. PHẠM HUY CƯƠNG
Tiếng lạch cạch cốc trà nóng buổi sáng chạm xuống mặt bàn kính phòng họp chẳng làm một ngày mới tỉnh táo hơn. Tắt tivi chương trình thời sự buổi sáng, tôi đứng dậy trở về phòng làm việc với bao vẩn vơ suy nghĩ. Đặt mình xuống chiếc ghế xoay, tiện tay quơ lấy cái bánh mì lúc sáng đi vội mua nhưng chưa kịp ăn. Hết miếng thứ nhất, đến miếng thứ hai thì chuông điện thoại di động reo, số máy trợ lí kế hoạch của viện.
“Chào buổi sáng chú. Tình hình có việc này, viện không ai có thể làm được ngoài chú, viện cũng nhận công văn rồi, sẽ đến tay chú sớm thôi nhưng anh báo trước để chú chuẩn bị tinh thần”.
“Việc gì vậy anh, nổ nhanh cho em đỡ tò mò”.
“Sắp tới chú sẽ xuống Hệ quản lí học viên Quốc tế làm trợ lí phiên dịch một thời gian. Khả năng là ăn ở tại trại 24/24 để giúp hệ trưởng công việc liên quan ngoại ngữ, lần này thấy bảo học viên các nước đến đông đấy”.
Tôi đơ người. Xuống dưới hệ làm trợ lí phiên dịch ư? Làm giúp việc thì có. Vừa sáng ngày ra đã nhận một tin báo không lấy gì làm vui, tôi lật đật xuống Hệ Quốc tế trong tâm trạng không thật thoải mái.
Minh hoạ: Bùi Quang Đức
Tôi gõ cửa phòng hệ trưởng, Đại tá Nguyễn Bá Lâm, và được mời vào. Đối diện với tôi là người đàn ông chừng ngũ tuần, gương mặt toát lên vẻ khắc khổ sương gió, sau này mới biết chú từng công tác ở biên giới phía Bắc. Chú Lâm không vòng vo mà triển khai luôn những công việc phải làm ngay để đón từng đoàn học viên quốc tế như bố trí phòng ở, nội quy sinh hoạt chung, thời gian biểu, thời khóa biểu…, đương nhiên tất cả đều phải phiên dịch sang tiếng Anh. Hai chú cháu sẽ trực 24/24. Tôi sẽ trực tiếp đi theo chú, phiên dịch lại những gì chú nói với học viên, chủ yếu là công việc hành chính, còn các bài giảng hàng ngày đã có các thầy cô ở khoa chuẩn bị. Để tiện, tôi được sắp xếp một phòng cạnh phòng chú. Phòng được trang bị đầy đủ từ giường tủ, bàn ghế, máy tính, máy in… giống như một phòng trợ lí. Chỉ khác, vì tính đặc thù, khối lượng công việc lớn nên chú Lâm bố trí một công vụ để phục vụ cơm nước và giặt giũ cho cả hai chú cháu. Đây có thể xem là ưu tiên cho nhiệm vụ lần đầu tiên tôi được trải nghiệm.
Rất nhanh sau đó, chúng tôi đón đoàn học viên quốc tế đầu tiên. Hai học viên không quân hoàng gia Thái Lan. Ấn tượng đầu tiên, một người nói tiếng Anh tốt nhưng người còn lại tiếng Việt cực siêu khiến mọi người bất ngờ. Anh này đã từng học ở Việt Nam bốn năm. Sau Thái Lan lần lượt các đoàn Philippines, Malaysia, Campuchia, Lào. Những nước thuộc ASEAN gần Việt Nam nên đến sớm. Tiếp theo là đoàn của Úc, Nam Phi, Cuba, Bangladesh, Pakistan, Srilanka. Hạ cánh cuối cùng là các đoàn từ khu vực châu Âu gồm Đức, Bulgaria, Ukraine. Chốt hạ là hai sĩ quan từ Cộng hòa Séc. Theo danh sách sơ bộ, có hai mươi bốn học viên từ mười lăm quốc gia trên thế giới thuộc các quân binh chủng khác nhau. Sau khi các đoàn đã nhận phòng ổn định chỗ nghỉ, cũng là lúc chuỗi ngày “luyện ngục” của tôi bắt đầu.
Ở một đất nước lần đầu tiên đặt chân tới, sự lạ lẫm là không thể tránh khỏi và cần lời giải đáp. Ở hệ, chỉ mình tôi có thể trực tiếp trao đổi với các vị quan khách nước ngoài và mặc định tôi trở thành “Google” bất đắc dĩ cho họ. Họ hỏi rất nhiều, yêu cầu rất nhiều, từ các chế độ, vấn đề ăn uống, di chuyển đi lại, tôn giáo, mua bán, đặc biệt là vấn đề hộ chiếu, họ cần để ngoài thời gian học sẽ đi thăm thú. Trong khi với chúng ta, việc bảo đảm an toàn, nhất là an toàn giao thông được đặt lên hàng đầu, vì thế, họ bị buộc phải nộp lại hộ chiếu cho hệ và tôi là người quản lí. Việc này vô tình đã đặt lên vai tôi áp lực khủng khiếp. Có những khi họ yêu cầu tôi phải trả lại hộ chiếu, thậm chí có người còn xin xỏ, tất cả những trường hợp này tôi đều báo cáo với hệ trưởng và câu trả lời luôn là không. Nhưng việc gì cũng có sai lầm.
Sáng đầu tuần chú Lâm gọi tôi vào phòng.
“Tuần vừa rồi cháu đưa ba cuốn hộ chiếu cho ba anh người Úc phải không?”
Tôi giật thót mình, không hiểu tại sao chú biết.
“Vâng ạ, tuần trước cháu giao ba cuốn hộ chiếu cho họ, họ bảo cần liên hệ công tác với đại sứ quán, vì là công việc nên cháu đã không báo cáo lại cho chú và tự giải quyết”.
Chú Lâm nghiêm mặt.
“Thứ nhất, cháu tự tiện giải quyết mà không thông qua chú là vượt thẩm quyền, chú đã dặn bất kể việc gì từ nhỏ nhất đều phải nói với chú, vì đây là đối tượng đặc biệt. Thứ hai, họ nói gì cháu cũng tin và linh động xử lí, cháu có biết họ đi đâu không? Họ đi nghỉ mát chứ không có sứ quán gì hết. Thứ ba, cháu chưa hiểu hết giá trị của cuốn hộ chiếu. Giả sử chẳng may trong quá trình đi lại, di chuyển, họ làm mất thì xử lí cực kì khó khăn và phức tạp, chưa kể đến an toàn giao thông, tai nạn, bệnh tật…”
Nghe chú nói, tôi toát hết mồ hôi hột.
“Cháu xin lỗi chú, do cả tin lời họ nên cháu đã làm sai nguyên tắc, cháu xin chịu kỉ luật ạ”.
Chú Lâm ôn tồn.
“Cũng rất may họ di chuyển, đi lại an toàn, không gặp trục trặc gì. Chú không kỉ luật, nhưng cháu phải thực sự rút kinh nghiệm vì đây không đơn thuần là vấn đề an toàn, nó liên quan đến đối ngoại quốc phòng, công tác quản lí con người, cháu phải ghi nhớ.”
Sự việc cuốn hộ chiếu đã lưu hằn vào tâm trí tôi, mọi việc nhìn tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn rất nhiều. Tôi không phàn nàn gì với những vị khách người Úc việc mình bị nhắc nhở bởi chú Lâm khi họp sinh hoạt chung đã đề cập đến việc này và họ cũng đã nhận sai, đồng thời cũng chủ động xin lỗi tôi.
Mười lăm học viên với các nền văn hóa khác nhau. Học viên từ châu Âu toát lên vẻ hiện đại, dễ hòa nhập với môi trường. Những người khu vực ASEAN thì khá giống nhau trong cách giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày. Cá tính mạnh hơn cả là học viên đến từ khu vực Trung Đông và Nam Á. Họ là người Hồi giáo, từ văn hóa, ẩm thực, đến phong cách sống, làm việc cũng khác. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi bốn học viên người Bangladesh và Pakistan. Họ đòi hỏi bữa ăn phải được cung cấp riêng từ một nhà hàng Hồi giáo, gọi là thực phẩm Hallah. Trưa thứ sáu hàng tuần phải có xe đưa đón đi lễ ở nhà thờ Hồi giáo và dành ra năm lần một ngày để làm lễ… Những câu hỏi, thắc mắc, yêu cầu dồn dập qua tin nhắn điện thoại, không kịp trả lời thì họ gọi điện và đến tận nơi, hầu hết là những điều tôi không giúp được và chỉ có thể hỏi chú Lâm. Những lúc như thế mới thấy được giảng viên của Học viện xử lí tình huống tài tình để dung hòa được mười lăm quốc gia về chung một môi trường. Bản thân tôi cũng tiếp thu, học tập được rất nhiều kiến thức bổ ích từ những lần dự nghe giảng lớp Quốc tế này.
Khóa học bế giảng, một tháng hai mươi tám ngày sống và làm việc trong môi trường đặc biệt đã để lại trong tôi rất nhiều kỉ niệm. Được giao tiếp, sinh hoạt với những con người mang nét văn hóa khác nhau, cơ hội này không phải ai cũng được trải nghiệm, nó thực sự giúp tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm sống, bồi đắp thêm văn hóa giao tiếp, ứng xử, xử lí tình huống… Nhiều người vẫn giữ liên lạc với tôi đến tận bây giờ nhờ kết bạn qua mạng xã hội. Tình bạn quốc tế là vô giá, mong một ngày nào đó tôi cũng có cơ hội tham dự khóa học ở một đất nước nào đó, như các bạn quốc tế đã tham dự ở Việt Nam.
P.H.C
VNQD