Bóng trăng Vọng Nguyệt

Thứ Sáu, 22/03/2024 15:35

. NGUYỄN THỊ KIM HÒA
 

I

Rằm tháng Bảy. Trăng không thấy bóng. Chỉ ánh sáng nhờ nhờ rót xuống từ màn mây mờ đục.

Cây lặng phắc. Chỉ những cái bóng đổ dài loang loáng vệt đỏ. Là lửa. Lửa phập phù trong cái đỉnh lớn đặt giữa sân Vọng Nguyệt cung. Lửa vờn trên đầu mấy cây nến cao trấn đủ bốn phương trên bàn lễ. Bàn mà không phải bàn. Vì chỉ một cái mâm dài, cao hơn mặt đất độ mười phân.

Nải chuối chín, ba cái trứng luộc, năm chén nước, đĩa trầu cau, bát gạo. Bóng đồ lễ trên mâm lồng bóng lửa chui lên thành đá ong của một miệng giếng hình lục lăng kế đó.

Bóng người cúng lễ lại bị ánh lửa hắt ngược. Có lẽ vì bộ khăn áo tuyền trắng. Màu da đồng hun chìm lỉm giữa đêm. Nhìn từ xa, không khác nào một hình nhân trắng toát đang phơ phất, lắc lư theo bóng lửa. Trời không một ngọn gió. Nhưng lửa vẫn nhảy múa.

- Lửa có đuổi được con ma đó không chị?

- Bậy nào. Ai là ma?

Ở góc xa bàn cúng, bên ngoài bóng đổ của cái giếng lục lăng, có đôi tiếng thì thầm.

Minh hoạ: Lê Anh

Ngồi giữa chục ngọn đèn lồng sáng rực, Đại Thắng Minh hoàng hậu khẽ chau mày. Mấy ngón tay thuôn dài lần nhanh hơn chuỗi ngọc đang cầm. Ánh ngọc trong vắt, lấp lánh kết nhau bằng một sợi dây vàng. Chuỗi được đích thân Khuông Việt đại sư thỉnh về từ chùa Khai Quốc dâng tặng.

- Người xem. Đấy là tên thầy cúng nổi danh gần đây nhất trong kinh thành. Nghe bọn nô lệ Chiêm kháo nhau, hắn tuy nhỏ tuổi nhưng tài trừ tà, giải oán ít ai bằng. Nghe đâu từ lọt lòng hắn đã theo sư thầy người Thiên Trúc tu đạo. Dạo Nhâm Ngọ, Đại Hành hoàng đế bệ hạ thắng Chiêm, đưa sư về ta, hắn cũng đi theo. Lùm xùm khăn áo thế thôi chứ mặt mũi hắn cũng kháu khỉnh lắm. Con nom lại cứ thấy giông giống Vệ Vương nhà mình…

Tràng huyên thuyên bỗng im bặt vì chuỗi ngọc khựng nhịp lần. Mắt ngọc trừng lên. Kẻ bép xép kinh hãi dập đầu xuống đất.

Phía giữa sân, cái đỉnh lớn sau bàn lễ chợt phụt cao một lưỡi lửa. Thầy cúng người Chiêm vừa ném một vốc gạo. Gạo kết nối trời và đất. Gạo mua chuộc quỷ đói mở cổng. Gạo dẫn đường hồn oan trở về cõi sống.

Đôi tay người cúng lễ vẫn giơ cao. Đĩa gạo đã cạn mà đôi cánh tay như cặp rắn đen chui ra từ hai ống tay áo trắng toát vẫn không ngừng uốn éo trong điệu múa kì quặc. Cổ con rắn bên trái có đeo một chiếc vòng. Không phải vòng đá, vòng ngọc hay vòng đồng. Thứ kim loại đúc ra chiếc vòng trên tay người cúng lễ sắc lạnh, lại loang loáng ánh đỏ. Không giống màu đỏ ấm của lửa, sắc đỏ rợn này phảng phất tanh. Mùi tanh len lỏi, chìm lẫn giữa rực nồng hơi lửa. Không dễ gì nhận ra được.

*

*        *

Ta nghe thấy rồi. Mùi máu!

Máu của ai?

Máu người Việt hay quân Tống, quân Chiêm. Máu họ Ngô hay máu họ Đinh. Máu kẻ lạ hay máu ruột thịt giết nhau?

Ta lạnh quá. Trốn góc nào cũng lạnh. Tầng nước xanh ủ ấp giấc ngủ ta vừa nứt toác. Lòng giếng đã không còn là nơi an toàn. Những mắt đá ong trợn trạo ngó ta thương hại lẫn ghét bỏ. Lũ rêu nhớt vươn đám tay trơn tuột toan túm lấy ta, thít cổ. Chỉ còn cách trồi lên, trở về mặt đất.

Mùi máu đến từ đâu?

Giữa bùng bùng lửa, một thân hình bé nhỏ đang quằn quại, đau đớn.

Hạng Lang, là em phải không?

Anh Liễn nói đêm nào cũng mơ thấy em. Em cười, em nói. Em nũng nịu đòi anh bế. Em cứ ôm chặt chân anh khóc hỏi sao em chết.

Hạng Lang, đừng đau đớn nữa em. Trăm cột kinh anh Liễn dựng đều khắc tên em. Mỗi đêm rằm, anh đều vì em mà xõa tóc quỳ dưới chân Phật.

“Nam mô bạc già phạt đế.

Tát bà tha đát lan lô chỉ dã.

Bát lạt để tì điệt sắt tra dã...”

Tiếng ai đọc Đà La Ni kinh trong quầng sáng đèn lồng?

Mẫu hậu. Ra là người. Người vẫn đẹp. Môi vẫn thắm, ngực vẫn đầy căng, má vẫn hồng. Xiêm áo Thái hậu của người đâu sao không thấy mặc. Những ngón tay ưa chỉ trỏ thị uy sao lại đi lần tràng hạt. Nhìn người, ta thật không quen.

Anh Liễn nói Đà La Ni kinh khắc trên cột đá mới có nhiều quyền phép. Sách Phật dạy: Ai thấy được kinh tràng, ai lại gần hay lại được bóng kinh tràng rọi lên, được gió thổi bụi tràng bay vào người thì mọi tội nghiệt đều tiêu biến. Đến chữ anh khắc trên đá còn không ngăn được nghiệp báo. Người đọc làm gì, những câu sám hối gió bay.

Ta thấy mắt người đang tối. Trong ánh nhìn người, run rẩy, sợ hãi rõ ràng đang kết mành.

Người đang sợ điều gì, mẫu hậu?

Ta biết rồi. Đứa trẻ đang quằn quại bên chảo lửa kia không phải Hạng Lang. Nó là Toàn. Đứa con trai cuối cùng của cha ta. Kẻ kế thừa còn sót lại của nhà ta. Đến cả máu thịt mình người cũng không bảo vệ được sao? Máu trẻ con lại phải đổ cho trò chơi vương quyền của các người sao?

Hình như ta đã lầm. Không phải Hạng Lang. Không phải Toàn. Chỉ là một đứa trẻ đang tập tành cúng bái, múa may lạ kì trước đám lửa.

Từ lúc nào trong sân nhà ta lại có bóng người Chiêm. Quân ta đại thắng rồi. Yên bình đến rồi. Hay chiến thuyền Nhật Khánh đã mang lính Chiêm càn lên xác người Hoa Lư?

Đầu ta đau quá. Má cũng đau.

Máu.

Máu như con rắn trườn thật khẽ, thật khẽ rồi chồm xuống. Giọt ngoạm lấy cổ ta, giọt cắn chặt tay ta. Thịt da ta chỗ muốn rách toạc, muốn xé tung.

Ta cần nước để dịu bớt cơn đau, để giết con rắn máu.

Đèn lồng. Lửa đỏ. Nến sáp. Chén nước...

Đứa trẻ Chiêm kia, cho ta mượn nước của ngươi.

Chén nước đầy. Lòng nước trong veo. Ta chưa kịp chạm đã gặp quỷ. Giữa lòng chén, trong tấm gương nước, một con quỷ mặt sần sùi sẹo đỏ, cái ùn lên, cái bục vỡ ri rỉ máu nhìn ta.

- Phất Kim!

Tiếng gọi nó cất lên sao đau đớn, sao bi ai, sao làm nước mắt ta vỡ tung.

Những đoạn kí ức ta gói lại, chôn sâu dưới tầng nước giếng vụt như lửa cháy bùng.

Trời hỡi. Là giọng ta. Bóng quỷ trong chén nước là chính ta. Ta vừa gọi tên mình.

Minh hoạ: Lê Anh

Phất Kim. Ta về rồi. Chồng nàng về rồi.

Về theo cách nàng muốn. Không tướng, không binh, không ngựa xe, không kẻ hầu. Về chỉ hai bàn tay trắng. Về tiếp tục làm phò mã nhà Đinh.

Nhưng Phất Kim, nhà Đinh giờ còn không?

Phía núi Đại Vân, họ Lê đang dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế để coi chầu. Cột dát vàng, kèo nạm bạc, đến cặp rồng trên mái ngói từ chân lên đầu cũng được kết ngọc.

Hoàng thành giờ đang vào mùa xây cất. Nhìn đâu cũng thấy bóng thợ thuyền. Nhìn đâu cũng thấy những mặt nền đang đắp đất sét, rải đá ong. Thấy cả những lối đi cũ được mở rộng, trải lớp đá mới nâu óng.

Còn điện chầu của cha nàng?

Ta nghe nói giờ chỗ ấy mối đang vun đống, cỏ dại leo cao hơn đầu người, nhưng tuyệt chẳng có bông lau nào.

Nàng có thấy mái nhà Vọng Nguyệt cung này lệch hẳn một bên không?

Ta đoán rằng cây cột chính đỡ mái đã mục. Sẽ không có cây cột phụ nào gia cố lại mái nhà cho nàng đâu. Mấy cánh cửa xộc xệch đầy dấu mối vẽ bùa cũng sẽ mãi đóng bụi, chờ ngày thành củi nấu. Hồ sen cha nàng xây tặng đã thành hố chứa lá khô. Trong nhà, nhện chăng mành, dơi rắc đầy phân lên bệ thờ.

Nàng hiểu tâm trạng của ta chưa, Phất Kim?

Không đêm nào ta không mơ thấy gian nhà thờ ở Cổ Loa. Ta thấy trên bàn thờ ông ta, cha ta, chuột cắn đuôi nhau đi thành hàng, đá lăn lốc cả lư hương lẫn chân đèn. Thấy hồn ông ta bật ra từ một lư hương vỡ, chỉ mặt ta mắng: Ngươi đã làm được gì cho họ Ngô?

 

Em gái ta lại có một giấc mơ khác. Nó mơ về cha. Cha cùng nó chơi thả thuyền lá trên một ao sen. Sen phủ rợp mặt nước, nước bị sen quây kín, chỉ còn lại những dải nhỏ thoi thóp nhưng lá thuyền cha thả vẫn len lách chạy được.

Ngày về Đường Lâm, khi đã thôi khóc tang cha, nó nói nhớ ao sen. Ta sao có thể cho nó biết, nơi nó nhung nhớ, nơi nó luôn mong được trở về không chỉ trong giấc mơ đã vùi tự lúc nào dưới đất đá, gạch vỡ.

Lã Sử Bình dấy một trận can qua rồi cũng chết dưới tay cha nàng. Cổ Loa tan nát hết.

Đỗ Cảnh Thạc trúng tên bỏ mình ở Sài Sơn. Kiều Công Hãn chưa kịp hội quân với anh Xương Xí ở Bình Kiều đã phải thác vì một tên hào trưởng. Cặp mãnh hổ từng cùng ông ta gầm đuổi lũ Nam Hán khỏi đất Tĩnh Hải quân, xiên thuyền chúng trên bãi cọc Bạch Đằng, hai cây cột lớn cuối cùng của nhà Ngô ta đều đã gãy.

Đến con hổ già Phạm Phòng Át cũng quên tình với nhà ta mà về với họ Đinh. Xương Xí rồi cũng noi gương ông ngoại mình, buông tay Bình Kiều.

Nát tan hết. Sáu năm ông ta dựng nghiệp. Hai mươi năm cha ta gắng chèo chống con thuyền nhà Ngô qua ải Dương Tam Kha, qua bao phen trùng trùng nguy biến. Đến đời anh Xương Xí, đời ta lại để mảnh thuyền ấy rã tan tành, chìm xuống.

Nàng có hiểu lòng ta không, Phất Kim? Ta chưa bao giờ dám trở lại gian nhà thờ ở Cổ Loa. Đến bàn thờ ở Đường Lâm, mỗi lần thắp hương mắt ta cũng không dám chạm lên bài vị cha ông.

Anh Xương Xí khuyên ta nên quên. Cũng như cha mình ngày chạy trốn Dương Tam Kha, anh tìm quên với núi non, cây rừng vùng thượng du châu Ái. Ta không thể như anh. Cũng không thể noi anh Xương Tỷ trốn vào cõi Phật làm một Khuông Việt đại sư.

Trăm cảnh sắc tuyệt mỹ, ngàn câu kinh buông bỏ cũng sẽ không bao giờ làm ta quên ta họ Ngô. Ta sợ cái chỉ tay mắng của ông ta trong mơ. Sợ ánh mắt tổ tiên trừng trừng nhìn ta từ những tấm bài vị trên bàn thờ hỏi: Làm phò mã nhà Đinh có vui không?

II

Bóng áo trắng sau bàn cúng bỗng ngưng múa may tay chân, ngã vật ra đất. Vài kẻ giúp lễ đứng cạnh toan xô tới xem tình hình đều hốt hoảng giật lùi lại. Vì vẫn nằm trên đất, nhưng thầy cúng người Chiêm mở mắt. Ánh mắt phừng phừng như chứa một trận lửa lớn sắp bùng. Tia nhìn nào phóng ra cũng hệt những nhát kiếm chém trong điên cuồng, tuyệt vọng. Ánh mắt không thuộc về gương mặt trẻ con.

Màu da thầy cúng nhỏ tuổi càng lúc càng tái nhợt. Rồi cũng bất ngờ như lúc ngã xuống, gương mặt nhợt nhạt trắng vùng dậy, phóng ánh mắt vút ra khoảng sáng của chục ngọn đèn lồng.

- Ngươi có thấy mắt hắn quen không?

Kẻ đang dập đầu nương câu hỏi len lén đứng dậy, cun cút xán lại bên chủ nhân. Căng mắt thị lom lom ngó, ra vẻ đang chứng thực điều vừa được hỏi.

Chủ nhân từ dạo sảy long thai tính tình càng khó đoán, lại ưa thấy những điều quái gở. Như cách đây non tháng, nửa đêm chủ nhân bỗng tỉnh giấc thét gọi thị hỏi có thấy người đàn bà mặt sẹo nào đứng ở đầu giường không. Lần khác nữa, giữa trưa nắng, thị và cả bầy cung nữ phải túa nhau ra vườn sau kiếm cho bằng được ả mặt sẹo chủ nhân quả quyết cứ đứng nhìn bà qua ô cửa sổ.

Tin chủ nhân thị gặp ma dần dà lan khắp năm cung. Những kẻ chưa từng thấy con ma ra sao cũng có thể kể vanh vách như đã quen thuộc. Nào là ma đấy bên má có vết sẹo do kiếm rạch. Nào là ma chết dưới giếng nước nên mình mẩy ướt rượt. Nào lúc sống ma vốn là công chúa con gái vua Đinh.

Cung Vọng Nguyệt vốn hoang lạnh bỗng dần khói hương nghi ngút. Bọn người chủ nhân sai đến xua lũ dâng hương cứ hôm trước đi, hôm sau đều về nằm bệnh cả tháng ròng. Nghe đến ba chữ Vọng Nguyệt cung, đứa nào cũng lẩy bẩy quỳ lên, chấp tay vái lia lịa vào không trung.

Chủ nhân được tin báo lại bật dậy, vằn mắt phượng, lệnh cho thị kiếm về những tay thầy cúng giỏi nhất kinh thành. “Ta mà lại đi thua những kẻ đã chết sao.” Lúc lui ra, thị thoáng nghe chủ nhân lẩm bẩm.

Thị mới theo chủ nhân từ năm Thiên Phúc thứ nhất, nên dẫu được xem thân cận vẫn phải dọ dẫm để nương theo ý bà. Chủ nhân vốn không tin ai. Kẻ hầu cũ thời bà còn là Thái hậu nhà Đinh đã bị đổi sạch, nghe đâu trong đám xuất cung chẳng mấy người về được đến nhà. Thị không muốn giống họ.

Cố lục lọi, moi nhanh trong trí nhớ những cái tên liên quan đến Vọng Nguyệt cung, thị nén giọng mình xuống thành tiếng thì thào nguy hiểm.

- Bẩm, là Ngô Nhật Khánh. Tên thầy Chiêm này tài thật. Hẳn hắn gọi hồn Khánh về giúp đuổi ma cho ta.

*

*        *

Nhật Khánh, ta vừa nghe họ gọi tên chàng.

Hồn chàng đang trong thân xác đứa trẻ người Chiêm này thật sao?

Chàng thấy ta chứ, Nhật Khánh? Thấy sẹo quỷ trên má ta chứ?

Bao nhiêu tay thầy thuốc tài giỏi cha truyền gọi, bao thuốc đắp, lá uống, vết sẹo vẫn y đấy. Da quanh dấu rạch đã chết. Thịt ùn lên thành nấm mồ, vằn vện gân máu đỏ. Mỗi khi soi gương hay mặt nước, tay ta đều không nhịn được cơn thèm cấu rứt vết sẹo. Đau đớn sẽ nhắc ta nhớ đến chàng. Dòng máu rỉ xuống sẽ khiến ta không bao giờ quên mũi kiếm chàng.

Từ lúc ta về cùng vết sẹo, gương soi khắp Vọng Nguyệt cung đều nát vụn. Mặt nước hồ sen cũng rút hết, cấm chừa lại dù một giọt. Anh Liễn không cản được ta hành tội vết sẹo, nên xả giận lên mọi thứ ta dùng soi bóng.

Em gái chàng sang thăm, chỉ lẳng lặng ngồi nép chân giường ta, đầm đìa nước mắt. Một lần, giữa giấc chập chờn, ta cảm giác có bàn tay nắm giữ lại những ngón tay ta cấu xé vết sẹo trong vô thức. Bàn tay ấy ấm rực, hệt tay mẹ ngày nhỏ vẫn ôm ta, ủ ấp. Trong hơi ấm, ta muốn trôi mãi trong giấc ngủ. Nhưng gương mặt chàng cứ thấp thoáng. Giá như con bé đừng quá giống chàng. Giá từng ánh nhìn, khoé miệng cả cái nhíu mày đừng khiến ta nhớ, đừng cho ta cảm giác chàng đang cạnh ta, ghim xuống ta luồng mắt lửa.

“Ta chưa bao giờ xem ngươi là vợ!”

Ta sợ lắm, Nhật Khánh. Sợ lại thấy bừng bừng lửa hận trong mắt chàng. Sợ tai lẫn tim óc thêm lần nữa cháy xém, rát buốt vì uống phải dòng lửa bỏng. Nên vùng dậy, ta đã thét với kẻ đáng thương đang vỗ về mình.

“Chị cút đi. Đừng đến đây nữa!”

Chàng khiến ta thành đứa vô ơn, thành con quỷ ác độc, Nhật Khánh.

Ta vốn đã vờ không thấy những vết roi quật, những chỗ da thịt con bé tím bầm. Ta vốn xem mình điếc đặc lúc kẻ hầu kể anh Liễn say rượu xách kiếm đòi rạch mặt con bé trả đũa. Chưa đủ sao. Ta lại còn mắng nhiếc đuổi xua.

Còn bé đâu lỗi gì. Nó đâu phải người tàn nhẫn vung kiếm, tặng ta vết sẹo.

Biết không, Nhật Khánh, từ ngày có vết sẹo, cha đến thăm ta đúng một lần. Chiếc ghế cha ngồi cách giường ta phải đến trăm bước chân. Cách thêm một vòng người nào thầy thuốc, nào các bà vợ của cha, nào láo nháo kẻ hầu.

Ta ước chi cha đến thăm ta một mình. Ước bàn tay cha, lại như ngày trước, âu yếm vuốt má hồng ta, khen ta xinh. Cha hay nói gương mặt ta làm cha nhớ mẹ. Anh Liễn còn ganh tị ta vì may mắn được hưởng nét mặt của người cha yêu nhất.

Cha sợ gì lại không dám đến gần ta, không thăm ta nữa. Sợ nhìn ta đau đớn. Sợ sẹo quỷ gớm ghiếc. Hay sợ phải thấy bóng chàng trên nó, thấy thất bại của mười năm quyết tâm hòa hợp Ngô Đinh?

Chợt nhận ra, cha chưa bao giờ nhìn ta mà thấy ta. Ta như trong suốt từ lúc mới sinh ra. Ta tồn tại chỉ để cha thấy cái bóng cha muốn gặp. Chàng cũng vậy, Nhật Khánh. Có khi nào chàng nhìn ta mà đừng thấy cha ta, anh ta, thấy người nhà ta mang ngai rồng từ Cổ Loa ra Hoa Lư không?

Ta đã nhủ sẽ không bao giờ như cha ta, như chàng. Nhưng vẫn đối xử với người chị dâu nhỏ tội nghiệp như thể vật trút giận.

Ta từng rất thích con bé. Ngày cưới nó và anh Liễn, ta nhớ, kệ mẹ chàng mắng, nước cũng đầm đìa tuôn ra từ đôi mắt to. Con bé thật dũng cảm. Hơn ta, ít ra, nó còn dám phản kháng bằng nước mắt.

Ta chỉ biết an phận chấp nhận. Để nhận lại gì? Những lời mắng nhiếc phũ phàng, cắt tim chảy máu. Một lưỡi kiếm điên cuồng vung lên. Một cái hất đầu lạnh lùng ra hiệu đẩy ta xuống thuyền.

Bến sông chàng bỏ lại ta kiên quyết giong thuyền về đất Chiêm mặt nước bể nát, vụn vằn không thua gì những mảnh gương vỡ. Đứa hầu gái muốn nhanh đưa ta vào bờ trị thương, mái chèo nhỏ càng cố khua càng làm vụn nước văng cắt ta đau điếng.

Quá nhiều cơn đau đổ đến cùng lúc. Chừng chạm được bờ, thần kì sao, ta thấy mình không còn biết đau nữa. Mắt ta cũng không còn biết nhỏ nước. Đứa hầu bên cạnh cứ ôm ta gọi công chúa ơi, cô ơi, cô khóc đi, khóc cho vơi bớt. Vậy mà mắt ta cứ trơ ra, khô khốc. Cố nhắm mở, dụi xát thế nào cũng không lay gọi được nước mắt trở lại. Cùng chuỗi đau, chúng đã ở lại giữa dòng.

Lần cuối đến thăm ta, em gái chàng cũng không khóc. Con bé chỉ muốn cùng ta đi dạo hồ sen. Nước không còn, đáy hồ phơi trụi lủi những thân sen đang chết dần. Mặc ta ngăn, con bé vẫn trèo xuống, sục sạo mãi giữa đám xác khô nhăn nhúm. Dưới nắng, ta lần đầu thấy bóng con bé. Cái bóng khô kiệt, mỏng dính không khác nào đám xác sen trên đất. Càng nhìn, ta càng thấy hệt bóng mình.

Con bé cũng như ta, như mẹ chàng, đều chỉ là những mảnh gương để người nhà mình dùng trói bóng kẻ khác. Ai thiết quan tâm bóng gương mỏng hay đầy.

Để ta nói chàng biết, Nhật Khánh. Khi cái bóng giữ trong gương biến mất, mặt gương cũng chẳng ai cần đến nữa. Ta đã thấy trăm mảnh gương như thế, câm lặng, mờ đục trong màu áo trắng, khăn tang trắng nối đuôi sau quan tài cha ta và anh Liễn. Núi Mã Yên phủ đầy những mảnh gương mất bóng nên nhìn lên chỉ thấy sừng sững một khối xám xịt, đục ngầu. Khắp kinh thành, người Hoa Lư tìm cả ngày vẫn không thấy bóng núi đâu.

Trên con thuyền xua nghìn quân Chiêm về Hoa Lư, chàng có lúc nào nghĩ đến mẹ và em mình? Hai cái bóng họ buộc giữ đều mất rồi. Trên giường bệnh, hồn sen em gái chàng đã rời xác khô. Mẹ chàng đã xuống tóc. Họ chưa đủ vỡ nát, đáng thương sao. Chàng giáng thêm chi nữa ngọn roi người nhà kẻ rước giặc.

“Công chúa có biết Khánh sắp về không?”

Người ta đã hỏi ta như thế, Nhật Khánh. Đến ta, người ta cũng không thèm giấu nghi ngờ, lăm lăm chĩa ngọn roi ấy thẳng mặt.

Thế mới hay, dẫu mảnh gương có mờ đục hay tan vỡ, dấu vết cái bóng vẫn còn đó. Dù có làm gì đi nữa, trong mắt người nhà mình, ta vẫn là dâu họ Ngô, vợ kẻ rước giặc.

Nhưng, Nhật Khánh, chàng đã nói ở bến sông, mười năm ròng chàng đâu xem ta là người nhà chàng. Ta chỉ là con gái cha ta, công chúa họ Đinh.

Cha ta bị họ độc chết rồi, anh Liễn cũng không còn. Ta biết nhờ ai phân xử xem ta họ Đinh hay họ Ngô. Ta biết hỏi ai rốt cuộc ta thuộc về nơi nào.

Trên thuyền Chiêm, chàng có nghe tiếng ta gọi chàng không? Ta đã gọi chàng lúc buông mình qua giếng Ngọc. Ý nghĩ ta chỉ réo tên chàng trong giờ khắc thân xác chìm xuống.

Ta đã nói: Nhật Khánh, ước gì ngươi cũng chết!

*

*        *

Ta không mong nàng tha thứ, Phất Kim.

Kẻ lo nghiệp lớn phải biết nhẫn tâm, dám vứt bỏ. Càng nhẫn tâm, càng có khả năng chiến thắng. Bài học ấy nào ai khác cha nàng, anh nàng đã dạy ta.

Với con trai nhỏ bị treo ngọn cây làm con tin, cha nàng có thể đoạn tình sai cung thủ nhắm bắn. Với đứa em ruột thịt mới vừa lên bốn, anh nàng còn nỡ giết đi. Cớ sao ta phải chịu trói chân bởi nước mắt đàn bà?

Cha nàng quá khinh ta. Tưởng đem sợi dây mỏng giai nhân mà buộc được mãnh hổ.

Mười năm. Khánh ta đã cúi đầu, đã bao phen cắn răng nhắc mình nhẫn nhịn. Mẹ ta, em gái ta đang trong tay cha nàng, anh nàng. Đàn bà họ Ngô nhà ta đang trở thành trò vui cho lũ đàn ông nhà nàng giày vò. Báu gì chứ, Hoàng hậu hay Phu nhân! Danh xưng không đủ xua cái nhục thân phận bại trận. Màu mè hôn nhân hay kết thân không đủ che đắc ý đáng căm của kẻ chiến thắng.

Ta đã thấy em gái ta khóc. Lễ rước dâu cười nói ồn ào, rực rỡ khăn áo, chỉ mình em ta nước mắt lem luốc mặt. Ta hận mình không thể thay cha bảo vệ em. Hận bản thân phải dựa vào bào thai mang họ Đinh trong bụng mẹ mình. Hạng Lang với ta vừa là nỗi nhục vừa là phước báu. Hơn ai hết, ta mong từng ngày nó ra đời. Ta khấp khởi chờ nó, đứa trẻ mang hai dòng máu nhà ta và nhà nàng lớn lên. Nó là hi vọng, là chìa khóa. Nắm được nó, xiềng xích quanh họ Ngô ta sẽ mở. Con rồng mang họ Ngô sẽ lại chiếm ngự chín tầng mây lẫn mặt đất.

Đáng giận thay Đinh Liễn, tên đáng chết, con hổ trong hắn đã nghe được mùi hổ ta cố giấu. Hơn mười năm làm con tin ở Cổ Loa đã dạy hắn không được coi thường kẻ đang cúi đầu.

Mất Hạng Lang, nàng chỉ mất một đứa em, họ Đinh nàng chỉ mất một đứa con trai. Còn ta mất hết.

Chờ đợi. Ấp ủ. Mộng ước. Trong phút chốc tất cả đều đổ sập, tan nát dưới chân anh nàng. Như cách họ Đinh các người giẫm lên đất đai, thành quách Cổ Loa. Cách một đám giặc ở động Hoa Lư dám dấy binh chống triều đình rồi ngất nghểu trên ngôi cao. Ta không thể tiếp tục nhẫn nhịn.

Mười năm. Quá đủ cho những cơn ác mộng vang tiếng ông ta, tiếng tổ tiên thét mắng. Quá đủ cho những ngày phải nhìn đủ vẻ mặt, cái cười giương giương chiến thắng.

Nhát kiếm giữa dòng hôm ấy là đoạn tuyệt.

Ta sẽ bắt đầu lại. Tự tay ta sẽ tạo con thuyền mới cho họ Ngô. Để được giống như thuyền cha ta, sẵn sàng đương đầu, lướt qua hết mọi đoạn nước ngặt.

Nhưng… Phất Kim, từ dạo sang Chiêm sao đến lúc thức ta cũng nghe tiếng nàng?

“Ta là vợ chàng. Nhưng cũng là dân đất Việt. Chàng đừng vì chút oán hận mà đem giặc về giết dân mình!”

Rành mạch từng tiếng, lanh lảnh từng lời ấy cứ xoáy riết tai ta. Không dứt được.

Kiếm của ta, thanh kiếm cùng ta qua bao trận chiến, bao vinh nhục, từ dạo vương máu nàng cứ vằn vện ánh đỏ. Ta đã rửa bao nhiêu nước sông lẫn nước biển. Ta đã lau đến buốt tay, rách bao lần vải áo suốt dọc đường sang Chiêm. Những tia đỏ giăng mành khắp mặt kiếm vẫn không biến mất.

Sao nàng không buông tha ta đi, Phất Kim? Ta và nàng giữa dòng đã đoạn tuyệt. Sao đến chút máu vương trên mũi kiếm cũng quyết theo cản chân ta?

Nhiều lúc, giữa chập chờn nửa đêm về sáng, ta nghe tiếng thanh kiếm giận dữ thét ta bằng giọng nàng. Không cặp mắt nào mọc trên mũi, lưỡi hay bao kiếm. Nhưng cứ cảm giác có ánh nhìn oán trách chòng chọc bám dính ta cả ngày lẫn đêm. Ta buộc phải nhốt nó vào hộp gỗ, canh chừng như kẻ địch.

Tin cha nàng, anh nàng bị độc chết lan đến Chiêm, vằn vện trên mặt kiếm đỏ quạch lên, lại còn phảng phất tanh mùi máu.

Vua Chiêm đồng ý xuất binh, mùi tanh dậy khỏi hộp gỗ, nồng nặc tuôn khắp nơi ta ở. Ta đã một nhát chém chết tươi đứa dám buột miệng về điềm gở. Việc lớn sắp thành. Bao nhiêu đánh đổi, khổ công, tủi nhục nơi đất người. Ta không thể dừng lại. Đừng dại cản chân ta bởi mấy lời bàn ra hay điềm báo.

Ta vốn định vứt thanh kiếm quỷ quái ấy lại đất Chiêm, Phất Kim. Nhưng trước giờ lên thuyền, bỗng ta nghĩ đến nàng. Nàng dám dai dẳng bám theo ta, dám dùng chút máu lệ đàn bà mà cướp từ ta thanh kiếm báu. Ta phải mang thanh kiếm theo, cùng nó ngồi lên ngai vàng của cha nàng. Ta sẽ cho nàng thấy, kẻ thân mang đại nghiệp có thể ngồi trên tất cả, sá gì chút rủa nguyền. Người nhà nàng, lũ họ Đinh, sẽ phải cúi đầu lại trước Khánh ta, thay ta nếm thử cảm giác kẻ bại trận. Họ Ngô, ngoài ta, còn ai có thể đem ngai vàng về lại Cổ Loa.

Ấy thế mà, đến ông ta, cha ta cũng không hiểu lòng ta, Phất Kim.

Giữa mịt mù bão tố cửa Đại Nha, ta đã thấy cùng lúc cả hai người họ. Ông ta, Ngô Vương, mắt tóe lửa cùng ánh chớp giật, cưỡi trên con sóng cuồng nộ nhất, nhấn chìm từng chiến thuyền Chiêm. Cha ta, người cha nhân từ chưa từng la mắng ta một lần, thẳng tay dìm ta xuống biển. Tiếng cha lồng trong tiếng sấm nổ và gió rít.

“Ngươi không xứng là con cháu họ Ngô!”

Tai ta từ giờ phút ấy ù đi. Mắt ta không thấy được gì nữa. Cuối cùng, ta vẫn chỉ là đứa khiến ông cha giận dữ, trời biển lên cơn thịnh nộ.

Biển Việt không dung thứ ta. Đất Việt không nhận cả thây ta. Xác ta trôi vào, toan neo lại nơi nào cũng bị đẩy trả cho sóng.

Ta thành cái thây trương không gia đình, không quê hương, quẩn quanh mãi ngoài cửa biển Việt Chiêm. Hồn cứ thế theo xác rã mục dần. May còn có thuyền hai thầy trò nhà tu người Thiên Trúc kịp ghé đến.

Nhưng… Họ vớt ta, sao còn vớt luôn cả thành kiếm đỏ. Lẽ nào đến chết ta vẫn không thoát khỏi được vật vương máu nàng? Hay chính nó, thứ ta căm ghét, đã dẫn đường người tu đến cứu hồn ta?

Ta đã có một ước nguyện, Phất Kim. Sư thầy Thiên Trúc giàu lòng thương đã hứa giúp ta hoàn thành.

Nàng nhìn thấy ước nguyện của ta chưa? Nó đang ở đây, cùng ta, ngay giữa sân nhà nàng, cạnh lòng giếng nàng đang ở. Qua bao lần nấu chảy, lửa nung, thay da đổi thịt mà sắc đỏ và mùi máu tanh vẫn còn đó. Ta biết, chỉ có nàng mới có thể làm nó nguôi oán hận.

Đừng tha thứ cho kẻ như ta, Phất Kim. Chỉ xin nàng. Hãy giúp nó, một lần cuối cùng...

 

III

Thầy cúng người Chiêm tuốt chiếc vòng đỏ ra khỏi cổ tay.

Lửa từ cái đỉnh lớn lẫn mấy đầu nến đồng loạt chồm lên, phừng phực đến ghê rợn. Trong bóng lửa, cái bóng nhỏ thó của thầy cúng đổ xuống nền đất trông lại dồ dề, cao lớn. Chầm chậm, cái bóng trên đất lê dần về về phía miệng giếng hình lục lăng, tay khư khư một vật dài, dáng hình hệt một thanh kiếm.

Một tiếng hú dài bi thiết cất lên trong bóng đổ tối hù bên kia miệng giếng. Mấy kẻ gần bàn cúng xanh mặt, nhắm nghiền mắt. Chục ngọn đèn lồng cũng vội dịch ra xa bóng giếng thêm chút nữa.

Nên không phải ai cũng thấy cảnh thầy cúng người Chiêm gục đầu lên thành giếng đá ong và chiếc vòng đỏ từ tay người trôi qua miệng giếng như chiếc lá khô úa.

Chỉ kẻ nhắm mắt gần bóng giếng nhất nghe vọng được một âm thanh. Lúc đầu, thị còn tưởng là tiếng thầy cúng người Chiêm hát lễ hay niệm bài kinh chú đuổi ma gì đó. Chừng lắng tai kĩ, toàn thân thị sởn gai ốc ớn lạnh vì nhận ra rì rầm nghe được chỉ là một câu nói được lặp đi lặp lại.

- Phất Kim, mong nàng hãy nhận!

*

*         *

Hóa ra chàng vẫn còn nhớ, Nhật Khánh. Chiếc vòng tay chàng đã hứa đền cho ta. Lời hứa ta không dám đợi bởi nghĩ chàng đâu nhớ nữa. Chiếc vòng đẹp quá. Cảm giác rất thân quen. Nhất là sắc đỏ. Lấp loáng ửng lên như vệt lửa kia làm ta nhớ những đường vân trên chiếc vòng đá ta trót làm rơi mất.

Nhớ không, Nhật Khánh. Hôm chiếc vòng đến, trăng treo trên mái Vọng Nguyệt cung và cả trăng trong nước hồ sen đều tròn vô cùng. Ánh trăng luồn trong tóc, trong mắt cười chúng ta nhìn nhau. Tắm dưới trăng, ta biết và chàng biết, nụ hôn đêm ấy, say đắm đêm ấy là thật.

Ta điên mất rồi. Sao trong trí nhớ giờ chỉ có trăng và chàng?

*

*         *

Cảm ơn nàng, Phất Kim. Ta đã nghe tiếng nó chạm mặt nước. Ta đã nghe xôn xao khua động. Nước hẳn đang ôm lấy nó, vỗ về nó. Vòng tay nước hẳn cũng đầy ấm áp, dịu dàng. Bàn tay nước hẳn cũng có những ngón nhỏ, mượt mềm, biết gọi dậy lãng quên.

Đêm trăng tròn bên hồ sen, ta nhớ, ta cũng đã từng quên hết. Tên ta, giấc mơ, giận oán. Chỉ giác quan ta lên tiếng, kéo cơ thể trôi theo lãng quên nồng nàn từ những ngón tay mướt hương sen.

*

*        *

Mười năm của chúng ta có thêm mấy lần trăng tròn nữa, Nhật Khánh. Chàng có từng ước giống ta không? Ước ta không phải công chúa nhà Đinh, chàng chẳng phải con cháu vua Ngô. Ước về một mái nhà nhỏ, đơn sơ như ta từng thấy bên bến sông, để chàng đùa với con thơ, ta ngồi hong tóc. Ước hai chúng ta như bao cặp vợ chồng dân dã khác, quen biết, nên duyên, sinh con đẻ cái rồi cùng nhau già đi.

Lời hứa chàng trả cho ta đã chạm đáy giếng rồi. Bên mái nhà ta, có thứ gì vừa nhú ra như một vành trăng tròn. Mùi máu tanh tan đâu mất. Thoang thoảng đưa lên từ lòng giếng, ngoài hơi nước mát ngọt, ta nghe có cả hương sen thơm. Trong tấm gương nước đẫm mùi sen, ta cũng không còn thấy sẹo quỷ. Dưới những ngón tay ngạc nhiên áp mặt, hình như má hồng ta đang mướt mát đầy căng lên, trở về vẹn nguyên.

Có tiếng gọi ta tha thiết dưới làn nước xanh. Ta về lại lòng giếng, tiếp tục ngủ thôi.

Mẫu hậu, tạm biệt người. Người đừng đọc Đà La Đại Bi kinh ở sân nhà ta nữa. Trên núi Mã Yên, cha ta mới cần nghe sám hối từ người.

Trước lúc giấc ngủ lãng quên đến, ta sẽ nói chàng nghe một bí mật, Nhật Khánh. Trong lòng giếng, bên cạnh giấc ngủ ta từ những ngày đầu, cũng có một chiếc vòng. Dưới đáy trơ nứt nẻ của hồ sen khô, em gái chàng đã giúp ta tìm lại nó, chiếc vòng đá chàng đã đeo vào tay ta trong đêm trăng tròn.

*

*       *

Ta sẽ lại ra đi đây, Phất Kim.

Lần ra đi này sẽ không như trước. Ta sẽ tập biết quên. Sư thầy Thiên Trúc nói đúng, chỉ có quên mới giải thoát được mình. Người giờ chắc đã về bên chân Phật. Ước nguyện ta nhờ, học trò người cũng đã giúp hoàn thành. Ta chẳng còn luyến lưu chi nữa. Hồn ta đã được trở về đất Việt. Thì dẫu dạt phiêu thêm chục năm hay trăm năm nữa có hề gì.

Lúc nào đó, khi tội nghiệt trả hết, nhất định, ta sẽ gặp lại nàng, Phất Kim.

Cùng ta bắt đầu lại một lần nữa nhé. Cùng làm hai đứa trẻ. Cùng khóc lại tiếng khóc chào đời trên đất quê hương.

 

IV

Thầy cúng người Chiêm vẫn ngồi gục đầu bên miệng giếng nước hình lục lăng. Lửa đã tắt. Nhưng từ bàn lễ, cái đỉnh lớn, đám cây đến những mặt người trong sân Vọng Nguyệt cung đều dần rõ ra dưới ánh trăng sáng.

Đã chui hẳn khỏi màn mây, vầng trăng tháng bảy tròn vành vạnh cứ nhởn nhơ thả xuống từng búi lụa ánh sáng. Lụa bung sáng rỡ những bàn tay đỡ thầy cúng người Chiêm đứng lên. Lụa uốn thành đôi cánh lấp lánh bạc ôm lấy ánh mắt trở về vẻ trẻ con, ngơ ngác. Và lụa như những mành tơ mỏng, giăng mắc, vướng vít theo chục ngọn đèn lồng đi như chạy khỏi Vọng Nguyệt cung.

Người ta kể rằng sau đêm trăng đó, Đại Thắng Minh Hoàng hậu mang thai. Lần này, bà sinh cho vua Lê Đại Hành công chúa Phất Ngân. Về sau, công chúa được gả Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ, người kết thúc 29 năm triều đại Tiền Lê.

Hơn 1000 năm sau đêm trăng, có một cặp vòng tay được phát hiện, mang lên khỏi giếng Ngọc. Ai cũng nói chúng giống nhau như khuôn đúc. Đặc biệt, mỗi lần đưa ra dưới ánh trăng rằm, đôi vòng lại cùng lấp loáng sáng lên, ánh sáng xanh như màu nước bao đời nơi đáy giếng

Trại sáng tác Ninh Bình, 8/2023
N.T.K.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)