. TRẦN THỊ TÚ NGỌC
Ngày Thùy Vân quay trở lại, cánh rừng phía tây đã qua mùa thay lá. Những lối mòn thức dậy dưới tầng thảm mục và loài cỏ hoàng miên nở đóa hoa màu trắng muộn phiền.
Diễn cùng cô rong ruổi khắp Hoa Lư, chiều nghiêng vạt nắng đổ bóng xuống đền đài thành quách cũ. Giữa lưng chừng câu chuyện về từng huyền tích phủ rêu phong, ánh nhìn trầm tư của cô khiến anh bất chợt ngập ngừng:
- Hình như em còn muốn tìm điều gì khác ở đây?
Thùy Vân không biết phải trả lời thế nào, đành cố ngăn cảm giác bồn chồn bằng cách đếm ô kẻ dọc ngang chạy theo con đường lát đá. Đại Việt sử ký toàn thư từng miêu tả về Hoa Lư dưới thời Đinh - Lê với những cung điện lầu các nguy nga vàng son lộng lẫy. Thế nhưng sử liệu cũ của nhà Tống lại viết rằng kinh thành Hoa Lư phủ thự nhỏ hẹp, chỉ có vài chục nếp nhà tranh, lều gỗ sơ sài để làm quân doanh. Thời gian phủ khoảng mờ lên Hoa Lư trong dòng chảy bể dâu, chẳng thể khẳng định được điều gì khi lòng đất vẫn lặng im ẩn giấu bao nhiêu điều bí mật.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Cũng như những đồng nghiệp khác tại Trung tâm bảo tồn di tích, Diễn và Thùy Vân đã dành hầu hết tháng năm tuổi trẻ của mình cho hành trình khám phá cố đô. Là một người có uy tín lớn trong giới khảo cổ, các cuộc khai quật do Diễn tiến hành khẳng định tầm vóc của Hoa Lư lớn hơn rất nhiều so với những gì đã biết. Thế nhưng thời gian gần đây, công việc hầu như dẫm chân tại chỗ. Mấy tháng trời tìm kiếm ròng rã, họ chỉ thu về được vài mảnh gốm vỡ không xác định được niên đại.
- Có thể chúng ta đã thiếu sót ở bước nào đó - Diễn không giấu được vẻ băn khoăn trong cuộc hội ý của nhóm nghiên cứu - Cần thêm chút thời gian để minh định lại mọi thứ, nhưng với tốc độ xây dựng ở khu vực ngoại thành diễn ra như hiện nay, e rằng chẳng mấy chốc nữa tất cả dấu vết đều bị xóa hết.
Đó là lí do lần này họ mở rộng phạm vi cuộc điền dã ra bên ngoài di tích Hoa Lư trong một hành trình lặng lẽ. Diễn không nói gì nhiều và Thùy Vân cũng vậy. Chỉ có những khoảnh khắc đứng bên cạnh nhau giữa bốn bề tàn tích mưa nắng dãi dầu, họ dường như cùng mơ hồ nghe thấy thanh âm xưa cũ nào đó vọng về, rất khẽ.
Mấy ngày trước, khi nghiền ngẫm các truyền thuyết và thần phả lưu giữ tại nhiều địa điểm từ Gia Viễn đến Yên Mô, Thùy Vân tình cờ tìm thấy vài đoạn ghi chép về một ca nữ thời Tiền Lê, trong đó nhắc đến một số địa danh có thể là dấu mốc để định hình vị trí từng là hậu cung chưa được phát hiện. Thông tin này khiến Diễn không giấu được vẻ sững sờ.
- Em biết không, trong mỗi truyền thuyết luôn ẩn chứa một phần sự thật. Anh nghĩ chúng ta đã tìm được mảnh ghép cuối cùng để mở khóa cánh cửa dẫn vào bí mật của Hoa Lư.
*
* *
Sâu trong cánh rừng nguyên sinh nằm dưới chân dãy núi Tam Điệp có một dòng suối trong xanh, bên bờ loài cỏ hoàng miên phủ dày quanh những tảng đá lớn dãi dầu mưa gió. Thỉnh thoảng vài nhóm người dừng lại đây nghỉ chân trên đường hái lá thuốc hay tìm sản vật. Hòa vào tiếng suối reo họ cất lên tiếng hát.
Linh hồn đá lắng nghe thanh âm xao xuyến của loài người.
Hàng trăm năm cứ thế trôi đi.
Một hôm nọ giông tố bất ngờ nổi lên, lũ quét đột ngột ập xuống từ phía thượng nguồn, có hai mẹ con đi đốn củi bị lũ cuốn trôi qua đoạn này may mắn bám được vào gờ đá. Lũ mỗi lúc một lên nhanh, dòng nước sôi réo trong cơn giận dữ, đá lớn đá bé cuốn lăn ầm ầm, thế nhưng nhờ có tảng đá lớn nhất cố sức trụ vững mà họ sống sót.
Đứa bé được cứu sống về sau là chân mệnh thiên tử giúp đất nước trở lại thái bình. Vì công lao đó mà linh hồn đá được một bậc tiên thiên đến cho biết nó sẽ được hóa kiếp thành người.
- Ngươi mơ ước điều gì khi được thành người - Bậc tiên thiên hỏi - Ngươi có muốn làm công hầu, khanh tướng, vĩ nhân, những kẻ mãi mãi được muôn đời sau nhắc đến?
- Con chỉ mong được sống kiếp người thường, nếm trải mọi vui buồn giữa chốn nhân gian - Linh hồn đá khẽ khàng đáp.
Bậc tiên thiên xòe tay về phía đám bụi hồng. Linh hồn đá nhìn thấy khoảng sáng lóe lên phía xa hun hút.
Trong túp lều nhỏ phía nam thôn Dư Hạ, một đứa bé trai cất tiếng khóc chào đời.
Đó là năm Canh Thìn 980, quân Tống bắt đầu động binh trên ải Bắc. Ở đất Hoa Lư, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được quần thần phò tá lên ngôi hoàng đế.
*
* *
Phòng làm việc của nhóm nghiên cứu nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà quay về phía tây nam, từ cửa sổ nhìn ra xa có thể thấy những đỉnh núi màu lam thẫm nhô lên giữa mênh mông bờ bãi. Vào lúc hoàng hôn buông xuống bên trời, Thùy Vân thường yên lặng rất lâu khi nhìn về rặng núi xa xăm ấy. Có lần cô từng hỏi Diễn rằng, nếu ai đó nói một nghìn năm trước núi cũng xanh như bây giờ thì anh có tin không?
Hẳn nhiên là anh tin, bởi đôi mắt phảng phất nét u hoài của người con gái ấy đã nhiều lần khiến trái tim anh lạc nhịp. Thế nhưng Diễn mãi mãi không có cách nào để mở ra thế giới khép kín ẩn giấu sau đó. Suốt thời gian làm việc chung với nhau, Thùy Vân luôn cư xử với anh hết sức dịu dàng. Và tất cả chỉ dừng lại như thế. Anh chưa từng có cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình vượt quá ranh giới giữa hai người đồng nghiệp.
Có lẽ do đặc thù công việc, hầu hết những người công tác tại Trung tâm bảo tồn di tích thường có thói quen suy tư về quá khứ. Chỉ có điều, ở Thùy Vân, nỗi hoài nhớ của cô lại đượm một vẻ buồn thương mà Diễn không hiểu nổi. Như lúc này đây, theo dõi phần thuyết trình trong cuộc họp, thỉnh thoảng anh lại nhận ra giọng nói của cô bỗng mang âm sắc khác đi khi nhắc về một địa danh xưa cũ. Dường như có điều gì đó vừa được đánh thức phía sau đôi mắt đen sâu thẳm ấy tựa hồ một ngọn sóng xao giữa mặt nước bốn mùa yên tĩnh.
- Kết hợp thông tin tìm kiếm được của đợt điền dã vừa rồi với những chỉ dấu đã xác định trên thực địa, chúng ta sẽ vẽ lại toàn bộ sơ đồ khảo sát Hoa Lư, đề xuất một hướng khai quật hoàn toàn mới. Lần này bắt đầu thăm dò theo hướng phía nam so với chính điện, tại cánh đồng Nội Trong và cánh đồng Hang Trâu. Thùy Vân kết thúc báo cáo của mình bằng cách khoanh vùng trên bản đồ. Rất có khả năng tìm ra vết tích các cung điện của nhà Đinh và Tiền Lê ở đó.
- Sau khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, dân cư từ bên ngoài thành kéo vào Hoa Lư sinh sống. Ngoại trừ khu trung tâm được giới hạn bởi cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam thì rất nhiều công trình cũ đã bị biến đổi hoặc mất dần trong dòng chảy thời gian. Hi vọng kết quả đợt khảo cổ sẽ làm phát lộ những dấu tích còn ẩn giấu của Hoa Lư, qua đó làm cơ sở cho việc mở rộng khu vực cần bảo tồn khẩn cấp - Diễn phát biểu kết luận sau khi chốt lại một số nội dung chính.
Cuộc họp đã kết thúc từ lâu nhưng Thùy Vân vẫn ngồi trầm ngâm bên tập tài liệu. Trước mặt cô, bên ngoài khung cửa sổ mờ xa, những rặng núi đã chuyển sang màu tím sẫm khi mặt trời từ từ lặn xuống. Trên đỉnh ngọn Kiếp Lĩnh, một ngôi sao xanh lấp lánh bắt đầu sáng dần lên, cô đơn và u buồn.
Chính là ngôi sao ấy đã rọi xuống kinh thành Hoa Lư một nghìn năm về trước. Cô có thể hình dung trong tâm trí của mình diềm mái cong vút của lầu Tử Hoa, ánh đuốc bên dòng Sào Khê mùa lễ hội hay ngọn lửa cháy nơi tháp canh núi Chẽ. Trong khung cảnh chập chờn hư ảo ấy, có tiếng hát ai đó vọng về như gió thoảng.
Minh họa: Phạm Hà Hải
Tháng Sáu năm 1013, Khai Quốc Vương Lý Long Bồ được giao trấn thủ phủ Trường Yên, vốn là vùng kinh đô Hoa Lư trước đây. Trong đội quân vương hầu có một người tùy tướng đến từ thôn Dư Hạ tên là Nguyên Thạch.
Phủ Trường Yên thuở ấy phảng phất nét u hoài của một kinh thành cũ. Triều Đinh kết thúc, triều Lê truyền được ba đời thì chính sự rối ren, đến lượt giang sơn do nhà Lý gánh vác. Sau khi lên ngôi, năm 1010 Lý Thái Tổ quyết định dời đô về Thăng Long, bốn mươi hai năm kinh kì sầm uất kết thúc nhanh như giấc mộng. Buổi chiều tà tuần phòng ngang qua lầu Tử Hoa, trông thấy một vùng cỏ lau phơ phất mà Nguyên Thạch không khỏi bùi ngùi.
Lầu Tử Hoa là nơi ngày trước diễn ra các buổi dạ yến với sự góp mặt của đội nữ nhạc hoàng cung. Trong số các ca nữ có một người con gái không những giọng hát say đắm lòng người mà nhan sắc vô cùng diễm lệ. Rất nhiều vương tôn công tử muốn có được nàng, nhưng trái tim nàng đã dành cho chàng trai thôn Dư Hạ.
Họ từng gặp nhau khi còn rất trẻ ở Thung Lau.
Lần ấy Nguyên Thạch tình cờ cứu nàng thoát khỏi tay mấy kẻ lục lâm thảo khấu khi nàng một mình trên đường hái thuốc. Trận đấu đó để lại vết sẹo hình trăng khuyết trên cánh tay chàng.
Hai người đi qua mấy mùa hoa lau mà chưa kịp nên duyên như hẹn ước. Ngày mang theo cây đàn tiến cung, người con gái úp mặt vào cánh tay Nguyên Thạch bật khóc, giọt nước mắt rơi trên vết sẹo cũ cháy bỏng.
Nàng nói rằng đây là kí ức để mai này còn nhận ra nhau.
Nguyên Thạch gia nhập cấm vệ quân để có cơ hội gặp lại người yêu. Khi nàng hát trên lầu Tử Hoa, chàng đứng dưới chân thành nhìn lên vì sao xanh cô độc.
Thế rồi binh biến can qua bất ngờ nổi lên, Nguyên Thạch từ giã kinh đô, cùng đội hành binh bảo vệ vùng biên ải. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngày chàng trở lại thì Hoa Lư đã đổi chủ mấy lần. Người con gái năm xưa lưu lạc phương nào không ai hay biết.
Nguyên Thạch tìm nàng giữa cố đô hoang lạnh trong vô vọng. Chỉ còn ngôi sao xanh trên đỉnh núi vẫn lấp lánh sáng u buồn.
Một buổi chiều Nguyên Thạch đi dạo bên ngoài cửa Đông. Dưới ánh tà dương, những gợn sóng trên sông nhuốm màu đỏ ối. Bên kia Ngòi Chẹm là Tử Hoa lầu, xa hơn nữa là cố cung, giờ đây một dải tàn thành cỏ lấp. So với mấy trăm năm hưng vong của các triều đại, đời người thật ngắn ngủi. Đứng giữa đất trời lại càng thấy nó ngắn ngủi biết bao.
Một khúc ca lạ lùng bất chợt ngân lên. Nguyên Thạch nhìn về phía mấy gian quán lụp xụp bên đường, thấy một ca nữ hình dong tiều tụy, áo quần xơ xác, ngồi bên vệ cỏ ngả chiếc nón rách trước những người qua lại. Tiếng hát của nàng lúc dịu dàng như nước chảy, lúc xạc xào như gió thoảng qua cây, lúc lại buồn bã như một tiếng thở dài trong đêm thăm thẳm. Từng âm thanh cứ thổn thức giữa thinh không, vỡ òa trong trái tim Nguyên Thạch. Chàng nhớ về tuổi trẻ ở Hoa Lư, nhớ về giấc mơ thanh bình giữa những năm tháng chiến chinh đầy biến loạn.
Nguyên Thạch vội vã bước về phía nàng. Người đó ngẩng đầu lên. Hai người lặng nhìn nhau trong khoảnh khắc.
Đó chính là nàng ca nữ nổi danh chốn kinh đô thuở trước.
Giọt nước mắt rát bỏng vết sẹo hình trăng khuyết trên cánh tay chàng.
*
* *
Sau hơn mười ngày ròng rã khảo sát mặt bằng cánh đồng Nội Trong, phân tích kĩ lưỡng nhiều mũi khoan thăm dò địa chất, đội khảo cổ đã xác định các điểm chốt để mở hố khai quật.
Dự án được cấp phép tiến hành.
Máy xúc cẩn trọng tiến vào bốc lớp phủ phía trên. Bây giờ là giữa mùa hè, trời nắng chói chang, những cơn gió cụt đầu nổi lên xoáy bụi bay mù mịt. Khi gầu sắt chạm vào đá bật ra âm thanh khô khốc, Diễn bỗng nhiên thấy một cơn rùng mình ớn lạnh chạy khắp toàn thân.
Đến độ sâu hơn nửa mét, anh ra hiệu cho máy móc dừng lại. Công đoạn tiếp theo các nhà khảo cổ sẽ tiến hành hoàn toàn bằng các dụng cụ thủ công để đảm bảo tính toàn vẹn nhất có thể cho di vật.
Lưỡi xẻng lách qua từng lớp đất mỏng. Thùy Vân nghe tim mình đập mạnh.
Liệu hôm nay họ sẽ tìm thấy điều gì sau dâu bể nghìn năm, thành quách lâu đài từ lâu đã hóa thành cát bụi, xương cốt tiền nhân dưới kia rữa tan vào đất. Thời gian thản nhiên xóa hết những phận người.
Có những bí mật sẽ bị vùi chôn vĩnh viễn.
Thùy Vân lau giọt mồ hôi vừa rịn ra trên trán. Bụi vương vào mắt cay xè. Cô ngước nhìn lên ngọn Kiếp Lĩnh xanh thẳm dưới nền trời, trong chớp mắt bỗng như thấy hiện về ngôi sao u buồn trên đỉnh núi từ nghìn năm trước.
Diễn bắt gặp ánh nhìn lạ lùng của Thùy Vân. Anh bước về phía cô. Gương mặt Diễn sạm đi dưới nắng.
Thùy Vân đang hướng về ngọn núi phía xa xăm:
- Anh có nhớ đoạn ghi chép trong bản thần phả cổ mô tả về rặng núi này khi nhìn từ góc phía tây lầu Tử Hoa không? Hình ảnh ngọn lửa vừa đốt trên vọng gác cho thấy thời điểm của người quan sát lúc đó là hoàng hôn, các đoạn tường đất được đắp nối liền với các dãy núi tạo nên một vòng thành liên tục vẫn còn tồn tại. Do vậy so với vị trí chúng ta xác định hiện nay sẽ có một vài sai khác.
Nhìn lên đỉnh núi một lần nữa, Diễn hội ý nhóm nghiên cứu cân nhắc lại rồi quyết định dịch sang bên trái so với phương vị ban đầu một góc sáu mươi độ, mở hố sâu tiếp theo. Diễn xoay cán xẻng thúc vào tầng đá sa thạch. Bên dưới hiện ra tầng đất sét nện.
Lưỡi xẻng bất ngờ khựng lại khi sượt qua một vật thể màu nâu đỏ. Diễn cẩn trọng dùng tay bới từng mảnh vụn. Vật thể đó hiện ra rõ ràng dưới ánh sáng rực rỡ của buổi ban trưa, sau hàng thế kỉ chìm sâu trong lòng đất.
Đó là một viên gạch hình khối vuông còn tương đối nguyên vẹn với họa tiết hoa sen nở khoe các cánh, bốn góc trang trí bướm với phần rìa là hoa văn hình học, mang đặc trưng của vật liệu kiến trúc Hoa Lư thế kỉ thứ X. Mở rộng khu vực tìm kiếm đó về các hướng, họ tiếp tục phát hiện ra những viên gạch tương tự ở cùng độ sâu cùng với nhiều mảnh ngói phủ diềm trang trí hoa chanh. Kéo dài xung quanh là những đoạn tường đá được kè móng cọc.
- Chúng ta đang đứng ngay trên nền cung điện cũ - Thùy Vân thốt lên với nỗi xúc động không kìm nén được.
Cuộc khai quật đã làm phát lộ các dấu tích nền móng cung điện trên một không gian rộng lớn từ cổng Bắc qua cánh đồng Nội Trong, cho thấy diện mạo kinh thành Hoa Lư bề thế như đã từng được miêu tả trong sử sách. Điều đáng ngạc nhiên là ngoài các hiện vật tương tự như các đợt khai quật trước, lần đầu tiên họ phát hiện ra một đôi vòng đá ngọc thạch có cùng niên đại nằm lẫn giữa các địa tầng. Đôi vòng đá dính kết vào nhau không có cách gì tách ra được.
Khi nhóm khảo cổ hoàn thành công đoạn làm sạch các di vật để chuẩn bị chuyển sang khâu bảo quản, Diễn băn khoăn thật lâu trước đôi vòng ngọc:
- Không hiểu sao khi thấy vật này có cảm giác gì đó rất quen.
*
* *
Người ca nữ kể cho Nguyên Thạch nghe rằng những lần chuẩn bị dạ yến, nàng thường được các cung nữ đưa đến chờ đợi ở góc phía tây của Tử Hoa lầu. Đứng ở đó nhìn về ngọn Kiếp Lĩnh buổi hoàng hôn, sẽ thấy một ngôi sao xanh lặng lẽ sáng trên đỉnh núi. Ngôi sao cô đơn và u buồn giữa nền trời sẫm tối, cũng giống như nàng lạc lõng trong cảnh phù hoa.
- Khi hoàng đế quyết định rời đi, đội nữ nhạc cũng theo thuyền ngự xuôi dòng Hoàng Long đi về kinh đô mới. Thiếp xin ở lại đây để đợi chàng. Thiếp đợi bao nhiêu năm mà đến bây giờ chàng mới quay trở lại.
Nguyên Thạch nắm đôi bàn tay xanh xao của nàng trong tay mình run rẩy. Họ đang ngồi cùng nhau ở một quán trà nhỏ bên ngoài cửa Đông. Gió mùa thu hiu hắt lùa qua triền lau xám. Nguyên Thạch nhìn sâu vào mắt người con gái, nói rất khẽ như sợ động vào không khí:
- Ta có lỗi với nàng.
Người ca nữ quay đi bởi ánh nhìn da diết ấy khiến nàng không chịu nổi:
- Có lẽ đó là số phận chăng. Cõi nhân gian vật đổi sao dời, người với người chia li rồi hội ngộ. Chỉ tiếc là giờ đây gặp lại chàng thì thiếp đã như bông hoa cánh tàn nhụy rữa.
Một giọt nước mắt chầm chậm ứa ra trên khuôn mặt chằng chịt vết thời gian của Nguyên Thạch. Bao nhiêu năm mải mê chinh chiến chốn sa trường, chàng đã để người con gái mình hết lòng yêu thương phải sống kiếp hồng nhan lưu lạc.
- Ngay từ lần gặp gỡ thuở ban đầu ấy, trong trái tim ta vẫn luôn chỉ có duy nhất hình bóng của nàng. Xin hãy để ta được ở bên chăm sóc nàng suốt tháng năm còn lại.
Hoàng hôn buông xuống bên trời. Trên đỉnh ngọn Kiếp Lĩnh sáng lên vì sao xanh lấp lánh. Trong ngôi nhà nhỏ dưới chân thành Nam, có một ngọn đèn ấm áp vừa được thắp lên.
Năm 1024, Lý Thái Tổ xuống chiếu sai Khai Quốc Vương Lý Long Bồ đi dẹp loạn ở châu Đô Kim. Nguyên Thạch nằm trong đội tiền quân chuẩn bị lên đường ra trận. Nghe tiếng ngựa hí gươm khua bên kia thành, mấy đêm liền người ca nữ thao thức không ngủ được.
Trở về sau buổi luyện binh, Nguyên Thạch dịu dàng chải tóc cho nàng. Chàng nói rằng đây sẽ là lần cuối chàng tham gia chinh chiến. Sau trận này chàng sẽ xin rời khỏi quân ngũ để về quê.
- Nàng hãy ở đây chờ ta. Nhất định ta sẽ sớm quay trở lại.
Một buổi chiều cuối mùa đông, phủ Trường Yên chìm trong mưa phùn gió bấc. Trong căn nhà nhỏ ở phía nam thành, người ca nữ vừa khêu ngọn đèn nhìn bóng mình lẻ loi trên bức vách thì bất chợt bên ngoài có tiếng gõ cửa dập dồn.
Người vừa đến là một vệ quân áo bạc màu sương gió.
Tin báo cho biết rằng Nguyên Thạch trúng phải mũi tên độc đã tử trận tại Đô Kim.
Trước lúc vĩnh biệt cõi đời, chàng trao cho người lính thân cận mang đôi vòng ngọc thạch về phủ Trường Yên, giao tận tay người con gái chàng đã đem lòng yêu thương từ thời trai trẻ.
Người ca nữ mang theo trái tim tan vỡ đi về phía cấm thành ngày trước.
Lầu Tử Hoa giờ chỉ còn lại nền cũ rêu phong.
Nàng nhìn lên ngôi sao xanh trên đỉnh ngọn Kiếp Lĩnh mờ xa, cất tiếng hát bi thương than khóc cho kẻ chinh phu vĩnh viễn không trở lại. Nhân duyên thôi đành đứt đoạn, nghìn năm sau biết có lúc nào được hội ngộ trong cõi nhân gian?
*
* *
“Giáp Thân, Thiên Phúc năm thứ 5, vua Lê Đại Hành cho dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột giác vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía Đông là điện Phong Lưu, phía Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng điện Long Bộc, mái lợp ngói bạc.’’
Không chỉ còn là những dòng ghi chép trong sử sách, nhóm nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn đã chứng minh sự thật về dấu tích của thời kì vàng son lộng lẫy dưới lòng đất Hoa Lư.
Một hội thảo khoa học long trọng được tổ chức sau khi dự án khảo cổ thu về kết quả thành công rực rỡ. Nền móng cung điện vừa phát hiện đã hé lộ cấu trúc rộng lớn của kinh thành, đồng thời bộ sưu tập di vật vô cùng phong phú cho thấy bước phát triển vượt bậc của văn hóa Đại Việt thời kì đầu độc lập.
Nhưng vẫn còn đó những bí mật chưa được hé lộ.
Thùy Vân trầm tư trước đôi vòng ngọc lồng vào nhau trong tủ kính trưng bày. Điều cần tìm thấy, có lẽ cuối cùng cô đã thấy. Khi nhóm nghiên cứu được Trung tâm cho nghỉ phép ít ngày, cô rủ Diễn đi dã ngoại ở rặng núi phía Tây Nam.
- Không biết em có khi nào gặp cảm giác này chưa - Diễn băn khoăn nói lúc họ dừng lại nghỉ chân nơi lưng chừng con dốc - Anh đang đến một nơi chưa bao giờ đến trong đời, thế nhưng bỗng nhiên lại thấy thân thuộc như đã từng ở đây, trải qua những chuyện này, cứ như thể trôi vào kí ức lạ lùng và bí ẩn.
Thùy Vân nhìn sâu vào mắt Diễn trong một thoáng lặng im rất khẽ:
- Trên cánh tay bên phải của anh có vết sẹo hình trăng khuyết. Đó là chỉ dấu cho một lời ước hẹn. Anh có tin vào nhân duyên tiền kiếp hay không?
Diễn thảng thốt nhìn vết sẹo trên cánh tay. Gương mặt người con gái đứng bên cạnh anh bỗng nhòa đi như ảo ảnh. Trong chớp mắt anh nhận ra giọt nước mắt của cô từng rơi trên đó rát bỏng từ nghìn năm về trước.
Chiều buông xuống bên trời khi họ đến thượng nguồn con suối nhỏ nằm sâu dưới chân dãy Tam Điệp. Cánh rừng phía tây đã qua mùa thay lá, những lối mòn thức dậy dưới tầng thảm mục và loài cỏ hoàng miên nở đóa hoa màu trắng muộn phiền.
Linh hồn đá lắng nghe tiếng hát vọng về từ chốn xa xăm. Trên đỉnh ngọn Kiếp Lĩnh sáng lên một vì sao xanh lấp lánh.
T.T.T.N
VNQD