Chuyện ở ga Vĩnh Yên

Thứ Năm, 30/11/2023 00:53

. NGUYỄN VŨ ĐIỀN

Đang gật gù, bỗng tôi tỉnh giấc khi nhân viên thông báo tàu vào ga. Tiếng bánh tàu siết trên những thanh ray chậm dần, rồi dừng hẳn. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu lắc lư giữa toa, mọi người dồn lên, đứng chật cả lối đi. Họ chuẩn bị xuống tàu. Mùi mồ hôi, mùi mắm tôm, cá khô và vô số thứ mùi khác trộn vào nhau đặc quánh.

Tiếng loa tay, với một giọng nữ nghe như đang ngạt mũi cất lên phía cửa ga: “A lô, a lô. Hành khách chú ý, đoàn tàu khách mang số hiệu HL-03, Hà Nội - Lào Cai đã về đến ga Vĩnh Yên...”

Chờ cho mọi người qua hết, tôi lần theo giá hành lí, cởi nút buộc quai ba lô với thanh đỡ hàng, nhấc lên khoác vào vai rồi bước ra cửa toa. Vừa nhảy xuống, cái rét bỗng ùa đến khiến vai tôi tự nhiên so lại. Nhà ga tối om, sực mùi xú uế. Đây đó những ngọn đèn dầu leo lét quanh những mẹt hàng rong, tạo thành những quầng sáng đỏ quạch giữa nhà ga tối mịt. Nền nhà lép nhép bùn nhão. Trong cái không gian tối tăm và bẩn thỉu ấy, kẻ đứng, người ngồi. Trên tay, dưới chân họ là những đống bao tải lỉnh kỉnh, tiếng gọi nhau í ới. Họ đang chen chân để giành lối vào ga. Tiếng tru tréo của mấy bà buôn đường dài giành giật với mấy nhân viên kiểm soát vé. Tiếng rao lanh lảnh của mấy người bán hàng rong, mấy bà bán nước chè chén, tiếng chửi đổng của mấy thằng chuyên cờ bạc, móc túi dọc theo các chuyến tàu… tất cả tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn.

Minh họa: Quốc Thắng

Nhìn đồng hồ, mới hai giờ sáng. Đoạn đường từ ga về đơn vị khoảng 6km, nếu bình thường, tôi có thể đi bộ, nhưng sau hơn một ngày vạ vật từ Vinh về Hà Nội, rồi từ Hà Nội lên Vĩnh Yên, cơ thể nhão nhoẹt. Vả lại, suốt mấy hôm phải căng mình trên những chuyến tàu chợ đông nghẹt người nên cơn buồn ngủ ập đến. Mắt trĩu nặng. Tôi quyết định sẽ nghỉ lại tại nhà ga, đợi sáng hẳn mới về. Đang định ra phía cửa hút thuốc, chợt nghe tiếng gọi:

- Chú bộ đội ơi, mời chú uống nước.

Đó là tiếng bà bán nước chè chén ngay giữa nền ga. Tôi ngả người, đặt chiếc ba lô xuống đất, ngồi lên một trong những chiếc ghế gỗ thấp tè quây quanh cái thúng, bên trên là một cái mẹt, đặt vài lọ kẹo lạc, kẹo vừng và chiếc đèn dầu tù mù đang phả khói đen kịt. Người đàn bà chừng 60 tuổi, khuôn mặt teo tóp, đen sạm và nhăn nheo, hậu quả của việc thức đêm liên tục. Rót cho tôi chén nước, bà than thở:

- Tàu bè dạo này chán quá. Hôm nào cũng chậm. Lẽ ra chuyến này phải lên lúc 10 giờ mà bây giờ mới tới. Mà sao người ta đi đâu nhiều thế không biết.

Tôi tợp một ngụm trà đặc sánh. Vừa rút điếu thuốc định hút thì bỗng thấy bên ngoài ồn ào và tiếng hô “Cướp… cướp, bắt lấy nó”. Có tiếng chạy uỳnh uỵch xa dần. Tôi khoác vội chiếc ba lô vào vai rồi chạy ra sân ga. Mọi người đang xúm quanh một người đàn bà khoảng 40 tuổi khuôn mặt khắc khổ và một cô bé khoảng 10 tuổi. Nét mặt bơ phờ và hoảng hốt, ngồi bệt xuống sân ga mà khóc, vừa khóc chị vừa kể:

- Em khổ lắm các bác ạ. Em đi tàu từ Phú Thọ về đây. Nhà em ở trên ấy, em là công nhân. Mấy tháng nay chẳng có lương, các cháu đói quá, hai mẹ con em về quê để xin bầm ít ngô lên cho các cháu ăn, nhưng tàu đến đây muộn quá, không thể về được. Hai mẹ con định sáng mai về. Đang ngồi dựa vào tường thiu thiu ngủ thì mấy thằng móc túi nó móc hết tiền rồi… Giờ chẳng biết làm thế nào để về đây.

Đợi cho chị bớt xúc động, tôi hỏi:

- Quê chị ở đâu?

- Nhà em ở Minh Tân, gần đây thôi.

- Anh nhà mình làm gì hả chị?

- Chồng em là bộ đội, đóng mãi trên biên giới Lào Cai. Anh ấy đi bộ đội gần chục năm rồi, quanh năm suốt tháng trên ấy, có được về đâu.

Rồi vừa khóc vừa kể, rằng chồng chị là một người quá thật thà, thật thà đến mức không thể tưởng tượng nổi. Tháng trước, anh ấy về mang cho mẹ con chị mấy cân đường. Anh bảo đơn vị phân phối cho mỗi người 3kg đường và 5kg gạo, nhưng vì không đủ tiền mua cả hai thứ, nên anh chỉ mua đường thôi. Chị bảo với anh: “Nhà đang đói, cần gạo chứ ai cần đường. Không có tiền, sao anh không bán đường đi mà mua gạo?” Anh bảo: “Ai lại làm thế, anh em nó cười cho chứ”. Suốt mấy năm nay mấy mẹ con chị cứ tự làm, tự ăn nuôi nhau mà anh chẳng giúp được gì nhiều.

Lời bộc bạch của chị khiến tôi suy nghĩ. Thấy tình cảnh mẹ con chị quá khó, tôi móc tay vào túi sau lôi mớ tiền lộn xộn trong túi ra đếm. Tất cả còn hai mươi tám nghìn. Đưa cho chị hai mươi nghìn, tôi nói:

- Chị ơi, em biếu chị với cháu chút tiền để hai mẹ con mua vé ngược Phú Thọ, xin chị nhận cho em.

- Không đâu chú ơi, tôi không thể nhận được. Chú là bộ đội, lấy đâu ra tiền.

Tôi nài nỉ thế nào chị cũng không nhận. Cuối cùng, tôi đành nói:

- Thôi được rồi, chị không nhận thì em cho chị vay vậy. Chị cứ cầm đi, khi nào có chị trả cho em cũng được.

Lúc cầm mấy chục ngàn tôi đưa, chị rơm rớm khóc. Rồi chị nói chị tên là Ban, công nhân Xí nghiệp may 27/7 Phú Thọ. Chị hẹn tôi khi nào có dịp lên, đến nhà chị chơi. Đến khu tập thể xí nghiệp, cứ hỏi chị Ban thì ai cũng biết.

Tôi chào chị và hứa khi nào có dịp sẽ lên thăm chị và gia đình.

Trở về chỗ của mình, loay hoay mãi không biết ngủ kiểu gì, đành trải tấm nilon ra giữa nền nhà, cạnh bà già bán nước. Hai vai quàng qua quai ba lô, tay ôm chiếc cặp tài liệu đặt trên bụng, tôi nằm ngửa xuống tấm nilon rồi dặn: “Bà ơi, con mệt quá ngủ chút, bà trông giúp con với nhé”. Bà già vốn quen cảnh này lắm rồi, nên bảo: “Chú cứ ngủ đi, có gì tôi gọi”.

Ngày ấy, những năm 80 của thế kỉ XX, cuộc chiến tại Campuchia vẫn rất khốc liệt. Biên giới Vị Xuyên vẫn ùng uỳnh suốt ngày. Ga Vĩnh Yên là trọng điểm hoạt động của bọn tội phạm, nên ngủ ở ga rất nguy hiểm. Biết vậy nhưng tôi vẫn phải liều. Đặt lưng xuống, tôi chìm ngay vào giấc ngủ.

Đang ngon giấc, chợt thấy ai đó chạm vào sườn, tôi mở mắt, thấy bốn, năm thanh niên đang ngồi quanh mẹt hàng của bà cụ. Có đứa ngồi hẳn vào tấm nilon của tôi, mông nó chạm vào người tôi ấm sực. Tôi nhắm mắt, dỏng tai nghe chuyện chúng nói với nhau và chột dạ biết chúng là bọn cướp giật trên tàu. Mình chẳng có gì đâu, nhưng vất vả cả tuần mới xong mấy bản xác minh, giờ mà mất thì toi, ăn cảnh cáo là cái chắc. Nghĩ vậy, tôi liền bật dậy. Không nhìn chúng, tôi nói với cụ:

- Bà ơi, cho con xin chén nước.

Nói xong, mở túi áo ngực lấy bao thuốc, tôi châm một điếu, rít một hơi rồi bắt chuyện với thằng ngồi gần nhất. Có lẽ thấy tôi là bộ đội, lại quân hàm quân hiệu đàng hoàng, trên ve áo có phù hiệu xe tăng nữa, nên chúng cũng nể. Chuyện một lát, đôi mắt tôi díp lại. Bụng thì đói mà chẳng có cái gì ăn vì hàng quán đóng hết rồi. Rít một hơi thuốc thật dài, lấy can đảm tôi nói với chúng:

- Này các em. Anh là bộ đội ở Trường 600 trong xã Kim Long, cây số 6 đây thôi. Anh đi công tác về, mới xuống tàu nhưng khuya quá nên phải nghỉ lại...

Mới nói đến đó thì một thằng ngắt lời:

- Anh muốn ngủ chứ gì? Yên tâm đi, bọn em trông cho. Không đứa nào dám lấy của anh đâu mà sợ. Nếu mất em xin chịu trách nhiệm.

Tôi gối đầu lên ba lô, chứ không dám khoác vào vai như trước nữa kẻo chúng nghĩ là không tin chúng. Tay vẫn ôm chiếc cặp trên bụng, tôi nằm ngửa, đánh một giấc không biết trời đất.

Mãi sáng bảnh mắt, tôi vẫn đang mơ. Trong mơ tôi nghe thấy tiếng “quẹt, quẹt...” rất to mà không biết là gì. Mở mắt dậy, cả nhà ga không một bóng người. Một mình tôi nằm trơ giữa nền ga ướt nhoẹt. Tại khu vực bán vé lên tàu, một chị lao công đang đưa những nhát chổi bằng lá cọ to tướng lướt trên nền nhà. Chắc thấy tôi ngủ ngon nên chị chưa nỡ gọi dậy... Nhìn quanh quất, mọi thứ vẫn còn nguyên, ba lô, cặp tài liệu, đồng hồ và cả đôi giày “cô sơ gin” của sĩ quan xe tăng tôi để cạnh tấm nilon.

Khoác ba lô lên vai, tôi lần ra phố, kiếm bát phở rồi cuốc bộ về đơn vị. Trên đường đi, tôi nghĩ về những sự kiện xảy ra đêm qua. Thầm cám ơn những “anh bạn” mới quen trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt trong đêm.

Con đường từ ga Vĩnh Yên về đơn vị hôm đó dường như ngắn lại.

Bẵng đi mấy năm, câu chuyện tại ga Vĩnh Yên hôm nào đã nhạt nhòa trong tâm trí của tôi.

Tháng 8 năm 1986, tôi được phân công lên thị xã Phú Thọ coi thi tuyển sinh quân sự. Lần trong kí ức, bỗng nhớ đến lời hẹn với chị Ban. Trong thâm tâm, tôi cũng muốn biết cuộc sống của gia đình chị sau mấy năm đói kém, hiện giờ có thay đổi gì không.

Một buổi chiều, sau giờ coi thi, theo địa chỉ của chị cho, tôi tìm về khu tập thể Xí nghiệp may 27 tháng 7. Đó là một khu tập thể tồi tàn, gồm hàng chục dãy nhà cấp 4 được xây hết sức đơn giản có tuổi đời dễ đến cả chục năm. Nhìn những ngôi nhà thấp tè lợp bằng giấy dầu dành cho những người lao động nghèo, đằng trước đằng sau là những giàn mướp giàn bầu với nhiều hình dáng cao thấp khác nhau, những dây phơi quần áo lộn xộn, nhếch nhác…, tôi cảm thấy ngại ngần.

Căn phòng của gia đình chị Ban nằm ngay đầu dãy tập thể nên thật dễ tìm. Lúc tôi đến, chị và mấy đứa con đang làm gì đó ngay trước cửa nhà. Tôi chào nhưng hình như chị chưa nhận ra. Đến khi tôi nhắc, đã gặp trong đêm chị đưa con về quê năm nào và bị mất trộm tại ga Vĩnh Yên, chị mới nhớ. Chị ào đến, vồ lấy tay tôi:

- Chú Minh phải không? Ôi giời ơi, chú không nói thì chị cũng chẳng thể nào mà nhận ra được, hôm ấy trời tối quá mà chị thì cứ cuống lên vì sợ. Chú vào đây, vào đây chú…

Nói đến đó, chị gọi mấy đứa con với giọng hổn hển như sợ tôi đi mất:

- Lan ơi, Hùng ơi… mấy đứa chạy sang nhà bác Lân gọi bố mày về đi, bố mày đang chơi ở đấy đấy. Nói với bố rằng phải về ngay, có chú Minh đến chơi.

Chị kéo tay tôi vào gian nhà thấp tè, thiếu sáng, được cơi nới cả phía trước lẫn phía sau, tạo thành một cái ống sâu hun hút. Ánh sáng cuối chiều khiến cái ống đã tối lại càng thêm tối. Nửa ngoài gian nhà kê bộ bàn ghế được làm bằng gỗ bạch đàn bạc phếch và một chiếc tủ li đã cũ. Mấy chiếc chén uống nước cáu bẩn nằm lăn lóc trên chiếc đĩa tráng men. Chị cuống quýt lau rửa ấm chén, rồi pha ấm trà mới. Vừa làm chị vừa ríu rít hỏi thăm tôi, hỏi tôi làm thế nào mà tìm được nhà chị. Nét mặt chị rạng rỡ chứ không khắc khổ như đêm trên sân ga hôm nào.

Lát sau, chồng chị và mấy đứa con cùng về. Một người đàn ông trạc 50 tuổi, khuôn mặt sạm đi vì nắng gió nhưng toát lên vẻ cương nghị với nụ cười thật hiền. Anh chống nạng, bước đi thập thõm. Chị ra đỡ anh giọng ríu rít:

- Em giới thiệu với anh, đây là chú Minh, người đã giúp đỡ mẹ con em ở ga Vĩnh Yên mà em đã kể với anh đấy. Còn đây là anh Tiến, chồng chị. Anh là thương binh hạng 2, mới được phục viên năm kia… Thôi, chú ngồi uống nước với anh nhé, chị xuống bếp nấu cơm. Hôm nay nhất định chú phải ở đây ăn cơm với anh chị và các cháu đấy.

Chị cười thật tươi rồi xăng xái đi vào phía trong. Tôi nhận lời, bởi không nỡ chối từ lời mời rất thân tình của chị.

Chị đi rồi, anh bỏ nạng, ngồi xuống chiếc ghế đối diện rồi tự tay rót nước mời. Với tay lấy chiếc điếu, anh rít một hơi thật dài, thả khói bay lên rồi thong thả:

- Anh cám ơn chú và rất trân trọng sự giúp đỡ của chú với vợ con anh trong lúc hoạn nạn ấy. Anh hiểu, chỉ những người lính mới cảm thông với hoàn cảnh của đồng đội và có những hành động như vậy.

Những lời anh nói khiến tôi cảm động. Dường như hiểu suy nghĩ của tôi, anh nói:

- Vừa rồi, anh đã vay được vốn bên ngân hàng rồi. Tới đây sẽ mua một chiếc xe thương binh, chuyên chở hàng cho các chủ hàng ở chợ trung tâm thị xã. Những năm trên biên giới, đạn địch nó bắn rầm rầm mà mình không chết thì bây giờ chết làm sao được.

Anh cười, nụ cười rạng rỡ khiến tôi cảm thấy thật ấm lòng. Chuyện đến đó thì chị bưng cơm lên. Mấy đứa trẻ chơi bên hàng xóm chạy ùa về. Đứa so đũa, đứa xếp bát lấy cơm. Vừa làm, chúng vừa cãi nhau chí chóe, ấm cúng và yên bình biết bao.

N.V.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)