Người ngủ lại đồng bưng

Thứ Năm, 23/05/2024 00:05

. HỒ TĨNH TÂM
 

Nhớ lại năm ấy, chúng tôi từ Kông Pông Chàm đi xuống Xoài Riêng. Rồi từ Xoài Riêng, chúng tôi về Gò Tháp. Đi xuyên đêm liên tục. Khát và đói. Và muỗi đốt. Và… buồn ngủ vô cùng. Mí mắt lúc nào cũng như bị đổ chì, cứ sụp xuống. Đi bộ, lạc đội hình, đâm vào đưng lác, choàng tỉnh. Cơn buồn ngủ dai dẳng ám ảnh thần kinh, vắt kiệt cùng trí tuệ, tình cảm. Cơn buồn ngủ đốt thể xác muốn cuồng lên.

Quân, chàng trai trẻ nhất trung đội hỏa lực, nói với tôi:

- Em nguyện cầu cho đất nước hòa bình, để ngủ thẳng cẳng một năm trời cho đã.

Đêm hôm sau lời nguyện cầu của Quân linh nghiệm.

Đó là đêm đầu tiên chúng tôi triển khai đội hình trên bờ bao Mỹ Hòa. Lối ba giờ sáng, một trận đạn pháo điên cuồng đón tiếp chúng tôi bằng đủ kiểu nổ. Nổ chụp từ trên trời xuống. Nổ phát quang trên mặt đất. Nổ khoan âm dưới mặt đất. Nổ thác loạn, tưởng không còn một mống nào sống sót. Vậy mà chỉ có mình Quân nằm xuống. Một mảnh 155 li xé toang ngực anh. Buồng phổi nát bấy, trái tim còn nguyên vẹn.

Trinh sát tiểu đoàn tóm được giữa đồng một tên ngụy với chiếc máy PRC25. Trợ lí bảo vệ nóng tính như một con gấu. Anh ta mắt đỏ vằn toan lao vào đấm gã, chúng tôi phải khó khăn lắm mới can ra được. Anh ta là bạn chăn trâu với Quân từ nhỏ, bạn với Quân suốt mười năm ở tuổi đến trường. Anh ta thù gã gọi pháo bầy nã xuống chúng tôi, giết chết người bạn cùng làng của anh. Tôi không dám nhìn cảnh man rợ ấy. Nó nhoi nhói trong ngực một nỗi đau vô cớ. Quân ơi! Mày hãy ngủ đi! Đường hành quân còn dài lắm!

Cho đến bốn giờ chiều ngày hôm ấy, tiếng xe tăng đã hụ lên, gầm rú từ ba phía. Trung đội hỏa lực của chúng tôi triển khai đội hình dọc tuyến công sự của đại đội 2. Địch không tấn công, cả đêm chỉ bắn pháo sáng rực trời. Hai chiếc đầm già vè vè thay nhau bắn suốt đêm như trâu đái. Chúng tôi căng mắt ra chờ đợi. Ròng rã mấy đêm hành quân. Một đêm chịu trận pháo bầy. Một ngày quật sức đào công sự. Chúng tôi không còn sức để chống cơn buồn ngủ rợn người.

Ngày hôm sau, M113 và M48 của quân lực Sài Gòn, từ bên kia rặng trâm bầu, luân phiên với pháo 105 và cối 106 thi nhau bắn điên cuồng như muốn nghiền nát chúng tôi. Lối đánh của thằng trung đoàn 10 sư 7 là vậy. Cứ bắn. Cứ án binh mà bắn. Chừng đối phương cạn kiệt thần kinh vì căng thẳng chờ đợi, thì cho bộ binh đánh luồn vào, dùng lựu đạn phá từng công sự của ta. Mờ sáng ngày thứ ba, trung đội bộ binh 1 của đại đội 3 bị tấn công bất ngờ. Đạn 12,7 li quất ràn rạt. Tôi được lệnh cho cối 82 bắn dập vào đội hình. Bộ binh ta dưới công sự, còn địch ở trên mặt đất. Đó là giải pháp cuối cùng để giữ vững trận địa, cho dù có thể làm anh em mình thương vong. Chúng tôi vừa bắn vừa khóc. Bắn cấp tập, bắn hết cơ số đạn để giải cứu cho trung đội 1. Lúc này lệnh tiểu đoàn đưa xuống, đại đội 2 và 4 điều hai trung đội cùng với tiểu đội đại liên của chúng tôi, vận động tấn công chi viện cho trung đội bộ binh 1 của đại đội 3. Cả bờ bao chìm trong lửa pháo. Liên lạc của tiểu đoàn trưởng chết ngay trước mắt tôi, khi vừa nhào lên khỏi công sự.

Để cứu được bốn tay súng của trung đội 1 chúng tôi đã phải đổi 8 mạng người. Xạ thủ đại liên của chúng tôi bị mảnh cối phát đứt bàn tay cầm bút. Anh được đưa về trạm phẫu tiền phương của đoàn pháo Z56 ngay đêm ấy. Sau này, tôi không còn được biết anh đã chết hay còn sống. Cái ba lô anh để lại (thực ra là một cái bồng bằng vải tráng nhựa), tôi lục tìm giữ lại cuốn nhật kí bằng thơ, còn thì chuyển hết cho trợ lí dân vận tiểu đoàn.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải

Chúng tôi trụ chống càn ở bờ bao Mỹ Hòa gần một tháng trời thì kiệt sức. Quân số tác chiến lúc đầu là 230 người, lúc được lệnh rút quân chỉ còn 108 người. Trung đội hỏa lực của chúng tôi ít bị thương vong nhất, cứ như là trời cho sống.

Chúng tôi được lệnh rút lui vào hơn chín giờ đêm một chút. Gần như kiểu quân hồi vô phèng, mạnh đơn vị nào đơn vị ấy rút. Trung đội hỏa lực của chúng tôi chỉ có một chiếc xuồng còn có thể đi được thì dành cho tiểu đội cối 82. Đại liên và ĐKZ82 thì phải vác vai. Băng đồng, cắt hướng Đông Bắc mà rút. Đồng nước mênh mông. Lại mùa mưa. Đêm mù mịt.

Phải gần năm ngày tiểu đoàn mới gom đủ số quân, riêng Trần Oanh, trợ lí chính trị tiểu đoàn (từng là trung đội trưởng của tôi), phải mười ba ngày sau mới được một phụ nữ cứu sống đem về. Anh bị lạc đường, và bị mảnh pháo chụp cứa gần đứt gân Asin chân phải trên đường rút ra khỏi trận địa. Ngày ẩn trong đưng đế, ban đêm lần mò tìm đường, cuối cùng anh cũng lần tới được một bờ bao trồng chuối. Lúc này anh đã gần như kiệt sức vì đói, phải bắt cua, ốc và nhổ cọng đưng ăn sống. Ban ngày trốn chui trốn nhủi trong đưng lác, ban đêm bò lên bờ bao, vơ lá chuối làm ổ ngủ qua đêm. Tới ngày thứ chín, anh kiệt sức ngủ lịm cho tới trưa. Nhờ vậy mà có hai mẹ con đi rọc lá chuối bắt gặp, chở về giấu trong nhà, dùng mật ong rửa vết thương, mua kháng sinh về cứu chữa. Chính hai mẹ con cả đời không biết thế nào là kim tiêm ấy đã tự tay chích thuốc cho anh, cứu sống anh bằng kháng sinh cực mạnh và sữa Gugor.

Án binh chỉnh quân được một tuần, chúng tôi lại hành quân về Rạch Mướp. Thật may. Rạch Mướp có lèo tèo vài ngôi nhà của dân. Tay Hoành, trung đội phó hộ pháp của tôi lập tức giở trò ve gái. Anh ta dẻo mồm, cô Tám mê như điếu đổ. Cô ấy đem cho chúng tôi nào trà củ măng, nào thuốc lá Rubi đỏ, nào rượu Anit. Cả trung đội lên hương được mấy ngày.

Hoành nói với tôi:

- Tớ mà sống sót, thề có con rạch, thể nào tớ cũng lần về đây cưới cô Tám. Xấu dây tốt củ. Coi ngăm ngăm vậy chứ khỏe như ngựa đấy.

Kiện ĐKZ57 cười cười:

- Biết chết sống thế đếch nào. Xài mẹ nó đi cho biết mùi đời. Kháng chiến trường kì, cũng phải có thằng lính mới cho mặt trận chứ. Chúng mình chết hết, lấy ai đánh giặc.

- Cậu chỉ nói gở.

Không biết có phải nói gở không. Hai ngày sau Kiện chết trên mặt lộ.

Đêm đó tiểu đoàn tôi phối thuộc với tiểu đoàn đặc công của trung đoàn lên bám lộ số 4 đánh cầu. Tưởng chỉ có một trung đội bảo an chốt giữ, ai dè chúng tôi vấp phải một tiểu đoàn lính sư 9 bị ta đánh tơi tả ở đâu đó, kéo về trú qua đêm ở hai đầu cầu. Phát hiện bộ binh ta, chúng gọi pháo từ Long Định, Cai Lậy, từ chi khu Ngã Sáu bắn cấp tập vào đội hình đang triển khai của ta. Trên lộ, hai chiếc thiết giáp chạy đan chéo qua lại, bắn 12,7 li như vãi trấu. Kiện ôm khẩu ĐKZ57 lao lên bám mặt lộ. Phát thứ nhất, một chiếc bùng cháy như bó đuốc. Chiếc thứ hai từ bên kia cầu lao sang. Kiện ngồi hẳn dậy bên mép lộ. Viên đạn bay vọt qua đầu xe. Kiện lãnh trọn một viên trọng liên xuyên qua ngực.

Tại trạm phẫu dã chiến, anh Thử, quân y sĩ, vừa tiêm thuốc trợ tim cho Kiện, vừa nói với tôi:

- Sẽ đi thôi, vết toác sau lưng to như cái tộ thế này.

Nhưng mà Kiện tỉnh quá. Bỗng nhiên Kiện mở mắt, nhìn chính trị viên tiểu đoàn, hỏi rất rõ:

- Anh Thái, em có được kết nạp Đảng không?

Chính trị viên Thái quỳ xuống, nói nhỏ từng tiếng vào tai Kiện:

- Đồng chí là đảng viên của Đảng.

Kiện trút hơi thở cuối cùng. Mấy giọt nước mắt lăn trên má.

Ngay đêm ấy chúng tôi rút về cứ. Chiều hôm sau được lệnh vượt đồng Chó Ngáp. Lại đi. Lại băng đồng. Lại buồn ngủ tới díp mắt. Đến Vàm Đất Sét, trời mờ sáng, chúng tôi phải dừng lại. Lại một trận pháo đón tiếp niềm nở tới mức kinh hồn.

Chúng tôi đang nằm khàn nhai gạo sấy thì pháo bắn chụp xuống. Dứt trận pháo dài gần cả tiếng thì A37 nhào xuống đánh bom. Những chiếc A37 gào rít. Những trái bom xoáy tít, đen ngòm, tiếng rít xé gió lạnh xương sống. Dứt trận bom, tiểu đoàn phải rút trở lại kinh Nguyễn Văn Tiếp. Nằm im gần một tuần để chỉnh quân. Gạo nước tanh bành vì bom pháo, hai ngày đầu chúng tôi phải ra đồng vớt ốc nấu với chuối xanh ăn cho đỡ đói. Hoành lén chúng tôi mò về Rạch Mướp xin được chục kí gạo.

Gặp lại anh em, Hoành cười tiếc nuối:

- Giá mà tớ không ngủ quên thì biết mùi đời rồi!

Vừa lúc ấy, anh Thiệu, tham mưu trưởng tiểu đoàn đến. Chờ Hoành kể xong, anh ta nói:

- Gần biết mùi đời rồi thì liệu mà giữ xác. Tối nay cậu đi điều nghiên chốt Gãy Kinh Nhất. Đêm mai không nhổ được cái đồn chó ghẻ ấy, tớ sẽ lôi đầu cậu ra tòa án binh vì tội mò gái.

Đêm đó, mới chập mười giờ đã nghe tiếng cú mèo rúc bên lều ban chỉ huy K bộ. Tiếng anh Thái đuổi xùy xùy. Con chim ác khẩu bay qua lều ban tác chiến rúc mấy tiếng. Lại tiếng xùy xùy đuổi nó đi. Quá nửa đêm có tin đã đem xác tiểu đoàn trưởng Hai Mai về tới.

Hai Mai trên đường đi điều nghiên chốt Gãy Kinh Nhất về, đạp phải đạn cối 82 du kích gài cách đồn địch chừng trăm mét. Tay trinh sát đi trước không dính một mảnh nào, Hoành đi sau bị miểng phạt văng ba ngón trên bàn tay phải.

Hôm đưa Hoành về tuyến sau, anh ta mặt mũi tươi rói, nói với chúng tôi:

- Các cậu ở lại, đừng dại mà chết nghe. Có đánh đấm thì cũng phải khôn hồn mà giữ gìn. Cùng lắm thì cụt tay, cụt chân cũng được. Còn phải biết giữ con giống để biết mùi đời với người ta chứ. Tớ đi vài ngày tớ về.

Tham mưu trưởng từ đâu lù lù xuất hiện.

- Thôi đi ông lõi! Liệu mà giữ lại cái của cậu, còn tốt chán vạn ra đấy. Phần chúng tớ, đã có trời lo. Này, cầm lấy!

Anh Thiệu ném xuống xuồng một gói Rubi. Hoành cắn bóc bao thuốc bằng miệng, dùng tay trái gỡ ra một điếu rồi ném trả lên bờ.

- Anh Thiệu, anh chia cho anh em hút thì hơn. Phần em, vậy là đủ rồi. Tạm biệt!

Trận đánh diễn ra không đúng phương án tác chiến. Tiểu đoàn thương vong nặng. Trung đội hỏa lực của chúng tôi mất thêm một tay đại liên Crinop. Pháo thủ số hai súng cối bị thương vào phần mềm đùi trái.

Minh hoạ: Phạm Hà Hải

Trước ngày vượt đồng Chó Ngáp, anh Thiệu rút tay liên lạc của mình tăng cường cho chúng tôi. Đó là một thanh niên mới lớn, quê ở Mỏ Cày, Bến Tre, vốn rất được anh Thiệu thương yêu. Tên anh ta là Thái - Thái nhỏ, để phân biệt với anh Thái chính trị viên tiểu đoàn. Anh ta có nhiều tài vặt, như xôm rắn, đào mà lươn, và hát sáu câu vọng cổ hay không chê được.

Nhưng ai mà ngờ được chàng trai ấy lại chết mất xác giữa cánh đồng ngập nước.

Cánh đồng Chó Ngáp rộng mênh mông, chó chạy hở đuôi. Tiểu đoàn phải chia nhỏ thành từng tốp mà vượt đồng. Mỗi tốp có một cô giao liên dẫn đường. Tốp nọ hành quân cách tốp kia nửa tiếng đồng hồ. Trung đội hỏa lực của chúng tôi đi với một trung đội của đại đội 4 ở cuối đội hình hành quân. Mỗi lần phải vượt qua những con đìa ngập nước, chờ cô giao liên qua rồi chúng tôi mới lột truồng ra mà lội. Riêng Thái nhỏ, anh ta mắc cỡ, cứ để nguyên quần áo mà lội.

Ướt át và kiệt sức, có lẽ Thái là người khổ nhất về việc phải chống lại những cơn buồn ngủ tới mụ mị cả người. Lưng đeo bồng, vai vác cái nòng cối, lắm lúc Thái khụyu xuống vì buồn ngủ. Anh ta loạng choạng đứng dậy, bước lảo đảo. Rồi lại vấp ngã. Có lần anh ta bị rớt lại cả trăm mét. Tôi và cô giao liên phải quay lại tìm. Lúc đó, anh ta ngồi chân co chân duỗi, cái đít nòng súng cắm chúi xuống trước mặt, hai tay ôm chặt nòng súng mà ngủ. Vừa nghe tiếng chúng tôi, anh ta đã vùng đứng dậy, lảo đảo bước. Nhưng mới đi được vài chục mét, anh ta đã ngồi sụp xuống, nói với tôi:

- Anh để em kéo một hơi cho đỡ buồn ngủ. Thuốc em quấn bằng rêu vỏ tràm anh ạ. Dầu gì có chút khói cũng đỡ.

Hai chúng tôi ngồi xuống châm thuốc hút. Ngọn lửa vừa lóe lên vài lần đã nghe đạn AR15 réo chéo chéo ngang mặt. Tôi và cô giao liên có được hai cây AK, còn Thái chỉ có cái nòng cối trống rỗng.

Chiến nhau giữa đồng thì chúng tôi khó mà sống sót. Lệnh của tiểu đoàn, để giấu kín lực lượng, tốp nào đụng tao ngộ, tốp đó chỉ được chống trả bằng đạn nhọn, cấm các tốp khác và hỏa lực đánh chi viện. Ba chúng tôi lần về ba phía khác nhau để tránh bị chết dồn cục. Bọn đi phục không biết sắc lính gì. Chúng tấn công chúng tôi bằng tiểu liên cực nhanh, bằng lựu đạn, bằng M79, và cả bằng M72. Chúng tôi vừa chống trả vừa rút về phía trái, giãn xa đội hình đang ém quân phía trước, mục đích hút bọn đi phục xa đội hình hành quân. Nếu anh em bộ binh của đại đội 4 xung trận, nhất định địch sẽ gọi pháo nã xuống, gọi máy bay ném bom xuống cánh đồng. Thương vong sẽ không biết thế nào mà kể.

Lúc tiếng súng đã im bặt, cô giao liên hỏi tôi:

- Anh gì vác cối đâu rồi?

Tôi cuống lên. Thái đâu nhỉ? Hai chúng tôi vừa nằm im vừa dán mắt vào màn đêm quan sát, vừa giả tiếng chuột kêu lích rích để gọi. Bốn bề im bặt. Chúng tôi bò trở lại chỗ cũ. Vẫn không thấy Thái. Tôi liều mạng bụm hai bàn tay gọi sát mặt đất. Vẫn câm lặng. Cảm giác chết chóc rờn rợn xương sống. Cô giao liên bò lại, nói vào tai tôi.

- Phải đi thôi anh ạ. Gần sáng rồi, OV10 nó lên, không giấu được đội hình đâu.

Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng thì thào:

- Đừng bắn! Biền… Biền đây! Còn sống cả chứ?

- Biền hả? Mất thằng Thái rồi.

Ba chúng tôi định tâm quan sát chỗ tao ngộ một lúc rồi đứng hẳn dậy. Hai tay bộ binh đại đội 4 như từ dưới đất mọc lên.

- Tìm một lúc nữa đi! Còn kịp mà!

Nhưng rồi chúng tôi cũng phải ra đi. Mày đừng trách tụi tao nghe. Đành phải vậy thôi. Chiến dịch còn dài lắm! Vĩnh biệt mày, Thái ơi!

Ở chiến trường, người lính quen với cái chết như cơm bữa, sao sự ra đi của Thái lại khiến chúng tôi phải dằn vặt nhiều thế, đau khổ nhiều thế. Cứ như chúng tôi đã đang tâm bỏ lại đồng đội mà đi. Nếu Thái bị thương, Thái còn sống thì sao?

Vượt qua cánh đồng Chó Ngáp được vài ngày, tôi có lệnh trở về K bộ làm trợ lí tác chiến, rồi kiêm luôn trợ lí chính trị tiểu đoàn.Trung đội hỏa lực của tôi vẫn tác chiến, vẫn thương vong, vẫn được bổ sung quân số để tác chiến. Vẫn vượt lên cái chết mà tồn tại. Cho tới ngày toàn thắng, đồng đội cũ trong trung đội chỉ còn lại Biền, Biền chân quê, Biền hiền lành, thật thà như đất. Biền bảy lần bị thương. Biền một lần bị bom hất tung lên trời, ù tai cả tháng trời.

*

*       *

Ngày 15 tháng 5 năm 1975, ngày cả nước ăn mừng đại thắng, Biền lẻn ra sau nhà bác Tám Lung.

Đêm ấy, anh em được phép vui thỏa thuê bằng rượu, không ai biết Biền biến đi đâu và làm gì. Chỉ có tôi và bác Tám Lung ở Bình Thạnh biết mà thôi. Anh ta dựng một bàn thờ nhỏ bằng miếng ván còng, đóng trên một cọc gỗ cao bằng đầu trẻ con lên chín. Trên đó, một bó nhang cháy ngún khói, cắm trong cái cà mèn quân dụng đổ đầy gạo, một ca inox nước trà, một chai rượu, một con gà trống luộc, một dĩa cơm, một nải chuối. Còn Biền, anh ngồi quỳ dưới đất, bất động; mắt thất thần, cứ như hồn vía của anh đã thoát xác. Khi dìu anh vào nhà, tôi hoảng hốt nhận ra người anh nóng hầm hập, hơi thở nhẹ tới mức không còn nhận ra được, bắt mạch thì nhịp tim cũng như đã dừng lại.

Tôi đang lúng túng tìm cách kiếm xe chở đi cấp cứu, thốt nhiên Biền cất tiếng nói. Tiếng nói như vọng từ cõi âm, nghe rờn rợn và lạnh cả gáy:

- Tôi thấy thằng Thái nó về. Nó hỏi xin một điếu thuốc, bảo dưới ấy lạnh lắm, ngủ không được. Nó trách đồng đội sao không lấy nòng cối lên, nòng cối còn tốt lắm.

Tôi dìu Biền nằm xuống. Biền nắm chặt tay tôi, tiếp tục nói lảm nhảm:

- Còn thằng Kiện nữa. Nó về cùng với thằng Quân. Thằng Quân cầm một cục gì ròng máu, tôi nhìn chầm chập và nhận ra quả tim của nó. Nó hỏi tôi, sao chưa làm lễ kết nạp Đảng cho thằng Kiện, bộ người chết không được kết nạp sao? Thằng Kiện không nói gì, chỉ lắc đầu và khóc…

*

*        *

Sau đó nữa là hòa bình lập lại, mỗi người lính lại bận rộn sống với cuộc sống hòa bình của riêng mình. Mấy chục năm đằng đẵng trôi qua, người sống người chết cũng đằng đẵng…

Cách tết Giáp Thìn vừa rồi chừng hơn tháng tôi gặp đại tá Nguyễn Bá Thiệu trong bệnh viện. Nhận ra nhau anh và tôi bỏ dở ngay việc khám, bỏ dở bệnh tật cùng bệnh viện vào nhà hàng gọi bia và đôi ba món nhắm.

- Tao vừa về thăm quê vào mày ạ! Rét bỏ mẹ! - Rồi như chợt nhớ điều gì, anh hạ li bia xuống - Á, mày nhớ tay Hoành không? Nó bây giờ là chủ thầu, chuyên thầu hàng hóa bán qua lại biên giới Trung Quốc. Nhà cao cửa rộng, nuôi chim kiểng, cá kiểng, nuôi cả chó bẹc giê, chó xi lùn Nhật Bản, giàu nứt ra. Chỉ tội thằng Biền. Đời nó hết từ lâu rồi. Tóc bạc phơ phơ suốt ngày lang thang trong làng hỏi xin từng điếu thuốc, nói là đem về cho thằng Thái. Ai cho thì nó chắp tay lạy mấy cái. Ai không cho, nó trợn mắt, giơ nắm đấm dọa: “Mày tiếc với người lính hả! Tao thì tao gọi thằng Quân đem trái tim của nó về, đốt sạch cả cơ ngơi bẩn thỉu của nhà mày. Đồ!... Đồ… ồ… ồ!...”

Chập chờn trong hơi men, tôi thấy những giọt nước mắt từ đâu gieo xuống lênh láng thành vũng. Không biết là nước mắt của anh Thiệu hay của tôi, hay của đồng đội năm xưa…

H.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)