Tết ở Vũng Rô

Thứ Sáu, 12/04/2024 07:58

. HỒ ĐẮC THẠNH(1) 
 

Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ: “Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng quyết định tàu các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng giao thừa có mặt tại Vũng Rô”.

Rời Sở chỉ huy Quân chủng, lòng tôi dâng tràn một cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Còn lo, hôm nay đã là 20 tháng chạp âm lịch, làm sao chuẩn bị tốt mọi mặt để tàu đến Vũng Rô vào đúng đêm giao thừa?

Hải Phòng sắp vào tết. Những bóng đèn xanh đỏ treo giăng hàng hai bên thành cầu Sông Cấm, trên ngọn cây trong công viên, nhấp nháy tỏa sáng lung linh như hòa cùng niềm vui của tôi trên đường về đơn vị.

Đêm giá lạnh, chung quanh yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra họ còn thức chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về…

Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến đúng lúc giao thừa. Phải chủ động tạo sự bất ngờ làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi, những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi cấp trên.

Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc, nhưng thật bất ngờ cho tôi, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi bằng cái tên thân mật “bố già”. Đồng chí nói: “Tàu ta đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến nhưng được đi vào dịp tết thì thật hiếm có. Vì vậy, tôi đề nghị tàu ta nên chuẩn bị cái gì để khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn tết”. Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy. Thế là ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần… một bộ phận anh em đi mua nếp về gói bánh chưng, bánh tét, lo quà tết.

Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Sau khi nghe báo cáo, tôi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cụ thể của các ngành. Khi đến khoang hàng hai, ngoài số lượng hàng vũ khí, trang bị kĩ thuật chở cho bến, tôi gặp một hòm gỗ đậy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét “Quà đón xuân vui tết” bên cạnh một cành đào sum sê hoa lá. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: “Cái hòm gỗ này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?” Đồng chí Nhạn, máy trưởng - người được toàn thuyền cử ra đảm nhiệm công việc chuẩn bị quà tết - vừa cười vừa nói: “Báo cáo thuyền trưởng, cái thùng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ”. Tất cả cùng cười. Đồng chí mở nắp thùng và đọc to bản liệt kê bao gồm: “30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu, như con tàu không số của ta”.

Chiếc thùng gỗ đựng quà tết chiếm diện tích rất nhỏ trong khoang hàng của tàu nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41, đa phần anh em quê Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, họ đã gửi gắm tình cảm của mình qua từng món quà tết quê hương trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Vào một đêm tối cuối năm 1964, những trận gió mùa đông bắc tràn về mang cái rét của phương Bắc về theo, cuộc tiễn đưa tàu 41 lên đường làm nhiệm vụ được tiến hành tại một bến cảng của thành phố biển. Dưới trời mưa phùn gió bấc, các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ, chiến sĩ của tàu: “Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về”. Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.

Tàu 41 hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi. Sau năm ngày vượt sóng to gió lớn, lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là tuyến đi căng thẳng nhất suốt lộ trình.

Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch bất cứ lúc nào. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm “tất niên” được thuyền phó sắp xếp cho tàu ăn trước 12 giờ trưa để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành, nhưng thiếu câu đối đỏ. Không nêu, không pháo, có bánh chưng xanh nhưng để dành khi vào bến. Toàn tàu đang ăn cơm, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự li ba hải lí, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía Nam”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí của mình. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra sửa lại để vừa che mắt hai tàu địch vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua chiếc ống nhòm có bội số cao, tôi nhìn rõ hai tàu tuần tiễu địch. Phải tránh! Tôi cho tàu thay đổi hướng đi song song tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn tám tiếng nữa tàu phải có mặt ở Vũng Rô.

Sau khi xác định vị trí tàu trên hải đồ, đồng chí thuyền phó báo cáo: “Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lí nữa, khả năng vào bến trễ giờ”. Trong đầu tôi chợt hiện lên câu chuyện cổ tích đọc từ bé về cô bé thông minh học hành rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn được cô tiên hiện lên cho ba điều ước: học hành giỏi, cha mẹ em sống lâu, và điều thứ 3, em sẽ trở thành vợ của hoàng tử con vua suốt đời sung sướng. Nhưng cô bé chỉ nhận điều ước thứ nhất và thứ hai. Như cô bé, lúc này tôi chỉ muốn 2 điều ước: một là trời mau tối, con tàu không phải phơi mình trên biển nhiều giờ, dễ bị kẻ địch phát hiện, hai là tốc độ tàu nhanh hơn để vào bến không trễ giờ. Nhưng việc tối sớm hoàn toàn do chu kì quay của trái đất và mặt trời còn tốc độ máy tàu thì do nhà sản xuất đã ấn định sẵn, làm sao thay đổi được. Tôi cho mời máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Ước mãi rồi cũng đến lúc hoàng hôn bao trùm khắp mặt biển.

23 giờ 50 phút, tàu chúng tôi thả trôi giữa Vũng Rô. Tôi cho thả xuồng và cử người vào bến tìm bộ phận đón. Đang loay hoay thả xuồng, cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Tất cả ghì chặt nhau trong yêu thương thắm thiết. Niềm vui ngập tràn vô tận. Tôi ôm anh Sáu, trưởng bến, mà hai hàng nước mắt chảy ròng, nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đan chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn dốc Ba Tý phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô. Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng?

Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc tết.

Chúc mừng Ất Tỵ xuân năm mới
Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi
Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi
Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới
Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi
Đấu tranh anh dũng cả nước một lòng
Chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi
Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công

Giao thừa! Phút giao thừa xuân năm 1965 đã tới. Phú Yên ơi! Chúng con đã về đây! Về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống.

Giá như ở một hoàn cảnh khác, thời điểm khác thì cuộc vui còn có thể kéo dài. Không ai muốn rời nhau nhưng làm sao khác được khi công việc còn quá bề bộn. Tàu phải đưa vào sát mép núi và ngụy trang kín đáo trước khi trời sáng.

Mọi công tác được tiến hành khẩn trương. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt các đồn bót địch và Mũi Điện để kịp thời đối phó, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cành đào Nhật Tân - Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia khoe sắc càng tăng thêm hương vị của mùa xuân.

Trong niềm vui chứa chan tình cảm, tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc tết các đồng chí cán bộ lãnh đạo chỉ huy, chiến sĩ và dân công của bến. Chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng thắng lợi, chúc sức khỏe anh Sáu và các đồng chí, chúc quân dân tỉnh nhà năm mới giành được những thắng lợi to lớn hơn như thư chúc tết của Bác Hồ. Tiếng pháo tay thay pháo tết nổ vang. Anh Sáu giục, cô gái ngồi bên cạnh mặt ửng hồng đứng lên thay mặt đồng bào địa phương chúc Tết anh em thủy thủ tàu. Cô nói: “Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc. Các anh thủy thủ vượt qua sóng to gió lớn, đối mặt với quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên quyết xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”.

Nghẹn ngào xúc động lắng đọng nghĩa tình.

Tối mồng một, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đủ sức cho số đông người đi lại nên hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Phía Đèo Cả, thỉnh thoảng một vài ánh đèn pha le lói của những chiếc xe leo dốc cùng với tiếng súng nổ lạc lõng từ các bót đồn địch bắn cầm canh trấn an cho giấc ngủ đầu năm của những kẻ xâm lược. Mặc, không khí lao động, chiến đấu ở đây vẫn tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ xuống là cát. Cát của Vũng Rô được đưa xuống dằn tàu để giữ được ổn định khi tàu ra khơi gặp sóng to gió lớn. Từ trong đêm tối, một cô gái cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay tìm gặp tôi: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm gạo nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công”.

Bùi ngùi xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt.

Ba giờ sáng mồng hai Tết Ất Tỵ, tàu rời bến Vũng Rô. Anh Sáu ôm tôi, cái ôm tiễn đưa lưu luyến. Tay siết chặt tay, người ra đi và người ở lại. Những hàng nước mắt tuôn trào, những lời chúc “Lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn có ngày gặp lại”.

Tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu lướt sóng ra khơi. Phía sau con tàu là Vũng Rô, dải đất Phú Yên quê hương chúng tôi.

H.Đ.T

----------------------

1. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng tàu không số gắn với các chuyến tàu chở vũ khí vào Vũng Rô và miền Nam trong chiến tranh chống Mĩ (BBT)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)