Mẹ tôi có thể trở nên già

Chủ Nhật, 12/05/2024 00:40

. LỆ HẰNG


“Chị… chắc có nghe về bệnh Alzheimer rồi chứ. Nó phổ biến ở người già, nói nôm na là chứng giảm trí nhớ, mất chức năng nhận thức ở người bệnh…”

“Hình như tôi có nghe. Nhưng ý bác sĩ là sao ạ? Mẹ tôi chưa già mà, thưa bác sĩ.”

Tôi chồm tới, sao có thể thế được. Mẹ tôi là huấn luyện viên yoga và vẫn đang là phó chủ nhiệm một câu lạc bộ, bà minh mẫn, trẻ trung, năng động, đến đám trẻ như tôi còn không theo kịp, ai kết luận thế chắc chắn bị lú lẫn rồi. Tôi nổi đóa lên tưởng như có thể tóm cổ thằng cha trưởng khoa ấy quăng ra ngoài hành lang, nhưng ông ta vẫn khăng khăng là bệnh đã vào giai đoạn tương đối nặng.

“... Hiện tại đã có dấu hiệu suy giảm chức năng ngôn ngữ. Thời gian tới có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt... Có thể có các ảo giác, nhận nhầm người thân hay thay đổi tính khí…”

Tôi bước trên hành lang bệnh viện, đi mãi không tới phòng mẹ, đầu ong ong từng lời ông bác sĩ. Rõ ràng mẹ tôi bình thường, mới đây thôi, bà gọi tôi ra uống trà, quán ngay bên hông câu lạc bộ nhưng hôm ấy câu lạc bộ đóng cửa. Tôi nhớ hai mẹ con đã cười ngặt nghẽo khiến nhân viên phục vụ ngẩn người ra rồi cũng bật cười khi bà tự dưng quên mất tên gọi của quả cam và gọi nó là “quả đào chua”. “Từ điển cũng cần làm mới, như người ta cần trang điểm ấy.” Chẳng ai nghĩ chúng tôi là mẹ con, bà nhí nhảnh, tân thời còn hơn tôi. Tôi cũng âm thầm coi mẹ như một người bạn gái đặc biệt của mình. Hôm nay, bà đã nhầm lẫn các thiết bị đến nỗi nổ cầu chì phát cháy. Nhưng chuyện này thì có gì liên quan tới căn bệnh kia mà họ dám nói mẹ tôi như thế.

 

Minh hoạ: Nguyễn Văn Đức

Mẹ tôi nằm trên giường, y tá bảo, bà đã ngủ được một lúc và có thể sẽ ngủ trong vài tiếng nữa vì tác dụng phụ của thuốc. Đã quá mệt mỏi, tôi nằm xuống cạnh bà mong có thể chợp mắt một lúc. Cũng phải sáu, bảy năm rồi tôi không nằm gần mẹ mình thế này. Lần cuối là đêm trước ngày tôi ra tòa li hôn. Tôi nhớ, mình đã khóc, khóc ướt gối và bà đã quàng tay qua lau nước mắt trên mặt tôi. Tôi vớ lấy cánh tay ấy cho vào miệng để kìm lại cơn nấc của mình. Rồi mọi chuyện qua đi, cuộc sống của tôi khá dần lên. Tôi và con trai vẫn ở ngôi nhà cũ, cách nhà mẹ vài cây, cuối tuần nào cũng chạy qua chạy về nhưng chẳng ngủ lại bao giờ. Mẹ tôi rất bận, lúc nào bà cũng có thứ gì đó để làm, lớp yoga, làm đẹp, vài sở thích lặt vặt, cả chuyện bồ bịch nữa. Tôi chưa từng gặp nhưng biết mẹ mình có tình nhân, một người đàn ông trẻ hơn mẹ nhưng chẳng ai còn có thể nghĩ đến chuyện tuổi tác khi đứng trước nhan sắc ấy. Tôi chỉ mơ đến ngày bằng tuổi mẹ, tôi được hai phần ba nhan sắc của bà, thế thôi, là mãn nguyện và phải phấn đấu nhiều. Sao giờ tôi phải ở đây, trong bệnh viện!

Chẳng còn chút cảm giác buồn ngủ nào nữa. Tôi muốn lay mẹ dậy hỏi cho rõ, xem có phải như thế không nhưng người nằm trước mặt tôi lại là một người đàn bà già cỗi đang ngủ say giống như đây chỉ là một giấc mơ, một truyện cổ tích hay bộ phim kinh dị chứ không phải đời. Không phải hiện thực của tôi. Người đàn bà già cỗi này không phải là hiện thực của tôi. Mẹ tôi là mẫu phụ nữ coi trọng hình thức, nhan sắc, dù ở độ tuổi nào cũng cần được chăm chút. Càng xế chiều càng phải chăm chút. Dưỡng da. Vẽ chân mày. Kem nền má phấn. Son dưỡng. Chuốt mi… Tôi chưa từng nhìn thấy nét hom hem tuổi tác trên mặt mẹ bao giờ. Thực sự chưa bao giờ. Đôi môi như hai miếng thịt thâm lại với những đường nứt nẻ cong queo. Khoé miệng tạo thành rãnh chạy dài xuống đến tận cằm. Da đồi mồi lốm đốm khô khốc như đất đai hạn hán. Bọng mắt to như hai ụ đất trên gương mặt bành ra. Kí ức tôi chưa từng lưu giữ một hình ảnh nào xấu xí khó coi thế này, càng khó chịu hơn khi nhìn vào nốt ruồi trên cánh tay trái, dấu chỉ cho biết người này là mẹ tôi. Bất giác, tôi thấy buồn nôn khi ngửi ra mùi thuốc bỏng cộng với mùi cơ thể của người già. Tôi đứng dậy tìm chỗ rửa mặt.

Rời bệnh viện. Tôi quyết định phải làm gì đó trước khi người phụ nữ già nua trên giường kia thức dậy. Cô y tá nhìn tôi vẻ thông cảm khi tôi gửi tờ giấy ghi sẵn số điện thoại để gọi khi cần. Tôi đi trong trạng thái hốt hoảng, không biết mình phải làm gì để thoát ra khỏi cơn ác mộng này. Loanh quanh một lúc, tôi đón xe về góc phố có căn nhà với cánh cổng rợp hồng hoa giấy. Hẳn là phải có điều gì đó khủng khiếp lắm đã xảy ra trong căn nhà ấy. Một bí mật động trời nào đó mà tôi chưa biết và không thể nào tưởng tượng ra nổi. Mẹ tôi không thể tự nhiên mà thành ra thế được!

Tôi lao về, mở cửa, vào nhà, chân nam đá chân chiêu hất văng mấy thứ dưới sàn trong phòng khách. Đám cháy không lớn nên ngoại trừ phòng bếp ra thì mọi thứ còn nguyên. Chắc chắn chúng chỉ quanh quẩn đâu đó trong phòng làm việc. Tôi đang muốn tìm chỗ sách mà tuần trước mẹ đã mua. Một chị hàng xóm nói, đã thấy mẹ tôi ôm về một chồng sách. “Chỉ toàn là từ điển”, chị khẳng định thế. Mẹ tôi làm rớt chồng sách ở góc ngã ba kia, chị ấy nhặt giùm, hình như lúc ấy mẹ tôi ú ớ điều gì đó mà chị nghe không ra. Tôi phải tìm cho chắc, nhỡ đâu chị ấy nói bậy, mẹ tôi không phải đang mất dần chức năng ngôn ngữ, không phải dùng từ sai đối tượng cũng không phải quên những từ quen thuộc. Chẳng phải thế đâu. Nếu đúng, thì chỉ thời gian nữa thôi sẽ là không đọc được chữ, có thể mất hẳn khả năng nói và không làm được một cái gì nữa cả. Trời ơi, mẹ tôi không thể bệnh hoạn thế được.

Soát hết căn phòng mà chẳng thấy cuốn từ điển tiếng Việt nào như chị hàng xóm nói. Chỉ thấy một hũ tiêu và mấy củ hành trên giá sách. Tôi tiếp tục lục, lục tung tất cả. Một người năng động hiện đại như mẹ tôi sao có thể thành ra ngớ ngẩn được. Một dạo, có người nói mẹ tôi hồi xuân, khi ấy, tôi thậm chí thấy nực cười, với tôi, mẹ cứ như là mãi mãi thanh xuân mắc mớ gì phải hồi xuân. Tôi có thể chuẩn bị, có thể nghĩ về cái chết của mình cả ngàn lần nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cái già của mẹ. Không thể tin nổi, cảm giác như có thế lực nào đó đã thao túng mẹ, hoặc là một lời nguyền khủng khiếp…

Những lúc thế này cần phải tỉnh táo.

Một đống sách rớt ra khi tôi quờ tay vào hộc lấy khăn lau mặt. Trời đất, là những cuốn từ điển tôi đang tìm. Chúng đây rồi, trong nhà vệ sinh. Có vài chỗ được đánh dấu, có vẻ ai đó đã tra những từ này. Toàn từ quen thuộc, trà, nước mắm, tivi… “Trời ơi!” Sao chuyện này có thể xảy ra mà tôi không biết một tí gì. Sao mẹ lú lẫn thế này chứ. Sụp đổ. Tôi sụp đổ thật rồi. Có ai không, cứu tôi ra khỏi chỗ này. Tôi muốn hét nữa nhưng biết lúc này chẳng ai nghe. Nếu có người nào đó nghe và cúi xuống bên tôi thì người ấy chỉ có thể là mẹ. Nhưng không phải là người phụ nữ đang nằm trong tầng ba bệnh viện.

Tôi điên mất thôi.

Còn một phòng tôi chưa vào. Phòng ngủ. Thế giới riêng tư ấm áp của người phụ nữ tôi ngưỡng mộ nhất trần đời. Lần trước, khi tôi vào nó vẫn còn bình thường, bằng cách nào đó nó đã rất bình thường, nhưng bây giờ chỉ toàn là giấy ghi chú, giấy dán khắp nơi, bàn trang điểm, gương, tủ, ghế, thành giường, gối… Có một hồ sơ bệnh án nằm ngay dưới gối. Ngày khám đầu tiên cách đây gần đúng một năm, các đơn thuốc dày lên, các cuộc hẹn với bác sĩ cũng thế.

Trong ngăn bàn trang điểm có nhiều viên thuốc cùng vài tờ giấy nhớ khác. Trong tủ áo, lẫn giữa các thứ đồ để độn mông, nịt bụng, nâng vú là các loại kem trang điểm, son và mắt kính, mỗi thứ kèm theo một tờ giấy. Tôi khuỵu xuống sàn nhà. Từ bao giờ mẹ tôi trở thành “người ngoài hành tinh” trong chính căn phòng của mình, ngôi nhà của mình, cuộc đời của mình vậy chứ? Từ bao giờ? Sao mẹ có thể làm vậy với tôi? Sao để tôi khủng hoảng hoang mang bấn loạn như lúc này? Mẹ còn giấu tôi điều gì nữa? Soạn tung căn phòng, tôi tìm được một album ảnh, toàn là ảnh chụp vào ngày sinh nhật tôi khi mẹ cắm những bông hồng tỉ muội màu trắng rất nhã đặt bên cửa sổ. Luôn như vậy cho đến lần sinh nhật vừa rồi. Tôi chẳng bất ngờ với cuốn album, chỉ là không biết mẹ tôi âm thầm cất giữ từng khoảnh khắc. Tôi khóc. Giọt nước mắt đầu tiên trong ngày tối tăm và kì cục nhất của cuộc đời mình. Ngày bố mất, ngày dắt con ra toà, tôi buồn nhưng không thấy tối tăm như lúc này bởi khi ấy còn một bàn tay khác luôn nắm lấy tay tôi.

Tôi tìm thêm được một cuốn sổ, hình như là nhật kí…

*

*        *

Tôi đã thôi chảy nước mắt. Khi cảm xúc bị đẩy đến tận cùng, tự nhiên mọi thứ ráo hoảnh. Tôi gọi điện cho con trai báo tin bà ngoại ốm, bảo thằng bé sang nhà bố ở lại một hôm, cố ý không nói gì đến chuyện từ nay bà ngoại sẽ ở nhà mình. Thằng bé sẽ biết thôi nhưng chưa phải lúc này. Trở lại bệnh viện giữa cơn hoang mang này đến cơn hoang mang khác, tôi thấy mình trôi đi, trôi đi, như loài cá, cuối cùng mắc kẹt trong tấm lưới cuộc đời dù bản thân có ý thức được điều đó hay không.

Mẹ tôi tỉnh dậy, quờ quạng muốn ngồi lên.

“Mẹ xin lỗi.”

“Mấy cô ở câu lạc bộ hỏi mẹ đấy. Cô Trinh vừa đi du lịch về. À, mẹ đừng lo con đã nói bác sĩ cho loại thuốc bỏng tốt nhất, nó sẽ không để lại sẹo nhiều đâu. Hoặc là mai mốt chúng ta có thể tìm chỗ phẫu thuật thẩm mĩ, nhỉ?”

“Con nói sao? Phẫu thuật à? Nó là sao ấy nhỉ?”

“Mẹ biết mình bị bỏng chứ? Mẹ đã làm chập cầu chì. Mẹ nhớ ra rồi, đúng không? Mẹ nhớ lúc ấy mẹ đang làm gì, kể con nghe.”

“Cầu chì… là cái cắm điện ấy hả? Mẹ đang làm gì? Nhưng mà khi nào thế… Thơ ơi.”

“Ôi, mẹ vẫn còn nhớ tên con kìa. Đúng rồi, con, Anh Thơ của mẹ đây. Bác sĩ bảo mẹ ngủ dậy là uống hai viên thuốc này.”

“Bác sĩ, bác sĩ sao? Mẹ không gặp đâu. Mẹ muốn về nhà.”

“Rồi, rồi. Mẹ đã làm ngôi nhà bị cháy. Mẹ bị bỏng. Sáng mai được ra viện. Giờ thì mẹ uống thuốc và nghỉ đi.”

Tôi nâng đầu mẹ lên một chút, bón cho mẹ hai viên thuốc, thêm một ngụm nước rồi đặt nằm trở lại, không nói gì nữa cho đến khi bà thiếp đi. Đã nửa đêm, cuốn sổ nhật kí rung lên trong đôi tay run rẩy của tôi. Tôi muốn đốt nó đi. Nhưng cũng chẳng ích gì vì tôi đã biết tất cả, chỉ còn cách cắn cánh tay mình kìm giữ cơn nấc cho đến khi bật máu…

*

*        *

“Hôm nay con gọi bố đón nhé. Mẹ đưa bà đi viện”.

Vừa vục mặt vào vòi nước cho tỉnh táo tôi vừa nói vọng ra. Cả tuần rồi, từ khi có bà về ở cùng, hôm nay tôi mới dậy sớm làm chút gì đó cho thằng bé ăn sáng. Tôi không dám nói chuyện, không dám hỏi con điều gì cả. Tôi biết sự xáo trộn này khiến thằng bé mệt mỏi nhường nào. Đầu tiên là việc thằng bé phải dọn phòng chuyển lên tầng hai để căn phòng của mình lại cho bà ngoại, đêm nào bà cũng đi đi lại lại như hồn ma nên không thể ở gần ban công hay cầu thang được. Sau đó là việc sàn nhà lúc nào cũng ướt mỗi khi bà tắm giặt và tha mái tóc ướt rượt đi khắp nhà chỉ để tìm cái khăn hoặc cái móc trong khi bà đang cầm chúng trên tay. Rồi những bữa ăn không lành lặn. Cái nhà vệ sinh lúc nào cũng bốc mùi khai mỗi khi tôi đi làm không thể lau chùi hằng giờ được. Cũng có lúc bà rất tỉnh táo, những khi ấy, tôi thấy bà trang điểm hoặc tập yoga trên tấm thảm trong phòng, hoặc pha ấm trà hoa cúc, hoặc nghe nhạc, hát hoặc kể những chuyện vui vẻ ngày xưa… Khi ấy tôi muốn ôm chặt lấy bà để bà không trôi đi theo dòng quên nhớ. Nhưng rồi bao giờ cũng thế, khi tôi đang giữ chặt mẹ mình nhất thì bà gọi nhầm tên tôi với tên của một người khác... Tôi biết bà không thích sự hỗn mang này, tôi cũng thế, con trai tôi cũng thế nhưng thật vô ích khi cứ nghĩ về nó vì sẽ chẳng có gì thay đổi.

“Rút cuộc thì bà ngoại làm sao hả mẹ?”

Thằng bé hỏi khi vớt những sợi phở đầu tiên cho vào miệng. Lần đầu tiên thằng bé hỏi về bà. Tôi đã chuẩn bị cho câu hỏi này cả trăm lần rồi mà vẫn thấy mình chưa sẵn sàng. Mẹ tôi cũng phải già, điều hiển nhiên này với tôi lại vô cùng khắc nghiệt.

“Bà bị bỏng nhưng con thấy đó, nó sắp lành hẳn rồi”, tôi thản nhiên.

“Mẹ, con không nói chuyện đó. Con thấy bà ngoại không bình thường. Hôm kia bà vào phòng con tìm cây chùi nhà, làm đổ máy tính xuống sàn. Sách vở của con thì nói là giẻ lau.”

“Có chuyện đó sao?”

“Chuyện gì mà chẳng có, mẹ biết mà.”

“Ừ, bác sĩ nói bà ngoại đã già.”

“Người già nào cũng vậy hả mẹ?”.

“Mẹ không biết”.

Thằng bé hỏi như tấn công tôi, nhưng tôi tin không phải thế. Tôi đến bàn ăn, ngồi xuống phía đối diện. Mười ba tuổi, thằng bé đã biết quan sát và có suy nghĩ riêng của mình. Tôi nhìn con, tôi luôn tin rằng thằng bé giàu trắc ẩn và đủ thông minh để hiểu rằng tôi không thể biết được điều gì cả ngoài việc người già nào cũng cần có người thân chăm sóc và bà chỉ có mỗi mình tôi.

*

*         *

Li này đã là li thứ hai. Tôi nghĩ mình còn cần thêm một li nữa mới có thể chìm vào giấc ngủ. Chỉ đang thử như tìm kiếm một vận may chứ không có gì chắc chắn. Tôi bị chứng mất ngủ đã một thời gian, kể từ hôm phải chuyển sang ở hẳn trong phòng với mẹ. Bệnh tiến triển quá nhanh, chỉ mấy tháng mà mẹ tôi gần như đã mất hết kĩ năng ngôn ngữ, chỉ còn nói được vài từ rời rạc, đi lại, vệ sinh, ngủ nghỉ… cái gì cũng không còn như trước nữa. Như trước là như những ngày đầu tôi biết mẹ mình có bệnh, chứ còn trước đó nữa thì… Thật tôi không dám nghĩ đến chuyện trước đó vì mỗi lần nghĩ đến là thấy mình lún sâu vào ác mộng. Căn nhà bây giờ chỉ còn hai người, tôi và mẹ, một sắp già và một đã già. Từ lúc phải đối mặt với sự già nua từng ngày của mẹ, tôi thấy mình cũng đang già đi. Đêm cứ dài và sâu hút. Mỗi khi nhìn lên tầng trên tôi nhớ con thắt ruột. “Mẹ, con dọn sang nhà bố ở nhé”. Tôi thấy tai mình ù đi khi thằng bé rón rén nói. Tôi không gật, không lắc, chỉ lẳng lặng dọn đồ giúp con. Tôi biết quyết định đó không phải dễ dàng và thằng bé có lí do của mình nhưng sao lòng như ai xát muối. Nếu thằng bé vẫn ở với tôi, biết đâu ngôi nhà sẽ bớt già nua u xám. Biết đâu là thế. Biết đâu không phải thế. Tôi chẳng còn có thể tin vào điều gì ở cõi người này nữa. Đến mẹ cũng lừa dối tôi.

Tôi uống cạn li thứ ba, đứng dậy đi về phòng khi đầu có chút váng vất, có lẽ tôi sẽ chìm được vào giấc ngủ. Sáng mai tôi có hẹn với bác sĩ Thạch, người đầu tiên phát hiện và lập hồ sơ bệnh án cho mẹ hơn một năm trước. Chẳng hiểu sao tôi cảm thấy mình cần phải gặp vị bác sĩ này. Khi ấy mẹ tôi vẫn chưa như bây giờ, bà còn tỉnh táo, ít nhất cũng có lí do nào đó khiến bà tin tưởng ông bác sĩ Thạch kia, có vậy mới đồng ý cho ông ta theo dõi sức khỏe mình. Tôi biết mẹ mình không phải là người tuỳ tiện trong những chuyện thế này.

Chết tôi rồi. Không có ai trong phòng. Nhà vệ sinh cũng không có. Chắc chắn là không phải tầng hai. Dạo này về đêm cả hai tầng đều được bật đèn và tôi ngồi hướng mặt về cầu thang từ nãy đến giờ, không thể có chuyện ai đó đi lên mà tôi không biết.

“Mẹ, mẹ ơi.”

Bỗng dưng tôi sợ hãi. Tột cùng sợ hãi. Sợ mẹ tôi biến mất. Sợ mình bị ảo giác. Và sợ mình không muốn tìm thấy nữa…

Một mái tóc lù lù trồi lên từ gầm giường. Tôi ngồi bệt xuống.

“Mẹ làm cái gì thế, hả?”, tôi nghe tiếng hét của mình trong cơn tuyệt vọng.

“Thi, con gái. Ngủ…”

“Mẹ có thôi đi không. Ngày nào mẹ cũng nhầm con là chị ấy. Mẹ muốn con phát điên mới vừa lòng, hả? Con là Thơ, Anh Thơ. Hôm nay con phải cho mẹ thấy con là ai.”

Dậy. Đứng dậy cho tôi. Tôi không chịu đựng nổi nữa rồi. Bà đã lừa dối tôi mấy chục năm, bây giờ lại giả điên giả khùng để hành hạ tôi nữa sao. Căn nhà này là chỗ của người sống chứ không phải chốn âm hồn. Tôi bật hết điện trong nhà lên mặc cho bà la ó sợ hãi. Ai mới là người phải sợ hãi ở đây chứ. Tôi kéo bà đến trước bàn trang điểm, ấn bà ngồi xuống.

“Mẹ nhìn đi. Nhìn kĩ đi. Đứa đứng sau lưng mẹ là Anh Thơ. Anh Thơ, mẹ biết Anh Thơ chứ? Nó là đứa con mà mẹ đã lựa chọn. Chính mẹ đã chọn con, con không có lỗi gì hết sao con phải chịu cảm giác này chứ. Hay mẹ hối hận vì đã chọn con chứ không phải chị? Mẹ đang nghĩ nếu chị, chị sẽ chăm sóc mẹ tốt hơn con chứ gì? Chị cũng sẽ xinh đẹp tài năng hạnh phúc hơn con chứ gì? Mẹ nói đi có phải mẹ nghĩ thế không?”

“Mẹ… biết… không… đâu…”

“Mẹ biết hết đấy. Mẹ đừng giả ngu giả khờ với con như thế, con mệt mỏi lắm rồi. Mẹ vẫn nhớ tên chị cơ mà. Mà nếu mẹ không biết thì con sẽ cho mẹ xem cái này.”

Cuốn nhật kí từ bữa giờ đã luôn nằm dưới gối tôi. Tôi lật ra đọc như thét từng trang một, trang nào cũng viết vào ngày giỗ của người chị song sinh mà mấy chục năm qua tôi chưa từng được biết. Và đó là ngày sinh của tôi… Bác sĩ nói chỉ có thể cứu được một trong hai, gia đình phải lựa chọn, tôi chính là kẻ được chọn, không biết tại sao hay bằng cách nào. Tôi lay đôi vai run rẩy của bà nhìn sâu vào đôi mắt đục ngầu sợ sệt như đứa trẻ ấy hỏi rằng nếu bà có quyền lựa chọn sao không chọn quên đi chuyện đau lòng này đi, viết ra làm gì? Cho tôi ư? Lú lẫn thì có quyền làm tổn thương tôi sao?

Tôi gục xuống, không còn chút sức nào cả. Tôi đã giả lơ, đã mặc kệ, đã gồng lên bao nhiêu ngày rồi, giờ không còn sức để gánh lấy nỗi cô đơn này nữa. Ai có thể thay tôi chăm sóc một bà già ngây ngây dại dại trong tháng ngày sắp tới? Chị ấy có thể không? Nếu là chị ấy… Giá mà chị ấy chứ chẳng phải tôi, có phải chị ấy sẽ xinh đẹp giỏi giang hạnh phúc hơn tôi, sẽ chăm sóc mẹ tốt hơn tôi. Tôi nấc lên. Không kiềm chế tiếng nấc của mình nữa. Không cắn vào tay mẹ hay tay ai cả. Tôi muốn mặc kệ cho thân xác vẫy vùng trong tấm lưới đang thít lấy cuộc đời mình.

Mẹ cúi xuống. Mẹ quàng tay qua lau nước mắt cho tôi. Uất ức vơi dần, nghẹn ngào tăng lên. Tôi ngước lên, thấy từ mắt mẹ chảy ra hai hàng nước.

“Mẹ có biết nếu mẹ không giấu con, nếu từ đầu mẹ cho con biết ý nghĩa những bông hoa tỉ muội màu trắng ấy thì đã khác. Cả chuyện mẹ bị bệnh cũng thế…”

*

*        *

Bác sĩ Thạch dành cả buổi sáng để tiếp tôi. Đúng là người mẹ tôi tin tưởng, anh ta không chỉ hiểu rõ bệnh tình mà còn cho tôi cảm giác ấm áp khi nói chuyện.

“Không có thuốc chữa thật ạ?”

Vị bác sĩ lắc đầu nhè nhẹ như sợ tổn thương tôi.

“Nó có… lây không, ý tôi là di truyền ấy?”.

“Cũng là một nguy cơ”.

“Tôi thà chết trước khi phải già đi như thế”.

Tôi dợm đứng dậy về thì được gọi níu lại, anh ta pha thêm cho tôi tách trà rồi im lặng lúc lâu mới mở miệng. Tôi nhìn đôi mắt sâu hút của vị bác sĩ trầm tư biết rằng điều anh ta muốn nói không thể nói ra được dễ dàng…

Xế trưa tôi rời phòng khám khi đã vò hết bịch khăn giấy trên bàn. Tôi biết mình vừa gặm nát một câu chuyện buồn mà bản thân đang mắc kẹt trong đó, mắc kẹt trong cái mà bác sĩ Thạch bảo là quy luật của tạo hóa. Một chuyên gia về căn bệnh Alzheimer mà có một người mẹ mắc bệnh Alzheimer, liệu có dễ dàng hơn tôi? Một vợ, hai con và bà mẹ suy giảm trí nhớ ngây ngây ngô ngô đến thằng con duy nhất của mình cũng không nhận ra. Không thể bỏ việc ở nhà chăm mẹ vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, càng không thể chấp nhận đề nghị của vợ, đó là đưa bà vào một trung tâm nào đó miễn là được chăm sóc cơ bản, cuối cùng hôn nhân của họ kết thúc tại một phiên tòa và người đàn ông hiếu thảo này sẽ mất một phần đời để nghĩ cách bù đắp cho hai đứa con, vì xét ở góc độ nào đó, gia đình nhỏ của họ tan vỡ là vì anh ta.

Chuyện của bác sĩ Thạch đã qua nhưng chuyện của tôi thì đang tiếp diễn. Tiễn tôi ra tận nhà xe, vị bác sĩ tôi gặp lần đầu này không ngừng dặn tôi một chuyện, đó là phải tìm cách cân bằng cuộc sống bằng việc duy trì những mối quan hệ cần thiết bên ngoài, suy nghĩ tích cực và bất cứ khi nào có thể, hãy chia sẻ khó khăn của mình với những người mình tin tưởng. Anh ta còn muốn dập tắt ý nghĩ thà chết trước khi già đi như thế của tôi bằng một tràng lí lẽ khác nữa. Tôi đã học thuộc tất cả, có lẽ sợ tôi cũng trở thành một ca bệnh ở đây nên anh ta mới dặn nhiều đến thế. Tôi đã hỏi về thuốc an thần vì dạo này tôi nghỉ việc ở nhà, mất ngủ, sụt cân và mấy tháng rồi không hẹn hò ai.

*

*         *

Tôi nhắn tin cho Hải, người đàn ông thường cùng tôi trong những chuyến đi xa, đề nghị anh chọn địa điểm mà chúng tôi sẽ gặp nhau và nói là tôi chỉ có được một buổi. Tôi quen Hải trong một chuyến leo núi cùng câu lạc bộ của mình. Hải nhỏ hơn tôi vài tuổi, chúng tôi có cùng sở thích, nói chuyện, ăn uống hợp gu nên nhanh chóng bắt cặp ngay sau chuyến đi ấy. Hải là mối quan hệ lâu nhất và dễ chịu nhất mà tôi có sau li hôn, cả hai chẳng bao giờ đề cập đến chuyện đời tư của nhau cũng chẳng xác định một điều gì, chỉ đơn giản là có nhau khi thấy cần. Tôi xem lại địa chỉ khách sạn rồi ngồi vào bàn trang điểm. Bây giờ tôi chỉ cần một mối quan hệ đơn giản thế này thôi.

Mất gần cả buổi tôi mới chuẩn bị xong cho cuộc hẹn của mình. Những bộ đồ nóng bỏng yêu thích đã trở nên thùng thình, hai má hóp vào, quầng mắt tối sẫm, tóc rụng và xơ… Tôi phải vật lộn với cái mớ lùng nhùng của mình rồi mới ra khỏi nhà, khi đã cho mẹ uống thuốc và chắc chắn bà có thể ngủ cho đến lúc tôi trở về. Tôi đã rạo rực từ lúc nhận tin nhắn của Hải. Bác sĩ Thạch thật tâm lí, tôi đã quên mất những nhu cầu cơ bản của mình. “Bệnh không hết được, chỉ có thể chấp nhận và học cách thích nghi với nó”.

Hải đến. Chúng tôi lao vào nhau vồ vập mà không phải nói lời nào. Tôi cũng muốn thế, bao lâu rồi tôi không cảm nhận được sự mạnh mẽ cứng cáp của đàn ông, thế giới của tôi chỉ ru rú trong đôi mắt của một người mắc chứng bệnh Alzheimer với đủ loại dầu thơm tôi dùng để khử đi mùi già cả úa tàn mục rữa. Tôi nhắm mắt lại lần tìm Hải. Rồi tôi mở mắt ra, thấy cái trần nhà nhờ nhờ trắng dưới ánh đèn vàng. Tôi biết mình đang ở khách sạn.

“Nước hoa hay dầu thơm? Anh mới đổi hả?”

“Đâu có”, Hải nói.

Anh bắt đầu thở hổn hển, tôi biết Hải không để tâm đến câu hỏi, anh đang có nhiều việc phải làm với cơ thể đang nồng nhiệt của tôi. Nhưng tôi chắc chắn mùi tôi ngửi thấy trên người Hải là mùi dầu thơm đang dùng ở nhà. Không thể sai được, tôi chỉ mới dùng mùi này mấy hôm nay thôi. Tôi không ngu mà bôi nó lên người mình, tôi đã vét lại lọ nước hoa có mùi mà Hải thích trước khi đến đây. Nhưng rõ ràng là có mùi dầu thơm.

“Thật chứ? Anh dùng nước hoa cũ?”

Tôi hỏi và cố rướn lên áp mũi vào tóc Hải để xem có phải mùi dầu gội đầu, nhưng không phải.

“Ừ. Cũ. Sao em?”, Hải nói vào tai tôi.

Tôi đáp lại bằng những cái vuốt ve và sự im lặng đón chờ. Tôi nhắm mắt, cố quên đi cái mùi dầu thơm chết tiệt ấy. Tôi cố quên cố quên. Căn phòng với bóng đèn bật suốt hai bốn tiếng. Thau chậu. Và bô. Tấm ga giường thỉnh thoảng lại ướt. Những đồ dùng để lộn tùng phèo khắp nơi. Âm thanh ú ớ. Tiếng khóc ri rỉ… Tôi thấy mình trôi đi, nhưng không biết trôi trong mớ lùng nhùng của mình hay khoái lạc với Hải.

“Có chuyện gì thế?”.

Hải bất ngờ ngồi dậy. Tôi tưởng chúng tôi đang ở giữa đê mê, sao anh có thể đột ngột như thế.

“Em hỏi chuyện mùi thơm ấy là sao? Nó là mùi của em mà. Nhưng chuyện đó không quan trọng. Sao hôm nay gồng mình với anh như thế?”

Tôi chẳng biết trả lời sao nữa, toàn thân bẹp dí như một con bọ trần truồng trên giường, không một cử động.

“Chúng mình đã từng rất thoải mái. Sẽ không có chuyện ghen tuông, đúng chứ?”

Nước mắt tôi trào ra, sự hiểu lầm khiến tôi tủi thân cực độ. Tôi kể hết những chuyện khủng khiếp vừa xảy ra với mình. Co ro thu người lại, bây giờ tôi chỉ là một đứa trẻ đáng thương mà thôi. Giữa lúc tôi đang kể thì Hải mặc đồ vào và lấy chăn đắp lên tấm thân trần trụi của tôi.

“Khóc đi, khóc cho nhẹ lòng. Chúng ta lúc nào cũng coi nhau là bạn, nhỉ?”

Hải rời khách sạn khi tôi đã khóc xong, trước khi đi còn nói tôi không nên để mẹ một mình như thế. Tôi chẳng biết mình vừa trải qua chuyện gì nữa, chỉ thấy hai mắt sưng vù, sao nó có thể chứa nhiều nước vậy chứ!

*

*        *

Tôi không còn thường xuyên ghé chỗ bác sĩ Thạch vì sợ làm phiền một người tử tế. Sẽ chẳng thay đổi được gì, bệnh cứ tiến triển như lẽ tự nhiên, đã bảo là quy luật của tạo hoá, làm gì được? Mẹ tôi cũng giống mẹ bác sĩ Thạch năm xưa. Tôi vẫn ghi nhớ lời khuyên hôm ấy nhưng không còn cuộc hẹn nào với Hải. Từ sau lần dở dang trong khách sạn ấy, Hải không trả lời tin nhắn của tôi nữa.

Tôi vừa gội đầu cho mẹ. Buổi chiều đã đi qua ô cửa, đẹp thênh thang trong thành phố rộng lớn này. Hôm nay, tôi quyết định dắt mẹ mình ra phố.

“Nhưng mẹ phải trang điểm đã”, tôi nói, “mẹ chẳng bao giờ ra ngoài mà quên trang điểm, mẹ nhỉ?”

Xem nào. Phải vẽ lại chân mày chứ. Con đã thấy chúng rụng đi, những sợi lông mày, chúng cũng xanh rồi già và úa, chúng rụng xuống như lá. Con đã thấy những mùa lá đổ, mẹ biết không. Mẹ biết không, mẹ là người phụ nữ thông minh xinh đẹp ngọt ngào mà cuộc đời con ngưỡng mộ. Bây giờ chỉ còn là kỉ niệm. Tất cả chỉ là kỉ niệm mà kỉ niệm là gì mẹ biết không? Là ảo ảnh, ảo ảnh đấy. Đôi lúc con tự hỏi khi một người mất hết kí ức không còn nhớ không còn nhận ra một điều gì quen thuộc thì người đó có thực sự là người đó nữa không?

Mẹ tôi có còn là mẹ tôi? Hay chỉ là một thực thể vô hồn không căn cước? Ân cần này, chăm sóc này, tình cảm này thì có ý nghĩa gì.

“Rồi, bây giờ thì đã xinh và đầy sức sống. Mình đi thôi mẹ.”

Chúng tôi dừng lại trước một nơi rất đẹp, lối đi vào sạch sẽ nhiều cây. Vừa nãy khi qua mấy góc phố đông người, bà sợ hãi bấu chặt lấy tay tôi. Nhưng đến đây, sự yên ắng, tĩnh tại làm mẹ tôi thư giãn hẳn ra. Bà nhìn lên mái vòm đầy hoa giấy ở cổng chào ngơ ngác nở một nụ cười.

“Mẹ biết không, trong đấy cũng có nhiều người như mẹ, mẹ sẽ có bạn mới. Mẹ thích các hoạt động xã hội, mẹ quảng giao, đi đến đâu có bạn đến đó, nhỉ? Ở đây, mẹ cũng sẽ được chăm sóc. Con thì vụng lắm.”

Mẹ tôi nắm tay tôi kéo đi.

“Mẹ vào đi.”

“Thi.”

Bất chợt mẹ gọi tên chị, mẹ đã mất khả năng nói chuyện và chẳng còn nhận ra ai nữa nhưng thi thoảng trong mớ âm thanh vô nghĩa phát ra, tôi vẫn nghe tên chị, có lúc là tên tôi.

“Mẹ vào đi, có thể mẹ sẽ gặp chị trong đấy. Mẹ cũng sẽ gặp con nữa.”

Mẹ quay lại nhìn tôi, giống như hiểu điều tôi nói. Mẹ vẫy nhưng tôi không lại, rồi bà đi tiếp.

Bằng cách nào đấy, tôi cũng thừa nhận vợ bác sĩ Thạch có lí. Tôi trở về ngang qua các con phố thênh thang, chắc chắn lòng mình nhẹ bẫng. Chắc chắn thế. Chắc chắn là thế. Giờ có thể nghĩ ngay đến chuyện đón con trai về và nộp đơn xin việc vào vị trí mà tôi đã làm trước đây.

*

*        *

T&Q fashion. Cửa hàng thời trang trước đây tôi thường lui tới. Nó ở ngay bên kia đường.

Đẩy cửa vào trong, tôi chọn ngay một chiếc đầm trong bộ sưu tập mới rồi đi thẳng vào phòng thử. Chiếc gương thật sáng. Lâu lắm rồi tôi mới lại soi gương thế này. Lạ quá. Tôi ngắm mình trong gương. Tôi tự tin. Tôi quý phái. Tôi xinh đẹp. Tôi trẻ trung. Không gian sáng choang. Giữa phòng thử có tôi và một người nữa trong gương, là tôi mà cũng không phải tôi. Một người phụ nữ, người đang già đi, da chảy xuống, khoé miệng hõm sâu, những sợi lông mày rụng rơi như lá. Tôi cảm thấy cơ thể mình đang rúm ró, cánh tay này ôm lấy cánh tay kia. Ảo ảnh qua mau. Chỉ còn tôi và hình ảnh tôi trong gương, một người phụ nữ tự tin. Bất giác, tôi lật cánh tay trái ra tìm một cái nốt màu đen, bất giác tôi sợ nó biến mất.

“Nốt ruồi này là dấu chỉ để biết mình là mẹ con”, nhiều năm trước tôi từng nói vậy trong một lần hai mẹ con đứng trước gương trong phòng thử đồ, hệt như lúc này.

*

* *

Cuộc đời có nhiều việc không thể nói là đúng hay sai, không thể truy ra một đáp số nào cả, chỉ có thể nghe theo lương tâm của mình. Bác sĩ Thạch đã nói thế khi kết thúc câu chuyện sáng hôm ấy.

Tôi thấy mình đi lại con đường ban nãy vừa qua. Lối đi này đẹp quá. Và mát nữa. Những bông hoa màu trắng đầy lên trên tay tôi. Tôi thấy phía trước có nhiều ánh sáng. Và thấy mình trôi trôi trên dòng chảy của phận số mình.

“Mẹ ơi, nắm chặt tay con. Mình về thôi.”

“Thi.”

“Dạ. Từ nay mẹ có thể gọi con là Thi. Sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Mình về thôi. Về nhà.”

Mẹ à, con đang thấy mình trôi đi như loài cá, và mắc vào tấm lưới cuộc đời. Nhưng không sao, tấm lưới này cũng đẹp, mẹ thấy không.

L.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)