Khoảng trời nhỏ bé

Thứ Hai, 01/07/2024 00:46

. NGUYỄN QUỐC HÙNG
 

- Này Păn, là người miền rừng, nói xem khi nào hết mưa.

- Phải ra nhìn giời mới nói được lố.

Vừa nói Păn vừa lom khom đi ra ngoài cửa đường hầm.

- Đứng lại!

Huy nhoài người túm Păn kéo lại. Người Păn trơn nhẫy như bôi mỡ. Cả hai ngã đè lên nhau. Đạo nén cười, nói nhỏ:

- Đầu thì trọc, trên người lại không mảnh vải lấy gì mà túm.

Cả ba cùng nằm trên bùn, hai chân dạng tơ hơ, cười. Chỉ có hàm răng trắng mới nhận ra đấy là thằng người. Cười to sẽ lộ vị trí. Mặc dù phía ngoài mưa ràn rạt, pháo cối đùng đoành suốt đêm ngày nhưng địch cũng tinh lắm, một khác biệt nhỏ cũng dõi theo, lộ ngay.

Cả tuần nay mưa xối, đất núi biến thành bột nhão. Pháo cối nện suốt ngày đêm chẳng khác gì chày giã. Cứ thế này, coi chừng vài hôm nữa quả núi sẽ sập. Nó sập, sẽ là mồ chôn chung ba thằng.

Huy kéo ba lô đất ra sát cửa đường hầm, ngó nhìn trời, lo lắng. Không phải ngóng khi nào tạnh mưa. Chẳng riêng gì Huy mà người lính nào đến phiên vào đào đường hầm cũng nhìn nhóng ra khoảng trời chỉ có chiều rộng tám mươi phân, chiều cao mét hai mà thèm. Thèm được bước thêm một bước chân nữa để thẳng cái lưng cho đỡ mỏi. Đạo là người lùn nhất đại đội cũng phải khom lưng quỳ gối. Ba mươi ba lô đất, đại đội đã khoán cho một ngày, xong sớm nghỉ sớm. Ba lô đất lèn chặt thì lính vận tải kêu nặng, không chặt thì cán bộ đại đội kiểm tra khiển trách. Là tiểu đội trưởng, Huy sợ trách nhiệm, có lúc nhấc ba lô kiểm tra cho an tâm.

Tổ của Huy làm cửa mở, tới lần này là phiên thứ ba, không biết khi nào hoàn thành đường hầm tấn công này. Mà sao lần nào đến lượt, tổ của Huy cũng gặp trời mưa tầm tã. Mưa nhiều càng sốt ruột, vì không biết thời gian đang trôi tới đâu. Ngóng trời mau đến đêm để lính vận tải lên. Thêm tiếng nói mới cảm nhận mình đang là thằng người, chứ ban ngày chỉ ba thằng với nhau, lúc làm thì hì hụi đào bới cứ như con dúi, lúc nghỉ thì ngồi lặng như ba đụn đất. Mấy tay trinh sát có khi quên nhiệm vụ, không xác định hướng đi của đường hầm hay sao mà sâu lắm rồi vẫn chưa tới công sự của địch.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên

Hầm ngầm âm ba mét, đào từ chân điểm cao tới áp sát công sự địch liệu có viễn tưởng quá không? Ngồi trong công sự quan sát điểm cao đang bị địch chiếm đoạt, cố tưởng tượng mà chưa có hình ảnh nào khả thi để Huy xác định công việc của mình trong đêm đào cửa mở.

Hai năm, các loại đạn trút xuống, núi đá thì trắng xóa như lò vôi nung dở, núi đất thì xám khói thuốc súng như núi lửa vừa qua đợt phun trào. Màu xanh chưa kịp nhú lên đã bị vùi xuống. Trước mắt Huy bây giờ là một bãi lầy, nhìn nhức mắt. Địa hình thế này, nếu tấn công giành lại điểm cao thì khác nào phơi lưng cho cối pháo nó giã. Lấn dũi, đó là chiến thuật tối ưu nhất để tránh thương vong cho bộ đội. Khu vực núi đá thì xếp đá thành hào vận động, khu núi đất thì đào hầm ngầm áp sát công sự địch. Đường hầm đào đến đâu lát gỗ chống đến đó. Dưới cứ, đơn vị Huy đã được quán triệt nhiệm vụ và được huấn luyện đào thử. Nhưng với thực địa trước mắt Huy bây giờ thì khác xa nhiều lắm. Lúc này cái sống cái chết cặp kè nhau, chứ đâu có phải đào được vài xẻng lại ngồi tào lao, hút thuốc lào vặt. Vị trí đào chỗ nào dưới cái “miệng núi lửa” kia? Huy nhìn những điểm nổ thầm phán đoán trong đầu.

Đại đội trưởng Tước nhoài người ra ngoài công sự quan sát, trầm giọng nói:

- Cối cụ bắn rồi đấy, chuẩn bị nổ mìn tạo cửa mở.

Huy băn khoăn:

- Đại đội trưởng ơi, tiếng mìn với tiếng cối khác nhau, chúng nó phát hiện ra điều bất thường thì sao?

Đại đội trưởng Tước trấn an Huy:

- Hôm nọ cho nổ thử mấy điểm rồi, trinh sát kiểm tra không thấy chúng nó nghi ngờ gì. Yên tâm, trung đoàn đã tính toán kĩ.

“Pùng! Poành!”, khẩu DKZ ở công sự bên cạnh nhả đạn.

- Huy, nhìn thấy chỗ tảng đá ở chân đồi kia không? Mình cho nổ mìn tạo hố sâu, tạo đường vận chuyển đất ra, rồi bắt đầu đào từ đấy.

- Đại đội trưởng ơi, em thấy nhiệm vụ của mình cứ như viễn tưởng ấy.

- Đọc cho lắm vào hay tưởng tượng. Tao đã bảo để dưới cứ, lên đây làm gì có thời gian đọc mà mày mang truyện theo.

*

*         *

Khi Păn thúc mũi xẻng xuống cửa mở thì trời bắt đầu đổ mưa. Dòng nước từ trên trời trút xuống quấn chặt quanh người. Áo dính bết chẳng khác gì có sợi dây níu giữ hai tay. Không đào nhanh cửa mở thì không có chỗ trú cho gần chục con người và cả những cây gỗ chống nữa. Lộ ngay. Pháo sáng trắng bệch, nhấp nháy đe dọa. Không đào nhanh thì chết, hình như ai cũng nghĩ thế. Và rồi không ai bảo ai, cùng nhau cởi bỏ áo để đào cho nhanh. Mưa quất vào lưng rát rạt.

- Động thổ gặp trời mưa là may lắm đây - Trưởng ban tác chiến trung đoàn buông xẻng vừa thở vừa động viên.

Quả là cũng có cái may. Một khối đất nằm bằng năm khối đất nổi. Nếu trời không mưa thì đống đất ùn ra, vận tải chuyển không kịp sẽ bị lộ. Trong đầu Huy, lúc này chỉ có một nỗi lo, lộ vị trí. Giơ lưng dưới pháo sáng, trong tầm quan sát của địch, một quả DK là kế hoạch lớn sẽ không thành. May là trời mưa to, đất đào đến đâu nước xối đi hết. Sướng mấy thằng vận tải, đêm đầu tiên không phải chuyển đất xuống, đang nằm ép vào hố pháo nào đó. Huy hối hả gạt đất cho trôi theo dòng nước.

- Chắc chỉ hai giờ thôi quá.

Păn ngồi tựa vào thành đường hầm nói. Hì hục đào, gồng mình đẩy gỗ chống, gỗ lát trần bây giờ mới có thời gian nói. Hai mét, đường hầm đủ sâu để gần chục con người ngồi nghỉ, đủ để nói thoải mái mà không sợ bên trên nghe thấy.

- Sao biết?

- Đi săn đêm từ bé, áng chừng giờ quen rồi.

Đạo ngả lưng xuống cây gỗ, đưa hay tay chắp lên bụng. Bỗng Đạo ngồi bật ngay dậy, hai bàn tay ôm chặt bẹn, hốt hoảng:

- Ối giời!

Đại đội trưởng giật mình hỏi:

- Sao thế?

- Quần đùi tuột đâu mất rồi. Thảo nào thấy mình đứng lên ngồi xuống thoải mái.

Pháo sáng bung biêng rọi vào trong đường hầm. Trưởng ban tác chiến trung đoàn vuốt bùn trên quần đùi của mình, nói:

- Quần tao cũng rách bươm đây này. Có khi cởi truồng làm cho đỡ vướng.

- Quần cọ vào rát hết bẹn.

Thì cởi. Mọi người cùng tụt quần của mình, giắt vào khe gỗ.

- Chúng mày cởi thôi, tao mặc cố. Trời sắp sáng rồi, tao xuống đây.

*

*        *

- Có gần nhà thằng Hậu ở B2 không? - Huy hỏi Đạo.

- Nhà liền tường, sân liền sân, hai nhà như một, mặc dù chẳng họ hàng gì.

- Hậu hi sinh rồi! Chúng nó vừa nói chuyện.

- Mới đêm qua, à đêm hôm kia nó còn vào cõng đất ra! - Đạo ngỡ ngàng.

- Cõng chuyến cuối, ra sông Lô đổ, trời sắp sáng, thấy đất chưa trôi hết sợ lộ, nhoài chân ra gạt, nước chảy xiết quá cuốn nó trôi mất.

- Hôm nhập ngũ, mẹ nó cứ dặn đi dặn lại, thằng Hậu không được khôn ngoan như cháu, lên đơn vị nhớ xin cấp trên cho hai đứa được ở cạnh nhau, đi cùng nhau rồi về cùng nhau. Nó không được khôn thật anh ạ, bố mẹ nó muốn cho con đi để được rèn luyện, tiếp xúc với xã hội nhiều hơn. Lúc nào em kể chuyện về nó cho anh nghe, nhiều chuyện buồn cười lắm.

Nói đến đấy, Đạo lặng bặt. Hình như nó khóc.

Đêm đặc quánh màu đen. Đạo ơi, buồn phải không. Tao biết, người lính hay chạnh buồn lắm. Như tao đây này, hôm ở dưới cứ nhận được thư bố, biết tin bác hàng xóm mất, là do tuổi già thôi vậy mà tao phải lén lên đồi cọ để khóc. Mình đang ở nơi sinh tử mong manh lại hay lo cho người ở hậu phương. Nó kia rồi, tao vừa nhìn thấy đôi mắt của thằng Hậu, Đạo ơi. Đôi mắt của nó thất thần. Hồi mới lên điểm cao 812, lần đầu nghe tiếng rít của đạn pháo bay ngang qua, ánh mắt của thằng Hậu cũng chững lại, đờ dại như thế. Ánh mắt này tao đã gặp rồi. Là ánh mắt của người đồng nghiệp trong lần đầu gặp bão biển khi tao còn đi tàu. Con tàu thả neo tại nơi tránh trú bão bị những con sóng vật nghiêng ngả. Như là gió bốc con tàu hàng nghìn tấn hất lên không trung rồi ném ầm xuống mặt biển. Cơ thể tao như nát vụn ra từng mảnh rồi lại bị vo thành viên bi lăn lộn trên sàn tàu. Ánh mắt của người đồng nghiệp hoảng loạn, rồi đờ đẫn nhìn tao cầu cứu. Ánh mắt chết chóc. Tao đã nghĩ thế. “Tao ra mở cửa nhìn boong xem thế nào. Chứ nhốt mình trong đây như bị nhốt trong quan tài, sợ lắm.” Trong một thoáng lặng gió, tàu đứng yên, người đồng nghiệp bảo thế. Tao túm áo anh ấy giữ lại. “Đừng anh. Mở cửa ra nước tràn vào là chết trước.” Nhưng anh ấy không nghe, chuệnh choạng ra mở cửa ca bin. Một con sóng ập tới cuốn anh ấy xuống biển. Trong một thoáng, tao bắt gặp ánh mắt của anh ấy trong trắng xóa của sóng biển. Ánh mắt chững lại giây lát rồi chuyển sang sợ hãi khủng khiếp, tuyệt vọng…

*

*         *

- Anh Huy à, kin khẩu lố!

- Tối thui thế này, cơm không bốc lại bốc đất mà ăn à. Cố ngủ đi cho quên đói.

Huy cũng đói. Cái đói cào cấu ruột gan. Vận tải mang cơm lên từ nửa đêm nhưng phải chờ tới sáng, nếu không chỉ có chấm bùn mà ăn. Cái lạnh bò buồn buồn trong xương. Nghiến răng chịu chứ mặc quần áo còn lạnh hơn. Người như trâu đằm, trơn nhẫy như lươn. Vắt bâu vào người chỉ có hút được bùn, cong lưng bỏ chạy.

Păn lụng bụng nói:

- Cơm chấm bùn còn hơn ở nhà. Cả năm được ăn bữa cơm có khi đếm chưa hết đốt ngón tay. Toàn mèn mén với rau luộc. Đi rừng, một tay bốc mèn mén, một tay vã nước suối vào mồm.

Có tiếng thở dài của Đạo. Chắc còn xúc động khi nghe tin Hậu hi sinh. Đạo xoay người. Hình hài như được bóc ra từ khối đen.

- Thèm mồi thuốc lào quá. Hai ngày nay chưa được khói nào - Đạo bứt rứt.

Huy lần sờ chiếc ba lô đựng nhu yếu phẩm treo ở đầu cột.

- Hộp sữa ông Thọ mới cấp đêm qua đâu rồi. Mỗi thằng nhấm tí cho đỡ đói.

Đạo hào hứng:

- Đúng đấy. Người ta cai thuốc lá bằng cách ngậm kẹo cho qua cơn. Cho em mút vã một miếng cho đỡ thèm thuốc. Păn đâu rồi, lặng im thế.

Tiếng Păn rên rỉ ngoài cửa hầm:

- Anh Huy ơi! Đau bụng quá. Đi tướt rồi.

- Chỉ có cơm với muối, chúng tao có sao đâu.

- Tại lúc tối em mút hết hộp sữa ông Thọ.

- Bây giờ không ra ngoài đi được đâu. Chẳng biết có lộ không mà hôm nay cối sáu nó toóc quanh chỗ mình nhiều thế, pháo sáng giăng trắng đêm. Ỉa ra đấy bọn vận tải dẫm phải, chửi bố mày lên đấy.

- Ỉa vào mũ sắt, lúc nào đầy bò ra ngoài đổ. Bọn ở H kể, pháo nhiều quá, đến mũ sắt cũng hết phải ỉa ra giầy rồi ném ra ngoài.

*

*         *

- Sáng rồi, vào đào thôi.

Huy xỏ đống ba lô vào sợi dây, khom lưng kéo. Đạo hổn hển bò theo. Huy uể oải nói:

- Cả đêm đi mấy chục lần, sức đâu mà đào. Ra ngoài ngồi ôm mũ sắt đi. May cho mày, trời mưa to trôi luôn, chứ không chết ngạt vì thối.

- Có thằng to như trâu mộng lại bị tụt hết lòng mề ra, lấy đâu người đào. Oải lắm rồi! - Đạo cằn nhằn.

Oải lắm rồi. Đạo nói cái điều mà Huy đang cắn răng chịu đựng. Cơn bão biển năm xưa vo viên cơ thể lại, còn bây giờ Huy đang bị bùn đất vuốt doãi ra rồi cái khung trời bé tí của đường hầm bẻ gập lại từng đoạn. Ước gì được đứng thẳng lưng, giống như lúc huấn luyện đội hình đội ngũ. Ước gì không ước lại ước cái khổ. Tập đội hình đội ngũ là lúc cơ cực nhất của anh tân binh. À không, mấy năm nghĩa vụ, đêm nào Huy cũng ước được ngủ trên một chỗ thật cứng, thật phẳng mà chưa được một lần. Tại Huy sợ lại gặp bão biển nên xin làm việc trên bờ, nếu còn là thủy thủ đã không phải đi nghĩa vụ quân sự.

Đường hầm sâu lắm rồi, trên hai trăm bước chân. Ngày nào Huy cũng đo để mong tới đích. Nhưng tới đâu là đích? Đích là công sự địch! Mình đang nhắm mắt đào chứ có nhìn thấy công sự địch chỗ nào đâu. Bao nhiêu mét, hướng đi thế nào, bọn trinh sát phán như thần, cứ như nhìn xuyên qua đất. Sâu thế sao chưa tới công sự địch? Không phải, đích là chiến thắng, Huy chống chế. Anh nói cứ như là chính trị viên, chiến thắng là khi ta giành lại được trận địa đã mất. Cái đích của tao cần đạt được bây giờ là đường hầm không bị lộ, không bị sập và sức mình còn đủ để đào ba mươi ba lô đất một ngày, để rồi hết hạn nghĩa vụ được khoác ba lô, thẳng lưng, tay vung, chân bước hùng dũng về nhà. Anh cứ lí sự. Mọt sách.

Là Huy tự chia nhân vật, tự nói chuyện với mình thôi. Càng vào sâu càng khó thở. Gần tới công sự địch rồi không được đào mạnh. Lộ. Nói nhiều không còn không khí để thở.

Đào! Huy phóng xẻng phập vào đất. Hai bả vai Huy như có luồng điện chạy qua. Không, phải là một mảnh pháo găm vào. Nhói đau. Cái đau đến rất nhanh rồi qua mau khiến người ta không cảm nhận được cái đau nhưng nó lại âm ỉ buốt tận đáy óc. Huy buông rơi chiếc xẻng, ngã xuống bùn.

Lạnh tê mặt. Huy cố mở mắt. Có người lau mắt Huy. Không lau thì bùn dính chặt, không mở được mắt.

- Tao bị làm sao thế?

- Tự dưng anh gục xuống. Có lẽ mệt quá. Kéo mãi mới ra được. Em cũng không chịu nổi nữa rồi.

- Păn, đỡ đi tướt chưa?

- Cũng đỡ rồi. Bụng còn gì nữa đâu mà đi. Mệt lắm.

- Hai đứa vào đào tiếp đi, cho tao nghỉ tí nữa.

Trong hai cái khoanh tròn trên khuôn mặt bết bùn đất của Đạo, Huy nhìn thấy một tia sáng ấm áp và cố gồng mình chịu đựng.

- Vâng! Nhưng vấp phải tảng đá to lắm, để em thử đào về hướng khác.

- Im! Có tiếng gì lạ lắm?

Huy nhoài người bò ra cửa hầm quan sát. Hình như có bóng người. Thám báo? Huy hô mật khẩu:

- Sông Lô!

Đáp lại:

- Sông Hồng!

Quân ta.

- Đại trưởng!

Cả ba cùng nhận ra Đại đội trưởng Tước qua ánh mắt quen thuộc.

- Đây là sư trưởng! - Đại đội trưởng giới thiệu người đi cùng. Toàn thân ông vàng ệch màu đất.

Sư đoàn trưởng! Cả ba trố mắt ngạc nhiên nhìn rồi đứng nép vào nhau, hai tay ôm bẹn.

- Thẹn cái gì, có thằng nào còn chim đâu mà phải đậy. Đố biết tớ có mặc quần không - Sư trưởng cười, nói.

Ba đứa nhìn vào của nhau. Đất trét kín, phẳng lì.

Huy thắc mắc:

- Sao thủ trưởng lại vào lúc này? Lộ thì sao. Tính mạng của thủ trưởng, lại còn bí mật của trận địa nữa!

- Thủ trưởng trưởng thành từ đặc công rừng Sác, xuất quỷ nhập thần, địa hình này có là gì.

Sư đoàn trưởng hỏi Huy:

- Đào phải tảng đá lớn rồi phải không. Trinh sát báo về nên tôi vào kiểm tra. Gần tới công sự địch rồi đấy. Nhiệm vụ của đơn vị đến đây hoàn thành. Tôi vào trong xem xét rồi cùng rút ra.

- Đi bây giờ? Đông người thế này có được không ạ?

- Quán triệt chung toàn đơn vị, đây là vị trí tuyệt mật, khi xuống dưới tuyệt đối không được nói cho người khác.

- Dạ, vâng!

*

*         *

Mưa xối như thác đổ, giăng mờ mịt, cách hai mét không nhìn thấy nhau. Sư trưởng dẫn đường, Đạo là người đi cuối, đoàn người bám nhau di chuyển như những con cá lác trườn trên mặt bãi bùn ngoài cửa sông ngày còn bé Huy hay ngắm nhìn. Vẫn là con đường của những đêm tải đất từ đường hầm ra sông Lô đổ mà hôm nay đi ban ngày thấy lạ lẫm. Chờ Đạo đi sát lên, Huy hỏi:

- Liệu có lạc đường không? Tao thấy khác lắm.

- Mọi lần vào cõng đất ra toàn đi đêm còn không sợ lạc, giờ đi ban ngày, lại có sư trưởng dẫn đường. Anh lúc nào cũng nghi ngờ.

Réo! Xoẹt!

Đoàn người nằm bẹp xuống.

Oành!

Quả đạn cối nổ ngay gần. Có khi đạn hụt tầm.

Mọi lần vào cõng đất ra mình đã đi thế nào nhỉ. Dựa vào pháo sáng để đi. Không phải. Mỗi khi có pháo sáng là chúi người xuống giấu chứ có nhìn đường đâu. Đêm đen đặc quánh. Đi như nhắm mắt mà đi. Đi cứ như có người dắt, để rồi mình chẳng phải đắn đo gì.

Ầm! Ầm! Đất dưới chân rung lên. Tiếng nổ gì lạ thế. Rào! Rào! Như tiếng mưa nhưng hạt mưa gì khủng khiếp thế.

Đất lở!

Những mảng đất văng vào người rát rạt.

Có bàn tay bám vào chân Huy. Huy đang tụt. Đất trôi dưới bụng. Bàn tay Huy ngoàm vào đất làm mỏ neo. Người Huy không còn tụt nữa. Bàn tay bám vào chân Huy rời ra. Huy quay xuống nhìn.

- Đạo ơi! - Huy gào lên gọi.

Đạo đâu trong cái dòng đất đang trôi tuồn tuột kia? Có phải kia không? Đúng là ánh mắt của nó rồi. Cầu cứu. Ánh mắt chịu đựng. Dòng đất đã lấp đi ánh mắt của Đạo. Không nhìn được ánh mắt của mình nhưng lúc bị đau của mảnh pháo găm vào, của lúc cánh tay sau khi vung xẻng đào, Huy thấy có ánh sáng chói lóe, bay lên.

*

*          *

Bốn mươi năm rồi, mày nằm ở chỗ nào, Đạo ơi. Cái “núi lửa” ngày xưa nay đã phủ kín màu xanh. Lối đi ngày xưa chỗ nào? Chỗ mày bị đất cuốn đi ở đâu? Gần ba mươi năm, năm nào cũng trở lại đây, tao đi tìm. Năm nào, hình ảnh xưa cũng như thước phim được bảo quản vô trùng quay đi quay lại… Năm nào, tao cũng chỉ biết ngóng vào phía trong ấy để rồi mơ. Muốn được một lần mơ thấy ánh mắt của mày sáng lóe, bay lên mà không được.

Đường hầm chúng tôi từng đào ở chỗ nào nhỉ? Trận đánh theo đường hầm không thực hiện. Vậy thì nó phải còn chứ. Làm gì có đường hầm nào, đội rà phá bom mìn trả lời Huy. Vậy mà ngày xưa lúc nào Huy cũng lo sợ lộ vị trí. Đường hầm sẽ là ánh mắt chỉ lối cho Huy tìm ra chỗ Đạo nằm. Khoảng trời nhỏ bé chỉ có chiều cao mét hai, chiều rộng tám mươi phân mà ngày nào những người lính đào đường hầm tấn công nhóng nhìn ra để mơ.

N.Q.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)