Soi trăng nước bạc Ba Hồ

Thứ Sáu, 21/06/2024 00:06

. HỒ KIÊN GIANG
 

Nước ròng, sông Sáng Cũ và Sáng Mới giao nhau, hòa vào sông Cái Lớn đổ ra biển. Nước lớn, cũng tại nơi này tách con nước làm đôi mang phù sa bồi đắp cây trái ngọt lành, tưới mát đồng lúa phì nhiêu; xuồng ghe từ các nơi tụ hội buôn bán, trao đổi hàng hóa hay neo đậu nghỉ ngơi sau thời gian rong ruổi. Sự tấp nập, náo nhiệt hình thành chợ Ba Hồ - trung tâm xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Và nơi đây đi vào bài vọng cổ Dệt chặng đường xuân của cố nhà văn Anh Động Soi trăng nước bạc Ba Hồ/ đêm vượt Cái Lớn ngày vô Vĩnh Bình.

Theo những người cố cựu ở đây thì nơi này trước kia rừng rậm, đầm lầy, chưa có người ở. Khoảng giữa thế kỉ XVIII, vài nhóm người Kinh đến dựng chòi ven Sông Cái, Đường Mây, Lục Phi; tiếp đó, một số người Hoa đi xuồng ghe tới buôn bán từ Cầu Đúc tới chợ Bà Lớn. Do điều kiện giao thông thuận lợi, cây trái xanh tốt, các nhóm người đầu tiên ở lại khai phá đồng hoang sản xuất, gầy dựng cuộc sống. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng này có khoảng mười ba ngàn người. Đến năm 1989 tăng lên gần ba vạn, chủ yếu là người Kinh, người Khmer khoảng ba ngàn và người Hoa trên một ngàn người. Tất cả hòa quyện, sống rải rác theo các ngã sông, kênh rạch. Họ đến đây mang theo nhiều tôn giáo khác nhau như: Thiên chúa, Cao đài, Phật Bắc tông và Nam tông. Tuy nhiên, dù theo tín ngưỡng nào thì đều chung ý nguyện cầu mong con người khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, thiên tai và thú dữ đừng quấy phá. Từ đó, ba dân tộc sống hòa thuận bên nhau, đoàn kết một lòng cùng xây dựng cuộc sống và đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.

Bộ đội hành quân qua cầu Ba Hồ về “Tết Quân - dân” xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Phượng Vũ

Năm tuổi, cha tôi theo ông bà nội từ Đồng Tháp xuôi về đây và gắn bó với mảnh đất này nên ít nhiều chứng kiến những biến động. Cha thường kể: “Vùng này là căn cứ cách mạng son sắt, thủy chung từ những năm đánh Pháp. Sau đó, Xứ ủy Nam Kỳ, Khu Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Rạch Giá và Huyện ủy Gò Quao đều chọn làm căn cứ. Có thể nói, đây là nơi xây dựng và trưởng thành của nhiều lực lượng vũ trang; nơi xuất phát tiến công địch hay phòng ngự đều vững chắc; đồng thời cũng là hành lang chiến lược vận chuyển tiếp tế từ U Minh ra phía trước của Khu Tây Nam bộ và tỉnh Rạch Giá. Chính vì vậy, địch xây dựng khu quân sự lớn nhất làm vỏ bọc bảo vệ tiểu khu Chương Thiện và làm bàn đạp đánh phá các nơi. Tuy nhiên, chúng không thể dập tắt quyết tâm của quân - dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Minh chứng là trận Lục Phi diệt một tiểu đoàn chủ lực của địch như huyền thoại còn lưu giữ trong những thước phim tài liệu “Chiến thắng Gò Quao”; trận đánh tàu và tiểu pháo hạm trên sông Cầu Đúc gắn liền với tên tuổi người anh hùng “Thủy thần trên sông Cái Lớn” Nguyễn Văn Tư, tức “Tư Nhà Mới”; trận bắn máy bay địch ở Ba Huân, Ngã Cạy, Rạch Gõ...”.

Nhà tôi cách chợ Ba Hồ hơn hai cây số. Nhà nghèo, lại đông anh em nên tất cả cái ăn cái mặc đều dựa vào sự bươn chải của cha và tảo tần của má. Cũng như đa số gia đình khác, nhà tôi đồng cảnh với họ về thiếu thốn từ những năm đầu chấm dứt chiến tranh. Đó là những căn nhà lá tạm bợ và xiêu vẹo, hoang vắng và đìu hiu; những mảnh vườn vương vãi đạn pháo; những cánh đồng loang lổ bom mìn. Để vượt qua cảnh túng thiếu, lúc mùa vụ rảnh rỗi, má tôi thường cắt lá chuối, lá môn trong vườn đem ra chợ bán cho người ta gói hàng hóa vì chưa có bọc ni lông như bây giờ. Và lần nào tôi cũng đòi đi theo má. Kí ức tôi vẫn nuôi giữ hình ảnh thằng con trai bảy - tám tuổi đứng xớ rớ bên người đàn bà đen nám, lam lũ sau đống lá xếp thành bó cẩn thận, gọn gàng giữa buổi chợ hừng đông nghèo nàn, nhếch nhác. Cái chợ mà mùa khô thì bụi bặm, rác rưởi, mùa mưa thì lầy lội, hôi hám. Cái chợ mà buổi sáng có vài chục người từ các kênh rạch đổ ra vội vã, mua hàng vội vã và khi về cũng vội vã. Cái chợ mà buổi chiều chỉ còn lại lơ thơ vài mái che lợp bằng lá dừa nước thưa rỗng cao không quá đầu người cứ đu đưa mỗi khi cơn gió thoảng qua, mấy tấm vạt tre xếp liền nhau là là trên mặt đất, tịnh không một bóng người. Thỉnh thoảng có vài chiếc ghe mui lá của khách thương hồ từ miệt vườn Cần Thơ, Tiền Giang ghé bến chợ, bày ra mũi ghe ít rau cải hành hẹ bán cầm chừng đợi sáng hôm sau. Tôi còn nhỏ, theo má đi chợ đã không giúp được gì lại còn vướng tay vướng chân, nhưng sự tò mò của một đứa trẻ thiếu thốn mọi thứ tạo thành nỗi háo hức giục tôi xin đi. Đi để thấy người ta bưng những thau cá tươi sống sau đêm giăng câu, thả lưới; những hũ mắm thơm nồng ủ từ mùa nước nổi; những bó rau xanh non, mập ú bày trên các sạp tre. Đi để nghe người ta mua hàng, trả giá; được ngắm quầy bánh kẹo, hoa trái mà ước mơ, thèm thuồng. Đi để cảm nhận niềm sung sướng dâng trào khi má cho tôi xách bọc muối hay lít dầu lửa như thể tôi đã giúp gia đình việc gì đó lớn lao lắm!

Chợ Ba Hồ nằm nơi ngã ba sông đọng trong miền kí ức của tôi những hình ảnh đầu tiên ấy. Tôi gần như quen đi chợ và cũng cần đi chợ. Nếu lâu không đi tôi thấy nhơ nhớ sự ồn ào, hối hả của nó. Mỗi lần đi chợ, má kêu tôi thức dậy từ ba giờ sáng, lục đục rửa ráy rồi đốt cây đèn bão vặn lên để trước mũi xuồng, lặng lẽ bơi đi trong sự tĩnh lặng của đêm, lạnh lẽo của sương và tiếng tỉ tê của côn trùng. Tôi thường gục đầu trên đống lá chuối ngủ say sưa theo nhịp lắc lư của chiếc xuồng như trên cái võng bện bằng dây chuối giăng ngoài hiên nhà. Nhiều lúc má sợ gió đêm làm tôi lạnh, biểu tôi ngả vào lòng, và hơi ấm của má chắp nối lại giấc ngủ cho tôi trong những lần đi chợ đó. Đã có lần tôi hỏi má tại sao người ta không gọi chợ này là chợ Một Hồ, Hai Hồ hoặc Bốn Hồ, Năm Hồ… gì đó, mà gọi là Ba Hồ. Má cười: “Hồi đó, đất này của địa chủ tên Ba Hồ, nên người ta kêu riết rồi quen. Giống như Ông Thọ, Ông Dèo, Ba Huân, Ba Hưởng, Sáu Kim… để phân biệt chỗ này với chỗ khác. Vậy đó con!”. Tôi dạ như chừng đã hiểu chứ thật ra, mãi sau này trưởng thành tôi mới thông suốt tường tận, cả cái từ địa chủ cách tôi gần trăm năm. “Má ơi! Phân biệt như vậy giống như nhà mình với nhà bác Hai hả má?”. “Ờ. Nếu không, người ta đi lộn thì sao con!”.

Tôi lớn lên vẫn ham thích cùng má đi chợ. Và tôi nhìn thấy ngày càng có nhiều người đi chợ hơn, hàng hóa nhiều hơn, sự tấp nập, đông đúc cũng náo nhiệt, sôi động hơn. Nhưng có điều, chợ vẫn chưa thoát khỏi thân phận nhếch nhác. Người ta bày ra đó bao nhiêu là rác rưởi, xú uế, rồi chính họ thu dọn, tẩy rửa. Có những đêm mưa, má và tôi che ni lông đi chợ. Sương lạnh. Mưa lạnh. Và gió cứ vô tình thổi ngược như muốn đẩy chiếc xuồng trôi trở lại. Đến một ngày cuối mùa mưa năm 1987, má tôi ra đi không mang theo thứ gì, cả cái cúc áo. Cũng từ đó, mãi mãi tôi không còn được đi chợ đêm cùng má. Hồi còn má, khi chưa tới giờ vào lớp một, tôi hay rủ mấy đứa bạn qua chợ chơi. Cứ thong thả lướt qua các gian hàng mà chẳng mua món nào, dù trong lòng rất thích nhưng không có tiền. Thậm chí, đôi lúc dừng lại chỉ trỏ trái bí này thối rồi, trái mướp hương kia bị sâu, giá trong thau không sạch, hũ mắm đó dòi bò lúc nhúc… đến nỗi bị mấy bà bán hàng chửi một trận giòn như ca vọng cổ. Rồi tôi không dám đi chợ Ba Hồ vì biết mình yếu đuối không dám đối diện sự thật khi nhìn thấy nơi mẹ tôi thường ngồi bán lá chuối, lá môn lúc trời hửng sáng giờ đã thay người khác!

Lên lớp mười tôi xuống trường huyện học, dĩ nhiên phải đi ngang chợ Ba Hồ. Ba năm vèo qua nhưng tôi không chứng kiến tường tận sự đổi thay từng bước của chợ. Người ta xây dựng dãy nhà bán tạp hóa hình chữ U, thiết kế đồng dạng từ hình dáng đến chất liệu. Nền chợ đổ xi măng. Một số gia đình buôn bán khấm khá dựng nhà tường, sắm tivi; khấm khá hơn thì mua máy phát điện chiếu phim phục vụ khách uống cà phê. Tôi nhớ lần đầu tiên quán bà Năm Cà Dom chiếu phim video cải lương San hậu, khách chen vào đông nghẹt làm gãy mấy cái bàn và sập luôn lan can gỗ. Dù đất nước từng bước đổi mới, cơ chế thông thoáng nhưng phim ảnh với người dân xã anh hùng này còn khiêm tốn lắm. Hàng hóa trưng bày có đa dạng, đủ loại thì người ta vẫn ngại mua, bởi phải lo cái ăn trước đã. Những bữa tối thứ bảy, trai gái từ các ngã sông, kênh rạch tụ hội về chợ dập dìu, xua đi cái đìu hiu, cô tịch của quá khứ. Cũng quần áo tươm tất, sặc sỡ nhưng son phấn vụn về, điểm trang thô thiển. Họ về đây gặp bạn bè, tìm tình yêu hoặc xem phim thư thái sau những ngày dầm mưa dãi nắng. Tôi theo bạn bè đi chợ vào một đêm hè, chợt nghiệm thấy rằng: Chợ quê chả có gì ghê gớm mà phải sợ, chỉ có mình từ bỏ chứ chợ vẫn lặng lẽ vun đắp, phục vụ nhu cầu cuộc sống cho con người!

Tôi về Ba Hồ vào một ngày giữa tháng, giữa năm 2000. Từ Sóc Ven, đi trên con lộ đá đỏ dọc Kênh Mới, nhận thấy quê nghèo đang cựa mình vươn lên, nối liền với nhịp độ tăng trưởng của huyện Gò Quao. Con đường bảy ki lô mét này trước đây tôi vẫn thường đi bộ về nhà vào ngày chủ nhật để lấy gạo muối cho tuần học tiếp theo, bây giờ xe bốn bánh lưu thông, dòng điện Trị An đem ánh sáng hiện đại cho nông thôn. Và kia, ở hai phía bờ bạt ngàn lau sậy che khuất những mái nhà lá, nơi ngã ba sông mênh mông phù sa sừng sững vươn lên trời cao bốn cây cột xi măng lớn bằng một vòng tay. Vậy là quê tôi có điện rồi. Niềm mơ ước từ lâu của tất cả người dân nghèo quê tôi thành hiện thực. Trước đây, cán bộ xã nói do ngã ba sông rộng quá nên không thể kéo điện qua được, bởi tính riêng chi phí bốn cây cột dựng ở đôi bờ lên tới bạc tỉ. Nay thấy rồi, những sợi dây đen thẫm giăng giăng đưa niềm vui đến gõ cửa từng nhà. “Hôm rày mấy “ông” bên xã phát loa vận động bà con kéo điện. Nhà nào từ trung bình trở lên thì đóng năm trăm sáu hai ngàn; những hộ nghèo, gia đình chính sách khó khăn thì đóng ba trăm chín sáu ngàn”, chị Tươi chèo chiếc ghe tam bản đưa tôi qua sông sang chợ Ba Hồ nói như vậy. Tôi thấy niềm vui của chị trải ra trên mặt sông màu bạc: “Dù ai nghèo cũng cố mua điện cho sáng nhà sáng cửa”.

Chợ Ba Hồ buổi chiều đông người. Lẩn quẩn trong vẻ xô bồ, sầm uất non trẻ vẫn loáng thoáng nét bình lặng, mộc mạc, quê mùa. Đây đó mấy cửa hiệu kinh doanh vàng bạc, buôn bán nông - ngư; cơ - điện tử. Các quầy hàng vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm san sát bên phải. Bên trái là các sạp rau cải, hoa quả tươi nguyên, nõn nà. Nhiều nhất vẫn là quán cà phê và hiệu may quần áo. Đúng như lời chị Tư chủ nhân của căn nhà lầu hai tầng duy nhất ở chợ: “Bây giờ thì khác rồi. Bà con làm ăn dư dả phải chưng diện chớ! Tôi bán vải hơn mười lăm năm nhưng chỉ đắp đổi qua ngày thôi. Chủ yếu là mấy chục công ruộng ổng làm mới xây được nhà”.

Mới đây, tôi về Ba Hồ, anh Nguyễn Thành Tâm đảm nhiệm cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc từ năm 1991 đến năm 2011 nghỉ hưu kể: “Năm 1993, xã có khoảng 65% hộ thường xuyên thiếu ăn nên UBND tỉnh Kiên Giang chọn làm thí điểm trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Thế là ra đời những hội làm vườn, hội nông dân làm kinh tế giỏi, mô hình vườn - ao - chuồng - rẫy, áp dụng phương pháp khoa học kĩ thuật triệt để; các giống lúa chịu phèn, kháng rầy nâu, năng suất cao và có khả năng thâm canh tăng vụ đầu tư đến từng gia đình. Rồi Ngân hàng nông nghiệp cũng tập trung tăng cường xoay đồng vốn cho vay lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho bà con an tâm canh tác… Đặc biệt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình trồng tiêu được nhiều hộ dân triển khai và mang lại hiệu quả cao, bởi nó phù hợp thổ nhưỡng ở đây. Nhờ vậy, vùng quê từng nằm trong diện 135 có nhiều nhà tường, mái ngói mọc lên dọc dài theo con lộ nhựa ven sông Ba Hồ. Từ đó, về chợ Ba Hồ không còn ngại ngần vì cách trở đò giang, bởi có cầu bắc qua sông, qua kênh, đường bê tông liên ấp, liên xã. Người dân tận dụng phương tiện đường bộ để rút ngắn khoảng cách và thời gian thay xuồng ghe trước đây. Xã có trường cấp ba để thế hệ mới tiện học hành, không phải như thời của tôi khăn gói xuống huyện, đường xa nên con chữ cũng gập ghềnh. Mới đây, Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà bia kỉ niệm cơ quan Tỉnh ủy Rạch Giá tại kinh Bảy Kề ở ấp 3 để ghi nhớ các đồng chí, đồng bào đã cưu mang, giúp đỡ cơ quan Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi đây, “từ năm 1961 đến năm 1965, được sự đùm bọc của nhân dân địa phương, Tỉnh ủy Rạch Giá đã đóng căn cứ, lãnh đạo quân và dân kháng chiến, góp phần đánh bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ - ngụy”.

Ngót 20 năm giữ chức Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, anh Tâm không chỉ hoàn thành công tác quân sự, quốc phòng địa phương được các cấp khen thưởng mà còn “nổi tiếng” về trí nhớ. Nhắc chuyện này, anh Tâm chia sẻ: “Công dân ở xã trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi nghiên cứu hồ sơ một lần có thể nhớ không chỉ tuổi đời, trình độ, nghề nghiệp, vóc dáng của thanh niên mà cả tên cha mẹ, anh chị em ruột, kinh tế gia đình... Mà hồi ấy, cha mẹ sanh đẻ nhiều chứ đâu phải một hai con như bây giờ. Có lần cấp trên xuống kiểm tra, luôn tiện “xác minh” lời đồn đúng sai. Các anh cầm hồ sơ, khi nhắc họ và tên thanh niên tôi nói hết cả nhà. Dĩ nhiên ai cũng ngạc nhiên bởi cả xã có vài trăm thanh niên, chưa kể bộ đội xuất ngũ, dân quân... Năm 2015, con trai lớn của tôi Nguyễn Hoài Thương thi đậu Trường Sĩ quan Chính trị, tôi lo nó không theo kịp chương trình đào tạo ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Ai ngờ, 5 năm sau nó thi tốt nghiệp các môn đều trên tám điểm, trung bình khoá học 8,13 điểm. Ra trường, nó được phong quân hàm trung úy, bổ nhiệm Chính trị viên đại đội chứ không phải... phó như đồng đội cùng khoá. Gần đây, nó tích cực viết bài đăng báo về đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Bây giờ nó là Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Lữ đoàn 950, Quân khu 9. Nghĩ lại thấy nó học giỏi và làm nhiều việc hơn mình ngày xưa, tự hào lắm. Mà không riêng gì con tôi, mấy năm qua có nhiều cháu trong xã chọn binh nghiệp là nghề nghiệp cho tương lai”.

Không thể hiện thực hoá ước mơ phục vụ lâu dài trong Quân đội như Nguyễn Hoài Thương, sau hai năm phục vụ tại Tiểu đoàn 207, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, năm 2009, anh Nguyễn Văn Còn xuất ngũ về quê làm Thống kê Ban CHQS xã Vĩnh Hoà Hưng Bắc. Từ đó, anh Còn vừa làm vừa học nâng cao kiến thức; đồng thời, trải qua các vị trí cấp xã như Phó Ban Dân vận, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Phó Ban Tuyên giáo, Phó Chỉ huy trưởng và Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. Năm 2021, anh được bổ nhiệm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Anh Còn phấn khởi kể: “Năm 2023, chúng tôi được tỉnh Kiên Giang chọn tổ chức “Tết quân dân” giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Theo đó, xây tặng 63 căn nhà, 9 cây cầu bê tông, trao hàng ngàn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh vượt khó học giỏi và làm đường, xây dựng cảnh quan... với tổng kinh phí hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, chúng tôi vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ gần 2,5 tỉ đồng chăm lo hộ nghèo và các hoạt động an sinh xã hội; xây 5 cây cầu trên 4,2 tỉ đồng... Đặc biệt, trên quan tâm đầu tư xây dựng Trung tâm hành chánh xã, nâng cấp khu dân cư vượt lũ 2, xây bờ kè chống sạt lở gần 25 tỉ đồng; làm tuyến đường nhựa 6m nối với xã Vĩnh Hào Hưng Nam trên 77 tỉ đồng... Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 65 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3,4%.”.

Chợ Ba Hồ thay đổi, quê tôi lấp lánh những tín hiệu vui về cuộc sống mới; nhất là nhiều mô hình kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng thích hợp đa giá trị, có sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao... Trong sự phát triển đó có cây lục bình trở thành làng nghề đan giỏ xách, thảm, khay giấy, chậu hoa... không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán sang các nước châu Á, châu Âu vì tính thẩm mĩ và thân thiện với môi trường. Điều này không ngạc nhiên mới lạ bởi lục bình là loài thuỷ sinh dại mọc hoang khắp kênh rạch, gây cản trở xuồng ghe xuôi ngược, cha từng kêu tôi vớt nó làm thức ăn cho vật nuôi hoặc ủ làm phân bón. Anh Còn kể: “Nghề sản xuất và kinh doanh lục bình hình thành từ năm 2005, đem lại nguồn thu nhập và cải thiện đời sống nhiều hộ dân địa phương nên cuối năm 2013, làng nghề được công nhận tạo nét văn hoá đặc trưng vùng quê ở ngã ba sông này. Từ đó, ngày càng có nhiều người tham gia, chủ yếu lúc nhàn rỗi. Trung bình mỗi người thu nhập một trăm ngàn đồng/ngày; tuy nhiên, nghề này hưởng theo sản phẩm nên ai khéo tay có thể cao hơn. Đặc biệt, đan lục bình không quá vất vả nên người già, trẻ nhỏ đều làm được; nhất là những hộ không có đất canh tác. Hiện nay, gia đình nào cũng có người đan gia công lục bình, góp phần không nhỏ giúp địa phương tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Trên địa bàn có nhiều cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh lục bình như doanh nghiệp tư nhân Hoàng Mỹ, Thuận Phát... mỗi tháng bán sản phẩm khoảng ba trăm triệu đồng. Cùng với đó, những người không đan thì thuê mặt nước nuôi lục bình, mỗi ngày cắt, phơi trung bình năm trăm ngàn đồng. Xác định hướng đi lâu dài vững chắc, chúng tôi phối hợp các ngành chuyên môn huyện Gò Quao tham quan học hỏi giúp bà con tạo mẫu mã mới gắn với du lịch nhằm giới thiệu khách tham quan trong và ngoài nước các sản phẩm từ lục bình. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ làm nghề lục bình trang bị phương tiện thu hoạch, sân phơi, dụng cụ chấp, sấy khô để làm ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn”.

Nếu trước đây, sông Ba Hồ dày đặc lục bình, bà con phải phá bỏ để tiện lưu thông thì nay nhờ loài cây dân dã này thay đổi cuộc sống nên mọi người hay ví von loài hoa “vừa nở vừa trôi” trang điểm hương đời lại cho thu nhập gấp ba lần cây lúa “đứng một chỗ”. Còn chợ Ba Hồ bừa bãi xưa nơi ngã ba sông mang diện mạo mới với đủ loại hàng hoá, những ngôi nhà tường ngói đỏ liền kề dọc dài trên đường quê ngập sắc hoa. Đi trong khung cảnh ấy thấy hiển hiện tuổi thơ quê mùa, chân chất xa xưa ùa về réo gọi cho niềm tự hào nhân đôi. Từ đó, càng yêu mến vùng quê đi vào câu ca vọng cổ là tâm trạng của cô gái mười bốn tuổi trên đường kháng chiến: Giao liên cực lắm nhưng vui. Chiều sang Tân Định, sáng rời Cô Tô. Soi trăng nước bạc Ba Hồ. Đêm vượt Cái Lớn, ngày vô Vĩnh Bình... Đường kháng chiến đi lên mỗi bước nghe đời mình tầm vóc lớn thêm. Dệt tình yêu quê hương đất nước nối trăm nguồn máu chảy về tim. Mang tin xuân chắp cánh bay không nghỉ nghe tâm hồn phơi phới dâng cao. Qua mỗi chặng đường đi đánh Mỹ, tay dang tay thành những chiến hào...

H.K.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)