Nằm trong lòng phố

Thứ Sáu, 29/03/2024 07:37

. TRƯƠNG TUỆ ĐĂNG
 

Lẽ ra ngoại đã bằng lòng khi mất sẽ chôn tại nghĩa trang tương tế đồng hương nếu như không về quê ăn đám cưới nhà người anh họ. Lâu ngày mới gặp được đông đảo bà con nên ngoại mừng lắm. Mấy chục năm xa quê lên Sài Gòn năm nào ngoại cũng về quê nhưng khi có mặt người này thiếu vắng người khác. Lúc ngồi trong bàn tiệc một người buột miệng hỏi sau này dì có muốn về với quê không. Ngoại trả lời còn ai đâu. Gia đình con cái đều trên Sài Gòn. Tưởng tới đó thì thôi, chuyện phiếm lúc tiệc tùng nghe tai này qua tai kia chẳng nên để lại trong đầu làm gì.

Vừa lúc ông chủ hôn tới, ông là anh họ của ngoại. Ông nói đất quê luôn luôn rộng mở chào đón những người con xa xứ như cô. Ngoại nhìn ông anh họ. Ngoại luôn có cái nhìn xoáy tâm can người ta. Ngoại hay nói người ta dù nói dối thượng thừa khéo che đậy cũng bị lộ qua ánh mắt. Ở đây, ngoại không thấy ông anh nói cho vui. Ánh mắt ông anh ngời lên sự chân tình. Ông nói người sống thì nhiều chứ chết bao nhiêu, vỏn vẹn hai thước đất, tôi không lo nổi cho cô sao. Đi muôn nơi về một hướng. Mồ mả ông bà nhà ta đều ở đây mà. Ngoại rưng rưng nói để về bàn lại với sắp nhỏ rồi tính tiếp.

Minh họa: Công Quốc Hà

Từ bữa ở quê lên ngoại cứ nằn nì với dì hai là mai mốt má chết tụi bây đem má về quê chôn. Dì chưng hửng sao má đổi ý vậy. Con đã mua sẵn một suất cho má ở nghĩa trang hội đồng hương rồi. Dì nói về quê bất tiện đủ thứ. Bất tiện thứ nhất là quá xa vì Sài Gòn cách quê non một trăm cây số. Bất tiện thứ hai là đường sá ngoằn ngoèo cách trở muốn về tới quê phải đi một chặng xe, qua một con phà rồi lại đi xe tiếp qua một bến đò ngang rồi lại đi xe mới tới nơi. Bất tiện thứ ba là sau này con cái muốn thăm nom chăm sóc mồ mả cũng khó, chỉ có thể về mỗi năm một lần vào dịp tảo mộ hai mươi tháng chạp.

Ngoại nghe, đưa ra ba cái tiện nếu an táng tại quê. Tiện thứ nhất là không phải tốn kém tiền mua đất. Tiện thứ hai là đã có họ hàng dưới quê chăm mồ mả thay. Tiện thứ ba mà cũng là cái tiện nhất là nằm ở đó sẽ vĩnh cửu không có chuyện một thời gian dính quy hoạch lại phải bốc mộ.

Ý kiến của ngoại và dì hoàn toàn trái ngược nhau và không ai chịu nhượng bộ ai. Ngoại chốt tôi nói rồi mà mấy người không nghe lời sau này tôi chết không thể nào nhắm mắt. Nghe ngoại kêu mấy người xưng tôi là dì biết ngoại đang giận. Dì nói thôi con chịu thua má rồi. Tất nhiên là dì không có chịu thua đâu. Dì đã dự tính khi bà ngoại mất rồi mọi sự cứ theo kế hoạch của dì mà thi hành. Người chết chẳng thể nào phản đối được. Dì buồn rầu than thở với cả nhà má lẩm cẩm rồi, khi khổng khi không lại đòi về quê cho bằng được.

*

*        *

Ngoại rời quê lúc dì hai còn chưa ra đời. Ông bà ngoại xa quê bằng một cuộc đào thoát. Cuộc đời vốn nhiều khúc quanh chẳng ai biết sau ngã rẽ điều gì đang chờ đợi mình. Ở đoạn đầu đời nhiều niềm vui, ông bà cố chỉ có hai người con gái, bà ngoại là con út trong nhà. Ở thời buổi nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô nhưng ông bà cố rất thương hai con gái. Bà ngoại vẫn được đến trường học. Ngoại nghịch ngợm hiếu động và chơi cùng đám con trai trong lớp. Rượt đuổi chạy khắp sân trường. Tan học về đi leo trèo hái dừa, trèo lên cây công chúa hái bông chứ không chờ hoa rụng như đám con gái trong lớp. Một lần ngoại tranh giành với trò Long để bẻ một chùm bông công chúa vàng ươm ở tuốt ngoài đọt nhánh cây. Hai đứa cùng men theo nhánh cây. Ngoại nói để tao, trò Long cũng nói để tao. Trò Long trong bụng cũng muốn nhường nhưng muốn đứa con gái phải xuống nước trước. Bà ngoại đời nào chịu. Vậy là hai đứa nhỏ trèo ra nhánh cây, ở dưới đám học trò la hét xuống đi, té bây giờ nhưng không ai chịu nhường ai. Cuối cùng nhánh cây gãy là té thiệt. Mà nhờ vụ té cây ngoại mới biết trò Long là con của ông chủ người Minh Hương - một cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ.

Từ bữa đó nhóm bạn của ngoại bắt đầu những trò mới. Khi thì giấu tập, khi thì chặn đường đánh trò Long. Trò Long không thua nhưng thường bỏ chạy. Ba mươi sáu chước thì tẩu đào vi thượng, mình không bị sát thương mà đối thủ cũng chẳng thiệt hại gì. Không bắt nạt được trò Long ngoại càng tức mình hơn. Những bài học lịch sử ở trường càng nung nấu ngoại hơn khi thầy giáo kể về tội ác giặc ngoại xâm nào là bắt người dân xuống biển mò trai lấy ngọc, lên rừng săn voi lấy ngà, nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ… Khi đó ánh mắt của bạn bè trong lớp ngoại nhìn về trò Long bừng căm hờn. Như thể thằng con trai chân tay lẻo khẻo ngồi cuối lớp đó là hiện thân của Mã Viện, Vương Thông, Tôn Sĩ Nghị… Trò Long ban đầu vô tư nhưng dần dần hiểu thái độ của đám bạn cùng lớp với mình là thế nào nên cũng lẩn tránh, trở nên trầm lặng hơn.

Trò Long sinh ra và lớn lên trên cù lao giữa sông Tiền. Những đêm trăng đám con nít ngồi ngoài sân nghe người lớn kể chuyện, rằng cố hương xa tít như dải sao mờ đang có chiến tranh ác liệt. Có ai ngờ ở một đất nước có truyền thống xâm lược nước khác cũng có lúc phải oằn mình đau đớn vì bị giặc ngoại xâm đàn áp. Những nhóm người đứng lên khởi nghĩa ai cũng nói sẽ đem lại độc lập cho dân tộc, những tuyên ngôn đẹp đẽ… Người dân không đứng về phía ai cũng bị vùi dập. Đi thôi. Từ thế kỉ XVI đã có người đến Hội An, Hà Tiên, Nông Nại đại phố... Đến đâu là buôn bán tấp nập sầm uất đến đó.

Một bữa trò Long đi học về ngang cây thị nghe gọi tên, ngước nhìn lên thấy ngoại ngồi vắt vẻo trên cây. Ngoại nhứ nhứ trái thị, chụp nè. Long vừa giơ tay định chụp thì bất ngờ thấy mình bị trùm lưới. Rồi bị đánh đấm túi bụi, tới khi có thầy giáo đi ngang cả đám ù té chạy. Khi thầy hỏi ai đánh thì trò Long khăng khăng bảo không biết, không nhớ tên người đánh mình dù biết đích xác là ai.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi cho đến khi ông cố mất đột ngột năm bà ngoại mới mười ba tuổi. Ông đi ăn đám giỗ uống rượu say qua đò bị trúng gió, khi mất nồi thuốc sắc trong siêu chưa kịp uống. Vậy là ba mẹ con phải đùm túm nuôi nhau nhờ bán bì bún ở trước rạp hát kiếm đồng ra đồng vào. Bà cố một nách hai con khó có thể chu toàn, ngoại nghỉ học ở nhà lo phụ buôn bán.

Năm bà ngoại mười bảy tuổi người ta mai mối một đám. Nghe bà cố nói nhà họ hiền lành, làm ăn chân chất thì ngoại ưng. Bữa họ nhà trai giáp mặt biết người sẽ thành chồng mình là trò Long ngoại dứt khoát không đồng ý. Bà cố buồn xo, khách về rồi ngồi khóc. Tức mình vì có đứa con gái ngỗ ngược nhưng cũng thương vì nó mồ côi cha. Mà tính ra chuyện trăm năm thôi đừng đặt đâu ngồi đó nữa, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên.

Sau lần đó trò Long biệt tăm. Nghe đâu đi làm ăn xa tận cù lao Phố - Biên Hòa, làm nghề gốm phát đạt. Nghe đâu là đã cưới một cô vợ xinh đẹp. Nghe đâu… Tin tức cứ tới quán bì bún mỗi ngày. Ngoại nghe thì nghe chứ không để ý. Cho tới tết năm đó, lúc cúng giao thừa xong bà cố thắp nhang trên bàn thờ ông cố. Bà cố thưa rằng con nhỏ út nhà mình hai mươi lăm tuổi rồi mà chưa có chỗ nào tới nói, chắc họ sợ bẽ bàng như nhà ông người Minh Hương. Ngoại nghe thấy tủi thân lắm nhưng đã nhất quyết rồi phải cưới một người đáng trọng.

Năm đó có ông bác sĩ ở Sài Gòn về quê, những buổi tụ tập đông người như cúng đình, coi hát ông đứng diễn thuyết nói cho bà con nghe tình hình đất nước đang một ách hai tròng. Đồng bào miền Bắc đói, người chết như rạ, những con người gầy gò trơ xương má tóp mắt trũng lờ đờ đi. Ngoại đứng nghe mê mải như nghe thầy giảng bài lịch sử hôm nào. Người ta nói ông bác sĩ làm quốc sự về quê vận động người theo tổ chức. Ngoại không biết nhiều về quốc sự chỉ thấy là thương đồng bào căm thù lũ giặc ngoại xâm. Một bữa ông bác sĩ bị truy đuổi chạy vào quán của bà cố. Bà cố sợ liên lụy nên không cho vào trú. Bà ngoại nói cứ cho ông ta vào đi. Có toán lính đi qua hỏi có thấy một thằng bị thương chạy qua đây không. Ngoại tỉnh bơ, tui mắc xé bì nên không để ý. Nghe lính tráng bảo nhau nhà toàn đàn bà con gái nên chắc không dám cho thằng đó vô đâu.

Đêm đó chợt có tiếng gõ cửa. Ngoại lo lắng hỏi ai rồi nói vọng ra, khuya rồi không có bán đâu. Tiếng người gõ cửa xưng tên, ông bác sĩ kêu ngoại mở cửa. Hồi lâu ngoại mới nhận ra trò Long. Là Long sao? Long giờ cao ráo, mũi cao, tóc hớt cao nam tính. Ông bác sĩ nói Long là người của tổ chức, giờ Long sẽ đưa ông đi đò ra sông Tiền rồi lên thị xã để về thành phố. Họ đi rồi ngoại thấy dấy lên cảm xúc lạ lùng lắm. Long thay đổi quá, đàn ông quá, quả cảm nữa và quan trọng là cùng chí hướng. Nhưng trễ rồi… ông tơ bà nguyệt không se duyên thì đành thôi… Đành thôi… Dần dần, ngoại chìm vào trong giấc ngủ lúc nào không biết. Trong mơ ngoại nghe tiếng sông đêm lách chách sóng, thấy mình ngồi trên đò cùng Long đi đưa tin từ trên thị xã về làng. Ngồi cạnh nhau mà như xa cách lắm…

Ít lâu sau ông bác sĩ đưa Long tới nhà bà cố, chỗ quán bì bún trước rạp hát. Vẻ mặt ông nghiêm túc lắm, hồi lâu mới vào đề. Ông nói ông muốn xin bà cố cho Long làm rể trong nhà. Bà cố nói ông làm vậy là phải tội, con gái tôi không làm vợ bé cho ai. Ông bác sĩ nói không đâu, vợ Long đã chết vì băng huyết khi sinh, đứa nhỏ cũng không giữ được. Bà cố hỏi sẵn có con út đây trả lời đi bây, có bằng lòng không. Nó đã có một đời vợ rồi. Bà ngoại khi đó gật đầu. Đám cưới đơn sơ nhưng thắm tình làng nghĩa xóm. Bà con lối xóm ai cũng góp một tay chung lo vì nhà ngoại neo đơn. Ngoại nghĩ đúng là đã có duyên với nhau rồi, có chạy đàng trời thì dây tơ hồng cũng theo tới.

 

Minh họa: Công Quốc Hà

Một buổi sáng nọ, ông ngoại đang ăn bì bún. Ngoài đường tấp nập người qua lại. Ông ngoại cắm cúi ăn, bà ngoại luôn tay gắp bún, gắp bì bỏ vô tô mang ra cho khách. Một toán lính dẫn theo một người trùm bao bố rộng thùng thình chỉ chừa lại đôi mắt. Toán lính lướt qua quán. Ông ngoại thở phào cắm cúi dọn dĩa ra sau nhà. Khi ông về trở lên nhà trên thì toán lính trở lại, vào quán kêu bún ăn, trả tiền. Chợt thằng trùm bao bố chỉ vào ông ngoại. Đám lính nhào tới, ông ngoại ngay lập tức quăng chồng dĩa trên tay bỏ chạy. Tiếng súng nổ bám theo, bà ngoại thót tim, bủn rủn không nhấc nổi tay chân.

Trưa muộn, người quen của bà cố tới báo tin, ông ngoại bị bắn vào đùi, quỵ ngã, bị bắt đóng trăn ở sân nhà việc. Rồi ông ta nói gì nghe rì rầm rì rầm ngoại không nghe rõ. Bà cố vét hết tiền trong nhà đi theo ông ta mãi đến chạng vạng mới về. Bà cố nói dọn đồ đi, ngoại ngơ ngác. Bà cố đã mượn chiếc đò neo ở bến nhà. Đúng hai giờ khuya, bà ngoại xuống xuồng ngồi đợi, sẽ có người dìu ông ngoại ra đó. Bà cố chỉ còn lại ít tiền đưa cho ngoại dặn dò hai vợ chồng đi lên Sài Gòn tới bến tắm ngựa có người quen ở đó. Bà ngoại mải miết chèo, tay rã rời người bải hoải nhưng không lơi tay. Rạng sáng ông bà ngoại tới thị xã rồi từ thị xã ngồi xe lửa lên Sài Gòn.

*

*         *

Bến tắm ngựa ven rạch cầu Bông. Ven con rạch nước trong leo lẻo là xóm của những người chạy xe thổ mộ đưa khách đi chợ, đi vào khu vực trung tâm Sài Gòn. Những buổi chiều nài dẫn ngựa xuống bến nước tắm. Sài Gòn một thuở lóc cóc tiếng vó ngựa trên đường, tiếng ngựa hí vang. Đôi vợ chồng Út và Long tìm đến nhà người quen. Chủ nhà này trước chạy xe thổ mộ nhưng đã chuyển nghề buôn bán vải ở chợ Soái Kình Lâm ngay khu vực Đèn Năm Ngọn. Chuồng ngựa bỏ phế. Người ta cho hai vợ chồng dọn vô đó ở. Ông ngoại chưa tiện ra ngoài làm vì chưa biết tình hình đã ổn chưa. Bà ngoại gánh sương sâm đi bán từ cầu Bông qua cầu Sắt, qua đò xuống gần Sở Thú đi mải miết qua đường lớn, đường nhỏ, các con hẻm ngoằn ngoèo. Sau này con cháu có hỏi ngoại về đường đến mọi địa điểm trong thành phố ngoại đều vanh vách thuộc.

Rồi người quen bán nhà, ông bà ngoại dọn đi, hết ở khu Sài Gòn rồi về Gia Định. Gặp một đám đất hoang, nước láng linh rau muống nổi đầy. Một đám người xa xứ dựng nhà sàn trên mặt nước. Sống ở thị thành mà cứ ngỡ ở quê mùa nước lụt. Những đứa con lần lượt ra đời. Nhà toàn con gái, ông ngoại không tỏ vẻ buồn, những ngày chủ nhật không đi làm hãng cưa ông dạy học, tắm cho con. Những ngày gần tết ông còn đưa các con đi tiệm uốn tóc, sắm đồ. Những bé gái cách nhau đều đặn hai tuổi mặc đồ hệt nhau, tóc giống hệt nhau như những con búp bê matryoska. Ông ngoại không nói gì bà ngoại lại lo. Ông chồng mạnh mẽ nam tính cao ráo rạng ngời có thể một ngày bỏ bà ngoại mà đi vì bà không sinh cho ông một thằng con trai. Một thân một mình xa xứ làm sao có thể nuôi con.

Bà ngoại quyết định không buôn gánh đi vòng vòng khắp nơi nữa, mà mở quán cơm tấm và bán luôn cà phê trước nhà. Khách chủ yếu là hàng xóm. Họ ăn uống trò chuyện đủ đề tài thời sự, kịch phim rồi chuyện phiếm… Rồi chuyện trong nhà chưa rõ ngoài ngõ đã tường. Người ta hỏi bà ngoại có biết gì chưa, ai đời chồng có vợ bé mà tỉnh bơ… Ngoại nghe nói cứ nghĩ họ chọc ghẹo cho vui. Ngoại tin người đàn ông của ngoại. Ngoại đã bỏ quê bỏ nhà cửa bỏ lại mẹ già ở quê lên đây là vì ai? Bà ngoại không kể nhưng ông ngoại biết rõ bà cố đã gom hết tiền dành dụm rồi đi quỳ lụy van xin người ta để thằng con rể làm quốc sự của mình được sống cho con gái út thoát cảnh góa chồng. Những ngày chân ướt chân ráo từ quê mới lên nếu không có bà thì ông sống sao đây? Gái có công chồng không phụ. Bà tin chắc chắn điều đó. Cổ nhân đã đúc kết bao đời không sai được đâu, không thể sai được.

Cho đến ngày ông ngoại về nhà báo tin là đã có thằng con trai. Mẹ nó có quán ăn cạnh trại cưa chỗ ông ngoại làm. Ông nói ông muốn bà đồng ý cho ông làm giấy khai sinh cho thằng bé có cha. Ngoại khóc. Đầu tiên là khóc gào lên, khóc chì chiết, khóc oán trách. Khi ông ngoại bỏ đi rồi thì khóc tỉ tê, khóc tủi phận, khóc ngậm ngùi. Sai hết rồi, tầm bậy hết. Làm gì có chuyện gái có công chồng không phụ. Dẹp hết. Quán nghỉ bán một ngày, hai ngày… Bà ngoại bần thần ngồi ở cửa ngóng trông ông ngoại. Dáng ngồi thắt thẻo bất động, bóng in vào vách như đá vọng phu. Nấu cơm tính luôn phần ông ngoại, dọn mâm cơm tính luôn chén của ông ngoại. Ông ngoại không về. Tiền vẫn gửi người ta đem về cho bà ngoại nuôi con. Một người bạn cùng quê xưa học chung lớp từng tham gia trùm lưới đánh trò Long biết chuyện tới hỏi thăm. Người đó nói yên chí đi, để tui mang ổng về. Ngoại dặn đừng có gây thêm họa nữa, đem xác ổng về mà hồn ổng gửi nhà kia cũng vậy. Người bạn chí cốt của ngoại hứa sẽ mang ông ngoại về cả hồn lẫn xác.

Hơn tháng sau ông ngoại về thật. Vẹn nguyên. Nhà bên kia cũng vẹn nguyên. Không có vụ rạch mặt hay sởn tóc, không có trò lột áo quần giữa chợ như người ghen tuông hay làm. Không có tới nhà hăm dọa. Tuyệt đối không. Cho tới một hôm bà ngoại ra chợ mua bì và thịt chuẩn bị sáng hôm sau bán cơm tấm thì thấy người bạn chí cốt cặp vai cô vợ bé của ông ngoại đi trong chợ. Đi đứng hiên ngang, gặp ngoại, người bạn kín đáo nháy mắt. Thì ra hắn dùng nam nhân thế thân để ông ngoại về với bà ngoại.

Ông ngoại trở về vẫn còn dư chấn sau cuộc tình tan vỡ. Ông uống rượu triền miên. Rượu biến ông thành một người khác. Ông hận cô vợ hờ một, hận thằng bạn đồng hương một trăm, thề rằng không bao giờ còn đặt chân về lại cù lao giữa sông Tiền nữa. Và ông đã giữ đúng lời thề cho đến ngày nhắm mắt. Bà ngoại khi đó thầm trách ông ngoại là người bạc nhược chỉ vì một con đàn bà mà dứt tình quê hương…

*

*       *

Nhằm bữa dì hai đi nghỉ mát với công ti ba ngày ở Đà Lạt, bà ngoại về quê. Ngồi trên xe bà ngoại nghĩ má đẻ ra con mà không biết tính con sao. Con dễ gì nhượng bộ. Bà già này không có lẩm cẩm cho con qua mặt dễ dàng đâu. Ngoại tìm đến nhà ông anh họ nói tôi có đem chút ít vàng về đây anh đem bán rồi giúp mua gạch cát xi măng, đường sá xa xôi tôi cầm tiền không đặng. Ông anh nói không thể cầm vàng, ông nói không biết các dì tôi sẽ nói gì đây. Ngoại nhìn ông anh, cái nhìn xoáy tâm can nhưng không nói. Nghẹn lời. Ông anh sợ cầm phải vàng giả chứ gì nữa. Trường hợp vàng thật thì ai làm chứng là cầm bao nhiêu. Ngoại hỏi thẳng anh cần gì, ông nói ông cần có người làm chứng, không muốn bị hiểu lầm… Ngoại kêu người gọi cho mấy đứa cháu con người chị ruột cũng ở gần đó nhưng ai cũng nói không tới được.

Ngoại nói thôi để tôi tính cho. Rồi kêu xe ôm ra tiệm vàng ở chợ bán vàng. Đem tiền đi mua cát, đá, xi măng. Ngoại thở phào mọi thứ đâu cũng vào đó hết. Thấy đầu không xuôi nhưng đuôi đã lọt.

Đám thợ cuốc những nhát đầu tiên. Ngoại mơ màng nghĩ đến lúc chết nằm gần mồ mả ông bà tổ tiên, quê hương rợp mát cây xanh, người dân hiền hòa… Người ta kéo đến mỗi lúc một đông như thể có tín hiệu truyền tin của loài kiến. Một ông bệ vệ lừng lững bước tới bên chiếc huyệt hất hàm hỏi:

- Ai chết? Có báo tử chưa?

Ông anh họ lí nhí bà chị rời quê đã mấy mươi năm có tâm nguyện sau này mất chôn ở đất quê.

- Rồi ai cũng kéo về như bà ấy thì cù lao này thành bãi tha ma của những kẻ bỏ quê mà đi à. Dẹp ngay!

Đám người nhốn nháo phía sau như một dàn bè lỗi át luôn giọng nam chính. Dẹp ngay. Bồi thêm, ai đụng tới tấc đất cù lao này đánh chết mẹ luôn. Ngoại nhìn xung quanh, nhóm người mang theo cuốc phảng gậy gộc, mắt ai cũng long lên như thể ngoại là một tội đồ phản quốc. Bà ngoại cúi gầm lủi thủi đi nhưng nén lòng không khóc. Ngoại lên đò, người ta chỉ trỏ nhau, bà già này bỏ quê đã lâu, cuối đời muốn về đây xây mồ xây mả. Lạ gì. Sài Gòn tấc đất, tấc vàng. Con cái không lo nổi cho cái mả nên giả đò mua khế bán chanh nói muốn về quê. Khôn như bả xứ này đầy.

Tiếng sông lách chách mơ hồ như đêm ông bà ngoại bỏ quê đi đột ngột. Rồi ngoại lan man nhớ chuyện người xưa nói cù lao này bồi đắp từ một tàu Tây rẽ vào nhánh sông tránh bão bị mắc cạn rồi đắm. Ban đầu nó là một bãi bồi chỉ ngoi lên mặt sông khi thủy triều rút cạn. Ngày qua tháng lại đất bồi dần bồi dần thành cù lao trù phú. Chuyện kể có một người tò mò lên cù lao thuở hoang sơ chưa có người ở, ngạc nhiên thấy trên cù lao có đủ hoa thơm trái ngọt nhưng không phải giống của quê nhà. Táo xanh đỏ căng mọng, lê trĩu trịt vàng ươm, nho buông từng chùm mời gọi. Ăn căng bụng, no nê, người này muốn hái đem về khoe với xóm giềng. Trái nhiều quá người ấy phải cởi áo ra mà đùm túm. Nhưng người ấy đi hoài đi mãi mà không ra khỏi được cù lao. Đùm trái cây trên tay nặng trĩu trở thành của nợ, người ấy trút bỏ hết chỉ giữ lấy chiếc áo thì lạ thay thấy chiếc xuồng của mình neo thấp thoáng xa xa. Người ta đồn rằng những gì thuộc về cù lao này chỉ có thể được hưởng khi còn ở đó.

*

*          *

Sau khi ước nguyện không thành ngoại trở lên Sài Gòn. Dì hai cũng biết chuyện nhưng không bao giờ nhắc tới. Rồi ngoại đổ bệnh nằm suốt trên giường. Ông anh họ của ngoại ở quê lên Sài Gòn ghé thăm cầm bàn tay gầy gò trơ xương nhăn nheo của ngoại nghẹn ngào, cô ráng khỏe để còn về thăm quê.

Ngoại thảng thốt, về đâu?

Ông anh họ ngơ ngác, chỉ sau trận bệnh mà một người có trí nhớ siêu phàm có thể nhớ từng ngóc ngách chuyện đông chuyện tây như ngoại không còn nhớ gì nữa.

- Tôi về đâu? Quê tôi ở đây mà!

Ông anh họ ái ngại nói chắc cô còn giận chuyện cũ.

Dì hai nói không đâu. Má cháu lẫn lắm rồi.

Ngoại la lên tôi không có lẫn.

Dì hai tiễn ông anh họ của bà ngoại ra cổng, nói với ông ta có ai lẫn mà chịu nhận mình lẫn đâu cậu. Má cháu lẫn thật rồi…

T.T.Đ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)