Lá vẫn xanh màu

Thứ Hai, 17/06/2024 00:46

. LÊ THỊ KIM SƠN
 

- Là người đưa cơm cho A Tuyn đấy, thằng Kyô. Nó giả vờ đi rẫy để đưa đồ cho nhà thằng Tuyn - Tiếng Ri Om, người dẫn đường thì thầm bên tai Hà và Tuấn.

- Được rồi. Ri Om về trước đi. Cẩn thận đừng để ai phát hiện đấy.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Tuấn vừa nói vừa trườn lại gần Hà, đồn phó của mình để quan sát dễ hơn. Người đi rẫy đã đi qua cả ba người được một đoạn, chẳng chút nghi ngờ. “Biết rồi” - Ri Om nhỏ giọng làu bàu và nhìn lên bóng người nhỏ xíu đang nhấp nhô theo lối mòn. Sao chẳng thấy Tuấn cử bộ đội đi theo nhỉ? Làm thế sao mà bắt được người? Nhưng thôi, mình chỉ giúp dẫn tới tìm người, dẫn tới rồi thì bắt hay không kệ.

Sau hôm được Ri Om chỉ cho con đường mà người liên lạc với A Tuyn sẽ đi qua mỗi khi cần tiếp tế, Tuấn - đồn trưởng đồn biên phòng xã Ia Nan đã bám theo được hai lần đến gần nơi rẫy bỏ hoang nhà Brok. Tuấn biết lúc đấy sẽ có một đứa nhỏ dong con bò ra như đi chăn, nhưng thực ra là đứng nhìn cảnh giới, xa hơn một chút, một đối tượng để râu quai nón ăn mặc như người làm rẫy nấp sau hàng rào thấp quan sát. Hắn là Phai, một trong bốn sĩ quan cận vệ tự phong của A Tuyn, theo A Tuyn từ những ngày đầu “kháng chiến”.

A Tuyn cầm đầu tổ chức phản động đã tồn tại từ lâu. Mấy năm gần đây, tổ chức này gần như im tiếng vì dân trí ngày càng tăng cao, người dân không dễ tin vào các lời dụ dỗ phỉnh nịnh. Nhưng cố đấm ăn xôi, chúng vẫn ngấm ngầm trở về lôi kéo những người dân nhẹ dạ, nhất là các thanh niên lười làm. Việc Kyô, một thanh niên mười bảy tuổi, bỏ trường dân tộc nội trú trở về làm rẫy vốn là việc thường với người Plei H’Lâm. Cà phê lên giá, điều lên giá, tiêu và cao su cũng đồng loạt lên giá khiến những thanh niên lười học nhân cơ hội ngày mùa để nghỉ học vốn chẳng phải việc gì bất thường. Nhưng một lần Tuấn được báo tin, ở một buổi karaoke với nhóm thanh niên ở nhà hàng X, trong mớ tiền thanh toán của Kyô có tiền đô, khiến Tuấn đặt ra nhiều nghi vấn. Gần hai mươi năm bám trụ nơi mảnh đất biên cương, Tuấn hiểu người dân Ia Nan, hiểu người làng Plei H’Lâm. Đồn biên phòng Ia Nan đã kết nghĩa với làng Plei H’Lâm hơn chục năm nay. Từ việc cắt tóc, dạy học, đến khám chữa bệnh, làm rẫy cùng bà con đều được cán bộ đồn biên phòng chú ý, đặt lên mối quan tâm hàng đầu. Tuấn vẫn nhớ lần vận động bà con làng Plei H’Lâm không nghe theo lời thầy cúng Ksor Min để đưa người đi viện, nhờ vậy đã cứu được vợ Ri Om suýt chết vì đau ruột thừa. Nhớ ơn, hôm Tuấn đi làm lễ cúng giọt nước về, Ri Om đi sát bên, nhắc nhỏ: “Không được về đường cũ đâu, cán bộ ạ”. Nhưng vì say quá Tuấn không để ý vẫn phóng xe qua cây pơ lang đầu làng ma để về đồn cho nhanh. Nếu không nhanh trí lao xe xuống con hào ven đường thì Tuấn đã dính loạt đạn bắn lén đêm đó rồi…

Tuấn biết Ri Om là người có ân tình, nhưng Tuấn cũng biết, giữa người làng với nhau sẽ chẳng ai dám bênh người ngoài. Ri Om cũng vậy, chỉ dám đứng nhìn xa, không dám thân mật quá nhiều với bộ đội. Nếu có tin gì Ri Om phải giả vờ có việc, tìm cách lánh người làng rồi mới dám gặp bộ đội nói khẽ. Chỉ có đám con nít da nâu, tóc xoăn cười tít mắt mỗi khi thấy đội tuần tra của Tuấn vẫn vô tư chạy theo, nô đùa, quấn quýt. Còn người lớn Plei H’Lâm vẫn cứ có một khoảng cách với cán bộ. Điều này chẳng trách được, vì sống trong một cộng đồng gắn bó với nhau, người dân sợ nhất hình phạt bị đuổi khỏi làng. Đuổi khỏi làng là tách khỏi cộng đồng, tách khỏi thói quen, tục lệ, tiếng nói của mình, hình phạt ấy chẳng ai chịu nổi. Thế nên, có nhiều chuyện của làng, đồn biên phòng chẳng thể can dự mà phải phối hợp với công an huyện để tuyên truyền nhắc nhở.

A Tuyn là người Plei Piơm, một làng nhỏ cách Pleiku gần mười lăm ki lô mét. Từ nhỏ A Tuyn được người làng khen ngợi vì lắm tài, trèo cây nhanh như con khỉ, bắn ná phát nào cũng trúng. A Tuyn thường theo bố khi bố hắn làm việc cho Mĩ. A Tuyn thích lân la ở các đồn lính Mĩ để làm chân chạy vặt, vì sẽ có tiền bo, có kẹo thơm, rồi còn được hút thử thuốc lá nữa. Rồi chẳng biết từ lúc nào, A Tuyn có thể nói tiếng của người Mĩ. A Tuyn mơ ước mình có thể nhanh lớn để trở thành một người lính thực thụ. Hắn thích cảm giác được cầm súng bắn. Hắn từng được Phillip, một lính Mĩ đen đưa cho khẩu súng ngắn, nói bắn vào chân anh Ba, một người hay vào bán hàng rong trong đồn. Hắn biết anh Ba vì mỗi lần hắn ra chỗ anh mua đồ cho bọn lính đều được anh cho thêm một viên kẹo cùng với nụ cười và một bàn tay ấm áp xoa lên mái tóc khét nắng. Được khuyến khích, A Tuyn phải dùng cả hai tay mới nắm được khẩu súng nặng trịch, bóng láng lạnh lẽo đến rùng mình. Khi nhìn thấy đôi mắt hoảng hốt, sự sợ hãi, tiếng la lạc giọng và thân hình quỳ sụp xuống của người bán hàng rong, hắn cảm thấy máu nóng trong người rần rật, cứ như một trò chơi mà hắn được làm chủ, hắn là người thắng. Tiếng la hét, huýt sáo cổ vũ của Phillip và đám lính xung quanh khiến hắn như được tiếp thêm sức. Hắn nhìn thẳng vào anh Ba một cái nhìn lạnh lùng như đang đánh giá xa gần, rồi mím môi siết cò. Tiếng nổ đanh vang lên, hai bàn tay của hắn không khống chế được lực nẩy của súng nên hất thẳng lên trời. Hắn hé mắt ra nhìn, tiếng cười đùa im bặt một lúc rồi bật lên rần rần.

- Mẹ kiếp, thằng oắt con khá quá. Thế mà nó cũng dám bắn.

- Khá lắm thằng oắt.

- Very good. You will be a good soldier. (Rất tốt. Mày sẽ là một thằng lính tốt.)

Hắn nhìn thấy bả vai anh Ba bê bết máu, anh Ba run bần bật bên mẹt hàng rong tung tóe những đậu, thuốc lá, kẹo Singum..., Phillip và đám lính chạy về phía hắn hồ hởi, những cái huýt sáo, bắt tay vỗ vai quây hắn thành một vòng tròn mê muội. Hắn biết mình muốn gì ngay từ lúc này. Nhưng ước mơ làm lính của hắn chưa kịp thành hiện thực thì những tên lính thần tượng của hắn tháo chạy. Với cái ước mơ dở dang, hắn về làng trú ẩn. Rồi hắn tham gia vào một tổ chức hoạt động ngầm, gây ra nhiều vụ trộm cướp và bắn người nên cả nhóm bị truy quét dữ dội, phải cùng đồng bọn vượt biên trốn sang Campuchia. Một ngày, hắn lại hừng hực ý chí quay về làng, kêu gọi thêm anh em, kêu gọi thêm người làng mình, thêm người làng khác, làng khác nữa để xây dựng nên “vương quốc riêng” của hắn.

Trăng đầu tháng mỏng manh, ánh sáng dát bạc, trải khắp núi đồi. Trăng chảy theo con suối tới tận chỗ A Tuyn. Hắn lặng người như con chó sói say ánh trăng, lắc lư, ư ử một giai điệu thênh thang, nhịp nhàng đang theo gió truyền đến. H’Dênh nhìn hai đứa trẻ ngủ say cạnh mình, rồi nhìn ra ngoài, nơi chồng đang ngồi lắc lư. Cô biết chắc không phải do chồng bị đói không ngủ được, mà do cái nhịp điệu kia, do cả nỗi lo về Phai nữa. Chuyến đi của Phai sáng nay nếu được thì phải có tin trước khi mặt trăng lên, nhưng bây giờ trăng đã lên giữa trời rồi mà vẫn chẳng thấy. Người đưa hàng cũng không thấy đâu nên chẳng còn gạo nấu, chiều nay H’Dênh đã phải đi đào củ mài để ăn. Cái bụng hơi khó chịu, nhưng không phải khó chịu vì hơi củ mài không bằng hơi gạo, mà khó chịu vì nhớ. H’ Dênh bất ngờ cũng nhịp nhịp chân, cái miệng bỗng muốn hát, cái chân cái tay cũng muốn bước, muốn vung lên theo cái nhịp đã ngấm vào trong máu. Rồi chẳng biết tự lúc nào H’ Dênh đã đứng bên đống lửa, nhưng không phải như mọi đêm là để ngồi dựa vào A Tuyn nữa mà để xoang. Mắt của H’ Dênh ngó về nơi xa, nơi ánh lửa đang bùng lên mạnh mẽ dưới chân núi, nơi tiếng chiêng vang lên ngày càng vội vã. Chân H’Dênh chưa từng trật nhịp, tay H’Dênh cũng vẫn còn dẻo như con công xòe cánh múa, cái tai H’Dênh chưa từng quên tiếng chiêng Arap mỗi khi làng có chuyện buồn. Chắc phải ba ngày ba đêm cái nhịp điệu say sưa mê người kia mới dứt, nỗi buồn dành cho người chết mới tạm vơi…

Bước chân của A Tuyn bỗng khựng lại khi đụng phải gộc củi. Lửa đã tàn, ánh trăng đã cạn. H’Dênh đứng ngơ ngẩn như chưa thể thoát ra khỏi nhịp chiêng chênh chao. Đôi mắt H’Dênh như có lửa, như có men, như rượu cần đã chín. H’Dênh đã làm vợ của A Tuyn nhiều mùa rẫy rồi. Nhà H’Dênh ở bên kia dòng sông A Yun, con sông lớn từng là nơi chứng kiến ngày rút chạy kinh hoàng của lính Cộng hòa. Nhưng lúc ấy H’Dênh vẫn còn là một đứa trẻ, cô không nhớ gì về những bom đạn đáng sợ, chỉ nhớ những người bộ đội áo xanh đi về làng nói với bà con là Tây Nguyên được giải phóng rồi. Cô nhớ cả làng thức sáng đêm để nhảy múa, để xoang, tiếng hú, tiếng cười nói, tiếng cồng chiêng vang xa tận làng của trời.

Minh họa: Bùi Quang Đức

H’Dênh và các bạn cùng làng đi học. H’Dênh thích học chữ để đọc cái sách, nó có nhiều điều hay, có cả những điều khó hiểu nhưng sẽ dễ hiểu nếu được bạn bè hay thầy cô chỉ dạy. H’Dênh trở thành đứa con gái đầu tiên của làng Lang được qua sông A Yun đi học trên tỉnh. Cái ước mơ trở về làm cô giáo của làng bỗng rẽ ngang khi cô gặp A Tuyn trong một lần về nhà bạn chơi. A Tuyn đẹp, chơi đàn giỏi lại rất bí hiểm vì chẳng ai biết rõ A Tuyn làm gì ở đâu mà lúc nào xuất hiện cũng rất sành điệu như mấy bạn nhà giàu ở trên lớp của H’Dênh. A Tuyn thì bị hớp hồn bởi đôi mắt sâu hun hút và dáng người tròn lẳn của H’Dênh. Cái nhiệm vụ lôi kéo thanh niên trong làng Lôk bỗng kéo theo cả việc tìm vợ cho mình, khó nhưng A Tuyn vẫn làm được. H’Dênh từ một cô sinh viên sư phạm năm nhất, sau một mùa hè về chơi nhà bạn đã khăn gói biến mất theo A Tuyn và hơn chục thanh niên làng Lôk. Rồi cứ thế, H’ Dênh theo chồng ngược xuôi. Đứa con đầu tiên ra đời khi cô đang ở khu tị nạn Campuchia nên được vào bệnh viện có bác sĩ đỡ đẻ, đứa thứ hai thì H’Dênh phải tự mình dựng một cái chòi nhỏ, đem thêm một cái nồi, một túm gạo, một tấm dồ, một cái chăn và ít lương khô để đi đẻ. Cơn đau quặn mình cả ngày trời khiến H’Dênh tưởng mình phải chết cuối cùng cũng dừng lại khi bàn tay H’Dênh túm được cái chỏm đầu mềm oặt của đứa bé rồi cắn môi đến bật máu, vừa rặn vừa đưa tay kéo con ra. Kinh nghiệm truyền đời của người đàn bà nơi rừng núi khiến cho H’Dênh biết phải tự làm sạch mình, lấy dao tre cắt rốn cho con rồi nằm vật ra chòi lấy sức. Phải chôn cái nhau đi cho con thú khỏi ăn mất, rồi hai mẹ con tự ôm nhau xuống suối để tắm rửa, để Yàng nước rửa trôi hết mệt mỏi, bẩn thỉu của hai mẹ con xong mới dọn lều ôm con về. Đẻ bốn lần, nhưng chỉ còn được hai đứa thôi. Ở trong rừng chẳng có thuốc, chẳng có bác sĩ, con lên cơn sốt, H’Dênh chỉ biết lấy nước làm cho con mát, giã nước lá san cho con uống, nhưng những chén thuốc đắng ngắt xanh lè ấy chẳng thể níu hai đứa trẻ. Đành chôn trong rừng, cũng chẳng được làm ma, chẳng được bỏ mả, chẳng nhớ ở đâu để tìm về làng ma vì cứ mải đi trốn. Trốn người, nhưng lại nhớ người. Muốn sống cùng người, nhưng không phải sống như người đang sống mà phải có vương quốc của riêng mình. Cái vương quốc viển vông như một bóng ma bám lấy chân những người chạy trốn, đẩy người vào rừng, đẩy người vào núi, để nhớ người, thèm hơi người mà chẳng thể về gần người.

Hai đứa con của H’Dênh cứ thế mà lớn, cứ thế mà bám theo cha mẹ, hết trốn vào rừng rồi lại lên núi, chẳng được giáp mặt người, chẳng được nghe tiếng chiêng, chẳng biết được một buổi cúng giọt nước sẽ như thế nào, chẳng được thấy một lễ Pơ Thi say sưa đầy rượu thịt ra sao, cũng chẳng được nghe già làng kể khan bên bếp lửa. Hai đứa chỉ biết làm bạn với rừng, làm bạn với nhau, chỉ biết nghe những lời mẹ hát, những lời mẹ kể về những lễ hội mà thèm thuồng. Cái đội quân của A Tuyn lèo tèo vài chục người, đã thế sau mỗi khi gây ra một vụ càn quấy lại bị các lực lượng truy quét bắt một số, một số tự bỏ về làng chứ chẳng đợi để theo “tướng quân A Tuyn” nữa…

*

*          *

Sau khi nghe anh em trong đội trinh sát báo cáo tình hình chi tiết, Tuấn quyết định giữ đội hình cách xa nơi lẩn trốn của các đối tượng. Tuấn và Hà nai nịt gọn gàng trực tiếp đi trinh sát địa hình thêm lần nữa. Núi Nón có địa hình khá phức tạp, phía Tây giáp biên giới Campuchia, phía Nam là Kon Tum, đối tượng vẫn có thể từ hướng này xuôi dòng Sê San để vượt biên hoặc lẩn trốn trong nhiều hang động. Bọn chúng thông thạo địa hình chắc chắn đã chuẩn bị sẵn lối thoát hiểm. Nếu vội vã, sẽ “rút dây động rừng”.

Sau khi biết được sự mệt mỏi của nhóm phản động, Tuấn quyết định cho rải truyền đơn trước. Theo hồ sơ thì những đối tượng theo A Tuyn không biết chữ, chỉ có vợ chồng A Tuyn đọc được, bởi vậy Tuấn nhờ thêm Ri Om để lời lẽ của truyền đơn gần gũi lại mềm mỏng để H’Dênh có thể nhận ra được sự sai trái của chồng mà khuyên nhủ. Sau hai ngày, đội của Tuấn vẫn chưa nhận được phản hồi, nhưng cũng không thấy chúng bỏ trốn, tức là chúng đã dao động. Cần phải xuất một quân bài lớn hơn. Sau khi ém quân dưới chân núi, Tuấn về làng nắm tình hình, thấy dân làng đang dọn khoảng rừng ma để chuẩn bị làm lễ bỏ mả, trong đầu Tuấn nảy luôn một kế hoạch táo bạo…

Bắt đầu từ sáng, Tuấn bồn chồn nhìn về phía núi Nón. Ngọn núi vẫn xanh rì cây lá, những tảng đá đầy hình thù kì dị gồ mình lên, nhẫn nại phơi tấm lưng trần trong nắng rát. Phía rừng ma vẫn còn im ắng, nhưng con đường mòn hướng ra rừng ma đã chẳng còn thấy bóng người. Chắc đang là giờ cúng. Cúng là phần lễ, người già cần làm lễ để giao người chết về với làng ma, hết phần lễ mới đến phần hội, khi ấy chiêng bắt đầu nhịp, xoang bắt đầu điệu. Những con thú được hiến tế rống lên thê thiết, tiếng người hú lên, nhịp chiêng rộn ràng, vòng xoang vội vàng, mọi thứ sẽ như lên đồng trong không khí thành kính đê mê. Rồi rượu cần được bưng ra, thịt được xả, rồi lửa bùng lên để nấu, để nướng. Mùi thơm bay lên cùng những tiếng vang, khiến ai đã một lần hòa mình vào không khí lễ hội sẽ bồi hồi, bứt rứt đến không tưởng.

Kể cũng lạ, các tộc người đều khác nhau, phong tục, tiếng nói khác nhau, nhưng cách người ta trân trọng cái chết đều như nhau. Người Kinh như Tuấn thì thờ cúng, làm đám ma to rình rang, hàng năm phải làm giỗ. Người Tây Nguyên thì coi người chết mà chưa làm lễ bỏ mả thì chưa thực sự dứt với người sống, dẫu đưa ra rừng ma vẫn phải ngày ngày đưa cơm, tiếp nước như cho người còn sống. Chỉ đến khi nào làm Pơ Thi thì người chết và người sống mới có thể đoạn tuyệt, người chết về với Yang, người sống tiếp tục sống chẳng liên hệ gì nữa. Pơ Thi đi sâu vào lòng người Tây Nguyên như một nghi thức cần phải có của đời người. Chẳng ai có thể từ chối được tiếng chiêng buồn Arap cất lên, người cùng làng sẽ đến chia buồn, người làng khác nghe chiêng phải hỏi xem là lễ của ai, nếu là người mình quen sẽ đùm túm gạo thịt, thậm chí cả ché rượu để đi chia buồn. Chính vì có sự hiểu thấu phong tục nên Tuấn mới quyết định xuất kích trong ba ngày Pơ Thi của Plei H’Lâm. Nếu cái bụng A Tuyn vẫn còn nhớ làng, chắc chắn hắn sẽ phải ra thôi. Nhưng đợi từ lúc mặt trời mọc, đến lúc mặt trời lặn, đến khi trăng lên, sương lạnh như lòng của Tuấn mà cái tin cần đến vẫn chưa thấy. Chẳng lẽ Tuấn nhận định sai? Chỉ còn cách đưa quân lên trấn áp, phải chấp nhận đối diện với hiểm nguy mới có thể kết thúc được chiến dịch này sao? Tuấn day day hai bên thái dương nhìn vào bản đồ địa hình núi Nón, phải suy nghĩ phương án hai thôi.

Nửa đêm, tiếng chiêng đã mỏi, lửa chỉ còn lại vài vệt leo lét, người người đã bắt đầu tìm chỗ ngủ sau một ngày vui chơi thì lá thư của A Tuyn gửi Phai mới được mang đến. Đáng ra thư phải đến từ trước giờ trưa để Tuấn lên kế hoạch bọc ráp rồi đón người. Nhưng cái chân Phai lại quen đường chạy trốn, thấy người là tránh, chỉ đến khi đêm xuống, nghe thấy tiếng chiêng, nhìn thấy người người đông nghịt tham dự Pơ Thi say sưa vít cần uống rượu, cười nói ngả nghiêng trong ánh lửa bập bùng chẳng để ý xung quanh thì Phai mới như con chuột chui ra. Cái miệng Phai mải ăn uống, con mắt Phai mải ngắm nhìn, cái tai Phai mải nghe, đầu đang mải đung đưa theo tiếng chiêng chẳng còn một chút cảnh giác nào, đến khi bị các trinh sát bí mật kéo ra hắn mới sực tỉnh.

Giấc muộn khiến A Tuyn cùng H’Dênh ngủ quên, phải đến khi hai đứa con nhanh như sóc chạy vào chòi lay gọi thì những người lớn mới tỉnh, nghiêng tai nghe ngóng. Rõ ràng có tiếng động cơ. A Tuyn bật dậy, rời chòi chạy về phía miệng hang được ngụy trang sau một tảng đá lớn dưới gốc cây pơ lang xù xì, gai góc, là nơi hắn để vũ khí, tiền và cũng là nơi hắn cùng đồng bọn rút nhanh khỏi núi Nón, xuôi theo dòng sông ngầm để quay ngược lại rừng khộp, chạy dọc về biên giới rồi trốn sang Campuchia nếu tình hình gay go. H’Dênh lôi tay hai đứa con chạy theo, khi vào hang đã thấy A Tuyn đeo một khẩu súng liên thanh trước ngực, hai tay nắm chặt hai quả lựu đạn, mắt nhìn xuôi xuống chân núi. Có tiếng hú của Phai. Chiếc xe chạy đầu có một cờ vải màu vàng như quy ước an toàn của hắn. Nhưng chỉ đến khi tận mắt thấy Phai chồm người ra khỏi cánh cửa xe mà hú hét A Tuyn mới thả lỏng người. Đưa hai quả lựu đạn về phía sau cho một tên cất lại vào hòm, đưa khẩu liên thanh vào tay một tên khác, mắt A Tuyn vẫn nhìn chằm chằm vào chiếc xe đi đầu vừa dừng lại.

Phai bật cửa chạy thẳng lên mà không có ai theo cùng. Biết như vậy là tốt nhưng A Tuyn vẫn căng thẳng, một nửa trong hắn muốn đầu hàng, nửa còn lại muốn chạy trốn. H’Dênh như biết ý hắn liền tiến thêm một bước đến gần, đưa tay nắm lấy tay hắn. Hắn nhìn lại vợ. H’Dênh một tay đang ôm choàng hai đứa con trước bụng, một tay nắm tay hắn, mắt nhìn vào hắn đầy tin tưởng. Hai đứa trẻ gầy gò chẳng ngước lên nhìn hắn mà mở lớn đôi mắt tò mò nhìn về phía Phai đang chạy lên, tay bấu chặt vào chiếc váy rách cạp, phai màu của H’Dênh như cần sự che chở. Hắn đưa mắt ra phía sau. Đồng bọn cũng chăm chắm mắt nhìn về phía Phai...

Những con người như người rừng đầy mỏi mệt, hoang mang, lo lắng khi nhìn thấy những bóng áo xanh dần rời khỏi xe, tiếng nói của người đi đầu ấm áp vang vang. Được rồi, được rồi, cùng về làng thôi, về nhà thôi. Mọi người đều là anh em cả, cùng làm, cùng ăn với nhau thôi. Đừng đi trốn nữa.

Tuấn đi đầu, tiến lại gần bắt tay A Tuyn thân mật. A Tuyn hả? Đi lâu như vậy đã thấy nhớ làng, nhớ người chưa? Rồi tiếp sau đó là những người cầm bánh, cầm nước ngọt đứa cho những con người vẫn đang mơ hồ, xoa dịu nỗi sợ hãi của A Tuyn.

Nhìn hòm đạn, những khẩu súng và hơn hai chục quả lựu đạn thu giữ, Hà giật mình hiểu được sự thận trọng của Tuấn. Cần hạn chế thương vong đến mức thấp nhất, nếu có thể lay động được người ta, để người ta đầu hàng thì việc gì phải đổ máu. Mạng người nào cũng quý cả, phiền phức một chút nhưng đảm bảo được an toàn thì cần phải chọn.…

L.T.K.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)