NHỮNG VÌ SAO BIÊN GIỚI - 5

Tiếng từ quy trên Chốt 347

Thứ Năm, 07/03/2024 11:02

. NGUYỄN XUÂN THỦY

Cùng loạt bài:

Những vì sao biên giới - 1: "Binh pháp' vùng biên

Những vì sao biên giới - 2: Chuyện về những người cha

Những vì sao biên giới - 3: Nơi góc trời Bản Ón

Những vì sao biên giới - 4: Cổ tích xanh chốn biên thuỳ

Những vì sao biên giới - 5: Tiếng từ quy trên Chốt 347

Những vì sao biên giới - 6: Bát Mọt, những mùa sương

 

Mấy năm nay do tác động của biến đổi khí hậu, cái nắng cái mưa cũng thất thường, mùa thu dường như biến mất. Tôi từ Hà Nội vào Thanh Hoá, ngược lên vùng biên giới mới cảm nhận thấy chút mát mẻ của tiết thu dù lúc ấy đã là chớm đông. Càng về hướng Tây nhiệt độ càng hạ hơn, như thể đang đi về miền buốt giá. Phải như mọi năm thì đã sương mù giăng lối nhưng năm nay sương muộn, thay vào đó dọc vùng biên chúng tôi gặp những áng khói đốt đồng bảng lảng như gợi nhắc về những miền kí ức. Quan Sơn đang vào mùa gặt, khắp nẻo biên cương vấn vít những sợi rơm vàng.

Lúc ấy đang là tháng 10 nhưng cây đào ở góc khuôn viên Đồn Biên phòng Tam Thanh đã nở hoa khoe cánh phớt hồng, giống như những cây chúng tôi thấy dọc từ Na Mèo qua Mường Mìn, chỉ khác nhau cây phai, cây thắm. Khi làm việc với lãnh đạo chỉ huy Đồn Tam Thanh chúng tôi xin phép Chính trị viên Cao Xuân Tỉnh được lên chốt để thấy tận mắt, sờ tận tay công việc của bộ đội, một chút hòa vào bữa ăn giấc ngủ những người lính chốt. Chỉ huy đồn có chút ái ngại về sự xa xôi và khó khăn, hơn nữa, anh em phần lớn đã đi tuần biên sáng ấy không ở chốt, nhưng cuối cùng nguyện vọng muốn có không khí trên chốt một đêm của chúng tôi đã thuyết phục được các anh. Vậy là chuyến đi được triển khai cho nhóm nhà văn, nhà báo do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh tổ chức gồm tôi, nhà báo - nhà nghiên cứu Lí Học, nhà văn Lê Vũ Trường Giang và nhà báo Lê Mạnh Quốc.

*
*        *

Trên dải đường tuần tra biên giới ở phía cuối xã Tam Thanh có ba chốt biên phòng 342, 345, 347, tương ứng với khu vực có các cột mốc cùng tên. Chúng tôi quyết định sẽ đề nghị được lên chốt xa nhất của Đồn Tam Thanh: chốt 347. Việc tuần tra bảo vệ cột mốc sẽ xuất phát từ các chốt và trở về các chốt. Đại úy QNCN Lò Văn Ngọc, nhân viên kiểm soát Đồn Biên phòng Tam Thanh, người cầm lái chiếc xe bán tải chở chúng tôi lên chốt bảo, người lính biên phòng trên chốt buồn nhất không phải là xa nhà mà là xa dân. Xa nhà thì dường như đã thành một “thuộc tính” của bộ đội biên phòng, hầu như anh em đều thế cả, nhưng còn được gần dân là còn thấy con người, thấy cảnh sinh hoạt đầm ấm thân thuộc, còn ở trên chốt, chỉ là cỏ lau, màu trời, màu mây, màu rừng. Từ chốt xuống đồn, chốt gần cũng hơn chục cây số, chốt xa phải hai mươi cây, xuống dân cũng chừng ấy.

Đoàn công tác gồm các nhà văn, nhà báo cùng Thiếu tá Ngân Văn Thoan và Thiếu tá Lương Văn Dũng bên cột mốc 347. Ảnh: LMQ

Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm Trạm kiểm soát biên phòng đóng tại bản Kham, từ đây vào mốc 342 chừng một cây số. Mốc 342 nằm bên một con sông nhỏ chảy từ Lào qua. Phía Lào gọi Nậm Pò, sang đất Việt đồng bào Thái gọi sông Mò, phiên ra tiếng phổ thông là sông Lò. Đây chính là nơi con sông Lò chảy vào đất Việt, chạy vào đất Quan Sơn, qua Tam Thanh, Tam Lư, thị trấn Sơn Lư rồi nhập vào sông Mã ở thị trấn Hồi Xuân của huyện Quan Hóa. Chúng tôi tụt xuống theo một con thác nhỏ cạn nước với những phiến đá to nhỏ kề nhau, gần xuống đến mốc, nhà văn Lê Vũ Trường Giang định bám vào “đoạn dây leo” buông dọc lối nhưng kịp nhận ra đó là... một chú rắn lục. May mắn là anh phát hiện kịp thời.

Tạm biệt chốt 342 và Trạm kiểm soát Kham chúng tôi tiếp tục hành trình. Suốt quãng đường biên giới không một bóng người, chỉ có cây rừng và tiếng chim lảnh lót. Tràn lau bên sườn núi bắt nắng lấp lóa. Dáng hình, màu sắc của cây lá biên cương dẫn dụ chúng tôi vào thế giới kì bí của thiên nhiên. Đi vài chục phút, chúng tôi gặp đàn bò đang gặm cỏ ven đường, điều này giải thích cho những bãi phân mật độ dày suốt dọc đường tuần tra biên giới, một lúc nữa tiếp tục gặp hai chú ngựa, Đại úy Lò Văn Ngọc bảo, đó là ngựa của chốt biên phòng. Giữa rừng không một bóng người nên gặp dù chỉ một con vật cũng cảm thấy thân thương gần gũi. Giữa trưa, chúng tôi đến Chốt 347. Hơi ngỡ ngàng khi người đón không ai khác, chính là Thiếu tá Ngân Văn Thoan, Đội trưởng Vũ trang của đồn, hôm trước khi tôi đến Đồn Tam Thanh đã gặp và nói chuyện bởi lúc đó anh đang làm nhiệm vụ trực ban ở cổng. Thoan giới thiệu với tôi Thiếu tá Lương Văn Dũng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, là tổ trưởng đang cắm chốt tại đây. Chốt 347 là hai dãy nhà kế tiếp nằm nép bên đường tuần tra biên giới. Nổi bật nhất có lẽ là lá cờ Tổ quốc bay phần phật trên nền trời. Cảnh sắc biên cương vàng ươm trong nắng. Dạo bước một vòng tham quan cơ ngơi của những người lính chốt, nhà cửa vắng tanh. Tôi buột miệng hỏi Thoan:

- Thế anh em đâu cả rồi?

- Thì như đã nói, vì các anh lên đột xuất nên đồn không sắp xếp kịp, sáng sớm nay anh em đã lên đường vào mốc cả rồi nên đồn cử em lên đón đầu tăng cường quân số để… nấu cho các anh ăn trên này. - Thoan phân bua.

Thông tin ấy chúng tôi đã nắm được nhưng vẫn có phần thấy hụt hẫng. Đứng trong khoảng vườn của Chốt 347 bên cây chanh đơm quả lúc lỉu bắt nắng vàng tươi hệt một cây quất cảnh tôi nhìn lên lá cờ Tổ quốc. Nền cờ đỏ thắm có vài ba vết xé tướp bởi cái gió biên cương. Vùng biên là thế, cái nắng cái gió đều gắt gỏng mặn mòi.

Cờ Tổ quốc bay trên Chốt 347. Ảnh: NXT

Chốt 347 còn có một cái tên lãng mạn hơn là Chốt biên phòng Suối Trăng. Ngoài Thiếu tá Thoan và Thiếu tá Dũng ở Chốt 347 còn một chiến sĩ nữa tên Ngô Văn Tuân, nhà dưới Hậu Lộc. Bữa cơm được mấy anh em chuẩn bị từ trước đó để đón khách. Hóa ra, khách lại đông hơn chủ với tỉ lệ 4/3. Ngan Lào là món chính cùng một chút rau dưa, cơm nấu trong nồi gang bằng củi thơm mùi lửa. Chúng tôi hỏi han tình hình với dự định sẽ đuổi theo dấu chân các chiến sĩ biên phòng bằng cách… tiếp tục lên mốc. Thiếu tá Thoan giải thích điều này là không thể, bởi sau khi lên mốc 347 anh em không về mà tiếp tục sang mốc 346, mang theo cơm nắm ăn đường, mai mới về. Thế là mọi tính toán bị dập tắt. Như để an ủi, Thoan đưa ra phương án phù hợp hơn, chúng tôi sẽ lên thăm mốc 347, gần với chốt nhất. Từ chốt sẽ chạy xe máy khoảng 3 cây số theo đường tuần tra biên giới mới đến điểm ngược rừng để lên mốc. Cơm xong, đầu giờ chiều, Dũng và chiến sĩ Tuân “tăng bo” chúng tôi bằng xe máy cho nhanh đến điểm leo để hành quân bộ. Ngược dốc luồn rừng giữa những bụi vầu đang vào mùa cây mới, từng ngọn non san sát uốn cong giữa trời như những dấu hỏi. Qua một cây gỗ mục chúng tôi tiếp tục chạm mặt một con rắn lục khác to dễ gấp đôi con ở mốc 342. Trâu bò ở đây nuôi thả tự do trong rừng, tự ăn tự ngủ. Những con trâu tạm dừng việc dùng miệng bứt lá nhìn chúng tôi ngơ ngác. Chừng hai tiếng chúng tôi chạm mốc 347. Mốc 347 nằm trên một điểm cao giữa rừng vầu, luồng, hòa giữa thiên nhiên, rừng núi hai nước Việt - Lào. Anh em sửa soạn lau dọn cột mốc. Nhà báo Lí Học không ngần ngại cởi ngay chiếc áo lót đông xuân ra lau lên lớp đá hoa cương nhưng vì giẻ khô nên không sạch lớp rêu bám trên mốc, tôi lấy bình nước uống mang theo đổ ra thấm ướt chiếc áo của Học để lau cho sạch. Hai chiến sĩ biên phòng quét tước dọn dẹp xung quanh, nhường việc chăm sóc nâng niu mốc cho các nhà văn, nhà báo. Mọi việc tinh tươm, chúng tôi đứng ngay ngắn chụp vài bức ảnh lưu niệm trước khi xuống núi.

*

Chiều đã muộn. Chúng tôi rời mốc 347. Thiếu tá Lương Văn Dũng hấp hả luồn rừng đi bứt lên phía trước vẻ nôn nao. Trước đó, dù rất muốn buổi tối sẽ cùng anh trò chuyện về những tháng ngày trên chốt nhưng nghe Thoan nói hôm nay bản Mò tổ chức ngày lễ 20/10 cho chị em, là Đội trưởng Vận động quần chúng, Dũng nên có mặt. Người đàn ông trung niên 42 tuổi có chút gì đó như chộn rộn. Hiểu công việc của Dũng, chúng tôi chủ động đề nghị anh cứ đi về trước để xuống bản cho kịp, còn lại chúng tôi đi chậm sẽ từ từ xuống núi về sau. Dũng ái ngại trình bày rằng, xuống bản là phải uống rượu, mà uống rượu thì phải ở lại sáng mai mới lên được, ai lại để các anh ở chốt một mình. Chúng tôi trấn an rằng, sẽ tình nguyện cùng Thiếu tá Thoan ở lại “giữ chốt” cho Dũng đi, và thực ra chúng tôi có những bốn mình chứ không phải một. Cuối cùng thống nhất giải pháp, khi xuống núi, Dũng và Thoan sẽ về trước, không phải chở “tăng bo” luân phiên bốn chúng tôi từ đoạn xuống đường tuần tra biên giới về chốt nữa. Dũng xuống bản Mò, còn Thoan về trước chuẩn bị bữa tối để khi chúng tôi về có cái ăn.

Thiếu tá Ngân Văn Thoan và Thiếu tá Lương Văn Dũng trên mốc 347. Ảnh: NXT

Hăng hái nhận đi bộ nhưng hoá ra đó lại là một trải nghiệm khá chật vật, dù đường đi không khó như leo núi, nhưng ba cây số đường rừng sau leo núi chiếm mất của chúng tôi khá nhiều thời gian. Khi đi được phân nửa đường thì trời đã sậm màu, tôi thấy Dũng mặc áo phao, phi xe máy ngược chiều xuống bản. Chúng tôi vẫy tay chào nhau và tiếp tục hành trình ngược chiều về hai hướng. Về đến chốt, Thoan đã nấu cơm gần xong. Chiều biên giới xao xác buồn. Tơ trời buông dần qua những bông lau tía loang mờ lòng thung rồi dâng lên vời vợi một màu biên tái. Tôi quan sát những vật dụng của người lính chốt, từng góc giường của những chiến sĩ đi tuần được bàn giao để chúng tôi tiếp quản ngủ lại đêm nay. Ba lô, quần áo, giày dép, những trang bị quen thuộc của mỗi người lính, nổi bật nhất là một bọc nilon to các loại thuốc tân dược ở góc bàn. Thoan đóng vai chủ nhà giới thiệu, bọc thuốc ấy là của Dũng. Ngoài những thuốc viêm họng, nhức đầu, cảm mạo, vitamin thì còn có thuốc hỗ trợ cho “khoản ấy”. Thoan rỉ tai tôi, Dũng đang phục sức để chuẩn bị cưới vợ. Không để cho tôi kịp ngạc nhiên Thoan giải thích ngay, luôn, và ngắn gọn: tập hai. Và tôi biết đó là nút mở của một câu chuyện.

Đêm trên Chốt biên phòng 347 lặng lẽ như những đêm vùng biên khác. Chưa vào chính đông, cái lạnh giá và sương mờ còn ở phía trước. Bữa cơm tối chỉ toàn khách trong nỗi buồn man mác bởi sự vắng bóng hầu hết chủ nhà. Chưa bao giờ trong những chuyến công tác vùng sâu, tôi cảm thấy bất lực như thế này, khi mà đã lên đến tận chốt vẫn không chạm được vào những nhân vật của mình. Đã vậy, không chỉ con người, chốt có nuôi hai con chó thì một con cũng… đi “công tác”. Nó được đưa về đồn để có thể phối giống, sinh sôi khi trở về. Trong những lúc vội vã leo lên mốc và trong bữa trưa, chúng tôi đã kịp cập nhật một số thông tin về anh em làm nhiệm vụ trên chốt, nhưng chưa có điều kiện để hỏi sâu. Bữa tối là lúc có thể con cà con kê, trải lòng bên chén rượu, có không gian chạm vào những miền riêng tư thì nhân vật chính lại xuống bản. Tôi đành nghe chuyện về Dũng qua vị chủ nhà đóng thế. Thật may, Thoan là người mặn chuyện. Anh cho biết, Lương Văn Dũng quê ở Hiền Trung, huyện Quan Hóa, sinh 1981, nhập ngũ năm 2000 vào Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Như những người lính biên phòng xứ Thanh khác, Dũng đã qua nhiều đơn vị công tác từ Na Mèo đến Mường Mìn, Tam Chung dọc theo dải biên giới phía Tây. Dũng lấy vợ trong thời gian làm nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Tam Chung của huyện Mường Lát, là đồn tiếp giáp với Sơn La. Anh quen và cưới người vợ đầu ở bản Lát, mua đất dựng nhà ở đó. Cô con gái của Dũng được sinh ra tại đó. Nhưng rồi… Dũng nằm trong số 9 cán bộ tăng cường lên Điện Biên năm 2011. Tiền lương vẫn đều đều gửi về cho vợ, nhưng sự liên lạc của vợ Dũng cứ thưa dần, thưa dần, hời hợt trong lặng lẽ. Lặng lẽ nhưng cảm nhận được. Gần đến thời gian trở về thì Dũng liên tiếp nhận được những phản hồi không hay về vợ anh ở nhà. Sau một thời gian tăng cường, năm 2014 Dũng được điều trở lại Thanh Hóa. Được về gần nhà đấy mà lòng buồn vô hạn. Những bước chân vô thức đã đưa người lính ấy về đơn vị chứ không về tổ ấm mình gây dựng. Việc gì đến đã đến. Dũng và người vợ đầu li hôn. Anh chuyển đơn vị qua Đồn Tam Thanh, thuộc huyện Quan Sơn và ở đồn đến giờ. Cô con gái năm nay đã học lớp 8, ở với mẹ bên Mường Lát. Câu chuyện ấy cũng diễn ra chục năm rồi.

Quá trình công tác ở Tam Thanh, trong vai trò cán bộ vận động quần chúng, Dũng đã quen người phụ nữ hiện tại. Anh đã báo cáo đơn vị để hai người làm thủ tục kết hôn, thế nên, dù chưa về với nhau nhưng coi như đã là vợ chồng. Vợ mới của Dũng cũng cùng hoàn cảnh, li hôn chồng. Cô là một trong số những phụ nữ của bản Mò, bản mà Dũng vẫn qua lại nắm địa bàn, làm công tác vận động quần chúng theo chức trách nhiệm vụ của mình. Và tối nay, trong số những người được chúc mừng ngày 20/10 có người phụ nữ của anh. Bên cạnh công việc chung thì Dũng còn một chút tình riêng như thế. Điều này giải thích cho sự chộn rộn của Dũng ban chiều khi người lính đầu điểm bạc không giấu nổi sự nôn nao trước một hẹn hò.

Hoa trên Chốt 347. Ảnh: NXT

Ở Chốt 347 có một căn phòng đặc biệt khóa ngoài và nhìn khá riêng tư. Nhưng dù riêng tư thì vẫn là nhà gỗ, được ngăn bởi bức vách thưng bằng ván xẻ. Căn phòng ấy nằm ở bên tay trái, liền với gian chính là phòng ở chung. Ban đầu tôi tưởng là nhà kho nhưng Lí Học đi các đồn biên phòng nhiều nên “đọc vị” ra ngay khi chúng tôi được chỉ dẫn bỏ ba lô đồ đạc, máy ảnh từ trên xe vào căn phòng này trước lúc ăn trưa. Học nheo mắt cười cười bảo: buồng hạnh phúc. Trong bữa trưa Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Lương Văn Dũng đã xác nhận điều này.

- Bảo là phòng khách cũng đúng, buồng hạnh phúc cũng không sai. Đôi khi vợ con của anh em lên thăm thì có chỗ mà tá túc. - Dũng thủng thẳng.

- Trên chốt xa xôi cách trở thế này mà vẫn lên thăm được sao? - Tôi ngạc nhiên.

Để trả lời thắc mắc của tôi, Dũng kể về một trường hợp gần nhất. Tết năm rồi vợ con của Thượng úy Trường từ dưới Tam Lư phóng xe máy lên thăm. Sương mù dày thế, cách năm mét không thấy mặt, ấy thế mà cô vợ trẻ là giáo viên mĩ thuật chở hai con lên tận chốt. Quê Trường mãi ngoài Ninh Bình nhưng làm rể Tam Lư. Chồng không được về thì vợ con lên động viên chồng, chơi với bố và anh em trên chốt chứ biết làm sao. Tam Lư có xa thật nhưng cũng vẫn gần, vẫn là địa bàn của đồn, quãng đường chỉ hai chục cây số, chứ những anh em ở xa thật, mãi dưới các huyện miền biển của xứ Thanh cách mấy trăm cây, có muốn cũng khó mà lên được. Trường vốn là nhân viên trinh sát của Đồn Tam Thanh đóng chốt tại 347, hiện anh đã chuyển qua Đồn Mường Mìn và đang được cử đi học lái xe. Dũng chỉ cho tôi con mèo tam thể rất đẹp vừa chạy lại kêu ngoao ngoao như hỏi thăm khách lạ bảo, con mèo này là do Trường mang lên chốt nuôi khi còn ở đây. Tôi hiểu, trên chốt biên cương này, mỗi con chó con mèo không chỉ là vật nuôi mà còn là bầu bạn của mỗi người lính xa nhà, xa thôn bản.

*

*          *

Cùng xã vùng biên, nhưng bên phía Na Mèo, Mường Mìn cán bộ, công chức được hưởng phụ cấp khu vực còn mạn Tam Thanh và Yên Khương lại không. Nghĩa là những người lính làm nhiệm vụ trên chốt 347 thuộc Đồn Tam Thanh này cũng vậy. Bởi thế, đồng lương từ biên giới gửi về cho vợ con của người lính Đồn Biên phòng Tam Thanh thuộc huyện Quan Sơn hay Đồn Yên Khương thuộc huyện Lang Chánh sẽ ít hơn những người lính ở những đồn khác một chút, dù xét về mức độ khó khăn, cách trở, Yên Khương, Tam Thanh cũng một chín, một mười với các đồn còn lại trên dải biên giới phía tây của tỉnh Thanh Hoá. Như Thượng tá Cao Xuân Tỉnh, Chính trị viên Đồn Tam Thanh, nhà ở thị xã Nghi Sơn, từ đồn về nhà ngót nghét 200km. Mang tiếng công tác tại tỉnh nhà, nhưng số kilomet đường đi về nhà của những người lính biên phòng Thanh Hoá đôi khi gây ngạc nhiên cho chính những người lính biên phòng ở các tỉnh thành khác. Thượng tá Cao Xuân Tỉnh kể, khi còn ở Mường Lát, một lần bạn bè hỏi thăm nhau trên Zalo, người bạn cùng khoá với anh còn tưởng anh gõ nhầm con số khoảng cách gần 400km ấy. Có những thiệt thòi người lính chỉ biết tự an ủi, như Thượng tá Cao Xuân Tỉnh, anh không thể phàn nàn điều ấy với ai, bởi chính anh là người giữ trận địa tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ đơn vị trong vai trò là “chính ủy” của đồn như anh em vẫn gọi, nên trước hết phải tự làm tư tưởng cho chính mình.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh trong Hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Đồn với Đảng ủy hai xã Tam Thanh và Tam Lư về thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng. Ảnh: ĐVCC
Anh em biên phòng cơ bản đều là những người lính xa nhà, từ chiến sĩ, nhân viên hay lãnh đạo chỉ huy. Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tam Thanh, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, 20 năm gắn bó với màu áo biên phòng, điểm nhấn trong chuỗi kí ức của Tuấn là khoảng thời gian từ Thanh Hoá tăng cường cho Điện Biên. Tình hình Mường Nhé ngày ấy đang nóng, Nguyễn Văn Tuấn và Lương Văn Dũng là 2 trong 9 cán bộ biên phòng Thanh Hoá tăng cường cho Điện Biên năm 2011. Ngày ấy Tuấn còn trẻ, mới ra trường về Bộ chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa, đóng tại Đồn Biên phòng cảng Nghi Sơn, ở phía quê của Chính trị viên Tỉnh. Được hơn một năm thì có lệnh điều động tăng cường cho tỉnh bạn, Tuấn trẻ nhất trong số đó. Nghe lên Điện Biên thì cũng nghĩ sẽ về một đồn biên phòng nào đó làm nhiệm vụ một thời gian thôi, nhưng không hoàn toàn thế. Số cán bộ từ các tỉnh tăng cường được tập trung về Đồn Biên phòng Si Pa Phìn thuộc huyện Mường Chà, sau đó được dẫn sang “đồn mới” Phìn Hồ. Đến nơi mới biết “đồn mới” là một… khoảng đất trống ven thung lũng. Nghĩa là họ sẽ có nhiệm vụ lập một đồn biên phòng ở vị trí này. Thời gian đầu, anh em ở nhờ tạm trong trường mầm non của xã, cắt cử phân công nhau vào rừng chặt cây để dựng nhà. Cả đồn vào rừng, đồn trưởng và chính trị viên ở nhà bổ củi nấu cơm. Tầm hai tháng sau, những dãy nhà gỗ lợp mái tôn làm xong thì anh em chuyển về đồn ở, tổ chức các tổ đội công tác, bám nắm địa bàn, ổn định tư tưởng cho bà con dân bản. Sau đó cán bộ chiến sĩ đồn lại được huy động đi chuyển vật liệu để xây cho bà con một đập nước làm nông nghiệp. Mấy chục con người ngày ngày gùi vật liệu ngược đèo vượt dốc gần chục cây số đến điểm tập kết, ròng rã hàng tháng trời. Chỉ huy đồn thì kiêm thêm nhiệm vụ nuôi quân phục vụ anh em. Khi Mường Nhé tạm yên, địa bàn đứng chân đã ổn định và sắp xếp được quân số thay thế thì anh em Thanh Hóa mới được rút dần về.

Tuấn bảo, trước đóng quân ở đồn biển, lên Điện Biên mới thấm thía nỗi khổ của những người lính biên phòng đồn rừng. Dù Tuấn là quân của Biên phòng Thanh Hóa nhưng anh lại biết đến biên giới trên bộ đầu tiên ở Điện Biên. Về lại Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa, Tuấn được điều lên Đồn Tam Thanh, còn Lương Văn Dũng trước ở Đồn Tam Chung khi về cũng được điều sang Đồn Tam Thanh, anh em lại gặp nhau ở một đơn vị mới, chỉ có điều đấy là một đơn vị đã ổn định mọi mặt, không phải khai thiên lập địa. Dù vậy, địa bàn quản lí của Đồn Tam Thanh cũng trải dài khắp hai xã Tam Thanh và Tam Lư. Là Đồn phó nghiệp vụ Tuấn nắm địa bàn trong lòng bàn tay. Xã Tam Thanh có 8 thôn bản, trong câu chuyện với tôi Tuấn đọc vanh vách tên các bản ấy, từ Cha Lung, Na Ấu đến Pa, Phe, Mò, Ngàn, Kham… Cái tên nào cũng gợi về những miền xa lắc. Về nhiệm vụ phòng chống ma túy và tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn cho biết, năm 2023 Đồn Biên phòng Tam Thanh đã bắt giữ và chuyển Viện kiểm sát khởi tố 8 vụ, trong đó vụ lớn nhất, Đồn phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa bắt giữ đối tượng người Lào vận chuyển 12.000 viên ma túy tổng hợp qua địa bàn đơn vị quản lí.

Những bông lau phía sau Chốt biên phòng 347. Ảnh: NXT

Nói về các chốt biên phòng trên tuyến biên giới, Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trước đây, khi dịch Covid còn diễn biến phức tạp, mỗi chốt đều làm nhiệm vụ song trùng, vừa tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc, bảo vệ rừng và đấu tranh phòng chống tội phạm vừa có nhiệm vụ phòng chống dịch, đến nay dịch Covid đã yên thì các chốt tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ còn lại như thường lệ. Điều kiện sinh hoạt tại các chốt đều khó khăn, không điện lưới, sóng điện thoại phập phù chỗ có chỗ không, anh em phải đi hứng sóng mới liên lạc được. Điều này chúng tôi đã được trải nghiệm tại Chốt 347. Điện sinh hoạt thì chốt làm một thủy điện nhỏ theo kiểu vùng cao, dẫn điện từ dưới suối lên cũng đủ thắp sáng và sạc điện thoại. Còn sóng điện thoại, chiến sĩ Ngô Văn Tuân kể, tối nào cũng cùng bác An (là người lính đã đi tuần biên mà chúng tôi không có dịp gặp mặt) di chuyển xuống dưới con dốc cách nhà ở một đoạn để hứng sóng, bác thì nói chuyện với vợ con, cháu thì buôn chuyện với người yêu vài câu rồi hai bác cháu lại ngược dốc về chốt đi ngủ.

Trong cuộc gặp gỡ trước khi chúng tôi lên Chốt 347, Thượng tá Hoàng Anh Hiếu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, Đồn Biên phòng Tam Thanh quản lí 28,1km đường biên giới với 10 mốc giới quốc gia, từ mốc 338 đến mốc 347 trải dài trên hai xã Tam Thanh và Tam Lư của huyện Quan Sơn, trong đó có 3 mốc giới trên địa bàn xã Tam Lư và 7 mốc giới thuộc địa bàn xã Tam Thanh. Mốc 347 nơi chúng tôi đến là mốc cuối cùng và xa nhất của đồn, tiếp giáp với xã Yên Khương thuộc huyện Lang Chánh nơi Đồn Biên phòng Yên Khương đứng chân. Số kilomet mà Đồn Tam Thanh quản lí so với các đồn tuyến biên giới của Bộ Chỉ huy Biên phòng Thanh Hóa chỉ đứng sau Đồn Quang Chiểu và Đồn Na Mèo. Địa bàn đồn đứng chân có hơn 1.500 hộ với 7.500 nhân khẩu, tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc Thái. Đối diện khu vực Đồn Tam Thanh quản lí bên kia biên giới là huyện Sầm Tớ, khu vực cụm Mường Pao của Lào. Cụm Mường Pao mới được thành lập trên cơ sở 6 bản, gồm trên 300 hộ với 1.500 nhân khẩu. Tình hình địa bàn những năm qua cơ bản ổn định. Năm 2023, tổng kết thi đua, kết quả bình xét Đồn Biên phòng Tam Thanh đạt loại 1 - loại xuất sắc trong 6 đơn vị thuộc cụm thi đua số 2 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Những năm qua Đồn luôn có những hoạt động củng cố địa bàn, xây dựng trận địa lòng dân, phát huy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước, giữ gìn bảo vệ biên giới. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, chăm sóc sức khỏe, học tập của con em vùng biên luôn được cán bộ chiến sĩ Đồn quan tâm thực hiện. Để thể hiện chủ quyền biên giới quốc gia, Đồn còn tổ chức tặng cờ Tổ quốc cho các hộ dân trên địa bàn vào dịp Quốc khánh 2/9. Đầu tháng 9 năm 2023 Đồn đã tặng các hộ dân hai xã Tam Thanh và Tam Lư 500 lá cờ Tổ quốc. Những lá cờ mà chúng tôi nhìn thấy dọc tuyến biên giới khi đi qua các thôn bản đều có xuất xứ từ chương trình này. Những lá cờ Tổ quốc ở vùng biên luôn đem đến cảm giác thiêng liêng đặc biệt, như lá cờ trên Chốt 347 giữa rừng nơi chúng tôi đang có mặt, sắc đỏ tươi in trên nền trời xanh thẳm, trên màu xanh của rừng như một niềm tin chân lí, tiếng gió reo phần phật là âm thanh nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người lính đối với Tổ quốc mình.

*

*          *

Chú chó bầu bạn của những người lính Chốt 347. Ảnh: NXT

Hôm ấy, ở Chốt 347 chúng tôi đã có một đêm khó ngủ. Hai chủ nhà và bốn vị khách bàn phương án phân bổ số giường mà chốt có, co kéo mãi vẫn thiếu, kể cả khi đã huy động nốt căn… buồng hạnh phúc. Giường trong phòng tập thể là giường một, giường trong buồng hạnh phúc là giường đôi, nếu hai người chịu vào ngủ trong buồng hạnh phúc thì vừa đủ, Thiếu tá Ngân Văn Thoan gương mẫu, tình nguyện vào buồng hạnh phúc nhưng còn một suất nữa đùn đẩy mãi chả ai chịu vào. Cuối cùng chúng tôi ngả một chiếc đệm xuống sàn để có thêm chỗ cho cả nhóm ngủ cùng nhau. Đêm chìm trong giấc sâu của rừng. Chả mấy chốc đã nghe tiếng ngáy từ bên kia khe vách, trong căn buồng hạnh phúc. Rừng cũng ngủ và rừng cũng ngáy, những tiếng ngáy đều đều, da diết và khắc khoải, lặp đi lặp lại đến nao lòng. Là tiếng chim rừng. “Chót - bóp”… “Chót - bóp”… Những âm thanh dội về từ phía rừng xa. Ấy là tiếng chim từ quy gọi bạn tình, tiếng gọi thao thiết suốt đêm, như tạc vào vùng biên ma mị và ám ảnh. Loài chim này đã quen thuộc với những người lính trong rừng Trường Sơn từ những năm chiến tranh. Hai tiếng “chót - bóp” lặp đi lặp lại, con này gọi, con kia trả lời, cứ thế suốt đêm cho đến sáng. Nằm mãi không ngủ được, tôi và Lí Học trò chuyện về sự tích chim từ quy. Chuyện xưa kể rằng, có một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản không đến được với nhau, buồn bã, cả hai bỏ vào rừng mỗi người mỗi hướng mà tìm đến cái chết. Sau khi chết mỗi người biến thành một con chim, cả đời gọi nhau thao thiết, cứ gọi mãi, gọi mãi, nghe thấy tiếng nhau đấy mà chẳng thể đến. Người đời thương xót đặt tên loài chim ấy là “từ quy”. “Từ quy” trong tiếng Hán nghĩa là lời chia tay. Yêu nhau tha thiết nhưng vẫn phải chia tay. Chia tay nhưng còn nhiều day dứt, bởi thế loài chim ấy vẫn cứ gọi nhau mãn đời mãn kiếp. Như đêm nay, những tiếng từ quy đang đều đều vang vọng. Những người lính biên phòng trên chốt cũng là những người đàn ông có tình yêu, có vợ con nhưng vì nhiệm vụ họ phải tạm chia tay, tạm xa nhau mỗi người mỗi ngả, chuyện tình cảm lứa đôi của họ luôn ở hai đầu nỗi nhớ.

Chúng tôi nằm trên những chiếc giường lính chốt ghép từ gỗ rừng chắc như những chiếc sập. Lí Học chặc lưỡi, “giường này mà phục vụ chiến đấu thì khỏi rung khỏi lắc, khỏi cót két nhỉ…” Cả bốn chúng tôi cùng bật cười trước ý nghĩ tinh nghịch ấy. Và bên kia bờ vách thưng gỗ, trong căn buồng hạnh phúc chỉ có một người, có tiếng Thiếu tá Thoan nặng nhọc trở mình giữa những tiếng ngáy khò khè như tiếng gọi vô thức giữa cơn mơ biên ải.

Trong đêm thanh vắng, tiếng từ quy vẫn khắc khoải bên rừng.

N.X.T

(Còn tiếp)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)