Lính vệ quốc nghiền trà

Thứ Năm, 01/02/2024 06:48

. HỒ TĨNH TÂM

Kính tặng anh Út Bé - Lê Giang
 

Ngày nhận giấy chuyển ngành đi dạy học, tôi ra chợ Vĩnh Long tìm mua được kí trà Con Khỉ loại thượng hạng, đạp xe đến thăm nhà thủ trưởng cũ Hai Đức ở Long Mỹ. Lúc này Hai Đức đã thành ông lão miệt vườn. Các con đều trưởng thành, đi làm xa, nhà chỉ có hai ông bà sống với hai đứa bé gái và một đứa bé trai, khoảng chín mười tuổi. Tưởng cháu nội cháu ngoại của ổng, nhưng Hai Đức cười khà khà nói:

“Con Hai Nho đó. Tao nói muốn gãy lưỡi nó mới cho mấy đứa nầy lên sống với tao đặng còn đi học.”

Trong tiệc trà dưới gốc cây nhãn da bò xum xuê, cành nhánh treo lủng lẳng các giò phong lan, tôi được biết Hai Nho bây giờ là phó thường dân Nam Bộ đúng nghĩa. Xã có mời ông ra ứng cử chức bí thư, mời Hai Nho ra làm chủ tịch cựu chiến binh, làm chủ tịch ấp Tích Quới…, nhưng ông đều từ chối với lí do “Tui đã hứa với vợ là hòa bình về làm ruộng nuôi con.” Hai Nho thực hiện cho đến lúc bấy giờ đã được gần mười năm, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, bởi ông giỏi đánh giặc chứ có giỏi làm kinh tế đâu.

Rồi từ chuyện Hai Nho lan man ra chuyện trà, chuyện của thủ trưởng Hai Đức tôi từ ngày xửa ngày xưa…

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Ngày đó Vĩnh Long có một xóm nằm cặp con đường đan dọc bờ sông, chạy dài từ Cầu Lầu đến cầu Đất Đỏ, gọi là xóm Lò Rèn, bởi có hơn chục cái lò rèn tối ngày đỏ lửa. Đi ngược từ Cầu Lầu qua cầu Đất Đỏ về phía lộ 53 là xóm Học. Ngay đầu xóm Học, kế bên chân cầu Đất Đỏ có ngôi nhà gạch lợp ngói âm dương là nhà Chín Bình sống bằng nghề dạy chữ nho và chữ quốc ngữ. Nhà Chín Bình chẳng có gì để nói, ngoại trừ có thằng con trai duy nhất được coi là con mọt sách, tên là Hai Đức. Hai Đức theo cha học chữ từ nhỏ, nhưng chỉ học chữ quốc ngữ chứ không học chữ nho, bởi vậy sách đọc toàn là sách của nhà xuất bản Tân Văn, như Đồi thông hai mộ, Hồn bướm mơ tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn… Nghe thiên hạ nói rằng, cuốn nào Hai Đức cũng thuộc làu làu như cháo chảy, có thể nhắm mắt đọc một lèo từ trang đầu tới trang cuối. Hay đọc sách, giỏi đọc sách, nên Hai Đức chẳng những giỏi chữ nghĩa, hiểu biết thông tuệ, mà còn có đức tính hơn người, gặp ai khó khăn cơ nhỡ cũng sẵn sàng giúp đỡ.

Năm mười sáu tuổi, có ông cán bộ Việt Minh chạy tới nhà xin tá túc một thời gian để tránh bị cò Pháp truy đuổi, nhờ vậy mà Hai Đức được ông này giác ngộ cho chút ít hiểu biết về cách mạng.

Lại nói tại xóm Lò Rèn, ngay phía bên kia cầu Đất Đỏ là cái lò rèn của ông Ba Đằm. Ông này tạng người to như hộ pháp nhưng lại có cô con gái nhỏ nhắn, thanh mảnh, xinh đẹp và nết na có tiếng, năm ấy cũng vừa mười lăm tuổi. Dân gian có câu “Nhất gái hơn hai nhì trai hơn một”. Lại có câu “Bên dưới có sông bên trên có chợ, hai đứa mình kết vợ chồng nghen”. Theo như câu ấy thì Hai Đức con Chín Bình và Hai Nhành con Ba Đằm quá hợp với nhau. Chẳng biết tại làm sao mà ông cán bộ Việt Minh mới đến tá túc trong nhà Chín Bình được vài hôm đã biết tường tận về gia đình Ba Đằm, nên khuyên nhủ Chín Bình qua hỏi Hai Nhành về làm dâu.

Bấy giờ, xảy ra chuyện Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền, rồi người Pháp trở cờ gây hấn, kéo hai chiếc tàu sắt về neo đậu dưới chân cầu Thiềng Đức, xéo xéo Cầu Lầu khoảng hơn trăm mét. Hai chiếc tàu sắt này, chiếc nào cũng trang bị hai khẩu đại liên lưỡi cưa của Đức, thường chạy dưới sông bắn xối đạn lên bờ, gây cho anh em vệ quốc đoàn muôn vàn khó khăn. Một đêm ông cán bộ Việt Minh kéo thêm ba người nữa đến nhà Chín Bình, xầm xì họp bàn gì đó, rồi đang đêm ra mé cuối sông Cầu Lầu, đoạn giáp với sông Long Hồ, ôm bộc phá lặn tới cầu Thiềng Đức. Họ rời nhà Chín Bình được hơn hai tiếng đồng hồ thì dân tình nghe hai tiếng nổ lộng óc.

Sáng hôm sau tin tức dội về làng, tàu sắt của Tây bị Việt Minh đánh chìm lỉm dưới chân cầu, lính Tây trên tàu chết sạch trơn không còn một mống. Ngay trong đêm tàu Tây bị đánh chìm, bốn người Việt Minh đã chạy về nhà Chín Bình thay quần áo khô để trốn đi nơi khác. Lúc ra đi, thấy Hai Đức, ông cán bộ Việt Minh vỗ vỗ vai anh nói:

“Giờ qua phải đi đây. Bao giờ mầy muốn theo Việt Minh đánh Pháp thì tìm vô gặp qua trong Phước Hậu. Cứ hỏi Tư Cần là gặp.”

Tư Cần đi hôm trước, hôm sau lính Tây lính dõng kéo vô xóm Lò Rèn xóm Học đập phá tanh bành, hạch hỏi hết người này người khác. Chẳng biết nguồn tin từ đâu, Chín Bình bị tố là chứa chấp Việt Minh, bị bắt giải lên bót ông cò đỏ ngoài Cầu Tàu, tra tấn dã man tới lọi cả giò. Không khảo được gì từ ông đồ nho đã ngoài sáu mươi tuổi, thằng cò đỏ buộc phải thả ông về làng với cái chân què. Nhờ Chín Bình bị bắt giam bót mấy ngày trở về mà Hai Đức biết được danh cò đỏ của thằng quan Pháp. Số là thằng này có lần dẫn quân càn vô xóm Đình, thấy con dâu bà Tư Trầu mới mười lăm tuổi, đẹp như bông mận, nằm trùm mền trốn trong buồng. Thằng cò Pháp đạp cửa xông vào, giựt tung tấm mềm, kéo tụt quần cô gái toan giở trò đồi bại, nhưng thấy vùng kín của cô đỏ lòm nhoe nhoét, khiếp quá nên kéo quần lên chạy ra ngoài, ngoác mồm la toáng lên “con… con…” Mấy thằng lính dõng rình bên ngoài nhìn thấy, nên kháo nhau thằng cò Pháp là cò đỏ. Thì ra bà Tư Trầu đoán trước sự việc, nên đưa con dâu vô buồng, nhổ nước bã trầu vô vùng kín.

Chín Bình trở về, đang lành lặn trở thành tàn tật, đi cà xích cà xụi, lấy làm căm giặc Tây lắm, nên bàn với bà Chín cho Hai Đức vô Phước Hậu theo Việt Minh. Bà Chín nghe nói thì gật đầu đồng ý, với điều kiện con trai phải cưới vợ để có người nối dõi tông đường. Vậy rồi vợ chồng Chín Bình sắm mâm lễ, đội qua nhà vợ chồng Ba Đằm xin cưới dâu về cho con. Cứ tưởng Hai Đức chỉ biết sách vở, chuyên lo về chữ nghĩa, không biết gì về yêu đương, ai dè mới nhìn chạm mặt Hai Nhành, Hai Đức đã bị tiếng sét ái tình quất cho một cú tá hỏa tam tinh. Ngay chiều đó, mới sập tắt mặt trời, Hai Đức đã một mình lẻn qua nhà Ba Đằm, tìm gặp Hai Nhành, gạ cô trốn ra cái chái phía sau lò rèn tình tự…

Ít lâu sau Tư Cần đóng giả vai phó mộc ra thị xã móc nối công việc, có ghé nhà Chín Bình, nói chiều tối sẽ đến ngủ nhờ một đêm rồi hôm sau trở vô Phước Hậu. Hai Đức nghe vậy thì lên tiếng xin đi theo luôn, được ông bà Chín Bình và Tư Cần đồng ý.

Vậy là chiều hôm ấy Hai Đức lại sang nhà Ba Đằm, xin phép hai ông bà cho phép dẫn Hai Nhành lên lộ Đất Đỏ đi chơi trước lúc chia tay. Bà Ba Đằm hỏi vì sao chia tay, Hai Đức nói vì công việc, có lẽ phải mất một vài năm mới có thể trở về xin cưới. Ông Ba Đằm nghe xong thì phẩy tay:

“Thời buổi súng đạn loạn lạc như vầy, cưới hỏi làm cái gì. Miễn tụi bây yêu nhau, hai bên thông gia giáp mặt nhau là được rồi. Như tao với bả nè. Hồi đó nấu nồi cháo vịt lạy ông bà, rồi xáp lại sống với nhau hạnh phúc tới giờ.”

Được lời như cởi tấm lòng, Hai Đức dẫn Hai Nhành lên tận ngã ba Đất Đỏ với lộ 53, chui vào cái chòi dưa giữa ruộng, nằm ấp nhau gủ ghỉ gù ghì, hứa hẹn cùng nhau ăn đời ở kiếp, khó khăn gian khổ cách mấy cũng vượt qua, xa xôi cách trở cách mấy cũng đợi chờ. Được một lúc, Hai Đức nắm bàn tay Hai Nhành ấp lên ngực mình nói: “Anh đi chuyến nầy hổng sợ gian khổ gì ráo, chỉ sợ thiếu trà uống chịu không thấu. Lỡ quen uống chè Tàu với ông già từ nhỏ rồi.” Hai Nhành nhỏ nhẹ hỏi lại Hai Đức: “Anh đi đâu mà sợ không có trà uống?” Vậy là Hai Đức phải nói thiệt mình tính trốn vô đồng theo Việt Minh, xung vô Vệ quốc đoàn, oánh Tây chết bỏ. Đi đánh giặc thì làm sao có trà, có thời gian pha trà để uống. Hai Nhành nghe xong thì tỏ ra tư lự, chau mày suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Thôi được, để em kiếm cho anh cái lon guigoz và cây gậy để chứa đèn cầy đem theo.” Rồi Hai Nhành nói lon guigoz là để dùng nấu nước pha trà. Còn gậy vừa dùng để chống đi đường, vừa dùng để chứa đèn cầy. Mỗi lần nghỉ chân, lôi đèn cầy trong gậy ra, thắp lên nấu một chung nước trong guigoz, rồi thả vô nhúm trà là xong. Đó là trà hành quân. Còn về tới cứ, có thời gian kiếm củi mà nấu. Rồi hai người theo lộ bờ sông vòng về làng Long Hồ, vào thắp nhang vái lạy cụ Phan Thanh Giản, cụ Võ Trường Toản trong Tụy Văn Lâu ở Văn Thánh Miếu, cầu xin hai cụ ban cho mọi sự may mắn trên khắp nẻo đường đời. Xong xuôi cùng qua Cầu Lầu đến tiệm Lợi Hòa mua một kí trà Con Khỉ loại nhứt.

Sáng ngày, mới tinh mơ mờ đất Hai Đức đã theo Tư Cần lên đường. Hành trang đem theo có một cây mã tấu do Ba Đằm gởi tặng, cùng cây gậy trúc có lỗ ống to hơn ngón tay trỏ, nhét lọt cây đèn cầy, và cái lon guigoz tròn bằng nhôm, với kí trà Con Khỉ.

Khi được phân về đội vệ quốc quân Vĩnh Long, dù còn rất trẻ, Hai Đức vẫn được anh em tôn là sư phụ nhờ biết chữ hơn người. Về sau được gọi là sư phụ trà Tàu, vì ai cũng biết tới sự ghiền trà của Hai Đức. Mà ngộ lắm nha, giữa chừng các cuộc hành quân, dù chỉ được nghỉ chừng hơn chục phút, giữa trời mưa rả rích, Hai Đức cũng rút cái nắp cao su dưới đầu gậy trúc, thổ thổ xuống đất lấy ra một cây đèn cầy, thắp lên đốt vô đít lon guigoz chứa chừng chung nước, chờ nước sôi thì thả vô nhúm trà. Vậy là có thứ nước thần thánh của các bậc tiên phong đạo cốt, rót ra cái chén tống nhỏ màu gan gà, rồi nâng trịnh trọng trong lòng hai bàn tay, đưa lên ngang mũi hít hà; rồi vừa nhâm nhi trà, vừa đọc thơ:

Sắc xanh ngà của biển của trời
Hương thơm ngát của đồng của ruộng
Gom tinh túy bốn phương tám hướng
Dâng tặng đời ngọt giọng trà ơi!

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Phải nói, Hai Đức trong người không có trà không được. Nhớ trận đánh ở Lung Tràm, Tây mũi lõ càn vào theo hướng lộ bờ kinh Phú Đức, Hai Đức cùng đội cảm tử ôm súng trường gras nằm phục ở đầu cầu. Trong khi quân Pháp chưa tới, Hai Đức thổ cây gậy trúc lấy ra cây đèn cầy, châm lửa nấu nước; nước chưa sôi thì toán tiền binh của Pháp trờ tới. Anh em vệ quốc quân bên này cầu. Toán lính lê dương bên kia cầu. Khoảng cách chưa tới ba chục thước, vậy mà Hai Đức bắn liền ba phát đều trật lất, cứ như là xách súng đi bắn chim chao chảo trên cây. May là sau phát thứ ba thì nước trong lon guigoz sôi sùng sục. Hai Đức nhón một nhúm trà thả vô, rồi rót ra cái chung gan gà, đặt lên một cái rễ còng đầu cầu, nằm phục xuống chun miệng thổi phì phì cho nguội nước. Một viên đạn tôm-xông bay tới, ghim đánh chát vào rễ cây khiến chung trà chao nghiêng. May mà Hai Đức dùng bàn tay trái giữ lại được. Vậy là Hai Đức nâng chung trà lên miệng, ực làm hai hơi hết sạch. Thưởng xong chung trà giữa trận tiền, Hai Đức từ từ nâng khẩu gras lên, nhắm vào thằng lính đã tiếp cận đầu cầu, đòm một phát, khiến thằng này bật tung lên ngã vật xuống đất, khẩu tôm-xông văng tòm xuống nước. Lia nòng súng qua thằng thứ hai đang kẹp nách khẩu tiểu liên nhả đạn ằng ặc, Hai Đức từ từ xiết cò. Sau tiếng nổ đanh gọn, thằng mũi lõ lật ngang, cái nón cát thủng một lỗ tròn xoay văng xuống đất. Hai Đức từ tốn chắt trong lon guigoz ra được chút nước trà còn lại, đưa lên miệng nhấp giọng rồi nuốt từ từ khoan khoái sau đó thong thả đút chung trà vào cái túi vải đeo bên hông, cột thắt miệng lại, rồi nâng súng nhắm vào một thằng Tây đang lấp ló sau gốc trâm bầu. Đoàng một tiếng, thằng Tây cao lớn dềnh dàng văng bắn ra ngoài, nằm chết xõa xượi trên mặt lộ. Thấy ba phát súng bắn hạ ba mạng người dễ ợt, bọn Pháp hoảng sợ gọi nhau tháo chạy. Trận đánh bên cầu cây Phú Đức ấy, anh em gọi là trận đánh trà Hai Đức.

Rồi tin đồn nước trà móc câu làm sáng mắt, giúp Hai Đức bắn đâu trúng đó bay về xòm Lò Rèn xóm Học khiến vợ chồng ông Chín Bình vợ chồng ông Ba Đằm và cô Hai Nhành mừng tới nở mũi. Riêng cô Hai Nhành, ngay sau khi biết tin, đã lội bộ qua Cầu Lầu tới tiệm Lợi Hòa, mua cùng lúc hai gói trà lớn hiệu Con Khỉ loại thượng hảo hạng bọc trong bao trang kim có giấy kiếng đỏ bên ngoài. Mua ngày hôm trước, ngày hôm sau Hai Nhành quảy một bọc tay nải trà bánh tìm vào Phú Đức thăm chồng. Vợ chồng lâu ngày gặp nhau, mừng muốn sập trời xuống đất, chỉ muốn ôm chầm lấy nhau, quấn lấy nhau mà hủ hỉ. Ngặt nỗi anh em sống nhờ trong nhà dân, có chỗ nào đâu mà tâm sự. Rất may là Hai Đức sực nhớ ra cái nhà hoang sau miễu cây da, gọi là Miễu Bà. Vậy là Hai Đức đưa cô vợ đẹp như bông mận, thơm như múi mít ra đó. Mới đầu bước vô ngôi nhà hoang hôi mùi mốc, cũng có phần chờn chợn, ghê ghê sống lưng, nhất là khi nghe tiếng mèo hoang động đực kêo oeo oeo như tiếng con nít khóc sữa, nhưng rồi nhờ tu được một ngụm rượu Áp Sanh Hai Nhành đem vô, Hai Đức thấy gan, thấy rạo rực, bèn dằn Hai Nhành xuống nền gạch ẩm mốc.

Khi xong xuôi, Hai Đức lật ngang, co chân kéo bễ ngáy pho pho, còn Hai Nhành xoay nghiêng nhìn ra phía cửa sau, chợt thấy trong ánh chiều tà loa lóa, có người đàn bà đoan hậu xõa tóc đứng bên ngoài nhìn vào đưa hai ngón tay lên nở nụ cười âu yếm rồi thăng mất. Khi trở về ăn bữa cơm có cá bống trứng kho tiêu, hoa lục bình chấm mắm sặc với anh em vệ quốc quân, Hai Nhành kể lại chuyện ấy, ai cũng nói nơi ấy hoang vu, làm gì có người; người đàn bà ấy, chắc chắn là hồn ma cô Chín Ngọt bị đạn cà nông của Pháp đặt ở Ngã Tư Long Hồ bắn vô làm chết.

Chuyến ấy Hai Nhành tính ra ngã tư Phú Đức đón xe thổ mộ về Vĩnh Long ngay trong chiều, không ngờ bị quân Pháp càn vào nên phải hoãn lại. Trước thế mạnh của quân Pháp, anh em Vệ quốc quân Vĩnh Long phải rút về cố thủ trong rừng Dơi, rồi chia ra thành từng toán đánh trả. Toán quân của Hai Đức có ba người, thêm Hai Nhành nữa là bốn. Không có súng nên Hai Nhành trở thành người lo cơm nước tiếp tế cho anh em. Khi quân Pháp xì lô xì la tiến vô, Hai Nhành luôn bên cạnh, thành lỗ tai thành con mắt tăng cường cho chồng. Chẳng những vậy, cô còn vơ cành khô nấu nước, chăm lo trà lá cho anh. Nhờ vừa bắn trả, vừa nhấp thứ trà ngon có tiếng, Hai Đức trở nên linh lợi, mắt sáng tinh tường, bắn đâu trúng đó, cứ gọi là ngay tróc ngay trân, khiến quân Pháp bị cầm chân ở bìa rừng, không thể nào tiến sâu vô được. Cuối cùng, đến gần tắt mặt trời thì quân Pháp phải rút về Ngã Tư Long Hồ.

Sau trận này Hai Đức từ danh sư phụ trà Tàu được anh em nâng lên một bậc, tôn là ông thần trà. Thần đây không chỉ riêng nghĩa ghiền trà, mà là tài xoay xở châm trà trong bất luận hoàn cảnh nào.

Còn với Hai Nhành, ít lâu sau sinh hạ cùng lúc thằng Được và con Lượm, đẹp như bông chanh bông bưởi, sức học hơn hẳn tía nó mấy lần.

*

*         *

Rồi từ chống Pháp bước qua cao trào kháng chiến chống Mĩ, Hai Đức bước lên bậc chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, có cần vụ giúp đỡ mọi việc, nhưng ông vẫn thích tự tay châm trà để uống, và thứ trà yêu thích, gắn bó với ông hàng ngày vẫn là trà Con Khỉ Trà Vinh. Trà ấy là trà móc câu thượng hạng, nguyên liệu thửa từ trên xứ cao nguyên Lâm Đồng, được tẩm ướp bằng hương bông lài của Trà Vinh. Mà ngộ là bông lài ở đâu cũng thơm, nhưng bông lài Trà Vinh thơm rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được, bởi vậy mà tạo ra danh tiếng trà Con Khỉ.

Khi Hai Đức còn làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 Vĩnh Long, tôi từng là sĩ quan phụ trách tác chiến cho ông, nhờ vậy mà tôi quen và thân với Hai Nho, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, người được coi là đệ tử ruột của Hai Đức. Ông này vốn là liên lạc của Hai Đức nên sớm bị nhiễm máu ghiền trà của chỉ huy và cũng chỉ mê trà Con Khỉ. Nhờ vậy mà mắt Hai Nho sáng như sao, bắn bách phát bách trúng nên được tuyên dương là xạ thủ giỏi nhất vùng hạ lưu sông Bassac.

Nghe nói trong lễ tuyên dương anh hùng chiến sĩ quân giải phóng tại miền Đông, Hai Nho được tư lệnh R tặng một cái đài bán dẫn hai pin, nhưng ông gãi đầu xin đổi lấy khẩu K2. Tư lệnh hỏi vì sao thì ông kể bà Năm Trắng nói nếu ông có khẩu K2 thì bà sẽ gả con gái Út hiền xinh như bông bưởi cho. Tư lệnh nghe lủng chuyện thì nói cần vụ lột khẩu K2 báng gấp đeo bên mình đưa cho Hai Nho. Ngay trong lễ cưới bằng một chầu cháo cá lóc, cá lóc nướng trui, lúc anh em bộ đội và du kích ấp Tích Quới xã Tích Thiên đang vui thì thấy Hai Nho và Út biến mất thời lâu. Chuyện tới tai bà Năm Trắng, bà phán: “Bây có K2 rồi, phải chiến đấu đàng hoàng như quân chủ lực, không được cắc bụp xòa kiểu du kích như vầy. Tao phạt bây phải vây đồn Tích Thiện bắn hạ thằng đồn trưởng ác ôn chuộc lỗi.”

Sáng hôm sau Hai Nho châm bình trà, uống hết tuần nước nhất thì mượn khẩu bá đỏ của du kích ra phục ngoài hàng rào đồn Tích Thiện. Khi thằng đồn trưởng huýt còi điểm quân, Hai Nho nâng súng đòm một phát, thằng đồn trưởng bể sọ chết ngay tại chỗ. Lại tới thằng trung úy Thục khét tiếng cuộc cảnh sát Trà Ôn, một lần cưỡi tàu sắt vô càn ở ấp Tích Phú, bị Hai Nho đón lõng đường về trên bờ cù lao Mây, bắn lủng tim chết gục trên cái ghế sắt trước mũi tàu. Danh tiếng bắn đâu trúng đó của Hai Nho vang khắp ba huyện vùng ven sông Hậu. Lính đồn nghe tên sợ té đái trong quần. Thằng nào trước khi hành quân cũng đốt nhang khấn cầu đừng chạm mặt Hai Nho, sẽ tạ trời đất con gà trống thiến.

Nhận thấy Hai Nho có nhiều điểm giống mình nên Hai Đức rút lên ban chỉ huy trung đoàn, chỉ cho cách dùng thuốc mìn claymo nấu nước pha trà, dùng bình toong và ca inox châm trà. Hai thầy trò tương đắc tương giao tới từng milimét, hễ gặp nhau, muốn gì thì muốn, cũng phải có ấm trà Con Khỉ Trà Vinh. Lúc Hai Đức lên cấp chỉ huy sư đoàn, có ý đưa Hai Nho lên cùng, nhưng Hai Nho chắp tay xin kiếu, xin được về phụ trách công tác du kích huyện đội để được thường xuyên về quê gặp vợ. Có phải nhờ chất ta nanh của trà Lâm Đồng hay nhờ hương thơm dịu của hoa lài Trà Vinh mà cứ mỗi lần Hai Nho về quê nhà Tích Thiện, cô Út lại nổi bụng cum cúm, sanh ra ba trai ba gái khỏe cùi cụi.

*

*        *

Ngày hòa bình, Hai Đức được tuyên dương anh hùng quân đội. Còn Hai Nho, giải phóng được một tuần ông xin phép cấp trên về thăm nhà. Hai Đức biết chuyện, quyên góp trong anh em được ít tiền, giúi vào tay người đồng đội, biểu mua chút quà về cho vợ con.

Hai Nho về tới nhà đúng giờ ngọ. Căn nhà lá vắng huơ vắng hoắt, chỉ có đứa con gái mười bốn tuổi đầu tóc khét nắng đang lui cui xào chảo rau cải trời to đùng. Nhìn con gái ốm tong ốm teo như cây sậy, Hai Nho động lòng hỏi: “Bây xào chi nhiều cải trời vậy?” Đứa con gái ngước cặp mắt đỏ chạch vì khói củi bẹ dừa ẩm ướt trả lời: “Xào để ăn thay cơm chớ để chi!” Nước mắt Hai Nho ứa ra, trào ngược vào lòng. Ông lại hỏi: “Vậy chớ má và mấy em bây đâu rồi?” Con bé vừa dụi mắt vừa nói: “Má tui đi làm mướn. Mấy em tui ra ruộng mò ốc sắp về rồi.” Tự nhiên Hai Nho đau thốn tim, ôm chặt đầu con bé kéo vào ngực mình nói: “Qua là bạn của ba bây trên tỉnh được về phép, ba bây nhờ chuyển cho má con bây ba lô quà bánh và chút đỉnh tiền. Ổng hẹn vài hôm nữa ổng về.”

Xong Hai Nho quày quả ra bờ sông, vẫy được chiếc xe đạp lôi chạy luôn về Trà Ôn, nhảy xe đò lên thị xã. Ngay đêm đó, Hai Nho chong đèn, ngồi gò lưng viết lá đơn xin ra quân, trong đơn nói rõ “Hồi đó tui nói với bả, bả ở nhà thay tui nuôi sắp nhỏ, thắng giặc tui trở về tui làm ruộng nuôi con.” Lá đơn của Hai Nho tới tay Hai Đức. Ông cho gọi Hai Nho lên ban chỉ huy sư đoàn, nói rõ Hai Nho đang là tiểu đoàn trưởng, miền Nam mới giải phóng chưa thể ra quân ngay được. Rồi ông khuyên Hai Nho có gì cũng thủng thẳng, chờ nhà nước có chế độ ra quân hẳn hoi rồi tính. Nhưng Hai Nho là Hai Nho. Hai Nho của Trà Ôn. Hai Nho của Tích Thiện. Hai Nho không thể chờ thêm một ngày nào nữa, khi mà ông đã thấy tận mắt cảnh nhà nghèo xơ nghèo xác.

*

*         *

Rót cho tôi chung trà nóng bốc khói nghi ngút, Hai Đức gục gặc đầu nói:

- Cũng là trà Con Khỉ Trà Vinh ngày xưa, nhưng nó hổng còn được như xưa mầy ơi! Tại nguồn trà nguyên liệu và cả hoa lài đều trồng bằng phân hóa học và phun thuốc trừ sâu. Thơm ngon như ngày xưa thế nào được.

Tôi nâng chung trà trên tay ngó mung ra dòng sông Long Hồ, chợt nghĩ, phải rồi, vàm Hồi Oa đất Tầm Dồ, chắc chắn là vàm sông gần chỗ Cầu Tàu, hèn chi gà nòi cầu Bà Điều hay nổi tiếng. Giống gà đá vua Gia Long dùng để hỏi cưới bà Phi Yến mà. Nghĩ vậy tôi nói với sư trưởng:

- Ăn thua là giống quý giống tốt thủ trưởng à. Nếu mình biết gây dựng giống quý thì phục lại chất lượng mấy hồi.

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)