Tấn Mài ngày ấy

Thứ Bảy, 17/02/2024 08:06

. VĂN SÁNG
 

Chẳng hiểu vì sao lính tráng trung đoàn tôi thời đó cứ gọi các thủ trưởng là cụ, nào cụ Bằng, nào cụ Tuấn, cụ Lục, cụ Cơ... Nhiều cụ lắm, dù cụ nào cũng chỉ ngoài ba chục tuổi.

Cụ Phiên mắt một mí, trán cao, dáng người nhỏ thó nhưng tiếng nói oang oang.

Buổi sáng tinh mơ cụ đi từng phòng đánh thức anh em dậy tập thể dục, nhiều hôm sương mù không rõ mặt người, cây cỏ trắng xóa giá băng, lạnh buốt, tôi nằm ườn không muốn dậy, cụ lật chăn rồi kéo chân tôi.

- Cu này hôm qua lại xuống bản uống rượu đây, dậy ngay đi ông tướng.

Tôi ấn tượng với cách phát âm từ rượu của cụ, chuẩn âm e rờ uốn lưỡi hẳn hoi. Rồi cụ vừa tập mẫu từng động tác vừa hô một hay, một hay, một hay, một hay, ay ay ay... Tiếng hô của cụ vang vọng cả khu đồi.

- Ban mình hô thật to cho Ban Tham mưu tỉnh ngủ, giờ này mà các tướng vẫn im phăng phắc. - Cụ nói khi ngước mắt nhìn sang phía sân Ban Tham mưu.

Cụ Phiên là lính thời chống Mĩ, tốt nghiệp trường cấp ba huyện Kiến Xương xong lên đường nhập ngũ ngay, có mặt khắp các chiến trường từ B đến C, sang cả chiến trường Lào, sau này được đi học Trường Sĩ quan Chính trị rồi về làm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn.

Lần đầu gặp mặt, cụ chắp tay sau lưng đi vòng quanh tôi, vừa đi vừa đánh mắt nhìn từ trên xuống dưới rồi lại nhìn từ dưới lên trên, kĩ càng, săm soi từng tí như người đi tậu trâu.

- Trai Hà Nội gì mà đen như củ súng, không bằng trai quê. - Cụ vừa nói vừa cười híp cả mắt. - Thế cậu đã học vẽ, nhưng vẽ tranh cổ động bao giờ chưa?

- Vâng, em vẽ rồi ạ.

- Tốt! Đây cậu về vẽ phóng to bức ảnh này cho tớ xem sao, một tuần là xong đấy nhé.

Cụ đưa bức ảnh đen trắng bằng nửa bao diêm, chân dung cụ trong bộ quân phục đại cán cũ sờn, đôi quân hàm đại úy bạc phếch trên ve áo.

Đúng hẹn tôi mang bức vẽ lên, cụ xem rồi tủm tỉm:

- Cậu phong quân hàm cho tớ lên thiếu tá nhanh nhỉ!

Rồi tôi được biên chế về Ban Chính trị làm nhân viên tuyên huấn trung đoàn, chuyên lo việc vẽ tranh áp phích, vẽ tranh cổ động, khẩu hiệu, loa đài, trang trí phông màn cho các sự kiện.

Nhớ lần trang trí cho Đại hội Đảng bộ trung đoàn, cụ Phiên gọi tôi lên:

- Đây là ảnh ông Các Mác, ông Lênin và Bác Hồ, tớ cắt từ báo nhưng mỗi người quay một hướng, cậu vẽ làm sao cho cả ba cùng nhìn về một hướng, từ trái sang phải như thế này này.

Rồi cụ nghiêng mặt làm mẫu. Tôi đáp ngay:

- Vâng, như vậy là nghiêng ba phần tư ạ.

Tôi bắt tay vào làm và Đại hội Đảng bộ trung đoàn năm đó gây ấn tượng trong cả sư đoàn về công tác tổ chức và sáng tạo hình ảnh truyền thông.

Tôi yêu và kính cụ Phiên bởi nhiều lẽ.

Nhớ lần đầu trung đoàn bộ bị pháo kích, tôi và mọi người vội chui vào hầm, nhưng cụ vẫn đứng ngoài giao thông hào đếm từng quả đạn, miệng oang oang chỉ bảo cách nhận biết tiếng đầu nòng, tiếng đạn rít cho mọi người.

- Viu viu trên đầu là vượt tầm, xoèn xoẹt như này là đạn rơi trúng đầu mình đấy.

Cụ nói chưa hết lời đã thấy uỳnh uỳnh uỳnh…, những tiếng nổ chát chúa, mặt đất chao đảo, khói đen xộc vào hầm khét lẹt, những thanh bê tông trên nóc hầm rung bần bật, đất cát rơi đầy vào mặt mũi chúng tôi. Có tiếng ai gào lên:

- Cụ Phiên vào hầm đi!

Vẫn thấy tiếng cụ oang oang bên ngoài:

- Nó bắn pháo 130 li, chụm ra phết, phía đầu nhà tuyên huấn bị một quả rồi.

Ngay đêm hôm đó cả trung đoàn bộ phải di chuyển bí mật lên sở chỉ huy tiền phương. Cùng tiến ra phía trước với chúng tôi có cả những chiếc xe kéo pháo hạng nặng, bật đèn gầm ầm ì trong màn đêm đặc quánh.

Sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn nằm bên sườn phía Nam của một cao điểm trọng yếu, gồm nhiều dãy nhà âm bằng tranh tre, nửa nổi nửa chìm, liên kết với nhau bằng những đường giao thông hào dẫn tới các địa đạo khoét sâu vào núi.

Tầm gần trưa hôm sau tôi và mọi người đang sửa lại mái tranh bỗng nghe thấy tiếng pháo đầu nòng của địch.

Pình pình pình… chỉ vài giây sau đã thấy tiếng đạn rít như khoan thẳng vào tai, kèm những tiếng nổ lớn rất gần.

- Hôm nay không thấy các tướng hoảng sợ như hôm qua nhỉ! Trên sở chỉ huy tiền phương này thì hỏa lực của địch không thể chế áp, bom cũng mặc kệ. - Tiếng cụ Phiên vọng ra từ căn hầm lớn.

Có lần cụ Phiên và tôi phải ra sư đoàn bộ. Đang mùa mưa, lũ về cuồn cuộn, xe Zil 130 gầm cao vâm váp là thế nhưng cũng đành dừng bên suối. Cậu lái xe từ sáng đến trưa cứ vòng ra vòng về, dăm lần bảy lượt xem lũ đã xuống chưa. Đến đầu giờ chiều cụ Phiên ra lệnh vượt lũ.

- Ngọn cây vối giữa dòng vẫn ngoi ngóp chìm nghỉm thế kia thì lũ còn cao lắm thủ trưởng ạ. - Cậu lái xe ngại ngùng chỉ tay ra giữa dòng suối.

- Nguy hiểm cũng phải đi, chiều nay tớ phải có mặt ngoài sư bộ rồi.

Vẫn như mọi khi, cụ phát âm e rờ rất rõ ràng rồi bước lên xe, đóng mạnh cửa.

Chiếc Zil 130 nhích từng tí từng tí, tôi nín thở bám chặt thành xe, khi đến gần ngọn cây vối ở giữa dòng bỗng thấy mũi xe cắm xuống, nước ào vào cuồn cuộn vật nghiêng chiếc xe xoay dọc theo chiều nước chảy, chiếc xe trôi một đoạn rồi khựng lại. Tất cả diễn ra nhanh như cái chớp mắt, may quá xe không bị lật úp, cụ Phiên và tôi cùng mọi người mặc mỗi chiếc quần đùi, nối tất cả quần áo với thắt lưng thành sợi dây dài rồi dìu nhau sang bờ an toàn.

Những lúc thanh thản hiếm hoi cụ Phiên hay rủ tôi chơi cờ tướng, thích mê vừa được điếu thuốc Sông Cầu lại có chén trà ngon, có khi còn được chiếc kẹo sữa thơm thơm.

Tôi không bao giờ quên những đêm trăng thu trời trong veo, ngồi chơi cờ với cụ Phiên trên chiếc bàn tre cạnh khóm hoa nhài, những bông hoa trắng tinh mơ màng thoang thoảng hương thơm trong gió.

Nhưng chơi cờ với cụ Phiên căng thẳng vô cùng, vì lúc nào cũng có một đống sĩ quan lính tráng bu quanh phò tá chỉ trỏ mách nước cho cụ. Tức điên!

Kỉ niệm của tôi với cụ Phiên nhiều lắm. Nhưng có một chuyện mà mỗi khi tết đến xuân về nhớ đến tôi đều rưng rưng cảm động.

Ở Tấn Mài, cứ trước tết địch lại bắn truyền đơn sang các điểm tựa của ta. Những tờ truyền đơn đủ sắc màu, cụ Phiên cho gom lại rồi chuyển cho tôi. Tôi cắt những tờ truyền đơn kết thành những bông hoa tươi thắm, những búp lá non xanh... để bộ đội chơi hái hoa dân chủ trong đêm giao thừa, rất vui.

Ngày tôi ra quân, cụ Phiên nói:

- Em về cố gắng phấn đấu, tuổi còn trẻ, đừng để phí hoài. Thế nào anh cũng tới thăm em và gia đình.

Từ câu nói mang tính bản lề này, chúng tôi tự nhiên chuyển sang xưng hô anh em.

Giây phút chia tay bịn rịn và khó khăn, tôi được trở về chốn bình yên, anh ở lại Tấn Mài lửa đạn, biết nói gì? Tôi nắm chặt tay anh rồi vội bước.

Bất ngờ một ngày anh về Hà Nội thăm tôi. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Đêm đó tôi lại mơ về Tấn Mài, mơ thấy anh đang lom khom tưới rau trong doanh trại dưới ráng chiều chạng vạng.

Có lần anh đến thăm tôi trong đợt về Hà Nội dự Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc, lần đầu tôi thấy anh trong bộ quân phục đại lễ, lấp lánh huân chương. Hỏi mới biết anh đã lên tới cấp Đại tá và làm tới chức Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 395.

Từ ngày anh nghỉ hưu, tôi hay về Kiến Xương, Thái Bình thăm anh. Có lần tôi trêu:

- Hồi đó anh điều em về Ban Chính trị vì em biết vẽ hay vì em thăng quân hàm trước niên hạn cho anh?

- Cả hai! Mà sao chú nhớ lâu thế?

Anh cười tít rồi xách bao tải gạo đưa tôi.

- Anh chị chẳng có gì, chỉ có chút gạo mới nhà anh tự cấy làm quà…

V.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)