Truyện kí. TRẦN VĂN THỦ
Tôi sinh ra trong một gia đình có năm người, gồm hai bố mẹ và ba anh em chúng tôi, ở xóm Nam Thành, làng Thượng Hiền, tổng Cao Mại, phủ Kiến Xương trước kia, nay là thôn Thượng Hiền, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Ngày ấy, bố tôi có nghề thợ mộc, nên những lúc nông nhàn, ông lại theo hiệp thợ của làng để đi đây đó làm ăn, còn mẹ ở nhà, ngoài cấy sáu sào ruộng tư điền ra, lúc tháng ba ngày tám, bà lại quảy trên vai gánh hàng xén để chạy chợ. Vậy mà, cái nghề thợ mộc vất vả của bố, những sào ruộng tư điền cộng với những tần tảo bằng gánh hàng xén của mẹ cũng đã không cứu được gia đình tôi thoát khỏi trận đói khiếp đảm năm Ất Dậu 1945. Người đầu tiên nằm xuống vì đói là mẹ của tôi, rồi đến lượt bố tôi và sau đó là hai đứa em còn thơ dại của tôi. Năm đó tôi mới mười lăm tuổi đầu đã mất cả gia đình, trở thành kẻ bơ vơ giữa cuộc đời cay cực, phải bỏ làng ra đi nhập vào đoàn người hành khất lang thang đây đó để kiếm ăn. Bước chân của kẻ tha phương cầu thực, đã đưa tôi đi khắp mọi nơi, nếm trải đủ mọi thứ tủi nhục và chứng kiến biết bao cảnh oan trái khác mà chẳng hiểu được vì đâu đã dẫn đến những thảm cảnh đau lòng như thế. Nhìn những xác người chết khô đét, vàng bệch, nằm còng queo ở ven đường, góc chợ không có người chôn cất, trong tôi trào lên sự thương cảm, khi nghĩ đến cái chết cũng vì đói của bố mẹ và hai em của tôi. Nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc siêu vẹo bỏ đi, vì ngay lúc đó bản thân tôi cũng đang bị cái đói gào réo hành hạ.
Những năm tháng khốn nạn đến cùng cực ấy của tôi đã cứ kéo dài mãi cho đến tận mùa đông năm 1948, khi lang thang phiêu bạt lên đến Việt Trì, Phú Thọ. Tại đây tôi đã gặp được những người lính quân báo của Tiểu đoàn 11, thuộc Trung đoàn 308, tiền thân của Đại đoàn 308 anh hùng sau này. Gặp được những người lính cách mạng, tôi đã được cưu mang đùm bọc, không những thế, sau đó tôi còn được trở thành chiến sĩ của ngay chính đơn vị cùng anh em lập công khi tham gia vào những trận đánh ác liệt không thể nào quên tại các địa danh như Phố Ràng, Đại Phác, Phố Lu...
Là một kẻ bơ vơ, không nơi nương tựa, cuộc đời tôi đã những tưởng ngoài miếng cơm manh áo ra, sẽ chẳng bao giờ còn biết đến những điều gì khác. Vậy mà, tất cả đã thay đổi, kể từ khi tôi gặp được những người lính cách mạng, rồi trở thành chiến sĩ với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Không những tôi đã được học để bíết đọc, biết viết, được cầm súng để chiến đấu chống lại kẻ thù, tôi còn biết được vì đâu mà bố mẹ của tôi, hai đứa em thơ bé của tôi và bao người khác nữa đã phải chết trong thảm thương đói rét, nghèo hèn. Tôi còn nhận ra được rằng, cuộc kháng chiến vĩ đại của cả dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ đã đang diễn ra sôi sục mạnh mẽ là để chống lại sự áp bức của bọn đế quốc, phong kiến, để đánh đuổi chúng và xây dựng cuộc sống mới ấm no, tươi đẹp hơn. Nhận ra được điều này, tôi đã thật tự hào khi thấy bản thân mình cũng đã có những đóng góp tuy nhỏ bé, nhưng thật ý nghĩa vào cuộc kháng chiến ấy.
Năm tháng trôi đi, cùng với niềm tự hào đó, tôi đã nghĩ đến việc phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng. Bên cạnh đó tôi còn một khát vọng cháy bỏng khác. Ngày ấy, ở đơn vị tôi đã có những chiến sĩ do phấn đấu tốt và có thành tích trong chiến đấu nên đã có vinh dự được gặp Bác Hồ. Bởi thế, trong tâm trí của tôi cũng có ước mong thật mãnh liệt, tôi cũng mong được một lần gặp Người. Và đúng là suốt cả những năm tháng dài trong quân ngũ sau này, điều ước mong đó lúc nào cũng thường trực, hiện hữu trong tôi, thôi thúc tôi rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu để tâm nguyện trở thành hiện thực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ có nhiều chiến công ở Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu của TTXVN
Thế nhưng tôi không hề biết rằng, niềm hạnh phúc thiêng liêng vô giá ấy đã một lần đến với mình nhưng chỉ vì nóng vội, không chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, tôi đã để lỡ niềm hạnh phúc diệu kì ấy để rồi sự nuối tiếc ân hận không bao giờ có thể nguôi ngoai được.
*
Hồi đó, vào khoảng gần cuối của tháng một năm 1951, khi đang đóng quân tại một điểm cách thị xã Tuyên Quang không xa (lúc này Tiểu đoàn 11 Phủ Thông của tôi đã được điều động chuyển về biên chế trong đội hình của Đại đoàn 312) thì tổ chiến đấu ba người của tôi gồm tôi cùng Bùi Văn Cao, Phạm Quang Chiến và một số cán bộ chiến sĩ nữa được lựa chọn từ các đại đội trong tiểu đoàn được lệnh về trung đoàn để nhận nhiệm vụ. Tại đây, đích thân Trung đoàn trưởng Nam Long đã gặp gỡ, dặn dò chúng tôi. Tuy không nói rõ nhiệm vụ cụ thể là gì, nhưng nghe giọng nói nghiêm trang, có phần sắc lạnh của ông, chúng tôi hiểu đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và đồng thanh hứa với người thủ trưởng của mình là sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để đáp lại sự tin cậy của cả trung đoàn cũng như không hổ danh là chiến sĩ của Tiểu đoàn Phủ Thông lừng lẫy. Rồi sau đó cả đoàn hành quân về tập kết tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tại đây, chúng tôi cứ tưởng sẽ được nhận ngay một nhiệm vụ cụ thể nào đó, ai ngờ ngoài việc tập trung để huấn luyện lại các kĩ chiến thuật cơ bản trong chiến đấu và tổ chức tuần tra, canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm ra, chúng tôi chẳng còn phải làm gì cả. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, kéo dài hàng chục ngày liền nên chúng tôi không khỏi có những tư tưởng chủ quan đơn giản. Tuy không nói ra nhưng tôi nghĩ, nếu mấy ngày tới tình hình vẫn cứ thế này, tôi sẽ xin về đơn vị cũ để đi chiến đấu. Cho đến một đêm sau đó vài ngày, khi vừa cùng với Cao và Chiến hoàn thành ca gác từ một đến ba giờ đêm, chúng tôi vội trở lại nơi trú quân vì ngoài trời rất lạnh. Khi về đến nơi, thấy ngoài Tiểu đội trưởng Quang bị sốt từ mấy hôm nay đang nằm ra, còn có sáu người nữa đang ngồi quanh một đống lửa đã được nhóm lên nhưng chỉ liu riu cháy nhằm hạn chế ánh sáng hắt ra ngoài. Thấy chúng tôi đi vào, một ông già có vầng trán thật cao và đôi mắt sáng lấp lánh, nhưng lại quấn chiếc khăn quàng to xù che kín cả cằm và miệng bảo những người ngồi ở bên cạnh ngồi dịch ra để chúng tôi cùng vào sưởi ấm. Khi thấy chúng tôi đã ngồi xuống, cũng vẫn ông già đó, với giọng nói thật ấm đã hỏi chuyện cả ba anh em về tên tuổi, quê quán, gia đình, vào bộ đội từ bao giờ và đã đánh những trận nào. Đoán chắc đây là cán bộ cấp cao, có thể giải quyết mọi việc, nên không chỉ trả lời những điều ông già đó hỏi, chúng tôi còn tranh thủ nói ra những suy nghĩ bức xúc ở trong lòng. Nghe xong, biết được tâm trạng của ba anh em, ông già chậm rãi:
- Đúng là cách mạng rất cần những người lính xung kích ở mặt trận như các chú, nhưng cách mạng cũng có rất nhiều việc, và việc nào cũng rất cần thiết quan trọng, nên người đi làm cách mạng phải là người phải biết sáng tạo, linh hoạt, không chỉ dũng cảm, đánh giặc giỏi ở ngoài mặt trận, mà còn phải biết nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà cách mạng giao cho, có như vậy kháng chiến mới chóng thành công.
Lúc này, ở phía ngoài chợt có một người nữa đi vào và đến bên ông già nói nhỏ điều gì đó rồi cả đoàn cán bộ đứng dâỵ. Lúc chia tay, ông già đến bên ba anh em chúng tôi và đột ngột thay đổi cách xưng hô:
- Thấy các cháu còn trẻ mà đã sớm tham gia cách mạng bác mừng lắm, nhưng người làm cách mạng là phải biết kiên trì, không được coi nhẹ bất cứ nhiệm vụ nào, các cháu đã làm tốt công việc ở đây được nửa tháng, giờ nếu cách mạng yêu cầu phải ở lại thêm một tháng nữa, thậm chí là hai tháng nữa thì cũng phải yên tâm và có xác định được như vậy, tư tưởng mới thông để hoàn thành tốt công việc của mình, các cháu thấy thế nào?
Nghe ông nói cả ba chúng tôi đều vâng dạ và cứ dõi theo mãi cho đến khi ông và đoàn cán bộ đi khuất hẳn vào màn sương đêm.
Tiễn ông già và đoàn cán bộ đi rồi, Cao và Chiến vui lắm, chắc các anh ấy đã thông suốt về tư tưởng nên cứ cười nói mãi, khiến Tiểu đội trưởng Quang phải nhắc nhở mới chịu nằm yên. Nhưng tôi thì không, tuy thừa nhận điều ông già đó nói là hoàn toàn đúng, nhưng cứ nghĩ đến việc mình phải ở lại đây với công việc canh gác buồn tẻ này, trong lúc bạn bè đang được chiến đấu là tôi lại thấy mình cồn cào, nhấp nhổm không yên, càng cố nhắm mắt, lại càng thấy khó ngủ, bởi những mong ước, suy nghĩ được trở về đơn vị để đi chiến đấu cứ ùa đến lộn xộn ở trong đầu khiến tôi thao thức. Thế là sáng hôm sau, mặc cho Cao, Chiến và mọi người can ngăn, tôi đã quyết định lên gặp chỉ huy để xin về đơn vị cũ.
Quay trở lại đơn vị cũ, tuy đã thành khẩn trình bày lại toàn bộ sự việc cũng như tâm tư nguyện vọng của mình nhưng tôi vẫn phải nhận kỉ luật của tiểu đoàn, rồi sau đó cũng được nhận nhiệm vụ trở lại nhưng không phải là ở đơn vị xung kích như trước đây mà là ở trung đội hỏa lực và cùng với đơn vị tham gia chiến đấu cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lúc này tôi đã là một chàng trai tuy mới chỉ hai bốn tuổi đời nhưng đã có đến sáu năm tuổi quân và đạt được không ít thành tích trong chiến đấu. Không những tôi đã được kết nạp vào Đảng, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất, mà còn được đề bạt làm cán bộ trung đội nữa. Nhưng ước mong đến cháy bỏng của tôi là gặp Bác Hồ thì vẫn chưa thực hiện được.
*
Sau ngày 7 tháng 5 năm 1954, do yêu cầu của nhiệm vụ, nên tôi cùng với một số cán bộ chiến sĩ nữa trong đơn vị, được lệnh khẩn trương rút về hậu cứ của ta ở Thái Nguyên. Tại đây trong một thời gian ngắn, chúng tôi được bồi dưỡng về chính trị, về tình hình nhiệm vụ mới cũng như một số nghiệp vụ của người cán bộ quân báo, rồi chúng tôi được phân công theo một đường dây bí mật lên đường vào Nam tập kết tại chiến khu Trà Đỏ, Đồng Rùm thuộc tỉnh Tây Ninh. Sau đó tôi được phân công về hoạt động tại địa bàn Hố Nai, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Lúc này Mĩ - Diệm đã và đang từng bước hất cẳng Pháp để độc chiếm miền Nam nên cuộc chiến đấu của những chiến sĩ hoạt động trong lòng địch của chúng tôi gặp phải vô vàn khó khăn thử thách. Nhưng lòng dân vẫn gắn bó với cách mạng, vẫn hướng về Đảng, về Bác Hồ, chính điều này là một sức mạnh vô cùng to lớn trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, giúp chúng tôi hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vào khoảng giữa năm 1970, do bị lộ trong công tác, tôi đã được cấp trên điều đi nơi khác, trước khi đi nhận nhiệm vụ mới, tôi được ra vùng chiến khu của ta ở Tây Ninh để báo cáo thành tích tại một cuộc họp quan trọng, có phái viên của Bộ ở ngoài Bắc vào dự. Ở cuộc họp đó, ngay trong ngày đầu tiên, khi nghe thấy tên tôi, rồi thấy tôi bước lên bục nói chuyện, ở phía bên dưới, nơi ghế ngồi của các đồng chí cán bộ mới ở ngoài Bắc vào, chợt có một người vụt đứng dậy, anh tiến đến chỗ tôi đang đứng rồi nghẹn ngào:
- Lam, Trần Lam đấy phải không?
Thấy tôi quay lại nhìn, anh lại gọi tôi thảng thốt:
- Lam, đúng cậu là Trần Lam rồi Lam ơi...
Lúc đó tuy rất bối rối nhưng tôi cũng đã nhận ra người vừa gọi tên mình. Anh là Bùi Văn Cao, chiến sĩ thuộc tổ chiến đấu ba người của tôi ở Tiểu đoàn Phủ Thông trước đây. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Tôi và Cao đã cứ ôm chặt nhau như thế mãi, rồi anh dắt tay tôi xuống giữa hội nghị và xúc động kể lại đợt làm nhiệm vụ của tổ ba người chúng tôi ở Vinh Quang trước đây. Lúc này tôi cũng mới biết, thì ra ngày ấy chúng tôi về xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa là để bảo vệ an toàn cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng ta, và ông già mà chúng tôi gặp đêm hôm đó chính là Bác Hồ vô cùng kính yêu. Sự thật muộn màng này khiến tôi bàng hoàng.
Kể cho mọi người nghe xong anh Cao nói với toàn thể những người tham dự:
- Ngày ấy chúng tôi còn trẻ lắm các đồng chí ạ, trong đơn vị không chỉ riêng có đồng chí Lam đây mà tất cả chúng tôi, ai cũng mong được gặp Bác Hồ, nhưng do hoàn cảnh phải bí mật để bảo vệ an toàn cho đại hội Đảng, cho Bác, nên khi gặp Người không phải ai cũng biết. Vậy mà bây giờ Bác đã đi xa rồi…
Câu chuyện của anh Cao khiến cho tất cả mọi người đang có mặt không ai cầm được nước mắt. Sau khi anh Cao ngừng lời, phải mất một lúc hội nghị mới ổn định lại được bởi khi biết anh Cao và tôi không chỉ là những chiến sĩ của Tiểu đoàn Phủ Thông lừng lẫy mà còn là những người đã được gặp Bác Hồ ai cũng muốn hỏi han trò chuyện. Tôi không thể diễn tả tâm trạng mình khi đó, vừa hối hận vừa tiếc nuối như để vuột mất một thứ gì quý giá. Trước những câu hỏi của mọi người tôi chẳng biết trả lời sao cho thỏa, bởi cùng với nỗi vui mừng của tôi khi biết mình đã có được niềm hạnh phúc lớn lao từng được gặp Bác Hồ còn là cả sự ăn năn mà tôi biết rằng lỗi lầm của tôi sẽ chẳng bao giờ còn có thời cơ để sửa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội chủ lực và dân quân du kích Cao Bằng có nhiều thành tích tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh tư liệu của TTXVN
Trong suốt những ngày hội nghị đó, lúc nào tôi và anh Cao cũng ở bên nhau, ngoài những tình cảm bao năm tháng dồn nén chúng tôi còn trao gửi cho nhau biết bao tâm tình. Lúc chia tay, anh Cao còn tặng tôi bức chân dung của Bác được in trên giấy lụa thật đẹp. Đỡ trên tay anh bức ảnh của Người, lòng tôi lại rưng rưng. Lời dặn năm xưa của Người giờ đây đang văng vẳng bên tôi. Nhìn vào bức ảnh của Bác tôi thầm hứa với Người từ nay sẽ nhận và hoàn thành tốt bất cứ nhiệm vụ nào khi được giao phó để không phụ lòng tin cậy và những tình cảm mến yêu của Người. Suốt những năm tháng sau đó tôi đã luôn thực hiện được lời hứa muộn màng ấy cho đến ngày cùng với cả đơn vị của mình, hòa vào đoàn quân chiến thắng đang rầm rập tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4 của Mùa xuân năm 1975 lịch sử.
*
Đất nước đã sạch bóng quân thù, chúng tôi đã là người chiến thắng. Dù trong một trận chiến đấu tôi đã bị thương mất một cánh tay nhưng còn có niềm vui mừng, hạnh phúc nào lớn lao hơn thế nữa đối với chúng tôi, những người lính chiến. Tôi đã để mặc cho nước mắt của mình trào ra. Tôi khóc không chỉ bởi niềm hân hoan, hạnh phúc đang tràn ngập trong lòng, tôi khóc còn bởi một ước mơ nữa đã bất ngờ vụt đến trong tôi: Bác ơi, giá như có một phép màu nào đó để hôm nay, trong ngày vui đại thắng này, Bác vào thăm miền Nam để chúng con được kính mừng Người, được dâng lên Người chiến công này ở ngay giữa thành phố Sài Gòn.
Sau đó tôi được ra miền Bắc. Hà Nội đã là nơi đầu tiên tôi trở lại để vào Lăng kính viếng Bác Hồ. Ngắm nhìn Người đang yên nghỉ lòng tôi lại rung lên niềm xúc cảm. Tôi không dám nghĩ rằng mình đã có một lần được gặp Bác Hồ.
Rồi tôi cũng trở về quê hương, lấy vợ và sinh con. Cuộc sống đời thường với những lúc trái gió, trở trời, lúc sức khỏe sa sút, lúc vợ con ốm đau, nheo nhóc, hay những khi bão lụt, mùa màng thất bát, cái ăn, cái mặc thứ gì cũng thiếu nhưng tôi chưa bao giờ nản lòng. Có cả những lúc anh em, họ mạc nghe kẻ xấu xúi giục, rủ nhau đi khiếu kiện và họ muốn tôi cũng kí vào lá đơn của họ nhưng tôi đã không làm điều đó. Tất cả những sự việc xảy ra, tốt có, xấu có, đơn giản có, phức tạp có, tế nhị kín đáo có, rồi lộ liễu hằn học cũng có đã đến với tôi, thử thách tôi ở ngay trên chính quê hương mình. Nhưng người chiến sĩ cách mạng với phẩn chất của anh Bộ đội cụ Hồ vẫn mãi là nếp sống thường nhật của tôi, giúp tôi không chỉ đứng vững mà còn vượt qua tất cả những tình huống phải đối mặt trong cuộc sống.
Năm tháng dần trôi, tuổi tác và sức khỏe, thương tật đã khiến tôi không còn được như xưa nhưng niềm hạnh phúc, sự tự hào bởi trong đời đã có một lần được gặp Bác Hồ thì vẫn còn nguyên vẹn. Tôi biết mình đã ít nhiều hoàn thành được nhiệm vụ của cuộc đời. Dù có thế nào chăng nữa, tôi cũng sẽ mãi là người chiến sĩ, người chiến sĩ luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ sau bài học về sự nóng vội năm nào.
Tháng 12 năm 2023
Theo lời kể của Thiếu tá, cựu chiến binh Trần Lam
T.V.T
VNQD