. NGUYỄN VĂN HỌC
Nơi đó có người cau mày nhìn nhau chuẩn bị ánh mắt sắc như dao cau. Ai đó đang giấu những lời xúc xiểm trong tay áo. Ai đó đang cắt Khôi thành tám phần bằng những câu nói xấu không ra đầu chẳng ra cuối, trong căn phòng đầy mùi ghen tị. Đầu óc Khôi trôi trong miền âm u, chỉ thấy nhộn nhạo toàn chuyện cơ quan với những gương mặt thừa mứa sự giả dối, ám ảnh và gay gắt…
Bất ngờ, đầu anh gật một cú mạnh, làm tay lái loạng choạng trong dòng người vẫn ào đi như chưa bao giờ biết dừng lại. Anh đâm vào lề đường. Cũng may hai chân anh kịp đỡ để chiếc xe máy không bị đổ và cơ thể không bị nện xuống đường. Anh định thần. Mình ngủ gật ư. Mẹ, may không đâm phải ông bà nào. Phía sau có tiếng quát: “Đi kiểu c. gì thế hở?” Gã đầu trọc táo tợn bất cần lao lên, quát, rồi biến vào dòng phố. Phố rít lên ken két. Bim bim bim. Tít tít. Vù vù. Tiếng còi xe, tiếng gió, tiếng người xủng xoảng. Khôi chợt nhớ ra mình đi nhầm đường. Phải quay lại, rẽ trái, đó mới là đường đến nhà thầy Hòa.
Minh họa: Tào Linh
Vẫn là thầy ra mở cửa đón. Thầy dành cho Khôi một nụ cười ấm và một cái bắt tay thật chặt. Không gian lặng lẽ nhưng không u sầu. Đó là cách thầy Hòa tạo dựng cho thế giới của mình. Màu xanh và tiếng chim luôn là những thứ được thầy chăm chút nhất, vì nó giúp thầy tĩnh tại.
- Nào, anh chàng vào đây.
Con bồ câu mổ lích chích trong không khí, bên cạnh chậu nguyệt quế trổ những đóa hoa nhỏ xinh.
- Ta dùng trà nhé - thầy Hòa nói rồi mời Khôi ngồi xuống ghế.
- Đầu em muốn nổ tung lên mất - Tay trái Khôi nắn nắn vào bắp tay phải bị tê - Nhiều lúc em muốn quậy, muốn phá, muốn đánh ai đó. Mà thầy ạ, bây giờ em còn mắc chứng ngủ gật. Đi đường ngày nào cũng ngật ngưỡng. Vừa nãy, em gật vài cái liên tục, và suýt nữa… toi. Dù đêm trước ngủ sớm và rất sâu.
Thầy Hòa nhiều năm chịu đựng những lời ai oán thở than của Khôi. Nói được với thầy Hòa, Khôi cảm thấy mình vơi đi sự chồng chất nặng nề trong tâm khảm. Thầy cũng vui vì đã về hưu còn giúp được người. Một già một trẻ cùng thú thưởng trà, bao chuyện nhân tình thế thái, công việc, ứng xử cứ thế tuôn trào. Chỉ khác Khôi còn đang công tác, phía trước còn nhiều chông gai. Thầy đã về vườn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thầy về với bóng chim, vườn cảnh được tạo dựng ở nơi trước đây là ngoại thành, giờ là phố xá khá nhộn. Thầy Hòa chỉ dạy vợ Khôi, nhưng lúc nào anh cũng một điều thầy, hai điều thầy.
Khôi bắn lời liên tục, mặt đỏ au như ráng chiều. Thầy Hòa cười khà khà, rót nước. Câu chuyện của họ có tiếng chim tràn vào.
- Cậu cứ bình tĩnh. Nóng nảy không giải quyết được gì đâu. Cuộc sống bây giờ mối quan hệ nó nhằng nhịt, chuyện nọ xọ chuyện kia. Vậy nên, ta hẵng cứ lấy đại cục làm trọng, tìm ra một vấn đề mình quan tâm nhất để nghĩ. Công việc ở cơ quan chỉ là một phần của cuộc sống thôi. Mỗi chúng ta còn nhiều mối quan tâm như gia đình, bạn bè, hoặc một đam mê khác nữa. Thế còn chứng ngủ gật khi đi đường, rất nguy hiểm. Cậu mắc từ bao giờ?
- Dạ, từ khi em thực hiện phương án tam tật ạ!
Thầy Hòa hơi giật mình, nhưng phong thái điềm đạm của thầy kịp điều chỉnh nên chỉ còn một cái nhíu mày nhẹ như gió vừa bay qua. Khôi đã chia sẻ với thầy nhiều điều, nhưng chuyện ngủ gật lúc làm việc, lúc đi đường hôm nay mới thấy nói.
Mắt hơi vằn đỏ, Khôi tuôn nỗi bức xúc, như thể trong bụng anh đang ứ đầy chuyện cơ quan, chuyện người này phán xét người kia. Nào là ông phó viện trưởng có cái miệng rộng được trang điểm bởi cặp môi mỏng, thích ban khen cấp dưới và cũng sẵn sàng luồn cúi nịnh cấp trên. Ánh mắt sắc như dao của ông thường dừng rất lâu trên ngực đám nhân viên nữ hơi đẫy đà tí chút. Nào là “chế độ” con ông cháu cha ở cơ quan đang kéo giảm sự phát triển chung mấy chục năm. Rồi chuyện Dị, phó phòng kế hoạch luôn mượn oai bố mình là một cốp to trên thành phố để đe dọa đồng nghiệp. Mấy lần Khôi bị ném đá: “Ông còn muốn làm ở đây không? Ông thích bay khỏi đây thì cứ làm thằng này ngứa mắt đi!” Đại loại toàn chuyện vặt vãnh và nhức đầu.
- Tôi hiểu phương án tam tật không nói không nghe không nhìn của cậu. Ngày xưa tôi cũng đã định như vậy. Khi đời rót toàn chén đắng thì có người muốn im đi cho nó… lành!
Khôi kéo thầy vào mê cung của mình. Ngày mới đi làm, anh nhiệt tình bao nhiêu thì nay hờ hững, trễ nải bấy nhiêu. Một kẻ mới ra trường luôn thèm làm việc, nhiệt huyết ứ đầy trong từng lời nói, ánh mắt, được chắt ra thành những dự định, những đề xuất và tham mưu. Viện trưởng Thường luôn khen, bảo: “Nhờ cậu, Viện X vượt qua nhiều khó khăn”. Không công của Khôi thì là ai! Nhiều dự án xã hội hóa của Viện X, nhờ Khôi mà được những “ông lớn” hợp tác, chi đậm. Cái ghế và cái uy của viện trưởng Thường càng trở nên chắc chắn trong sự xáo trộn, cạnh tranh rất lớn của ngành. Đi đâu cơ mặt ông cũng giãn ra, miệng huýt sáo, thi thoảng ngẫu hứng còn làm thơ. Mà thơ ông Thường vui lắm, lúc nào cũng nhang nhác có hình ảnh nữ sinh áo trắng và hoa xuân. Ông còn xức nước hoa và suýt nữa sai người thắt nơ cho những chậu cảnh trong cơ quan.
Khôi từng được gọi là “mì chính cánh”. Các anh tài, năng lực đầy túi đã nhảy đi cơ quan khác trong sự tiếc nuối của ông Thường và sự hả hê của một số nhân viên thích việc nhẹ lương cao. Phòng phát triển năng lượng chỉ còn toàn chị em phụ nữ muốn giữ một cái chân ổn định. Khôi thành nam khôi của phòng. Thành chỗ để chị em nhờ vả và tán chuyện. Khôi thấy tự hào khấp khởi vui. Có chị nói thế giới của Khôi đang được trải hoa hồng. Chưa biết có được trải hoa hồng thật không, nhưng mười bông hoa hồng trong phòng có phong cách ăn mặc khác nhau làm mũi Khôi sực nức vì mùi nước hoa, son phấn.
Một ngày, ông Thường được “cẩu” đi cơ quan khác, lớn hơn. Khôi không được ông nhấc theo. Có người nói với anh, như thế thật đáng tiếc. Khôi cười. Ở lại cũng tốt, làm đúng chuyên môn mà. Hơn nữa anh tự bắt mình phải ở lại cống hiến. Viện X không có nhân sự kiểu “con chị nó đi con dì nó lớn”, cấp trên đành cử người về điều hành. Ông Hùng, tân viện trưởng mang bậu xậu theo, cài cắm ba bốn vị trí quan trọng khác. Đó là phó viện trưởng có cái miệng rộng, trưởng phòng phát triển năng lượng và phó phòng kế toán. Thế là Khôi thành… con tép. Tân quan tân chính sách. Khôi không còn là ngôi sao sáng của viện, dù nhiệt huyết còn nguyên. Một tuần, sau khi tân trưởng phòng phát triển năng lượng về, hắn đã rêu rao: “Này tôi biết các anh chị xì xào sau lưng tôi đấy nhá. Các người, kể cả anh Khôi chỉ là cái đinh gỉ. Tôi là đệ tử ruột của tân viện trưởng đấy!” Mọi người nhìn nhau khó hiểu. Hắn đã hống hách đến chừng này ư! Đệ tử ruột của tân viện trưởng thì sao? Nghĩ trong bụng, ức trong tim thế thôi, chứ chả ai dám ho he nửa lời. Song, sự vênh váo của hắn chưa làm nhụt chí Khôi. Anh vẫn cần mẫn thực hiện công việc và trách nhiệm của mình. Khi tất cả những đề xuất, tham mưu của Khôi bị gạt sang một bên, lại còn bị chê là kẻ cứng nhắc, làm việc không thức thời thì anh nản thực sự. Thôi rồi. Viện trưởng cũ vẫn còn thì hay biết mấy. Khôi ân hận vì đã làm quá tốt. Tên trưởng phòng ngỗ ngược còn xát muối vào tim anh, bảo anh núp váy các chị. Anh nổi khùng. Dường như tất cả máu dồn hết lên mặt. “Tôi núp váy các chị đấy. Ông là cái thá gì! Ông là cái đồ chẳng có nổi cái váy mà núp.” Vậy là trúng mưu tên trưởng phòng. Hắn chỉ chờ anh khó chịu, để xát thêm ớt vào vết thương đang tấy nhức của anh. Trưởng phòng đay đả: “A ha. Thằng này láo. Dám xúc phạm lãnh đạo phòng”. Khôi hét lên: “Tôi xúc phạm đấy. Làm gì được nhau”. Mấy chị gái trong phòng im re khi trưởng phòng lấn át Khôi. Bọn họ đôi khi tức tối nhưng vẫn phải hùa vào, xức nước hoa cho những lời khắm khú của trưởng phòng. Còn Khôi không chịu được. Trước đây anh chị em trong phòng luôn rổn rảng cười. Nay chùng xuống một cách đáng sợ. Những nụ cười, những lời bông đùa lúc rảnh rỗi trốn đâu mất. “Để tao cho mày biết lễ độ.” Trưởng phòng hét lên. Hắn bấm điện thoại gọi. Cả giám đốc và phó giám đốc. Rằng anh ơi, thằng Khôi nó thách thức em. Thách thức em là thách thức các anh đấy. Nó vuốt mặt không nể mũi.
Khôi bị gọi lên ban giám đốc. Anh phải làm tường trình. Mọi người bấm bụng: Thằng Khôi toi rồi. Khôi viết tường trình như những gì mình nghĩ. Giám đốc đọc, ông vo tờ giấy, ném vào mặt Khôi: “Anh điên rồi. Anh nhận lỗi đi. Anh không có quyền bênh vực mình. Thách thức trưởng phòng là thách thức toàn viện”. Năm đó anh mất điểm thi đua, còn trưởng phòng hả hê với thành quả đã hạ bệ được cấp dưới. Khôi thấy nhục, thu mình thủ thế. Anh bỏ mặc chuyện đời, chuyện cơ quan. Ai làm gì thì làm, nói gì thì nói. Hết việc, Khôi đi uống rượu, về với vợ con. Cố gắng làm nhiều cũng vậy. Chuyện đóng góp, năng nổ thành tích trở thành thứ nhạt phèo. Chán nản, Khôi chìm vào vài mối tình lăng nhăng chẳng để lại gì ngoài vài ba lần lên giường. Rồi những giấc ngủ mộng mị kéo anh đi, và thả anh trở lại cuộc sống với chứng thèm ngủ nặng, khiến cặp mắt trĩu xuống, đi đường thường gà gật. Có lần, anh phải dừng xe máy bên lề phố, nhắm mắt độ mươi phút rồi mới đi tiếp. Chị Xinh trong phòng bảo: “Khôi đánh mất mình rồi”. Chị Én lạc quan hơn: “Cậu ta chỉ chán nản tí xíu, rồi chắc sẽ tìm được thăng bằng”.
*
* *
Chuyện Khôi chẳng khác chi chuyện thầy Hòa. Ngày xưa thầy dạy cấp ba thuần túy. Học sinh ngoại thành giản dị và thân thương. Nhiều năm thầy chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi văn, chuyên thi huyện, thành phố và quốc gia, gặt được khối thành tích kếch xù. Nhưng môi trường giáo dục, đâu phải lúc nào cũng êm thấm. Đâu phải đồng nghiệp nào cũng nghĩ và làm với tư duy trong veo như giọt nước. Mỗi người một tính cách, cũng người thế này người thế kia, cũng đầy bon chen hằn học. Đơn giản đó cũng là một xã hội thu nhỏ chứa đựng đủ hỉ nộ ái ố. Thầy Hòa, với ngờm ngợp nhiệt huyết, sau bao năm cố gắng giảng dạy, cống hiến cũng được giao trọng trách tổ trưởng tổ văn. Thầy còn nấu rượu để bán cho các mối quen, và làm thơ. Người ta bảo cả ba thứ ấy đều làm cho đời thầy không thể nhạt được. Dạy môn văn cho thầy sự lai láng trẻ trung, với rất nhiều bài học được tưới tắm nhiệt huyết, giúp học trò trở nên yêu môn học và tâm hồn được bồi bổ. Chúng cho thầy chất liệu sống và sự an nhiên. Rượu là chất xúc tác mà bao đời qua con người vịn vào để cuộc sống trở nên đậm đà lãng mạn. Với thầy, việc nấu rượu còn cho thầy thêm thu nhập. Còn thơ, rõ ràng, được chưng cất từ rất nhiều thứ cộng lại, trong đó có cả sự sum vầy tình cảm của học trò và rượu. Ai cũng thấy thầy phơi phới lạc quan, dù thầy lúc đó đang đi qua một khúc sông buồn. Vợ thầy lắm tật nhiều bệnh. Thầy phải cố gắng gánh vác con thuyền gia đình, tận tâm tận lực chạy chữa. Có lúc, thấy chồng vất vả, vợ thầy nói: “Anh đã nhọc mệt vì em, chẳng có cách nào em đỡ anh được”. Thầy bảo: “Bệnh tật là thứ ai cũng muốn đẩy nó ra xa. Nhưng rất khó cưỡng lại. Thôi thì, mình cố gắng vượt qua”.
Thật may, nhờ thơ, thầy Hòa đã có thể đưa con thuyền trẻ trung, đầy sức sống vươn ra mênh mông bão gió. Đọc thơ thầy, người vợ trở nên yêu thơ, được gieo lạc quan và đẩy lui bệnh ung thư quái ác. Lúc nào, thầy cũng vẽ ra một thế giới tươi đẹp về tình người, tình yêu, ở hiện tại và mai này.
Nhưng ở trường có sự thay đổi. Thầy Đồi, tổ phó tổ văn luôn đố kị tài năng thầy Hòa. Thầy Hòa nhận được sự kính yêu của trò, sự tin cậy của phụ huynh học sinh. Thầy Đồi mong chiếm lĩnh vị trí đó. Có điều, tài năng và vầng hào quang của một người giỏi giang, đâu dễ bị xóa đi. Mà ngọn đèn dầu leo lét, có vặn bấc to kiểu gì cũng chẳng thể thành ngôi sao. Thế là thầy Đồi tìm cách xin anh trai mình - tân hiệu trưởng, cất nhắc mình lên thay. Muốn thay được phải tìm cách hạ bệ thầy Hòa. Mưu ma chước quỷ được vẽ ra. Người ta tung ra những lời đồn đoán, nào là thầy Hòa không giữ khoảng cách, chừng mực với học sinh nữ, nào là thầy nhận quà của phụ huynh học sinh để chọn các em vào đội tuyển. Thầy Đồi luôn tìm cách bóng gió với những đồng nghiệp khác, rằng “anh ấy không tốt như chúng ta tưởng”. Chưa hết, thầy Đồi còn tung tin nhảm, rằng đa phần thơ thầy đi chép của người khác, dù chẳng đưa được ra căn cứ. Có lời xì xào thì ban giám hiệu phải xem xét. Chuyện cũng đến tai cấp trên. Rồi bằng cách nào đó, thầy Hòa bị giáng xuống thành tổ phó tổ văn, không được bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi văn nữa. Thầy Đồi chễm chệ lên thay.
Biết mình biết ta, thầy Hòa vui vẻ chấp nhận. Với thầy, sự an nhiên quan trọng hơn cái chức cỏn con ấy. Tâm thầy nhẹ nhõm. Từ hôm ấy, các đồng nghiệp và học trò thấy ở khuôn mặt thầy Hòa tỏa ra một luồng hào quang, như thực như ảo. Còn thầy Đồi thì mặt mũi tối sầm. Mỗi khi chạm mặt thầy Hòa, sự ngượng ngập bủa vây thầy Đồi, khiến mặt thầy cứ xệ xuống, thật đáng thương. Trong lúc thầy Đồi bồi dưỡng, nhiều em chỉ mong thầy Hòa phụ đạo thêm. Nhưng thầy Hòa bảo: “Các em cứ theo thầy Đồi”. Mặt đám học trò buồn rười rượi. Năm đó, đội tuyển văn sa sút trầm trọng. Đám học trò một mực đòi thầy Hòa dạy lại. Trong nhà trường, hai luồng ý kiến khác nhau, một ủng hộ việc trao lại quyền ở đội tuyển văn cho thầy Hòa. Song phải đến năm thứ hai, khi thầy Đồi khắc nỗi nhuốc nhơ vào nhà trường, tiếp tục kéo giảm thành tích của đội tuyển đến mức thảm hại, thì người ta mới trao lại quyền điều hành đội tuyển văn cho thầy Hòa.
Không thể đừng được, thầy Hòa phải nhận lại đội tuyển văn, dù kẻ dã tâm vẫn vẽ nguệch ngoạc vào đời thầy những nét bút ố đen. Hiệu trưởng giao luôn đứa con gái của ông cho thầy, muốn từ một đứa học sinh trung bình thành giỏi giang. Đó là nhiệm vụ khó khăn chẳng dễ chối từ.
*
* *
- Chắc thầy làm tốt công việc phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi văn - Khôi thốt lên - Em mà ở hoàn cảnh thầy, em cũng điên mất. Thế mà từ xưa tới nay thầy không kể, toàn nghe chuyện của em.
- Ừ! - Thầy Hòa thở hắt, và rồi, ở ngoài kia những bông hoa rực rỡ như kéo thầy vào dòng suy tưởng đầy cảm xúc...
Hiệu trưởng giao cho thầy thêm nhiệm vụ. Trong đợt thi tuyển chọn nhóm sáu em khối 11 để bồi dưỡng, thi môn văn, thầy phải tạo điều kiện về điểm cho hai học sinh là mối quen của hiệu trưởng. Thầy Đồi, thầy Hòa và cô Oanh chấm bài. Tất nhiên, hiệu trưởng không thể không “gọi” cho hai người còn lại. Trong khi chấm, thầy Hòa nhận thấy điểm của hai học sinh này chỉ xứng đáng điểm 5. Thế mà thầy Đồi, cô Oanh đều cho 9. Phải làm sao bây giờ? Đưa hai học sinh được chỉ định phải điểm cao vào, sẽ làm mất cơ hội của hai học sinh khác khá hơn. Đó là hành vi tham nhũng ước mơ. Là vặt cánh của học sinh này chắp một cách khập khiễng vào học sinh khác. Phụ huynh hai học sinh yếu hơn, ngay từ hôm thi đã mang quà đến. Thầy Hòa dứt khoát không nhận nhưng họ một mực để lại. Một người thì mang chiếc lồng đựng năm con gà, một can mật ong và chiếc phong bì. Một phụ huynh mang hơn chục cân hải sản và một phong bì. Sau đó thầy gọi hai học sinh này đến cầm phong bì về trả phụ huynh. Hôm ráp bảng điểm, thầy Hòa vẫn kiên quyết để điểm 5. Ngay tức khắc, hiệu trưởng gọi cả ba người lên họp. Hiệu trưởng đập bàn: “Tôi đã cất lời nhờ, vậy mà việc cỏn con các anh các chị cũng không làm xong!” Không khí căng tức, ngột ngạt dù phòng hiệu trưởng trưng khá nhiều hoa và bằng khen. Mặt hiệu trưởng đỏ au. Thầy Hòa biết hiệu trưởng đang nhằm vào mình, nên mở lời luôn: “Thưa các thầy cô, tôi biết, đó là việc nhỏ với chúng ta, nhưng là việc hệ trọng đối với học sinh, những mầm non tương lai. Chúng ta không thể lấy tình nghĩa, mối quan hệ của người lớn để áp đặt, điều chỉnh thành tích của học sinh. Lực học của các em thế nào thì rất nhiều học sinh biết. Hai em đó không thể từ học sinh trung bình lại có bài kiểm tra điểm trội lên hẳn”. Hiệu trưởng tái mặt, giáng cả nắm đấm xuống mặt bàn: “Tôi không cần biết mớ lí thuyết về đạo lí của anh. Tôi nhắc lại, đây là trường học, mà trường học thì đang đi theo quỹ đạo của trường đời. Chúng ta không thể đòi hỏi công bằng cho tất cả. Hơn nữa, phụ huynh hai học sinh này cũng đã có quà, rất hậu hĩnh. Mọi người cũng đã nhận”. Thầy Hòa vẫn nhẫn nại: “Họ mang đến, cố tình để lại. Phần hiện vật thì tôi xin nhận, còn cái phong bì, tôi đã gửi lại luôn”. Lúc này hiệu trưởng không bình tĩnh được nữa: “Anh nói cái gì? Anh đừng chơi cái kiểu qua cầu rút ván. Hai nhà đó nói với tôi, là anh đã ăn cả phong bì”.
Thầy Hòa không muốn to tiếng. Việc này phải ba mặt một lời. Thầy gọi hai học sinh kia đến đối chất. Sau hồi vòng vo, cuối cùng chúng thú nhận đã cầm đi tiêu hết mà không đưa lại cho bố mẹ. Thầy Hòa thở phào. Hiệu trưởng tiu nghỉu ngồi xẹp xuống ghế. Chuyện quái gì xảy ra thế này?
- Hai con bé đó không được chọn vào đội tuyển văn chứ thầy? - Khôi hỏi.
- Tất nhiên. Đội tuyển gồm cả ba khối 10, 11 và 12. Bài của hai mươi học sinh khối 11 thi đợt đó đã được chấm lại. Sáu em điểm cao nhất đã được chọn. Kết quả như tôi đã chấm ban đầu.
- Và năm đó, cả ba khối được bao nhiêu em được chọn vào đội tuyển ạ?
- Mười hai em. Nhưng đó cũng chưa phải đoạn gay cấn nhất.
Câu chuyện của thầy Hòa lại đưa Khôi vào một trạng thái cảm xúc muốn vỡ toác vì bức xúc. Từ khi nhận lại đội tuyển văn, thầy Hòa và các học trò thi đâu thắng đó. Thành tích đạt được vượt gấp đôi mục tiêu đề ra. Các đồng nghiệp, phụ huynh, học trò yêu quý hết lời tán dương. Thầy Đồi vì ghen ăn tức ở đã dàn xếp một vụ ăn cắp đồ rồi giáng họa cho thầy Hòa. Bắt tội thầy phải nhiều lần làm việc với công an…
Vợ thầy Hòa dọn cơm, mời Khôi ở lại uống rượu. Khôi thưa: “Dạ, đã uống rượu bia không lái xe, thầy ạ”. Thầy Hòa xua tay: “Cậu cứ ở lại. Lát nữa, tôi gọi taxi cho, xe cứ để hôm sau lấy mà. Tôi còn nhiều việc muốn tâm sự”. Khôi vui vẻ ở lại. Lúc rượu bâng lâng, thầy Hòa nói tiếp:
- Lúc tâm không an, tôi cũng nghĩ đến chuyện tam tật. Nhưng chắc cậu biết, đó là cách nghĩ biến tướng từ câu chuyện về ba con khỉ với “ba không”. Che mắt: không nhìn thấy điều ác; bịt tai: không nghe điều ác; và bịt miệng: không nói điều ác. Đối với Phật giáo, câu này cho thấy nguyên lí sâu xa của việc không sống với những ý nghĩ xấu xa. Với cách nhìn hiện nay, biểu tượng ba con khỉ được dùng để chỉ sự thiếu trách nhiệm của một số người giả vờ không biết cái xấu đang diễn ra. Đến nay, tôi mừng là vì mình đã tìm được sự an nhiên trong lối nghĩ, lối sống. Tôi bình tĩnh để giải quyết, không oán trách đời.
Khôi chắp hai tay vào nhau, nâng chén rượu trước mặt, như người hành lễ:
- Em bái phục thầy. Nếu là người khác, thì có thể đã khuỵu ngã trước áp lực ở nhà trường. Hẳn là, sau đó mọi chuyện đã ngã ngũ, thưa thầy?
Thầy Hòa chỉ tay ra phía cây tùng la hán, bảo:
- Tôi học được ở cây cối rất nhiều thứ. Như cái cây, cứ làm xanh cho đời. Từ sau vụ đó, tôi càng nhiệt tình với công việc, đối xử tốt với đồng nghiệp và cả người đã gieo họa cho tôi. Thân mẫu ông Đồi mất, tôi nhiệt tình làm nghĩa tử. Ông ấy càng đối xử tệ tôi càng đối tốt lại. Thế đã sao nào. Đến ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ông Đồi đã gặp trực tiếp, tỏ lòng xin lỗi vì đã có những hành xử chưa đẹp với tôi. Ông ấy còn rành rọt: “Tôi ân hận lắm. Và thú thật, tôi đã bôi nhọ thầy Hòa, nhưng càng bôi thầy Hòa càng sáng”. Tôi nói với ông ấy rằng, mình không để bụng, cũng không bao giờ hằn học. Và cậu thấy đấy, bây giờ, chính ông Đồi là chỗ tâm giao với tôi. Ông ấy còn giúp kết nối, cho cháu nội tôi có việc làm nữa đó.
Nghe những lời thầy Hòa, đột nhiên mồ hôi rịn trên trán Khôi. Cuộc rượu đến hơn chín giờ. Thầy Hòa mời Khôi nghỉ lại, nhưng anh xin phép bắt xe về...
*
* *
Khôi bị điều vào văn phòng mới lập ở Sài Gòn, cùng hai đồng nghiệp khác. Đó là một thử thách nhọc nhằn. Anh chưa chuẩn bị tâm thế, lại phải xa gia đình, môi trường quen thuộc. Để thêm mối quan hệ, kiếm nguồn sinh lợi nhuận cho cơ quan, Khôi biến thành con thiêu thân, rạc chân đi nhậu. Một tuần đầu nhậu liên miên đã ho ra máu. Trước khi đi, các chị trong phòng rỉ tai: “Chị thấy vài chỗ hợp, em có thể đi nếu thấy áp lực”. Khôi đắn đo: “Nhưng em yêu cái viện này, yêu công việc này. Em muốn thử đã”. Khôi không biết cơ thể mình chịu được bao lâu. Ở thành phố mới, người xe cuồn cuộn, lục phủ ngũ tạng của anh run lên bần bật. Lúc hoang mang nhất thì anh nhận được tin vợ đau, con ốm. Cất lời xin lãnh đạo phòng, viện trưởng, anh chỉ được phép về ba ngày, rồi phải quay vào. Khôi rơi vào tình trạng khó khăn chồng khó khăn. Anh nhờ bố mẹ, anh em ở Hà Nội giúp.
Thời gian vụt trôi. Anh chợt nhớ ra đã hơn một tháng không nhắn tin hay gặp thầy Hòa. Anh nhớ những lời chia sẻ của thầy lần trước và ngẫm. Mình có đam mê. Mình không thể để bị tước mất đam mê và nhiệt huyết. Một vài cá nhân chả là gì so với thương hiệu của toàn bộ cơ quan cũng như hàng chục con người đang làm việc ở viện. Khôi tự nhủ, mình không thể nhạt được, càng không thể trượt ra ngoài dòng chảy, bỏ mặc sự phát triển của toàn cơ quan.
Khôi trở lại nhà thầy Hòa sau gần tám tháng xa thành phố thân yêu. Suốt thời gian đó anh có vài lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe thầy. Thầy Hòa đoán, chắc Khôi đã phải cố gắng lắm để khắc phục khó khăn và thử thách. Nhìn thấy gương mặt tươi rói lạc quan của Khôi, thầy an lòng. Lúc mở cửa đón anh, mấy con chim câu sà liệng, như vũ công đang múa với mây trời. Hương trà thơm và quyện. Khuôn mặt thầy sáng rõ. Thầy bảo: “Này, Khôi nói mình nghe chuyện thời gian qua đi”. Giọng Khôi ấm và dõng dạc.
- Thưa thầy. Chuyện dài lắm ạ. Thời gian qua em cũng hết sức đối xử tốt với người ghét em. Càng ghét và gieo họa, em càng đối xử tốt. Mọi người cũng thấy lạ, là em bị bắt nạt, bị “đánh có tổ chức”, thế mà em không oán thán. Còn liên tục mua quà gửi về cho ban giám đốc, cho cả gã trưởng phòng. Ở Sài Gòn em làm nhiều người quý em. Đồng nghiệp hết lời ca ngợi thành tích của em. Thành tích của em thì ban lãnh đạo biết. Họ không thể xóa đi được. Rồi em được nêu tên. Qua điện thoại, trao đổi công việc, em vẫn hồ hởi nói chuyện. Em đã nghiền ngẫm và hiểu, mình phải mưu phạt tâm công, nghĩa là đánh bằng mưu trí và đánh vào lòng người. Thế rồi, viện trưởng và trưởng phòng bay vào Sài Gòn gặp em, chúc mừng, rồi đưa em về cho nghỉ phép một tuần.
Khôi tiếp:
- Nhưng đó vẫn chưa phải vấn đề làm em ngộ ra.
Mắt Khôi sáng long lanh với giọng kể đầy hào hứng. Một lần, Khôi ngồi cà phê thì thấy một người ngồi trên xe lăn bán rong vài thứ lặt vặt được treo quanh người. Người này dò dẫm đi lao đầu vào phía ô tô. May chiếc xe phanh kịp. Chiếc xe lăn vẫn từ từ lăn bánh. Nó hướng về cái hố sâu. Khôi hét lên, nhưng người đó không nghe thấy. Sao thế nhỉ? Khôi thắc mắc. Sau cùng anh chạy đến giữ chiếc xe lăn lại. “Này anh kia, đi đứng kiểu gì nguy hiểm thế?” Khôi không thấy có phản ứng. Trời ơi, anh ta còn mù mắt nữa. Lúc này, một người lành lặn chạy đến, cảm ơn Khôi rối rít. Khôi hỏi: “Anh ta làm sao mà hết lao vào ô tô, giờ lại muốn lao xuống hố?” Người kia nói: “Khổ quá. Em chỉ đi vệ sinh tí xíu, mà… À. Đây là anh trai em. Anh ấy vừa câm, mù, lại điếc. Đi bán hàng như này đều phải em đẩy xe. Anh ấy không biết gì đâu”. “Sao không để anh ấy ở nhà?” Người kia trả lời: “Ở nhà thì lấy gì mà ăn. Em phải đưa anh ấy đi, người ta thương, mua cho ít đồ…”.
Khôi mua cho họ một ít đồ. Mặt anh trở nên đờ đẫn khi nghĩ đến người tàn tật. Trời ơi, câm mù điếc. Lại còn liệt chân. Vậy là tứ tật chứ không còn tam nữa. Thế mà họ vẫn khát sống, vẫn đi bán hàng để tồn tại. Còn mình. Mình sức dài vai rộng. Sao mình hèn thế!
Thầy Hòa nhấp ngụm trà. Không gian chợt im lặng. Thầy khơi:
- Và…?
- Em kết nối với chuyện của thầy. Và em đi đến quyết định, phải nhấc mình ra khỏi bùn lầy. Em phải tìm lại niềm vui công việc.
- Thế chứng ngủ gật khi đi đường còn không?
- Dạ, em không ngủ gật trong cuộc đời, thì chứng bệnh đó cũng tiêu tan thầy ạ.
Một già, một trẻ gật gù. Hoa đỗ quyên, hoa trà cứ phô ra, khỏe khoắn mà tinh tế, quyện hương trà thơm, trong ngày nắng nhẹ nhưng rực rỡ.
N.V.H
VNQD