. NGUYỄN ĐÌNH TÚ
“Đó là chuyến công tác xa đầu tiên của tôi, một chuyến đi kéo dài 8 tháng với một hành trình hơn 1700 kilômét đường bộ, một hải trình 3 ngày 3 đêm trên biển vượt hơn 340 hải lí để đến nơi chúng tôi phải có mặt để thực hiện nhiệm vụ”.
Khi ấy Nguyễn Trần Nam mang quân hàm trung úy, Trung đội trưởng Trung đội Xe máy công binh thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 883, Trung đoàn Công binh 131 hải quân. 27 tuổi, cao 1 mét 72, nặng 55 kilôgam, chàng sĩ quan quê Nam Định ngày đó mảnh khảnh, thư sinh, mặt mũi mịn màng, da dẻ trắng trẻo, chưa người yêu, chưa vướng bận chuyện gia đình, háo hức hành quân trong đội hình của tiểu đoàn ra đảo Trường Sa Lớn để thi công các hạng mục công trình trên giao.
Lữ đoàn trưởng Nguyễn Trần Nam
Tất nhiên, đó không phải là nhiệm vụ lạ lẫm và mới mẻ với một sĩ quan công binh như Nam. Anh đã từng có 5 năm trui rèn ở trường Sĩ quan Công binh, chuyên ngành Xe máy. Những cỗ máy móc hiện đại đã kích thích niềm ham mê tìm tòi ở một học viên như Nam. Nào là máy xúc, máy đào hào, máy nghiền đá, máy khoan đá, máy trộn bê tông, xe vận tải bánh xích lội nước, xe công binh công trình hạng nặng, xe ủi đất, các loại canô, các loại cầu cơ giới tự hành, phà tự hành, cầu phao dã chiến… Tất cả đều có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Nam. Cảm giác điều khiển một chiếc máy đào hào chỉ trong một giờ có thể đào được đoạn hào dài bằng công sức của hàng trăm người đào cả ngày lẫn đêm, hoặc chỉ vài cái máy xúc trong một ngày có thể bứng đi cả một quả núi nhỏ, thực sự làm Nam thấy thích thú. Lại nghĩ đến ông cha từng xẻ núi, đào hào đánh giặc ở Điện Biên Phủ, hay dùng cuốc xẻng mở núi san đường trên rừng Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ, toàn bằng sức người, vô cùng gian khổ, tự nhiên thấy tự hào khi được học hành trong một môi trường chính quy, hiện đại. Cuối khóa học, nhà trường tổ chức thí điểm cho các học viên giỏi thực hiện bảo vệ đồ án tốt nghiệp (trước đó chỉ có hình thức thi tốt nghiệp). Nam là một trong 8 học viên của lớp được chọn làm đồ án. Đồ án của Nam mang tên “Đảm bảo đường trong chiến đấu tiến công” bảo vệ thành công trước hội đồng khoa học của nhà trường và được các thầy cho điểm giỏi. Năm 1997, tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Trần Nam nhận quyết định về công tác tại Trung đoàn Công binh 131 hải quân, đứng chân tại Hải Phòng.
Trung đoàn Công binh 131 hải quân được thành lập năm 1975, là một đơn vị có truyền thống trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng công trình quốc phòng trên các hòn đảo lớn nhỏ của Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1989.
Vậy là Nam được điều về công tác ở một đơn vị anh hùng. Có tự hào không? Có. Có áp lực không? Có. Truyền thống đơn vị luôn là niềm tự hào cho những cán bộ chiến sĩ trẻ, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai họ không ít áp lực. Bước chân vào đơn vị, đặt ba lô xuống mới thấy cơ sở hạ tầng của trung đoàn còn rất sơ sài. Chỉ có một dãy nhà hai tầng cũ kĩ, còn lại là những dãy nhà cấp bốn lụp xụp, xung quanh cây cối mọc um tùm, cảnh quan không mấy khang trang, sáng sủa. Trung đội của Nam có nhiều đồng chí đi bộ đội muộn, có người bằng thậm chí còn hơn cả tuổi Nam. Nhưng tất cả những điều đó không quan trọng bằng việc Nam nhận ra công tác huấn luyện còn đơn giản quá. So với một sĩ quan được đào tạo chính quy như Nam thì rõ ràng công tác huấn luyện ở đơn vị chưa bài bản, chưa đúng 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp mà một đơn vị công binh cần phải thực hiện. Như nhìn thấy suy nghĩ ấy ở người sĩ quan trẻ Nguyễn Trần Nam, Chỉ huy trưởng trung đoàn nói với mấy anh em trẻ mới về nhận công tác rằng, cấp trên đang có chủ trương đổi mới công tác huấn luyện theo tiêu chí chính quy, hiện đại, phù hợp với trang thiết bị của quân đội, các đồng chí được điều về đây chính là để thực hiện chủ trương đó. Nam hiểu rằng, như thế nghĩa là hãy dùng sở học của mình ở trong trường, viết lại giáo án huấn luyện mới, sao cho phù hợp với công tác huấn luyện của đơn vị. Nam thức ngày thức đêm bắt tay vào soạn giáo án huấn luyện. Giáo án của Nam được đặt tên “Giáo án huấn luyện chuyên ngành kĩ thuật xe máy công binh”. Soạn xong, áp dụng ngay cho Trung đội Xe máy công binh mà Nam làm Trung đội trưởng. Trung đội có 18 quân nhân nhưng có tới 23 đầu xe máy. Đầu xe máy nhiều hơn đầu người. Người thì nhiều đối tượng, sĩ quan có, quân nhân chuyên nghiệp có, chiến sĩ có, tập trung về từ nhiều nguồn, năng lực công tác, môi trường đào tạo khác nhau. Xe máy thì nhiều chủng loại, cũ có, mới có, lạc hậu có, hiện đại cũng có. Nhưng cần phải huấn luyện lại, lấy giáo án mới của Nam làm chuẩn. Nào là huấn luyện thực hành xe máy, nào là công tác bảo dưỡng, bảo quản. Nào là phải nắm lại cho chắc về nguyên lí cấu tạo, động cơ đốt trong, động cơ xăng, động cơ diesel, rồi turbo tăng áp, phun xăng điện tử, rồi hư hỏng thường gặp, kinh nghiệm xử lí tình huống trên công trường…
Kết quả huấn luyện được tiểu đoàn và trung đoàn đánh giá cao. Cơ quan kĩ thuật cũng dùng giáo án của Nam huấn luyện cho toàn bộ đối tượng là nhân viên kĩ thuật của trung đoàn. Nhờ có phương pháp huấn luyện mới, trung đội của Nam tự tin hơn khi nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Có những nhiệm vụ đưa xe máy đi, có nhiệm vụ chỉ đưa người đi, lại cũng có những chuyến công tác đưa cả người và xe máy đi. Nhiệm vụ nào Trung đội Xe máy công binh của Nam cũng hoàn thành tốt, bản thân Nam được nhận nhiều hình thức khen thưởng, nhưng với Nam quan trọng hơn cả là anh đã được chỉ huy trung đoàn ghi nhận là một “trung đội trưởng có năng lực công tác tốt”...
“Nhưng lần ấy vẫn có chút lạ lẫm”, quay trở lại với chuyến công tác ra đảo Trường Sa Lớn vào tháng 3 năm 2000, Nam tâm sự. Lạ lẫm là bởi lần đầu tiên Nam cảm nhận được cái mênh mông vô hạn của biển cả, thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên bao la. Nam nhìn thấy hòn đảo từ khi nó mới chỉ là một chấm nhỏ giữa đại dương cho đến khi nó hiện hình lên choán hết cả tầm mắt. Trường Sa Lớn khi ấy khá hoang sơ với cây cầu cảng cũ kĩ, nhà cửa tuềnh toàng, các công trình thưa thớt nằm rải rác bên những bụi cây phong ba. Điện, nước thiếu, xung quanh đảo chưa có bờ kè, địa hình thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn tưởng tượng. Nếu việc chuyển nguyên vật liệu lên đảo khó một thì chuyển trang thiết bị xe máy lên đảo khó gấp nhiều lần. Hàng trên tàu lớn sẽ được cẩu xuống thuyền chuyển tải hoặc những chiếc xe chờ sẵn trên cầu cảng. Nhưng mọi việc diễn ra trong một không gian động, không có mặt bằng tĩnh, sóng biển dập dềnh, gió thổi mạnh, tàu thuyền lắc lư, cán bộ chiến sĩ công binh phải vật lộn cùng với từng nhát cẩu, từng chuyến hàng. Chính Nam đã tự tay gỡ từng mã hàng đặt vào xuồng, thường xuyên dầm mình dưới nước cả buổi, thắt gan thắt ruột lo cho mỗi chuyến xuồng vào ra luồng lạch an toàn. Tất cả đều được nâng niu, giữ gìn bởi mang được một viên đá, một thanh sắt, một cân xi măng từ trong đất liền ra đảo khó khăn biết nhường nào.
Chuyến công tác ấy Nam đã cùng với đồng đội của mình đặt những đốt kè đầu tiên xuống đảo Trường Sa Lớn. Mỗi đốt kè dài 5 mét, cao 3,5 mét, tất cả 33 đốt kè lần lượt được đặt lượn theo hình sóng, ôm lấy hòn đảo, đúng theo tiêu chuẩn kĩ thuật, giảm thiểu tối đa sự phá huỷ của sóng biển. Để đặt mỗi đốt kè, những người lính công binh như Nam phải làm chân khay bám vào nền san hô, sau đó làm đế kè sao cho thân kè nằm gọn bên trên, cuối cùng mới đổ thân kè và cổ kè theo đúng kích cỡ quy định. Công việc chỉ phù hợp vào ban đêm, đó là thời điểm nước biển rút sâu. Trường Sa ban ngày nắng nóng tới 40 độ, đêm xuống lại thấm lạnh vì hơi nước ngấm trong những cơn gió thổi tới. Nam và đồng đội của anh thức cùng gió lạnh để làm việc. Làm trong ánh sáng của máy phát điện cá nhân, của đèn pin, của ánh đuốc bập bùng, của những ngọn nến cháy trong đêm. Đêm nào cũng như đêm nào, Nam làm việc đến khi nước biển dâng cao trở lại thì mới dừng tay. Cả đơn vị lại hàng lối chỉnh tề quay về lán trại nghỉ ngơi. Khi đó bình minh bắt đầu hé rạng. Vừa lúc, tiếng còi kẻng báo thức của một ngày mới bắt đầu vang lên từ phía nhà chỉ huy đảo.
Vào một bình minh như thế, trong lúc mọi người hành quân trở về từ công trường, một đồng đội của Nam bỗng cất tiếng hỏi: “Hình như hôm nay nghe trong gió biển có mùi lạ?” Tất cả cùng ớ ra. Đúng vậy. Mùi gì? Mùi mặn. Trong gió có muối, gió rải muối lên đầu, lên tóc, lên quần áo, lên da thịt cán bộ chiến sĩ suốt đêm mà không ai biết. Mỗi hơi thở của người lính lại đưa một lượng muối qua mũi, xuống họng, nên ai cũng cảm thấy như có vị mặn, có mùi của những hạt muối kết tủa trong không khí. Như thế nghĩa là đã bước sang tháng 11 rồi. Gió muối thường xuất hiện vào những tháng cuối năm. Thấm thoắt, Nam đã cùng đồng đội ra đảo được 8 tháng. Nắng “nhuộm” làn da họ đen nhẻm. Sương biển và gió muối “ướp” họ trong vị mặn mà của biển cả. Gió muối không chỉ kết tinh trên những vai áo ướt đẫm mồ hôi của bộ đội mà còn có thể làm khô cây, trụi lá, ăn mòn kim loại, mục ruỗng nhà cửa, hủy hoại các công trình vĩnh cửu. Nhưng nắng ấy, gió ấy, những khó khăn gian khổ ấy không làm tắt đi được nụ cười tỏa sáng với hàm răng trắng và ánh mắt luôn ngời lên tình yêu Tổ quốc của những người lính công binh như Nam.
Sau chuyến công tác ấy, Nam tự thấy mình rắn rỏi, dày dạn và kiên cường hơn. Sau này Nam còn trở lại với quần đảo Trường Sa nhiều lần nữa, lần lượt đảm nhiệm vị trí khung trưởng nhiều công trình lớn, cùng với đó là sự thay đổi về cương vị công tác. Từ trung đội trưởng Trung đội Xe máy công binh năm 1997, Nam phát triển lên Đại đội trưởng, đến năm 2013 khi trung đoàn nâng cấp lên thành lữ đoàn thì Nam đảm nhiệm Tiểu đoàn phó, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 883. Rồi tiếp tục lên Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, và khi tôi gặp anh để thực hiện bài viết này thì anh vừa nhận chức vụ Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 131 hải quân chưa đầy… 3 tháng!
3 tháng ở cương vị chỉ huy cao nhất của một lữ đoàn công binh hải quân thì làm được những gì? Nghe tôi hỏi vậy, Thượng tá Nam đáp một cách hóm hỉnh: “Nếu đáng kể nhất thì chỉ làm được một việc là tập trung ôn luyện để tham gia hội thi trung, lữ đoàn trưởng của Quân chủng Hải quân, ngoài ra là thường xuyên sa vào cảm giác nhớ nhung, nhà văn ạ!”
Nhớ ai? Nhớ công trình, nhớ anh em đồng đội, và nhớ gió muối. Vâng, lạ thế, sau khi kết thúc hội thi, nhận giải tư xong, sáng nay thư thái mở cửa phòng làm việc, thấy gió thu ùa vào, bỗng nhớ gió muối. Nhìn tờ lịch treo trên tường thấy đã cuối tháng 10. Mùa này, ngoài đảo gió muối bắt đầu thổi nhiều, ai đã hưởng thứ gió ấy rồi thì khó quên lắm.
Câu chuyện giữa tôi và Lữ đoàn trưởng Nguyễn Trần Nam quay đi quẩn lại vẫn trở về với những “ám ảnh công trình” mà một sĩ quan công binh như anh từng trải qua. Công trình biển, công trình rừng, công trình đảo, công trình đường tuần tra biên giới, công trình nổi, công trình ngầm, công trình công khai, công trình bí mật…, công trình nào Lữ đoàn trưởng Nam cũng đã từng trực tiếp tham gia. Nói đến bộ đội công binh, mọi người hay dùng hình ảnh “cán mác”, “kê cao thềm Tổ quốc”, “xây áo giáp cho biên cương”… nhưng không hiểu sao, qua những câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Trần Nam, tôi như thấy trong mắt anh đọng lại một hình ảnh rất lạ, đó là hình ảnh gió muối thổi qua bờ vai gầy.
Vâng, mùa này gió muối lại thổi nhiều…
N.Đ.T
VNQD