Cao xanh còn những dịu dàng

Thứ Hai, 03/06/2024 07:59

. HỒ LOAN
 

Hoài cầm điện thoại lên xem, đã hơn mười giờ đêm. Tiếng máy xe quen của chồng vẫn còn ở một nơi nào đó, xa lắm.

Trong buồng, thằng nhỏ nóng sốt cứ rúc vào ngực mẹ. Một bên ti nó ngậm chặt, bên kia đặt tay lên như xí phần. Hơi nóng hầm hập phả ra từ khuôn miệng con, cả cái cơ thể nằm nghiêng nghiêng bé nhỏ. Thật khẽ, cô rút vú, nhẹ kéo áo xuống rồi khẽ khàng ngồi dậy. Lấy bình thủy cho thêm nước vào cái thau nhựa, cô giặt chiếc khăn sữa thật kĩ rồi vắt khô, chạm nhẹ lên cơ thể con từng chút một.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ngoài sân, từng vạt gió lùa trước mái hiên lao xao. Tiếng chó cắn đêm đâu đó ngắc ngoải. Xa xa, tiếng ghe rẽ nước phành phạch rồi mất hút. Càng về khuya mọi thứ như rơi vào tĩnh lặng. Riêng những vòng quay của chiếc máy quạt bỗng gấp gáp, ồn ã hơn. Cả ánh đèn điện cũng sáng chói lói, gay gắt. Chắc do cô mệt quá nên thế chăng?

Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, kim giờ uể oải dịch dần sang số mười một. Lại một ngày mới sắp bắt đầu, vậy mà chồng cô đi làm mãi từ bảy giờ sáng vẫn chưa về tới. Ban chiều anh có nhắn tin báo đêm nay tăng ca…

Dù làm kĩ thuật, trưởng thành từ vị trí công nhân đứng máy, nhưng Thương, chồng Hoài, luôn có những sáng kiến đột phá. Như việc lập nhóm chat zalo xử lí nóng các tình huống ngoài giờ hành chính. Hay việc đặt những chiếc bảng điện tử lớn, cập nhật thông tin sản xuất liên tục, giúp công nhân biết được sản lượng mình làm ra mỗi giờ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, kích thích người lao động tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện đồng lương.

Gần đây Thương đang tham gia dự án nâng cấp hệ thống xử lí nước thải. Mục đích lọc lấy nước dùng cho sinh hoạt, đồng thời giảm chi phí cho nhà máy. Để đẩy nhanh tiến độ công việc, thuyết phục được cấp trên, ngoài giờ làm việc, Thương chúi đầu vào máy tính tự học hỏi nghiên cứu thêm. Được người bạn thân giúp đỡ, Thương tiến bộ rõ rệt. Vốn dĩ người này là bạn thời cấp ba của Thương, sức học hai đứa ngang nhau. Cuối cấp, cậu ấy vào Bách Khoa, Thương không có điều kiện học tiếp nên về làm nghề cùng cha. Đi biển một thời gian, Thương trúng nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ vài năm, Thương được người bạn gọi về làm cùng. Được môi trường quân ngũ hun đúc, cộng với ý chí vươn lên, Thương cố gắng không ngừng nghỉ và đạt được nhiều thành quả đáng kể.

Sáng nay vừa tra dầu vào xích xe đạp cho mẹ, Thương vừa nói chuyện với vợ, như nói với một người đồng nghiệp thân cận:

- Trước đây mình chưa biết nên làm việc thụ động, bây giờ phải tận dụng triệt để công nghệ số. Ngó rứa chứ hiệu quả lắm vợ.

Hoài cười trêu chồng:

- Kinh, nói chuyện như cán bộ, đúng là gần đèn có khác.

Thương cười, cầm chiếc áo cũ của con gái ngó nghiêng để chắc chắn chiếc áo này đã không mặc được nữa, tay nhanh nhẹn lau chùi các vệt bụi bám ở nan hoa xe. Tính Thương thế, chăm chút từng vật dụng trong gia đình, tỉ mẩn từng chút một, như thể mọi vật đều có linh hồn, đều có sự sống. Vừa làm Thương vừa nói, như nói với chính mình:

- Đang khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mình không lo cải tiến sản xuất thì dễ mất cơ hội lắm. Bao nhiêu công ty đã mất đơn hàng, công nhân phải nghỉ chế độ hoặc không lương, em không thấy sao.

Hoài lại cười, tay mân mê đôi bàn chân nhỏ xíu của con rồi đưa lên miệng cắn nhè nhẹ khiến thằng bé nhả vú mẹ cười sằng sặc.

Thương ngưng tay nhìn qua thấy thằng bé đang nhìn mình, anh đưa tay lên che mặt ú òa, thằng bé được thể cười nắc nẻ. Giỡn với con một hồi Thương lại tính chui vào bàn làm việc tiếp. Trước khi đi anh cúi đầu hôn lên má con một cái. Thằng bé tưởng được ba bồng nên đưa hai tay bá chặt cổ. Thương nắm lấy hai bàn tay xinh xắn của con đưa lên miệng thơm chùn chụt, rồi cù mặt vào bụng cho cu cậu cười thêm trận nữa, xong chỉ tay ra ngõ, miệng kêu gà kêu vịt để đánh lạc hướng rồi bước nhanh vào buồng.

Hoài nhìn theo cái dáng lẻn vội của chồng bật cười. Hoài hay trêu chồng có tác phong chuyên nghiệp, xem công ty là nhà, hèn chi luôn được sếp chú ý. Hoài nhẩm tính, nếu lên vị trí kĩ thuật trưởng, Thương sẽ được tăng mười phần trăm lương cho chức vụ mới, thật không phải nhỏ với một gia đình công nhân như vợ chồng Hoài.

*

*       *

Hoài sờ vào trán con, tự nhủ con trẻ nóng sốt cũng chuyện thường tình. Mọc răng sốt, tiêm ngừa sốt, thời tiết thay đổi cũng sốt. Bao nhiêu lí do khiến một đứa trẻ đang yên đang lành bỗng nhiên phát sốt. Cũng đã kinh qua ba lần sinh nở, Hoài phần nào bớt lo lắng như lần đầu.

Hai cô con gái lớn giờ này chắc đã say giấc với bà nội. Mà nói là lớn chứ một đứa mới lớp hai, một đứa mầm non, còn ưa vòi vĩnh nũng nịu mẹ lắm. Từ ngày có em tự nhiên hai đứa buộc phải tách mẹ ra. Mọi người hay đùa là lẻ mẹ sớm. Hoài thường chỉ kịp xoa đầu con, dỗ ăn nhanh nội dẫn đi chơi, chứ cũng chẳng có thời gian buộc tóc hay thắt bím cho chúng.

Về phần gia đình chồng, Hoài cảm nhận bà nội bọn trẻ là người hiền lành chân chất. Những đồng tiền mỗi đợt ông đi biển vào, bà thu vén cân đối cho cả mùa đông dài đằng đẵng, nên nhìn bà lúc nào cũng đăm chiêu tư lự, không nói cười xởi lởi như người ta được. Nhưng được cái bà thương con thương cháu. Bà lụi cụi cơm nước chăm sóc tụi nhỏ, cả giặt đồ cho Hoài. Vài người hàng xóm có lời này nọ, bà cười, dâu cũng là con, sao mấy bà phải rạch ròi vậy. Chưa kể nó bỏ gia đình nó để về sống với mình, thương nó không hết còn so đo nỗi chi. Mà tình thương cho đi có mất mát chi đâu, nó còn hơn cả nồi cơm Thạch Sanh ấy chứ. Bằng chứng là từ lúc về làm dâu nó đẻ liền tù tì cho bà ba đứa nếp tẻ đủ cả. Tuy có vất vả thiệt, nhưng được cái nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười con trẻ chẳng tốt lắm à. Bà không thương nó thì còn thương ai. Vợ chồng bà còn mỗi thằng Thương, chừ có Hoài lại thêm ấm áp. Hai vợ chồng nó đều là công nhân, làm lụng vất vả, tiết kiệm hết cỡ mới đủ đắp đổi qua ngày. Nói dại, lỡ con cái ốm đau thì chẳng biết xoay trở hướng nào.

Hoài biết, mẹ chồng thương mình cũng do hoàn cảnh riêng của cô nữa. Vì Hoài mồ côi mẹ từ nhỏ, lấy chồng được hơn năm thì cha không biết bệnh tật chi cũng áo giấy về trời. Thành ra giờ Hoài mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những đau thương trong lòng cô cất vào ánh mắt buồn thăm thẳm. Mẹ chồng thường than với Hoài: “Ánh mắt chi mà buồn quá thế con!”.

Còn về phần Thương là người hiền lành. Tuy sống vùng sông nước nhưng từ ngày yêu và cưới Hoài, anh chọn lập nghiệp trên cạn, bởi Hoài không chịu được cái cảm giác ngóng trông người thương mỗi đận có đợt bão đến. Ở dọc dải cát xứ miền Trung này, bao nhiêu nóc nhà mồ côi không đếm xuể. Cái suy nghĩ anh đang dật dờ đâu đó ở một bãi biển xa hay đi mãi không về trong một chuyến tàu định mệnh rồi không tìm thấy xác như rất nhiều người khiến Hoài lo sợ. Hoài bảo no đói có nhau, đời cô đã khóc quá nhiều cho những người thương yêu, nước mắt cũng cạn rồi. Thương ôm vợ vào lòng, hứa sẽ bên cô đến khi bạc tóc. Hoài cười, vạch nhổ một sợi tóc đổi màu trên đầu chồng, hỏi:

- Đã bạc rồi đó ông, tính sao đây?

Thương ôm vợ cười xòa:

- Thì ở cùng nhau cho tới khi nào ông trời ổng không cho nữa thì thôi. Làm chi căng rứa.

Nói rồi, Thương cầm sợi tóc lên ngắm nghía:

- Thời chừ mà hẹn nhau đầu bạc răng long nghe sai quá, vợ he!

 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Mà thằng nhỏ đang ốm đây là một vụ vỡ kế hoạch nghiêm trọng. Nhớ bữa đó giờ nghỉ, ngồi nghe mấy chị bàn tán vụ con bé kia mới vào công ty hơn ba tháng mà đã mang bầu bốn tháng. Đang nói chuyện trên trời dưới đất, săm soi đường chân mày nhau, chợt Cúc, cô bạn ngồi bên nhìn như dán vào mặt Hoài:

- Ê, chân mày bà Hoài dựng đứng kìa bà, bộ bầu nữa rồi hả?

Hoài tái mặt vội kéo chiếc mũ công nhân sụp xuống trán:

- Đừng giỡn, hai đứa là vợ chồng tui đói trắng mắt rồi!

Nói là nói thế, tự nhiên Hoài nghe hoang mang. Một nỗi lo lắng bất an bao trùm.

Chiều, xe đang chạy bon bon trên đường, chợt biển hiệu tiệm thuốc tây từ xa như dán vào mắt. Sau một hồi lưỡng lự, Hoài tấp xe ghé vào. Cô mua vài bịch vitamin C cho tụi nhỏ, vỉ viên ngậm ho cho mẹ, luôn tiện mua một bộ que thử. Cầm bộ que thử trên tay, Hoài tần ngần một lúc rồi mở yên xe cất sâu nơi đáy cốp.

Tối về lo cơm canh, ngủ nghỉ cho hai đứa. Đến sáng hôm sau thì Hoài loay hoay với các con, nào áo khoác, nào sữa, nào vở, nào viết. Bữa ăn của các con luôn trong trạng thái vội vàng gấp gáp để còn kịp đưa chúng đến trường. Hoài quên bẵng bộ que thử. Mãi khi nhìn nữ đồng nghiệp rê chiếc bụng bầu đi qua chỗ mình, Hoài mới giật mình nghĩ tới. Ăn trưa qua quýt, Hoài xin bảo vệ ra khu nhà xe lấy bộ que. Cô cầm lấy rồi đi nhanh vào khu vệ sinh, cảm giác lén lút như kẻ trộm. Hai tay cô run run bóc chiếc que ra khỏi hộp.

Chưa tới một phút, hai vạch, một đậm một nhạt nổi lên, Hoài khựng lại, bàng hoàng. Như không tin vào mắt mình, cô nhìn thêm bận nữa. Hoài ngồi thụp xuống, rụng rời. Hoài như chết lặng mất hồi lâu trước giây phút ấy, cái giây phút mà đáng ra cô phải hét lên đầy sung sướng. Cái giây phút đón chờ một sinh linh nó thiêng liêng và hạnh phúc biết nhường nào. Cô sao thế này? Chân tay cô rũ rượi, tim như ngưng lại, và mắt hoa lên không còn thấy chiếc chốt cửa buồng nhà vệ sinh.

Tiếng chuông báo hết giờ nghỉ trưa vang lên, Hoài nghe váng vất đâu đó bước chân người hối hả, tiếng đóng cửa thật mạnh ở buồng trước, cả cái dội nước đánh ào từ buồng bên. Rồi mọi thứ dần vào im lặng.

Lúc lâu, tiếng đập cửa ầm ầm khiến Hoài bừng tỉnh. Vội vàng thu dọn mớ que thử ném vào thùng rác, cô lập cập vịn cửa đứng dậy. Trước mặt cô là người quản lí khu vệ sinh, cô tạp vụ, chị trưởng ca và một công nhân, ai nấy tỏ rõ vẻ mặt không vui. Nhưng vừa nhìn thấy khuôn mặt tái xanh của Hoài, ánh mắt họ bỗng chùng lại:

- Có làm sao không Hoài?

Cô bạn đồng nghiệp lên tiếng nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của Hoài.

- Sau có mệt thì xin ra phòng y tế nghỉ ngơi nghe em, chứ làm kiểu ni…

Giọng người quản lí chùng xuống, bỏ dở. Ý cô ấy, làm kiểu ni mắc công bao nhiêu người đi tìm. Hoài giật mình nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo ở tay, cô đã ngất đi hơn nửa giờ đồng hồ.

Tối ấy khi được Hoài báo tin, Thương nghe, ngửa cổ nhìn lên trần nhà, những mảng màng nhện bám chi chít rối rắm. Nợ chiếc xe mua cho Hoài đi làm mới trả góp được hai tháng, còn những mười sáu tháng nữa. Lương hai vợ chồng chắt bóp kiểu chi cũng thiếu trước hụt sau. Thương thở hắt ra đề nghị:

- Để anh xin nghỉ mai đưa đi khám.

Hoài vội xua tay:

- Thôi anh cứ đi làm, kẻo cuối năm lại mất thưởng. Với lại em thấy hai vạch, nhưng một vạch lợt à. Mà thử vào ban trưa thì thường ít chính xác.

Thương im lặng không phản ứng. Một lát sau, Hoài nghe tiếng ngáy đều đều của chồng. Cô sửa chân anh cho ngay ngắn rồi buông màn chui vào. Hoài thôi không gối đầu lên tay chồng như mọi bận nữa. Trước mắt Hoài là những mảng sáng tối chập chùng. Đêm thao thiết với tiếng thạch sùng, tiếng của động cơ máy quạt, tiếng uể oải đều đặn của chiếc đồng hồ.

Hoài nghĩ, một vạch đậm một vạch mờ nhạt nghĩa là chưa chắc chắn lắm, Hoài tự an ủi để dỗ dành giấc ngủ. Chẳng phải hôm rồi cô bạn cùng chỗ làm kể chị kia hiếm muộn, chờ mãi rồi cũng lên được hai vạch. Nhưng khi thăm khám, bác sĩ lắc đầu bảo không có chi trong tử cung, chị ta gân cổ cãi rõ ràng em thử lên hai vạch, rồi chìa chiếc hình chụp hai vạch lờ mờ, bác sĩ cho thử lại vẫn thế. Giải thích điều này, bác sĩ nói có khi là báo động giả, cũng có khi que hỏng, nhiều vấn đề lắm.

Mà có phép màu nào ở đây không? Hoài thầm cầu nguyện Phật A Di Đà. Thật lạ, khi bất an con người ta chỉ biết bấu víu vào chốn tâm linh. Và cứ mỗi lần chông chênh, Hoài lại niệm câu “nam mô” như một thứ thần chú hữu hiệu để tự trấn an mình. Cầu mẹ Quan Âm hãy trao đứa trẻ ấy cho người khác đang cần. Nguyện kiếp này con ăn chay để tạ ơn mẹ. Hoài lẩm nhẩm một mình rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Và khi biết chính xác có em bé Hoài đã vặt đu đủ xanh giấu mang vào bếp. Để chắc chắn cô còn mua đôi bó rau bồ ngót ngoài chợ mang về định giã lấy nước uống. Tự nhủ kết hợp cả hai kiểu gì cũng thành công. Nhưng khi gọt vỏ rửa sạch đưa lên miệng, mùi mủ non đu đủ khiến cô rùng mình…

Cũng thời gian này Thương vẫn đều đặn tăng ca từ sáng sớm đến tối mịt, anh bảo tháng này có những năm cái đám cưới, dễ hết nửa tháng lương. Bé lớn lại sắp vào lớp một, bao nhiêu thứ tiền phải lo. Chưa kể vài tháng trở lại đây ba Thương ốm khật khừ suốt. Người ham công tiếc việc như ông mà chịu bỏ vài lượt đi biển. Mỗi lần tàu vô, nhìn mọi người hồ hởi chia nhau tiền công mắt ông lại buồn mênh mang rất tội. Anh định nếu có tiền sẽ cho ba đi khám tổng thể ngoài thành phố, tầm soát ung thư xem thế nào.

Nhìn chồng ngáy đều mệt mỏi sau ca làm mười hai tiếng, Hoài lại nén tiếng thở dài. Chồng Hoài cả năm đi ăn cưới cũng duy chiếc quần jean xanh, cái áo sơ mi sọc, anh bảo miễn sạch sẽ là được, ai người ta để ý. Hai đứa con đang ngủ say áo quần cũng chỉ loại trăm nghìn ba bộ, có khi là đồ mọi người cho. Riêng Hoài, lâu lắm rồi không lên mấy trang áo quần váy vóc, đôi lúc cũng chạnh lòng. Đi ngang mấy shop thời trang chỉ biết thầm khao khát thế thôi. Là phụ nữ, ai chẳng muốn mình đẹp hơn mỗi ngày. Xong còn bao thứ khó đây…, Hoài vẫn lấn cấn chưa đến phòng khám. Bởi nếu biết chắc có hẳn chồng sẽ lo lắng lắm…

Nhưng rồi Hoài vẫn phải đến bệnh viện. Ban đầu là do đưa ba chồng vào cấp cứu, vì ăn xong bữa chiều bụng cứ chướng lên, đến nửa đêm về sáng thì đau không chịu được phải gọi con trai. Lúc ngồi chờ ngoài buồng siêu âm, có hai vợ chồng kia ôm nhau khóc tức tưởi khi biết đứa con mang bảy tháng trời ròng rã đã chết lưu trong bụng. Nhìn người phụ nữ rã rời trong vòng tay chồng, ai đó an ủi, con cái như bông bí bông bầu, đậu được quả nào thì mừng quả ấy. Trời kêu ai nấy dạ, đâu phải ưng là có, đâu phải muốn là được. Hoài rùng mình sờ tay lên bụng, mệnh trời khó tránh. Cô tự an ủi rồi đợi đến đầu giờ làm việc mua vé vào siêu âm. Cũng may đận đó ba chồng chỉ bị tắc ruột, điều trị, theo dõi trong viện dăm ngày thì được về.

Thấm thoát đó mà thằng nhỏ con của Hoài và Thương cũng gần sáu tháng tuổi. Thật như ông bà nói, trời sinh voi sinh cỏ, tự nhiên ba chồng khỏe hẳn khi có thằng cháu đích tôn, chồng Hoài cũng miệt mài ngày đêm rồi còn nhận đồ làm thêm ở nhà vào những ngày nghỉ. Mẹ chồng dốc chiếc túi vải cũ ra một miếng bạc cũ xì, cái miếng bạc ni bà quý lắm, để dành cạo gió mỗi đận có ai cảm mạo. Cả xóm đều mượn dùng, bà cất nó như một báu vật. Bà lọ mọ lên chợ đổi lấy cái vòng tay trừ tà cho thằng cháu cưng. Nhìn cái vòng sáng choang lúc lắc trong tay thằng nhỏ, cả nhà đều cảm thấy bình an hạnh phúc.

*

*       *

Kim giờ đi sắp hết một vòng nữa rồi. Ngoài trời mưa đang nặng hạt, những cành cây vẫn cọ vào mái hiên từng thanh âm lào thào. Thời tiết miền Trung mưa gió thất thường, chưa khi nào Hoài hết lo lắng cho những cung đường nắng gió của chồng. Hoài tự dỗ lòng là lúc sáng có kẹp vào xe Thương cái áo mưa cánh dơi. Cái áo mưa mới toanh còn hăng mùi nhựa ấy tiệm tạp hóa vừa tặng khi mua sữa cho thằng nhỏ, ít ra cũng đỡ phong phanh.

Hoài biết cái nghề của chồng rất ít khi cầm điện thoại. Cần lắm Hoài mới gọi hoặc nhắn tin. Nhưng mấy cuộc gọi rồi Thương không nghe máy, mà có làm chi cũng mười giờ đêm là nghỉ rồi, sao giờ vẫn chưa thấy anh về.

Hoài dụi mắt nằm xuống bên cạnh con, cu cậu sau rất nhiều đợt quấy khóc giờ mệt quá ngủ ngon lành. Đôi môi mút gió chùn chụt thương không chịu được. Chân mày này, sống mũi này, y hệt ba nó. Rồi cô thiếp đi trong cơn mệt mỏi…

Bỗng điện thoại đổ hồi chuông dài khiến Hoài giật mình. Ai gọi lúc này chứ? Nếu Thương về muộn thì cũng không gọi vậy. Mà dù có muộn thế nào đi nữa anh thừa biết cổng không khóa khi anh chưa về. Hoài cầm điện thoại lên, hai chữ “Chồng yêu” như hối thúc, như giục giã. Vội lướt nhận cuộc gọi áp vào tai. Đầu dây bên kia là giọng nói lạ hoắc:

- A lô, phải người nhà của điện thoại ni không?

- Dạ đúng, là… là vợ anh Thương ạ.

Hoài lắp bắp.

- Anh ni bị tai nạn ở…

Tai Hoài ù đi, mắt hoa lên, người đổ sụp xuống.

Đầu dây bên kia cứ “a lô chị nghe không… a lô… a lô chị đâu rồi… a lô… a lô…”

Rồi như có nguồn sức mạnh nào đó kéo Hoài bừng tỉnh, vội vàng chạy qua buồng mẹ chồng. Hai đứa lớn đang ôm rịt lấy nội. Hoài loạng choạng chạy lại kéo tay bà:

- Mẹ ơi… mẹ ơi… anh Thương… anh Thương …

Khi Hoài cùng chị hàng xóm đến nơi thì Thương đang được đưa lên xe cấp cứu. Công an khám nghiệm hiện trường bảo đây là vụ tự gây tai nạn. Trời mưa, khúc cua này bị hạn chế tầm nhìn, lại là điểm đen tai nạn, chưa kể đến nguyên nhân chính là do chiếc áo mưa quấn vào bánh xe.

Anh bạn thân gào khóc tức tưởi, giọng lạc đi trong nước mắt:

- Thương ơi, mi vì thương tau mà nằm đây, tau sống làm sao hả Thương, tau nhìn vợ con mi làm sao hả Thương? Dậy đi Thương ơi, tau lạy mi, tau lạy mi, Thương ơi!

Hóa ra đêm ấy, máy sục khí đập tôm nhà người bạn bị hỏng, tôm nổi đầu hàng loạt. Vì quá gấp, sợ sau một đêm sẽ trắng tay như những lần bị lũ cuốn trước, nợ ngân hàng mấy năm rồi chưa trả hết, năm nay coi bộ thuận lợi nên anh cố gỡ gạc. Vốn là thợ sửa máy chuyên nghiệp những ngày còn đi biển, lại chỗ bạn bè thân thiết, những lúc cần kíp thế này không giúp nhau được thì tệ quá, dù cả ngày làm việc cộng tăng ca người Thương hẳn đã rũ ra vì mệt. Hẳn Thương cũng nghĩ mấy việc vặt vãnh anh tranh thủ làm nhanh thôi nên không báo cho vợ, và trên đường về thì tai nạn xảy ra.

*

*       *

Gần tháng rồi mà Thương chưa tỉnh. Bác sĩ bảo chờ, là như chờ một phép màu nhiệm nào đấy. Nếu sống được, Thương cũng như người thực vật, chết não. Hoài chạy ra chạy vào cùng chồng, đầu tắt mặt tối.

Công ty chịu ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn hàng đứt quãng, có khi phải dừng dây chuyền sản xuất. Hoài được gọi lên phòng nhân sự, bối rối khi cầm lá thư cho tạm nghỉ hưởng chế độ vài tháng, đợi khi nào có đơn hàng lại tiếp tục công việc. Từ phòng nhân sự, Hoài thất thểu bước, chân như không chạm đất.

Về nhà Hoài ôm con thẫn thờ. Mé sông trước nhà đìu hiu từng cơn gió, vài tàu dừa đu đưa in hình bóng nước. Từng búi lục bình trôi dật dờ khi một chiếc ghe lướt qua chúng xơ xác dạt hai bên bờ. Nhìn cánh hoa tím đến nao lòng ấy Hoài chạnh nghĩ, có về bờ nào thì cũng lênh đênh phận bèo cả thôi.

Xa xa, vài chiếc tàu cá nằm nghỉ ngơi sau một chuyến đi dài chờ tiếp thêm nhiên liệu, kiểm tra bảo dưỡng lại máy móc để tiếp tục ra khơi. Không biết chiếc tàu nhà Hoài liệu có…

Đến hết tháng thứ hai thì Thương được đưa về nhà. Với tất cả tình yêu thương và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả gia đình, cơ thể Thương dần đã biết tương tác lại với những va chạm. Hoài thường thủ thỉ bên tai chồng, động viên anh từng ngày. Hoài biết, chỉ còn tinh thần mới có khả năng vực dậy cái cơ thể đã mấy mươi phần bất lực. Người bạn cùng công ty cũng hỗ trợ vợ chồng Hoài rất nhiều, như một sự an ủi cho những chặng dài khó khăn phía trước.

Cạnh đấy, tuy xuất ngũ đã lâu và ít có điều kiện liên lạc, nhưng khi hay tin Thương gặp nạn, anh em đồng đội cũ kéo tới thăm khá đông. Họ động viên tinh thần, gom góp vật chất, tìm đủ mọi cách hỗ trợ cho Thương điều trị.

Lúc này đây bàn tay gầy guộc của mẹ chồng mân mê lên làn da xanh xao của con trai, rồi bà đưa tay vén mái tóc lòa xòa trên trán Hoài. Cô đang hì hà xoa bóp các cơ cho Thương theo sự hướng dẫn của vị bác sĩ ở viện quân y mà anh đại đội trưởng xưa giới thiệu. Thương vẫn nằm im, cơ thể tuy có khô lại, nhưng nơi khóe mắt hình như ươn ướt. Mấy hôm nay da dẻ Thương coi bộ đã hồng hào hơn.

Mẹ Thương nguyện ăn chay niệm Phật nhờ trời phù hộ độ trì. Bà nhìn con trai, rồi nhìn Hoài, khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt rười rượi, rồi chậc lưỡi. Cũng may bà còn mẹ con nó, cái thằng út nớ, giống thằng Thương như tạc. Bà kéo vạt áo thấm hai hàng nước mắt.

Hoài quay qua mẹ chồng:

- Nay rằm, để anh Thương ở nhà với ba, mình tranh thủ lên chùa sớm mẹ hè, kẻo tối tụi nhỏ về lại không ai trông coi.

Rồi chẳng để bà kịp nói chi Hoài đã vào nhà cầm hai chiếc nón. Cả hai cùng hướng tới ngôi chùa nhỏ nằm chon von trên một rừng thông, chỉ cần băng qua hai quả đồi là tới.

Bóng hai người đàn bà gầy liêu xiêu đổ dài trên trảng cát. Hàng dương vi vu hát khúc buồn mênh mang muôn thuở, những mảng mây trắng trôi lang thang tận cuối chân trời.

Hoài đỡ lấy tay mẹ chồng qua chỗ cát sụt, bà nắm chặt lấy tay Hoài. Cái cảm giác ấm áp ấy dường như lâu lắm rồi Hoài chưa có lại được. Cô may mắn gặp được gia đình chồng yêu thương đùm bọc, thế thì đời này kiếp này còn mong gì hơn. Hoài lặng lẽ đi phía sau, nhìn cái dáng lủi thủi của mẹ chồng nhanh nhẹn vượt những choãi cát, khóe mắt cô cay cay, nghe trong sâu thẳm, biết cao xanh còn những dịu dàng…

H.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)