnh trăng lưỡi liềm cũng đã treo lơ lửng xa tít gần ngọn núi Chúa. Ông đẩy cửa vào nhà. Căn nhà thiếu hơi vợ lạnh ngắt. Ông lục nồi bới chén cơm nguội, chan mớ nước cá rồi ăn ngon lành. Ăn xong, tợp một ngụm nước lá mùng năm. Thôi thì cuộc đời rứa cũng tạm được. Ông lên giường nằm thẳng cẳng. Vừa mới thiu thiu, có tiếng gọi mô đó văng vẳng, là tiếng ông Bốn Tùng. Ông thầm nhủ, cái thằng quỷ, giờ ni còn kêu với réo. Đi với nhau cả đêm chưa ngán hả! Là nghĩ rứa thôi, ông vẫn lập cập xỏ dép vào chân rồi chống cửa bước ra. Ngó quanh ngó quắc không thấy đâu. Chỗ nằm của con Vàng trống huơ, miếng giẻ nó tha chơi còn nằm in đó. Ông rút cây sào, cánh cửa thả xuống thì ông cũng vô tới giường. Vừa nằm chưa được dăm phút, lại có tiếng gọi, lần này nghe như sát đầu giường, gấp gãy.
“Tấn, Tấn ơi!”
“Mi hả Tùng? Cái thằng quỷ, cái chi cứ kêu réo suốt rứa mi!”
Ưng chi cái trò trẻ nít không biết. Ông càu nhàu một mình rồi lại dậy mở cửa. Xung quanh lạnh ngắt tối om. Mảnh trăng khuyết vành thiếu sáng nằm lẻ loi xa tít. Gió từ cánh đồng phả vào mặt lạnh buốt. Xa lắc có tiếng chó tru ngoắc ngoải, tiếng tru từng hồi dài. Tận mé đồi bên kia, vài con đom đóm lập lòe, chợt tắt, chợt hiện. Lại thêm một hồi gió lạnh. Ông chợt rùng mình. Thứ hơi lạnh u ám quấn lấy da thịt ông.
Ông rùng mình cái nữa, rồi quay vô nhà lấy ra con rựa:
“Thằng mô ngon ra đây? Dật dờ tau chém chết ráng chịu nghe! Định nhát ma nhát quỷ thằng Tấn ni hả? Tau nói cho mà biết, đời thằng Tấn ni không biết ma là chi. Ngon thì xuất đầu lộ diện đi!”
Ông vung rựa chán chê thì đóng cửa vào nhà. Ánh sáng trắng yếu ớt của con rựa lấp lóa trong đêm khuya tẻ nhạt. Ông lại lên giường nằm, tay không rời con rựa. Ông biết chắc không phải ông Bốn Tùng gọi mình, bởi có giỡn cũng có hồi có lúc. Cả ngày làm quần quật mệt chết cha rồi, chừ ngả lưng xuống là ngủ. Sáng mai cày đám ruộng cho mụ Tốt, mẹ thằng Đen. Mụ nớ, làm thì làm giúp rứa, không tiền nong chi. Nhưng nhứt định mụ sẽ làm trả công lại. Cái giống đàn bà lạ thiệt, khó hiểu.
Ông lại thiếp đi với vài ba ý nghĩ vụn. Như mấy lần thả nước đêm ngang qua đám ruộng nhà mụ Tốt, cả ba ông đều chần chừ, nhưng chẳng ông nào lấy cuốc mố một nhát cho nước chảy vào ruộng mụ. Vì đã có lần làm vậy, làng xóm trêu chọc, mấy mụ vợ nhảy dựng lên. Mụ Tốt cũng không vừa, tay chống nạnh, dạng háng hỏi con mô, thằng mô… Ôi thiệt phiền chết đi được. Nhưng cái lòng thằng đàn ông, thấy đàn bà góa côi cút, thấy đám ruộng khô cháy mà thương. Mụ Tốt cũng vác cuốc đi được mấy đêm, nhưng sức đàn bà có hạn. Cây lúa thiếu nước cứ vàng võ đến tội. Ngang qua bờ ruộng nhà mụ Tốt, ông giậm mạnh chân mấy cái, góc trổ bằng bùn non lõm sâu xuống. Nước cứ theo đó mà vào, tới sáng chắc cũng đủ…
Chợt ông giật mình. Có tiếng rào rào, âm thanh càng lúc càng dồn dập như ai đó đang nhảy múa trên mái nhà. Rồi tiếng cười nói rù rì sát bên tai. Âm thanh như từ cõi mô đó dội về, ghê óc. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Con rựa bên tay cũng lạnh toát. Lại thêm mấy lần nhảy múa hò hét. Ông trùm mền kín đầu, cố dửng dưng như không nghe chi. Gió giật bần bật cánh cửa hông, cửa chính, rồi mọi thứ lại rơi vào khoảng không im vắng. Mấy dây thần kinh căng hết cỡ. Mồ hôi đầm đìa. Người ông cứng đơ như bị rơi vào lò nước đá, lạnh cóng, nhức hết cả xương khớp. Ông thấy mình nằm bồng bềnh trong một hồ nước đá đục ngầu. Da thịt với tứ chi cũng căng mọng như lũ tôm bị ông ướp nước đá. Ôi cái công việc chết tiệt ông đã phải bỏ cuộc. Cách buôn gian bán lận của mụ chủ vựa thu mua tôm khiến ông bức bối. Thà nghèo, ông nhất định phải sống đúng với lương tâm mình, mặc vợ càu nhàu không tiền không bạc. Kiếm tiền mà lòng thấy bạc quá thì ông không chịu được. Trong mớ hỗn độn, ông cố vùng vẫy để thoát khỏi cái hồ nước đang muốn đóng băng mình. Càng vùng vẫy, người ông như càng bị thít chặt bởi sợi dây vô hình. Một luồng sáng ý thức chợt lóe lên trong đầu, ông nhớ lại lời mẹ cách đây hơn nửa thế kỉ. Thiệt ra mẹ dạy mấy đứa em thôi, chứ ông nghe tai ni, lọt qua tai kia đi đâu mất. Mẹ dặn buổi tối ra đường, nếu bất an cứ bắt ấn hai đầu ngón tay, miệng niệm câu Nam mô A di đà Phật. Cứ niệm rứa thì chẳng thế lực mô hại được mình. Ông từng bật cười cho mấy trò đó của em gái, mê tín! Đời ni làm chi có ma quỷ. Tại đầu óc lú lẫn mà tưởng tượng ra thôi.
Dù luôn tuyên bố thế, nhưng lúc này ông không có sự lựa chọn. Cố gắng điều khiển tứ chi, ông bắt ấn được hai đầu ngón tay, miệng rì rầm câu Nam mô. Ông niệm thế rồi thiếp đi lúc nào không hay. Ông nằm mãi cho đến khi ông Bốn Tùng qua.
*
* *
Vụ ông Hai Tấn lan ra cả xóm, tụi nhỏ giữ trâu mỗi lần đi ngang qua căn nhà giữa đồng trống lại rùng mình. Chúng kháo nhau đủ chuyện tưởng tượng, rồi thêm thắt bịa đặt. Hôm mô lỡ trâu ăn đồng xa đón về không kịp, chúng cử một đứa dạn dĩ nhất đi sau cùng. Mỗi đứa lận trong người một vật bằng sắt để trừ tà.
Làng có cây sưa già hàng mấy trăm năm tuổi. Tán rộng khắp cả một vùng. Có cái giếng bị bỏ hoang lâu ngày, người ta lấp đất, bịt ngang bằng tấm bê tông dày được đúc hồi làm đường. Buổi trưa, bọn trẻ con thường tụ tập bắn bi, chơi năm mười. Buổi chiều những ngày mùa, mấy cô mấy chị mang những nong nia bày ra, rồi chọn hướng gió mà giê lúa. Lúa chắc rơi lộp bộp thành đống, hốt vào mủng gánh về cho vào chum, đậy kĩ tránh bọn chuột phá, để dành ăn dần cho đến vụ mùa tới. Lúa lừng trộn với khoai xiêm khô xay cho heo. Lúa lép về đổ vào bếp un nấu nước uống hoặc nấu cám heo.
Cây sưa thật cao, như một ngọn núi nhỏ. Có lần thằng Đen trèo tuốt lên ngọn, nó khoe thấy được cả bến đò Tam Tiến. Cả bọn con nít lao nhao, đứa nào cũng muốn thấy cái bến đò. Bà Hân già, nhà ở sát gốc sưa, lấy gậy dí tụi nhỏ chạy tán loạn, bảo không sợ té gãy tay gãy chân hay răng mà nghịch dữ. Rồi ai đó vứt ông kiềng sứt, cái lư hương cũ, cái khóm thờ dưới gốc sưa. Tự nhiên bọn trẻ con mất chỗ vui chơi.
Ông Bốn Tùng lượm mấy ông kiềng sứt gom lại một chỗ. Kêu đứa nào thấy thằng kẹo rem đi qua kêu tau, tau đổi cho mà ăn. Mấy đứa con nít nghe đến kẹo rem thì thèm chảy nước miếng, nhưng nhìn mấy ông kiềng chỏng chơ, có đứa ái ngại.
Trưa. Gió dạt qua mấy cánh đồng xanh mơn ngọt xớt. Ông Bốn Tùng ngồi lim dim mắt, đợi nước vô đủ rồi cuốc đất lấp bờ đi về. Đám lúa cấy trễ của ông lơ tơ mơ là nuôi bọn chim chuột. Ông phải ra sức bón phân thả nước cho chúng kịp ruộng người ta. Gió lại thổi mát rượi, gốc cây cũng mát rượi dù chỉ vài bước chân thôi, ngoài kia hâm hấp hơi nóng của cái nắng khắc nghiệt. Mi mắt ông như dán vào nhau, nặng trĩu.
Ông nghe tiếng cười khanh khách giòn tan, là giọng của đứa con gái nào đó. Nhưng ông nghĩ mãi vẫn không nhận ra đứa nào. Chắc chúng lại rủ nhau chơi năm mười đây thôi. Từ cái bữa ông lượm mấy ông kiềng đổi kẹo rem, rồi lượm mấy lư hương cũ cho vào cái bao phân urê để qua một bên nhường chỗ cho bọn con nít chơi, tự nhiên không đứa nào tới gốc sưa nữa. Chẳng biết tụi nó đi đâu, chơi đâu. Thôi kệ, con nít mà! Ông tặc lưỡi.
Chợt ông nghe có tiếng khóc nỉ non. Ban đầu, tiếng khóc nhỏ xíu, hức hức. Rồi to dần, to dần… Ông ngoái cổ xem đứa nào khóc giữa trưa thế này. Nhưng cái cổ cứng đơ không cựa quậy được, hai mắt cứ như bị một lớp keo vô hình dính chặt. Rồi ông thấy một cô gái với mái tóc xõa dài không rõ mặt đi lướt qua. Vẻ mặt trầm buồn, ánh mắt u uất khiến ông muốn chạy theo hỏi con có chuyện chi à. Rồi ông thấy thấp thoáng bóng ai đó, ai đó đã ôm ghì lấy cô gái. Không có sự chống cự, không có sự cầu cứu, chỉ có ánh mắt nhìn như xoáy vào ông. Ông muốn lao tới, ném một thứ chi đó vào người lạ mặt kia, rồi giằng cô gái ra. Nhưng càng cố, ông càng bất lực.
Thằng Đen tìm thấy ông nằm rũ rượi bên gốc sưa, hai tay ôm chặt cái lư hương cũ. Mấy người đi làm đồng nhìn ông ái ngại. Chuyện tâm linh không giỡn được đâu!
Giấc mơ về cô gái không rõ mặt cứ ám lấy ông. Là ai? Là ai nhỉ?
Trong một trận cảm mạo đến chí chết, giấc mơ ấy lại về, hãi hùng. Lần này ông nhìn rõ mặt cô gái. Trời ơi, là Thu. Thu - cô bé hàng xóm xinh đẹp, cùng trang lứa với ông thời thanh niên. Nhưng Thu đã chết lâu rồi, cũng năm mươi năm rồi mà! Như những thước phim quay chầm chậm, rõ mồn một mọi thứ…
Ngày ấy, chiến tranh diễn ra ác liệt. Một số thanh niên vượt rừng vượt núi theo giải phóng quân, số còn lại bị bắt đi quân dịch. Khi còn đang phân vân giữa ở và đi thì ông bị bắt lính.
Cái hôm đưa lính đi tuần tra quanh xóm làng, tên đội trưởng bắt gặp Thu đang gánh nước. Giếng nước làng bên gốc sưa lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Thu mải lom khom thả gàu xuống giếng, rồi rướn người thu dây múc lên từng gàu nước mát lạnh. Nước sóng sánh soi bóng sưa, bóng người. Thu nhoẻn miệng cười với chính mình nơi đáy nước. Cái lưng ong ấy, nước da trắng ngần ấy, bắp chân thon dài lộ ra dưới ống quần xắn cao ấy. Mớ tóc dày đen mượt búi gọn ghẽ để lộ chiếc cổ cao trắng ngần. Nhìn đôi ngực thiếu nữ căng mẩy dưới làn áo nâu, tên đội trưởng nuốt nước miếng ừng ực. Hắn vờ lại làm quen nhưng Thu lờ đi chẳng buồn quan tâm. Bị bẽ mặt trước tụi lính, hắn hứa với lòng sẽ thịt con gà này bằng được.
Một trưa, hắn chặn đường khi Thu tất tưởi đi chợ về. Hắn lục soát khắp người Thu, rồi đá tung tóe mớ đồ mua về trong chiếc giỏ nhựa. Hắn quy tội Thu tàng trữ, tiếp tế lương thực cho Việt Cộng. Thu cãi, liền bị hắn tát cho tóe máu mũi. Một cậu lính là bạn cùng xóm lên tiếng bênh vực liền bị hắn nện cho mấy báng súng vào đầu, hộc máu chết tươi tại chỗ. Toán lính cun cút nhìn hắn lôi Thu xềnh xệch vào ngôi trường học gần ngay đó. Tùng đứng chết lặng, mặt cúi gằm không dám nhìn theo cái dáng lếch thếch của Thu bị kéo lê lếch. Làm một thằng đàn ông, bất lực nhìn cô gái của lòng mình bị chà đạp, thật không có nỗi nhục nào lớn hơn. Tiếng kêu cứu nhỏ dần, nhỏ dần rồi im bặt. Ngay bữa đó, Thu treo cổ quyên sinh luôn tại căn phòng cô bị làm nhục. Ánh mắt u uất đầy căm hận của Thu ám ảnh Tùng nhiều đêm liền. Ông luôn tự dằn vặt mình, nếu lúc ấy ông ra sức bảo vệ thì liệu cô ấy có tự tìm đến cái chết đầy tức tưởi không? Hay biết đâu khi cả đội xông vào anh bạn cũng sẽ không bị chết oan dưới báng súng tàn bạo của tên đội trưởng kia.
Những trò rao giảng đạo đức hòng lôi kéo người dân chống lại cách mạng vẫn ra rả mỗi ngày trên các loa truyền thanh. Nhưng đằng sau đó là những tội ác đẫm máu với chính đồng bào mình. Trước cách hành xử của bọn người máu lạnh, Tùng bừng tỉnh. Lúc này, hoặc không bao giờ. Ông tìm đường. Khi ông trầy trật lên được chiến khu thì đất nước hoàn toàn thống nhất. Không công cũng chưa tội. Ông sống đời một nông dân nghèo với ruộng đất cha ông để lại.
Những tưởng ám ảnh hãi hùng của một thời loạn lạc đã qua đi. Nhưng không, người chết đi là hết kiếp người, kẻ ở lại phải gặm nhấm từng khoảnh khắc tội lỗi mà có thể vô tình, có thể do hèn nhát đã tiếp tay cho kẻ ác.
*
* *
Làng lập miếu thờ Thành Hoàng ngay gốc sưa già. Dù chi, sống phải có trên có dưới, phải có nơi thờ cúng cho tinh tươm. Ít ra, người âm có nơi đi chốn về, mà người dương cũng không thất lễ. Xưa khổ cực heo hút vài nóc nhà, không nói chi, nay con đàn cháu đống. Người đẻ ra người. Đường bê tông về tận cánh đồng, người tha phương cũng tìm về dựng nhà sinh sống. Nghe nói đất cát thành phố đắt đỏ, làm cả đời không mua nổi miếng đất. Mà đất ở cái Vũng Lấm thì bạt ngàn, tha hồ ở, tha hồ vẫy vùng. Nghĩ đến cảnh oan hồn Thu vất vưởng, lúc lang thang trên ngôi trường cũ nơi cô quyên sinh, lúc lại về bên giếng nước xưa, tìm gốc sưa quen mà ngồi thủ thỉ, hay đến tìm những người bạn đồng lứa với mình, ông Tùng nghe lòng quặn lại. Hình như chỉ mỗi bà Hân già là biết hết chuyện, nhưng bà không nói, lo bọn con nít sợ sệt nghĩ lung tung, đồn thổi bậy bạ. Làng đã bàn tính rằm tháng Bảy này làm cái lễ cúng thật to.
Ông Sáu nhờ mấy ông bạn phụ đẩy mấy xe rùa đất để cơi nới căn chòi rộng ra chừng dăm mét. Ông Hai Tấn thở hì hục ngồi phịch xuống mé chòi, tay rút gói thuốc đã nhăn nhúm chỉ còn mấy điếu đưa cho bạn, rồi lục túi tìm hộp quẹt. Khói thuốc phả ra bảng lảng trong đêm vắng. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng lách cách của mấy ghe đánh cá ngoài sông đều đặn dội vào. Bất chợt ông Tấn lên tiếng:
“Mi có coi ngày không, Linh?”
“Không, không coi chi hết.”
“Ủa, giỡn mi. Đất có thổ công, sông có hà bá. Mi làm chi cũng báo với mấy ngài một tiếng chớ!”
“Thì sáng nay đi ăn đám cưới, biết ngày tốt rồi!”
“Trời, thua mi. Vẫn chưa biết kinh. Có nhớ cái vụ làm chuồng trâu năm ngoái không?”
Năm ngoái, hai con trâu nái đẻ một lúc được hai con nghé thiệt đẹp, ông Sáu Linh muốn cơi nới cái chuồng cho rộng rãi. Ông hì hục đúc trụ, đào móng. Vợ con hỏi thì ông nạt, kêu ông làm chi kệ ông, đừng hỏi chi hết, cứ lấy mắt mà ngó. Chưa được tháng sau thì hai con nghé bỗng đổ bệnh. Thú y cũng bó tay, nói bị lở mồm long móng rồi chúng lăn đùng ra chết.
Vốn ngang ngược nên cả ba ông đều không tin bất cứ chuyện tâm linh nào của thiên hạ. Nhưng từ hôm bị trêu ghẹo nguyên một đêm ông Hai Tấn thuần tính hẳn. Vợ ông còn nhỏ to chuyện hai con trâu nhà ông Linh, nói bệnh nớ lây nhiễm, mà trâu cả làng chẳng răng cả, tự nhiên chỉ hai con nghé nhà ông Linh bệnh. Lúc đó ông Tấn mới ngớ người.
Rồi chuyện cháu gái ông Sáu Linh, đang cuối cấp ba, chuẩn bị thi đại học. Hôm đi học về khuya, qua ngôi trường cũ bị ai đó quở, về ương ương dở dở, áo quần cởi vứt lung tung. Cứ tối đến là gào khóc thảm thiết cầu xin được buông tha, dù cửa đóng then cài. Mẹ nó hoảng hốt dắt đi tìm thầy bà khắp nơi không khỏi, may sao gặp được vị thượng tọa cao tay, con bé thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hồn, vui vẻ học hành trở lại. Hôm đưa nó vô Sài Gòn thi, hai ông cháu được ở với nhau nhiều, nó thủ thỉ với ông đủ thứ. Nhỏ như nó mà còn nói được câu, nội ơi, có thờ có thiêng, có kiêng có lành á nội. Lần đó ông chỉ biết im lặng chứ không nói chi. Nhưng ông cũng thôi nói cứng…
Một đêm lặng gió, đến tiếng muỗi vo ve cũng nghe rõ mồn một. Mấy rặng cây cũng đứng im chẳng buồn lay. Nước chỗ sa cứ róc rách chảy vào hồ, miệt mài, mang theo lũ cá con. Ông Sáu Linh thừ người phân vân. Phải chăng những ràng buộc đau khổ trong cuộc đời đều xuất phát từ những cố chấp hận thù. Con người, muốn thoát khỏi khổ đau thì phải tin, tin cả vào những điều không nhìn thấy và nhớ về người xung quanh - cả còn sống lẫn đã chết, bởi cuộc đời này chẳng ai muốn bị lãng quên…
Chợt có tiếng cười nói, cả ánh đèn pin dích dắc qua mấy con đê. Cả ba ông dõi mắt nhìn. Trời đất, là vợ ông Linh, thằng Đen cùng mụ Tốt - mẹ nó. Chiếc quang gánh được đặt xuống trước sự ngỡ ngàng của ba ông già. Này là nồi cháo gà thơm phức, mấy đĩa xôi trắng, nải chuối Đồng Nai vàng rộm. Có cả áo giấy hương đèn tinh tươm. Cả ve rượu trắng. Thằng Đen đặt cái giỏ nhựa xuống, trong đó là con gà trống choai luộc chín vàng.
Ông Linh còn lúng túng trước tình huống trên thì vợ ông đã nhắc:
“Ơ cái ông ni, vô khiêng cái kệ ra đây, bày đồ lên cúng kẻo khuya.”
Ông Sáu Linh lúi húi làm theo lời vợ. Ông vô chòi, nhấc mấy bao bột tôm, lấy ra cái kệ gỗ ông tự đóng. Vợ ông lôi tấm áo cũ máng nơi góc chòi, phủi phủi cho chiếc kệ sạch sẽ. Xong trải lên một chiếc khăn bàn mang từ nhà theo.
Ông Linh loay hoay tìm áo mặc vào, rồi lầm rầm chắp tay khấn vái.
Mùi nhang trầm tỏa ra thơm ngát. Đêm dìu dịu trôi theo từng cơn gió dạt vào từ mé sông. Đêm không còn lạc lõng. Tiếng thằng Đen cười giòn tan, nắc nẻ, tiếng trò chuyện râm ran…
H.L
VNQD