. TẠ THANH HẢI
Bà nội đặt cái quẩy tấu đánh xoạch rồi ngồi phệt xuống bậu cửa. Con chó cộc đuôi gầy nhẳng len lét chui vào gầm cối xay ngô. Bố tôi ngật ngưỡng đi từ trong nhà ra, trên vai lắt lẻo chiếc túi chàm bạc phếch, giọng lè nhè. Từ giờ, tao đi sang Nậm Lay ở hẳn với cái Mua đây. Bà nội quắc mắt, quăng cái quẩy tấu về phía bố, chân đá tay khua. Những bắp ngô văng ra tận mép sân, vàng xuộm chơ vơ.
Trong nhà, mẹ vẫn ngồi lặng bên bếp lửa. Nồi cháo sôi ùng ục trên bếp. Loãng tuếch. Em Sính khóc nhéo nhẳng xé ngang tiếng gió lùa vào vách thưng trống hoác mà mẹ vẫn ngây đơ ra như cây gỗ mục. Tiếng bát vỡ chát chúa ngoài sân. Tiếng bố gầm gừ như con gấu. Tiếng giậm chân bành bạch của bà nội. Tôi ngồi nép bên cánh cửa gỗ xộc xệch, nhìn bà nội lật đật chạy theo bố ra tận cổng để đòi lại chiếc vòng bạc và đôi khuyên tai mà không được. Bóng bố khật khưỡng xiêu vẹo leo lên chiếc xe máy đỏ nhảy cồ cồ trên con đường mòn men vách đá. Ráng chiều nhòe nhoẹt, màn sương trùm nhanh xuống thung như một bức màn xám khổng lồ.
Mẹ người dưới xuôi, học xong cấp ba tấp tểnh theo chúng bạn đi buôn hàng điện tử ở biên giới, suýt bị lừa bán sang Trung Quốc, may được bố cứu thoát. Trước khi đồng ý cho mẹ lấy bố, ông ngoại và cậu Vinh cũng lặn lội lên tận đây thăm nhà bà nội. Đó là một căn nhà gỗ bề thế ở trung tâm xã. Ông nội cũng là người dưới xuôi lên đây làm sơn tràng nhưng mất trong một trận lũ quét dữ dội từ khi bố mới lên bảy. Mấy năm sau, bà nội lấy người đàn ông góa vợ ở bản Ót và mang bố theo. Ngôi nhà gỗ đóng cửa im ỉm. Ai đi qua cũng bảo đúng là nhà của đàn bà góa.
Bố mẹ cưới nhau, căn nhà gỗ ấm hơi người trở lại. Ngày chợ phiên, bà đi từ bản Ót xuống chợ, lúc thì bán mấy con gà đen, khi thì bó măng khô, bọc chẩm chéo hay bất cứ thứ gì ông trẻ và chú Vừ kiếm được. Thi thoảng bà ghé qua nhà săm soi cách ăn ở thu vén của mẹ, thở dài thườn thượt khi thấy cái bụng con dâu vẫn phẳng lì như con cá đét. Bố mẹ lấy nhau gần sáu năm mới sinh được tôi sau bao nhiêu lần thăm khám, lấy thuốc. Ai đến nhà tôi chơi cũng bảo mẹ đẹp nhưng không hợp vía thần núi nên chỉ sinh rặt con gái. Bố theo đám phu vàng sang bên Sài Luốc, Sả Hồ, chưa kiếm được hạt vàng cám nào để làm của hồi môn cho hai đứa con gái thì sa vào cờ bạc, mê không dứt ra được, cứ ăn dầm ở dề nhà người đàn bà góa dưới Nậm Lay, năm thì mười họa mới trở về, lúc đi lại lục lọi mang theo vài thứ đáng giá như cái nồi đồng, chiếc điếu bạc, có khi còn lấy đôi khuyên tai bạc của mẹ hay lén lút tháo cả cái vòng ở cổ em Sính. Rồi căn nhà gỗ cũng bị người ta xiết nợ. Bà nội đưa mấy mẹ con tôi lên ở trong ngôi nhà nhỏ tẹo bám hờ vách núi, cách chợ phiên mấy chặng đường núi gập ghềnh…
Minh họa: Lê Anh
Sau cái chiều đổ vỡ ấy, mẹ đem hai chị em tôi về xuôi. Chúng tôi đi như chạy trốn giữa màn sương dày đặc. Mẹ bước thoăn thoắt xuống dốc như xắn vạt sương thành từng miếng. Trên lưng mẹ, em Sính vẫn ngủ say sưa, cái mũ len đỏ lúc lắc. Tôi mắt nhắm mắt mở sấp ngửa chạy theo. Sương vừa tan thì mấy mẹ con xuống được đến đường lớn. Mẹ vẫy vẫy chiếc xe tải chở gỗ, một cái đầu trọc lốc thò ra buông mấy lời chọc ghẹo và tiếng cười khùng khục, chiếc xe lướt qua nhả lại một luồng khói xám xịt. Đợi mãi mới có một chiếc xe của mấy chú áo xanh cho đi nhờ. Mẹ nói với họ là đưa chị em tôi xuống thị trấn khám bệnh. Có một chú đưa cho mẹ mấy tờ tiền, mẹ cúi đầu lí nhí cảm ơn còn tôi cứ nhìn chăm chăm vào ngôi sao trên vai áo các chú.
Chiếc xe lắc lư qua những khúc cua gập ghềnh. Mẹ im lặng suốt dọc đường. Xe dừng ở thị trấn nằm lọt thỏm giữa điệp trùng núi đồi, mấy quán hàng lèo tèo ngơ ngác như ngái ngủ. Mẹ dừng lại trước một mẹt bánh sắn, cởi chiếc khăn vuông trên đầu ra đưa cho bà già bán hàng và nhận lại một đùm bánh. Từ thị trấn, mấy mẹ con tôi lại đi nhờ hai chặng xe khách nữa mới về đến bến xe thành phố. Mẹ nắm chặt tay tôi đi qua đám người lố nhố mời chào để đi vào quầy vé. Em Sính vẫn ngủ gà gật sau lưng mẹ, khuôn mặt bé tẹo lọt thỏm trong cái mũ len đỏ rọi.
Đi càng xa thì núi đồi càng lùi lại phía sau, đường viền chân trời nhấp nhô mờ mờ như những hình hoa văn nhập nhòe trên cái túi thổ cẩm mẹ đeo bên người. Đã có biết bao chiều tôi ngồi trước bậu cửa ngóng bố về, nhìn lên dãy núi răng cưa trước mặt và tưởng tượng rằng nếu vượt ra khỏi đường viền nhấp nhô kia là sẽ đến được một thế giới khác có những điều kì diệu tươi vui hơn cái căn nhà nhỏ hẹp im lìm chỉ xao động lên bởi những lời chì chiết gióng giả của bà nội, tiếng khóc ngàn ngạt của em Sính, tiếng gầm gừ của bố. Giờ đây, trên chiếc xe xọc xạch, cảm giác lưu luyến bâng khuâng nhớ về căn nhà bé tẹo và ngột ngạt ấy chỉ thoáng qua rồi tan nhanh như màn khói xám phía sau xe, tôi nôn nao tưởng tượng mình đang được đi đến thế giới kì diệu kia. Tôi căng mắt nhìn qua cửa kính thấy cảnh phố xá nhà cửa san sát, người xe đi lại tấp nập, những ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy nhảy nhót trong niềm háo hức về chuyến đi xa đầu đời. Mẹ dúi vào tay tôi chiếc bánh sắn khô khốc. Bánh nồng nồng phảng phất mùi rượu. Tôi ăn ngon lành rồi gối đầu lên đùi mẹ, tay mân mê bàn chân nhỏ xíu của em Sính, lơ mơ ngủ. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy đôi mắt bố đỏ vằn, còn mắt bà nội sáng quắc như mắt mèo rừng. Hình như bà nội có tập tễnh chạy theo chúng tôi nhưng không đuổi kịp. Tôi nhìn lên chỉ thấy bà như một cái chấm đen nhỏ xíu mờ dần giữa mênh mông sương giăng.
Chúng tôi về đến làng lúc mặt trời đã đứng bóng. Mấy mẹ con đi bộ từ dốc đê về nhà ông bà ngoại. Nắng nhễ nhại. Người làng lục tục đi làm đồng về với những chiếc xe đạp có hai chiếc sọt to tướng hai bên hay những đôi quang gánh kĩu kịt nặng trĩu. Gặp ai hình như mẹ cũng có ý tránh. Mẹ kéo tôi đi nhanh, lướt qua những tiếng xì xào chỉ trỏ. Mẹ dừng lại ở một chiếc cổng tre, ngần ngừ một thoáng rồi lúi húi tháo sợi dây thừng to bằng ngón tay, mở cổng dắt tay tôi đi qua đoạn ngõ dài, vào đến khoảnh sân gạch bằng phẳng và sạch sẽ. Một ngôi nhà ngói có ba bậc thềm chứ không có cầu thang như nhà tôi. Căn nhà lặng phắc. Bà ngoại đang ngồi đầu hiên đan lạt ngước nhìn lên mẹ con tôi nước mắt ngân ngấn, chìa tay ra đón lấy em Sính. Ông ngoại đã già và lẫn cẫn đến mức chẳng nhận ra con gái mình, huống hồ là hai đứa cháu ngoại lần đầu tiên được về nhà ông bà. Ông trỏ vào em Sính và hỏi mẹ tôi. Mày nhặt được con bé này ở đâu. Hay là mày ăn cắp của ai. Rồi ông quay sang tôi. Mày là con bé Thêm, bố mẹ mày đi vào Lâm Đồng làm kinh tế mới lâu rồi, sao mày còn ở lại đây. Một lát, hai vợ chồng cậu Vinh đi làm đồng về, sau một thoáng ngỡ ngàng, mợ Thoan vứt bịch bao tải củ dong xuống sân rồi đi vào bếp. Có tiếng xoong nồi loảng xoảng. Tôi đứng nép vào góc nhà nhìn cậu cầm cái ấm tích lên tu một hơi rồi quay ra bảo mẹ tôi. Tôi đã bảo rồi, chị không sống được ở đất rừng rú ấy đâu. Thôi về đây bới đất nhặt cỏ mà nuôi con.
Buổi tối có mấy người bà con họ hàng đến hỏi thăm. Mợ Thoan rót nước vối mời mọi người một lượt rồi ngáp dài và đứng dậy bỏ vào buồng trong. Bà ngoại ngồi ở góc chiếu trải ngoài hiên, bỏm bẻm nhai trầu, than nghèo kể khổ. Từ trong màn, ông ngoại thi thoảng góp chuyện với mọi người bằng tiếng rên rẩm sau tràng ho sù sụ. Tôi ngồi nép vào mẹ, mẹ nép vào thành ghế, ôm khư khư em Sính, đáp lại những lời hỏi han của mọi người bằng giọng e dè buồn bã.
Mọi người ra về. Mẹ lục từ đáy túi thổ cẩm moi ra một nắm tiền cuộn trong mấy lần vải rụt rè đưa cho cậu Vinh. Mắt mợ Thoan sáng lên. Chị Hoa trông thế mà đáo để thật. Nhà chồng bị xiết nợ thế mà vẫn có khoản giắt cạp váy phòng thân. Cậu Vinh lừ mắt. Mợ vẫn thẽ thọt. Chỉ có tôi là thân trâu thân ngựa ở cái nhà này thôi. Cậu Vinh lấy chìa khóa mở cái ngăn tủ gỗ, cất nắm tiền vào đó rồi đút chìa khóa vào túi quần, khoát tay. Chị và con Sính ngủ với bà. Con Súa vào buồng ngủ cùng mợ. Tôi nằm ngoài với ông.
Hôm sau, cậu Vinh gọi người đến bắt hai con lợn nái và đàn vịt trắng rợp bờ ao để mua tre và tấm lợp xi măng về nhờ mấy chú bác trong họ đến dựng cho mẹ con tôi một gian nhà ở góc vườn. Căn nhà bé tẹo lọt thỏm dưới tán cây nhãn cây xoài xanh rì. Cậu lại mua về mấy bó nứa, quây thành một hàng rào ngăn sân với khoảnh ao trước nhà và dặn tôi phải trông chừng không được để em Sính tha thẩn ra phía ấy. Buổi sáng tôi đi học, mẹ mang em Sính lên nhà trên ấn vào tay bà ngoại. Bà lúc nào cũng ôm khư khư cháu trên tay như con nhện giữ trứng, lúc Sính ngủ bà mới đặt nó xuống manh chiếu bên cạnh rồi lại cặm cụi đan lạt. Mẹ theo mợ Thoan đi ra đồng bãi cắt cỏ, dỡ dong, trồng ngô, làm hết ruộng nhà lại làm sang ruộng hàng xóm.
Mẹ tôi cứ lầm lũi như một cái bóng. Trong làng nhiều người xì xầm bảo mẹ bị bùa rừng làm cho ngơ ngẩn. Có người lại nói mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh. Tôi thì thấy mẹ chỉ ít nói, không có vẻ chao chát như mợ Thoan. Nhiều đêm tôi tỉnh giấc bởi tiếng khóc của em Sính, giật mình thấy mẹ ngồi lặng ở góc giường, tóc buông xõa gối, ánh mắt vô hồn hoang dại. Tôi ôm lấy em Sính, nước mắt lăn mằn mặn. Trước kia, những đêm bố vắng nhà, mẹ cũng hay tỉnh dậy ngồi lặng bên bếp lửa suốt đêm như thế. Lúc ấy tôi nghĩ mẹ mong bố. Còn bây giờ, một nỗi hoảng sợ mơ hồ và cảm giác bơ vơ chống chếnh bủa vây tôi.
Những buổi chiều theo mẹ ra đồng bãi, tôi đi chân trần trên nền đất phù sa mát lạnh. Mặt sông lóng lánh ánh vàng vỡ ra khi có chiếc thuyền cá đi qua, ánh mặt trời nhấp nhính bám vào những mắt lưới. Đường chân trời bằng phẳng như con đường đến trường của tôi, thấp ngang tầm mắt của đứa trẻ mười hai tuổi nhưng lại xa tít tắp chứ không sừng sững trước mặt như đường viền trên dãy Tả Gia xám ngắt.
Tôi được mẹ dạy cách làm cỏ, mẹ bảo đó là công việc dễ nhưng cũng vất vả nhất của nhà nông vì phải làm thường xuyên. Cỏ chẳng cần ai chăm mà cứ tốt bời bời vươn lên cao hơn cả vạt ngô non. Những búi cỏ xanh mướt sẽ được mẹ mang về vứt xuống ao cho cá hoặc giũ sạch bỏ vào chuồng ngỗng của cậu Vinh để chúng có cái ăn. Vừa làm mẹ vừa rủ rỉ kể chuyện. Mẹ kể bà ngoại sinh đôi mẹ và cậu Vinh, cậu Vinh ra trước nhưng theo quan niệm của các cụ thì nên cho đứa con gái làm chị để số phận được suôn sẻ, tránh được những điều khổ ải. Cậu Vinh lấy mợ Thoan ba năm mới sinh được em Quang kém tôi một tuổi. Một chiều hè, Quang lúc đó lên năm tuổi, lon ton theo ông ra xem bè cá, thơ thẩn chơi trên bãi bồi ven sông, lớ dớ thế nào trượt vào một hủm cát, ông nội từ trên bè cá nhìn thấy cháu chấp chới giữa dòng xoáy, lao ngay xuống mà không thể cứu được. Mùa mưa, nước sông lên nhanh bất thường vì dòng chảy từ thượng nguồn đổ về. Đến mấy ngày sau cả nhà mới tìm thấy xác em trôi dạt mắc vào một bè cá khác cách đó hơn hai cây số. Từ sau cái chết của đứa cháu đích tôn, ông mới sinh ra lẩn thẩn như thế, bà thì ốm dặt ốm dẹo, cậu Vinh trở nên lầm lì cục tính còn mợ Thoan cũng chao chát chỏng lỏn hơn.
Đôi ba lần, trong lúc hai mẹ con đang rì rầm chuyện trò thì có người đàn ông vóc dáng vạm vỡ đi từ bến sông lên, đến ngồi đầu bờ hỏi mẹ dăm ba câu tầm phào. Mẹ đáp lời hờ hững nhưng thi thoảng lại đứng dậy vươn vai vặn người kêu răng rắc. Trong vạt nắng chiều, bóng mẹ đổ dài xuống ruộng ngô non, mái tóc buông đầy lưng đen nhánh, vài sợi lòa xòa phơ phất bay về phía trước dính chặt vào khuôn ngực căng tròn. Tôi ngẩng lên nhìn mẹ, chẳng hiểu sao mẹ lại cụp mắt xuống tránh ánh nhìn của tôi. Tôi chưa kịp hỏi người đàn ông ấy là ai thì mẹ đã vội vàng nói đó là một người bạn cũ rồi lại cặm cụi làm. Tiếng cắt cỏ xoèn xoẹt khiến tôi tự dưng có cảm giác gai gai bực bội khó tả.
Nhiều đêm, đang lơ mơ ngủ tôi chợt giật mình bởi tiếng ngỗng kêu. Mấy con ngỗng cậu Vinh nuôi nhốt ở cái chuồng phía bên kia bờ ao, cứ có tiếng động lạ là kêu váng lên. Mẹ trở mình liên tục, thở dài thườn thượt. Qua khe cửa liếp, tôi thấy có ánh đèn pin loang loáng và tiếng gằn giọng của cậu Vinh. Hình như có ai đó đến đặt trúm lươn trong ao nhà tôi. Sáng hôm sau vừa mở mắt, tôi thấy cậu Vinh ngồi đầu hè chẻ lạt, mợ Thoan vừa giặt quần áo bên sân giếng vừa xéo xắt. “Nứa trôi sông không giập cũng gãy. Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia.” Cậu Vinh vằn mắt, buông con dao đánh choang xuống nền gạch, hầm hầm đi vào trong nhà rít thuốc lào sòng sọc. Bà ngoại ngồi nhai trầu ở hiên, vò cái khăn mặt két vết trầu, rỉ rả nói một mình. “Thói đời sung chát đào chua…”
Em Sính đến tuổi đi mẫu giáo, tôi theo mẹ ra đồng nhiều hơn. Đứng giữa thảm xanh ngút ngát, tôi vẫn miên man tưởng tượng về một thế giới khác sau cái đường chân trời mờ xa kia. Không gian rộng hơn, tầm nhìn không bị che khuất, dưới chân là bờ bãi phù sa mát lạnh, nhưng một nỗi bất an cứ len lỏi trong tôi giống như cảm giác chênh vênh trong những chiều sương giăng trắng đỉnh núi ngồi trên bậc cầu thang nhìn hút về con đường dẫn xuống thung lũng Sủng Là. Bất an bởi thi thoảng lại có những câu đùa ỡm ờ cất lên từ phía bờ ruộng, những ánh mắt ngây dại khát thèm của cánh đàn ông và sự ngờ vực khinh bỉ của những người đàn bà trong làng khi mẹ con tôi đi qua. Mái tóc dày của mẹ buông xõa, khuôn ngực căng nhức sau làn áo bạc phếch đẫm mồ hôi, ánh mắt đen thẳm cụp xuống mà vẫn không giấu nổi vẻ ngượng ngùng. Mười hai tuổi, tôi chưa đủ nhận thức để cảm nhận rõ ràng những điều ấy, chỉ thấy mơ hồ nỗi niềm hoang hoải mênh mang.
Nhiều đêm tôi bị tỉnh giấc bởi tiếng ngỗng kêu, bóng mẹ vẫn hắt lên vách một dáng ngồi bất động như tượng đá. Bất động mà lại như muốn tan chảy ra cùng những tiếng sụt sịt cố nén. Sáng hôm sau tôi lại nghe mợ Thoan bâng quơ mát mẻ nhưng giọng điệu có vẻ bớt cay nghiệt hơn. Bà ngoại bảo mợ mới có bầu nên tâm tính dường như cũng thay đổi. Cậu Vinh không còn hút thuốc lào sòng sọc nữa mà ra bờ ao lượm quả trứng ngỗng mang vào bếp cho mợ luộc.
Cả ngày, mẹ trầy lưng xuội mặt trên cánh đồng bãi bồi xanh ngợp. Tôi đi học về lụi mụi nấu cơm trong chái bếp nồng mùi rơm rạ mục. Em Sính ngồi ngẩn ngơ bên bậu cửa. Mẹ về, người đầy bùn đất, nhoẻn cười đưa cho em Sính một cái bánh dợm. Tôi lấy làm lạ, toan hỏi mẹ lại thôi. Rồi mẹ mở thúng lấy ra một đùm chạch, những con chạch béo mẫm mẹ bảo bới được ở rệ mương. Mẹ dốc đùm chạch vào cái thùng sâu, rắc một nhúm muối rồi rót phích nước sôi vào. Đám chạch quẫy tung tóe, vẩn lên bao nhiêu nhớt tanh nồng mùi bùn rồi chết đưỡn đườn trong thùng nước nóng. Mẹ rửa lại đám chạch vài lần nữa, ngồi tỉ mẩn nặn ruột từng con rồi cho vào cái niêu đất, đập mấy củ nghệ, rót một thìa tương và bắc lên bếp. Nồi chạch kho sôi lục bục thơm lừng. Mẹ xách ấm nước đi ra cái buồng tắm lợp tạm bé tí tẹo phía sau bếp. Tôi nghe hình như mẹ khe khẽ hát.
Mấy mẹ con tôi vừa ăn xong chưa kịp dọn mâm bát thì cậu Vinh xồng xộc đi vào. Chẳng nói chẳng rằng, cậu hất tung cái mâm bát đũa xuống. Niêu chạch kho vẫn còn già nửa đổ vung vãi trên nền nhà lấm láp. Cậu gầm lên. Chị biết đường biết nẻo tránh xa lão Du ra. Đồ ngụ cư ấy đã biết tốt xấu thế nào mà định dính vào. Chị lại muốn bước từ chỗ khổ này sang chỗ khổ khác à!
Mợ Thoan chạy vào. Anh bình tĩnh đã nào, cứ nghe thiên hạ đơm đặt, chưa biết đầu đuôi ra sao mà đã đùng đùng trút giận lên người nhà mình.
Cậu Vinh quay ngoắt lại, định đưa tay cao, mợ Thoan tay chống nạnh, mắt quắc lên. Anh đánh tôi đi, đánh cho chết đi, để mẹ con tôi đi theo thằng Quang. Cho thiên hạ chửi nhà anh là đồ bạc phúc. Cậu Vinh buông một câu đe dọa. Tôi nói rồi đấy, đừng để dân làng bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ. Rồi hầm hầm bỏ lên nhà trên. Tôi ôm em Sính run bần bật nép sát vào cánh cửa liếp. Mảnh bát vỡ bắn vào chân tôi, máu rỉ ra từ nãy mà tôi không dám cúi xuống để lau đi. Mẹ gục mặt xuống thành giường, tóc tai xổ tung, đôi vai rung lên thổn thức.
Hôm sau đến lớp, tôi bị chúng bạn ùa vào trêu chọc, rằng mẹ tôi sắp được bác Du đón lên bè cá làm đám cưới. Tôi xông vào bọn nó với hai chiếc dép đã đứt gần hết quai nhưng chưa đánh nổi cái nào đã bị chúng nện cho một trận tơi tả. Tôi thất thểu về nhà trong bộ dạng nhếch nhác, tóc tai xơ xác, mặt mũi đỏ bầm. Gặp mẹ ở ngay cầu ao, chưa kịp để mẹ cất lời hỏi han, tôi nói ráo hoảnh. Mẹ mà đi lấy chồng khác, con sẽ bỏ lên miền núi với bà nội rồi đi tìm bố. Mẹ cúi gằm xuống khỏa nước giũ cỏ, khuôn mặt tối sầm vỡ ra giữa làn nước xanh thẫm. Đêm, tôi ngập trong giấc mơ đầy nước mắt. Một bè cá kết hoa tím ngát lênh đênh trôi giữa dòng nước trong vắt, mẹ đội nón trắng, miệng cười thật tươi, môi đỏ như cánh hoa dong riềng, khuôn ngực đầy đặn phập phồng sau tà áo trắng. Và chú rể là một người đàn ông cao to vạm vỡ, những bước đi vững chãi nhưng lại mang khuôn mặt của bố. Chiếc bè cứ trôi xa dần. Tôi chạy dọc triền sông gào khản cổ mà mẹ không ngoái lại. Tỉnh dậy, đầu tôi váng vất, sờ vạt gối còn ướt đẫm, tay tôi run lên, rưng rức.
Buổi sáng, trên đường đến trường, tôi vẫn nhìn về phía chân trời đằng đông ửng hồng và không thôi mơ tưởng về một thế giới không có những khổ đau nhức nhối. Ngoảnh lại phía sau, thấy bóng mình đổ dài trên vạt cỏ đầy sương, tôi lại nhớ những giọt nước mắt trong suốt đậu trên má mẹ trong những đêm ngồi bên bếp lửa đợi bố về. Mắt tôi cay xè, vùng chân trời hửng sáng trước mặt bỗng hóa nhòe nhoẹt, hư ảo. Và những đêm chập chờn, tôi tỉnh dậy như trong cơn mộng du. Không gian im ắng. Không có tiếng ngỗng kêu. Chỉ có tiếng mẹ thở nặng nhọc bên cạnh. Nhưng nhức. Mênh mang…
Một buổi chiều, tôi đi học về, thấy trong nhà có vẻ gì đó là lạ. Tôi nhón chân bước lên hiên và không tin vào mắt mình. Trong nhà, bố tôi đang quỳ sụp dưới chân ông bà ngoại. Tôi thấy ông ngoại nói tỉnh táo rành rẽ chứ không lẩn thẩn như mọi ngày. Vạn sự tùy duyên. Một ngày nên nghĩa. Có mấy mặt con với nhau rồi, nói bỏ là bỏ được đâu. Mẹ lặng thinh, ôm chặt em Sính.
Thì ra sau từng ấy năm ăn ở phục tùng người đàn bà ở Nậm Lay, chăm bẵm thằng cu chắc như củ măng rừng, bố tôi vừa mới biết được thằng bé không phải là máu mủ của mình khi gã bưởng trưởng trở về sau mấy năm lang bạt, dõng dạc nhận vợ nhận con. Người đàn bà mắt sắc như dao cau ấy đã cuốn xéo theo gã đàn ông bặm trợn, bỏ lại cho bố tôi một tờ giấy biên nhận vay nợ. Vài ngày sau, căn nhà ấy bị xiết nợ. Và lần này đến lượt bố tôi ra đi như chạy trốn khỏi vùng núi rừng mờ sương ấy.
*
* *
Từ ngày bố xuất hiện trong căn nhà nhỏ ở góc vườn lũ ngỗng của cậu Vinh không còn kêu váng mỗi đêm nữa. Giấc ngủ của tôi bớt mộng mị hơn. Mẹ dậy sớm cùng bố ra bến sông mua những mẻ tôm cá tươi về bán ở chợ Chùa. Tôi hiểu mẹ dậy sớm như vậy vì có những đêm liền giấc.
Mỗi sáng mỗi chiều tôi vẫn nhìn về đường viền chân trời, nhưng không còn mơ tưởng miên man nữa. Mười bốn tuổi, tôi nhận ra rằng dẫu ở miền ngược hay miền xuôi, đi mãi cũng chẳng thể đến được đường chân trời ấy. Đẹp đẽ kì diệu hay u ám bất an là do tự mình huyễn hoặc mà thôi.
Có lúc tôi chợt thấy đường chân trời lấp lóa như muôn ngàn con mắt nhỏ xíu của mớ cá tươi vảy bạc mà bố mẹ mang về từ bến sông. Có khi con đường ấy mang gam màu tươi sáng như những trang vở trắng đựng trong chiếc cặp sách mà tôi nâng niu mỗi ngày…
T.T.H
VNQD