. NGUYỄN XUÂN THUỶ
Cùng loạt bài:
Những vì sao biên giới - 1: "Binh pháp' vùng biên
Những vì sao biên giới - 2: Chuyện về những người cha
Những vì sao biên giới - 3: Nơi góc trời Bản Ón
Những vì sao biên giới - 4: Cổ tích xanh chốn biên thuỳ
Những vì sao biên giới - 5: Tiếng từ quy trên Chốt 347
Những vì sao biên giới - 6: Bát Mọt, những mùa sương
Những ngày cuối năm 2023, khi tôi trở lại xứ Thanh và tỏ ý muốn lên biên giới, Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá bảo, lần này tôi sẽ đưa anh lên thủ phủ của tre, vầu luồng. Vẫn nghe nói về vùng Quan Sơn nhưng khi bạt ngàn những thân cây tăm tắp đốt hiện ra, lớp này chồng lớp khác, cảm giác như đang đi trong phim trường Thập diện mai phục của đạo diễn Trương Nghệ Mưu tôi đã không khỏi trầm trồ. Nhớ lại chuyến đi Mường Lát dăm tháng trước, chúng tôi cảm thấy xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá trơ trọi màu đất nâu như sa mạc, giờ đây, trước những tầng xanh miên man, tôi chợt có một so sánh ngầm. Quả thực, mạn Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân là một thái cực khác với Mường Lát mà hẳn nếu không đi tuyến biên giới này tôi rất dễ có cái nhìn thiên lệch về hiện trạng rừng trên mảnh đất xứ Thanh.
Đi sâu vào đất Quan Sơn, những rừng cây thẳng tắp như dẫn chúng tôi vào mê cung của họ nhà tre, giống cây cốt cách, ngay thẳng, từng đốt lóng đều tăm tắp vút cao như vuốt lên trời. Trước khi lên Quan Sơn, tôi đã nghe nhiều về cây thoát nghèo làm biến đổi cả vùng biên Quan Sơn này và bây giờ thì tôi đang ngụp lặn trong sinh quyển của nó. Khí hậu thổ nhưỡng nơi đây hợp với cây tre, cây vầu, cây luồng. Thứ cây ấy cũng đã hiện diện từ hàng nghìn năm ở đất Quan Sơn, quen thuộc đến nỗi sự có mặt của chúng như một hiển nhiên, chẳng có gì để mà bàn cãi. Với những vị khách từ xa đến như tôi thì tre, vầu, luồng như một chỉ dấu nhắc người ta rằng đây là đất Quan Sơn, đang ở địa phận Quan Sơn, bởi hình ảnh loài cây này đã gắn với nơi đây như máu thịt.
Và tôi đã ấp ủ ý tưởng đi tìm câu chuyện về sự bảo tồn màu xanh trên dải đất này.
Những rừng vầu phủ xanh biên cương. Ảnh: NXT
Huyện Quan Sơn thành lập vào năm 1996, được tách từ huyện Quan Hóa thành 3 huyện là Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Thị trấn huyện lị ngày trước mang tên Quan Sơn, năm 2019 có quyết định sáp nhập thị trấn Quan Sơn với xã Sơn Lư thành thị trấn mới với tên gọi Sơn Lư. Toàn huyện Quan Sơn hiện có 87.854,6ha rừng các loại, chiếm 14,6% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Điều đáng nói là độ che phủ của rừng ở đây chiếm tỉ lệ khá cao, đạt tới 88%. Với khoảng 60 triệu cây luồng, vầu, 170 triệu cây tre, nứa, tôi không hiểu chúng sẽ chiếm bao nhiêu trong tổng số diện tích che phủ của rừng Quan Sơn, nhưng có lẽ sẽ là phần lớn màu xanh ở nơi này.
Hỏi bất cứ người dân Quan Sơn nào cũng có thể nghe họ kể rất nhiều câu chuyện về cây luồng, cây vầu trên quê hương mình. Không biết là vô tình hay hữu ý mà trên địa bàn Quan Sơn cũng có một dòng sông mang tên Luồng. Con sông lớn nhất làm nên đồng bằng xứ Thanh là sông Mã, bên cạnh đó có nhiều con sông nhỏ là chi lưu cho cho dòng sông mẹ, như là sông Chu, sông Âm, sông Luồng, sông Lò… Nếu như sông Mã bắt nguồn từ cửa khẩu Tén Tằn của huyện Mường Lát thì sông Luồng, nhánh đầu nguồn của sông Mã, bắt đầu từ cửa khẩu Na Mèo của huyện Quan Sơn. Những con sông này đều từ đất Lào chảy vào Việt Nam. Nơi nào có sông chảy qua biên giới thì nơi đó thường có cửa khẩu bộ hoặc thủy, sông to thì cửa khẩu to, sông nhỏ cửa khẩu nhỏ. Bởi những dòng sông xưa nay đều là đường giao thông thủy, song song với dòng chảy thường là đường bộ giao thương giữa các nước. Sông Luồng hợp lưu với sông Mã tại thị trấn Hồi Xuân, thuộc huyện Quan Hóa. Con sông này có tổng chiều dài trên 106km, trong đó 46km chảy qua 4 xã của huyện Quan Sơn và gần 60km chảy qua 3 xã của huyện Quan Hóa. Từ lâu đời, những bè gỗ, bè tre luồng đã theo suối về sông, theo sông nhỏ về sông lớn, đến những bến bờ có giao thông đường bộ thuận tiện để tiếp tục về xuôi tỏa đi muôn ngả.
Tôi biết đến sông Luồng lần đầu tiên là từ những tin bài về trận lũ khủng khiếp diễn ra ở Na Mèo năm 2019. Thế rồi, như một cơ duyên, tôi đến Quan Sơn, đứng bên sông Luồng trên đất Na Mèo tưởng tượng về trận lũ lịch sử dăm năm trước. Thượng tá Hồ Ngọc Thu cho biết, hơn năm chục hộ bị cuốn trôi nhà cửa ở thôn Sa Ná năm ấy giờ đây đã quần tụ trong một khu định cư mới. Anh Thu thuộc diễn biến của trận lũ ấy rất rõ, bởi khi ấy anh đang giữ vị trí Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Na Mèo, khi lũ diễn ra anh đã trực tiếp chỉ huy bộ đội cắt rừng tiếp cận đồng bào để tổ chức cứu trợ. Sau đó cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Mèo đã cùng với địa phương giúp dân củng cố nhà cửa, ruộng vườn, ổn định cuộc sống sau lũ. Kí ức về những ngày bão lũ cuốn theo cả gia sản vẫn còn trong câu chuyện của mỗi người dân Na Mèo. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của bộ đội và chính quyền địa phương, cuộc sống của họ đã dần ổn định. Sau lũ gượng dậy, người dân Sa Ná lại lần hồi bám vào cây luồng, cây vầu mà sống.
Biên cương không thể thiếu màu xanh của rừng. Và để giữ gìn màu xanh ấy có sự góp sức của những bóng áo xanh biên phòng. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được giao nhiệm vụ quản lí bảo vệ 37,376km đường biên giới, với 12 vị trí/15 mốc quốc giới trên địa bàn 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo của huyện Quan Sơn. Bên cạnh đó, đơn vị còn được giao quản lí, bảo vệ gần 4,7ha rừng phòng hộ, rừng quốc phòng. Trung tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn cho biết, để làm tốt nhiệm vụ này, Đảng uỷ, chỉ huy đơn vị đã quán triệt, cụ thể hoá nghị quyết, chỉ thị, mục tiêu, chương trình, kế hoạch của cấp trên về công tác quản lí, bảo vệ rừng kết hợp công tác quản lí, bảo vệ biên giới, có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo và kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, sát với tình hình, nhiệm vụ của Đồn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân chung tay bảo vệ rừng”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lí, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy đã nhận được sự chung tay của bà con sở tại trong việc giữ gìn màu xanh của rừng. Một phần vì vậy mà đất Quan Sơn vẫn giữ vững danh hiệu thủ phủ của các loại tre, vầu, luồng của Xứ Thanh.
Sơ chế cây vầu ở Lang Chánh. Ảnh: TL
Ban đầu cây vầu, cây luồng là của rừng, tự sinh tự dưỡng. Khai thác mãi thì cũng phần nào vơi cạn. Rừng bao la đấy nhưng không phải là cái kho vô tận. Nhận thức rõ điều này, từ nhiều năm nay, chính quyền huyện Quan Sơn đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng, khai thác và bảo vệ rừng. Dù cùng sống trên đất rừng nhưng đặc tính mỗi cây mỗi khác, nắm được đặc điểm riêng của chúng mới có thể làm chủ cây rừng. Từ xa xưa, vầu là cây tự mọc trên rừng, còn luồng thường do con người trồng nên từng bụi, nhưng đến hôm nay, nhờ có sự tiến bộ của khoa học nông lâm nghiệp, người dân Quan Sơn đã biến vầu cũng trở thành cây có thể trồng và chăm sóc. Khái niệm “phục tráng rừng vầu” từ lâu đã trở nên quen thuộc; kĩ thuật ươm cây vầu từ hạt để ra cây giống, trồng bổ sung trên những diện tích rừng đã khai thác, mật độ thưa cũng như trồng mới trên diện tích rừng được giao đã thành việc quen thuộc của người dân Quan Sơn.
Người ta tính vòng đời của một gốc vầu trong khoảng 50 đến 60 năm, hết khoảng thời gian ấy, vầu sẽ bị khuy và chết. “Khuy” là từ để chỉ hiện tượng vầu ra hoa kết trái, ra hoa xong chúng sẽ tự chết khô cả bụi. Sự tái sinh của vầu nhờ vào việc phát tán hạt tự nhiên, nhờ gió hay chim chóc, muông thú mang đi xa mà mọc thành bụi mới. Bởi thế, kinh nghiệm dân gian từ xưa, hễ thấy bụi vầu nào nở hoa tức là báo hiệu chúng chuẩn bị kết thúc vòng đời. Một vài bụi khuy thì là chuyện bình thường, nhưng điều đáng sợ là hiện tượng vầu khuy hàng loạt. Tức là cả khu rừng, nhiều cánh rừng đồng loạt chết sau khi ra hoa. Đó là nỗi ám ảnh không khác gì thiên tai. Người ta cũng tin rằng, vào những năm vầu nở hoa hàng loạt, và sau đó chết hàng loạt thì năm đó mùa màng thường thất bát, đói kém hoành hành. Bởi thế, việc vầu ra hoa trong tâm thức dân gian gắn với những kí ức không mấy vui vẻ. Trong trí nhớ của những người già ở Quan Sơn thì trùng trùng lớp lớp vầu ở đây đã khuy và chết một lần vào năm 1976. Có nghĩa là đại đa số diện tích vầu ở Quan Sơn hiện nay là loạt vầu sinh trưởng từ sau năm 1976 ấy, thế hệ con của loạt vầu khuy chết khi đó. Nếu theo tính toán về vòng đời trong kinh nghiệm dân gian thì trong vòng chục năm tới loạt vầu hiện nay của rừng tự nhiên Quan Sơn sẽ chạm tới ngưỡng vòng đời của chúng. Ngày xưa mỗi khi tre vầu khuy hàng loạt đem lại sự lo lắng và tâm trạng bất an cho con người, nhưng trong thời hiện đại, hiện tượng khuy được nhìn dưới góc độ khoa học nông lâm nghiệp, là sự khép lại một vòng đời của cây vầu. Dưới sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện, bà con liên tục trồng và thay thế bằng những gốc vầu mới. Bởi vậy, cả rừng vầu gồm nhiều thế hệ đan xen, lớp trước kế lớp sau, bụi mới thay cho bụi cũ, cây non nối tiếp cây già. Những bụi vầu khuy không còn mang lại nỗi ám ảnh mất mùa nữa mà người dân đã chủ động chờ chúng kết hoa để lấy hạt giống ươm những lứa vầu mới trồng thay thế và nhân rộng ra những diện tích rừng trống. Cây vầu từ mọc tự nhiên theo bản năng sinh tồn, giờ đây đã được trồng có kĩ thuật, có tính toán để cho năng suất tốt nhất, không phải lo đến một ngày cả cánh rừng sẽ bị diệt vong.
Ngược dòng lịch sử “truy vết” rừng Quan Sơn là điều không quá khó. Hình ảnh những cánh rừng già với những cây gỗ quý, với những bầy hươu nai và muông thú vẫn còn lưu trong kí ức những cụ cao niên đồng bào Thái khắp dải đất này. Cụ Vi Văn Hợi, sinh năm 1946, ở bản Cha Khót, Na Mèo chẳng hạn. Cụ Hợi không phải quê gốc ở Na Mèo mà mãi dưới mạn Bá Thước làm ăn phiêu dạt lên đây, nằm trong số những người khai thiên lập địa đất này ở khu vực sát biên giới Việt - Lào. Trong dòng hồi tưởng của cụ Hợi, thuở xưa vùng Cha Khót có nhiều gỗ như pơ mu, sến, táu, chò và vô vàn vầu, nứa, bương, giang… Thời điểm cụ Hợi và những người đầu tiên lên Na Mèo sinh sống, trong rừng còn có bò tót, nai, hoẵng, lợn lòi, khỉ, vượn và nhiều loài chim mang lại thế giới âm thanh sinh động cho mỗi khu rừng. Bây giờ thì đã khác, chẳng còn cảnh những loài thú quý hiếm ra bờ suối uống trăng trên mặt nước, chẳng còn nhiều những cây gỗ quý tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng có một sự an ủi với cụ Hợi đó là rừng trên quê hương thứ hai của cụ không đến nỗi trơ trọi như nhiều vùng khác. Gỗ to gỗ quý không còn nhưng rừng vẫn được màu xanh che phủ. Có được điều đó là từ những việc làm kịp thời để phục sức cho rừng bằng những gốc vầu bé nhỏ và bình dị. Đường lên cột mốc 331 trên đất Na Mèo, trước mắt chúng tôi, vầu mọc dày chen chúc, cây nhỏ, cây to, măng lớn, măng bé vươn lên hiên ngang giữa rừng. Vầu mọc san sát như thành lũy trên vùng giáp giới. Đường lên mốc 347 trên đất Tam Thanh cũng vậy. Khắp một dải biên cương của Quan Sơn, vầu giăng như trận địa phòng thủ. Nhìn thành lũy do những người dân Quan Sơn tạo nên tôi bỗng nhớ đến câu nói của ông bà ta như lời khuyên về cư xử giữa những người láng giềng “thương nhau rào giậu cho kín”. Và sau bao năm vun trồng quân và dân vùng biên nơi đây đã có hàng rào xanh cho đất nước mang tên một loài cây giản dị và thân thuộc trong họ nhà tre gắn với bài thơ Tre Việt Nam nổi tiếng của nhà thơ xứ Thanh Nguyễn Duy. Khi thắc mắc về ý nghĩa của từ vầu chúng tôi được cụ Vi Văn Hợi cho biết, theo tiếng Thái, vầu có nghĩa là mạy quăn. Đó là loài cây trời cho, tự nhiên mọc lên giữa rừng. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa, còn hiện nay vầu cũng là loài cây do con người chủ động ươm giống và trồng khắp dải biên cương này.
Chia tay sông Luồng trên mạn Na Mèo, chúng tôi trở về địa phận quản lí của Đồn Biên phòng Tam Thanh. Nơi đây cũng có một dòng sông nhỏ có tên gọi sông Lò. Cây luồng, cây vầu ở đây từ lâu cũng đã thành cây biểu tượng. Như những xã khác trên địa bàn Quan Sơn, hai xã Tam Thanh và Tam Lư cuộc sống của người dân cũng khá lên từ cây vầu, cây luồng. Ở Tam Thanh, ngoài diện tích trồng mới thì rừng tự nhiên cũng được phục tráng để cho hiệu quả khai thác cao nhất.
Cột mốc xanh. Ảnh: NXT
Tại điểm chốt 342 của Đồn Biên phòng Tam Thanh chúng tôi bắt gặp tấm biển “Cấm hái măng, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính”. Thiếu tá Lang Văn Tín đang làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát biên phòng giải thích, đó là cách để bảo vệ măng rừng, giúp duy trì rừng vầu phát triển, mang lại thu nhập cao hơn cho chính người dân. Tìm hiểu tôi được biết, bảo vệ măng rừng để khai thác cây bán nguyên liệu là chủ trương nhất quán giữa Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương Quan Sơn. Nếu khai thác măng thì rừng sẽ không thể có vầu, luồng trưởng thành để sơ chế bán nguyên liệu. Chủ trương này cũng xuất phát từ quyền lợi của dân, vì lợi ích của chính người dân nên đã được nhân dân ủng hộ. Các biện pháp tuyên truyền đã giúp người dân hiểu, nhận thức được ý nghĩa của việc bảo vệ măng rừng, không vì cái lợi trước mắt mà “tham bát bỏ mâm”. Một ki lô gam măng củ tại thời điểm chúng tôi lên Quan Sơn, Lang Chánh chỉ có 3 nghìn đồng, trong khi nếu để măng lớn thành cây thu hoạch bán sẽ được giá hơn, một củ măng vầu bán được 3 nghìn, nhưng nếu để thành cây trưởng thành bán sẽ thu được 40-50 nghìn đồng. Vậy nên, việc ứng xử với vầu từ chỗ người dân thu hái bản năng những đọt măng từ khi mới nhú nay đã có ý thức giữ gìn, chăm dưỡng, trở thành của để dành của các chủ hộ trồng và quản lí, bảo vệ rừng. Sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, sự đồng lòng của quân và dân vùng biên trong việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng là câu trả lời cho chúng tôi về hàng hàng lớp lớp những ngọn vầu cong vút khắp dải Na Mèo qua Mường Mìn, Tam Thanh, Tam Lư. Suốt một dải sông Luồng, sông Lò, vầu vươn những cánh tay bình an, bầu bạn, tự tin và yên ả. Tôi ngắm nhìn những cây vầu non bám nhiều phấn trắng như lớp áo mỏng chở che cho làn da xanh non trên thân mẹ, thấy rõ một thế hệ cây mới đang trưởng thành. Vầu thường cho măng vào mùa mưa, độ từ tháng 6, tháng 7 là mùa cao điểm. Đến tháng 10 cây măng bắt đầu có lá ở ngọn.
Để sinh trưởng từ măng yếu ớt thành cây vầu mạnh mẽ, vầu phải thay bẹ lần lượt từ gốc cho đến ngọn, cứ mỗi mắt cây có một bẹ bao bọc như áo giáp bảo vệ, cây lên cao chúng sẽ tự buông mình, lớp áo dần được cởi bỏ khi cây trưởng thành. Thời điểm chúng tôi có mặt tại Quan Sơn đang vào giữa tháng mười. Lớp lớp những búp vầu cong vút như những chiếc cần câu xanh điểm những đọt lá non khiến những khu rừng mang một vẻ trữ tình. Tầm một hai tháng sau “những chiếc cần câu” này trở thành những cây vầu non thẳng thớm, có đủ cành lá. Vầu non có thể dùng chẻ lạt gói bánh, buộc hàng rất dẻo dai. Hiểu đặc tính của cây vầu ở từng giai đoạn sinh trưởng sẽ giúp việc khai thác hợp lí cho những mục đích khác nhau, vừa khai thác, vừa bảo tồn. Những cây vầu trong độ tuổi từ một đến ba năm là độ tuổi sinh đẻ, thời điểm ấy chúng cho măng nhiều nhất, do vậy, bà con trồng rừng thường không chặt cây vầu dưới ba năm tuổi để đảm bảo cho những lứa măng mới. Cây vầu cứng cáp từ năm thứ ba trở đi, từ năm thứ năm chúng trở thành những cây vầu già, khi đó thân vầu thường trơn nhẵn, phấn trắng đã rụng hết, thân đanh cứng chịu lực tốt. Một điều lạ là những bụi vầu mọc chen chúc, len lách cheo leo nơi sườn núi lòng thung lại là những cây kiên cường bất khuất hơn cả, độ cứng, độ dẻo dai chắc bền vào hạng thượng thừa, còn những bụi mọc ven suối, nơi đất bằng phẳng màu mỡ, thân cây to thì lại thường bị lốp, dễ mối mọt, ít được dùng vào những công việc chịu lực cao, đòi hỏi sức bền. Những đúc rút ấy chỉ những người gắn bó cả đời với rừng, với cây vầu mới có.
Khẩu hiệu bảo vệ rừng dọc đường tuần tra biên giới của Biên phòng Việt Nam và Biên phòng Lào. Ảnh: NXT
Thấy tôi say sưa tìm hiểu về cây vầu, cây luồng, Thượng tá Hồ Ngọc Thu bảo, nếu muốn tìm hiểu cổ tích mới về cây vầu thì phải sang Lang Chánh. Tất nhiên là tôi sẽ đến Lang Chánh, bởi hành trình của chúng tôi sẽ đi qua dải đất này với sự đồng hành của Thượng tá Hồ Ngọc Thu.
*
* *
Rời Quan Sơn, thủ phủ của cây vầu xứ Thanh chúng tôi đến với Lang Chánh. Tài nguyên rừng Lang Chánh hiện nay có 11.632ha rừng tự nhiên và 9.732ha rừng trồng. Độ che phủ ở đây thấp hơn Quan Sơn với 72%. Nếu như chuyện cây vầu ở Quan Sơn đã trở nên “xưa như trái đất” thì ở Lang Chánh nó vẫn đang còn là câu chuyện của thì hiện tại mang đậm tính thời sự. Chúng tôi nhận thấy màu xanh của vầu Quan Sơn đang lấn dần sang Lang Chánh một phần. Đem chuyện này hỏi lãnh đạo chỉ huy Đồn Biên phòng Yên Khương, chúng tôi được đồng chí Đồn trưởng và đồng chí Chính trị viên giới thiệu gặp Trung tá Lò Văn Cần với lời giới thiệu đó là “người nắm giữ cổ tích về cây vầu trên đất Yên Khương”. Thì ra cổ tích về cây vầu mà Thượng tá Hồ Ngọc Thu nói là có thật.
Yên Khương là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh, cùng với xã biên giới Bát Mọt của huyện Thường Xuân khép liền một dải biên cương rộng dài tiếp giáp từ Mường Lát chạy qua Quan Hoá, qua Quan Sơn, làm nên một vành đai xanh, trong đó có những phần diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ, có những cánh rừng do bàn tay khối óc của quân và dân nơi đây chung tay ươm trồng và bảo vệ, giữ gìn, trong đó phải kể đến vai trò của Trung tá Lò Văn Cần, cán bộ biên phòng tăng cường cho xã Yên Khương.
Đất Quan Sơn thủ phủ của cây luồng, cây vầu là nơi chàng trai Lò Văn Cần đã sinh ra và lớn lên. Đất sơn tràng, như là một mặc định dành cho đàn ông con trai. Nhà Cần cũng có bảy “cây luồng” lốp ngốp, là bảy anh em trai trong nhà. Ở đây, nhà có con trai là một tài sản, nhà có tới bảy con trai là một tài sản lớn. Năm Cần lên 8 tuổi thì mẹ mất. Cùng với bố, bảy anh em trong nhà đùm bọc lấy nhau. Như những người anh lớn tuổi trong nhà, tuổi thơ của Cần gắn với cây luồng, cây vầu. Vào rừng chặt cây, róc lá phất ngọn, kéo xuống tập kết bên bờ suối, rồi đóng thành bè xuôi suối Hạ ra sông Lò về thị trấn Quan Sơn bán cho thương lái. Đã bao lần Cần một mình xuôi bè đi bán vầu, luồng. Mỗi bè như thế đóng từ 120 cây đến 200 cây. Ngày ấy đồng tiền còn có giá, cây vầu cũng rẻ, chỉ ở mức một nghìn đến một nghìn hai trăm đồng một cây. Cả bè vầu bán cũng chỉ được hơn trăm nghìn dắt lưng. Bán bè xong lại lóc cóc đi bộ từ thị trấn về, tiền đưa cho bố để lo cho cuộc sống của gia đình. Dù đồng tiền kiếm được khó khăn, vầu, luồng sẵn trong rừng nhưng để chặt mang về bán được là biết bao mồ hôi công sức. Cây luồng, cây vầu đã nuôi những chàng trai như Lò Văn Cần trên đất Quan Sơn lớn lên, đi xa học hành và trở về phục vụ quê hương. Từ tiền bán vầu, anh mua sách vở, học tập, ôn thi và đỗ vào Học viện Biên phòng. Tốt nghiệp ra trường Lò Văn Cần được điều về nhận nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.
Trải qua những vị trí công tác khác nhau, kể cả việc đi tăng cường cho tỉnh khác, Lò Văn Cần về nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Yên Khương. Năm 2018, Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa thực hiện chủ trương đưa cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã vùng biên, Cần được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương. Địa bàn cũ nhưng vai trò mới, nhiệm vụ mới, đòi hỏi người chiến sĩ biên phòng phải làm quen với nhiệm vụ dân sự. Trong rất nhiều công việc phải làm, phải đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thì việc tìm bài toán phát triển kinh tế, đưa cuộc sống của bà con vùng biên thoát nghèo, có sinh kế bền vững là nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ ấy luôn là trăn trở của anh và lãnh đạo xã Yên Khương. Nhận thấy thổ nhưỡng của vùng đất này cũng tương đồng với đất đai dưới Quan Sơn quê mình, Cần nghĩ đến thế mạnh của quê anh với nghề trồng và khai thác cây vầu, nhớ về những ngút ngàn màu xanh phủ bóng tuổi thơ. Cây vầu quê anh giờ đây đã mang một hình hài mới, sắc màu mới. Sau nhiều cân nhắc, tính toán, tham khảo, ý tưởng đưa cây vầu về Yên Khương hình thành trong đầu người chiến sĩ biên phòng, anh đưa ra bàn với lãnh đạo xã. Không phải người dân Yên Khương không biết trồng vầu. Trước đó tại xã đã có những hộ trồng thử nghiệm nhưng không thành công, đồng chí Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương là người bản địa cũng đã tìm tòi triển khai mô hình cây vầu để động viên bà con phát triển nhưng có lẽ vì cách làm chưa đúng nên chưa mang lại hiệu quả. Cần đã đặt lại vấn đề này và bàn với lãnh đạo xã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội của Yên Khương. Anh trực tiếp xắn tay cùng đồng hành với địa phương để cải thiện tình hình. Trung tá Lò Văn Cần đã về quê tìm hiểu lại một cách có hệ thống việc trồng và phát triển cây vầu. Sau đó anh bắt đầu bằng cách lập hai vườn ươm cây giống, một vườn ngay tại nhà của Cần ở xã Sơn Hà, Quan Sơn quê anh, một vườn tại Yên Khương, Lang Chánh nơi anh công tác. Hạt giống từ những bụi vầu khuy được thu hái để ươm trong các bầu. Ươm và chăm tưới theo kĩ thuật khoảng 15 đến 20 ngày hạt vầu sẽ nảy mầm. Tiếp tục chăm sóc sau 4 tháng thì cây non phát triển thành cây giống có thể đem đi trồng được. Kĩ thuật làm đất, vào bầu, gieo hạt, chăm tưới được Cần học hỏi từ bà con địa phương và qua tài liệu xin của Phòng Nông nghiệp Huyện Quan Sơn. Số tiền đầu tư cho hai vườn ươm vào khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng đều từ nguồn tài chính cá nhân của Lò Văn Cần. Sản phẩm vầu giống làm ra một phần Cần xuất ra thị trường bán với mức giá 8 nghìn đồng một mầm, một phần để hỗ trợ dự án phát triển cây vầu của Yên Khương với giá hỗ trợ bà con từ 5 đến 6 nghìn đồng một mầm để thu lại phí đầu tư, trong khi giá cây vầu giống trên thị trường tự do có nơi bán đến 20 nghìn một cây. Ở Quan Sơn quê anh, những vùng rừng tạp không mang lại hiệu quả người dân đều cải tạo chặt tỉa cây tạp trồng vầu thay thế, giờ mô hình ấy cũng được tuyên truyền thực hiện ở Lang Chánh. Xã lập dự án phát triển cây vầu tại Yên Khương, tổ chức vận động các hộ dân tham gia. Toàn bộ các thôn của Yên Khương đều được triển khai việc trồng vầu với mức hỗ trợ giống quy ra tiền là 15 triệu một thôn bản. Việc trồng mới được bắt đầu từ 24 hộ với 22ha vầu giống mới. Khắp các thôn bản Xắng Hằng, Khon, Muỗng, Chiềng, Bôn, Chí Lý, Nặm Đanh, Mè, Giàng, Xã bà con nhộn nhịp bàn tán về việc trồng vầu. Toàn vùng biên Yên Khương như được thổi một luồng sinh khí.
Trung tá Lò Văn Cần và đồng đội kiểm tra cây vầu giống tại vườn ươm của dân. Ảnh: NVCC
Quyết tâm mang lại sức sống mới cho cây vầu tại Yên Khương, xã đã tổ chức cho một số hộ nông dân về Quan Sơn tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Theo tinh thần cán bộ đi trước, làng nước theo sau, chính gia đình Phó Chủ tịch Vi Văn Thu đã tiên phong trồng mới 5ha vầu ngay ở thời điểm năm 2018; Gia đình Phó Bí thư thường trực Lò Thanh Chung cũng triển khai trồng 3ha. Sau đó phong trào đã dần lan toả đến các hộ dân trong xã. Không chỉ trồng vầu từ nguồn giống hỗ trợ của địa phương, bà con nông dân Yên Khương còn tự học hỏi cách ươm giống cây vầu. Dần dần, ở Yên Khương xuất hiện một thị trường xoay quanh cây vầu, từ vật tư ươm trồng cây giống đến hỗ trợ kĩ thuật trồng, chăm sóc. Có gia đình đã trồng vầu trên diện tích lớn như gia đình ông Hà Văn Quỳnh ở bản Chí Lí với 4ha; có gia đình lại mạnh về ươm cây giống xuất ra thị trường không chỉ cho bà con trong xã như gia đình chị Lữ Thị Bảy ở bản Bôn ngoài 4ha rừng vầu còn học hỏi, tổ chức vườn ươm giống mỗi lứa xuất bán từ 3.000 cây vầu giống. Câu chuyện của gia đình chị Lò Thị Năm cũng là một ví dụ điển hình, trước đây nhà chị có 2ha trồng keo, loại cây này mất 4 đến 5 năm mới cho thu hoạch, mỗi ha thu được khoảng 40 triệu đồng nhưng khai thác xong lại phải trồng mới quay vòng, tính ra thu nhập rất thấp, trong khi cũng diện tích ấy nếu trồng vầu cũng sau 4 đến 5 năm bắt đầu cho khai thác, thu nhập giá trị lớn hơn keo khoảng 1,5 lần, nhưng quan trọng là vầu có thể chặt tỉa đều đặn hàng năm mà vẫn bảo tồn được gốc, mỗi gốc lại liên tục có thêm cây mới sinh nở thành bụi có vòng đời lên đến 60 năm mới phải trồng lại. Được tư vấn và giải thích chị Năm đã thay thế 2ha trồng keo sang trồng vầu để cải thiện thu nhập của gia đình.
Sau khi người dân gieo trồng, Trung tá Lò Văn Cần lại tiến hành việc tập huấn hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc và khai thác hiệu quả rừng vầu. Cây vầu từ năm thứ ba mới trưởng thành, trong khoảng ấy sẽ sinh sản, đẻ măng, cần một thời gian để rừng vầu khép tán. Khi vầu cho khai thác anh cũng hướng dẫn các hộ dân chỉ khai thác cây trưởng thành để sản phẩm đầu ra đạt chất lượng và cây non còn lại tiếp tục đẻ măng. Cùng với việc trồng mới là công tác phục tráng rừng vầu tự nhiên trong xã, có những giải pháp hợp lí để tạo điều kiện, hỗ trợ cho cây vầu phát triển tốt nhất. Sau ba năm, rồi năm năm, màu xanh từ những rừng vầu đã dần lan rộng phủ bóng trên đất rừng Yên Khương. Từ 22ha đầu tiên được trồng năm 2018, diện tích trồng vầu ở Yên Khương đã tăng lên theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Đến nay, toàn Yên Khương đã có hơn 400ha vầu và còn tiếp tục tăng nữa, dự kiến năm 2025 diện tích vầu ở Yên Khương sẽ đạt 600ha. Cổ tích về một vùng xanh biên cương đã rõ hình hài. Để cải tạo cảnh quan trong xã, thay vì trồng đường hoa, cây cảnh, Trung tá Lò Văn Cần bàn với lãnh đạo địa phương triển khai cung đường vầu dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới. Tới đây, khi vầu lên xanh, Yên Khương sẽ có một con đường vầu như một biểu tượng mới nơi biên thùy.
Ở thời điểm cây vầu xuất nguyên liệu tốt đã cho người dân thu nhập 70 đến 80 triệu đồng một ha một năm, hiện nay, giá vầu hạ hơn thì mỗi hộ trồng vầu cũng thu về 50 đến 60 triệu trên một ha vầu trưởng thành trong một năm. Nhờ cây vầu, người dân Yên Khương cơ bản đã thoát nghèo. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của Yên Khương chỉ ở mức 8 triệu đồng một năm thì sau hơn mười năm, con số đã được nâng lên gần 40 triệu. Thu nhập nâng lên đồng nghĩa với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống, đời sống nhân dân được cải thiện và ổn định. Một điều đáng mừng là sau một thời gian nỗ lực kết nối của chính quyền huyện Lang Chánh và tỉnh Thanh Hóa, một cơ sở sản xuất sản phẩm tre, luồng, vầu đã được xây dựng tại Thị trấn Lang Chánh, góp phần giải quyết đầu ra cho cây vầu. Nhà máy sản xuất sản phẩm từ cây họ tre ứng dụng công nghệ cao cho xuất khẩu đã được Công ti Bamboo King Vina đầu tư xây dựng, hiện đang đi vào hoạt động như một đảm bảo cho vùng nguyên liệu rộng lớn còn nhiều tiềm năng tại huyện Lang Chánh, trong đó có vùng vầu Yên Khương.
*
* *
Đi giữa vùng xanh mênh mông của rừng, chỉ có bóng những chiến sĩ biên phòng và ngút ngàn cây lá, tôi chợt nhận ra, bên cạnh những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biên Tổ quốc còn có những cán bộ tăng cường cho địa phương như Trung tá Lò Văn Cần, 1 trong 17 người lính quân hàm xanh đang cắm mốc trên khắp dải biên cương xứ Thanh.
Dọc tuyến đường tuần tra biên giới, dọc đường lên các cột mốc quốc gia chúng tôi có mặt, trùng điệp là những ngọn vầu, ngọn luồng đang trong quá trình sinh trưởng, từng ngọn uốn cong như trăm ngàn những chiếc cần câu in trên nền trời. Chiếc cần câu là hình ảnh người ta hay dùng trong câu chuyện tìm hướng thoát nghèo cho bà con nông dân tại các vùng quê còn nhiều khó khăn để minh họa cho luận thuyết họ cần được trao chiếc cần câu thay vì con cá. Vâng! Chiếc cần câu cơm của người dân vùng biên Quan Sơn, Lang Chánh đã được nhìn thấy từ sớm từ xa như thế. Miền cổ tích xanh nơi biên cương này cũng đã được bắt đầu như thế.
Bên miền cổ tích xanh ấy, dọc dải biên cương xứ Thanh đã thấp thoáng sắc hoa đào. Một mùa xuân mới sắp đến, một mùa tết trồng cây lại về. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân gần như người Việt Nam nào cũng nhớ. Và ở chốn biên thùy này, những mùa xuân của đất nước đang được tiếp nối với phần đóng góp của những người lính.
Xứ Thanh, tháng 10 năm 2023
N.X.T
(Còn tiếp)
VNQD