Mưa phủ lều tranh

Thứ Ba, 16/04/2024 07:07

Quận vương Lê Tư Tề là nhân vật lịch sử gợi lên trong lòng tôi nhiều day dứt và tiếc nuối. Ông là con trưởng của Bình Định Vương Lê Lợi, đã sát cánh bên cha trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cùng các tướng lĩnh Lam Sơn trải qua trận mạc, từng vào thành Đông Đô làm con tin cho giặc Minh, được phong Quốc vương giúp coi việc nước. Ấy vậy mà cuối cùng ông lại bị giáng xuống làm thường dân. Cuộc đời, số phận của Lê Tư Tề cùng con cháu của ông chìm vào quên lãng suốt mấy trăm năm, có chăng, chỉ còn được nhắc đến trong các câu chuyện dân gian và vài dòng ngắn ngủi về lí do ông bị phế truất.

Câu hỏi về cuộc đời của Lê Tư Tề cứ trở đi trở lại trong đầu tôi không có cách nào dứt ra được. Là vì sự thiên vị, thói yêu ghét thường tình của con người hay bởi những mưu mô, toan tính quyền lực đã đẩy Lê Tư Tề vào cái kết bị ruồng bỏ đầy bạc bẽo và chua xót. Trong giây phút cuối của cuộc đời mình, ông có cảm thấy uất hận khi nghĩ đến những tội danh phủ xuống đầu mình hay không? Tôi viết Mưa phủ lều tranh bằng những day dứt và băn khoăn ám ảnh mình trong vài tháng trời.

Lịch sử luôn có những góc khuất và chính những góc khuất ấy tạo nên sự hấp dẫn cho lịch sử. Còn biết bao nhân vật khác vô tình bị lãng quên, còn bao nhiêu bí ẩn dần mờ đi dưới lớp bụi thời gian chưa tìm ra lời giải đáp? Sau Mưa phủ lều tranh với Lê Tư Tề, tôi tiếp tục đi tìm lời lí giải của riêng mình cho những số phận đầy trắc trở, sóng gió, chập chờn giữa ranh giới công và tội với mấy chục năm cuộc đời chỉ được gói ghém bằng vài dòng chữ sắc lạnh, vắn tắt trong sử sách...

Nhà văn ĐÀO THU HÀ

***************

Cơn mưa trái mùa đến không một dấu hiệu báo trước. Mới chiều qua trời còn hanh hao nắng; chỉ qua một đêm, chẳng biết mây từ đâu ùn ùn kéo về giăng đen phủ kín bầu trời; rồi mưa ào xuống dai dẳng cả ngày chưa dứt. Mái tranh đơn sơ nằm sau chùa, quay mặt về phía cánh đồng trơ trọi, run rẩy từng chặp trong mưa. Trong căn lều rách nát ấy, tiếng mưa không cách nào át đi được những tiếng ho dai dẳng, khan đặc như muốn xé toang lồng ngực bung ra. Người con gái trẻ, khuôn mặt phảng phất nỗi buồn sâu kín chất chứa những tâm sự không thể nói thành lời, không thể giãi bày cùng ai bưng bát thuốc đặc sánh tỏa hương ngai ngái đắng, nhẹ nhàng:

“Ngài cố ngồi dậy uống thuốc. Sư trụ trì bốc đấy”.

Người nằm trên giường tre nghiêng đầu nhìn lại. Thân hình gầy gò như dán chặt xuống chiếu, nặng nhọc buông từng từ đứt quãng:

“Thanh... Nga... sao nàng... còn chưa đi? Đi... đi... đi... Nàng... về tâu với... chủ nhân... của... nàng... rằng... ta... đã...”

Những tiếng thở dốc nặng nhọc hòa với tiểng mưa rả rích. Mưa đã ngớt nhưng gió vẫn lùa qua liếp cửa lạnh buốt.

“Hay... nàng phải tận mắt... nhìn thấy... ta... mới...yên tâm... bẩm... báo...”

Thanh Nga lắc đầu:

“Không! Em không đi đâu cả. Em ở đây, bên cạnh ngài. Quốc vương, em đỡ ngài dậy uống thuốc. Uống hết mấy thang thuốc này ngài sẽ khỏe lại ngay thôi”.

Quốc vương ư? Cái danh xưng sao nghe xa lạ thế. Để kẻ nào nghe được sẽ dẫn tới họa sát thân. Nhưng Tư Tề chẳng còn sức để phản bác nữa. Chàng cũng chỉ còn chút hơi tàn này... Thuốc đắng trôi qua cổ họng, sền sệt. Hơi đã tàn, tâm đã dứt, liệu có thuốc thang nào níu giữ nổi mệnh mỏng nữa hay không. May lắm cũng chỉ níu kéo được chút thời gian ngắn ngủi nữa thôi.

Bất chợt gió xô cửa liếp thốc vào trong lều lạnh buốt. Thanh Nga vội vàng đứng dậy tìm que chống. Tư Tề cố đưa mắt nhìn ra, chỉ thấy đêm đen thẫm kéo dài vô tận. Chàng khép mắt, hồi tưởng lại những ấm áp khi còn mẹ, thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ…

*

*         *

Tư Tề phi ngựa vào hậu cứ thăm mẹ. Mấy hôm trước chàng cùng nghĩa quân vừa trải qua một trận ác chiến với kẻ thù, chắc hẳn mẹ lo lắng và ngóng tin chiến trận lắm. Con ngựa phi nhanh thốc bụi vương đầy chiến bào. Đến khu lều trại rào lũy của gia quyến nghĩa quân nằm nép mình dưới các tán cây cổ thụ, chàng xuống ngựa, giũ bụi trên áo, lau hết những vết nhem nhuốc trên mặt. Tư Tề muốn xuất hiện trước mặt mẹ thật mạnh mẽ, oai hùng, để cho mẹ thấy tự hào về chàng.

Nghĩ là vậy, nhưng đến khi gặp mẹ chàng lại ước mình bé lại, sà vào lòng mẹ, cảm nhận hơi ấm của mẹ. Mẹ chàng - người đàn bà tần tảo, chăm chồng nuôi con, tích lũy lương thảo khi chuẩn bị khởi nghĩa, lo liệu hậu cần cho nghĩa quân để cha con chàng yên tâm chống giặc. Người đàn bà gánh vác trên vai những công việc trọng đại chẳng kém gì đàn ông nhưng lúc nào cũng dịu dàng, ấm áp. Chàng hồ hởi:

“Khi nào giành chiến thắng, con sẽ xin cha phong mẹ là người khai quốc triều Lê”.

Mẹ chàng cốc nhẹ vào đầu chàng, âu yếm:

“Mẹ nghe cha kể khi ra trận con thường dẫn đầu tướng sĩ, đã ra dáng một tướng quân gan dạ, mưu trí, anh dũng. Thế mà hôm nay sao mẹ thấy con vẫn như một đứa trẻ vậy, không khiêm tốn chút nào hết. Đấy là bổn phận, trách nhiệm của mẹ. Mẹ muốn được kề vai sát cánh bên cha con, bên con, gánh vác những gian khổ cùng cha con”.

Khuya ấy, khơi ngọn đèn sáng thêm để khâu lại áo bào cho Tư Tề bà còn thủ thỉ nghe cha bảo chàng đã học binh pháp của quân sư Nguyễn Trãi, kiếm pháp của tướng Trần Nguyên Hãn, quyền pháp của tướng Lưu Nhân Trú. Mẹ mừng nhưng cũng dặn chàng làm người phải khiêm tốn, chớ ganh đua mà khiến người ghen tị. Chàng đáp lời thuận theo ý mẹ rồi thiếp vào giấc ngủ lúc nào chẳng biết. Bên tai còn nghe tiếng mẹ ru, điệu ru xứ Thanh mẹ thường hát ngày Tư Tề còn thơ bé. Trong vòng tay mẹ, chiến tranh, binh đao, gươm giáo như lùi dần về phía nào đó rất xa xôi…

Người mẹ dịu dàng và nhân từ của chàng. Người mẹ chẳng quản ngại vất vả, hi sinh cho chồng con, người mà chàng từng nói sẽ xin cha phong cho là người khai quốc triều Lê đã không còn nữa. Vì chàng không phải là người được vua chọn kế thừa ngôi báu, vì chàng bị phán tội nên chẳng ai nhắc đến mẹ chàng. Giá như có thể hỏi được, chàng sẽ hỏi cha lúc phế bỏ chàng, lúc ban lệnh cấm mọi người lui tới cùng chàng, có lúc nào ngài nhớ tới người vợ thuở gian khổ, khi mỗi một thất bại hay chiến công của ngài đều có đôi vai san sẻ gánh vác tảo tần của người phụ nữ ấy. Những lời âu yếm chồng vợ, lời khen ngợi đứa con trai trưởng trước mặt mẹ của nó phải chăng chỉ là gian dối. Hay ngài đã quên mình từng nói những lời ấy từ lâu rồi.

Giờ thoi thóp nằm đây chàng vẫn nhớ như in tháng tư năm Mậu Tuất 1418, tên Việt gian bán nước giữ chức phụ đạo tại Nguyệt Ấn dẫn đường quân Minh đến chỗ mẹ để bắt cha khi biết đêm ấy cha đến thăm mẹ. Mẹ đã cùng một người đóng giả cha chạy theo hướng khác dẫn dụ kẻ địch. Người đóng giả bị giặc giết ngay tại chỗ còn mẹ chúng bắt về doanh trại làm con tin. Lũ giặc tàn ác còn cho quân lính đào mộ ông nội chàng là Lê Khoáng cướp đi hài cốt.

Những ngày sau đó chúng xiềng tay chân, nhốt mẹ trên một chiếc thuyền neo trên sông Lương vùng Ái Châu. Còn hài cốt đem giấu trên chiếc thuyền khác, xung quanh âm thầm cho các thuyền lớn bao vây. Dò la, thám thính mãi mới biết nơi giam giữ, nhân một đêm không trăng, Trịnh Khả, Bùi Bị, hai tướng được lệnh cứu giá đã ngụy trang thành đám bèo trôi vượt qua mấy hàng thuyền lớn bao bên ngoài, hạ hết lính gác trên thuyền. Nhưng mẹ chàng sau bao ngày bị giặc đánh đập, tra tấn đã mang trên mình nhiều vết thương chí mạng. Khi được tháo gông xiềng, người khảng khái:

“Đa tạ hai tướng quân không ngại nguy hiểm mà đến cứu ta. Nhưng ta bị thương, nếu đi theo sẽ gây thêm khó khăn, cản trở, khiến cả ba người đều gặp nguy hiểm. Ta nghe quân lính kháo nhau chiếc thuyền màu đen nằm gần doanh trại nhất chính là chiếc thuyền chúng giấu hài cốt. Còn ta nhờ hai tướng quân nhắn lại với Bình Định Vương rằng đã trọn nghĩa quân thần, trọn tình chồng vợ. Nhắn với Tư Tề phải sống đúng như bốn chữ trung thần tử quốc ta đã khắc ở tay nó”.

Nhiều lúc, chàng nghĩ mẹ thiệt thòi vì không một ngày được hưởng trọn vẹn niềm vui chiến thắng, thấy được cảnh huy hoàng, khi chàng được phong là Hữu Tưởng quốc, tước Quận vương. Nhưng lúc khác, chàng nghĩ, lựa chọn ở lại tuẫn tiết của mẹ là sáng suốt. Để không phải chứng kiến những cảnh như vào năm Thuận Thiên thứ hai, tướng quân Trần Nguyên Hãn cáo quan xin về ở ẩn để tránh cho vua khó xử trước áp lực của nhà Minh yêu cầu phải tìm con cháu nhà Trần lên thay Trần Cảo, rồi sau uất ức trầm mình dưới đáy sông Lô vì những lời cáo buộc mưu phản. Dòng nước sông Lô có rửa sạch được nỗi oan khuất của ông không mà vẫn lững lờ trôi về phía Bạch Hạc. Từ ngày tướng Trần Nguyên Hãn trầm mình, đêm nào Tư Tề cũng thức trắng trong thư phòng. Chàng đau đớn vì chẳng thể mở lời biện giải giúp vị tướng quân đồng thời là thầy của chàng. Trơ mắt nhìn các bè phái dâng mật thư lên nhà vua để trừ khử những kẻ ở phe đối nghịch với họ. Rồi sẽ đến ai đây, chàng không dám nghĩ và cũng chẳng muốn nghĩ…

*

*          *

Tư Tề trở mình. Mưa đã tạnh. Chỉ có tiếng ếch nhái râm ran vọng về từ phía cánh đồng. Chàng nghe thấy vọng đến cả tiếng mõ tụng kinh của các nhà sư trong chùa. Tiếng mõ đều đều, trầm trầm vang lên giữa đêm khuya thanh vắng như gõ vào lòng chàng những hồi ức xưa cũ. Tiếng mõ giúp lòng chàng bình tĩnh đối diện với những hồi ức đầy xót xa, tủi nhục và đau đớn ấy. Tư Tề thiếp đi trong vùng hồi ức mông lung. Lồng ngực gầy nhấp nhô theo từng nhịp thở khó nhọc...

Trong tháng giêng, Thuận Thiên năm thứ hai, chàng được phong làm Quốc vương, giúp coi việc nước. Lương quận công Lê Nguyên Long - em chàng, con thứ của nhà vua chưa đầy mười tuổi đầu được phong làm Hoàng thái tử. Tiếng người thái giám truyền tin nện vào tai chàng từng chữ lệnh của vua cha:

“Như Tư Tề hiện đã lớn tuổi vào hàng thành nhân. Tuy liệu việc chưa được kín đáo tinh vi cho lắm, nhưng mắt thấy tai nghe cũng đã từng trải qua nhiều việc. Hãy cho tạm coi việc nước để giúp đỡ trẫm. Nguyên Long tính tuy minh mẫn, nhưng tuổi còn non, hãy nuôi dưỡng dự trữ nơi chốn thanh cung chờ ngày đức tính đầy đủ. Khi nào Tư Tề lên ngôi chấp chánh, thì lúc ấy Nguyên Long lại coi việc nước việc quân... Nay ban tờ chiếu này cho quần thần văn võ để được biết ý nghĩa truyền ngôi đã định và giải điểm nghi hoặc và bàn luận bất nhất, các ngươi đều nên hiểu rõ”.

Những lời của vua cha gieo vào lòng chàng nỗi hoang mang, hồ nghi và cả sự chua xót cùng cực. Đêm ấy, chàng ngồi một mình nhớ mẹ, cố ngăn cho nước mắt đừng rơi xuống. Thân nam nhi, đầu đội trời, chân đạp đất, vai gánh vác nhật nguyệt làm sao có thể rơi lệ. Nếu mẹ còn sống, liệu cha có làm như thế? Nhưng nếu mẹ còn sống, thấy quyết định của cha, mẹ sẽ đau lòng. Mẹ yêu cha nhường ấy, hi sinh vì cha nhường ấy… Chàng tự tìm lí do để lí giải cho quyết định của nhà vua khi chọn mình là Quốc vương, nhưng ngôi Thái tử ngàn vàng lại trao cho Nguyên Long. Vậy có nghĩa chàng chỉ là một đoạn đường đi cho em trai đang tuổi lớn mà thôi, cách thức truyền ngôi mới quái đản đã được ban ra, vua chẳng nói chơi. Nói chàng vô tư, không có chút nào chạnh lòng thì không đúng. Nhưng ngoài chạnh lòng thì chàng có thể làm gì ngoài việc dốc sức ra để giúp vua, giúp nước. Những đại thần ủng hộ thì thương cảm cho chàng. Luận công trạng, chàng từng vào sinh ra tử, từng là một dũng tướng trên lưng ngựa. Chiến công của nghĩa quân có công sức, trăn trở, cùng những tháng ngày tủi nhục làm con tin của chàng. Có một vài người ngầm ủng hộ chàng trừ bỏ Nguyên Long. Hoàng thái tử còn nhỏ, trong tay chàng đang có quyền lực, chàng là con trưởng cũng là công thần, mọi lí do đều đứng về phía chàng. Nhưng chàng sao có thể xuống tay với đứa em của mình. Dẫu gì, chàng và nó cũng cùng chung một dòng máu nhà họ Lê. Dẫu nó không phải nếm trải cay đắng của chiến tranh, không phải chứng kiến cảnh đầu rơi, máu chảy nhưng nó cũng là một đứa trẻ đáng thương khi từ nhỏ đã thiếu vắng lời ru của mẹ. Huống chi, bài học nhãn tiền từ thời nhà Đinh cũng còn đó. Chỉ vì ngôi báu, anh giết em mà cha con cùng bị sát hại, vương triều sụp đổ, đất nước rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Tư Tề đi ra từ chiến tranh, máu xương của biết bao tướng sĩ, kinh qua sự tàn khốc của trận mạc, chứng kiến cái chết và đối diện với những phút giây sinh tử khi đối mặt với kẻ thù, chàng hiểu cái giá phải trả để có được cảnh thái bình này đắt thế nào…

Cũng vào tháng mười một, năm Thuận Thiên thứ hai, sương mù bao phủ Đông Kinh. Thái phó Phạm Văn Xảo vì quá uất ức trước những lời gièm pha của gian thần vấy đổ cho mình tội mưu phản đã tự sát trong ngục. Lúc nhận tin, Tư Tề ôm đầu chết lặng. Kí ức về vị tướng quân oai phong đánh chặn hơn năm vạn quân của Mộc Thạnh ở Lê Hoa góp phần lớn vào chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi còn đây. Vị tướng tuốt gươm hô quân đánh tan mười vạn quân tham chiến của giặc Minh ở cánh đồng Tốt Đông - Chúc Động. Vị tướng theo vua từ những ngày đầu khởi nghĩa, đã tận sức với vua trong những ngày chật vật khó khăn tại Thanh Hóa, Nghệ An, dẫu chẳng có công lao thì cũng có khổ lao còn đây.

Vì sao?

Thánh ý khó dò. Tư Tề chẳng dám nghĩ đến nguyên nhân bởi nguyên nhân nào cũng khiến lòng chàng lạnh giá. Hóa ra cái lí do “yêu” hay “ghét” đôi khi còn có sức mạnh ghê gớm hơn tất cả công và tội, lí và tình. Trần Nguyên Hãn đi rồi. Phạm Văn Xảo cũng đi rồi. Nguyễn Trãi bị nghi kị. Tất cả những người ủng hộ chàng đều chẳng có kết cục tốt đẹp. Đi qua những năm tháng gian khó, coi nhẹ sinh tử, đồng lòng cùng mong chiến thắng giải phóng đất nước khỏi sự xâm lăng tàn bạo của kẻ thù, đến khi thanh bình rồi, nhìn lại hóa ra chỉ còn Tư Tề đơn thương độc mã, ngơ ngác, hoang mang chẳng đoán được lòng người…

 

Minh họa: Lê Trí Dũng

Giấc mơ kí ức đứt đoạn. Tư Tề thấy miệng mình đắng ngắt. Chàng khát. Cơn khát như thiêu cháy cổ họng, đốt cháy lục phủ ngũ tạng. Chàng nâng cánh tay lên, thều thào:

“Nước… nước…”

Thanh Nga choàng tỉnh. Nàng chạy lại siêu đất rót nước rồi đỡ Tư Tề dậy kề bát vào miệng. Từng giọt nước ngọt ngào thấm mát gan ruột, làm dịu đi cơn đau, dịu đi cả những kí ức cay đắng đang dày vò thể xác lẫn tâm trí chàng. Mà hình như ai đang hát điệu dân ca xứ sở quen thuộc theo chàng từ tấm bé. Từng lời ca khe khẽ như những sợi tơ vương vít, êm ái vỗ về. Nhưng rồi đột ngột lời ca bị chặt đứt, xé rách...

“Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, thế mà con trẫm là Tư Tề không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn với trời đất, không theo đạo của các đấng tiên vương. Nay giáng Tư Tề xuống chức Quận vương. Vậy bố cáo thiên hạ”.

Làm con đâu thể cãi lời cha.

Làm thần lại càng chẳng thể trái lời vua.

Từ lúc nào tình phụ tử đã nhường chỗ cho lễ quân thần. Mà những lời tấu của chàng từ lâu cũng chẳng có trọng lượng, chẳng được vua cha để ý quan tâm nữa. Từ lúc Tư Tề đi đánh giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Tư đồ Lê Sát viện cớ quân lương, địa hình để trì hoãn, tạo thế tiến thoái lưỡng nan, buộc hoàng thượng phải thân chinh đánh giặc. Đâu đó trong triều đã có lời xì xầm về Tư Tề: rằng chàng cấu kết với quân phản loạn, cố tình kéo dài cuộc chiến để nâng cao vị thế, tỏ rõ tầm quan trọng của mình. Tư Tề chẳng thể ngờ, những ý kiến bất đồng của mình với những người thuộc phe của hai viên đại thần Lê Sát, Phạm Vấn ở các buổi thiết triều đã khiến họ ghi hận trong lòng. Sự kiện Mường Lễ là dịp để họ ra tay hạ uy tín của chàng. Mà xét đến cùng, dù Tư Tề không có bất đồng với họ từ trước đó thì sự tồn tại của chàng cũng là cái gai trong mắt. Nhất là khi sự tồn tại ấy lại được củng cố bằng sự hi sinh, bằng công lao của mẹ chàng, bằng những chiến công chàng lập được từ những ngày đầu tham gia khởi nghĩa.

Ở phía bên kia, thân mẫu của Hoàng Thái tử Nguyên Long là em gái Phạm Vấn. Ý kiến đề xuất hiến một người phụ nữ làm vợ thần Cá Quả để thần phù hộ cho cuộc kháng chiến của quân Lam Sơn thời kì nghĩa quân đang chuẩn bị phản công khắp các mặt trận, từ Tân Bình - Thuận Hóa, Diễn Châu, Tây Đô đến tiến ra Bắc bao vây Đông Quan cũng do chính nhóm Lê Sát, Phạm Vấn tâu trình. Tư Tề từng hoài nghi quyết định ấy của vua cha và các tướng sĩ. Rõ ràng lúc ấy nghĩa quân đang ở thế tất thắng, mạnh như chẻ tre, không cần thiết phải làm chuyện tàn ác với một người phụ nữ còn chưa dứt sữa. Nhưng khi nghe lời nhắn nhủ: “Thiếp ra đi không vướng mắc gì. Chỉ mong sau này con thiếp được nối ngôi thiên tử”. Tư Tề buồn bã nhận ra tất cả đã được chuẩn bị sẵn, chỉ vì một ngai vàng…

Rồi những lời đồn đãi chẳng biết ai thả ra nổi lên bốn phía. Rằng chàng mắc chứng điên loạn nên cuồng sát cả nô tì trong phủ. Chàng vào cung thỉnh tội, quỳ trước cửa điện từ mờ sáng cho tới giờ đóng cửa cung nhưng vua cha vẫn coi như không nghe, không thấy, không biết. Mặt trời thiêu đốt, nhưng chẳng thể nóng bằng nỗi lòng oan ức chẳng biết tỏ cùng ai của chàng…

Mưa tạnh hẳn. Tiếng mõ tụng kinh cũng đã ngưng. Chỉ còn đêm tĩnh mịch. Ánh nến leo lét cháy, ánh lửa chập chờn lay qua lay lại hắt bóng lên tường. Tư Tề chống tay ngồi dậy. Kể từ ngày bị giáng làm thường dân, tìm về vùng quê hẻo lánh này nương thân, ngày ngày nghe tiếng chuông chùa để an định tâm hồn rồi đến ngày đổ bệnh, chưa khi nào chàng thấy mình có cảm giác khỏe mạnh lại như lúc này. Chàng chợt nhớ những ngày theo vua cha dự hội thề Đông Quan. Lúc ấy, chỉ còn vài ngày nữa là đến tết. Cái tết chiến thắng đầu tiên sau mười năm gian khổ, cái tết đất nước sạch bóng quân thù, sự nghiệp Bình Ngô phục quốc của nghĩa quân Lam Sơn đã giành thắng lợi giòn giã. Dưới cái nắng hanh hao của những ngày cuối năm, giữa Đông Quan nhộn nhịp, náo nức đón tết, Tư Tề thong dong cho ngựa bước về phía cửa thành. Chàng đã hoàn thành trọn vẹn vai trò con tin của mình. Vào giờ phút chiến thắng, chàng nhớ mẹ, nhớ những người lính đã cùng sát cánh bên mình nay không còn nữa. Họ đã ngã xuống cho thắng lợi cuối cùng của nghĩa quân, đã tha thứ hết những âm mưu, tính toán, lợi dụng của người còn đang sống.

Và giờ đây, chàng cũng đang tha thứ…

*

*        *

Thanh Nga choàng tỉnh. Đâu đó có tiếng gà gáy sáng. Nến đã cháy hết từ lúc nào. Không còn nghe những tiếng ho như xé ruột xé gan nữa. Chắc thang thuốc của nhà sư đã hiệu nghiệm. Nàng rón rén bước lại giường. Quốc vương đang say ngủ. Lâu lắm rồi mới thấy khuôn mặt của chàng thanh thản vậy. Nàng kéo chăn đắp lên ngực Quốc vương. Chăn rơi xuống đất. Lồng ngực Tư Tề phẳng lặng như mặt hồ không gợn sóng. Nàng hét lên, gục xuống…

... Lần đầu tiên nàng nhìn thấy chàng, chàng hãy còn là một vị tướng quân vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh. Chàng cưỡi ngựa đi giữa thành Đông Quan vừa được giải phóng, đang nhộn nhịp trong những ngày giáp tết. Chẳng ai để ý đến đôi mẹ con nghèo khổ sắp lả đi bên đường. Đứa bé là nàng chẳng còn đủ sức để cất lời van xin nữa. Những năm tháng đói khát, lê la đầu đường xó chợ khiến nàng hơn mười tuổi đầu mà chỉ như đưa bé sáu, bảy. Mẹ nàng bị giặc bắt, hành hạ, những vết thương trên người sưng tấy, mưng mủ. Người ta hớn hở vì hòa bình, vì sắp được đón cái tết chiến thắng, còn mẹ con nàng ngồi sợ sệt bơ vơ trong góc chợ chờ chết. Lúc ấy, vị tướng trẻ đã xuống ngựa, hỏi han nàng. Nàng sợ hãi chẳng dám trả lời. May có mấy người biết hoàn cảnh của mẹ con nàng trả lời giúp. Vị tướng quân áo bào còn vướng bụi ấy đã cầm túi tiền của mình đưa hết cho mẹ con nàng, còn sai một người lính đưa mẹ nàng đến y quán vì sợ nàng nhỏ, có kẻ xấu sẽ cướp mất số tiền. Nàng chẳng biết vị tướng ấy là ai cho đến khi vào cung làm cung nữ, nhìn thấy, và được các cung nữ khác cho biết đó là hoàng tử trưởng của đức vua. Nàng chôn kín sự mến phục, biết ơn trong lòng chờ ngày báo đáp.

Rồi chàng bị giáng tội, quỳ trước điện không biết bao nhiêu ngày mà nhà vua chẳng động lòng. Gia đình đế vương, nàng chẳng thể hiểu được. Nàng chỉ thấy xót xa khi thấy khuôn mặt chàng cháy đỏ vì nắng, đôi chân đứng dậy không vững vì quỳ cả ngày trời. Chiếu chỉ ban ra, chàng bị giáng làm Quận vương. Thật lâu không thấy chàng ra vào nơi cung cấm. Nàng chỉ là một cung nữ bé nhỏ, nào biết đâu những mưu toan quyền lực ẩn giấu.

Nàng chỉ biết chờ, đến ngày đức vua băng hà chàng lại được gọi vào cung. Chàng không khóc, không than chỉ đứng lặng lẽ rất lâu. Nhưng nàng tin nỗi buồn của chàng còn thật hơn cả những kẻ đang gào khóc vật vã kia. Nhưng chỉ có nàng tin chàng phỏng có ích gì. Những vết nhơ chàng phải gánh trên lưng chẳng biết liệu có ai thay chàng giãi bày, giải thích.

Liền đó Hoàng Thái tử kế thừa ngôi báu, đại xá thiên hạ nhưng lại chẳng thể đại xá với chính anh trai của mình. Hoàng thượng vin vào lời tâu không căn cứ của các thị nữ rằng chàng không những giết nô tì trong phủ mà còn vô cớ giết cả người đi chợ, nổi giận lôi đình lệnh các quan văn võ đại thần không được vãng lai đến nơi ở của Quận vương, gọi hết thị nữ về cung. Ít lâu sau, hoàng thượng lại ban thị nữ cho chàng để an ủi, tỏ ra cho thiên hạ biết họ vẫn là anh em trong nhà. Lần này Thanh Nga xin đi để tỏ lòng trung thành, để báo cáo tin tức cho hoàng thượng, đổi lấy điều kiện sau khi xong việc sẽ được xuất cung.

Chàng hiểu hết, biết hết. Nhưng Tư Tề cần một người đóng kịch cùng chàng. Một vở kịch chàng mê đắm đến quên cả người vợ kết tóc se tơ, mặc kệ nàng là người được nhà vua phái tới. Chàng đuổi vợ đi, nhận tiếng bạc bẽo về mình. Đêm ấy, chàng uống hết mấy bình rượu nhưng vẫn tỉnh táo. Chàng không cười, không khóc, không lên tiếng mà chỉ im lặng nhìn Thanh Nga. Cái nhìn vừa chán ghét vừa thương hại.

Cho đến tháng năm, năm Thiệu Bình thứ năm, hoàng thượng ban lệnh phế truất chàng làm thường dân. Thanh Nga hiểu, người ở ngôi cửu ngũ chí tôn ấy nhất định sẽ không buông tha cho chàng và gia quyến của chàng. Chàng chỉ có thể giải thoát cho vợ mình để nàng ấy không bị liên lụy.

Thanh Nga theo chàng đến đây, dựng một căn lều nhỏ sau chùa. Nàng cần phải làm nhiệm vụ của mình cho đến khi nhà vua thấy chàng không còn là mối đe dọa ngai vàng nữa. Chàng hiểu nên cũng không xua đuổi Thanh Nga. Hai người lặng lẽ làm công việc của mình, lặng lẽ nương tựa vào nhau mà sống.

Giờ thì Tư Tề đã đi rồi, chàng đã được giải thoát khỏi tất cả những nghi kị, đau khổ, những âm mưu quyền thế. Có lẽ chàng đã tới một nơi dành riêng cho chàng, chỉ thuộc về chàng. Thanh Nga lau khô nước mắt, khẽ nắm lấy bàn tay giá lạnh. Một lần cuối cùng và duy nhất, nàng được cầm bàn tay đã đưa ra giúp đỡ mẹ con nàng vào một chiều cuối năm từ rất lâu về trước. Nàng áp bàn tay ấy lên má mình, chẳng cần nói gì hết. Và kia trời đã sáng rồi, Thanh Nga lách mình qua liếp cửa, nhẹ thôi, không để ánh sáng và âm thanh ồn ã đánh thức giấc ngủ của chàng.

Nàng đi về phía chùa, nhờ các nhà sư tiễn chàng một đoạn cuối cùng trên trần thế. Rồi nàng lấy bình thuốc mà hoàng thượng đã đưa với lời căn dặn, nếu Lê Tư Tề có ý định làm phản phải tìm cơ hội… Nàng dốc hết bình thuốc vào cổ họng. Cháy. Cháy. Cháy hết cả tâm can ruột gan nhưng nàng chẳng thấy đau. Nàng đang bước đi trong vùng sáng nhạt nhòa và êm ái. Trong vùng sáng ấy có vị tướng trẻ xuống ngựa, bước lại gần ân cần hỏi han mẹ con nàng…

Đ.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)