Pha Luông, từ câu thơ Quang Dũng…

Thứ Hai, 19/02/2024 06:18

. NGUYỄN XUÂN THỦY
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi (Tây Tiến - Quang Dũng)

 

Lần theo những câu thơ của Quang Dũng, đến Sơn La lần này tôi ấp ủ ý định sẽ lên đỉnh Pha Luông, về nơi mưa xa khơi trong miền thơ đã đi vào huyền thoại. Biết được ý định ấy, chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu nói ngay, đang mùa mưa không đi được đâu anh. Chị nói đúng, đang là tháng bảy, tháng tâm điểm mùa mưa bão, mùa dân phượt, dân trekking nói không với kế hoạch chinh phục các ngọn núi. Họ thường bắt đầu vào các tháng 9, 10 cho tới các tháng 3, 4 năm sau và Pha Luông cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi nghĩ vẫn còn cơ hội, vì có phải mùa mưa thì ngày nào, tuần nào cũng mưa đâu. Chỉ có hai ngày cuối tuần là quỹ thời gian cho Pha Luông, tôi liên tục xem dự báo thời tiết, nhưng ở đó cả hai ngày đều có mưa. Lại tự nhủ, chỉ là dự báo thôi mà, với lại, mưa thì không phải chỗ nào cũng mưa, sáng, trưa, chiều đều mưa. Không bây giờ, thì bao giờ nữa! Ý nghĩ ấy khiến tôi càng nung nấu. Chị Hường có vẻ thông cảm trước quyết tâm của tôi nên bốc máy gọi cho Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, Trung tá Nghiêm Xuân Nhân để “gửi gắm”.

Đã có kết nối. Coi như tôi đã book xong lịch!

Tác giả tại vị trí quen thuộc của Pha Luông

Pha Luông, xa và gần

Từ Mộc Châu vào tới đồn Biên phòng Chiềng Sơn chừng hơn ba mươi cây số, có thể đi ô tô theo Quốc lộ 43 lên cửa khẩu Lóng Sập. Còn từ đồn xuống bản Pha Luông, nơi có Tổ công tác biên phòng đứng chân bên dãy ngọn Pha Luông sát biên giới Việt - Lào chừng hơn mười cây số nữa, phải di chuyển bằng xe máy, trong đó khoảng 4 cây cuối là đường đất, nhiều dốc cao. Đại uý Lường Văn Đại - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Đại uý Hà Văn Phượng, Nhân viên Đội Phòng chống ma tuý và tội phạm chở tôi và nhà văn Đào An Duyên bằng xe máy lên đường vào bản Pha Luông. Đào An Duyên sẽ tìm hiểu về quân dân vùng biên chung tay xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, còn tôi, như đã nói, điểm đến là Pha Luông - nóc nhà Mộc Châu xa xa ẩn trong mây mù nơi đường biên giới.

Chúng tôi đi trên hai xe máy, quay ngược lại hướng Mộc Châu vài cây số thì rẽ vào Chiềng Ve, từ đây sẽ đi tiếp để vào Pha Luông. Chẳng cần phải đợi lâu để kiểm nghiệm sự đúng sai của công tác dự báo thời tiết, vừa khởi hành được một lúc, trong nắng chiều trải nhạt khắp núi rừng, ngồi sau xe Đại uý Lường Văn Đại, tôi thả ánh mắt ra xa ngắm núi non ngàn trùng, đang phiêu cùng mây gió, chợt giật mình thấy một vùng trắng xoá. Phía xa xa là một “Pha Luông mưa xa khơi”. Tôi hỏi Đại có mang theo áo mưa không. Đại không mang. Tôi nói cậu quay lại mua áo mưa dự phòng cho cả đoàn 4 người. Kinh nghiệm ít ỏi khi đi rừng núi cho tôi biết đó là điều cần thiết.

Trên đường, chúng tôi ghé vào một hộ dân người Mông vừa được bộ đội biên phòng giúp đỡ xóa nhà tạm để hỏi chuyện, rồi đi tiếp lên Trạm kiểm soát Biên phòng. Tôi phải có mặt tại đây trước tối nay để sáng sớm mai lên núi. Theo kế hoạch, Đào An Duyên lấy tư liệu dưới chân núi, còn tôi lên đỉnh Pha Luông. Nhưng khi còn đang ngồi tại căn nhà mới thơm mùi sơn của vợ chồng Sồng A Chống nằm bên con đường vào chân núi Pha Luông thì mưa ào ạt đầy hăm dọa. Chúng tôi đã chui vào vùng mưa lúc trước nhìn thấy trên Quốc lộ 43, hay chính cơn mưa di chuyển đến chỗ chúng tôi? Sau một chút tính toán, Đại uý Phượng rút máy gọi vào Trạm kiểm soát biên phòng hỏi về tình hình thời tiết, câu trả lời là “Trong này chưa mưa”. Nắm lấy cơ hội này, Đại và Phượng hối chúng tôi đi tiếp, phải đi nhanh để vào bản, vì quãng đường đất khi mưa xuống sẽ khó mà chạy xe máy lên được. Bốn bộ áo mưa phát huy tác dụng ngay tức khắc để tiếp tục hành trình. Đi mãi vẫn thấy mưa, dù cường độ có giảm hơn đôi chút. Khi chạm cung đường đất đỏ với con dốc thăm thẳm thì nó đã bị mưa làm ướt nhẹp. Hai chiếc xe máy bánh quay tít, trượt hết bên này, bên kia theo thế dốc lên. Đào An Duyên hốt hoảng bảo, thôi để chị xuống cho xe nhẹ dễ đi. Nhưng Phượng vội vã can bắt ngồi im, vì có người ngồi nặng xe mới leo dốc được, nếu xuống là đuôi xe vẩy tít. Tôi không hỏi Đại như Duyên hỏi Phượng mà nhanh chân tụt xuống trước, khiến con Wave trắng chiến thần của Đại mỗi lần ga mạnh cứ xoay ngang ra bướng bỉnh. Tình thế có vẻ nan giải. Đào An Duyên thấy mọi sự bất ổn nên đề nghị quay về đồn. Tôi nghĩ nhanh, nếu như quay về coi như kế hoạch lên núi vào sáng mai đổ bể. Nhẩm đoạn đường đất tầm 4 cây, với thời gian lúc này là bốn rưỡi chiều, tôi đưa ra phương án, mọi người quay về, còn tôi sẽ đi bộ tiếp đến Trạm kiểm soát biên phòng. Không để hai người lính đồng hành kịp suy nghĩ, tôi quyết định lấy số điện thoại của Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ công tác Pha Luông, lưu vào máy và quay lưng chào mọi người, dò dẫm ngược dốc. Tôi dự tính sẽ đến Trạm trước khi trời tối. Đi bộ từ từ, chỉ có một đường độc đạo không sợ lạc, lại có sẵn ít đồ ăn nước uống để mai leo núi xách theo nên tôi khá tự tin. Tôi vừa leo dốc vừa nhẩm đếm bước chân mình, vừa đi vừa thi thoảng nhìn lên phía đỉnh Pha Luông để lấy thêm động lực. Được gần nghìn bước tôi bỗng nghe tiếng xe máy phía sau, ngoảnh lại thấy Đại đang lóc cóc phi lên theo. Đại giải thích, không muốn để tôi đi một mình nên cố sức đẩy xe qua con dốc hiểm trở rồi đi tiếp ở đoạn đường dễ hơn. Đại giục tôi lên xe tiếp tục hành trình. Đi thêm khúc nữa chúng tôi gặp một người đàn ông mặc quần đùi, ở trần, da ngăm đen phi xe máy ngược chiều. Đó chính là Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh. Gặp chúng tôi anh chào qua rồi không nói không rằng, quay ngược xe bảo tôi sang xe anh. Nhìn chiếc xe bánh sau được cuốn xích vào lốp từng khúc như bánh xe tăng, tôi nghĩ bụng, đây mới là loại chiến mã chuyên dụng cho cung đường này. Đi một lúc nữa con chiến mã xịt lốp trước. Bất chấp, Mạnh cứ thế phi tiếp. Cuối cùng chúng tôi cũng có mặt ở Trạm kiểm soát biên phòng khi cơn mưa vừa đi qua, sớm hơn dự kiến.

Dù trời mưa, nhưng ở tận cùng về hướng Tây của đất nước, nơi mặt trời dời đi muộn nhất, ánh sáng ban ngày thường lưu lại lâu hơn. Theo quy luật miền núi, sau mưa mây mù từ các thung lũng đùn lên trườn khắp các sườn núi. Khoảng không được lấp đầy bởi những đám hơi nước mỏng tang la đà. Mặt trời giấu mặt sau mây lại le lói, toả ra những dải quạt màu vàng như ảo ảnh. Núi đồi trong veo thanh sạch. Mây, núi và ánh sáng quyện hoà, hoàng hôn huyễn hoặc như một nghi lễ tiễn mặt trời về bên kia biên giới, những dải mây lửa lưu luyến chia tay đỉnh núi trong ánh chiều nhập nhoạng. Đỉnh Pha Luông, “đối tác” chính của tôi ở phía sau, chếch về bên phải Trạm kiểm soát biên phòng, ẩn hiện như một mời gọi, một thách thức. Từ chỗ chỉ biết đến Pha Luông qua một câu thơ, từ chỗ ngắm Pha Luông ở cự li rất xa, từ một Pha Luông trở đi trở lại khi tham quan nhà trưng bày các kỉ vật về đoàn quân Tây Tiến tại Mộc Châu, từ một Pha Luông trong tâm tưởng, giờ đây, Pha Luông hiện ra trước mắt tôi, thật gần.

Tôi bồi hồi nghĩ đến chặng đường ngày mai…

Đường lên Pha Luông đi qua cột mốc 268

Một Pha Luông từ thơ ca

Không nằm trong top các đỉnh núi cao nhất miền Tây Bắc Việt Nam, nhưng Pha Luông lại có lợi thế khác khi nó gắn với lịch sử thơ ca chiến tranh cách mạng. Đỉnh núi này kết nối vững chắc với hình ảnh đoàn quân Tây Tiến trên bước hành quân qua những cung đường từ Hoà Bình lên Mộc Châu, toả khắp vùng Tây Bắc, vượt Pha Luông sang Hủa Phăn, Sầm Nưa của Lào, về Thanh Hóa, sang lại Hòa Bình… Và đoàn quân ấy, dù ròng rã trên địa bàn trải dài vùng biên giới hai nước Việt - Lào, thì Pha Luông, ở vị trí ngã ba, ranh giới ba tỉnh Thanh Hoá, Sơn La, Hủa Phăn, vẫn đứng đó như một tâm điểm nhận diện, khi phía Tây, phía Đông, lúc phía Nam, phía Bắc với đỉnh cao nhất mang hình dáng một mái nhà.

Tôi đã có dịp đi lại cung đường Tây Tiến trên đất Thanh Hóa, dọc Mường Lát, Sài Khao, đến thượng nguồn sông Mã đoạn chảy vào Việt Nam, đi từ Thành phố Thanh Hóa lên tận cửa khẩu Tén Tằn. Hình ảnh nhà ai Pha Luông mưa xa khơi trong bài thơ Tây Tiến, theo tôi, Quang Dũng lấy điểm nhìn từ đất Thanh Hóa. Dọc đường lên Sài Khao sương lấp với những con dốc khúc khuỷu thăm thẳm ấy, người ta có thể cảm nhận rõ những gì Quang Dũng mô tả. Từ Sài Khao, sau những lớp núi mờ sương, đỉnh Pha Luông lấp ló xa khơi trong biển sương mù chập chùng bảng lảng. Hình ảnh thơ ấy chỉ có thể ở khoảng cách đủ xa. Tôi đã kiểm tra lại nhận định này bằng cách chạy xe máy từ Sài Khao về xã Tam Chung của Mường Lát, lên Bản Ón, nơi ngã ba giao giữa Thanh Hóa, Sơn La và Hủa Phăn của Lào, nghĩa là đi từ xa lại gần Pha Luông tầm 30 cây số. Ở đây có cột mốc 270, phía Thanh Hóa là Bản Ón, Sơn La là bản Cột Mốc, thuộc xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ. Ở vị trí cột mốc 270, cảm giác như có thể “chạm vào Pha Luông”. Chạm bằng ánh mắt thôi chứ để leo thì phải sang đất Sơn La.

Dù cung đường thơ Tây Tiến trải dài như thế, nhưng nơi thực sự lưu giữ những kí ức về nó gắn với lịch sử Trung đoàn 52 lại là tại Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng đàng hoàng, trong đó có nhà trưng bày các kỉ vật do chính những cựu binh Tây Tiến gom góp, sưu tập về tại Tiểu khu 12, Thị trấn Mộc Châu. Tại đây, bài thơ Tây Tiến được dành cho một vị trí trang trọng. Chính khu lưu niệm Tây Tiến ấy đã được thiết kế và thi công theo cảm hứng bài thơ mà tác giả là Đại đội trưởng trong đoàn quân Tây Tiến. Ở Châu Trang, Thượng Cốc, Lạc Sơn, Hoà Bình cũng có một bia tưởng niệm Trung đoàn 52, ghi dấu những ngày trung đoàn đứng chân nơi đây, có trạm xá quân y chữa trị cho các chiến sĩ mà đa số vì sốt rét và thiếu thuốc men đã nằm lại Thượng Cốc 200 người. Phía Thanh Hóa có một phù điêu nhỏ được xây dựng tại bản Sài Khao ghi dấu về đoàn quân Tây Tiến, thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Ở Thượng Cốc và Mường Lý cũng có trường mầm non và trường tiểu học mang tên Tây Tiến, nhưng về mặt phát triển du lịch thì vẫn ngủ yên, trừ những phượt thủ, những cựu binh và khách tự do tìm đến. Với Thanh Hoá, một phần có lẽ bởi Mường Lát quá xa xôi với tỉnh lị Thanh Hóa, khi phải di chuyển tới 250km với 8 tiếng đồng hồ xuôi dòng sông Mã. Còn Sơn La thì ngược lại, mọi thứ thuận lợi hơn, từ Mộc Châu lên Pha Luông, điểm sát biên giới, chỉ vài chục cây số, già một tiếng chạy xe, và Mộc Châu lại là một trung tâm du lịch, tạo ra sự kết nối tự nhiên giữa những điểm đến trên địa bàn huyện. Một lợi thế khác, đó là Mộc Châu nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, vùng đất có vị trí địa quân sự đặc biệt quan trọng, gắn với kí ức chiến tranh nhân dân suốt thời kì kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, thực dân Pháp lập đồn Mộc Lỵ ở đây để chốt chặn quân ta, ngăn chi viện lên Tây Bắc và hướng di chuyển lên Thượng Lào. Năm 1952, quân ta đã tấn công tiêu diệt đồn Mộc Lỵ mở đường Chiến dịch Tây Bắc, tạo tiền đề cho Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mộc Châu, Sơn La là nơi ghi dấu điểm dừng chân của nhiều đơn vị, đặc biệt là Trung đoàn 52 Tây Tiến. Các đơn vị từ những địa phương khác nhau lên tập trung tại Mộc Châu rồi mới toả ra các vùng của Sơn La, Lai Châu, sang Lào. Bởi thế, đây gần như là điểm hẹn của quân Tây Tiến. Hiện nay trong tổng thể quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến cùng với đồn Mộc Lỵ là hai di tích quốc gia liền kề. Mộc Châu còn một di tích quốc gia khác là Hang Dơi hay còn gọi là động Thiên Đường, cũng là địa danh gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng khi là nơi trú quân của nhiều đơn vị bộ đội, trong đó có bộ đội Tây Tiến, nhưng tôi sẽ nói về nó vào một dịp khác.

Pha Luông gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng và thơ ca như thế. Để hôm nay, hễ ai đó nhắc đến Pha Luông thì gần như người ta đều liên tưởng đến câu thơ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi cùng những bước chân của đoàn quân Tây Tiến.

Đỉnh Pha Luông

Một Pha Luông của hiện tại

Nếu như chọn một đỉnh núi để chinh phục về độ cao thì đó không phải là Pha Luông, mà là Fansipan - nóc nhà Đông Dương, hoặc Pu Si Lung, Pu Ta Leng rồi Ky Quan San, Khang Su Văn… cao trên 3.000m thuộc hàng top về độ cao của Tây Bắc, cũng là của cả Việt Nam.

Vậy còn Pha Luông?

Pha Luông cao 1.865m. Ở Việt Nam, những ngọn núi cao trên 2.000m có khoảng vài chục, chỉ chiếm khoảng trên dưới 1% diện tích rừng núi Việt Nam. Những ngọn từ 1.000 đến 2.000m, được coi là có độ cao trung bình, cũng chỉ chiếm khoảng 14% và Pha Luông được xếp vào nhóm này.

Nhưng Pha Luông lại mang những giá trị riêng.

Bên cạnh lịch sử và văn học, đỉnh Pha Luông được biết đến với danh xưng “nóc nhà Mộc Châu”. Điều này một phần bởi nó không giống bất kì đỉnh núi nào khác xung quanh. Với những vách đá dựng đứng ở sườn Tây, phần đỉnh gần như một mặt phẳng nghiêng trải thấp dần về hướng Đông Bắc như một “mái nhà” lợp nghiêng trên bình địa 1.800m, thơ mộng. Bởi vậy tên gọi ấy theo cả nghĩa đỉnh núi cao nhất Mộc Châu và hình dáng mái nhà của nó.

Pha Luông tạo ra nét khác biệt cho Mộc Châu, khác biệt với chính Mộc Châu khi được mặc định là một bình nguyên xanh thẳm bốn mùa hoa trái. Ở góc độ du lịch, người ta như tìm thấy một Mộc Châu khác ở độ cao gần hai nghìn mét. Việc khai thác Pha Luông sẽ rất phù hợp cho du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá, mạo hiểm.

Ở Pha Luông trước đây, tội phạm ma túy khá nhiều. Thiếu tá Mè Thanh Tùng, Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho biết, thời gian những năm 2017 - 2019 tình hình địa bàn nóng đến mức Tỉnh ủy Sơn La phải chỉ đạo rốt ráo, thậm chí các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an phải vào cuộc mở chiến dịch truy quét. Tội phạm hoạt động có tổ chức và ngang nhiên suốt một thời gian dài. Phía ta lực lượng biên phòng thì mỏng, một tổ công tác vài ba người trong khi phía tội phạm vận chuyển ma túy đi hàng đoàn bốn năm mươi người, chúng cũng trang bị súng AK, K54, K59, thậm chí cả cạc bin; phía công an, biên phòng có chó nghiệp vụ, chúng cũng có chó đánh hơi. Vận chuyển ma tuý mà rầm rập như ra trận, ngang nhiên và bất chấp tất cả. Khi bị phát hiện, chúng chống trả quyết liệt, cán bộ chiến sĩ hi sinh, đến chó nghiệp vụ cũng bị chúng hạ sát trong những trận giáp chiến. Thuở xưa bộ đội Tây Tiến hành quân sang Lào đánh Pháp thì bây giờ dân buôn bán, vận chuyển ma tuý hành quân đưa cái chết trắng từ Tam giác Vàng, qua Lào về Việt Nam. Ban đêm, trên đỉnh Pha Luông, chỉ cần có ánh đèn le lói là rất dễ ăn ngay một loạt AK bởi chúng nghi ngờ lực lượng biên phòng mật phục. Tội phạm ma tuý luôn chọn cách ra đòn trước, bởi nếu bị bắt thì chắc chắn với số ma túy mang theo chúng sẽ nhận về án tử. Cuộc chiến chống tội phạm ma tuý vì thế luôn cam go, khốc liệt hơn nhiều loại tội phạm khác.

Vì sao cung Pha Luông lại được dân buôn ma túy ưu ái lựa chọn để qua lại nhộn nhịp như vậy? Chính là vì khoảng cách địa lí. Cái sự gần thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, đánh thức tiềm năng du lịch đâu chưa thấy, nhưng đã bị tội phạm lợi dụng triệt để. Ma tuý từ Tam giác Vàng qua Hủa Phăn, Pha Luông để ra Quốc lộ 43, về Quốc lộ 6 xuôi Hà Nội rất gần, gần hơn nhiều nếu đi những con đường khác, chẳng hạn qua mạn Thanh Hoá. Bởi thế, bất chấp sự hiểm trở của Pha Luông, bất chấp sự cản phá của lực lượng chức năng, tội phạm ma túy vẫn liều lĩnh hoành hành. Nhiều đường mòn, lối mở tự phát qua biên giới đã hình thành chỉ để vận chuyển ma tuý. Vụ ma túy tại Hang Dơi, Lóng Luông thuộc huyện Vân Hồ vài năm trước bị triệt phá với những câu chuyện kinh hoàng là một ví dụ điển hình. Sau những chuyên án triệt phá quyết liệt, tình hình phía ta tạm yên, nhưng ở phía bạn Lào vẫn còn nhiều phức tạp. Thời gian gần đây, số ma túy cơ quan chức năng của Lào bắt giữ vẫn rất lớn, có vụ số lượng tàng trữ, vận chuyển lên đến vài tạ.

Bây giờ Pha Luông đã bình yên hơn. Sự nhộn nhịp nếu có cũng ở hướng tích cực hơn. Hàng năm có hàng nghìn lượt dân phượt trekking đỉnh Pha Luông. Tất cả đều phải đăng kí và nhận cấp phép vào khu vực biên giới của Trạm kiểm soát biên phòng Pha Luông, thuộc sự quản lí của Đồn Biên phòng Chiềng Sơn. Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh cho biết, một nguyên tắc bất di bất dịch đó là không giải quyết cho khách lên Pha Luông qua đêm, hành trình khám phá chỉ gói gọn trong ngày. Quy định mới về qua lại biên giới của nhân dân khu vực giáp biên cũng đã thay đổi, thay vì chỉ cần chứng minh nhân dân như trước thì giờ đây vẫn phải có hộ chiếu và đăng kí qua cửa khẩu.

Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh nói với tôi, vào mùa leo núi, các đoàn phượt đến Pha Luông khá đông, họ thường đến chân núi vào hôm trước nghỉ lại để hôm sau leo sớm. Có những đoàn đăng kí lên đến 200 người. Từ những hoạt động này, đồng bào dân tộc bản Pha Luông có thêm một nghề mới gọi chuyên nghiệp là porter, tức dẫn đường và gùi đồ giúp dân phượt lên núi. Mỗi chuyến như thế một người dân có thu nhập khoảng 400 nghìn đồng. Còn từ phía đường đất vào chân núi cũng có dịch vụ xe ôm vận chuyển người với giá cả hợp lí. Ở chân núi có vài điểm lưu trú phục vụ nghỉ ngơi và ăn uống cho những phượt thủ thích cảm giác chinh phục độ cao trước và sau khi leo núi.

 

Pha Luông có gì?

Sòng phẳng mà nói, nếu đọ về độ cao và cảnh sắc của cung leo thì Pha Luông chưa có tên trên bản đồ của dân trekking Việt. Nhưng nó vẫn có sức quyến rũ. Trước hết, như phần trên đã nói, liên quan đến bài thơ Tây Tiến. Thứ hai, điểm độc đáo, khác biệt của Pha Luông theo trải nghiệm của cá nhân tôi, nằm ở điểm đến hơn là ở hành trình. Nếu như các cung leo chinh phục những ngọn núi khác trên đất Tây Bắc, mỗi hành trình là vô vàn những hấp dẫn từ hoa đỗ quyên đẹp rụng rời của Bạch Mộc, hoa chi pâu tím lịm ở Nhìu Cồ San, lá phong đỏ thắm ở Pu Ta Leng… và vô vàn những cảnh khiến du khách phải dừng chân check-in dọc đường thì ở Pha Luông không bằng. Tuy nhiên, Pha Luông có một đỉnh núi không giống bất kì một đỉnh núi nào khác, một đỉnh núi cách biệt với những vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét như một tạo tác giữa mây trời, sừng sững như một đài quan sát để thỏa sức ngắm nhìn non sông cẩm tú. Một khác biệt đem lại lợi thế nữa đó là diện tích đỉnh Pha Luông trên một mặt bằng tương đối, nhưng quan trọng là nó rất rộng, như một bình nguyên trên cao, lên tới 6ha. Đây quả là thứ trời ban, khiến người ta mất hẳn cảm giác đang ở trên đỉnh núi cheo leo với độ cao gần 2.000m sau một chặng leo chồn chân mỏi gối.

Thêm nữa, Pha Luông, để chinh phục nó không quá khó khăn với thời gian siêu ngắn cho một cuộc trekking xuất phát từ Hà Nội, có thể coi như một cuộc “nháp chân” xứng đáng trước khi thử sức ở những ngọn núi cao gấp rưỡi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Mộc Châu nằm ở vị trí cửa ngõ Tây Bắc, từ Hà Nội chỉ cần di chuyển 150km với ba tiếng đồng hồ là đã có thể ung dung ngồi ngắm núi đồi thảo nguyên. Thêm 40km di chuyển nữa là đã đến chân núi để hôm sau có thể bắt đầu hành trình chinh phục và trở về. Chỉ với hai ngày cuối tuần những người ưa phiêu lưu mạo hiểm hoàn toàn có thể làm chủ độ cao này. Nếu như cao tốc Hoà Bình - Sơn La tới đây được hoàn thành thì thời gian di chuyển từ Hà Nội lên còn giảm hơn nữa.

Một điều đặc biệt có thể cảm nhận rõ nữa đó là vị trí của Pha Luông nằm trên đường biên giới Việt - Lào. Một số ngọn núi khác như Fansipan, Ky Quan San, Lảo Thẩn cũng ở sát biên giới nhưng cảm giác về biên giới không rõ ràng như ở Pha Luông. Đỉnh Pha Luông dựng đứng ở sườn Tây như một cách biệt với núi rừng Lào. Từ đây có thể quan sát trùng điệp núi non xanh biếc cùng những bản làng nhỏ xíu bên nước bạn. Chỉ có ở Pha Luông bạn mới có cảm giác đứng trên bìa núi phía dưới là vách đá dựng đứng hun hút hàng trăm mét. Những điều này chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn khi trực tiếp trải nghiệm.

Khi chúng tôi kết thúc hành trình chinh phục đỉnh Pha Luông về đến Trạm kiểm soát biên phòng thì đã thấy Đại uý Hà Văn Phượng cùng nhà văn Đào An Duyên và Trạm trưởng Mạnh chờ bên mâm cơm. Hoá ra sáng nay Phượng cũng đã chở Đào An Duyên quay lại bản Pha Luông để tìm gặp Trưởng bản Sồng A Tủa tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào người Mông dưới chân núi, sau đó hai người vào Trạm kiểm soát cùng làm cơm với Mạnh để đón đoàn leo núi trở về. Sáng hôm ấy chúng tôi thức dậy vào 5 giờ rưỡi, ăn sáng và làm công tác chuẩn bị. Trạm trưởng Mạnh đưa một đôi giày vải bộ đội cho tôi thay đôi giày lười đang mang. Tôi, Đại uý Lường Văn Đại và Thượng uý Lò Văn Quyền, thành viên Tổ công tác Đồn Biên phòng Chiềng Sơn tại bản Pha Luông cùng lên đường. Có lẽ tôi sẽ không kể chi tiết hành trình này như một dân phượt với đam mê khám phá, nhưng hành trình ấy đã giúp tôi hoàn thiện những cảm nhận về Pha Luông, về vùng biên giới còn nhiều bí ẩn về mọi mặt nằm bên trời Tây Bắc.

So với nhiều cung phượt chinh phục các đỉnh núi Tây Bắc khác, với độ cao vừa phải, cung leo Pha Luông không quá dài và hiểm trở. Chúng tôi đã đi qua những khoảng ruộng bậc thang xanh mướt, những trảng cỏ trâu bò thong thả kiếm ăn, những phiến đá lớn đủ hình thù, những triền hoa dại bắt nắng lấp lóa. Đặc biệt, chúng tôi đã chọn cung đường dài hơn để ghé được hai cột mốc biên giới quốc gia 267 và 268 trên đường biên giới Việt - Lào, trong đó vị trí cột mốc 268 thực sự là nơi đánh dấu hành trình chinh phục Pha Luông. Bởi tại đây chếch về phía Nam, nhìn lên trời cao là nóc nhà Pha Luông như một tòa cao ốc cả trăm tầng uy nghi. Sau vài tiếng leo, tưởng như đã gần lên tới đỉnh, đứng ở vị trí cột mốc 268, đập vào mắt tôi là ngọn núi sừng sững như thể hành trình leo bây giờ mới thực sự bắt đầu, nhìn lên khối núi trơ vách đá trên cao cho tôi cảm giác những nỗ lực vừa rồi chỉ là bản nháp. Ở vị trí đối diện nóc nhà ấy, chúng tôi phải leo vòng sang sườn phía đông để tiếp tục lên cao, bởi đỉnh Pha Luông chỉ có thể tiếp cận từ hướng này.

Cần nói thêm rằng, trong dãy núi dọc biên giới Việt - Lào này, ngoài đỉnh Pha Luông hình mái nhà độc đáo, kề đó là hai đỉnh núi khác cũng khá ấn tượng. Một đỉnh như hình các ngón tay chụm lại với các đỉnh nhỏ tõe ra vô cùng hiểm trở. Dân địa phương cho tôi biết, chỉ một số người đi tìm phong lan và các sản vật của rừng mới đặt chân đến đây. Đỉnh này có lẽ không dành cho du khách, cũng chưa có dân trekking nào khám phá. Tiếp đó là một đỉnh núi khác có hình con bò đang nằm, người Mông xung quanh chân núi vẫn gọi nôm na là núi con bò. Cả hai đỉnh thấp hơn này đều có thể ngắm ở cự li gần khi leo Pha Luông, đảm bảo cho mỗi người đến đây một sự mãn nhãn, cảm giác dù đã chinh phục đỉnh Pha Luông thì dãy núi này vẫn nắm giữ nhiều bí ẩn.

Có thể nói, bước ra từ câu thơ Quang Dũng, Pha Luông đã thực sự có những vị thế độc lập, đủ sức quyến rũ những bước chân ưa khám phá, thử thách những ý chí ưa mạo hiểm bằng sự kiêu hãnh trữ tình.

 

Một Pha Luông của tương lai gần

Tôi đã cố gắng truy vết lịch sử chiến tranh cách mạng trên những địa danh được nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến ở thì hiện tại trong đó có Pha Luông và thấy rằng, đang có một sự chuyển đổi tâm thức từ một Pha Luông địa danh cách mạng sang một Pha Luông địa danh du lịch, và đương nhiên đây vẫn là một vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh.

Có một vị khách du lịch khi đến Mộc Châu đã đưa ra một câu hỏi khiến chính những lãnh đạo địa phương cảm thấy không dễ để tìm lời giải đáp. Đó là, trong quy hoạch của Pháp từ hàng trăm năm trước, những điểm du lịch ở Việt Nam đều được khảo sát, đánh dấu trên bản đồ, có xây dựng một phần để phục vụ việc nghỉ dưỡng, bản quy hoạch ấy không hề có tên Mộc Châu. Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu chia sẻ, từ trăn trở ấy, huyện đã cử đoàn công tác xuống Hà Nội, tìm đến Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ để nhờ tra cứu tài liệu, tìm kiếm những gì liên quan, đúng là không hề có. Câu trả lời chỉ có thể là thời tiết, đất đai phong thổ nơi đây những năm đầu thế kỉ XX chưa phù hợp cho nghỉ dưỡng, và khái niệm du lịch nghỉ dưỡng từ thế kỉ trước cũng có những điểm khác xa hôm nay. Thời trước dân gian vẫn truyền tụng câu “nước Sơn La, ma Hoà Bình” để nói về một Sơn La nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng Mộc Châu, Sơn La hôm nay đã khác. Mộc Châu đã là một điểm nhấn, một dấu chấm xanh trên bản đồ du lịch của vùng Tây Bắc. Cùng với sự mát mẻ trời ban, cùng hoa trái bốn mùa, cùng với đồi chè thơ mộng, thảo nguyên mênh mông cỏ, Mộc Châu còn có những sản phẩm du lịch mới, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp… Bên cạnh những loại hình du lịch truyền thống còn có những dịch vụ du lịch mới áp dụng công nghệ thiết kế - xây dựng hiện đại để trải nghiệm cảm giác mạnh như cầu kính Bạch Long, cầu kính Tình Yêu các khu vui chơi khám phá thiên nhiên và con người, văn hoá miền Tây Bắc. Và Pha Luông vẫn còn đó, như một mời gọi.

Trong bản đồ du lịch Mộc Châu, đỉnh Pha Luông được định vị với tên gọi Nóc nhà Mộc Châu, một cái tên không thể hay hơn. Điểm đến này có sự kết nối với Khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến. Tên gọi Pha Luông hiện đã được một công ti du lịch chọn làm tên gọi cho mình nhưng đỉnh Pha Luông vẫn đang còn là một “dũng sĩ rừng xanh” ẩn mình dưới những lớp mây mù. Hôm nay lớp mây mù ấy đang từng bước được vén lên. Sau hành trình 4 tiếng leo lên đỉnh Pha Luông, ưỡn ngực cảm nhận nắng, mưa, sương mù trên độ cao gần hai nghìn mét chúng tôi mất 3 tiếng để trở về. Khi tôi vừa xuống núi cũng là lúc hay tin đoàn khảo sát của UBND tỉnh Sơn La do đích thân Chủ tịch tỉnh Hoàng Quốc Khánh dẫn đầu cùng đại diện một số ban ngành, lực lượng quân đội, công an đã có chuyến leo Pha Luông để đánh giá tổng thể, nhằm tìm hướng đánh thức Pha Luông, làm sao để quản lí danh thắng này một cách hiệu quả, đảm bảo quốc phòng, an ninh nhưng vẫn góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch một cách hài hòa, đúng định hướng chiến lược của tỉnh.

Như vậy, Pha Luông, trong một thời gian không xa nữa, sẽ thức dậy những tiềm năng mới. Rất có thể, những cựu chiến binh, những người yêu thích lịch sử, địa lí, yêu thích văn học chiến tranh cách mạng muốn đi thăm một địa danh trong miền thơ Quang Dũng sẽ không còn phải trèo đèo lội suối, vượt dốc luồn rừng mới có thể chiêm ngắm đỉnh núi ngạo nghễ và kiêu hãnh như một chứng nhân suốt những năm tháng lịch sử xoay vần, với những dấu chân người lính trải khắp núi cao rừng thẳm hai nước Việt - Lào, chứng kiến sự đổi thay của Sơn La và Tây Bắc.

Pha Luông ngày mai có thể sẽ không còn phải chồn chân mỏi gối với những trang bị chuyên dụng và một sức khoẻ dẻo dai, người ta có thể thong dong ngồi cáp treo chiêm ngưỡng những thế núi hình sông, vách cao vực sâu, cảm nhận mây bay hoa nở… Pha Luông của ngày mai, có thể sẽ là nơi người ta đón bình minh trên nóc nhà Mộc Châu giữa biển mây bồng bềnh sau một đêm ngon giấc. Diện tích 6ha trên đỉnh núi ở độ cao gần 2.000m quả là một đặc ân, có thể tận dụng ưu thế này để triển khai dịch vụ lưu trú. Với những gì Pha Luông đang có, hoàn toàn có thể tin vào điều ấy

Mộc Châu, tháng 7 năm 2023
N.X.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)