Kỉ niệm về một người anh hùng

Thứ Năm, 27/06/2024 00:42

Năm 1966, đất trời Hải Dương đổ lửa. Cái nóng giữa hè đã đáng sợ, nhưng còn cái nóng khốc liệt hơn là bom đạn của đế quốc Mĩ ném xuống miền Bắc. Kẻ thù mở chiến dịch “Sấm rền” nhằm cắt đứt đường 5 Hà Nội - Hải Phòng mà chúng gọi là “cuống họng” của miền Bắc. Năm đó, tôi làm phóng viên trực chiến ở đường 5.

Hôm đó, tôi vừa ở Đại đội 8, pháo cao xạ 105 li ra, đang ghé vào tổ nữ dân quân trực chiến bên đường Nam Sách đi Bến Hàn thì thấy một anh bộ đội to cao tuổi trạc 30 đạp xe đến xin nước. Tôi thân mật chào anh. Chúng tôi nhanh chóng quen nhau bởi cả hai đều nói tiếng miền Nam và sau đó phát hiện ra anh cùng quê Phú Yên, và lại rất gần quê tôi. Tôi ở Mỹ Quang, anh Phú Câu, ngay cửa biển Tuy Hòa. Nếu đứng ở bờ biển thôn tôi nhìn về phía Nam thì nơi bờ biển lượn cong tít tắp là quê anh. Các cô gái Hải Dương thấy hai chúng tôi đều người Phú Yên thì sôi nổi hẳn lên:

- Quý hoá quá. Gặp hai anh của quê hương Phú Yên kết nghĩa.

- Hai anh, có anh nào ở Tuy Hoà kết nghĩa với Nam Sách quê em không?

- Có tui đây. - Anh bạn tôi đáp.

Các cô tíu tít mời nước, mời khoai lang. Gọi là khoai lang nhưng thật ra chỉ mới lớn hơn ngón tay cái. Nhưng với chúng tôi lúc đó là rất thú vị.

Chúng tôi giới thiệu tên tuổi cho nhau và tôi biết anh là Hồ Đắc Thạnh, bộ đội hải quân.

Nhà văn Trình Quang Phú và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hồ Đắc Thạnh. Ảnh: TL

Tôi tham gia trong Ban đại diện của Hội đồng hương Phú Yên, nhưng rất ít gặp người Phú Yên ở Hải Dương nhất là ở trận địa khói lửa thì gặp người cùng quê lại càng khó. Vì vậy, gặp anh tôi vui mừng như gặp người bà con. Tôi kéo anh vào một cái lều lụp xụp bên đường, mà các cô ở đây gọi là “Quán Thanh niên”. Bán nước chè xanh, kẹo dồi (loại kẹo đậu phộng làm như khúc dồi lòng heo nên gọi kẹo dồi), bánh chưng. Các cô bán quán cái đích là phục vụ cho cán bộ bộ đội chiến đấu, và cũng cải thiện cho đơn vị nữ dân quân. Một chiếc bàn tre, một băng ghế gỗ thấp, cô gái bán quán vẫn có cái mũ rơm và cây súng trường dựng ở góc lều. Máy bay đến cô sẽ tay súng nhảy vào chiến hào cùng đồng đội bắn máy bay tầm thấp, hòa với khẩu đội 12 li 7 của tổ nữ dân quân gần đấy.

Anh Thạnh đưa tay chỉ câu khẩu hiệu cắm trên thành trận địa của các cô. “Vì miền Nam, vì Phú Yên, bắn trúng quân thù”. Anh nói với tôi:

- Anh đọc kìa, chị em vì quê ta đó.

- Ừ, ở Hải Dương này phong trào kết nghĩa lên cao lắm, ở đâu, kể cả cày cấy trên đồng ruộng cũng “Vì Phú Yên làm bằng hai”. Hôm rồi, ở Kim Thành, khẩu đội 12 li 7 nữ dân quân khi phát lệnh đã hô: “Trả thù cho Phú Yên, nhắm thẳng đầu, bắn!” Và các cô đã bắn rơi một chiến A06 của Mĩ khi nó bay sát mặt sông để tránh pháo cao xạ.

- Hay quá, cảm kích quá! - Anh Thạnh cảm động nói.

Tôi và anh nói với nhau nhiều chuyện. Và tôi được biết ngày chống Pháp anh ở Tiểu đoàn 375 của tỉnh Phú Yên và tôi là chú bé liên lạc bên tỉnh đội vẫn qua lại. Chúng tôi trở nên gần gũi và thân thiết nhau. Tôi mạnh dạn hỏi: Anh ở Hải quân có tham gia Đoàn tàu Không số không?

Anh nhìn tôi tỏ ra tin tưởng và gật đầu.

- Ồ! Hay quá. Cánh báo chí tụi em khâm phục các anh lắm. Sự kiện Vũng Rô ở quê mình vang dội cả thế giới, họ gọi là huyền thoại đó anh. Bây giờ em xin hỏi anh chuyện này. Em nghe các đồng nghiệp bên Báo Quân đội nhân dân kể rằng: Mỗi lần các anh ra đi đều có tổ chức bữa cơm, và trong bữa cơm đó có đại diện Quân uỷ Trung ương đến thắp nhang và nói: “Các đồng chí ra đi phải chiến thắng trở về, nhưng nếu không may phải hi sinh thì đây là nén nhang thơm của Đảng, của Quân uỷ, của nhân dân tiễn biệt các đồng chí”. Có đúng vậy không anh?

Anh Thạnh nhìn tôi im lặng một lúc và nói:

- Bây giờ có sự kiện Vũng Rô rồi, kẻ địch biết ta vận chuyển đường biển rồi thì tôi có thể nói với anh được, chứ trước đây là bí mật. Chuyện đó là hoàn toàn có thật, bởi vì anh biết mỗi cán bộ chiến sĩ chúng tôi khi xuất quân đều quyết tâm chiến thắng trở về, nhưng kẻ thù luôn bên cạnh, nếu bị phát hiện thì sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và sẵn sàng chấp nhận hi sinh.

Tôi nắm chặt tay anh, xúc động: “Vĩ đại quá!”. Hôm đó, tôi mời anh ăn bánh chưng. Thường thì ở quán này các cô gói bánh chưng chỉ có nhân đậu xanh và mỗi cái nhỏ lọt lòng bàn tay, tuổi thanh niên như tôi và anh Thạnh thì một cái không thấm vào đâu. Nhưng hôm đó, cái bánh to hơn. Cô du kích bán quán nói:

- Tối hôm qua làng có đám cưới được phép mổ con lợn(1), tụi em lấy mấy thứ thịt bạc nhạc làm nhân, nên bánh này là “có người lái” anh nhá, ngon đấy, mời hai anh.

- Sao lại gọi “có người lái?” - Anh Thạnh hỏi.

- À, anh ở dưới biển không biết, kinh tế khó khăn, phở có loại chỉ có bánh phở chan nước lèo không có thịt gọi là phở “không người lái”, bánh chưng không có nhân cũng gọi là bánh “không người lái”. Cô ấy nói “Có người lái” là có nhân bằng thịt đó anh.

Anh Thạnh hiểu ra cười vui. Chúng tôi mỗi người ăn luôn hai cái, chất béo của chút thịt bên trong rất ngon miệng, nhưng cái ngon hơn có lẽ tôi được gặp người anh em đồng hương và lại là anh lính của quân chủng mà giới báo chí chúng tôi gọi là “lính đặc biệt”. Cô du kích ngồi nhìn chúng tôi ăn ngon lành như được vui lây. Ăn xong, tráng miệng khúc “kẹo dồi” đậu phộng, uống bát nước chè xanh, cả hai phấn chấn. Giành mãi, anh Thạnh mới để tôi trả tiền.

Chúng tôi chia tay nhau quyến luyến. Anh tháo chiếc đồng hồ đeo trên tay tặng tôi:

- Anh giữ làm kỉ niệm, của các bạn ở bến miền Nam tặng tôi.

- Thứ này quý lắm. Anh giữ mà dùng.

- Quý mới gởi lại anh!

Tôi rờ khắp người xem có gì đáng giá. Chỉ có cây viết, vũ khí tác nghiệp hàng ngày, tôi rút ra tặng anh Thạnh.

Chúng tôi chia tay, mỗi người một trận tuyến. Năm sau, tôi lên đường đi chiến trường miền Nam, rồi tham gia công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và mất liên lạc với nhau.

*

* *

Bốn mươi lăm năm sau, tôi vô cùng vui mừng sung sướng khi được tin nhân dịp kỉ niệm 50 năm Đoàn tàu Không số đường Hồ Chí Minh trên biển Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho thuyền trưởng tàu Không số Hồ Đắc Thạnh. Tôi tìm anh, chúng tôi gặp lại nhau sau tròn nửa thế kỉ. Ngày ấy, anh mới ba mươi hai tuổi, nay chỉ thiếu hai năm là tròn tám mươi. Chúng tôi gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi, vì cả hai đều đi qua hai cuộc chiến, mà cuộc chiến đấu thứ hai này kéo dài hai mươi năm, cả triệu đồng chí, đồng bào ngã xuống, còn cả trăm ngàn liệt sĩ không biết thân xác nằm ở đâu. Vậy nhưng hai chúng tôi vẫn nguyên vẹn trở về. Tôi trân quý anh ngay từ lần đầu gặp gỡ và càng trân quý hơn khi anh ở tuổi tám mươi và cả thập niên sau vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, chăm lo đồng đội, đặc biệt với gia đình những đồng đội đã hi sinh. Anh không quên truyền lửa cho các thế hệ sau. Tôi đã cùng anh đi thăm nhiều nơi của đất nước. Tôi khuyến khích anh ghi lại những gì anh đã kiên gan chiến đấu trên biển cả giữa vòng vây của kẻ thù.

Chuyện chiến tích, anh đã kể nhiều và nhiều người nghe, nhiều người viết. Là một nhà văn, tôi sẽ viết gì về người anh hùng, niềm tự hào của quê tôi và của riêng tôi?

Với mười hai chuyến chở vũ khí vào Nam cập bến từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, và đặc biệt anh, duy nhất chỉ có anh ba lần chỉ huy tàu cập bến Vũng Rô của Phú Yên.

Sau giải phóng, một lần tôi gặp đồng chí Trần Suyền, nguyên là Khu uỷ viên Liên Khu uỷ 5, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên trực tiếp làm Bến trưởng Vũng Rô để chỉ huy đội quân tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc đưa vô.

Đồng chí Trần Suyền, có biệt hiệu Sáu Suyền (Sáu Râu, biệt hiệu này trong nhân vật chính của phim, và của các bài kí mang tên “anh Sáu Râu”) cũng cho tôi nhiều tư liệu về những lần đón tàu Không số.

Anh Sáu nói: “Cả ba chuyến tàu vào Vũng Rô trót lọt đều do Mười Thạnh (tức Hồ Đắc Thạnh) làm thuyền trưởng chỉ huy. Các anh nghĩ coi: Vũng Rô rất gần quốc lộ I, nhiều trạm gác của địch, kể cả trạm rađa sừng sững trên núi Chóp Chài. Con tàu từ miền Bắc vào không có ai dẫn đường, đi giữa hàng rào của hải quân địch, không quân địch. Vượt qua hàng rào này, cái sống, cái chết trong gang tấc. Nhưng giữa đêm tối không đèn, mà vào an toàn và đúng bến Vũng Rô, đúng giờ quy định thì thật tài tình. Mười Thạnh hồi trẻ đi biển, nhưng đâu có vô Vũng Rô khi nào, vả lại vô giữa đêm tối, giữa ba bề địch bủa vây, là sự thông minh, tài trí và dũng cảm vô song”.

Đúng như vậy, không phải chỉ Vũng Rô, cả ở Cà Mau, ở Bến Tre, ở Bạc Liêu, ở Trà Vinh, ở Bãi ngang Quảng Ngãi… Mười hai lần anh Thạnh chỉ huy tàu giữa đêm tối vào đúng bến. Làm sao tắt máy tránh rađa của địch mà tàu vẫn trôi vào theo đúng ý của chúng ta. Làm sao giả ngư dân mà tàu địch đi sát cạnh vẫn tin là ngư dân. Cái giả trong thật, thật trong giả đã lừa được địch để đi đến nơi, vào đến bến, và còn phải đúng giờ. Chúng ta đi trên bộ, đi trong thành phố còn trễ giờ, các anh mênh mông như vậy và chưa hề biết vị trí của bến, chỉ biết trên bản đồ, vậy nhưng, nhất nhất phải đúng giờ. Vì giờ đó trên bến cả trăm người sẵn sàng đón vũ khí và cũng giờ đó nước thủy triều lên, cũng giờ đó mới đảm bảo giải tỏa xong trước khi trời sáng để tàu trở ra hải phận quốc tế trở về miền Bắc. Cái đúng giờ thật vô cùng khó và vô cùng quan trọng. Vậy đó, những con tàu Không số là như vậy, anh hùng Hồ Đắc Thạnh của chúng ta đã làm như vậy.

Nếu khen các anh dũng cảm, can đảm thì lời khen tặng đó quá bình thường, bởi đã là lính của tàu Không số đồng nghĩa là cảm tử, là chấp nhận sẵn sàng hi sinh như anh Mười Thạnh đã nói. Cái điều tôi suy nghĩ mãi, những năm đó công nghệ thông tin chưa phát triển, thiết bị về bản đồ, về toạ độ còn quá thô sơ, nhưng làm sao giữa đêm tối như vậy, phải lách qua mũi kẻ thù, mà vẫn vào đúng bến. Tôi khâm phục sự thông minh, bản lĩnh, tài trí, gan góc dám hi sinh của các anh, và đặc biệt là với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, người anh mà tôi vô cùng kính mến.

Một lần, tôi có đề nghị với anh:

- Chuyện chiến tích dù nửa thế kỉ trôi qua thì vẫn còn nóng hổi, và sách báo đã nói nhiều, bây giờ anh kể cho tôi một kỉ niệm sâu sắc nhất của anh những năm ấy.

Anh vui vẻ: “Kỉ niệm sâu sắc thì nhiều lắm, lênh đênh trên hải phận quốc tế, đối đầu qua mặt với không quân, hải quân Mĩ, lục quân Mĩ - ngụy. Anh biết đó, đánh nhau với địch trên đất liền bộ đội có rừng, có cây, có núi, có đất làm công sự. Đánh nhau trên trời với địch còn có mây che… Còn tụi tôi, biển là một mặt phẳng, tất cả phơi ra đó, phải giả làm ngư dân, giả sao cho thật. Cái đó cần sự điêu luyện, bình tĩnh. Anh biết đó, chúng ta chiến đấu để lật đổ chế độ ngụy quyền, phải “đánh cho ngụy nhào”, vậy mà, chúng tôi phải treo lá cờ ba sọc của ngụy quyền trên cột buồm, lấy nó làm bùa che mắt địch. Nhiều anh em, mỗi lần nhìn lên lá cờ là tức giận, nhưng rồi quen. Nhiều lần tàu địch kèm bên trái và kèm cả bên phải, súng chĩa thẳng vào tàu chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng nổ súng đánh trả, chấp nhận hi sinh nằm lại đáy biển. Nhưng anh em tôi vẫn bình thản, một chiến sĩ ta xách con cá thu còn tươi (đã ướp đá lâu ngày) giơ cao và hô to: “Các anh có ăn cá tươi không?”. Mấy thằng địch cười, thế là ta đánh lừa được địch. Con tàu cứ thế đi tới. Có lần tàu tôi đi giữa sự kiểm soát của địch, tôi gọi là được “hộ tống” vì trên đầu là máy bay của hạm đội 7, dưới biển thì tàu của địch đi sát hai bên. Lần đó, chúng tôi phải ra hải phận quốc tế, treo cờ Đài Loan và cứ thế hiên ngang đi vào lãnh hải của Philippine rồi Indonesia, Malaysia. Trời chiều mát, tôi bảo anh em bày cờ ra chơi như không có gì xảy ra và sai một cậu lính lấy tờ báo chữ Hoa lượm được ở Hải Nam ngày trước ra đọc, dù anh ta không hề biết một chữ Hoa nào. Chắc trên máy bay, ống nhòm có độ phóng lớn chúng thấy rõ, tin chúng tôi là tàu của Đài Loan nên bỏ đi. Không chuyến nào giống chuyến nào. Nhưng nếu nói là sâu sắc nhất có lẽ là ở Vũng Rô Phú Yên quê mình, đó là chuyến tàu cặp bến tết năm 1965, chuyến thứ ba tàu tôi vào Vũng Rô. Theo lệnh cấp trên thì giao thừa chúng tôi phải cặp được bến. Chuyến đó tôi quyết tâm đón giao thừa với anh em đồng chí quê nhà sau mười năm xa cách, nên tôi phân công anh em mua theo ba mươi đòn bánh chưng, bánh tét, ngày đó ở miền Bắc chỉ có bánh chưng, bánh tét phải đặt và một số bánh kẹo, trà, thuốc lá, có cả bốn mươi chai bia Hà Nội. Anh em sáng kiến mang theo cả một cành đào búp nhỏ gọn. 23 giờ 50 phút, tôi cho tàu cặp bến Vũng Rô. Anh Sáu Suyền(2), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trực tiếp có mặt chỉ huy việc tiếp nhận vũ khí đã mừng đón. Chúng tôi đang bắt đầu trao đổi công việc thì pháo sáng, pháo nổ, cả súng bắn nổ rền vang. Giật mình tưởng bị lộ. Nhưng không, các đồn địch bắn súng, bắn pháo đón giao thừa. Cũng lúc đó, từ radio tiếng Bác Hồ chúc tết vang lên, giọng Bác ấm áp và sang sảng:

Chào mừng Ất Tỵ xuân năm mới/ Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi/ Miền Bắc xây dựng đời sống mới tươi vui/ Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới/ Đồng bào hai mùa thi đua sôi nổi/ Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng/ Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi/ Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công.

Nghe thơ Bác giữa đêm giao thừa tại quê nhà, tại giữa trận chiến với những người anh chị em quê hương thân yêu tôi xúc động nghẹn ngào, anh Sáu Suyền ôm chặt tôi. Nhìn những cánh hoa đào nở bên cành mai vàng trên núi mới lấy, còn tươi xanh, chúng tôi rất vui mở bia, mở bánh đón giao thừa. Anh Sáu nói “Có mai, có đào là biểu tượng của sự gắn kết keo sơn Nam - Bắc, biểu tượng cho hòa bình, thống nhất như Bác Hồ vừa chúc. Có vũ khí của Đảng, của Bác gởi vào nhất định chúng tôi sẽ đánh thắng”.

Chúng tôi ngất ngây trong tình cảm của anh em đồng chí. Trong bao năm làm lính và gần 10 năm làm thủy thủ, chưa có tết nào ấm cúng và ý nghĩa sâu sắc như năm đó. Tôi đứng lên chúc tết đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và anh em Phú Yên mà xúc động, nghẹn ngào. Đặc biệt hơn, giữa không khí đêm giao thừa ấm áp đó, một cô dân công tải vũ khí, người đậm đà tầm thước, khuôn mặt phúc hậu, bước đến xin Trưởng bến cho gặp thuyền trưởng.

Anh Sáu Suyền chỉ tôi:

- Đây là thuyền trưởng. Cô muốn nói gì?

Cô gái đưa hai tay phía trước, trong lòng hai bàn tay là một bọc nhỏ gói trong chiếc khăn thêu ren rất đẹp. Cô mở ra, đó là một nắm đất. Cô trân trọng nói:

- Chúng em gởi anh mang ra miền Bắc nắm đất Vũng Rô kiên trung bất khuất. Nhờ anh thưa với Bác, với Trung ương, chúng em vì mảnh đất này mà chiến đấu không sợ hi sinh gian khổ.

Tôi nhận nắm đất mà lòng rung động mãnh liệt, một luồng điện chạy rần rần từ đầu đến chân. Đúng, chúng ta vì mảnh đất này, vì quê hương Phú Yên, vì miền Nam mà sẵn sàng chiến đấu hi sinh. Chính vì mảnh đất này mà bao đồng chí đã ngã xuống, vì mảnh đất này mà các đồng đội của tôi đã hi sinh, có đồng chí nằm trong lòng biển... Tôi đón nhận nắm đất quê hương vào lòng xúc động nước mắt rưng rưng. Anh Sáu Suyền thấy vậy ôm tôi nói:

- Chúng ta sống chết vì mảnh đất này.”

Nắm đất ấy, anh đã mang về miền Bắc, báo cáo với Chính ủy Quân chủng, với Tư lệnh và nó đã được lưu giữ ở Bảo tàng Hải quân Việt Nam. Một nắm đất quê hương, một giao thừa giữa trận chiến, nhưng lại là giao thừa của sum họp sau mười năm xa cách. Đây là một trong những kỉ niệm sâu sắc nhất của người anh hùng Hồ Đắc Thạnh thuyền trưởng tàu Không số huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Cùng anh Mười Thạnh thăm lại bảo tàng Hải quân, được cầm trong tay nắm đất Vũng Rô năm xưa cùng chiếc khăn thêu ren vẫn tươi màu, rất đẹp, tôi cảm được sự ấm áp của tấm lòng người dân đất Phú với cách mạng. Chúng tôi đứng trước con tàu HQ671, con tàu do anh hùng Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng đã 12 chuyến cặp bến miền Nam. Con tàu được trưng bày trong sân bảo tàng, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” và đơn vị tàu HQ671 đã hai lần được tuyên dương đơn vị Anh hùng, bởi thành tích đặc biệt xuất sắc. Tàu HQ671 đã có tám cán bộ được phong và truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung tá Hồ Đắc Thạnh là người cầm lái con tàu HQ671. Trong quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng của Chủ tịch nước dành cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh ghi rõ: “Là một trong những thuyền trưởng tham gia nhiều chuyến hàng nhất. Khi chỉ huy thì bình tĩnh, sáng suốt, mưu trí, táo bạo đã nêu tấm gương mẫu mực về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đức hi sinh, sự tài giỏi và sự vững vàng trong mọi tình huống…”.

Hồ Đắc Thạnh, người con của Phú Yên, người thuyền trưởng tàu Không số đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp nên những trang sử hào hùng, tạo nên huyền thoại cho hôm qua, hôm nay và cho mai sau của dân tộc

T.Q.P

----------------------------

1. Trong thời bao cấp, muốn mổ heo cũng phải được phép.

2. Đồng chí Sáu Suyền tức Trần Suyền, bí danh Sáu Râu - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, sau được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)