Những ngày áp tết thuở xưa

Thứ Năm, 08/02/2024 06:06

. LÂM TRẦN
 

Tôi vẫn mơ về những ngày tết xưa như người đàn bà đang kì thai nghén thèm vị chua chát giữa ngập tràn những thức ăn ngon. Tôi vẫn kiếm tìm hương vị tết xưa giữa đủ đầy vật chất như người ta tìm gương mặt yêu dấu, dáng vóc thân quen tạc vào tim mình giữa phố phường đông đúc mà lạ xa. Để rồi bỗng chốc nhận ra lòng mình lắng lại, quặn thắt khi mắt chạm vào một vóc ai giống với người xưa. Vị thiếu thốn chẳng bao giờ hiện hữu nữa. Có phải vậy mà người ta mãi không thôi khát thèm?

Tôi đã lớn lên cùng những ngày tết từ đói khổ cơ cực đến được đủ đầy. Vì vậy mà nhớ mà thương hương vị tết xưa nồng nàn da diết. Kí ức của tôi về những ngày tết nghèo vẫn theo về mỗi năm như mùa xuân đúng hẹn cùng trời đất.

Thuở ấy, ở quê tôi người dân lo tết lắm. Bởi tết về mang theo bao nhiêu lo lắng bộn bề những thứ phải sắm sanh. Có phải thế mà từ đầu tháng mười một âm lịch trong mỗi câu chuyện gia đình người ta đã bắt đầu nhắc tết. Trẻ con vô tư non nớt thì mơ hồ như tết đã đến ngoài con đê làng cỏ bắt đầu xanh.

Tháng mười một qua nhanh khi trên những sườn đồi nơi bọn trẻ chăn trâu tha hồ đốt nùn rơm sưởi ấm và nướng khoai, sắn đã không còn thấy gió khô hanh nứt nẻ tràn qua. Trong cái lạnh đã tăng dần độ ẩm. Làn môi mềm hơn. Bàn tay cũng không còn những khe nứt sâu đen lại. Thả tay xuống chậu nước ấm và kì cọ. Lớp da chết cùng đất bẩn đã bong ra, trả lại cho đôi tay một phần làn da con trẻ.

Tháng mười hai hối hả tràn về trên những cánh đồng quê đang vào vụ cấy. Tiếng lưỡi cày xé đất xoèn xoẹt. Tiếng nước vào ruộng òng ọc và tiếng đất nẻ re re. Cánh đồng khô khốc mùa đông bỗng tràn trề nước. Sau những ngày cày bừa khẩn trương, giờ đây mặt ruộng như tấm gương phẳng lặng soi bóng những chiếc nón trắng khăn vuông của bà của chị với áo bông dây chuối. Mẹ tôi lúi húi hạ điền cho đất sớm màu xanh.

Nửa tháng mười hai qua nhanh. Mạ trên đồng đã bén rễ ấm chân xanh như hờn dỗi. Mưa phùn gió bấc tràn về thúc giục người ta tra hạt giống mới. Mùa làm đồi giáp tết cũng khẩn trương không kém. Và trẻ con tha hồ theo chân nghịch ngợm. Những ruộng lạc ruộng đỗ thi nhau hạ hạt. Lớp đất ẩm ôm hạt giống tròn vo nảy mầm xổ trắng như những hạt ngọc.

Gác lại công việc gieo trồng mẹ hăm hở đi chợ tết. Tất bật với những sắm sanh manh áo manh quần cho con trẻ, đồ lễ cho gia tiên.

Tết quê chỉ thực sự đến sau ngày đưa ông công ông táo về trời. Từ ngày hai ba tháng chạp, chợ quê ngày nào cũng đông vui tấp nập. Có bao nhiêu mặt hàng đều dành cho tết. Những gánh rau, gánh cà đầy ắp, kĩu kịt theo chân người đến chợ. Lá dong xanh ngồi cạnh anh hàng lạt giang như vợ chồng Ngâu đến ngày gặp mặt. Cứ xoắn chặt lấy nhau bịn rịn chẳng rời. Hạt ngọc của trời ngời lên như núi tuyết trong những thúng tre.

Người bán tranh từ làng xa đến mang theo bao nhiêu nét đẹp của hồn quê trong từng bức tranh còn tươi nguyên màu mực. Mẹ con bầy gà đông vui đẹp mắt gợi sự đoàn viên ấm áp. Con lợn ngậm ráy với khoáy âm dương như vận cả ngũ hành vào nét thân quen gần gũi. Đôi bức tranh bé trai bé gái ôm tôm ôm cá, tóc để trái đào, bánh khảo, nét mặt bầu bĩnh, khuôn miệng chúm chím mới ngộ nghĩnh làm sao...

Tranh dân gian và câu đối tết cùng những con tò he xanh đỏ là món ăn tinh thần thu hút lũ trẻ nhiều nhất. Mặc các mẹ thúc giục qua hàng ẩm thực, những đứa trẻ cứ ì ra dán mắt vào những bức tranh. Bị mẹ kéo sềnh sệch mà mắt vẫn ngoái nhìn thèm thuồng, nuối tiếc. Tuổi thơ của chúng tôi đã ở đó cho đến phiên chợ ngày ba mươi kiểu gì cũng có đôi câu đối đỏ hoặc vài bức tranh về treo trong nhà cho ra không khí tết.

Ngày hai tám, hai chín cả làng bị đánh thức từ ba bốn giờ sáng bởi tiếng lợn kêu eng éc. Người ta làm thịt lợn ăn tết. Lũ trẻ con thích thú ngắm nhìn những chú lợn sạch sẽ, trắng phau phau gối đầu lên chiếc nong lớn giữa sân nhà. Lợn được tắm lần cuối cùng trước khi chia cho từng nhà chung đụng thịt tết. Cả làng no nê cháo lòng nước xiết và những miếng lòng lợn chờ đợi cả năm.

Lâu lắm rồi người ta không còn ăn nước xiết (nước luộc lòng). Có lẽ vì lợn giờ không sạch và cuộc sống đủ đầy nên chẳng mấy ai còn thèm nó nữa. Nhưng với chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra từ đói khổ thì mùi vị của nó ngon hơn tất thảy sơn hào hải vị sau này được ăn. Bố tôi sẽ ngồi pha thịt giã giò, làm nem, gói bánh suốt buổi sáng ngày hôm đó. Không khí tết thật rộn ràng ấm áp.

Có năm, hợp tác xã đánh cá. Thuở ấy hình như xã nào cũng có một ao cá Bác Hồ. Khi tết đến cá sẽ được kéo lên chia cho dân ăn tết. Ngày làng đánh cá, trẻ con người lớn nô nức đi xem. Những trai làng lực lưỡng đánh trần giữa trời giá rét hò nhau quây tròn kéo lưới. Vòng lưới thu nhỏ dần, cá bắt đầu nhảy lên lao xao. Rồi mỗi nhà cũng được chia cho một xâu cá về ăn tết.

Bố tôi khéo léo chẻ những nan tre đan thành chiếc vỉ nướng cá. Cá được xẻ ra và đặt lên vỉ. Bếp lò đỏ hồng thì vỉ được hong lên. Cá chín vỉ tre bén lửa cũng bắt đầu cháy. Mùi thơm ngào ngạt tỏa ra nhưng nào đã được ăn. Vỉ cá được treo lên gác bếp để dành cho tết. Mỗi lần nhóm bếp lại nghe mùi thơm. Ngửa mặt lên mà hờn với cái vỉ. Mùi cá thơm lừng như thách thức mọi giác quan.

Tết trong tôi còn sực nức mùi thuốc pháo trong đêm giao thừa và màu vàng ươm của vại dưa mẹ muối. Đêm ba mươi thật tối. Tối đen như mực. Trong gian bếp nhỏ sực nức mùi bánh xèo và ánh lửa reo lên bên nồi bánh chưng sôi ùng ục. Chúng tôi ngủ gục bên bếp lò trước khi nghe tiếng pháo giao thừa. Bố sẽ gọi dậy khi đây đó lẹt đẹt những dây pháo tép. Sẽ chạy ra sân ngửa cổ nhòm tìm bốn hướng. Rồi những quả pháo cối giật đùng đùng báo thời khắc năm cũ qua năm mới đến. Nhiều năm sau tôi vẫn mơ về tiếng pháo đêm giao thừa khi pháo hoàn toàn bị cấm. Tôi nhớ lắm sáng mồng một tết bật dậy chạy nhanh đến ngõ từng nhà để nhặt những quả pháo xịt. Rồi diện quần áo đẹp gọi nhau tết thầy cô. Ông bà ta vẫn dạy: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Nhưng chúng tôi thì làm ngược lại. Nhà chúng tôi xông đất đầu năm là nhà cô chủ nhiệm. Mỗi đứa sẽ đem theo một gói chè Thái Nguyên hoặc thuốc lá Bông Sen. Cô thầy cũng nghèo nên chỉ đãi chúng tôi những thanh kẹo lạc tự làm. Hiếm khi có được túi kẹo có vỏ. Rồi cả lũ rồng rắn lên đê tìm mua những bò táo chua loét. Mặc gió bấc thổi vào mặt lạnh căm, cái vị chua chát của những quả táo đầu xuân theo tôi tận đến bây giờ. Mỗi lần về quê đi dọc con đê làng vẫn như thấy mình cùng lũ bạn xúm xít quanh bà lão có rổ táo chua.

L.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)