. HOÀNG KIẾN BÌNH
Tôi với chị Riêng là người cùng làng, cùng lớn lên trong một xóm nhỏ. Tuy không có họ hàng thân thích gì, nhưng hợp tính cách nên chúng tôi chơi thân với nhau từ thuở còn là lũ trẻ mục đồng đày nắng dầm mưa.
Những năm đầu đổi mới, lúc đất nước bắt đầu mở cửa, kinh tế có sự khởi sắc nhưng cái nghèo đói vẫn hiện hữu trên các nẻo đường quê. Làng tôi là vùng thuần nông của miền quê Bắc Bộ. Xa đường quốc lộ, dân làng quanh năm cày cuốc lam lũ với ruộng đồng, bởi kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, rồi thì bòn giót tăng gia trồng rau màu, chăn nuôi lợn gà. Gặp khi thời tiết thuận lợi còn đỡ, có năm không thuận lúa má bị nạn rầy nâu, rồi thiên tai mất mùa, chăn nuôi gặp dịch bệnh, lúc giáp hạt nhiều hộ gia đình thiếu đói phải đi vay mượn từng thùng thóc, đấu gạo.
Khi cái ăn còn phải lo lắng hàng đầu thì cái sự học hành người ta cho là thứ yếu. Ngay như gia đình chị Riêng không phải khó khăn gì, thuộc diện có của ăn của để trong làng nhưng lão Hoán bố chị bảo, “Học lắm mà làm gì, học rồi vẫn cứ lấy đít trâu làm thước ngắm, học vẫn phải chổng mông đi cấy, học thế đủ rồi. Không làm thì lấy gì đổ vào mồm”. Thế là chị Riêng nghỉ học khi vừa xong cấp hai. Chị cũng chẳng lấy thế làm buồn vì xung quanh đám bạn chỉ có số ít là tiếp tục học lên cấp ba còn phần lớn cũng nghỉ học như chị. Mà chị cũng chẳng có thời gian để buồn bởi bao công việc nhà nông cuốn lấy. Chị Riêng hơn tôi năm tuổi, lúc ấy chị đang ở cái tuổi rực rỡ nhất của thời thiếu nữ, lúc nào cũng duyên dáng tươi tắn và đẹp dịu dàng như đóa sen. Tôi đồ rằng chị là người con gái đẹp nhất làng.
Minh hoạ: Đỗ Dũng
Việc gì chị Riêng làm cũng giỏi. Tuy chẳng có cuộc thi nào nhưng mọi người đều công nhận chị là cô gái cấy nhanh và giỏi nhất làng. Một tay chị cầm bó mạ, tay còn lại nhoay nhoáy rút ra những rảnh mạ dùi xuống ruộng cấy như một cái máy, ngọt như húp xáo lòng. Mùa gặt, nắng như thiêu như nung, chị gánh lúa trên bờ kênh với chiếc đòn gánh cong nặng trên vai, hai bên quang lúa đầy đến ngọn mà bước chân cứ thoăn thoắt mềm mại uyển chuyển, cặp mông quả táo đánh tanh tách nhịp nhàng. Các bà các mẹ ai nấy đều tấm tắc và ước ao có được cô con dâu đẹp người đẹp nết lại khỏe mạnh và cái tướng mắn đẻ thế kia thì chả mấy lúc con đàn cháu đống, thóc khoai đầy bồ.
Đấy là các bà các mẹ nghĩ và ước trong lòng vậy thôi chứ chị là gái đã có nơi có chốn. Chị yêu anh Cường con bác Cương. Bác Cương đang là phó chủ nhiệm hợp tác xã. Còn anh Cường là bộ đội đóng quân mãi tận biên giới Cao Bằng. Đợt anh nghỉ phép mặc nguyên bộ quân phục về làng nhìn rất oách. Anh còn tặng chị Riêng bức ảnh mặc quân phục bồng súng đứng dưới chân thác Bản Giốc khiến đám bạn gái của chị cứ chết rệp. Dạo đó là tết đoan ngọ, hình ảnh anh mặc quân phục, tay xách đôi ngỗng cùng quà đến tết nhà chị Riêng cứ được nhắc mãi trong các câu chuyện của làng quê tôi. Nghe nói qua tết ra giêng họ sẽ tổ chức lễ cưới.
Nhưng đám trai làng và trai mấy làng xung quanh đâu có cam chịu. Họ cho rằng tre nào mà chả có gai, bốt nào chả có địch. Chỉ mới là dạm ngõ chưa cưới thì họ có quyền hi vọng. Tối nào nhà chị Riêng cũng có hàng toán bọn trai đến nhà uống nước trồng cây si. Bọn trai làng cho rằng có bông hoa đẹp mà cứ để cho bọn ở đâu đến ngắm rồi không cẩn thận lại bị chúng hốt mất thì nhục mặt. Chó cậy nhà gà cậy vườn, trai làng ra oai cấm trai làng khác đến tán gái làng mình. Thế là bắt đầu có cà khịa, nhẹ thì cảnh cáo ném giày dép vào bụi tre gai, nặng hơn là quăng xe đạp xuống ao, hồ. Chiếc xe đạp là cả một gia tài, đêm hôm dù trời rét căm căm cũng phải lội xuống nước mà mò, nghĩ nó uất ức. To tiếng rồi đánh nhau. Ầm ĩ cả làng trên xóm dưới.
Lão Hoán bố chị Riêng bực lắm, tránh đêm dài lắm mộng, điều tiếng không hay về con gái, cứ tối đến là lão đóng cửa không tiếp khách, và để chắc ăn hơn còn kéo rào tre rấp ngõ. Đám trai lơ tức lắm nhưng không làm sao được, một vì sợ lão Hoán, lại thêm mấy ông anh trai nổi tiếng bặm trợn của chị Riêng nên chỉ dám đứng ngoài đường nhìn rồi bỏ đi. Nhưng đi thế thì không cam lòng, bèn quay lại đái đầy ngõ cho hả dạ. Sáng nào ngõ nhà lão Hoán cũng nồng nặc mùi nước tiểu. Lão Hoán điên lắm, rình bắt được vài đứa mất dậy đe nẹt, cảnh cáo các kiểu nhưng vẫn đâu vào đấy.
May thay tình trạng trên chấm dứt khi làng quê tôi bắt đầu có điện. Dù xót của lão Hoán vẫn phải mắc thêm một bóng điện sáng choang ngoài ngõ. Một số nhà trong làng đã sắm được ti vi, đầu video, cassette nên bọn thanh niên cuốn vào những cái mới vui hơn nhiều cái trò tối tối kéo đàn kéo lũ đi lơ.
Mùa hè những năm chín mươi. Tôi được nghỉ hè chuẩn bị lên lớp mười một. Một buổi trưa, chị Riêng rủ tôi đi lấy rong về nuôi lợn. Hai chị em lấy xe đạp thồ đội nắng dắt bộ trên con đường đất nhỏ xuyên đồng. Hai bên, lúa đồng đã gặt trơ ra những gốc rạ lấp xấp nước chuẩn bị đổ ải, đây là thời điểm yêu thích của lũ mục đồng khi cho trâu bò thoải mái đi ăn để còn tụ tập mò cua tát cá. Chúng tôi đến một con ngòi nối thông với sông Hóa, là nguồn cung cấp nước chính cho cánh đồng của làng. Chúng tôi cứ để nguyên quần áo lội xuống bắt đầu công việc. Loại rong chị em tôi lấy là tóc tiên. Nước trong ngòi sâu chỉ độ một mét, nhưng muốn lấy rong thì phải cúi người ngập nước đến cổ luồn hai tay xuống đáy bùn nhổ từng cụm lên, giũ cho sạch bùn khi nào chìa ra những bộ rễ trắng ngần cùng búi rong dài hàng nửa mét thì cho vào rổ sề và đưa lên bờ. Hai chị em rất vui vì gặp trúng đám rong mọc dày trải rộng, loáng cái đã lấy được lượng lớn xếp đủ cho xe đạp thồ. Trước khi lên bờ chúng tôi lội ra chỗ nước trong kì cọ bùn đất. Đột nhiên tôi thấy chị Riêng rú lên rồi cứ nhảy choi choi trên mặt nước.
- Dũng ơi! Đỉa, đỉa! - Chị Riêng cuống cuồng kêu lên.
Tôi lao ra chỗ chị:
- Đâu, nó ở đâu? Lên bờ mau!
Chả cần tôi giục thì chị Riêng đã lao lên bờ, hai tay giữ ngực, mặt tái mét vì sợ hãi. Tôi hiểu ra sự tình, trong lúc dìm mình xuống nước nhổ rong, một con đỉa đã chui qua kẽ hở trên cổ áo chị và cắm cái vòi tham lam vào cơ thể chị.
- Chị phải cởi áo ra thì em mới bắt được chứ.
Hai tay chị Riêng run rẩy tuốt chiếc áo phông cổ tròn qua đầu. Tôi cũng chết khiếp khi nhìn thấy con đỉa trâu đen sì, to tướng bám chặt vào một bên vú chị. Một đầu vòi của nó khuất sau lớp vải của chiếc áo xu chiêng. Có lẽ con đỉa đã hút nhiều máu, thân hình nó căng mọng lên. Chị Riêng gần như lả đi vì sợ. Tôi đưa tay gỡ một đầu của con đỉa, nó bám rất chắc, phải dùng một lực mạnh mới được. Không thấy máu chảy ra, chắc đây là đầu giác bám. Tôi giật mạnh nhưng cái đầu hút máu bám chắc, loay hoay kiểu gì vẫn không rời ra. Sau cùng tôi phải tóm phần thân của con đỉa qua lớp vải của chiếc áo xu chiêng giật. Con đỉa bị bật ra nhưng không may chiếc áo xu chiêng cũng bị giật tung. Một dòng máu đỏ loang ra một bên vú từ chỗ mồm con đỉa hút máu.
Tôi như chết lặng. Lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy rõ ràng một bầu ngực con gái lồ lộ. Thấy rõ cả những mạch máu xanh xanh dưới làn da trắng nõn của cặp vú thanh tân. Xấu hổ tôi quay ra chỗ vừa ném con đỉa trong lúc chị Riêng giật mình hoàn hồn tìm mặc lại áo. Mặt chị cũng đỏ bừng lên vì ngượng.
Chuyện này tôi bị ám ảnh đến hàng tuần, cứ nhìn thấy mấy chị, mấy cô gái trẻ là tôi lại tưởng tượng qua lớp vải áo của họ là bộ ngực trắng hồng của chị Riêng. Tôi tránh gặp chị.
Tôi bước vào năm học lớp mười một. Thời gian này tôi ít gặp chị Riêng. Nhưng hễ cứ có thời gian và biết tôi không bận học, thế nào chị cũng rủ tôi đi ra đồng làng khi thì bắt cua ốc, hôm đi đánh giậm, xúc cá.
Một thời gian sau tôi nghe phong thanh chuyện tình yêu của chị và anh Cường có vấn đề. Lâu rồi không thấy chị kể chuyện về anh Cường. Tôi cũng không tiện hỏi.
Nguyên nhân là từ lão Hoán bố chị.
Lão Hoán rất hay uống rượu. Bình thường lúc không rượu thì lão Hoán là một nông dân cần cù chịu khó, gia đình lão lúc nào cũng thuộc dạng kinh tế khá giả của làng, nhưng khi say thì lão như thành một người khác. Cứ rượu vào là lão lèm bèm chửi vợ con. Bà Chung mẹ chị Riêng cũng vào dạng đành hanh ghê gớm, lúc đầu cũng bốp chát lại, thế là lão Hoán cứ vớ cái gì đập cái đó, đuổi đánh vợ làm náo loạn cả xóm. Sau mấy lần như vậy, rút kinh nghiệm, lão say cứ để cho lão chửi không ai chấp lời và lảng đi chỗ khác. Chửi mãi thấy chán, lão Hoán rời nhà, đêm hôm mò mẫm đi gõ cửa nhà những người đàn bà góa hoặc nhỡ nhàng. Cũng có khi gặp được bà nào khát tình thì được mở cửa cho vào. Nhưng gặp phải những bà đàng hoàng và để chứng minh là người đoan chính thì các bà xỉa xói cho cả làng cả tổng nghe.
Đương nhiên là gia đình tử tế gia giáo lại có tí chức sắc như gia đình nhà bác Cương bố anh Cường làm sao muốn thông gia với thành phần đêm đêm cứ như mèo hoang chó dại. Gia đình bác Cương đã bắn tin hủy hôn.
Một hôm chị Riêng rủ tôi ra bờ đập nơi có hàng phi lao chỗ lấy rong dạo trước. Ngồi trên bờ đập với hàng phi lao vươn mình đón gió, chị Riêng kể anh Cường đã viết thư chia tay chị. Rồi chị khóc, vừa khóc vừa gấp những bức thư mà anh Cường gửi cho chị thành những con thuyền giấy và thả trôi trên dòng nước...
Rồi tôi nghe tin chị Riêng xách đôi ngỗng và các đồ lễ mà ngày trước anh Cường đã đem đến nhà chị hôm tết đoan ngọ đến trả cho nhà bác Cương.
Chiều tối hôm ấy, tôi đến nhà chị Riêng để xác nhận cái tin chị trả lễ gây xôn xao làng trên xóm dưới. Cửa nhà mở nhưng trong nhà ngoài sân vắng tanh. Đoán lão Hoán lại say rượu, tôi toan về bỗng dưng nghe thấy tiếng ú ớ phía nhà tắm chỗ bờ giếng. Tôi nghe thấy tiếng chị Riêng khóc lóc van xin. “Con xin bố, bố đừng làm thế!” “Mày chiều bố một tí thì có sao!”
Rồi tiếng chị Riêng kêu cứu như bị nghẹn lại. Tôi xô cửa nhà tắm xông vào. Chị Riêng đang bị ông bố to lớn bẻ quặt một cánh tay ra sau, một tay lão đang bóp cổ con gái. Quần áo trên người chị Riêng xộc xệch, hai chiếc cúc áo đã bung ra. Thấy tôi thình lình xuất hiện lão Hoán giật mình buông con gái ra. Chỉ chờ có thế chị Riêng chạy ra đằng sau tôi. Lão Hoán gầm lên:
- Mày đến đây làm gì. Con gái tao hư thì tao phải dạy. Cút ngay!
Đúng lúc ấy thì bà mẹ chị Riêng từ đâu về, chưa cần biết đầu đuôi đã quay ra quát con gái:
- Mày biết tính bố lúc say rồi, sao không tránh đi. Bằng tuổi bạn bè trang lứa đứa nào cũng chồng con đề huề. Đằng này…
Như giọt nước tràn li chị Riêng phẫn uất trong nước mắt:
- Mẹ đã nghe làng trên xóm dưới người ta nói gì về bố chưa? Con không thể sống như mẹ được. Thật nhục nhã!
Lão Hoán điên máu xông đến chỗ chị Riêng. Tôi nhảy ngay vào chắn giữa. Lão rít lên:
- Việc của gia đình tao, mày xen vào làm gì. Cút, cút ngay.
Cứ mỗi tiếng cút là lão nhảy lên cho tôi cái tát trời giáng.
Rồi lão Hoán lôi xồng xộc con gái vào nhà, vừa lôi vừa đánh. Tôi nóng máu chạy theo sẵn đà song phi cả hai chân vào tấm lưng trần của lão Hoán khiến lão ngã sóng soài ra thềm nhà. Tôi chạy tới dắt tay chị Riêng lao ra ngõ.
Chúng tôi cứ chạy. Những bước chân vô định đưa chúng tôi qua miếu thành hoàng, ra cổng làng, cánh đồng. Trăng thượng tuần vừa nhú phủ lên đồng làng một màu bàng bạc soi đường cho chúng tôi thẳng bước hướng bờ đập nơi có hàng phi lao.
Tôi để yên cho chị mượn bờ vai khóc. Chị Riêng khóc như mưa như gió. Những cơn gió đồng đêm mơn man thổi như giúp lau khô đi những giọt nước mắt.
Rất lâu, chừng nguôi ngoai chị đứng lên quả quyết:
- Chị phải đi Dũng à. Đi khỏi nhà càng sớm càng tốt.
- Chị định đi đâu?
- Chị chưa biết nhưng chị phải đi. Chị chẳng còn cách nào khác. Trước mắt chị đến nhà bạn chị. Em ở lại học hành cho tốt nhé. Rồi chị sẽ biên thư về cho em.
- Nhưng em lo lắm, con gái đêm hôm, mà chị đi đâu?
- Em đừng lo, chị tự lo được. Chị đi trước nhé. Em cũng nhớ giữ kín chuyện tối nay giúp chị nhé.
Những tiếng sấm rì rầm từ xa vọng về báo hiệu những cơn mưa ngâu sụt sùi đang tới.
Bóng chị Riêng mờ dần rồi tan vào ánh trăng non.
Thời gian đầu chị Riêng bỏ đi tôi rất nhớ chị, nhớ da diết cồn cào. Tôi nhìn cô gái nào cũng ra chị. Tôi không biết tình cảm tôi dành cho chị Riêng ngoài tình chị em ra còn là gì nữa...
*
* *
Kể từ ngày chị Riêng rời làng và biệt tích đến nay đã hơn ba mươi năm. Cứ mỗi lần nghĩ tới chị là tôi lại nghẹn lòng. Tôi đã rất ân hận khi ngày ấy không giúp gì được cho chị.
Hôm nay tôi về quê thì được tin lão Hoán vừa chết. Tôi không ngạc nhiên vì biết lão đã ốm liệt giường chiếu mấy năm nay. Có điều trời xui đất khiến thế nào tôi lại về quê vào đúng hôm lão đi.
Mẹ tôi vừa từ nhà đám lão Hoán về, kể chuyện:
- Lão Hoán lúc còn sống cũng chả ra gì. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận. Có cô con gái thì bỏ đi biệt tích nhưng lại được anh con nuôi tử tế lắm. Con nuôi mà như con đẻ. Lúc lão Hoán ốm đau anh ấy về thăm nom, chăm sóc, phụ giúp tiền nong. Nay lão chết, anh ấy về lo toan đâu vào đấy có khi còn hơn cả mấy anh con trai.
Thấy tôi vẫn chăm chú lướt điện thoại, mẹ lớn giọng:
- Sao anh giờ này mà còn chưa sang hỏi thăm phúng viếng. Tôi biết anh vẫn còn uất vụ cái tát của lão ấy năm xưa.
Tôi bước nhanh ra ngõ đi loanh quanh. Quê tôi đã thay da đổi thịt, chả còn tí dấu tích gì của nghèo đói, tranh tre vách đất xác xơ xưa kia, giờ đây nhà cửa khang trang đẹp đẽ, đường làng ngõ xóm phẳng lì bê tông sạch sẽ như ngõ phố. Tôi vào nhà đám thắp hương. Nhìn di ảnh lão Hoán, vẫn đôi mắt xếch cùng tia nhìn sắc lạnh, cặp môi dày cong làm cho khuôn mặt của lão lúc nào cũng vênh lên như thách thức, không hiểu sao hai má tôi nóng phừng phừng cảm giác giống như vừa hứng trọn cái tát trời giáng năm nào. Tôi ra bàn uống nước và đưa mắt tìm người con nuôi của lão Hoán.
Người con nuôi này tôi cũng chả lạ. Thắng, trước học cùng khóa khác lớp với tôi. Bố Thắng mất sớm, mẹ đi lấy chồng, Thắng được bà nội nuôi và phải vất vả lắm mới vào được cấp ba. Nhà xa trường, xe đạp không có, được người quen giới thiệu Thắng đến trọ học ở nhà lão Hoán. Thắng cao như tôi nhưng gầy tong teo nên nom cứ lênh khênh, thường bị lũ bạn trêu cao như cái sào chọc cứt. Học hành thì làng nhàng. Tóm lại Thắng không có gì nổi bật và dễ quên trong đám đông. Còn tôi lúc đó vừa học giỏi, đẹp trai nhất trường lại là con ông chủ nhiệm hợp tác xã. Sau đợt chị Riêng bỏ nhà đi hai tháng, Thắng cũng bỏ học, nghe nói vì gia cảnh quá khó khăn.
Nếu không có ông anh trai chị Riêng giới thiệu có lẽ tôi không nhận ra Thắng. Hình ảnh cao gầy vêu vao của ba mươi năm về trước không còn tí dấu tích gì, thay vào đó là một người đàn ông trung niên béo tốt thành đạt.
Thắng có vẻ sững người khi thấy tôi. Chúng tôi ngồi hỏi thăm xã giao dăm ba câu cho phải phép. Tôi cáo từ, vẫn không hết băn khoăn vì sao Thắng lại đối xử tử tế và chân tình với gia đình lão Hoán thế. Vì lúc trước tôi biết gia đình lão Hoán có gì tốt đẹp với Thắng đâu...
Tôi nghĩ chắc sẽ chẳng bao giờ gặp lại người bạn đó nữa.
Hơn một tháng sau, tôi cùng đội bạn đi phượt Tây Nguyên. Từ thành phố Buôn Ma Thuột đoàn chúng tôi đi Krông Pắc tham quan thủ phủ sầu riêng. Nơi đó hai bên đường san sát những vựa hoa quả tấp nập người mua bán. Vựa nào sầu riêng các loại cũng chất cao như núi. Ngoài sầu riêng còn cơ man là bơ, mít, ca cao … Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chờ lấy hàng từ các xưởng đóng gói. Đang đi, tự dưng con xe phân khối lớn của tôi bị trục trặc. Tôi tấp vào một vựa hoa quả hỏi thăm tiệm sửa xe. Một người đàn ông dáng là chủ vựa bước ra. Tôi không nhìn lầm và không ngờ. Là Thắng, người bạn, người con nuôi của lão Hoán mà tôi mới gặp hôm ở đám ma.
- Thắng phải không. Chẳng ngờ có thể gặp cậu ở đây. Giờ thành ông chủ lớn rồi à?
- Dũng. Sao Dũng tìm vào được tận đây? - Thắng ngạc nhiên khi thấy tôi.
Ngay lúc đó một phụ nữ từ phía trong bước ra đón xe hàng với cuốn sổ ghi chép trên tay. Nom chị có tuổi nhưng còn giữ dáng và nhanh nhẹn, gương mặt đẹp, phúc hậu. Vừa thấy tôi người phụ nữ mặt bỗng biến sắc:
- Có phải Dũng không em? Phải cậu Dũng không? Đúng Dũng làng Lầm rồi.
- Chị Riêng! Đúng là chị Riêng rồi, bao năm rồi chị thay đổi nhiều quá! Em suýt không nhận ra. Bao năm em chả có tin tức gì về chị. Người làng còn bảo chị đã chết.
Hai chị em tôi cứ ôm nhau khóc nấc lên mừng mừng tủi tủi.
Trong căn biệt thự phía sau vựa hoa quả, sau những phút hàn huyên không dứt, đến lượt tôi đờ người vì kinh ngạc khi chị Riêng giới thiệu với tôi Thắng là chồng chị. Họ đã có với nhau bốn đứa con hai trai, hai gái đều đã công ăn việc làm tử tế. Hiện cả hai đã lên chức ông bà nội.
Cả tôi và Thắng đều hiểu lí do bao năm chị không muốn về làng. Nhưng qua Thắng chị Riêng vẫn giữ trọn đạo làm con. Tôi thấy xót xa cho chị, chẳng ai có quyền chọn người sinh ra mình. Chả thể nào vứt bỏ được tình ruột thịt, cha mẹ mình...
Bữa cơm tối diễn ra chỉ có ba chúng tôi, vì các con của chị Riêng đứa làm ở thành phố Hồ Chí Minh, đứa trên Buôn Ma Thuột. Thắng bảo bữa cơm hàn huyên chỉ dành cho chúng tôi. Cuối bữa chị Riêng bảo phải đi có việc lát sẽ về rồi đánh xe ô tô đi. Chỉ còn mình tôi và Thắng.
- Vậy đợt cậu bỏ học vào trong này rồi mới gặp chị Riêng? - Tôi hỏi.
- Cậu không biết được đâu. Tôi thích Riêng ngay từ lần đầu gặp. Nhưng cậu biết đấy, ngày đó tôi đâu có cửa. Tôi âm thầm đứng bên lề mong cô ấy hạnh phúc. Đêm xảy ra biến cố, thấy Riêng lén lút gấp quần áo tư trang tôi đã biết là cô ấy trốn nhà. Tôi bảo Riêng cứ về nhà tôi ở tạm với bà tôi rồi từ từ tính. May sao cô ấy lại nghe. Một thời gian, tôi biên thư cho người bà con trong Tây Nguyên và họ nhận lời giúp đỡ xin cho cô ấy vào làm công nhân cao su. Nhưng đúng lúc chuẩn bị đi thì cô ấy phát hiện mang thai - Thắng dừng lại nhìn tôi.
- Mang thai là sao? Cậu đã…
- Việc này tôi phải hỏi cậu mới phải chứ! Cậu là đồ tồi. Nhưng nói gì thì nói, tôi thông cảm cho cậu và cảm ơn cậu, nhờ có đứa con đó mà tôi dũng cảm từ bỏ tất cả để đi cùng cô ấy. Và cũng nhờ có đứa con tôi yêu như con ruột của mình mà cô ấy chấp nhận tôi. Nói thật, tôi chả muốn gặp cậu tí nào nhưng là định mệnh khó cưỡng. Hôm nay Riêng tránh đi để tôi tự quyết định có nói ra việc này với cậu không. Nói xong việc này với cậu tôi thấy nhẹ lòng. Con nó hiện làm việc tại Buôn Ma Thuột. Mà cậu lên chức ông nội rồi đấy nhé.
Tôi thấy choáng váng, xây xẩm mặt mày khi nghe Thắng nói. Một bí mật mà tôi nghĩ chỉ có tôi và chị Riêng biết và đã thề sống để bụng chết mang theo, giờ phơi bày ra trước gió.
Tôi nhớ lại cơn gió đồng đêm năm nào, cái đêm mà chị Riêng quyết định bỏ làng ra đi. Chị Riêng đã nín khóc và nằm gọn trong lòng tôi. Chị bảo phận gái lưu lạc dặm trường, chắc khó giữ và chị muốn lần đầu tiên của mình dành cho người xứng đáng. Tôi không hiểu chị muốn nói gì. Bất ngờ chị cầm tay tôi đặt lên ngực chị. “Dũng đã một lần nhìn thấy... Chị biết Dũng thích lắm. Hôm nay Dũng có muốn nhìn nữa không...”
Rồi chị cởi phăng áo ngoài. Tôi như ngây dại, mê man bởi mùi thơm da thịt khi chị kéo đầu tôi áp vào hai bầu ngực. Toàn thân chị run rẩy. Chúng tôi như điên như dại...
Hàng phi lao hoan ca trong đêm.
Những cơn gió đồng thổi mãi...
*
* *
Đêm Krông Pắc. Cả ba chúng tôi không ngủ. Tôi và Thắng đã thuyết phục chị Riêng trở về thăm quê. Không thể vì những lỗi lầm của người lớn mà bắt con trẻ phải gánh chịu, chúng cần phải biết nguồn cội quê hương bản quán. Chẳng ai có thể quên và thay đổi được quá khứ. Quá khứ tốt ta cần nhìn vào nó để tự hào và sống tốt lên. Quá khứ xấu ta để nó ngủ yên và nhìn với lòng vị tha, buông bỏ. Đôi khi chúng ta phải bắt tay làm bạn với những người mà trước đây là kẻ thù không đội trời chung, huống hồ họ là những đấng sinh thành, ruột thịt của mình. Chị Riêng đã khóc rất nhiều và đồng ý sẽ trở về quê hương vào đúng ngày lễ cúng chung thất của cha chị.
Ngoài kia bình minh đang lên, hé mở một bầu trời trong xanh. Một ngày mới bắt đầu...
H.K.B
VNQD