Một quãng sông quê

Thứ Năm, 28/12/2023 15:16

. TRẦN VĂN THƯỚC

 

Con sông Lăng chảy qua làng tôi là nhánh của một con sông cũng chẳng sâu rộng gì, mùa khô cạn trẻ trâu bơi qua được. Và mỗi con sông dù nông sâu, trong đục thế nào đã chảy qua làng mình thì vẫn là sông quê mình. Có lẽ khởi từ cảm tình ấy mẹ đặt cho tôi cái tên Lăng. Chớm tuổi choai choai tôi đã biết có những người mang tên dòng sông rất nổi tiếng, được trọng vọng, ca ngợi. Còn tôi? Người đời đố ai né tránh được câu hỏi của chính mình. Hơn một lần tôi để mặc gã trai mang tên sông quê tóm tay lôi ngược dòng năm tháng.

Minh hoạ: Quốc Thắng

1. Chiếc diều cánh cốc của tôi trội nhất trong số mấy chiếc diều của lũ bạn xóm bờ sông. Ra bãi thả chỉ cần tung nhẹ là diều bắt gió, cặp sáo đôi cất tiếng rí ro rí ro. Tôi có được cặp diều sáo ngon như thế là nhờ ông Quy. Ông Quy bị thọt bẩm sinh, năm ba mươi ba tuổi đã chịu cảnh gà trống nuôi con. Anh trai cả là kĩ sư điện, lấy vợ trên thành phố. Anh trai thứ là liệt sĩ thời bình. Cả buổi chiều hai ông cháu hì hụi dựng khung, phất giấy. Làm xong chiếc diều ông mở tủ lấy ra cặp sáo đôi. Ông kể cặp sáo ri ro anh trai thứ làm từ năm lớp chín. Cặp sáo vi vu được ba mùa hè thì anh đi bộ đội. Bảy tháng sau anh hi sinh trong khi tàu ta ngăn chặn tàu lạ xâm phạm lãnh hải.

Cánh bãi giữa quãng đê lượn hình vai cày không rộng nhưng thoáng gió. Tôi giữ gốc dây. Cái Nhân tung diều. Mấy đứa không có diều xúm lại xin nhập hội chung diều. Chung diều là được rải dây, tung diều, được ngồi quanh gốc dây ngước lên nhìn diều nghe sáo, được vênh vênh với những đứa quân hội diều thấp hơn, tiếng sáo kém hay hơn. Cột xong gốc dây tôi mới lắc đầu với lũ thằng Được: “Diều tớ đủ quân rồi”. Thằng Được bĩu môi xì xì, phảy tay ra hiệu cho lũ bạn. Mấy đứa đi mấy bước, dừng lại đồng thanh: “Mờ - e - me - nặng. Lờ - ăng. Nhờ -ăng. Thờ - ăng - thăng - huyền. Lờ - ăng. Khờ - ông. Cờ - o - co - sắc. Bờ - ô - bô - sắc”. Không cần đánh vần rõ dấu, rõ câu cũng biết lời vè nhằm vào ai. Tôi vớ lấy chiếc liềm cắt cỏ của cái Nhân lao đi. Mấy đứa ù té chạy lên đê. Thằng Được vừa chạy vừa huơ tay thách thức đến lưng mái đê bị ngã sấp mặt. Tôi chạy đến nơi vừa lúc nó ngồi lên đưa tay ấp một bên má rỉ máu. Tôi hả hê. Mảnh sành khuất trong vạt cỏ đã làm việc thay cho mũi liềm sắc nhọn. Cái Nhân chạy đến gỡ khăn buộc tóc bảo thằng Được lau máu rồi bứt mấy ngọn cỏ nhai nát đắp vào vết mảnh sành. Trở lại bãi thả, mặc kệ quân chung ngơ ngác tôi hối hả rút dây hạ diều. Tôi xăm xăm vào ngõ nhà mình. Đang ấm ức bừng bừng tôi vẫn nhìn thấy ông Quy chống gậy thập thễnh về cuối ngõ. Mỗi chiều thấy tôi đi thả diều là ông lần ra đứng đầu ngõ cho thuận mắt nhìn diều, nghe sáo. Tôi xăm xăm vào sân. Mẹ tôi ngồi trên hiên bếp đang nhặt rau muống, hỏi ngay: “Sao về sớm thế con”. Tôi liến thoắng: “Mẹ đổi tên cho con. Chúng nó đặt vè đánh vần ăng, nhăng... Tức lắm”. Gương mặt mẹ tôi vụt tái nhợt đi như có vật nặng đè trên đầu, trên cổ: “Lời nói gió bay. Con đừng chấp các bạn. Cái tên ông bà đã chứng không thể thay đổi được. Thư thư rồi mẹ kể”.

Trẻ con hơn đứt người lớn ở cái điều dù có căm tức nhau đến đâu cũng dễ dàng xí xóa. Một buổi chiều, tôi vừa nhìn thấy thằng Được thập thò ngoài cổng thì cái Nhân rẽ giậu sang. “Chúng nó đang chờ hắn ra để xin lỗi. Hắn đồng ý thì mang diều đi”. Tôi gật đầu đánh phắt, chạy lên hiên nhà lấy diều. Ba đứa đi như chạy gằn, như sợ trời cao hết gió, bãi thả hết chỗ. Sắp đến lối rẽ, thằng Được kéo cái Nhân sững lại, chỉ cho nó thấy vết máu từ đầu gối xuống tận gót chân: “Mày như cô tao hôm nọ. Bà tao bảo như thế là con gái rồi. Về thay quần đi”. Cái Nhân đớ ra, kéo rộng chun quần nhìn xuống, quay đầu chạy như bị ma đuổi. Ra bãi tôi cho thằng Được giữ gốc dây. Chiếc diều vút lên. Tiếng sáo rí ro... rí ro... Cả bọn hân hoan nhìn lên. Bất ngờ cơn gió quẩn rất mạnh. Chiếc diều bị đứt khuyết dây vút theo gió. Cả bọn đuổi theo cố víu lấy đầu dây lòng thòng. Chiếc diều như trêu ngươi, có đứa sắp tóm được đầu dây thì diều lại vút lên. Lúc tôi chạm bàn tay vào được đầu dây thì chiếc diều trấp xuống sông. Thằng Được lao theo, trở lên với chiếc diều gãy khung. Tôi buồn bã hí húi gỡ cặp sáo. Thằng Được ngó ngó khung diều, reo lên: “Chơi trò chôn diều đi”. Thế là có ngay trò chơi thế chỗ diều trấp. Cả lũ tưng bừng, đứa đánh trống, thổi kèn lỗ mũi, đứa lấy que đào lỗ. Chiều muộn cả lũ mới rời bãi thả. Tôi ngơ ngác giữa sân nhà mình. Mẹ tôi đi đâu mà để rổ rau muống nhặt dở trên sân giếng, cửa nhà, cửa bếp mở toang. Tôi ới gọi mẹ. Cái Nhân chạy ra sát bờ giậu, lí nhí: “Bá với bố tớ đưa ông Quy đi bệnh viện rồi”. Tôi sấn vài bước tới sát bờ giậu: “Sao ông phải đi viện?” Cái Nhân mạch lạc hơn: “Ông ở đầu ngõ về vừa qua cổng nhà tớ thì vấp ngã đập đầu vào gốc cây vối. Bố tớ chạy ra hô gọi mọi người. Xuống trạm xá, bác sĩ sơ cứu rồi gọi xe cấp cứu. Mẹ hắn với bố tớ đi theo”. Buổi tối hiếm hoi mẹ tôi vắng nhà. Tôi buồn và lo cho ông Quy, nghĩ ra trò lừa cái Nhân sang nhà. Tôi ới qua bờ giậu hỏi mượn cục tẩy. Cái Nhân sang ngay, vẫn quần cộc, áo cộc như chưa hề biết mình đã là con gái. Tôi mở vở bài tập toán tẩy giả vờ vài nhát rồi gấp lại, tự nhiên gắt lên: “Lúc hắn về ông bị ngã chưa?” Cái Nhân lắc đầu: “Tớ đang tắm thì nghe thấy tiếng bố hô gọi mọi người”. Tôi thấy bừng bực: “Sao không chạy ra gọi tớ?” Cái Nhân đỏ bừng mặt: “Đã bảo người ta đang tắm”. Tôi ngượng thầm, chợt nhớ buổi chiều lúc thằng Được kéo cái Nhân sững lại. Tôi bóp chặt cục tẩy trong lòng tay với những hình dung. Ba đứa mang diều ra bãi. Ông Quy thập thễnh ra đầu ngõ, vóng mắt ra bãi sông. Diều đứt dây, tiếng sáo đột ngột biến mất. Ngóng chờ một lúc không thấy diều lên sáo kêu trở lại ông Quy lầm lũi trở về... Ý nghĩ tiếp theo đứt phựt. Ngoài ngõ rộ lên tiếng còi ô tô. Tôi và cái Nhân chạy ra. Ông Quy ra khỏi xe trên chiếc băng ca phủ kín ga trắng. Vợ chồng anh trai cả, bố Nhân, mẹ tôi cúi mặt đi hai bên băng ca. Hàng xóm ùa ra, vỡ òa những tiếng khóc.

Ông Quy ở thêm với dân làng bốn mươi tám tiếng đồng hồ, hưởng trọn nghi lễ dành cho người nông dân tật nguyền vô cùng thương mến. Xế chiều, ông đi qua cánh bãi, xuôi quãng đê lượn vai cày về nghĩa trang làng. Ông nằm hướng nhìn về phía nam, hướng gió thuận nâng cánh diều, tiếng sáo vi vu.

 

2. Buổi tối hội bạn ngồi quanh gốc cây bàng đầu xóm, thằng Được chỉ mặt tôi: “Mày cao những một mét bảy mấy mà cân cả bì chỉ già nửa tạ. Đích thị cò sếu, cò hương. Thế mà dám cuốn cả dòng sông vào tờ giấy khai sinh. Cực kì vô lí. Cấm được cãi”. Cả lũ vỗ tay. Thì tôi còn dám cãi với ai.

Thực ra sông Lăng chảy qua làng tôi chỉ một quãng hơn hai cây số nhưng dân cư hai bờ đông đúc nhất cả vùng hạ lưu. Qua cây cầu trên con đường liên huyện, sông Lăng mở lòng lượn dài qua cánh đồng làng Dưỡng, làng Thông, Tam Trình... rồi bắt vào ngã ba sông Lý. Dòng sông bên lở bên bồi. Quy luật thiên nhiên là thế. Cũng nhiều áng thơ văn hay về sự lở bồi của dòng sông. Quãng sông Lăng chảy qua làng tôi bất tuân quy luật, phớt lờ thơ ca, một mình một trò bồi cả hai bờ. Nếu có chăng phù sa chỉ là điểm xuyết. Do hai bờ thổ cư vườn giậu lấn ra, rác thải trăm thứ bà giằn đổ xuống. Sông quê ngậm ngùi đêm ngày chịu trận tụ bồi như thế. Lòng sông tháng này nông choèn hơn tháng trước, năm sau co hẹp hơn năm trước. Sau cơn bão, truyền thông cấp báo về đợt lũ lớn nhất trong vòng nửa thế kỉ. Trên tỉnh có lệnh khẩn cấp cắt đập xả lũ về hạ lưu cứu nguy cho một vùng đô thị. Sông Lăng tí hin cũng được vinh dự nhập cuộc giải cứu. Nước lũ từ sông chính đổ về đục ngầu, cuồn cuộn cuốn theo ngồn ngộn rác rưởi, rau bèo.

Hôm nước dâng mấp mé mặt đê tôi và Được đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đến ngã ba làng Được vỗ bụng tôi: “Sáng nay chiến thế nào”. Tôi chỉ bụng mình: “Vừa hối lộ bác dạ ba bát cơm với dưa kho”. Được kéo tôi vào hàng bánh đúc gọi hai suất. Thằng khỉ này học bài của cánh buôn gà vịt, trước khi lên chợ banh mỏ nhét căng diều bánh đúc, ngô bung. Chị bán hàng vui tính sắp hai đĩa đầy còn cắt thêm cho hai miếng to: “Hai em chỉ được cái là bác sĩ liếc mắt qua cũng chấm loại A hoa. Con gái chạm mắt là đổ như con quay cuối vòng”. Ra khỏi quán hai thằng phải nới chốt xanh tuya. Mười tám trai làng lèn chặt xe đầu ngang cải tiến. Vừa chớm lối rẽ vào phố huyện thì xe đầu ngang phải phanh gấp. Một người ngả xe máy chặn đầu, hét toáng lên: “Thằng... thằng... Xuống ngay. Về ngay”. Nhận ra anh trưởng thôn gọi đích danh, tôi lách các bạn nhảy xuống. Anh xã đội trưởng nhảy xuống theo, tóm tay tôi: “Đang thi hành luật quân sự. Lên xe ngay”. Anh trưởng thôn gạt tay anh xã đội: “Phải để nó về. Tù tội đâu tôi chịu”. Xe máy chạy vù vù. Tôi ôm chặt lưng anh trưởng thôn, ghé sát tai hỏi như hét lên, câu nào anh cũng chỉ: “ Ừ... ừ . Cứ về...”

Xe máy phải dừng ngay đầu ngõ. Rất đông người đứng từ đầu ngõ qua cổng nhà tôi. Đám đông rẽ ra nhường lối cho tôi và anh trưởng thôn đi vào. Linh cảm mách bảo nhà tôi có chuyện chẳng lành. Tôi run run bước qua cổng nhà mình. Hai đứa em Nhân lao ra ôm chầm lấy tôi, khóc òa. Mấy cánh tay dìu tôi vào nhà. Mẹ tôi nằm trên giường, mặc quần áo mới, khăn trắng phủ mặt. Tôi phủ phục bên mẹ. Từ người mẹ thơm ra mùi nước lá thơm lau cho người vừa giã biệt cõi trần. Mới mấy tiếng đồng hồ trước mẹ đưa tôi ra đầu ngõ, chỉ tay về phía bờ sông: “Khối bè rau muống theo lũ vào sông. Lát nữa mẹ ra vớt vài bè. Ngọn non làm nộm, dây già băm phơi cho lợn. Nhớ bảo thằng Được trưa nay mẹ nấu cơm cả hai đứa”. Mẹ tôi xuống quãng sông cuối xóm có những bè rau muống lẫn trong những mảng bèo hoa. Sông Lăng ròn nước đúng chặp nắng gió tây, lũ về mấy ngày ngâm bùn se thành một thứ keo bùn. Mẹ tôi lội ra xa bờ cố vớt bè rau muống nhiều ngọn non, chân lún trong bùn, càng cố càng bị bùn keo hút chặt rồi bị chuột rút. Quãng sông vắng, đang lũ dâng, ít người ra sông. Tiếng kêu cứu chìm vào vô vọng. Chừng nửa buổi sáng có người ra sông nhìn thấy mái tóc lòa xòa trong bè rau muống. Những người lao xuống đón mẹ tôi lên bờ kể lại thân thể ngâm trong nước mấy tiếng đồng hồ mà gương mặt mẹ tôi vẫn tươi hồng như đang ngủ, mái tóc óng mượt như vừa mới gội và bàn tay nắm chặt mớ dây rau muống tua tủa nhũng ngọn xanh non.

Khuya trước ngày Được nhập ngũ bạn bè đủ mặt ở nhà tôi. Phải thế thôi. Như lệ, sau ngày mẹ tôi lâm nạn, bàn thờ phải thơm hương sáng đèn đủ bốn mươi chín đêm nên buổi tối tôi không ra khỏi cổng.

Nhân sang thắp hương cho mẹ tôi, đứng trước bàn thờ một lúc lâu mới trở ra. Được kéo tay Nhân ngồi ghế bên cạnh: “Có việc gì mà thưa với bá lâu vậy. Hay muốn lấy chồng xin bá phù hộ”. Nhân nhìn khắp lượt, giọng nói chợt khác: “Ngày kia tớ cũng đi”. Tôi kìm được câu hỏi mà nếu để vuột ra sẽ không khác gì tiếng quát: “Đi đâu?” Hàng xóm với nhau, từng ti chung bầu vú mẹ, từng chí chóe đủ trò, từng bao nhiêu là những từng, những cùng nhau... Xa làng là một việc cực kì hệ trong thế mà tận phút chót mới nói ra. Mấy đứa ngồi thần ra, im lặng cùng chịu cục tức như tôi. Nhân biết có lỗi, cất lời phân bua. Cục tức bạn bè giảm dần cường độ.

Nhà Nhân hoàn cảnh nhất hội bạn. Bố Nhân ngơi việc đồng là đi nông nhàn khi mỏ than, mỏ đá, khi thồ đất, đóng gạch... Năm kia đi nông nhàn ở mỏ đá ông bị đá văng gãy một cánh tay, ba dẻ xương sườn. Mẹ Nhân mảnh mai, sức vóc cũng kém người trang lứa. Sau Nhân còn hai đứa em đang tuổi ăn học. Em út mẹ Nhân ở trên thành phố mở cửa hàng giải khát. Dì có ý tốt, phải tuyển nhân viên thì đâu bằng tìm người thân, người làng. Mãi đến chiều muộn bố mẹ Nhân mới nguôi nỗi lo con gái nhà quê đến nơi phố xá.

Hết bay cục tức, Được vỗ vai Nhân: “Lên đấy bất kể thằng nhà phố bố to đến đâu muốn tán tỉnh hắn thì phải về tỉ thí với hai thằng tớ”. Rất nhanh Được vít đầu Nhân ghé tai nói thầm. Nhân đỏ bừng mặt, dí ngón tay vào má Được: “Đêm nay cứ ngủ cho say. Sáng mai trước lúc hắn lên xe tớ sẽ trả lời”. Ngón tay Nhân vô tình dí trúng vết sẹo mảnh sành trên má Được. Vết sẹo mảnh sành tăng vẻ đẹp trai của Được nhưng mỗi lần nhìn vào lòng tôi lại nhói những nỗi niềm.

Minh hoạ: Quốc Thắng

3. Bác bưu tá đến nhà đưa cho tôi bức thư gửi bảo đảm. Tôi hết sức ngạc nhiên. Mẹ tôi đi xa đã sáu năm dài, nhưng tên người nhận và địa chỉ không ai khác ngoài mẹ tôi. Bác bưu tá cũng nói đã hỏi kĩ, trong làng có năm người trùng tên nhưng đều khác họ và địa chỉ. Tôi kí nhận bức thư.

Tôi dâng bức thư lên bàn thờ mẹ. Khi nén hương đỏ quá đoạn tôi xin phép mẹ mở bì thư. Tờ giấy khổ A4 chỉ vẻn vẹn năm dòng: “Miến ơi. Bây giờ có nói gì thì anh vẫn là kẻ có lỗi với em. Từ những ngày ấy đến nay tính tròn là hai mươi bốn năm. Biết là em không tha thứ nhưng anh ngàn lần cầu xin em cho anh thêm năm, mười phút nữa vào những ngày không thể quên của chúng mình”. Cuối bức thư kí tên Hoàng Dương và chỉ dẫn địa chỉ. Tôi nhớ ra ngay. Ít ngày sau khi mẹ tôi đi xa mãi, trong lúc sắp lại hòm tủ tôi thấy tận đáy hòm có tấm ảnh cỡ khổ giấy A4 lồng trong giấy bóng kính. Ảnh đen trắng, giấy lụa, phía sau ghi dòng chữ bằng mực xanh: “Tặng em yêu. Để nhớ mãi. Hoàng Dương”. Tôi không mấy am hiểu nghệ thuật nhưng cảm nhận tấm ảnh đẹp như một bức tranh. Người chụp ảnh rất khéo chọn góc độ bấm máy. Mẹ tôi đứng giữa bè rau muống tua tủa những ngọn xanh non, loáng thoáng những bông hoa hình loa kèn cánh mỏng như lụa. Phía trước là dòng sông lững lờ những mảng bèo và hoa súng. Phía sau mẹ tôi một quãng, xế một góc nhỏ là bờ tre xanh thẳm, cao vút. Giờ mẹ tôi đã đi xa. Dòng sông đã rất khác xưa, ngầu bẩn và nông hẹp đi rất nhiều. Chỉ bờ tre là nguyên đó, lớp măng kế lớp già, xanh thẳm hơn, cao vút hơn, bất chấp mọi cấp độ bão giông.

Tôi vít thấp ngọn đèn bàn để so sánh chữ kí, nét chữ trong bức thư và phía sau tấm ảnh. Dù đã có quãng cách thời gian nhưng những con chữ giống hệt nhau cả từ nét nghiêng, dấu âm tiết. Trong lúc so sánh con chữ tôi sực nhớ đến buổi tối đã lâu. Người bạn gái của mẹ tôi đến chơi. Trong câu chuyện bạn bè có câu hỏi: “Lâu nay có tin gì về Hoàng Dương không?” Mẹ tôi lắc đầu và lảng ngay sang chuyện khác. Tôi nhớ về buổi chiều có vụ mảnh sành. Được có vẻ hãnh diện với vết sẹo đẹp như lúm đồng tiền má con gái. Cặp sáo rí ro tôi cất trong tủ như một kỉ vật. Chỉ lời hẹn thư thư rồi mẹ kể là mẹ tôi mang đi mãi mãi…

Một trăm phút trên máy bay và ba mươi nhăm phút tắc xi tôi đã qua cổng nhà thờ xứ An Đồng. Biết tôi là người ngoại đạo, người nữ tu rất trẻ tự giới thiệu là Maria Tuệ Quyên rồi nói: “Em sẽ đưa anh vào gặp linh mục Phêrô Trịnh”.

Linh mục Phêrô Trịnh trạc tuổi bố Nhân. Ông đón tiếp tôi như người thầy giáo với cậu học trò đến thăm nhà. Tôi thưa với ông về bức thư bảo đảm và tấm ảnh. Cũng không giấu ông việc mẹ tôi đi xa đã hơn sáu năm. Linh mục ngồi lặng đi một lúc rồi ông bước sang ngồi bên cạnh tôi: “Xin chia buồn với cháu. Hoàng Dương mới chích thuốc chưa tỉnh ngay được. Từ những chuyện cháu vừa cho ta biết ta chắc rằng hai người chưa từng gặp nhau. Bổn phận của ta phải cho cháu biết về Hoàng Dương trước khi giáp mặt”. Linh mục ngồi ngay ngắn làm dấu thánh. Mấy chục giây đồng hồ ấy với tôi dài như hàng tiếng đồng hồ.

Hai mươi sáu năm trước, trong một lần đi làm từ thiện ở bệnh viện thành phố, Mái ấm An Đồng đón về ba người bệnh vô gia cư. Hoàng Dương là người bệnh nặng nhất và trẻ tuổi nhất. Năm ấy linh mục Phêrô Trịnh tròn tuổi ba mươi, hơn Hoàng Dương ba tuổi. Hai người dễ dàng vượt qua ranh giới thân phận, thiết lập tình bằng hữu. Hoàng Dương là nghệ sĩ nhiếp ảnh, đặc biệt đam mê cảnh quan, con người nông thôn. Năm ấy Hoàng Dương có chuyến đi xa để thực hiện bộ ảnh về những triền sông một vùng châu thổ. Duyên nghiệp dẫn dắt nghệ sĩ rẽ vào một nhánh sông và dừng lại với một làng ven sông cả tháng trời, sớm mai háo hức đi săn ảnh, chiều chiều vồi vội trở về để buổi tối khi bên gốc cây đầu xóm, khi bên giếng làng với những người bạn mới, khi ngồi hiên nhà với các bậc cao niên vui buồn chuyện xưa nay, làng xóm.

Đột ngột Hoàng Dương nhận được điện khẩn của bố mẹ. Gia đình năm người đã hoàn tất thủ tục định cư ở một nước Đông Âu chỉ chờ con út về là lên đường. Có những mối ràng buộc chưa thể công khai, Hoàng Dương xin bố mẹ cho lui lại một thời gian. Ít hôm sau ngày chia tay gia đình Hoàng Dương ra bưu điện gửi bức thư có ảnh. Lúc trở về Hoàng Dương bị chiếc xe tải trọng lớn cuốn đi cả chục mét, hất vào gốc cây ven đường. Đến bệnh viện các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai chân và một cánh tay để cứu tính mạng nạn nhân. Thời gian ở bệnh viện Hoàng Dương sống với khổ đau và tiêu cực. Từ ngày về với gia đình mái ấm Hoàng Dương nguôi dần mặc cảm là kẻ hai lần tàn phế, tàn phế thể xác và tàn phế nghề nghiệp đam mê với rất nhiều dự định. Người nhận bức thư có ảnh chính là người trong bức ảnh và là mối tình đầu của nghệ sĩ. Linh mục Phêrô Trịnh xin làm cầu nối, sẵn sàng tìm về tận nơi. Hoàng Dương kiên quyết từ chối với lí do duy nhất mình là kẻ có lỗi, không muốn người yêu phải chịu chung nỗi bất hạnh. Người thân ở nước ngoài về thăm muốn gia đình đoàn tụ nhưng Hoàng Dương đã coi Mái ấm An Đồng là gia đình thứ hai. Mười ngày trước Hoàng Dương phải nhập viện vì vết thương tái phát. Ở bệnh viện đến ngày thứ năm Hoàng Dương nằng nặc xin trở về với mái ấm. Đến khuya Hoàng Dương xin gặp linh mục nhờ ông gửi lá thư viết sẵn chờ ghi ngày tháng.

Linh mục nhìn ra cửa như chờ ai đến. Một lúc không thấy có ai, ông cầm bàn tay tôi siết nhẹ: “Cậu vui lòng với nhận xét này của ta. Bỏ qua những dấu in thời gian, từng đường nét trên gương mặt cậu và Hoàng Dương là một”. Tôi thoắt lạnh run, thoắt nóng bừng. Dường như cảm biết được cơn tâm chấn của tôi linh mục quàng tay lên bờ vai kéo tôi tựa vào ông. Chúng tôi im lặng. Cho đến lúc Maria Tuệ Quyên xuất hiện trước cửa: “Trình Cha. Hoàng Dương đã tỉnh lại”.

Tôi theo linh mục Phêrô Trịnh vào gian phòng đầu dãy nhà phía sau nhà nguyện. Trên chiếc giường đệm mút dày một người đàn ông nằm lút dưới tấm chăn len xanh. Linh mục khẽ nâng đầu người đàn ông kê thêm chiếc gối mỏng rồi ghé sát tai nói gì đó. Người đàn ông bừng mắt đăm đăm nhìn vào tôi. Tấm chăn trên người động đậy, người đàn ông khó nhọc chuồi ra cánh tay khẳng khiu giơ về phía tôi: “Miến... Phải ... Con trai...”. Tiếng gọi đứt phựt. Tôi kịp nắm bàn tay xòe ra. Cả một khối buồn tủi thân phận cô kết từ mãi thời thơ dại thoắt tan ra trộn vào nước mắt thành vỡ òa tiếng gọi bố. Cánh tay lạnh ngắt níu tôi úp mặt lên vồng ngực đang thoi thóp những nhịp cuối cùng.

 

4. Xế chiều mưa tạnh. Tôi ra sông Lăng xem chừng mực nước để liệu việc cắt rau lấp. Suốt một quãng sông dài cả cây số ngút ngát màu xanh rau lấp. Sau mưa rau lấp tua tủa ngọn xanh non nhìn muốn hái ăn ngay. Sau mưa dòng sông nước chảy nhanh, hoa súng, bèo hoa trôi theo. Có những vạt cỏ hoa tạt áp vào bè rau được làm cho rực rỡ hơn và rau cũng như xanh đẹp hơn. Ngày nắng, ngày mưa, bốn mùa cả một quãng sông quê đẹp như bức tranh thủy mặc. Tác phẩm này là của gã trai có vết sẹo bên má phải đẹp như lúm đồng tiền con gái - là Được.

Sau hai năm lính đảo Được đi học lớp đào tạo cán bộ nguồn. Một chiều chủ nhật Được vào nhà tôi, hai tay như múa bó cây: “Hết ngu rồi mày ơi!” Tôi ngơ ngác nhìn bó cây thân mềm giống như cỏ thài lài tía. Được hân hoan giải thích đây là rau lấp giống mới nhập ngoại. Rau lấp là một trong số những nguyên liệu chính chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Giống rau lấp ưa nước, không kén đất trồng, rất ưa đất bờ sông, ruộng trũng. Có được giống rau ra tiền ra bạc cũng nhờ anh nông dân giỏi ngoại ngữ. Giữa một học kì Được đi thực tế hai tuần ở công ti chế biến thức ăn gia súc. Giám đốc công ti là người nước ngoài. Được nói chuyện với vị giám đốc công ti bằng tiếng quê hương của ông ta. Ông giám đốc tròn xoe mắt như đang được nói chuyện với người cùng quê. Thế là như hai người đồng hương gặp nhau ông giám đốc mời Được dùng bữa cơm thân mật. Có đi có lại cho toại lòng nhau. Được mời ông ta đi thưởng thức bữa phở Việt. Trước hôm chia tay ông giám đốc đưa cho Được bó giống rau và bảo về trồng thử nếu hợp thổ nhưỡng thì phải báo tin ngay. Nếu được công ti sẽ cấp giống mở rộng diện tích, kí hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tôi và bố Nhân tiên phong trồng thử. Từ vài mét bờ sông, rồi hàng ki lô mét bờ sông, những vạt đồng trũng miên man màu xanh rau lấp. Cứ mười lăm ngày một lứa cắt rau, rửa sạch, phơi khô, bó gọn, công ti cho xe về nhận hàng. Dường như giống rau mới sinh ra là đợi ngày về với sông Lăng, chung tay vun đủ đầy cuộc sống, làm trong lành lại sông quê.

Chuyến xe khách qua làng gặp sự cố, chiều muộn Nhân mới về đến nhà. Tôi đang phát tỉa bờ giậu chung. Nhân nói: “Tối nay ới Được sang nhé”. Tôi huơ con dao phát: “Chúng tớ nhịn bữa tối để chén quà phố”. Nhân bĩu môi. Vẫn cái kiểu bĩu môi thuở tắm sông, chung diều.

Giá như trở lại được ngày xưa thắng trận chọi cỏ gà, tới đích trước cuộc thi bơi sông Lăng thì tôi và Được sẽ ôm chầm lấy Nhân mà cấu chí, chúc mừng. Nhân về để làm thủ tục nhập học trường Cao đẳng Nghệ thuật. Một chiều quán thưa khách, Nhân vừa rửa đồ vừa hát cho đỡ nhớ nhà. Có ông khách tóc bạc vào tận gian phụ đề nghị Nhân hát lại. Phải có dì út nói vào Nhân mới vâng lời. Ông khách tự giới thiệu là giảng viên trường nghệ thuật và nói rất lâu rồi mới gặp một giọng hát đẹp đến thế. Ông hẹn hôm sau sẽ trở lại với bài hát do ông soạn. Anh chàng Được không nén được cơn tò mò: “Hôm ấy hắn bắn vào tai giáo sư bài gì?” Nhân dí ngón tay vào má Được. Lại vẫn trúng vết sẹo trên má. “Tớ hát bài Con sông quê. Các hắn biết rồi còn gì”. Năm ngoái Nhân về hội làng, bọn tôi ép mãi hắn mới chịu lên sân khấu. Hôm ấy Nhân hát bài chèo lời mới Con sông quê điệu con nhện giăng mùng. Cả sân đình im phắc.

“... Từng cơn gió vấn vít ngọn tre cong vút. Con sông quê dòng nước lững lờ mảng hoa súng, bèo hoa. Cô gái đứng bên bè rau muống loáng thoáng những bông hoa. Lũ trẻ ngụp lặn...”.

Tôi im lặng như đêm ấy trên sân đình cùng cả làng im lặng đón từng câu hát vào tâm thức để nhớ mãi một đêm. Trong im lặng tôi nhìn lên bàn thờ. Đã tròn ba năm bố mẹ tôi ở bên nhau trong khung kính. Từ trên cao ấy bố mẹ tôi đã chứng kiến những buồn vui cuộc đời ba đứa trẻ thân thiết nhau từ thuở lê la đầu ngõ, bờ sông…

Được giờ là phó chủ tịch xã trẻ nhất vùng cửa sông Lăng, sắp bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Hành chính. Hắn đang lập dự án để gà ông bạn Tây mở xưởng chế biến ở làng. Nhân đã đến được với ước mơ mà vì những lẽ này khác con người trong lũy tre làng không ai dám mơ tưởng. Từ gian bếp ngổn ngang Nhân tốt nghiệp thủ khoa dân ca. Và tôi nữa, hơn hai mẫu ruộng trở thành điểm cung cấp lúa giống cho làng. Bằng chiếc máy ảnh linh mục Phêrô Trịnh trao lại tôi đã ghi được những khuôn hình quê hương. Quãng sông có bờ tre in bóng xuống lòng sông trong xanh, đôi bờ rau xanh ngút tầm mắt. Dàn diều sáo căng dây dưới nền trời mây trắng mây xanh bồng bềnh. Và cảnh sân đình đêm hội. Cả ba bức ảnh tôi phóng to lồng khung kính tặng nhà văn hóa làng.

“Nhân này”. Được huơ tay hút ánh mắt tôi và Nhân vào hắn: “Hắn sắp thành ca sĩ nổi tiếng. Rồi lấy chồng cũng nổi tiếng. Thật may cho hai thằng muốn chọn hắn làm vợ thoát một trận sống mái”. Nhân thản nhiên: “Ba đứa mình đều cầm tinh con gà vàng phải không nhỉ”. Được và tôi gật đầu tắp lự. Nhân chỉ tay ra sân: “Thì hai gà ra sân chọi đi. Tớ làm trọng tài cho”.

T.V.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)